Minh Châu Ký

Chương 21



Sân khấu sắp xếp xong, có hai ca kỹ bước lên đài, đứng sau hai cái trống lớn, tay cầm dùi trống.

Tiếng đàn tranh và tiếng sáo bắt đầu bài hát. Hai ca kỹ đứng trên chỗ hai cái trống lớn bắt đầu hát. Một người giọng cực cao, một người cực trầm.

Dàn vũ kỹ múa quạt lụa cũng bắt đầu thể hiện bài vũ đạo mới lạ.

Minh Châu nói, bài hát tên là "Kiêu". (1)

Cả bài hát là một loạt những lời tự hào về non sông, về cảnh đẹp, về con người, về những cố gắng của chiến sĩ sa trường bảo vệ đất nước.

Một bài hát khí thế hùng hồn, làm cho Nghiêm Cẩn có cảm giác rung động thật sâu.

Đến khi bài hát kết thúc, Nghiêm Cẩn lập tức quay sang, ánh mắt lấp lánh nhìn Minh Châu. Cô nương này, rốt cuộc tấm lòng phải rộng lớn đến thế nào...

Minh Châu tinh nghịch lấy tay chọc chọc Minh Cẩn.

- Sao nào? Đủ sức làm bài hát chiêu bài của trang viên của chúng ta chưa?

Minh Cẩn bật cười, kính trà với nàng.

- Nàng đúng là lúc nào cũng có thể làm cho ta bất ngờ.

Minh Châu đắc ý cười lớn.

- Học hỏi ở nước ngoài, đem về biến tấu lại. Ta không giỏi đến mức sáng tác ra a!

Nghiêm Cẩn không quên mục đích chính ngày hôm nay đến, bảo với Minh Châu.

- Ngày khai trương sẽ có Dương đại nhân đến. Ta cũng đã có lời ẩn ý với một vài người ở Hộ Bộ, ngày khai trương của nàng, chắc sẽ có không ít khách quý.

Minh Châu mắt sáng rỡ.

- Thật tốt quá! Vậy là thời gian bù lỗ của ta lại giảm đi được một chút rồi. Ôi món nợ của ta a!

Nghiêm Cẩn hơi bất ngờ, che quạt hỏi nhỏ.

- Nàng nợ ai? Bao nhiêu?

Minh Châu kể lể.

- Nợ tiền lấy từ ngân khố Yến gia a! Ta từ nước ngoài lưu lạc về tiền đâu mà làm ăn lớn như vầy, tất nhiên là phải rút tiền từ kho bạc của Yến gia rồi! Ta rút tiền ra, đương nhiên phải ghi nợ để trả lại cho các lão tổ tông.

Minh Cẩn nhìn nàng, cảm thấy buồn cười. Nàng có thể một mình ẩn thân, ôm khối tài sản đó sung sướng cả đời cũng không ai biết. Bây giờ lại bày ra một thế trận thật to, rồi còn than thở phải trả nợ cho các lão tổ tông.

~~~~~ Ta là đường phân cách dùng bữa ~~~~~

Ngay trong ngày hôm đó, khắp kinh thành đều biết, ba ngày sau, Khánh Niên Trang – trang viên lớn nhất Kinh đô sẽ mở cửa.

Không chỉ có ăn uống, còn có nơi tổ chức thi tài đánh cờ và thơ văn, đố chữ. Ai ai cũng cảm thấy tò mò và muốn đến thử.

Chưa hết, ba đêm khai trương, Khánh Niên trang sẽ mở cửa lớn đón tiếp quý vị đến xem tiết mục sân khấu độc nhất vô nhị do chính Trang chủ biên soạn.

Vé vào cổng xem hát chỉ có hai văn tiền, người dân có thể thoải mái đến xem.

Trước ngày khai trương, Minh Châu tập hợp tất cả mọi người vào trong sân trang.

Đứng giữa sân là hàng ngũ một trăm gia đinh và năm mươi tì nữ đã được đào tạo bài bản, thêm một hàng mười lăm đầu bếp. Phía trên là một hàng tám người tuổi trạc tứ tuần, bốn nam bốn nữ, là bốn chưởng quầy mà Minh Châu đã đi mời về lúc trước. Hàng trên là bốn đại tì nữ của Minh Châu.

Minh Châu nhìn xuống sân, lên tiếng.

- Ngày mai là ngày khai trương. Chắc chắn công việc sẽ rất nhiều, rất mệt mỏi. Ta mong tất cả mọi người cố gắng.

Lát nữa mỗi người sẽ được phát ba bộ đồng phục và một mộc bài. Tất cả mọi người trong lúc làm việc phải mặc đồng phục và đeo lệnh bài. Ai làm mất hoặc làm sai sẽ bị phạt thật nặng, rõ chưa?

Tất cả đồng thanh hô rõ. Minh Châu mới tiếp tục.

- Tám vị trước mặt các ngươi, sẽ là tám chưởng quầy thường trực. Trong quá trình phục vụ khách, nếu có tình huống khẩn cấp hoặc nghi ngờ có vấn đề xảy ra phải lập tức liên hệ với các chưởng quầy. Các chưởng quầy sẽ đeo lệnh bài "Trung" để phân biệt. Mọi người rõ hết chưa?

Minh Châu tận tay phát lệnh bài bằng bạc cho tám vị chưởng quầy. Sau đó lại tiếp tục.

- Trên các vị chưởng quầy sẽ có bốn vị đại quản sự. Nếu có sự việc mà chưởng quầy không quyết được, phải liên lạc ngay với bốn vị đại quản sự. Đại quản sự đeo lệnh bài bằng ngọc khắc chữ "Đại". Mọi người đã hiểu hết chưa?

Tất cả một lần nữa đồng loạt hô rõ.

Lúc giải tán, mỗi người được lì xì một xâu tiền công. Theo Minh Châu nói, đây là để lên tinh thần cho mọi người làm việc trước trận bão sắp tới.

Ngày khai trương, toàn thể người làm của Khánh Niên Trang đã hiểu rõ, thế nào là bão.

Khách kéo tới đông không lọt Nhã viên và Bình viên. Cả hai bên đều tấp nập người đến thưởng thức danh tác, thưởng thức món ăn, và đăng ký tham gia thách đấu.

Ngoài khách là dân thường, thương gia, còn có nhà quan lại, quý tộc đến góp vui. Ngoài ra còn có học sinh, danh sĩ,... đủ mọi tầng lớp.

Dù được huấn luyện từ trước, nhưng là ngày đầu nên không tránh khỏi lúng túng. Rất may Mộc Đông và Xuân Hạnh trấn trụ vững vàng, nên cũng không xảy ra sự cố gì.

Trong bếp, Hạ Quả là người trước nay vô cùng lạc quan cũng đang sắp phát hỏa sắp không xoay sở kịp.

Trong buồng sổ sách, Tĩnh thu nhìn mấy xấp phiếu thu dày cộm liên tục đưa vào, cười khổ nhìn năm phụ tá.

Đến đêm, khung cảnh mới thật sự đáng sợ.

Các gian lầu nhìn xuống sân khấu được đặt hết chỗ. Nhất thời Xuân Hạnh phải hỏi ý từng khách cho ghép bàn. Cũng may nàng và Minh Châu đã tìm hiểu từ trước, biết rõ ai không ngồi được với ai, nên một số bàn được ghép thuận lợi.

Số lượng người đến xem tràn ra đến cổng trang viên

Lúc các ca kỹ dàn dựng tiết mục "Kiêu", nhìn thấy trống và quạt lạ mắt, tất cả mọi người đều tò mò, hứng chí bừng bừng.

Đến lúc thưởng thức tiết mục, toàn bộ sân trang viện, mấy trăm con người bỗng im lặng như tờ, chỉ còn tiếng nhạc, tiếng trống và tiếng hát của đội biểu diễn.

Khi tiết mục vừa kết thúc, một vị lão gia đập bàn đứng dậy kêu "Hay!" một tiếng, tức thì tất cả mọi người đồng loạt vỗ tay tán thưởng.

Đây là lần đầu tiên, bọn họ được thưởng thức một tiết mục chấn động, hào hùng như vậy. Một bài hát không phải tình cảm ướt át, mà là ca ngợi đất nước, con người. Nghe xong, ai ai cũng cảm giác lâng lâng tự hào.

Sau một ngày, danh tiếng Khánh Niên Trang chính thức vang dội khắp Kinh thành.

Sân viện mỹ lệ, thức ăn ngon, phục vụ chu đáo. Chưa kể, tiết mục "Kiêu" đã chính thức làm rung động lòng người, trở thành tiết mục được đặt lịch biểu diễn nhiều nhất xuyên suốt cả năm.

Đêm đầu tiên, dọn dẹp xong đã là giờ tý. Tất cả mọi người ai ai cũng mệt mỏi rã rời, nhưng trong lòng lại vô cùng vui vẻ, mãn nguyện.

Mộc Đông đi kiểm tra tình hình người làm trong trang viên. Hạ Quả sớm đã ngủ mất. Con bé có vẻ đã lao lực quá độ. Trong viện, Xuân Hạnh đang giúp Minh Châu sắp xếp lại ghi chép khách đến dự. Tĩnh Thu gõ cửa, bước vào.

- Tiểu thư, em đã kiểm xong thu chi của ngày hôm nay.

Minh Châu nhìn về phía Tĩnh Thu, hồi hộp.

- Bao nhiêu?

Tĩnh Thu run run giơ hai ngón tay lên. Xuân Hạnh cười.

- Hai trăm lượng, đúng như tiểu thư ước tính rồi.

Tĩnh Thu lắc đầu.

- Là hai ngàn lượng ạ!

- Hả? Cái gì? Hai ngàn lượng?

Lần này thì đến Xuân Hạnh cũng chấn động. Minh Châu ngay lập tức đứng lên, xỏ dép, vội vội vàng vàng.

- Nhanh! Đi từ đường thắp hương! Đi ngay bây giờ!

Nhìn dáng vẻ hấp tấp, luốn cuốn của Minh Châu, Xuân Hạnh bật cười, nói với Tĩnh Thu.

- Tiểu thư thật là! Đôi khi, ta có cảm giác, tới giờ tiểu thư vẫn không biết được, những việc người làm ra có thể gây chấn động đến thế nào.

Lần đầu tiên, Tĩnh Thu nở một nụ cười rạng rỡ.

- Xuân Hạnh tỷ, ta rất biết ơn kiếp này đã gặp được tiểu thư và các tỷ.

Nói xong, mắt lại ngấn nước. Xuân Hạnh thở dài.

- Đừng khóc! Tiểu thư thấy em khóc sẽ trách đó!

Nói xong thu dọn, bước ra ngoài, chỉ có tiếng nói còn vọng lại.

- Ngày tháng cực khổ còn dài lắm! Ngủ sớm đi!

Đêm hôm đó, Minh Châu nằm mơ thấy mỗi ngày kiếm được một đống tiền, cười đến tỉnh ngủ.

*Chú thích:

(1) Kiêu: Đây là một bài hát tiếng Trung do ca sĩ Tỉnh Lung - Tỉnh Địch thể hiện. Mọi người có thể tìm và nghe thử để trải nghiệm.