Liêu Nhàn

Chương 23



Cô không thể buộc mình đẩy Diệp Linh ra, chỉ đành im lặng chịu đựng để Diệp Linh dựa vào người suốt cả chặng đường, đến khi xe dừng trước khách sạn, cô mới lay Diệp Linh thức dậy.

Lúc mấy người bọn cô về đến khách sạn đã là nửa đêm.

Ôn Chủy Vũ đánh răng rửa mặt xong, nằm nhoài lên giường, sau đó mở máy tính xách tay xử lý hết mớ văn kiện của các bộ phận đã gửi trong hộp thư, lại nhớ tới chuyện cô chưa nói việc mình tới thủ đô công tác với cô ba.

Nếu cô ba biết chuyện cô đến đây mà không liên lạc với bà ấy, dám chừng cô sẽ bị cô ba của mình lột da cho mà xem.

Ôn Chủy Vũ lo lắng ngày mai bận rộn nhiều việc, bản thân sẽ quên bén chuyện này nhưng lại sợ gửi tin giờ này sẽ làm phiền cô ba nghỉ ngơi, bèn viết email gửi cho bà. Bởi vì Diệp Linh và ba cô đã từng là đối thủ trên thương trường, hơn nữa ba cô còn là bại tướng dưới tay Diệp Linh, công ty cũng bị nàng ta tiếp quản, khiến cho gia đình cô không ngừng gặp phải khó khăn về kinh tế, lần này Diệp Linh đi cùng cô, tốt hơn hết là không nên nói cho cô ba biết, nếu để bà ấy biết được thì cô khó tránh khỏi cảnh bị càu nhàu.

Ôn Chủy Vũ giải quyết hết đống email thì đồng hồ đã điểm ba giờ sáng, lúc này cô mới tắt máy nghỉ ngơi.

Buổi tối đi ngủ muộn, lúc buồn ngủ đến mơ mơ màng màng thì lại quên đặt báo thức. Ngày thứ hai, cô bị điện thoại của cô ba đánh thức. Cũng may lúc bà ấy gọi đến thì trời vẫn còn sớm, bảy giờ rưỡi sáng đã gọi cô thức dậy.

Điểm không tốt chính là thời gian còn quá sớm, cô ba vẫn chưa đi làm, đương nhiên cũng sẽ không xem email gì sất, điện thoại vừa kết nối, cô lập tức bị bà dạy dỗ một phen. Ôn Chủy Vũ bị cô ba la mắng đến nỗi không dám nhắc tới chuyện mình đã gửi email thông báo cho bà, đợi đến lúc bà hỏi tới Diệp Linh, cô mới thành thành thật thật trả lời, hỏi gì đáp nấy, hiển nhiên, loại chuyện như việc cô đoán Diệp Linh có ý đối với mình, bất kể thế nào cũng không được nói ra khỏi miệng.

Cô ba sau khi hỏi xong việc liên quan đến Diệp Linh bèn căn dặn cô trưa nay mời Diệp Linh cùng đi ăn cơm.

Ôn Chủy Vũ nào biết Diệp Linh có muốn xã giao với người nhà của mình hay không, nên không dám đáp ứng, chỉ nói buổi trưa mình sẽ đi, còn Diệp Linh có đi hay không thì phải mời mới biết.

Lúc cô xuống sảnh ăn dùng bữa sáng có chạm mặt Diệp Linh. Cô nói với nàng ta: "Cô ba của tôi muốn mời chúng ta trưa nay đi ăn cơm."

Diệp Linh nói: "Buổi trưa tôi có hẹn dùng bữa với anh trai rồi."

Đối với lời từ chối của Diệp Linh, Ôn Chủy Vũ sớm đã có chuẩn bị, nhưng cô lại không ngờ Diệp Linh còn có một người anh trai. Có điều đây là chuyện riêng của gia đình Diệp Linh, cô dẫu có tò mò thì cũng không tiện hỏi tới. Hai người các cô ăn xong bữa sáng liền tiếp tục đi đặt tranh.

Họa sĩ lần này các cô hẹn gặp là người theo trường phái vẽ câu lặc(1), sở trường là vẽ cá. Tuổi ngoài ngũ tuần, cách ăn vận giống như đúc ra cùng một lò với Diệp Linh, chăm chút kỹ càng. Nếu không nhờ ông ấy nuôi tóc dài, phía sau gáy còn thắt một bím tóc nho nhỏ thì Ôn Chủy Vũ quả thực nhìn không ra tí chất nghệ thuật nào từ trên người ông ta.

Dựa vào phong cách cũng biết người này thích nói chuyện bằng tiền bạc.

Có lẽ do việc quảng cáo Côn Luân Vạn Yêu Đồ và Côn Luân Họa Thất mang lại hiệu quả phô trương quá lớn, khiến cô vừa gặp thì trong đầu đã tưởng đến câu "người ngu lắm tiền, mau tới đây", người này, mở miệng ra đã báo mức giá cao hơn năm mươi phần trăm so với giá thị trường.

Ôn Chủy Vũ mới bước vào thương trường, có rất nhiều chuyện vụn vặt cô đều không hiểu, nhưng thay vào đó cô có sự chăm chỉ, luôn chuẩn bị đầy đủ mọi thứ ngay từ đầu. Trước khi đến đây Ôn Chủy Vũ đã tìm hiểu kỹ càng về hoàn cảnh của vị tiên sinh này, suốt mấy năm qua ông ta đã bán đi những bức nào, với giá bao nhiêu và bán cho ai, mấy thông tin trên, cái nào có thể tìm ra, cô cũng đều cẩn thận xem qua.

Đối với loại hành vi sư tử há mồm to(2) này, cô cũng không xem là xấu, bởi lẽ bán hàng nói thách, mà làm khách mặc cả. Ôn Chủy Vũ tỏ ý muốn xem tranh, đợi sau khi xem xong, trong lòng sẽ âm thầm tính giá dựa trên khả năng phát triển sau này của tác phẩm cộng với địa vị của họa sĩ này, tiếp đó sẽ trả giá thấp hơn ba mươi phần trăm.

Họa sĩ kia lập tức lắc đầu, thở dài một hơi, bưng trà chuẩn bị tiễn khách.

Ôn Chủy Vũ nghĩ ngợi một lúc, nói: "Tôi đưa ngài một mức giá thật, ngày cũng cho tôi con số đúng, giá cả thích hợp, hợp tác lâu dài, ngài cảm thấy thế nào?" Cô khoa chân múa tay một hồi, đưa ra mức giá thấp hơn mười phần trăm.

Họa sĩ kia đem giá gốc ban đầu là một triệu năm trăm giảm xuống còn một triệu hai trăm nghìn.

Ôn Chủy Vũ khó lòng chấp nhận. Giá này, muốn mặc cả thì cũng khá vất vả. Cô suy nghĩ hồi lâu, quyết định làm theo phương án khác. Cô đưa ra một khoản dự chi, xem như đây là tiền đặt cọc, tranh mang đi đấu giá, sau khi bán xong thì phần lợi nhuận sinh ra hoặc sẽ chia mỗi bên một nửa, hoặc cô sẽ lấy một khoản phí thủ tục nhất định. Cô bày ra ba phương án, để đối phương lựa chọn.

Cuối cùng, sau một hồi thỏa thuận, tác phẩm sẽ được mang lên sàn đấu giá với giá cao hơn hai mươi phần trăm, nếu như đấu giá thành công, lợi nhuận có được từ phần chênh lệch kia sẽ được chia đều cho cả hai bên. Còn như bị tồn kho thì bức vẽ này sẽ được bán cho Côn Luân Họa Thất với giá bằng tám mươi phần trăm. Một khi gõ búa không thành, sẽ ảnh hưởng đến giá trị của bức tranh, nếu như muốn bán tiếp vậy thì phải thong thả chờ đợi. Sau khi Ôn Chủy Vũ cân nhắc xong, lại hạ giá xuống bảy mươi phần trăm, hai bên người qua kẻ lại, trả giá hết nửa ngày, cuối cùng giá tranh cũng được ký với mức bảy mươi lăm phần trăm và lên sàn cao hơn mười phần trăm so với giá gốc.

Ôn Chủy Vũ thương lượng giá cả xong, cả người đều ủ rủ. Dành một tiếng đồng hồ thương thảo chuyện tiền nong so với mười tiếng mua tranh hôm qua còn mệt hơn.

Cô và Diệp Linh mỗi người đều có hẹn riêng, ra khỏi nhà họa sĩ kia, Diệp Linh cho cô mượn tài xế và xe của mình, sau đó một chiếc xe khác đến đón Diệp Linh rời đi.

Buổi trưa, cô và cô ba cùng anh họ của mình một nhà ba người cùng nhau ăn cơm.

Dượng của cô là một chính trị gia, đã ly hôn với cô ba của cô rồi, nhưng nhờ có con trai là sợi dây kết nối nên hai bên vẫn còn qua lại thân thiết, quan hệ của hai người hiện tại lại giống như đối tác làm ăn hơn. Anh họ của cô thi vào công chức, hiện đang công tác tại cơ quan, còn chị dâu thì ở nhà nội trợ chăm con. Đứa nhỏ năm nay đã được năm tuổi, trông rất kháu khỉnh đáng yêu, vừa nhìn thấy Ôn Chủy Vũ thì đã thích bám lấy cô chuyện trò, giống như một bé cưng tò mò không ngừng hỏi cô chuyện này chuyện nọ.

Cô ăn cơm với người nhà, tất nhiên sẽ không yên lặng giống như lúc ăn cơm cùng Diệp Linh, mà sẽ nói một ít về tình hình kinh doanh của phòng tranh, chút chuyện trong nhà, rồi lại hỏi đến việc nhà của cô ba và anh họ, về cơ bản nội dung của cuộc trò chuyện đều xoay quanh những chuyện thường nhật ở nhà. Cô ba biết cô ở lại khách sạn, liền mất hứng mà liếc cô một cái, hỏi cô: "Nhà của tôi bên đây không đủ chỗ để cô ngủ lại sao?"

Ôn Chủy Vũ cười lấy lòng: "Cô ba, không phải con đi công tác sao, có lý nào đi công tác lại đến nhà người thân ở chứ, lỡ việc thì khổ biết bao?"

Dường như cô ba vẫn chưa tin cô, lại hỏi Triển Trình: "Con bé thật sự bận đến vậy sao?"

Người kiệm lời ít nói như Triển Trình chỉ biết "vâng" một tiếng, sau đó lập tức khép miệng im như hến.

Ăn cơm xong, buổi chiều cô còn phải tiếp tục đi mua tranh.

Diệp Linh có việc nên không đến, ngày hôm sau cũng không có đi cùng cô.

Cô ở lại thủ đô bốn ngày, thành tích đạt được không tồi, mua được bốn bức tranh. Điểm đến tiếp theo là Thiên Tân, có tàu cao tốc đi qua đó.

Vé tàu cô đã mua rồi, Diệp Linh lại liên lạc với cô, nói việc của mình đã bận xong, sẽ cùng cô đến Thiên Tân.

Bà chủ Diệp có xe, cô đành phải hồi lại vé tàu, ngồi xe của bà chủ Diệp đến Thiên Tân.

Mua tranh, bàn chuyện làm ăn nhiều lần, gặp gỡ với đủ loại người, dần dần tích lũy kinh nghiệm, từng bước xoay sở mọi việc êm xuôi.

Còn về tổng thể mà nói, lần này ra ngoài gặt hái được không ít thành tích, nhiệm vụ cơ bản cũng đã hoàn thành. Có điều, cơ thể mệt mỏi là thật. Vé máy bay chặng về của cô do Diệp Linh đặt mua, là vé khởi hành vào buổi tối, buổi sáng bàn xong việc thì buổi chiều về khách sạn nghỉ ngơi, Ôn Chủy Vũ ngủ bù một giấc, đến giờ cơm tối cô được Diệp Linh hẹn ra ngoài dùng bữa. Diệp Linh còn đặc biệt khui một chai sâm panh để ăn mừng.

Hiếm khi được thả lỏng, cảm giác bài xích của Ôn Chủy Vũ đối với Diệp Linh cũng đã vơi đi ít nhiều. Cô hỏi: "Giám đốc Diệp, tôi có chút tò mò, vì sao cô lại đi chuyến này với tôi?"

Diệp Linh bảo: "Giải khuây."

Ôn Chủy Vũ ngạc nhiên hỏi tiếp: "Không phải giải khuây thì nên đi du lịch sao?"

Diệp Linh trả lời: "Đây cũng được tính là giải khuây, còn tiện thể mở mang kiến thức."

Trong lòng Ôn Chủy Vũ thầm nghĩ: "Tạm tin cô vậy."

Điện Thoại Ôn Chủy Vũ reo lên, cô ra dấu với Diệp Linh sau đó cầm di động lên, là số điện thoại bàn ở nhà. Cô bắt máy nhỏ giọng gọi một tiếng: "Ông nội." Liền nghe thấy đầu dây bên kia truyền đến giọng nói có phần lo lắng và hoảng hốt của Tôn Uyển: "Đại tiểu thư, lão tiên sinh đổ bệnh rồi."

Ôn Chủy Vũ chết lặng, có chút không dám tin: "Không phải lúc trưa còn rất khỏe sao? Đã có chuyện gì?"

Từ trong điện thoại, cô nghe thấy tiếng xe cứu thương liền khẩn trương hỏi: "Nghiêm trọng không?" lại thoáng nghe được tiếng: "Người nhà đâu, người nhà cũng lên xe đi." Cô gọi Tôn Uyển: "Dì Tôn, dì đưa ông nội đến bệnh viện trước, con lát nữa sẽ về." Cô dừng một chút lại hỏi: "Đã gọi cho chị Lê Lê chưa?"

Tôn Uyển đáp: "Lão tiên sinh không cho, ngay cả cô ông ấy cũng không cho nói. Đại tiểu thư, tôi gác máy trước đây, cô mau về nhà đi." Nói xong thì vội vàng cúp máy,

Ôn Chủy Vũ cầm điện thoại, thở một hơi dài để trấn tĩnh bản thân.

Diệp Linh đứng dậy, nói: "Đi thôi, em thu dọn hành lí đi, chốc nữa chúng ta sẽ ra sân bay."

Ôn Chủy Vũ báo cho Triển Trình xong liền gấp rút trở về phòng mình thu thập hành lí.

Bọn cô vội vã chạy đến sân bay, chuyến bay gần nhất chính là chuyến bay của họ.

Ôn Chủy Vũ trong lúc ngồi trong phòng chờ lại gọi cho Tôn Uyển để hỏi han tình hình. Tôn Uyển bảo vẫn còn đang khám bệnh, phải xem tình hình như thế nào rồi mới nói tiếp được. Bà cũng không biết đã xảy ra chuyện gì, khi đó lão tiên sinh mới về nhà chưa được mấy phút, bà đang ở trong bếp làm cơm, Lý Bân thì vào nhà vệ sinh, bỗng một tiếng "ầm" cùng tiếng rơi vỡ của ly tách vang lên, lúc bà vội vàng chạy ra thì đã thấy lão tiên sinh ngã trên sàn nhà, trán đập vào bàn trà nên bị sứt một lỗ, mặt mày tái xanh, thở cũng không ra hơi.

Tôn Uyển không nắm được tình huống, trong điện thoại cũng nói không rõ ràng, hai người nói thêm vài câu thì cúp máy.

Ôn Chủy Vũ không rõ tình hình của ông, do dự một hồi, quết định tạm thời không báo cho cô ba biết, tránh để bọn họ lại giống cô, chưa rõ mọi chuyện chỉ có thể lo lắng suông.

Diệp Linh đã cho xe chờ sẵn ở sân bay, cô vừa xuống máy bay thì lập tức lên xe của Diệp Linh, chạy thẳng đến bệnh viện.

Ôn Chủy Vũ mau chóng đến nơi, nhìn thấy ông nội đang ở trong phòng bệnh.

Lão tiên sinh nằm trên giường, trên trán dán băng gạt, mu bàn tay tiêm kim truyền dịch, người còn chưa tỉnh lại.

Ôn Chủy Vũ nhìn ông nội đột nhiên ngã bệnh, không kìm được mà rơi nước mắt. Cô nghẹn ngào nén lệ, lấy tay gạt đi nước mắt, trước tiên phải đi tìm bác sĩ để hỏi rõ tình hình.

Bác sĩ nói với cô, người già lớn tuổi chịu phải đả kích, huyết áp đột ngột tăng cao, dẫn đến hôn mê, té ngã.

Chịu đả kích? Chuyện lớn do ba cô làm ra còn chưa đủ khả năng kích thích ông nội đến vậy.

Ôn Chủy Vũ lại hỏi ông nội cô còn nguy hiểm nữa không.

Bác sĩ bảo cô hiện tại không có nguy hiểm gì, sức khỏe cũng không có vấn đề, còn lại vẫn phải đợi kết quả xét nghiệm và theo dõi thêm.

Ôn Chủy Vũ thở phào một hơi, có chút nhẹ nhõm. Cô thấy Lý Bân vẫn đợi bên ngoài phòng bệnh chưa chịu rời đi, bèn đi đến giải thích tình hình với anh ta.

- -------------------------

Chú thích:

(1) Câu lặc (钩勒): Phong cách vẽ tranh quốc họa Trung quốc, kỹ pháp câu lặc là cách vẽ tô thêm đường viền xung quanh chủ thể dựa trên đường nét đã vẽ trước đó.

(2) Sư tử há mồm to (狮子大开口): Phép ẩn dụ nói đến hành động chặt chém, thách giá khi rao bán hàng.