Lối Rẽ

Chương 65



Hàn Tùng Sơn nói một cách hàm súc, cho Trịnh Hiển Văn không gian để tưởng tượng thêm, trong lúc nói còn liên tục dừng lại, dường như đang chần chừ, lựa chọn từ ngữ cẩn thận.

“Tôi và Trịnh Tú Chi… tức là mẹ cậu, trước đây chúng tôi là người cùng một làng. Không biết cậu có biết về làng Vũ Hồ không, những năm 90, làng đó rất nghèo, đa số người dân ở đó đều ăn không no, mặc không ấm, nhà chúng tôi là hộ nghèo có tiếng trong làng đó. Vì để gom đủ tiền cho tôi học đại học, bố tôi đã gần như bán hết đồ trong nhà đi, người trong làng cũng giúp đôi chút, cộng thêm tiền học bổng và tiền làm thêm của tôi, khó lắm tôi mới học xong bốn năm đại học.”

Trịnh Hiển Văn chuyên tâm lắng nghe, có một khoảnh khắc, anh ta cứ ngỡ ông ta đang tâm sự chân thành với mình. Anh ta cảm thấy rất nể phục ông ta khi có thể thẳng thắn nói ra quá khứ lầm than của mình. Khi ngẩng đầu lên, anh ta vô tình chạm vào ánh mắt ông ta, lại bị cảm giác nhân từ, dịu dàng của người bố thiêu đốt con tim, anh ta vội nhìn ra chỗ khác.

Trịnh Hiển Văn cuống cuồng uống một ngụm cafe, lờ mờ cảm thấy nó không còn đắng như trước, thay vào đó còn hơi ngòn ngọt.

“Ban đầu dân làng tưởng tôi tốt nghiệp trường có tiếng, sau này có thể làm nên cơ đồ, nên họ vô cùng khách sáo với bố mẹ tôi. Kết quả sau khi tốt nghiệp, tôi đi làm phóng viên, lương thực tập chỉ có hai, ba nghìn tệ, sống ở thành phố A còn chật vật, huống hồ là gửi tiền về cho nhà ở dưới quê, đã thế tôi còn hay bị thương phải nhập viện.” Hàn Tùng Sơn cười bất lực: “Làng quê nghèo mà, tiêu chuẩn đánh giá một người thành công chỉ có tiền. Dần dần họ phát hiện tôi không kiếm được mấy nên cũng thay đổi sắc mặt, nói tôi còn không bằng mấy tên lông bông không biết chữ trong làng.”

Trịnh Hiển Văn thở hắt, cũng cảm thấy người bên cạnh mình có cái nhìn rất hạn hẹp, anh ta lập tức muốn an ủi Hàn Tùng Sơn. Nhưng vừa ngẩng đầu lên đã thấy chiếc đồng hồ vàng ở tay ông ta, câu nói ngắn ngủi như nghẹn trong cổ họng, không sao nói ra được.

Hàn Tùng Sơn cười khổ, nếp nhăn trên mặt bị đẩy sang hai bên. Ông ta bưng cốc cafe lên, uống một ngụm lớn như uống nước lọc, nói tiếp: “Mọi người đều có tính toán của riêng mình, khi đó quả thật tôi chẳng có tương lai gì. Thôi không nhắc tới nữa.”

Trịnh Hiển Văn cũng như bao người đọc hiểu khác, tự động bổ sung thêm vế sau.

Người nhà Trịnh Tần Mỹ ham hư vinh nên đã chia tách họ. Hàn Tùng Sơn tức giận nên đã rời khỏi làng Vũ Hồ, về sau chuyển tới thành phố D phát triển nên mới có được địa vị, tiền tài như ngày hôm nay.

Trịnh Hiển Văn bỗng nhiên thấy hổ thẹn, cảm giác đó tới rất bất ngờ, có lẽ nó xuất phát từ sự tự ti cắm rễ sâu trong lòng anh ta.

Một kịch bản về câu chuyện tình yêu máu chó tới nhường nào? Một người bị báo ứng, một người được bù đắp.

Anh ta còn chưa kịp nói gì, Hàn Tùng Sơn đã tỏ ra mình là người bao dung độ lượng, tự nhiên chuyển chủ đề, nói cho anh ta nghe về nguy hiểm mình gặp phải trong quá trình làm việc, sau đó lại cho anh ta xem vết thương cũ trên người mình.

“Khi tôi mới làm phóng viên, bởi vì vạch trần nhà máy chui của một doanh nghiệp nên đã bị ông chủ công ty thuê người đánh. Nếu không phải tôi chạy nhanh, lao tới nơi có người, người qua đường nhìn thấy nên đã báo cảnh sát giúp, chắc tôi chết lâu rồi.”

Giọng điệu bình thản của Hàn Tùng Sơn càng làm tăng thêm vẻ thâm sâu khó lường, không so thiệt hơn của ông ta.

“Tôi bị đánh gãy ba đốt xương, suýt chút bị đâm xuyên tim phổi. Sau gáy cũng có chỗ xương bị gãy, phải nằm trên giường hơn hai tháng, suýt chút không đi lại được. Bởi vì vết thương quá nặng nên giờ vẫn để lại di chứng, trời mưa là cả người tôi lại đau nhức. Nhưng như vậy đã tốt lắm rồi, ban đầu bác sĩ nói với bố tôi là tôi có thể sẽ bị liệt. Ha ha, tôi phúc lớn mạng lớn, sau dễ chết thế được?”

Trịnh Hiển Văn kinh ngạc, cảm thấy đau lòng cho những tủi nhục ông ta phải chịu ngày xưa. Anh ta lại nhìn người đối diện, chỉ cảm thấy ông ta đã biến thành ngọn núi khổng lồ, những tảng đá gồ ghề, hằn bao vết dao đâm đã trở thành huân chương. Ông ta như một đỉnh núi cao sừng sững, hiên ngang đứng giữa những ngọn núi thấp bé.

Ông ta dũng cảm lại quật cường, không sợ sự ngăn cản của số phận, không sợ đầu rơi máu chảy, dám hy sinh vì người khác, có sức sống kiên cường.

Trịnh Hiển Văn thầm nghĩ, đây mới là người đang tiến lên cùng thời đại, là cuộc sống có thăng có trầm, y như những anh hùng sách giáo khoa nhắc tới.

Hàn Tùng Sơn hoàn toàn vượt xa tưởng tượng về bố của anh ta, đẹp tới nỗi không chân thực.

Khi so sánh mới thấy, cuộc đời của Trịnh Tần Mỹ nhạt nhẽo, vô vị tới nhường nào.

Cho dù nếu phải liệt kê những chuyện bà đã phải trải qua ra, có lẽ không thể tìm ra được một câu nào hay ho để khắc lên bia mộ sau này.

Mắt anh ta lóe lên tia sáng khó lòng che giấu, Hàn Tùng Sơn dường như cũng đang mỉm cười tự hào, cảm khái: “Tôi đã đi vào cửa tử mấy lần mới phát hiện không có gì là quan trọng hết. Tiền bạc gì đó, hư vinh gì đó, quyền lực gì, mấy thứ đó chẳng là gì cả. Sống không thẹn với lòng mới là quan trọng nhất.”

Trịnh Hiển Văn gật đầu. Trước đây, mấy lời này chỉ là mấy lời nhảm nhí với anh ta, nhưng khi nó phát ra từ miệng Hàn Tùng Sơn lại trở nên dễ nghe, có sức thuyết phục tới lạ.

Trong phòng thẩm vấn tăm tối, vẻ mặt của Trịnh Hiển Văn hoàn toàn khác với sự vặn vẹo trong hồi ức.

Anh ta không hề che giấu sự chán ghét bản thân mình: “Tôi còn không biết khi đó tôi đã gặp phải ma quỷ.”

Uống cafe xong, Hàn Tùng Sơn lại đưa anh ta tới trung tâm thương mại ở gần đó.

Trịnh Hiển Văn không thích nơi như này. Khi ra ngoài mua đồ với Trịnh Tần Mỹ, rất ít người để ý tới họ. Đối với anh ta, những nơi sang trọng, cao cấp như vậy luôn tồn tại những con người nghĩ một đằng làm một nẻo.

Trịnh Tần Mỹ luôn cố gắng mua quần áo đắt một chút cho anh ta, bộ mấy trăm tệ cũng có, tránh để anh bị bạn bè xem thường.

Có lần trong một hoạt động của trường học, giáo viên bảo họ cùng mặc đồ màu đen, Trịnh Hiển Văn không có đồ phù hợp, Trịnh Tần Mỹ đã lấy 500 tệ trong tủ ra, đưa anh ta tới trung tâm thương mại mua.

Nhân viên chỉ vào bộ đắt nhất, hỏi anh ta có muốn mua nó không, sau đó cô ta đứng cạnh đồng nghiệp, che miệng cười. Trong suốt quá trình đó, họ không nói lời nào sắc bén, nhưng ánh mắt và nụ cười đều hiện rõ sự trào phúng, dường như đang đợi xem sự thảm hại của họ, đuổi họ mau rời đi.

Trịnh Hiển Văn không biết tại sao họ lại cười, chỉ cảm thấy gương mặt của họ rất khủng khiếp.

Mẹ con họ cũng đâu ra ngoài ăn xin, tại sao lại bị sỉ nhục như vậy?

Trịnh Tần Mỹ còn muốn mặc cả với nhân viên, Trịnh Hiển Văn đã lạnh lùng kéo bà đi ra khỏi cửa hàng đó.

Hai người im lặng rời khỏi trung tâm thương mại, cuối cùng mua một chiếc áo cộc bình thường hơn 300 tệ trong cửa hàng nhỏ bên đường.

Trịnh Tần Mỹ rất nhạy cảm, bà càng cảm thấy áy náy với anh ta hơn. Trịnh Hiển Văn mệt mỏi khi phải đối diện với cảm xúc của bà nên đã giả vờ không biết gì.

Dù sao anh ta cũng quen với điều này. Khi ở cùng Trịnh Tần Mỹ, rõ ràng là chuyện vui nhưng cuối cùng lại trở nên tồi tệ vì đủ các lý do.

Anh ta lớn lên trong sự tự ti tới vặn vẹo, nhưng Hàn Tùng Sơn sẽ không để anh ta gặp phải vấn đề tương tự như vậy.

Nhân viên lễ phép tới nghênh đón, hỏi họ cần mua gì.

Khi anh ta thử giày, nhân viên xinh đẹp còn ngồi xuống định thay giày cho anh ta.

Tất cả Trịnh Hiển Văn thủng lỗ chỗ, anh ta ngại không muốn cởi giày, lùi về sau mấy bước, nhỏ giọng nói: “Không cần đâu.”

Dường như Hàn Tùng Sơn có thể nhìn thấu suy nghĩ của anh ta, ông ta ân cần nói: “Đóng gói đôi đó vào đi.”

Sau khi mua sắm xong, hàn Tùng Sơn mua vé tàu sớm nhất cho anh ta, đưa anh ta về thành phố A, đồng thời dặn anh ta phải ngoan ngoãn học hành, học đại học rất quan trọng, đừng để Trịnh Tần Mỹ thất vọng.

“Hàn Tùng Sơn thật sự rất giỏi chinh phục lòng người.” Trịnh Hiển Văn châm biếm, chỉ vào mình: “Ông ta dùng hơn 2000 tệ, hai tiếng đồng hồ, mấy lời nói có vẻ dễ nghe đã hoàn toàn mua chuộc được tôi.”

Còn ly gián quan hệ giữa anh ta và Trịnh Tần Mỹ.

Khi quay về thành phố A, Trịnh Hiển Văn cảm thấy mọi thứ đã thay đổi.

Anh ta có một người bố giỏi giang, hơn nữa bố còn rất thích anh ta.

Anh ta hào hứng khi có bố, bị thứ cảm xúc mãnh liệt đó xâm chiếm mọi suy nghĩ, lãng quên đi những chi tiết khác.

Anh ta nhịn một tuần, cuối cùng không nhịn nổi nữa, vào một buổi tối nọ, anh ta hỏi Trịnh Tần Mỹ: “Bố con là người thế nào?”

Vẻ mặt Trịnh Tần Mỹ thay đổi, bà cúi đầu, gấp quần áo: “Không phải mẹ nói với con rồi sao? Ông ta chết lâu rồi.”

Trịnh Hiển Văn truy hỏi: “Vậy ông ấy tên gì? Khi còn sống là người thế nào?”

“Chẳng ra gì cả.” Trịnh Tần Mỹ rất hận Hàn Tùng Sơn, bà không cả muốn bảo vệ hình tượng cho một người chết, hơn nữa bà cũng không giỏi nói dối. Nhưng bà vẫn ôn hòa nói: “Trước đây ông ta học rất giỏi.”

“Không phải chứ?” Trịnh Hiển Văn cười, nằm lên giường, lăn mấy vòng liền: “Người chịu thương chịu khó sẽ luôn thành công.”

Trịnh Tần Mỹ cảm thấy không ổn lắm, bà đặt quần áo đã gấp xong vào tủ gần giường, quay đầu quan sát vẻ mặt Trịnh Hiển Văn.

Trịnh Hiển Văn rất giống Hàn Tùng Sơn, nhất là mũi và vành tai, điểm kế thừa duy nhất từ Trịnh Tần Mỹ là đôi mắt.

Nhưng mắt của Trịnh Tần Mỹ không đẹp, nó là mắt một mí, không ngắn cũng không dài, chẳng có gì đặc biệt.

Bà đi tới cạnh Trịnh Hiển Văn, kéo phẳng ga giường bị anh ta làm nhăn nhó lại, sau đó xoa lông mày anh ta, kinh ngạc nhận ra anh ta đã trở thành một thanh niên có thể sống tự lập.

“Sao con biết ông ta chịu được khổ cực?” Trịnh Tần Mỹ bất giác nói: “Khi con còn nhỏ, con chỉ bé bằng cần này, mẹ cõng con đi làm. Lúc nào con cũng khóc, khách hàng bèn tố cáo, ông chủ cho người cõng con ra sau vườn rửa bát, ngày đông…”

Điều kỳ lạ là Trịnh Hiển Văn không thích nghe bà nói về nỗi khổ của mình, anh ta đang vui nên lời nói cũng bớt cộc cằn, chỉ thô bạo ngắt lời bà: “Đều vì con hết sao? Đúng không?”

Trịnh Tần Mỹ thấp giọng giải thích: “Mẹ không định nói thế, mẹ chỉ muốn nói cho con biết…”

Trịnh Hiển Văn ngồi thẳng dậy, anh ta không hiểu sự yếu đuối, khổ cực của một người phụ nữ, chậm rãi nói: “Nếu ban đầu mẹ có thể học nghề thủ công, chuyên tâm làm một công việc, bây giờ chắc cũng ra gì và này nọ. Mười mấy năm trước, đất nước đón bao chuyện tốt như vậy, cơ hội nhiều vô kể, chắc chắn phần lớn người chịu được khổ cực đã giàu có, sung túc hết rồi. Cho dù là ông chủ sạp hàng có không ổn định tới mấy cũng có thu nhập trên mười nghìn tệ mỗi tháng.”

Trịnh Tần Mỹ sững sờ, một lúc lâu sau mới phản bác: “Mẹ phải chăm sóc con mà.”

“Nhưng cũng có những người mẹ nuôi con cái, cuối cùng vẫn làm bà chủ đấy thôi, phụ nữ mạnh mẽ đầy ra đó.” Trịnh Hiển Văn thờ ơ nói: “Họ có thể chịu được khổ cực vậy cơ mà.”

Bà tưởng mọi thứ mình bỏ ra ít nhất cũng nhận được chút trái ngọt, kết quả đều chỉ do bà tự mình đa tình.