Kim Ngọc Kỳ Ngoại

Chương 132: PN2 - Tân Châu



Biên tập: Ginny.

Từ núi Đông Dịch trở về, Cố Sâm lập tức phái đại nội cao thủ âm thầm vào núi tìm kiếm đường vào tàng bảo đồ.

Kỳ quái là năm đó hoàng đế tiền triều cũng từng phái người đi tìm long mạch, còn lấy một phần trong kho tàng, hiện còn đang giấu ở cung điện dưới lòng đất ở An gia, nhưng bất kể là chính sử hay dã sử, chưa từng có một ghi chép nào về việc triều đình từng phái người đến ngọn núi này lục soát.

Đông Dịch Sơn núi cao hiểm trở, trong khi cửa vào kho tàng chỉ có một, nếu đi tới đi lui vận chuyển tài bảo chắc chắn không thể nào kín kẽ đến mức không lộ một tiếng gió nào ra ngoài như vậy được.

Như thế chỉ có hai khả năng, một là có một cửa khác vào Đông Dịch Sơn, hai là long mạch không nằm ở nơi này.

Chuyện này cứ như vậy không có manh mối, nháy mắt đã nhập đông, dựa theo ước định lúc trước với Diệp gia, mùa đông hằng năm Diệp Trọng Cẩm phải về Tân Châu làm tròn chữ hiếu.

Diệp Trọng Cẩm hiển nhiên rất vui, háo hức chuẩn bị về Tân Châu thăm người nhà, Cố Sâm thì buồn bực muốn chết, bởi vì sứ thần Đông Lang quốc mấy hôm nữa sẽ đến, thân làm vua một nước, làm sao có thể bỏ khách ở lại mà chạy về nhà vợ được.

Ban đêm.

Cố Sâm vừa giúp Diệp Trọng Cẩm kiểm tra hành lý một lần nữa vừa càm ràm: "Năm sau trẫm sẽ tới Tân Châu, A Cẩm an tâm đợi trẫm đón về."

Diệp Trọng Cẩm ngoan ngoãn gật đầu.

Cục cưng này càng ngoan ngoãn, Cố Sâm càng không nỡ chia xa, hắn ôm người vào lòng, hung hăng hôn một trận.

Diệp Trọng Cẩm cười nói: "Trước đây ngài bỏ lại ta, đi một lần đi tới tận bảy năm, sao bây giờ lại không nỡ xa ta như vậy."

Cố Sâm đáp: "Khi ấy A Cẩm còn nhỏ, trẫm muốn thân mật với A Cẩm hơn một chút là cứ có cảm giác mình phạm phải tội ác tày trời, chi bằng đi quách đến biên quan, mắt không thấy tâm không phiền."

Diệp Trọng Cẩm nghe vậy thì thẹn đỏ cả mặt: "Ngài cái người này..."

Cố Sâm than thở: "Chỉ tiếc thát tử tái bắc không chịu đánh, mới có mấy năm quân binh đã rã đám hết rồi, trẫm ngày ngày rảnh rỗi, lại kiềm lòng không được nhớ tới A Cẩm, cứ nghĩ không biết A Cẩm đã cao thêm bao nhiêu, có còn nhỏ bé yếu ớt như lúc trước hay không, có phát bệnh nữa không, có... có ngưỡng mộ nhớ thương cô nương nào không, càng nghĩ càng cảm thấy gian nan không chịu được, thế là truy giặc truy vào tận đại mạc, mỗi ngày làm bạn với bão cát, vậy mà lại cảm thấy dễ chịu hơn một ít."

Diệp Trọng Cẩm nắm một lọn tóc đen của nam nhân, cầm lược gỗ đào chải tóc cho hắn, vẻ mặt không nhìn ra cảm xúc gì, hỏi hắn: "Vậy ngài có biết khi đó ta nghĩ gì không?"

Cố Sâm sững ra, sau đó như một lẽ hiển nhiên đáp lại: "Bên cạnh A Cẩm đã có phụ mẫu, có đại ca, có chí hữu làm bạn, trẫm nghĩ, A Cẩm hẳn là không buồn không lo."

Diệp Trọng Cẩm cười khẽ: "Ngài thật sự nghĩ vậy?"

Cố Sâm cũng nở nụ cười: "Trong lòng trẫm đương nhiên là hy vọng A Cẩm sẽ có một chút gì đó nhớ trẫm, nhưng khi đó khanh luôn lãnh đạm với trẫm, nhìn vào ước chừng cũng không có tình cảm gì khác."

Diệp Trọng Cẩm đặt gỗ lược đào xuống, áp mặt vào mái tóc đen của nam nhân, lẩm bẩm: "Ta có những đêm nằm mộng, trông mộng thấy ngài."

Cố Sâm hỏi: "Mộng thấy trẫm?"

Diệp Trọng Cẩm nói: "Ta cũng không biết phải nói sao, có lúc là mơ thấy ngài của đời trước, có lúc lại mơ thấy ngài của đời này. Có lúc, ta thấy ngài đứng dưới gốc hoa lê, ngài nhìn ta rồi nở nụ cười, có lúc lại thấy ngài tắm máu sa trường, chiến bào đen nhuộm sũng máu tươi. Khi tỉnh giấc lòng ta rất sợ, ta nói với sư phụ muốn học thuật kỳ môn độn giáp, bởi vì có như vậy, dù ngài ở cách xa muôn trùng vạn dặm, không thể nhìn thấy ngài, nhưng ta vẫn có thể biết được ngài vẫn bình an."

Nhắc lại những chuyện đã qua, trong lòng Diệp Trọng Cẩm cũng hơi bối rối, nhưng có mấy lời nếu không nói ra, người khác vĩnh viễn không bao giờ biết được.

Y chầm chậm nói: "Ta khi đó... dù chưa nhận ra tâm ý của mình, nhưng lòng của ta đã biết nhớ mong thấp thỏm."

Đôi mắt đen láy của nam nhân khóa chặt trên gương mặt thiếu niên, chốc lát sau, hắn ôm người vào lòng, bật ra tiếng cười trầm: "A Cẩm, khanh còn nói thêm nữa, trẫm không thả khanh đi được mất."

Diệp Trọng Cẩm đẩy hắn ra, quay người đi kiểm tra lại đồ đạc mang theo, cười nói: "Chuyện này thì không được, hơn nửa năm không gặp cha mẹ ông nội và ca ca, bọn họ nhớ ta lắm rồi, đôi song sinh cũng sắp thôi nôi, người ca ca này không thể vắng mặt được đâu."

Y tự mình vừa bận rộn vừa lẩm bẩm, Cố Sâm nhìn sườn mặt nghiêm túc làm việc của y, khóe môi chậm rãi nhấc lên nụ cười rất nhẹ.

Tân Châu.

Bách tính Đại Khâu lưu truyền một câu nói: Văn không qua được Tân Châu, võ không bì được Kim Châu. Kim Châu là châu huyện gần sát châu thành tái bắc, địa phương đã sinh ra rất nhiều danh tướng, điển hình là thần thoại bất bại nổi danh nhất triều đại – Mạnh Đình Uy Mạnh lão tướng quân, nguyên quán cũng là ở Kim Châu này.

Tân Châu thì càng đặc biệt nổi danh, là gốc rễ của thị tộc thư hương trăm năm Diệp Thị, tộc họ Diệp đến nay đã có trăm năm lịch sử, là thánh địa bái cầu học vấn của văn nhân học tử khắp thiên hạ.

Một chiếc mã xa trông rất bình dị tiến vào cổng thành, bên trong lại là một chân trời khác, bên dưới trải hai ba tầng nệm mềm, trong góc đặt một cái lò sưởi hình tai thú mạ vàng ấm áp, thiếu niên khoác áo choàng hồ cừu tựa đầu vào lưng một con hổ đang ngủ gật an nhiên đọc sách.

Ngoài xe, nam tử thanh y nhỏ giọng thông báo: "Chủ tử, đã đến Tân Châu rồi."

Diệp Trọng Cẩm vén rèm xe nhìn ra, khí hậu ở đây ấm hơn kinh thành, tuy đã vào đông nhưng không rét lạnh, người đi đường đại thể đều mang dáng vẻ thư sinh.

Y nói vọng ra ngoài: "Tống Dịch, đi chậm một chút, trên đường đều là văn nhân."

Tống Dịch thả chậm tốc độ đánh xe.

Diệp Trọng Cẩm chỉ từng hồi hương tế tổ khi còn rất bé, nhiều năm rồi chưa trở lại nơi này, y không nhớ rõ đường đi, Tống Dịch bèn dừng xe lại hỏi đường.

Thư sinh được hỏi đường vừa nghe nói bọn họ từ kinh thành tới thăm thân nhân thì rất nhiệt tình chỉ đường cho họ, hai người không bao lâu đã tìm được tổ trạch của Diệp Thị.

Dinh thự này so với tướng phủ hiển nhiên không thể xa hoa và phong thái bằng, nhưng lại hơn ở chỗ thư hương trăm năm lắng đọng, kiến trúc hay chạm trỗ, phong đình hay thủy tạ, nơi nơi đều mang hơi thở cổ xưa, đoan trang lại nho nhã.

Người Diệp gia đã ngóng trông y mấy nay, không ngờ y lại về một cách lặng lẽ như vậy.

An Thị đang đang dỗ cặp song sinh ngủ, nghe hạ nhân bẩm báo, nói rằng Nhị thiếu gia đã về, An Thị cứ ngỡ mình nghe lầm rồi, nha hoàn cứ phải lặp đi lặp lại tận mấy lần.

An Thị nhíu mày: "Nha đầu này, thôi đùa giỡn dỗ ngọt ta đi, A Cẩm của ta..."

Lúc này Diệp Trọng Cẩm xốc lên liêm trướng, bước vào gọi: "Mẫu thân, kẻ nào dám bông đùa dỗ ngọt mẫu thân thế?"

An Thị sững sờ một đỗi, trong lòng trăm mối ngổn ngang, A Cẩm của nàng hơn nửa năm xa cách nay đã cao hơn nhiều lắm, đã ra dáng một thiếu niên lang tuấn tú hào hoa rồi.

Diệp Trọng Cẩm tiến tới nắm tay An Thị: "Mẫu thân nhìn thấy A Cẩm lẽ nào không vui sao?"

An Thị nói: "Mẫu thân vui lắm chứ, nhưng trời đông giá rét, con đi đường có phải đã chịu không ít khổ rồi không?"

Diệp Trọng Cẩm đáp: "Nào có khổ cực gì, suốt đường đi con du sơn ngoạn thủy, ăn uống toàn là mỹ thực, A Cẩm còn thấy mình chơi chưa thỏa nữa đấy."

An Thị bị y chọc cười, Diệp Trọng Huy cùng lúc bước vào, bạch hổ lững thững theo sau hắn, trông qua đúng là mới được cho ăn, gương mặt tròn vo hiện lên sự thỏa mãn một cách phô trương hết cỡ.

Diệp Trọng Huy trêu: "Xem ra A Cẩm chỉ no phần mình, còn Đại Miêu thì bị bỏ đói thê thảm."

Diệp Trọng Cẩm ấm ức giải thích: "Đại Miêu ăn thú hoang dã vị, cho nó ăn cái khác nó không chịu ăn, làm sao có thể trách A Cẩm được."

Mấy người cười đùa một lúc rồi kéo đến chỗ lão gia tử vấn an.

Lão gia tử dựng râu trợn mắt, hỏi y sao không nói trước một tiếng, hoàng thượng làm sao lại để cục cưng của ông xuất hành một cách sơ sài qua loa như vậy, đứa cháu ngoan thông minh đáng yêu của ông nếu đi đường gặp phải kẻ xấu thì biết làm sao.

Diệp Trọng Cẩm nghe mắng mà chỉ dám cười trộm trong lòng, lão gia tử nhìn thì nghiêm khắc, nhưng tính tình thật ra lại rất trẻ con. Y bèn kể lại vài chuyện thú vị mình nghe được trên đường, lại khoe dạo gần đây học theo bút tích của ông, đã tiến bộ lên không ít, dỗ dành vài câu lão gia tử đã vui đến cười toe toét, nằng nặc đòi giữ y lại viện mình dùng bữa, nói sao cũng không chịu thả người.

Đã hơn nửa năm người một nhà bọn họ mới được dịp này toàn tụ.

Diệp Nham Bách đã bỏ đi lớp quan phục triều đình, thay lên người màu áo của một tiên sinh dạy học, cũng trút bỏ hết những sắc sảo thuở còn thân tại quan trường, chân chính trở thành một người nhàn vân dã hạc, làm một người trí thức nho nhã.

Diệp Trọng Huy ngược lại không có bao nhiêu thay đổi, vẫn là dáng vẻ trích tiên thường trực, mà hôn sự cũng vẫn như xưa, chưa có một chút manh mối hay tiến triển nào.

Nhắc đến hôn sự của trưởng tử, An Thị chỉ biết thở dài, sau đó lại thư thái nói: "Linh Vi bây giờ cũng đã gả cho người khác rồi, mẫu thân chẳng còn cách nào khác nữa, cứ theo ý nó thôi."

An gia vì án liên quan đến tiền triều đã bị kê biên tài sản, cả nhà sau đó dọn khỏi kinh thành, Diệp Nham Bách cho người an bài cho họ đến Tân Châu, nơi này có Diệp gia làm gốc rễ, tuy không thể sánh được với phồn hoa kinh kỳ, nhưng được cái tự tại hơn xưa, An Linh Vi ở nơi này cũng tìm được một lang quân như ý.

Diệp Trọng Cẩm nghe tên họ của người nam nhân mà An Linh Vi đã gả thì bật cười, đời trước sau khi An Linh Vi rời cung, Cố Sâm cũng tìm cho nàng một nhà chồng tốt, khéo sao lại chính là người nam nhân mà đời này An Linh Vị đã tự mình lựa chọn. Có thể thấy hai người bọn họ thật sự có duyên có phận với nhau.

An Thành quận chúa và Lưu quân sư cũng thành một đôi, hai người Lục gia cũng đã hòa hảo trở lại, nhẩm đi nhẩm lại, cuối cùng chỉ còn mỗi mình ca ca y là đến nay vẫn chỉ một mình một bóng.

Dùng cơm xong, Diệp Trọng Cẩm cùng Diệp Trọng Huy đi dạo trên đường đá để tiêu thực, y cảm thán một câu: "Không biết duyên phận của ca ca đang ở nơi nào."

Màu mắt Diệp Trọng Huy như xám lại, ung dung đáp: "Có lẽ vẫn đang ở một chỗ đợi ta, hoặc cũng có lẽ, đã bỏ lỡ rồi."

Diệp Trọng Cẩm nghe vậy trong lòng bỗng thoáng qua nỗi buồn vô cớ.

Đáy mắt Diệp Trọng Huy như hiện ý cười, ôm lấy hai má đệ đệ xoay lại: "A Cẩm chẳng khác gì khi còn bé, nhẹ dạ, lại thích đắn đo ôm phiền muộn về mình, chỉ cần tỏ ra yếu đuối một chút, A Cẩm đã vội mềm lòng."

Diệp Trọng Cẩm thẹn quá hóa giận, trầm giọng: "Diệp Hằng Chi, huynh lại trêu chọc ta."

Diệp Trọng Huy vội vàng dỗ y: "A Cẩm đừng giận, ca ca dùng một thứ thật tốt bồi thường cho đệ."

Y buồn bực xoay người bỏ đi.

Diệp Trọng Huy đi theo sau lưng y, hỏi: "A Cẩm không muốn biết long mạch nằm ở đâu sao?"

Diệp Trọng Cẩm đáp: "Đệ tìm được rồi, nằm ở Đông Dịch Sơn."

Diệp Trọng Huy cười nói: "Người vẽ tàng bảo đồ ấy hẳn là hy vọng người nào tìm ra nó đều phải đến Đông Dịch Sơn tìm kiếm."

Diệp Trọng Cẩm ngẩng đầu: "Lẽ nào không phải?"

Diệp Trọng Huy đáp: "Đúng là không phải."

Hắn nắm tay đệ đệ dẫn tới một viện tử, nơi này là một tòa lâu sừng sững vững vàng, chính là thư lầu của bổn gia Diệp gia, nếu đem ra so sánh với tàng thư các của hoàng cung phỏng chừng còn phong phú hơn một bậc, thường thường cứ cách một khoảng thời gian, đệ tử trong tộc sẽ tiến hành chỉnh lý sao chép lại, phòng khi những thư tịch hiếm có khó tìm ngày sau tuyệt tích.

Diệp Trọng Huy rút xuống một quyển thư tịch đưa cho Diệp Trọng Cẩm: "Từ xưa đến nay, muốn chọn nơi làm thủ địa của long mạch, điều coi trọng nhất phải là nơi có long khí sung mãn, cái gọi là long khí sung mãn này chính là âm dương ngũ hành hợp lại mà đạo gia thường nói, trong ngũ hành có tương sinh tương khắc, tạo nên vạn vật sinh sôi không ngừng, nếu ngày nào đó sự cân bằng này bị phá vỡ, sẽ sinh ra rất nhiều sự cố."

Diệp Trọng Cẩm lật xem thư tịch trên tay, xem một lúc lại ném nó sang một bên: "Lời ca ca nói A Cẩm đều hiểu, nhưng muốn tìm được một nơi vừa có âm vừa có dương, lại còn là nơi ngũ hành tương sinh tương khắc, nói thì dễ làm thì rất khó."

Diệp Trọng Huy đáp: "Đương nhiên rất khó, A Cẩm có muốn biết đáp án không?"

Diệp Trọng Cẩm vội vàng bịt miệng hắn lại: "Đã có manh mối rồi, còn lại tự đệ tìm, không thì còn ý nghĩa gì chứ."

Diệp Trọng Huy ngẩn người, thấy y háo hức tìm kiếm lật xem những quyển điển tịch khác thì chỉ biết nở nụ cười bất đắc dĩ.

Thật ra không cần phải vất vả tìm kiếm đâu xa, ngay trong tòa Kim Quang Tự mà A Cẩm từ bé đã đến, nơi đó mới chính là long mạch.

Trước Kim Quang Tự là con sông Tam Thủy bắt qua, Tam Thủy chi nguyên, ứng với thủy, trong tự có một rừng đào bốn mùa hoa nở, đào lâm ứng với mộc, khách hành hương nối liền không dứt, hương khói ngập tràn, ứng với hỏa, lưng tự dựa vào Mân Sơn, ứng với thổ, cuối cùng là cái tên Kim Quang Tự, "Kim Quang" không phải chỉ Phật quang, mà là hào quang từ bảo vật đếm cũng không hết đang giấu dưới lòng đất, chính là kim trong ngũ hành.

Trước nay dân gian vẫn đồn rằng trong Kim Quang Tự có đầy rẫy cơ quan, xông vào sẽ bị giam lại. Lời đồn vô căn cứ thế này trước đó Diệp Trọng Huy không tin, cho đến năm ấy chính hắn bị nhốt bên trong mới hiểu sự lợi hại trong đó.

Một tòa sơn tự đầy rẫy cơ quan, đáp án quá rõ ràng, A Cẩm thông minh như vậy sao có thể không đoán ra được, chẳng qua đang giả ngốc đó thôi.

Qua một lúc lâu, Diệp Trọng Cẩm ngẩng đầu, nhỏ giọng nói: "Ca ca, sư phụ là người tốt, sư phụ thủ hộ long mạch không phải muốn làm chuyện xấu, có lẽ là chuyện bất đắc dĩ mà thôi."

Không Trần đại sư là người như thế nào, có thể được người người kính phục như vậy, Diệp Trọng Huy gật đầu: "Việc này sẽ không có bên thứ ba biết được."

Đây là bí mật nhỏ của huynh đệ hai người.

Diệp Trọng Cẩm yên tâm, kéo hắn ra khỏi thư lầu, đòi cưỡi ngựa đạp thanh, Diệp Trọng Huy bật cười, mới tháng chạp, lấy đâu ra "thanh" để đạp.

Cũng may, mùa đông ở Tân Châu không quá lạnh.

===========. Đọc 𝙩r𝐮yện ch𝐮ẩn không q𝐮ảng cáo _ 𝙩r𝐮m𝙩r𝐮 yen﹒Vn _

Hết chương 132.

Toàn văn hoàn.

Ngàn lần tự kiểm điểm, vì hỏng máy rồi quên khôi phục thư mục lưu truyện mà làm biếng tới tận hôm nay.

Truyện đã hoàn rồi!
Nếu bạn thích truyện này, hãy thử đọc các truyện khác cùng thể loại bên dưới nhé!