Kim Ngọc Kỳ Ngoại

Chương 70: Kim ngọc kỳ ngoại



(Bên Ngoài Tô Vàng Nạm Ngọc)

Biên tập: Ginny

Đậu tiên sinh tên thật là Đậu Kỳ Xuân, gần như là tiên sinh đứng đầu Thái An thư viện, ông từng dạy Diệp Trọng Huy mấy năm, thật lòng ngưỡng mộ tài hoa của người học trò này, cũng vì nể mặt ái đồ nên mới nhận vướng mắc với vị bảo bối nổi tiếng của nhà họ Diệp.

Trước đây Đậu Kỳ Xuân cũng từng nghe qua vài lời đồn trong kinh, nói rằng con cháu thư hương trăm năm Diệp gia chỉ có vị tiểu công tử này là đi lệch hướng, bảy tuổi mới biết chữ, chưa từng vào thư viện hay học đường đọc sách, cũng chưa từng mời tiên sinh về dạy, cả ngày chỉ biết vui chơi, người nhà cưng chiều Diệp tiểu công tử hết mực, ngay cả việc cầm bút cũng lo tới lo lui, sợ bàn tay bé nhỏ quý giá của y mệt nhọc, đến tuổi này cứ thế trở thành một bao áo gấm thêu hoa.

Cái gọi là bao áo gấm thêu hoa, nghĩa ở ngay mặt chữ, bên ngoài nhìn vào thì nghìn vạn quang hoa, kim tương bọc quả, bên trong lại trống rỗng không chứa được thứ gì, nói thẳng ra không khác gì một phế vật nhìn được nhưng không dùng được.

Đậu Kỳ Xuân nghĩ, một tiểu thiếu gia quen được nuông chiều từ bé chắc hẳn sẽ rất khó quản thúc, ngày đầu lên lớp nhất định phải lập uy.

Đậu tiên sinh ôm tư thế kiêu ngạo cố ý kéo dài gần nửa canh giờ mới thong thả tới biệt uyển của Diệp gia, trong lòng còn đang phỏng đoán không biết cái cậu tiểu thiếu gia kia sẽ nổi trận lôi đình như thế nào, kết quả, vừa vào cửa, học trò của Đậu tiên sinh đâu không thấy, chỉ thấy trên bàn lù lù một phong thư xin lỗi, càng khiến Đậu Kỳ Xuân không ngờ được là, chữ viết trong thư phiêu dật đến mức đến ông cũng phải kinh diễm xuýt xoa, chỉ tiếc nội dung thì lại chọc tiên sinh ông nổi giận quá chừng.

Thật ra trong thư Diệp tiểu thiếu gia không nói gì quá đáng, chỉ giải thích mình trước đây từng nhận một sư phụ, môn quy sư môn nghiêm khắc, không thể bái nhị sư, mong tiên sinh thứ lỗi. Sau cùng bỏ thêm một câu: Vãn bối tự biết bản thân mình ngu muội, không dạy dỗ được, không dám trễ nãi thời gian quý giá của tiên sinh.

Đậu Kỳ Xuân nghẹn uất thật lâu, lúc đầu ông còn nghĩ mình có thể dựa vào chuyện này gửi cho tướng phủ một phong thư trần tình, sau đó cứ vậy thuận lý thành chương từ chối chuyện này, ngặt nỗi cuối thư Diệp Trọng Cẩm lại bỏ thêm một câu như vậy, nếu ông giận quá mất khôn đi cáo trạng với phụ thân người ta, vậy không phải thuyết minh rằng, thì ra trong lòng ông cũng thầm chấp nhận mấy lời này sao?

Cái nhà họ Diệp kia nổi tiếng nhất là bao che khuyết điểm đấy.

Đậu tiên sinh trầm ngâm nghĩ ngợi một hồi, hay là trước cứ án binh bất động, xem thử vị tiểu công tử Diệp gia kia làm gì rồi hẵng quyết cũng chưa muộn.

Đậu Kỳ Xuân vừa nghĩ vừa nghêu ngao mấy câu ca dân gian nào đó, vui vẻ cầm bình tưới nước cho đám hoa cỏ trong sân, bỗng nghe có ba tiếng gõ cửa vọng vào, thư đồng đen gầy theo cạnh vội vàng chạy đi mở cửa, thấy người đến là Diệp Trọng Huy, thư đồng vui mừng chạy đến chào hỏi rồi quay vào viện gọi: "Tiên sinh, Diệp công tử đến."

Hồ lô đựng nước trong tay Đậu Kỳ Xuân rơi xuống đất, hất ướt cả giày vải, Diệp công tử... Là Diệp tiểu công tử ấy à? Suy nghĩ trong đầu Đậu Kỳ Xuân biến chuyển một vòng, ôi chao, chẳng qua chỉ là một mao đầu tiểu tử, có gì mà phải sợ!

Đậu Kỳ Xuân âm thầm chỉnh trang lại sắc mặt, nói vọng ra: "Mời đến trà thất, dâng trà."

Sau đó quay vào trong đổi một bộ xiêm y sạch sẽ khác, không quên đặt bức thư xin lỗi vào tay áo, lúc này mới thong thả tiến vào trà thất.

Vừa đẩy cửa bước vào, liếc mắt đã thấy hai huynh đệ Diệp gia đang ngồi trên giường nhỏ, một cao một thấp, đều là nhân vật trông hệt thần tiên, ái đồ xưa nay không nói cười tùy tiện của ông vậy mà giờ đây hai mắt lại ngập ý cười, còn dùng ngón trỏ vuốt ve chóp mũi đệ đệ, thiếu niên kia cong môi mỉm cười, bày ra bộ dạng lấy lòng.

Đậu Kỳ Xuân sững sờ trước cửa, trong lòng chẳng hiểu sao dâng lên cảm giác ngòn ngọt ê răng, nụ cười kia có thua gì được ngâm trong vò mật đâu mà không ngọt.

Vẻ ngoài của hai huynh đệ Diệp gia không giống nhau lắm, Diệp Trọng Huy giống phụ thân mình, ngũ quan như được gọt đẽo, mặt mày lạnh tanh, tướng mạo xếp vào loại thanh cao lãnh ngạo. Còn Diệp Trọng Cẩm thì không biết giống ai trong nhà, theo lời lão gia tử thì y có năm sáu phần giống tổ mẫu đã qua đời nhiều năm, mà vị tổ mẫu ấy từng là đệ nhất mỹ nhân của Tân Châu địa linh nhân kiệt.

Tuy vẻ ngoài không giống mấy, nhưng khi hai người bọn họ ngồi cạnh nhau, kẻ sáng suốt nhìn qua đều nhận ra ngay hai người là huynh đệ, bức tranh huynh đệ hòa ái như vậy người nào chưa biết rõ nội tình chắc chắn sẽ không tránh khỏi một phen cảm khái.

Lý do thoái thác được Đậu Kỳ Xuân chuẩn bị kỹ lưỡng trong đầu trong khoảnh khắc ấy đã chẳng cách nào thốt ra nửa chữ.

Diệp Trọng Huy kéo đệ đệ mình đứng dậy, cúi người hành lễ: "Học trò bái kiến lão sư, đây là xá đệ, chuyến này đến để xin bồi tội."

Diệp Trọng Cẩm nhanh chóng tiếp lời: "Đậu tiên sinh, ta biết lỗi rồi, cầu tiên sinh đừng báo cho tổ phụ và phụ thân ta, tổ phụ và phụ thân đặt kỳ vọng rất cao vào ta, nếu để họ biết được sẽ rất đau lòng, nếu tiên sinh còn giận xin cứ tùy ý đánh chửi, ta tuyệt không có nửa câu oán hận."

Đậu Kỳ Xuân nghe ngôn từ khẩn thiết của y, lửa giận trong lòng đã tiêu hơn phân nửa, nói: "Ngồi xuống trước đã, chuyện gì cũng dễ nói."

Sau khi nhập tọa, Diệp Trọng Huy lên tiếng trước: "Lão sư, thật không dám giấu, gia đệ là đệ tử tục gia của Kim Quang Tự, mấy năm trước bái làm môn hạ của Không Trần đại sư, tiếc là đại sư đã vân du nhiều năm, ngày về bất định, trong nhà không muốn đệ ấy phí hoài thời gian mới khẩn xin lão sư truyền thụ ít học vấn, gia đệ là người trọng tình trọng nghĩa, một lòng cho rằng bản thân đã lạy một thầy rồi, nếu như lại bái thêm một thầy khác nữa là việc khinh nhờn sư môn, vì vậy mới có chuyện hôm nay."

Diệp Trọng Cẩm mím môi cười trộm, y bội phục ca ca mình nhất là bản lĩnh mở to mắt nói chuyện này, thật thật giả giả, giả giả thật thật, đến cả y nghe xong cũng không phân nổi nữa là.

Đậu Kỳ Xuân làm sao ngờ được người đệ tử mình yêu thương nhất lại bịa chuyện gạt mình, nghe ái đồ trần tình xong, ấn tượng ban đầu đối với tiểu công tử Diệp gia lập tức bị phủ định bằng sạch, đứa bé bị người ngoài đồn đãi là ương bướng khó dạy này rõ ràng là một hài tử ngây thơ tinh khiết, hiếu lễ song toàn biết bao nhiêu.

Đậu Kỳ Xuân cảm khái: "Thì ra là thế, phẩm tính của tiểu công tử thật khiến Đậu mỗ kính phục."

Diệp Trọng Cẩm vội nói: "Nào dám nào dám, từ lâu vãn bối đã nghe danh Đậu tiên sinh là người học rộng tài cao, ca ca vãn bối có được học thức như ngày hôm nay ít nhiều đều nhờ tiên sinh tài bồi mấy năm qua, đáng tiếc vãn bối và tiên sinh vô duyên, nếu không, vãn bối thật không cam lòng bỏ qua cơ hội này."

Lời y nói đánh ngay vào tâm khảm của Đậu Kỳ Xuân, từ xưa đến nay, Hàn Lâm Viện Biên Tu mười chín tuổi có được bao người? Một người như vậy lại gọi ông là thầy, đặt ở đâu cũng là chuyện vinh quang nở mày nở mặt nhất, ông thích chí vân vê chòm râu sơn dương một đỗi, mặt mày không sao giấu được ý cười, bên ngoài vẫn xua tay khiêm tốn: "Do Hằng Chi thiên phú cao, không quá liên quan đến Đậu mỗ."

Diệp Trọng Cẩm đến đây đã ước chừng được khẩu vị của Đậu tiên sinh rồi, thuận thế khen tiếp vài câu nữa, khiến cho Đậu Kỳ Xuân cười đến hai mắt chẳng thấy đâu, thậm chí còn muốn nhận đứa học trò này, dù ngu dốt một chút cũng không sao cả, ông nào phải người không có kiên nhẫn.

"Trọng Cẩm này, con theo Không Trần đại sư tu hành mấy năm, học được những gì?"

Diệp Trọng Cẩm đáp: "Xét về học vấn thì Không Trần đại sư không bì kịp tiên sinh, nhưng thắng ở Phật pháp cao thâm, lại thường xuyên vân du tứ xứ, có rất nhiều kiến thức nằm ngoài sách vở."

Câu đầu Đậu Kỳ Xuân cảm thấy rất thỏa đáng, nghe đến câu sau, hứng thú lập tức bị gợi lên, hỏi: "Còn có tri thức không nằm trong sách vở nữa sao?"

Diệp Trọng Cẩm đứng dậy, chỉ vào một chậu hoa đặt ngoài cửa sổ: "Ví như loại Lam Trản Hoa này, xuất xứ từ Tây Vực, bề ngoài nhìn thì mảnh mai tinh tế, nhưng nếu đem trồng chung với mấy loại hoa cỏ khác, không đến mấy hôm, cả vườn hoa sẽ chỉ còn một mình nó, rễ của loại hoa này tiết ra một loại chất lỏng, rót vào đất, ngăn cản thực vật khác tranh đoạt chất dinh dưỡng với mình, vì vậy chỉ có thể trồng riêng trong chậu, tách biệt với hoa cỏ khác."

Đậu Kỳ Xuân biến sắc: "Không ngờ loài hoa đẹp như vậy lại ác độc đến thế."

Chậu hoa này do người ngoài tặng, mua được từ tay thương nhân Tây Vực, khi tặng chỉ nói với ông nó là giống hoa kiều quý khó nuôi, không thể trồng lẫn với mấy loại hoa cỏ khác, thật không ngờ, thì ra là sợ nó phá hủy đường sống của thực vật khác. Nhớ đến mấy ngày qua luôn cẩn thận chăm sóc nó, lòng Đậu Kỳ Xuân có chút khiếp sợ.

Ông lại cảm khái: "Có câu đọc vạn quyển sách không bằng đi ngàn dặm đường, về phương diện kinh nghiệm, Đậu mỗ quả thật không thể so với Không Trần đại sư, thôi vậy thôi vậy, tiểu công tử đã có lương sư, ta sẽ thương nghị lại với lệnh tôn, chuyện bái sư cứ tạm bỏ qua đi thôi, nếu tiểu công tử rảnh rỗi thì hãy đến trạch viện này nghe ta lải nhải mấy câu, thay ta phẩm giám chút hoa cỏ cũng tốt lắm rồi."

Diệp Trọng Cẩm hiển nhiên vô cùng cảm kích, huynh đệ hai người cùng nhau ra cửa, vừa lên xe, Đậu tiên sinh bỗng nhiên chạy tới, móc phong thư trong tay áo ra, vừa cẩn thận mở thư vừa hỏi: "Trọng Cẩm tiểu hữu, chẳng hay thư này là bút tích của ai?"

Diệp Trọng Cẩm cười đáp: "Đã là thư xin lỗi, đương nhiên phải tự tay mình viết, nào có đạo lý nhờ người viết thay."

Mãi khi mã xa tướng phủ đi khuất rồi, Đậu Kỳ Xuân vẫn đứng ngây người tại chỗ, thần sắc kinh ngạc trên mặt vẫn chưa lui, thư đồng phất tay qua mặt ông mấy cái: "Tiên sinh, người đã đi xa rồi."

Đậu Kỳ Xuân trầm mặc một lúc lâu mới thình lình bừng tỉnh, lắc đầu cười lớn: "Diệu thay diệu thay, trước nay chỉ nghe Diệp gia cực kỳ cưng chiều con trai nhỏ, khiến cho tiểu công tử được sủng thành thói, không thể làm nên trò trống gì, hiện tại xem ra, cưng chiều chỗ nào chứ, rõ ràng là đặt lên hẳn đầu tim mà chiều."

Cưng chiều đến độ đã hơn mười tuổi vẫn có thể giữ được bản tính hồn nhiên của một hài đồng, cưng chiều đến độ để cho y thân sống ở Diệp gia nhận hoàng ân cuồn cuộn vẫn có thể vui vẻ tùy tính, rời xa thế tục, rời xa triều đình, cưng chiều đến độ không tiếc dùng danh phế vật che giấu hào quang trên người y.

Bao y phục cẩm tú ấy, hóa ra, khi vén bỏ lớp kim tương ngọc quả đi rồi, bên trong lại là bảo tàng quý giá.

Ông thật sự rất tò mò, sau này hẳn sẽ có một ngày xuất hiện một đôi tay có thể vạch trần lớp nguy trang ấy, đến lúc đó, thiếu niên sẽ lóa mắt đến cỡ nào?

Mã xa về đến tướng phủ, Lưu quản gia đã đứng chờ trước cổng, thấy Diệp Trọng Cẩm trở về thì thở phào nhẹ nhõm, tiến lên kính cẩn chào: "Hai vị thiếu gia đã về."

Diệp Trọng Huy gật đầu xem như đáp lại rồi quay qua nhéo nhéo mặt đệ đệ mình vài cái, sau đó quay người trở về viện tử của mình.

Lưu quản gia nói: "Tiểu thiếu gia đã về, lão thái gia đợi ngài một lúc rồi, xin ngài qua đó một lát. Nói cũng thật khéo, đại thiếu gia từ Hàn Lâm Viện về, tiểu thiếu gia nên từ biệt uyển ở thành tây trở về, không phải tiện đường, vậy mà vẫn ngồi chung một xe."

Diệp Trọng Cẩm tỉnh bơ đáp: "Trên đường gặp được, tiện đường thì cùng về ấy mà. Ta phải đi gặp ông nội đây."

Lưu quản gia không dám hỏi nhiều, theo sau y tiến vào Khang Thọ Viện.

Đời trước vào khoảng thời gian này lão gia tử đã qua đời được bốn năm, đời này có lẽ đã cởi được khúc mắc, ngược lại chẳng thấy già cả gì mấy, thậm chí trông còn hoạt bát hơn xưa.

Thấy cháu ngoan bảo bối tiến vào, lão gia tử kéo tay y, cười hỏi: "Cục cưng của ông, con gặp Đậu tiên sinh rồi? Thấy tiên sinh thế nào?"

Diệp Trọng Cẩm gật gù đáp: "A Cẩm gặp Đậu tiên sinh rồi, kiến thức của tiên sinh rất cao, nói chuyện cũng rất thú vị, A Cẩm và tiên sinh trò chuyện rất vui vẻ."

"A Cẩm thích là tốt rồi." Lão gia tử nói rất chậm, nhưng làn điệu rất có lực, cười tiếp: "Trong kinh này tiên sinh có danh tiếng thì rất nhiều, nhưng không ai thích hợp với A Cẩm nhà ta, chỉ duy có vị Đậu tiên sinh này là khác, làm người khiêm tốn lễ độ, lại rộng rãi hào phóng, cũng may đại ca con và tiên sinh có chút giao tình, bằng không, tiên sinh nào dễ dàng chịu phá lệ thu đệ tử nhập thất chứ."

Diệp Trọng Cẩm le lưỡi, nào dám nói với ông mình chuyện hôm nay Đậu tiên sinh uốn lưỡi muốn nhận y làm đệ tử nhưng bị y từ chối.

"Ông nội." Y kéo tay lão gia tử lay qua lay lại, "A Cẩm đêm qua xem thiên tượng, tính được sư phụ sắp về rồi, nếu ngài trở về thấy con có thêm một sư phụ nữa nhất định sẽ để tâm, chuyện này nên làm sao bây giờ."

Lão gia tử nhíu mày: "Ba sư đồ rồi sẽ sắp xếp được thời gian học tập riêng thôi. Người sống một đời phải luôn không ngừng học tập, bái nhiều thầy là chuyện rất bình thường, huống chi Không Trần đại sư là người xuất gia cửa Phật, lòng dạ rộng rãi, sẽ không vì việc nhỏ mà khó xử con đâu, có phải bản thân A Cẩm không muốn học không?"

Thấy cháu trai ủ rũ cúi đầu, hai mắt lão gia tử run lên, lòng cũng tràn lên thương tiếc, vội vàng chỉnh lại sắc mặt sao cho hòa nhã nhất, dỗ dành: "Bảo bối đừng buồn, con không muốn nghe, ông nội không nói nữa."

Diệp Trọng Cẩm giơ tay ôm cổ lão gia tử, làm nũng: "Ông nội cũng vì muốn tốt cho A Cẩm, A Cẩm làm sao đành lòng làm ông nội thất vọng, bên Đậu tiên sinh, A Cẩm sẽ đến."

Giọng thiếu niên ngọt ngào trong trẻo, lòng lão gia tử bỗng như được dòng suối mát lành thanh tẩy, trẻ con nhà khác nếu được cưng chiều hết mực từ thuở lọt lòng nói thế nào cũng không tránh khỏi việc được sủng sinh hư, nhưng A Cẩm nhà ông lại không hề như vậy, bất kể cả nhà yêu thương chiều chuộng bao nhiêu thì cháu ông vẫn mãi là bé ngoan khéo léo hiểu lòng người, khiến cho người ta cứ thấy thương bao nhiêu cũng không đủ.

Lão gia tử thở dài: "Bảo bối của ông nội lần này chịu thiệt rồi, chỗ ông nội có mấy rương giấy trúc, ông làm quà bồi thường cho con hết nhé, phụ thân con muốn lắm đấy, nhưng ông không cho đâu, lát nữa cho người đưa đến thư phòng con." Ông ghé vào tai cháu mình, nhỏ giọng nói thêm: "A Cẩm đừng để lộ ra, chớ để phụ thân con biết, nó lại tìm lão già ta ầm ĩ nữa."

Diệp Trọng Cẩm ngây người, sau đó liên tục gật đầu bảo chứng, ông cháu hai người rì rầm che miệng cười trộm.

Lòng Diệp Trọng Cẩm hiểu rất rõ, thật ra lão gia tử, thậm chí cả lão cha của mình nữa, bọn họ không đặt nặng chuyện học hành với y, y mai này trở thành người nổi bật xuất chúng hay học phú ngũ xa gì đó bọn họ vốn không hề để ý, đột nhiên buộc y nghiêm túc học tập là vì cho rằng y trầm mê nghiên cứu mấy thứ tà thuyết, sợ y lầm đường, cho nên già trẻ trong nhà mới một mực đồng lòng kéo y về chính đạo.

Nhưng cố tình y lại thích mấy thứ bàng môn tà đạo đó.

Dùng xong bữa tối, Diệp Trọng Cẩm nằm nhoài bên cửa sổ ngẩng nhìn tinh tượng đồ mà Không Trần đại sư trước khi đi đã dạy cho y, tử vi đế tinh so với hôm qua lại ảm đạm hơn một chút, mà cách đó không xa, một ngôi sao cam đang có tư thế tiến vào vị trí chủ tinh cung chủ vị.

Đời trước vào khoảng thời gian này Khánh Tông đế đã chết vì bệnh, Cố Sâm đăng cơ được một năm.

Đời này người nọ lại miệt mài rong ruổi biên cảnh mấy năm, thái tử không dựng được căn cơ trong triều, mà kinh thành thì luôn thay đổi, mấy vị hoàng tử rễ ngày một vững, nếu hoàng đế đột ngột băng hà, e là thái tử chưa kịp về chịu tang thì giang sơn đã thay đổi chủ.

Một thái tử không thể bước lên ngôi vị hoàng đế, con đường chỉ có một.

Chết.

Đêm khuya, một con bạch hổ lửng thửng vào phòng, ngoẹo đầu ngước đôi mắt vàng trà chăm chú nhìn thiếu niên đang nằm nhoài bên bệ cửa, trông có vẻ ngu si gì đâu, nó ngồi ngốc một lúc lâu, sau đó thả bước tới cạnh thiếu niên đã ngủ say, đỡ người ngã lên lưng mình rồi nhẹ nhàng cõng y tới giường.

Ngay lúc Đại Miêu thả y xuống giường lớn, thiếu niên đột nhiên mở bừng hai mắt, đôi con ngươi đen láy sáng ngời giữa màn đên, chẳng có nửa phần buồn ngủ.

Y xoay người ôm lấy Đại Miêu, lặng lẽ nói: "Ta không muốn ngài ấy là hoàng đế, cũng không muốn ngài ấy chết, ta nên làm gì bây giờ."

===========

Hết chương 70.