Lời Chưa Nói

Chương 4



Tiếng trống báo hiệu hết tiết vang lên thật nhức tai. Cũng tại tôi đang ngồi trong phòng giám hiệu nên nghe thấy tiếng trống rõ ràng hơn thường ngày. Lúc đó, tôi chỉ ước cho cô quên đi vụ mời phụ huynh để tôi thoát tội, nhưng xem ra cô còn nhớ dai lắm!

Mẹ tôi chạy xe đạp hơn mười cây số đến trường, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Bà vẫn mặc chiếc áo lao động xanh của các cô chú phụ hồ, đầu và miệng vẫn quấn khăn vải, giỏ xe vẫn còn để quên cái bay. Mẹ tôi làm phụ hồ cho bên xây dựng, ngày nào cũng phải tất bật từ sáng sớm cho tới tối mịt, may lắm mới xin được nghỉ nửa tiếng để đến giải quyết chuyện của tôi. Biết vậy nên tôi cảm thấy có lỗi vô cùng, nhưng không biết làm cách nào ngoài việc đợi cô phán xét.

Tôi thở phào nhẹ nhõm khi Vy đã về từ trước rồi, chứ nếu nhìn thấy mẹ tôi như thế này không biết em còn đủ kiên nhẫn để quen biết tôi hay không! Bà chạy vội lên phòng giám hiệu gặp cô chủ nhiệm, người đang ngồi cạnh tôi trên chiếc bàn uống trà của thầy hiệu phó. Thầy thường không có trong phòng do cũng phải đi dạy như các giáo viên khác, đôi lúc mới trở về soạn sổ sách rồi lại đi ngay.

Mẹ tôi ngồi nói chuyện với cô giáo một lúc lâu. Mãi đến khi hết tiết thứ hai rồi, cô mới quyết định tìm một phương pháp học mới cho những đứa lười học như tôi đó là mở lớp học thêm miễn phí vào mỗi buổi tối thứ hai và thứ sáu hàng tuần ngay tại nhà. Có như vậy thì tôi mới chịu tiến bộ được- cô nói.

Học thêm đối với tôi cũng bình thường thôi, bởi hồi lớp năm tôi đã từng được mẹ cho đi học thêm ngoài. Lượng bài tập ở đó không quá nhiều, chủ yếu là ít học sinh nên giáo viên dễ quản hơn trên lớp. Nếu 10 phần ở trên lớp chỉ nạp vào đầu được 3 phần thì ở lớp học thêm cũng phải đến 5, 6 phần. Nhưng đối với những cái đầu lơ tơ mơ như tôi thì xem ra có học cách mấy cũng sẽ dậm chân tại chỗ.

Tuy nhiên tôi đã hơi sai lầm khi tự nhận mình không có khả năng học. Buổi đầu tiên ở nhà cô, tôi đã tiến bộ hẳn so với trên lớp. Không có cửa sổ xung quanh nên cũng tập trung hơn, và tôi thấy môn văn đâu có gì khó đối với một đứa trong đầu toàn nhạc như tôi. Học văn cũng chẳng qua là để viết nhạc được hay hơn, có nhiều vốn từ hơn, không phải bê nguyên si lời của các ca khúc trước đó vào sáng tác của mình nữa!

Thực ra tôi học tiến bộ như này một phần là do cô dạy hay. Trước kia ở trên lớp không tập trung nghe giảng đâm ra tôi không biết cách cô dạy thế nào, nhưng từ khi cô mở lớp học thêm thì lớp tôi, rồi cả lớp khác nữa, kéo nhau đi học đàn đàn lớp lớp khiến cô không đủ chỗ mà dạy bằng nấy con người. Cô đã phải chia nhóm nhỏ ra, rồi bắt đầu thu học phí từng đứa một. Riêng tôi vẫn được miễn phí do cô đã nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi hôm mẹ tôi đến trường.

Chính vì chia nhóm nhỏ cho nên nhóm tôi có cả những học sinh từ các lớp khác đến, trong đó có Vy. Tôi may mắn được học cùng nhóm với em, và vô cùng ngạc nhiên khi một cô tiểu thư nhà giàu lại đi học thêm ở một lớp dành cho con nhà thu nhập trung bình như này. Tuy vậy, tôi lại ngại phải cho em thấy mình đã biết hoàn cảnh của em. Mỗi lần đi học, chúng tôi vẫn chào nhau như bình thường:

- Đại cũng học lớp này hả?

- Ờ, đúng rồi, vì cô Trinh là cô giáo chủ nhiệm của Đại mà! - Tôi cười thân thiện- Thế còn Vy, sao Vy lại biết lớp này?

- Bạn của Vy chỉ! Nay bạn ấy không đi học!

Rồi tôi và Vy lại cười với nhau. May sao lúc đó cô không để ý việc mất trật tự của hai đứa chúng tôi ở ngay bàn năm từ trên xuống.

Chiều hôm đó, tầm năm giờ tan học tôi lại xách cặp bỏ trong giỏ xe đạp về. Thằng anh họ của tôi như thường lệ đã ngồi phắt lên yên sau tự khi nào. Nó nhe miệng cười cợt với tôi:

- Chở tao nốt hôm nay nhá!

Tôi tỏ vẻ hơi khó chịu:

- Sao anh không bảo bạn chở về đi?

- Xe bạn tao xịt lốp rồi, với lại nhà nó có phải đi qua cầu đâu!

Tôi hơi mất hứng nhưng vẫn phải gượng đầu chấp nhận:

- Thôi được rồi!

Thằng anh họ của tôi tuy hơn tôi về vai vế trong nhà nhưng tuổi hai đứa thì lại bằng nhau. Lúc nào tôi cũng chỉ muốn gọi nó là mày- tao vì cái tính xốc xược của nó, và tôi cũng chẳng ưa gì cái tính ấy cả! Tuy nhiên mẹ tôi, bác tôi và cả nó đều bắt tôi gọi nó bằng anh vì như thế mới phải đạo. Nhà nó gần nhà tôi nên lấy cái cớ đòi tôi đèo về chứ thực ra chẳng ai muốn đèo một đứa vừa cao vừa to như nó, nhất là khi con xe của tôi chẳng khác nào một đống sắt vụn sắp tan ra đến nơi.

Tôi đèo nó ra con đường ngay cạnh trường. Đang vững tay lái thì bỗng bánh trước như bị ma kéo chếch thẳng lên trời góc 45 độ, ghi đông lung lay như sắp rời khỏi ổ trục đến nơi, còn tôi thì chới với như đang ngã ra đằng sau bởi sức nặng của một vật nào đó ghì xuống. Trong lúc hốt hoảng, tôi nghe tiếng anh họ ngồi đằng sau hô với lũ bạn đứng hai bên đường:

- Chúng mày thấy tao bốc đầu điệu nghệ không?

Rồi nó cười khanh khách. Cả dãy học sinh đứng hai bên đường cũng vậy, không đứa nào là không cười. Lúc này tôi mới hiểu mình đang bị anh họ trêu cho một vố đau. Nó lấy tôi ra làm trò diễn xiếc, làm dân đua xe bốc đầu để tấu hài cho lũ bạn cùng lớp xem.

"Bốc đầu" chưa chán, nó lại đưa chân lên ghi đông, vòng qua người tôi để nâng đầu xe lên, giả vờ như mình đang lái xe bằng chân vậy! Rồi nó xoay xoay người, ngồi quay lưng với tôi và lùi bánh khiến tôi chới với như sắp ngã ra đường. Và đến khi nó tăng tốc làm tôi ngã hẳn ra thì lũ bạn hả hê cười một tràng như càng chọc tức tôi khiến tôi bị quê mặt. Vừa ngã ê mông lại vừa xấu hổ, tôi cay cú ngồi dậy nhìn nó làm trò. Càng ngày càng đông những người khán giả bu vào xem. Xấu hổ thì cũng xấu hổ rồi, tôi chỉ mong sao Vy không có trong đám người đó. Nếu em thấy tôi đang sõng soài trên đường thế này thì hôm sau tôi chẳng còn mặt mũi nào nhìn em nữa!