Liễu Tướng Quân

Chương 1: Thân thế



Liễu Tướng Quân - Liễu Trường Lệnh xuất thân danh tướng trăm năm. Tổ tiên có công bình định biên giới Tỵ Sung Quốc và Mạc Cách Tộc. Hơn trăm năm phò vua canh giữ một phương. Sáu đời đế vương An Hà Quốc đều trọng dụng Liễu gia, để tỏ lòng trân quý công thần nhiều đời, vị đế vương đời thứ tư đã ban ấn đổi tên cho quân đội dưới trướng Liễu Quân Trường thành Liễu Gia Quân, đời đời canh giữ biên cương phía nam An Hà Quốc.

Liễu Trường Lệnh ra đời khi Liễu Trường Minh (Con trai của Liễu Quân Trường) đã bước qua tứ tuần. Ông là người si tình, cũng là người trọng nghĩa. Phu nhân của Liễu Trường Minh là Dung Y Lan, trưởng đích nữ Dung gia cao quý. Hai gia tộc Liễu – Dung đính ước hôn sự khi Liễu Trường Minh bốn tuổi và Dung Y Lan vừa tròn tháng. 16 tuổi, đại tiểu thư Dung gia được gả vào Liễu phủ, do nhiều nguyên nhân mà tròn hai mươi năm sau mới hạ sinh quý tử Liễu Trường Lệnh. Niềm vui chưa trọn vẹn thì Kinh thành Nội Đình đưa tin báo một nhà Dung Gia hơn trăm mạng người bị xử tử dưới tội danh làm loạn triều cương, lôi kéo quan liêu nịnh thần.

Không chỉ một nhà Dung gia bị diệt mà tất cả quan tướng có giao tình đều đồng loạt xử chết cả nhà, cộng với ba họ nội ngoại hai bên lên tới năm trăm bốn mươi chín mạng. Hoàng đế đời thứ sáu – An Thạch niệm tình Liễu gia là danh môn tướng gia trăm năm trung hậu, nắm giữ trọng binh phía nam, có công bình định biên thùy nên tha cho nghiệt nữ Dung Gia - Dung Y Lan một mạng. Xóa bỏ họ tịch, ban họ Liễu thay thế, cấm túc ở Liễu phủ suốt đời.

Vào ngày đầy tháng Liễu Trường Lệnh, hoàng ân ban lệnh phong Liễu Trường Minh làm Định Quốc An công, hậu thưởng Bình Nguyên và Từ Ức làm đất phong. Canh giữ biên cương phía nam An Hà, không có lệnh truyền không được tự ý rời khỏi Bình Nguyên. Quý tử Liễu gia Liễu Trường Lệnh xuất thân cao quý, đích tử thế gia phong làm Thế tử Định Quốc An, thừa tự truyền thống gia tộc, lệnh Thế tử Định Quốc An mười lăm tuổi vào Nội Đình học lễ nghĩa, ngày sau phò tá quốc gia.

Nỗi lo thụ sủng nhược kinh chưa qua đi, Định Quốc An phu nhân uống thuốc độc tự vẫn trong phòng, để lại một bức thư tuyệt mệnh viết vội lên mặt sau của rèm trướng "Hoàng Gia Đa Nghi, Giết Hại Trung Lương, Dung Gia Tuyệt Hậu, Phu Quân Đề Phòng, Bảo Mệnh Liễu Gia."

Tang lễ của Định Quốc An phu nhân diễn ra vội vã, Liễu Trường Minh đối với bên ngoài thông báo thê tử mắc bệnh lạ đột ngột qua đời, lập tức hỏa táng. Định Quốc An công yêu thương thê tử, lập lời thề không thú kế thê, không nạp thiếp thất.

Trong mười lăm năm sau đó, hoàng đế căn cơ ngày càng vững chắc, lại nâng đỡ gia tộc Mạc thị hết lòng, có ý đề phòng Liễu gia võ tướng, Châu gia văn quan, Hồng gia thương nhân. Tuy không phải trăm đường chèn ép, nhưng cũng không hậu ái tin tưởng.

Mạc - Liễu – Châu - Hồng như chân ghế kềm chế lẫn nhau.

Nam hầu Tỵ Sung Quốc cùng Mạc Cách Tộc bao năm lăm le bờ cõi, dã tâm bừng bừng không mấy lúc yên phận. Liễu gia vững chắc canh giữ quan ải một tất không rời. Đã hơn hai mươi năm, Liễu Trường Minh chưa hề rời khỏi Bình Nguyên, chỉ đều đặn phái người hàng tháng mang tấu chương về Nội Đình. Phần vì tránh nghi kỵ của Hoàng đế các đời, phần tránh đi sự lôi kéo của các phe phái. Từ khi biến cố Dung gia xảy ra, Liễu Trường Minh hành sự càng thêm cẩn trọng, càng không qua lại thân thiết với bất kỳ ai. Chỉ có một điểm không tốt là quá nuông chiều con trai, nuông chiều đến mức tiếng xấu truyền đến kinh thành Nội Đình, thậm chí hậu cung nội viện đều nghe qua. Ngoài việc dung mạo anh tuấn, mỹ mạo hơn người, có tính ưa sạch sẽ thì còn lại cũng chỉ là một hoàn khố văn võ đều không tinh thông, suốt ngày hi hi ha ha chọc tức người khác. Kể cả hai vị Thái phó Hoàng đế phái đến cũng bị Thế tử chọc cho điên tiết hồi kinh, dập đầu thà từ quan chứ quyết không dạy Thế tử Định Quốc An.

Mạc gia không quan văn, chẳng tướng võ. Chỉ tiếp nối đời này đến đời khác thống lĩnh hậu cung. Đến đời đương kim Hoàng hậu, Hoàng Đế lại triệu đường huynh của Hoàng hậu – Mạc Tất Tương vào triều làm quan, ban quan vị Tòng Tam Phẩm - Ngự Sử. Chưa đến hai năm, lại triệu biểu đệ Hoàng hậu – Mạc Phương Tùng vào, ban chức Hộ bộ Thượng thư. Mạc Gia lại thêm một bước lên mây khi Hoàng hậu liên tiếp hạ sinh Tam hoàng tử, Tứ hoàng tử và Thất công chúa. Uy vọng càng lớn, quyền lực càng cao, Mạc Gia đã không còn yên phận bảo vệ hậu vị nữa mà một lòng nâng đỡ Tam hoàng tử tranh ngôi Đông Cung, dần dần tiến sâu vào con đường tranh đoạt và thâu tóm thế lực.

Châu gia thay thế Dung gia dần dần bành trướng thế lực trong triều, đứng đầu là Thái sư Châu Vũ Hán một tay che trời. Trên trên dưới dưới có hơn bốn mươi người trong tam tộc được đưa vào hệ thống quan liêu, lại đưa đến các nơi vô số tai mắt giám sát. Châu Vũ Hán tính tình kín đáo, hành sự kín kẽ. Trước sau đều thể hiện bản thân là người trung lập khó nắm bắt.

Hồng gia thương nghiệp trải rộng bốn phía. Thủy - Bộ đều có các tuyến vận chuyển riêng. Nắm chắc huyết mạch thương vụ trong cả nước. Gia chủ Hồng Thải Bình đã gần bảy mươi tuổi, dưới gối có ba nam hai nữ, nội ngoại hai bên có đến mười đứa cháu nhưng vẫn cố chấp không giao lại quyền hành cho hậu bối. Là một lão hồ ly vô cùng xảo quyệt. Hằng năm góp vào quốc khố con số khổng lồ nên đến Hoàng đế cũng nể mặt Hồng gia vài phần, ban cho bảng vàng "Hồng Phủ Kim Bình", nhưng cũng chính vì lão quá xảo quyệt nên dần dần đã trở thành cái gai nhen nhóm trong mắt Đế Vương.

Tứ đại gia tộc tựa hồ không có xung đột lại kình chống nhau suốt mấy mươi năm. Nhất là khi các vị hoàng tử ra đời và dần trưởng thành. Cuộc chiến tranh giành hoàng vị lẫn đấu đá quyền tước ngày càng diễn ra gay gắt hơn.

Hoàng đế ngày càng lớn tuổi, sức khỏe suy giảm rõ ràng. Hoàng tử minh thương ám tiễn đấu đá lẫn nhau không niệm tình thân. Thế lực các gia tộc ngày càng lớn mạnh, quan liêu chia bè kết phái không biết phía sau thao túng bao nhiêu nhân lực. Trước chưa nói đến các thế lực bên ngoài, nội đấu dưới mắt Hoàng đế hiện tại đã rất khó kiểm soát. Đế Vương xưa nay đa nghi lại vô tình, luôn không chịu tin tưởng ai nên từng thánh chỉ ban xuống được đưa đến các phủ viện cả gần lẫn xa, cho gọi toàn bộ nam tử thế gia, vương tôn quý tử các nơi, phàm mười lăm tuổi trở lên đều phải về Nội Đình vào Sử Học Các văn ôn võ luyện. Ngoài mặt thì là hoàng đế yêu thương hiền thần, muốn đích thân giám sát rườn cột quốc gia tương lai, bồi dưỡng nhân tài mới lớn. Trong lại là giam lỏng con tin, bóp chặt yết hầu các thế lực đang không ngừng lớn mạnh. Một đạo thánh chỉ ban ra, con em quan văn tướng võ cũng chỉ biết âm thầm oán hận lại không thể không làm theo.

Trong vòng ba tháng mùa thu, lần lượt các quý tử mang theo nhân mã về Nội Đình. Một lần vào Nội Đình này e khó mà thoát thân nên không ít người vội vã mua các biệt viện nội phủ. Thoáng chốc giá cả khế ước đất đai tăng vọt, Nội Đình náo động một phen. Về phần con em các Công Hầu Vương Tước, triều đình vốn đã cho mở phủ tại Nội Đình từ sớm, cũng có thân quyến trong nom nên cũng không coi là uất ức.

Một trận này, Sử Học Các vội vã đập ra xây lại tu sửa mở rộng phòng ốc giảng đường, các quan viên cũng rối tinh rối mù nhanh chóng mở ra ba cuộc thi để chọn thêm các Thái phó, Thái bảo phục vụ trong Sử Học Các. Nhân công nhân lực tại Nội Đình ào ào như nước cũng không thể đáp ứng kịp nhu cầu cần thiết nên đành phải phát ra thông báo tìm người ở các huyện thành lân cận đưa đến, hạ thấp yêu cầu nâng cao đãi ngộ mới có thể tìm được người.

Trong cung, các Hoàng tử vừa đến tuổi mười lăm cũng vội vã rời cung mở phủ bên ngoài để kịp ngày vào Sử Học Các, huynh đệ Hoàng gia người tranh kẻ giành những vị trí đẹp trong Nội Đình dẫn đến mấy lần tranh cãi đánh nhau, kéo theo các thế lực đằng sau khiến mối quan hệ tiền triều – hậu cung căng như sợi dây đàn. Đến mức Thái Hậu phải ra mặt giáo huấn trên dưới các Phi tần một lần mới có thể làm dịu lại bầu không khí trong cung.

Một đoàn trên dưới Nội Đình ầm ỉ nhốn nháo, các phủ viện người ra kẻ vào không ngớt. Tám cửa thành Nội Đình ngày nào cũng nhận vô số người đến. Quan trông coi cửa thành nhiều lần phải méo miệng tiếp đón những vương tôn quý tử từ xa trở về, lại chẳng mấy người có thái độ dễ chịu.

Còn người tạo ra cục diện rối rắm như thế hiện tại đang nổi giận đùng đùng hất đổ cả chồng tấu chương xuống đất, ném luôn tách trà gốm quý giá vào cột nhà khiến cho cung nữ, thái giám quỳ rạp dưới đất không dám nhúc nhích vẫn đang thở phì phò không ra hơi. Mấy ngày liên tiếp tấu chương dâng lên đều là lời oán thán vì phải xa con, đều xa gần nói về tình phụ tử, đều là kể lể bản thân có bao nhiêu xót xa khi đưa nhi tử về Nội Đình. Thậm chí tin tức truyền đến còn có lời nói Hoàng đế e sợ các thế lực khác nên mang con tin về Nội Đình canh giữ để khống chế họ. Lời nói càng lúc càng khó nghe, tin đồn cũng ngày càng nhiều hơn. Đỉnh điểm khiến Hoàng đế hoàn toàn bùng phát cơn giận là tin từ đội tuyên chỉ phương Nam truyền về, Thế tử Định Quốc An bị thích khách ám sát, may mắn đã bắt được thì phát hiện thích khách là hộ vệ cảnh nội được phái theo bảo vệ người tuyên chỉ. Định Quốc An công nổi giận phát ra một vạn Liễu Gia Quân hộ tống con trai về Nội Đình, trực tiếp vứt bỏ đội tuyên chỉ ôm theo một đống người ngựa quay đầu đi theo lộ trình khác..