Ma Chết Đói

Chương 7



7

Tôi chẳng hiểu câu Hoắc Đẩu nói có ý gì.

Đã ch.ết là sao?

Nhưng với cái cách Hạo Minh mộng du tối qua, nhất là khi nó nằm trên đùi ông Cố...

Tại sao lại là nó?

Nó chỉ là một đứa bé đang học mẫu giáo, lúc viện dưỡng lão khai trương nói chỉ mới nằm trong bụng mẹ.

Mẹ tôi òa khóc nức nở, còn chị dâu cứ lẩm bẩm: "Không thể nào, đã làm phép rồi, Hạo Minh sẽ không sao đâu."

Chị dâu bỗng dưng lao tới giữ chặt tôi: "Chị với anh trai em phải đi xem Hạo Minh, chuyện ở đây em xử lý đi."

Giao việc xong, chị dâu kéo mẹ tôi đi, còn thì thầm vào tai bà gì đó.

Đúng lúc này, anh tôi cũng chạy xuống: "Hạo Minh bị sao?"

Chị dâu túm lấy anh, trầm nói: "Đến trường mẫu giáo rồi biết."

Anh trai quay đầu muốn nói gì đó với tôi thì chị dâu hét lớn: "Còn chần chờ nữa con trai anh sẽ ch.ết đấy!"

Anh trai nhìn tôi một giây rồi cùng chị dâu ra ngoài.

Hy vọng đến nơi họ sẽ gọi điện kể tôi nghe tình hình của Hạo Minh. Thằng bé không thể ch.ết, dù là quả báo gì đi chăng nữa thì cũng không thể giáng xuống đầu một đứa bé được.

Mẹ kéo tôi: "Cảnh sát còn ở đây, chúng ta lên lầu giải quyết chuyện của lão Tiền đi. Bố con không biết ăn nói, con có ăn có học, con đi xử lý đi."

Trưởng thôn ở trên lầu gọi: "A Tú, Hàn Hi, video giám sát có chưa? Mọi người đang chờ đấy!"

Bố tôi cũng chạy xuống hỏi chuyện của Hạo Minh, sau đó nhìn mẹ rồi nói với tôi: "Con cứ lên lầu đi, dưới này bố với mẹ con lo."

Trưởng thôn đi xuống: "Có chuyện gì thế? Cái ch.ết của lão Tiền có vấn đề gì à?"

Bố đẩy tôi đi, bảo tôi xử lý vụ video giám sát và làm việc với cảnh sát và trưởng thôn.

Bị đùn đẩy trong mớ hỗn độn này, tôi thấy vô cùng bất an.

Trưởng thôn kéo tôi, mẹ vỗ vai tôi rồi đẩy tôi lên lầu.

Mới bước lên tầng hai, tôi theo bản năng nhìn xuống, thấy Hoắc Đẩu đang đứng trong góc nhìn tôi với ánh mắt thương cảm.

Tim tôi đập lỡ một nhịp.

Chẳng lẽ người ch.ết tiếp theo sẽ là tôi ư?

Nhưng nhớ rằng anh từng nói tôi sẽ không ch.ết, tôi dần bình tĩnh lại.

Thi thể của Tiền Tam Tư được phủ vải trắng, ngay cả vết m.áu dưới đất và r.uột bị moi ra cũng được che bằng ga trải giường.

Trưởng thôn khá thân với cảnh sát nên ông ta đã khai báo vụ việc, chỉ cần cảnh sát kiểm tra xong, bọn họ có thể giải thích sự việc của Tiền Tam Tư với con ông ta.

Mật khẩu máy tính được viết trên một tờ giấy nhớ dán bên dưới màn hình, tôi đăng nhập vào hệ thống.

Anh trai làm việc vô cùng gọn gàng, thế nên tôi dễ dàng tìm được video giám sát của phòng tương ứng.

Từ giám sát có thể thấy Tiền Tam Tư lấy những món đồ không nên nhìn thẳng trong tủ của ông Cố, càng xem ông ta càng tỏ ra hưng phấn, nhưng phải do dự rất lâu ông ta mới chọn món đồ chơi kia.

Ông ta về giường, ban đầu trông rất thỏa mãn, nhưng đến khi mất kh.ống ch.ế, m.áu bắt đầu trào ra, ông ta rên rỉ kêu đau, muốn đi đóng cửa lại.

Không ngờ đúng lúc bị ông cụ của phòng 205 nhìn thấy, ông ta cố lôi Tiền Tam Tư ra ngoài.

Cảnh tiếp theo là chúng tôi cùng chạy đến.

Nhưng kỳ lạ là tại sao ông cụ phòng 205 lại muốn lôi Tiền Tam Tư ra ngoài?

Cảnh sát muốn lấy thiết bị lưu video gốc nhưng máy tính kết nối với hàng chục camera giám sát trong viện dưỡng lão, nếu bị mang đi sẽ rất phiền phức nên tôi sao chép lại. USB có sẵn trong ngăn kéo.

Chờ sao chép và pháp y xử lý thi thể xong, tôi và trưởng thôn đi lấy lời khai.

Nghe tôi nói chỉ mới về từ hôm qua, cảnh sát cứ xác nhận mãi: "Cô thật sự mới về hôm qua sao?"

Tôi thắc mắc gật đầu.

Cảnh sát kia cứ nhìn tôi, sau đó cầm lời khai đi tìm đội trưởng của mình.

Đội trưởng cũng nhìn tôi, không nói gì thêm.

Sau khi ký xác nhận vào tờ giấy ghi lời khai, cảnh sát lại bảo tôi ký biên bản chịu trách nhiệm sự cố, trên đó có dòng chú thích "Chữ ký của người chịu trách nhiệm".

Tôi sửng sốt: "Biên bản này phải để anh tôi ký chứ? Cháu tôi đang gặp chút chuyện, anh ấy phải đến trường mẫu giáo, hay là tạm để tờ giấy ở đây, chờ anh ấy về ký rồi chúng tôi đem đi nộp được không?"

Loại giấy tờ này tôi ký cũng không giá trị.

"Không phải cô là đại diện hợp pháp và giám đốc viện dưỡng lão này sao?" Cảnh sát đưa tôi một chồng bản sao từ tập hồ sơ, "Cô tự xem đi, tất cả đều được đăng ký dưới tên của cô."

Tôi giật mình, vội nhận lấy xem nhanh.

Mọi thứ thật sự đều do tôi đứng tên!

Tôi nhìn trưởng thôn, ông ta giải thích: "Anh trai cháu đăng ký thế đấy, cậu ta nói cháu học nhiều, tốt nghiệp đại học xong sẽ về quê lập nghiệp nên mới..."

Tôi chợt nhớ đến lời Hoắc Đẩu nói, thời gian của tôi không còn nhiều nữa.

Tôi theo bản năng chạy xuống lầu tìm bố mẹ.

Nhưng trong phòng sinh hoạt chỉ các cụ vẫn đang sôi nổi thảo luận, chẳng thấy bố mẹ đâu.

Tôi lại chạy xuống bếp thì dưới đó chỉ có dì phụ nấu ăn.

Nghe tôi hỏi, dì bối rối nói: "Hạo Minh gặp chuyện ở trường mẫu giáo, bọn họ đều đến trường mẫu giáo rồi, họ không nói cho cháu biết sao?"

Không phải người đi là anh trai chị dâu, còn bố mẹ thì ở viện dưỡng lão hỗ trợ chăm sóc mọi người sao?

Tôi định hỏi nữa thì cảnh sát đã đuổi theo.

Lần này không phải một mà là hai người, họ nhìn tôi bằng ánh mắt cảm thông, trên gương mặt lại tỏ vẻ bất lực: "Đừng chạy lung tung, chúng tôi cần cô hỗ trợ lấy lời khai."

Dù có xảy ra chuyện gì thì tôi là pháp nhân, là người chịu trách nhiệm chính, cảnh sát cần phải trông chừng.

Tôi chỉ biết gật đầu.

Lúc này Hoắc Đẩu đứng ngoài sân như đang nhìn ra ngoài.

Thấy tôi nhìn, anh cười lắc đầu.

Cảnh sát yêu cầu tôi cùng họ đến phòng sinh hoạt tìm ông cụ phòng 205, đồng thời an ủi tôi đừng sợ, không phải chuyện gì to tát, từ video giám sát có thể xác định đây chỉ là tai nạn, cùng lắm viện dưỡng lão chỉ cần bồi thường thôi.

Tôi ngơ ngác theo cảnh sát đến phòng sinh hoạt, gọi điện cho bố mẹ.

Tôi gọi cho cả bốn người, nhưng chẳng có ai nghe máy.

Lần này cảnh sát hỏi rất nhiều, thậm chí còn hỏi về những cụ già đã ch.ết ở viện dưỡng lão trong mấy năm qua.

Tôi mơ hồ cảm thấy có gì đó không ổn, muốn ngắt lời.

Nhưng đội trưởng lại tìm cách đuổi tôi đi: "Mọi người chưa ăn trưa, cô là viện trưởng không nên đi giục làm bữa trưa à? Chúng tôi đói cũng không sao, nhưng mấy cụ già lớn tuổi này không thể bị bỏ đói. Đồ ăn ở viện dưỡng lão các cô nổi tiếng rất ngon, chúng tôi cũng muốn ăn thử."

Thấy các cụ cũng bắt đầu kêu đói, tôi chỉ đành xuống bếp tìm dì phụ nấu ăn.

May mà dì biết bố mẹ tôi đều không ở đây nên gọi thêm hai dì khác trong thôn đến giúp đỡ.

Trước khi bưng đồ ăn lên, dì hỏi: "Có cần như trước không?"

Ý là hỏi có cần thêm thuốc vô không.

Tôi nhìn quanh bếp, chẳng thấy bột thuốc của mẹ để đâu.

Có điều không dùng thuốc một ngày chắc cũng không sao, hơn nữa cảnh sát cũng ăn, nếu bọn họ xảy ra chuyện thì chẳng ai giải quyết được.

Tốt nhất là không nên gây thêm rắc rối.

Bữa ăn này không có chị dâu điều khiển, dù có mặt cảnh sát, mấy cụ già vẫn không chịu ngồi yên.

Còn chưa dọn đồ ăn lên, đã có cụ già cầm chén của mình chạy tới.

Dì phụ bếp muốn ngăn nhưng mọi người đều cùng một thôn, trong đây toàn người lớn, dì không dám mạnh tay.

Tôi biết không quản lý được nên để mặc họ.

Các cụ liên tục nhồi nhét đồ ăn vào miệng như ma ch.ết đói.

Có mấy cụ ăn nhiều đến nổi ói ra, tôi chỉ đành đứng ra ngăn cản, đồng thời nhờ mấy dì phụ bếp hỗ trợ.

Nếu lại xảy ra chuyện gì, dù biết tôi chỉ gánh trên lưng cái danh pháp nhân, cảnh sát sẽ không tha cho tôi.

Ăn no rồi không thể đi ngủ trưa ngay, tôi đưa mọi người ra sân sau viện tiêu thực.

Cảnh sát tiếp tục lấy lời khai, tôi nghe loáng thoáng họ hỏi đến bà nội.

Tâm trạng tôi ngày càng nặng nề.

Anh trai về quê là để chăm sóc bà nội, nhưng sau một tháng thành lập viện dưỡng lão, bà nội lại qu.a đ.ời.

Khi ấy tôi đang tập trung thi đại học nên bố mẹ không cho tôi biết, đến khi nghe tin, bà nội đã được chôn cất hơn một tháng.

Không lẽ vụ việc của bà nội còn ẩn tình nào khác?

Đang suy nghĩ miên man, tôi bỗng nghe một tiếng "ầm", bà cụ "thân mật" với bố sáng nay đột nhiên ngã quỵ, đầu đập mạnh xuống đất dẫn đến chảy m.áu.

Tôi muốn chạy tới đỡ bà ấy thì bị ông cụ phòng 205 giữ lại, cười nói: "Em gái, đừng đụng vào bà ta, tránh xa một chút, nhất là lúc chảy m.áu."

Tôi còn chưa hoàn hồn thì lại nghe tiếng cười nhẹ của Hoắc Đẩu: "Quả nhiên cô chính là đường sống."

Không biết từ khi nào Hoắc Đẩu đã đứng ngay bên cạnh tôi, anh liếc nhìn ông cụ kia, nghiêng người ngửi ngửi rồi gật đầu: "Thêm một người được sống."

Thêm một người được sống là?

Lúc này ông cụ kia thở phào, giải thích với cảnh sát: "Bà ta bị bệnh nhiệt, đừng đụng vào má.u của bà ta."

Nghe vậy, tất cả cảnh sát đều sợ hãi lùi lại.

Nhưng các cụ già đều vô cùng bình tĩnh.

Chứng kiến cảnh này toàn thân tôi như tê dại.

Sáng nay bố mẹ tôi cũng không tìm cách giải quyết.

Nhìn thái độ thản nhiên của họ, có vẻ như đây không phải lần đầu.

Thế thì bố tôi, mẹ tôi, ông cố, Tiền Tam Tư, còn cả m.áu của ông ta, m.áu của Hạo Minh...

Tôi không dám tưởng tượng việc này đã lan rộng đến mức nào.

Chẳng trách Hoắc Đẩu lại nói tất cả đều sẽ ch.ết.

Bọn họ đúng là tự tìm đường ch.ết mà!