Mộ Phần Người Yêu

Chương 3



Khi tôi đẩy cửa ra, Minh Lâm đang thu dọn đồ đạc. Có vẻ là em bị đuổi. Tôi muốn hỏi nhưng lại chẳng thốt thành lời.

Minh Lâm thấy tôi đứng lóng ngóng ở cửa, biết ý đồ của tôi nên giành nói trước: “Em chưa phát bệnh, mới trong thời kỳ ủ bệnh thôi, nếu chỉ ở chung một phòng thì không lây được. Ngày nào em cũng dọn sạch phòng và khử trùng đồ đạc. Không lây đâu. Em sẽ không hại các anh. Em hứa mà.”

Em nói rất rõ ràng nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy vướng mắc. Tôi oán trách em không thành thật với mình, nhiều lần từ chối cũng không một lời giải thích. Tôi cảm thấy có cơn giận vô danh đang nổi lên trong lòng mình..

“Bị bệnh sao không nói sớm! Lừa đảo!” Tôi kích động vung tay tát vào mặt em, gò má em sưng lên, khóe miệng rơm rớm máu.

Đúng lúc này, Giả Khoa vừa đi ra khỏi thang máy, thấy tôi đánh Minh Lâm thì cuống quýt hét to: “Đừng chạm vào nó!” rồi vội vã kéo tôi đến phòng vệ sinh rửa tay. Minh Lâm lau vết máu bên miệng rồi cũng đi theo vào, Giả Khoa lại lật đật chạy ra ngoài.

Minh Lâm lấy một chai nước từ ngăn kéo bên dưới bồn rửa lên rồi nói: “Nước diệt khuẩn đây. Thật ra anh không thể lây bệnh chỉ bằng một cái tát ấy đâu, không đáng sợ đến thế.” Tôi có thể nghe thấy sự khinh thường mà em dành cho mình.

Khi quay lưng bỏ đi, em khẽ nói: “Em đã bảo anh đừng đến tìm em từ lâu rồi. Em không lừa anh.”

Kể từ đó, Minh Lâm biến mất. Giả Khoa nói công ty không sa thải mà tự em bỏ đi, khá là tự giác. Giả Khoa đến ở cùng với tôi một khoảng thời gian dài với lý do là cảm thấy ký túc xá mà em đã ở không sạch sẽ. Nhân viên trong công ty cũng bắt đầu đua nhau giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Ngày nào cũng dọn dẹp tinh tươm rồi mới về, kể cho hôm ấy có tăng ca muộn đến mấy.

Giả Khoa quay lại với cuộc sống độc thân, cậu ta và Dung Dung sắp chia tay. Để giết thời gian, hai đứa tôi rủ nhau vào bar. Ngồi trong quán, tôi được nghe Giả Khoa chửi bới em hết lần này đến lần khác. Cậu ta vận dụng toàn bộ những gì học được và vốn ngôn từ thậm tệ nhất để sỉ nhục em, sau đó thì quay sang lăng mạ đồng tính luyến ái, cứ như thể tất cả đồng tính trên thế giới này đều mắc bệnh AIDS và ai cũng muốn hãm hại cậu ta. Tôi chỉ ngồi yên đó với ly rượu của mình, thầm nghĩ nếu giờ tôi nói với Giả Khoa rằng mình cũng là đồng tính luyến ái thì cậu ta sẽ phản ứng thế nào.

Bên tai tôi cứ mãi văng vẳng câu nói cuối cùng của em: “Em đã bảo anh đừng đến tìm em từ lâu rồi. Em không lừa anh.”

Tôi hiểu ra rằng em vẫn luôn trung thực từ đầu chí cuối, em không muốn và cũng không hề lừa gạt ai. Nỗi oán trách của tôi với em đơn giản chỉ là sự ngụy biện cho bản thân mà thôi. Nhưng sau đó, tôi luôn cảm thấy có gì đó vẫn chưa ổn, như thể em đã mang thứ gì đó trong tôi đi mất rồi.

Sự kiện “Đô thị mơ ước” cuối cùng cũng được giải quyết. Quyền lợi của các chủ đầu tư được bảo toàn. Giả Khoa thu hồi được 90% tiền nhà, Dung Dung của cậu ta cũng quay lại. Trước mặt tôi, Giả Khoa thề son sắt sẽ không để ý gì loại đàn bà hám lợi ấy nữa, vậy mà chưa tới hai ngày sau đã xoắn đít nịnh nọt cô ả.

Giả Khoa đã vực dậy từ trong bóng tối, chỉ còn đám mây đen trên đầu tôi là vẫn lửng lơ.

Đã một khoảng thời gian dài tôi không chơi bời. Gặp người xa lạ đến bắt chuyện trong quán rượu, phản ứng đầu tiên của tôi cũng là xem người đó có sạch sẽ hay không. Và rồi tôi lại chợt nhớ đến ánh mắt bối rối của em vào đêm chúng tôi gặp nhau đầu tiên, trong lòng bỗng thoáng hiện một bóng hình. Sau đó hứng thú gì cũng mất hết.

Thế nhưng đêm nào tôi cũng đến quán bar. Nhìn đám đông muôn hình vạn trạng đi lại trước mắt khiến tôi an tâm đến lạ. Bởi khi ở nhà một mình, tôi luôn hoảng hốt mỗi khi thấy bóng dáng em chập chờn trước mắt mình. Tôi hoài nghi liệu có phải em đang dùng cách này để tôi nhớ đến em hay không nữa.

Hôm ấy, khi nán lại quán vào tối muộn, tôi thấy bóng dáng của Tiểu Khang trong đám đông. Cậu ta lại cua được một em trai non tơ. Nom dáng vẻ ngại ngùng khi nói chuyện với Tiểu Khang là biết cậu bé đã say Tiểu Khang như điếu đổ.

Tôi không đi tìm Tiểu Khang để tính sổ, ngẫm nghĩ lại thì chấp nhặt với loại người như thế chỉ tổ hạ thấp bản thân mình. Thế là tôi gục đầu tiếp tục uống rượu của mình. Không biết qua bao lâu, đầu tôi đã có hơi chếnh choáng, tôi biết mình không nên uống nữa.

Tôi chuẩn bị tính tiền ra về, nhưng chưa kịp lấy ví ra thì đã có một bàn tay giành trước trả tiền.

“Mặt trời mọc đằng tây rồi à?” Tôi cười khẩy.

“Em không thể mời anh uống rượu sao?” Tiểu Khang nói một cách đắc ý.

“Mời ư? Cậu còn đang nợ tôi đấy. Mới câu được mồi à? Mà thị lực ngày càng kém nhỉ, cái loại kiết xác ấy cũng ưng. Cậu rớt giá à?”

“Em mời anh uống rượu thì đừng có ăn nói ba lăng nhăng. Em nghiêm túc với người ta đấy.” Tiểu Khang ngồi xuống cạnh tôi rồi nói: “Mấy hôm nay toàn thấy anh ngồi đây một mình. Người dạo trước gặp ở quán trà chạy rồi hả?”

Tiểu Khang có chút hả hê trước nỗi đau của người khác, tôi chẳng thèm quan tâm.

“Chạy thật à? Anh mà cũng có lúc bị đá sao. Lừa tiền hay gạt tình đấy?” Tiểu Khang cười nhạt hai tiếng.

“Cậu cho là ai cũng như cậu à, lên giường làm việc xuống giường đếm tiền!”

“Ô? Thế ra là bị gạt tình hả! Anh mà cũng có tình cảm á?”

Những lời nói của Tiểu Khang khiến cho cả người tôi trở nên khó chịu. Như thể tôi là động vật máu lạnh vậy. Nhưng đúng là nhiều năm qua tôi chưa từng nảy sinh tình cảm với bất cứ ai.

Tình yêu là hai chữ mà tôi luôn sởn gai ốc mỗi khi nghe thấy. Trong xã hội hiện thời, ai yêu đương thì kẻ đó thua cuộc. Tình yêu là chuyện của hai người. Khi một người dâng hiến chân tình cho người còn lại, ai biết được sau đó người ta sẽ làm gì. Sẽ chân thành cất đi như báu vật hay sẽ thẳng tay vứt xuống đất, hoặc nhận thêm bao nhiêu chân tình khác nữa sau lưng? Chuyện ngu xuẩn liều lĩnh như thế, ai thích thì làm, tôi xin kiếu.

Tiểu Khang bảo tôi bị Minh Lâm lừa tình, nhưng logic của tôi thì không cho là vậy. Mặc dù đúng là tôi với Minh Lâm qua lại được mấy tháng, nhưng ngoài nói chuyện phiếm ra thì chúng tôi chưa làm gì khác. Cái kiểu yêu đương chỉ nói mồm chứ không “làm” ấy không hợp với tôi. Tình yêu như thế cao thâm quá, tôi không thấm nổi.

Nhưng tôi lại chẳng thể giải thích được vì sao đã hai tháng trôi qua mà tôi vẫn chưa thể quên được em. Mối quan hệ giữa tôi và em thật sự quá khó hiểu.

Tôi hoài nghi Tiểu Khang đang muốn thấy tôi mất mặt nên đáp: “Tôi không có tình cảm ư? Chúng ta như nhau cả thôi. Tên lúc nãy là ai đấy? Ưng nó chỗ nào nói thẳng ra xem nào. Bố nó làm trong tỉnh hay thành phố? Hay trúng cá độ thể thao? Được năm mươi hay một trăm? Chắc cũng mất mấy nghìn mới trúng ấy nhỉ? Muốn kiếm đại gia thì đến đầm sen, nơi mà ai đến mua giẻ rách cũng gia tài bạc triệu ấy.”

“Anh muốn nói gì thì nói, em chả giận. IQ của anh có hạn, nói chuyện tình cảm với anh cũng như đàn gảy tai trâu.”

Tiểu Khang chế nhạo tôi xong còn bảo: “Nhà cậu ấy ở huyện Bì, bây giờ đang học ngành máy tính ở Đại học Thành Đô. Nghèo thì có nghèo nhưng đối xử tốt với em lắm. Chỉ cần cậu ấy không thay lòng thì em sẽ theo cậu ấy.” Tôi ngỡ ngàng phát hiện ra nụ cười hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt Tiểu Khang. Quen cậu ta đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy.

“Bị lợi dụng cho mà xem. Ngu ngốc!”

Tiểu Khang đứng dậy bỏ đi. Tôi như một con chó nhà có tang, chỉ biết chửi rủa sau lưng cậu ta.

Kể từ hôm đó, tôi quyết không để hình bóng Minh Lâm phiền nhiễu đến mình nữa. Tôi dồn gấp đôi công sức vào công việc và rong chơi mỗi khi đêm về như thuở trước. Lâu lắm rồi tôi không còn thấy Tiểu Khang nữa, xem ra cậu ta đến với chàng nông dân huyện Bì nọ thật. Tôi không quan tâm, dù sao thị trường của tôi vẫn ngon chán. Tôi ngồi đãi bôi với nhiều người khác nhau ở quán bar mỗi ngày và chờ ngày Tiểu Khang chạy đến khóc lóc kể lể kẻ đó lừa cậu ta. Khi đó chắc hẳn tôi sẽ vui lắm.

Cuộc sống của tôi trở lại trạng thái bình thường. Loáng một cái đã nửa năm.

Năm nay, thời tiết ở Thành Đô rất lạ. Tháng ba nóng như giữa hè còn tháng năm thì rét như đầu xuân. Nay vừa tăng bảy độ, mai đã giảm tám độ, khiến người ta chẳng biết phải mặc gì cho vừa. Bởi thế nên bệnh viện nào cũng chật ních người đến khám bệnh vì thay đổi thời tiết.

Theo lời đề nghị của Giả Khoa, tôi cũng bắt đầu lên kế hoạch bất động sản. Có lúc tôi thấy mình như kẻ thất bại, việc gì cũng theo đít Giả Khoa như một kẻ không có chính kiến. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ nhất thời mà thôi, suy cho cùng tôi cũng là kiểu người không nhiều đòi hỏi, có cơm ăn là được, ở đâu chẳng giống nhau.

Tôi chuyển sang làm tại một công ty bất động sản, rất có triển vọng. Giám đốc Triệu trong công ty khá là coi trọng tôi. Thứ nhất là Giả Khoa rất có tiếng trong công ty, thành ra tôi hưởng sái tiếng thơm của cậu ta, thứ hai là do sau khi vào công ty, hai hạng mục có tôi tham dự đều rất thành công. Có thành tích rõ ràng ra đấy, giám đốc không coi trọng cũng không được.

Sáng thứ bảy, tôi chưa tỉnh giấc thì giám đốc Triệu đã gọi tôi đi uống trà. Khói mù mịt giăng đầy bên ngoài cửa sổ làm cay xè đôi mắt tôi. Các bác nông dân ở ngoài thành lại đốt rơm rồi. Chính quyền thành phố không ai quản lý, chỉ khổ cho những cư dân thấp cổ bé họng chúng tôi.

Mười giờ, xe của giám đốc Triệu đến đón. Tôi vẫn chưa tỉnh táo cho lắm, ngồi trên xe gà gật một chốc đã thấy đến nơi rồi. Tiểu Trần đi đỗ xe còn giám đốc Triệu thì dẫn tôi sang một quán trà phía bên đường. Quán nằm ở tầng hai, đi vào bằng một cánh cửa không bắt mắt ở tầng một rồi đi lên chiếc cầu thang nhỏ và hẹp. Song, những điều đó không ảnh hưởng đến việc kinh doanh đắt hàng của quán.

Chúng tôi tìm một chiếc bàn cạnh cửa sổ rồi ngồi xuống. Từ đây có thể ngắm toàn cảnh phố phường.

Giám đốc Triệu chỉ mảnh đất bên kia đường rồi nói: “Nếu xây sửa chỗ này thành khu chung cư có thang máy được thì ngon phải biết, vị trí đẹp quá.”

Đúng là bệnh nghề nghiệp, thảo nào giám đốc Triệu lại vào quán trà tồi tàn này, hóa ra là để ngắm đất.

Thế rồi tôi chợt nhìn thấy một người bước ra từ siêu thị phía đối diện, chiếc áo gió đen dài phủ kín cả người, mặc như thế vào một ngày ấm áp như hôm nay quả là hiếm thấy.

Khi băng qua đường, người đó ngoái đầu để nhìn dòng xe cộ qua lại, nhờ thế mà tôi được thấy khuôn mặt chính diện của cậu ta. Đó là Minh Lâm.

Minh Lâm băng qua đường, đi dọc theo con phố một đoạn rồi dừng trước một hàng mì, mua mấy cái bánh bao, sau đó rẽ vào con hẻm nhỏ ngay bên cạnh quán. Tim tôi bỗng nhiên giật thót.

Tiểu Trần đậu xe xong thì lên quán. Cậu ta ngồi xuống bên cạnh tôi rồi kể với giám đốc Triệu về chuyến đi Thanh Bạch Giang* xem đất lần trước.

*1 quận thuộc Thành Đô

Tôi nhấp nhổm không tập trung, một khát khao lao ngay xuống dưới đột nhiên bùng lên mạnh mẽ trong tôi.

“Giám đốc Triệu, em chưa ăn sáng. Em xuống dưới mua hai cái bánh bao cái đã.” Không đợi giám đốc Triệu lên tiếng, tôi đã lao ra khỏi quán trà.

Ra tới bên ngoài, tôi chạy thẳng tới chỗ quán mì. Con hẻm nhỏ cạnh bên rất hẹp, cuối hẻm có một cánh cổng bằng sắt, bên trong là khu nhà tập thể kiểu cũ của một đơn vị nào đó.

Một cô bé mặc áo khoác mèo màu cà phê đang chơi bóng cạnh cửa sắt. Tôi hỏi con bé có thấy một chú mặc áo gió màu đen không. Cô bé đáp có rồi kéo tôi đi vào trong sân.

Con bé dẫn tôi qua bồn hoa, vào một cái cửa sắt hoen rỉ. Nó ôm quả bóng nhảy tung tăng cho tới khi dừng trước một cánh cửa sát mép tường. Từ bồn hoa đến bức tường bên phải lối vào được quây lại bởi một hàng rào tre, bên trong có một căn nhà gạch thô sơ, liếc qua là biết thuộc kiểu công trình bất hợp pháp. Cô bé chỉ vào trong hàng rào rồi bảo: “Chú đó ở đây này.” Rồi cười tinh nghịch chạy đi.

Tôi nhìn hai đầu hàng rào và tìm thấy một cánh cửa tre con con sát bên tường. Thế là tôi đẩy cửa đi vào, đứng trước ngôi nhà tồi tàn ấy.

Các mặt tường của ngôi nhà xây bằng loại gạch đỏ cũ kỹ không được trát xi măng, gió dễ dàng luồn vào bên trong qua những kẽ hở giữa các viên gạch. Những ô cửa sổ bằng gỗ kiểu cũ bám đầy bụi, chặn toàn bộ ánh sáng của căn phòng, lớp sơn đỏ thì đã mốc bong ra thành mảng. Mái nhà lợp bằng những tấm nhôm xám xịt kêu kẽo kẹt trong gió, trông cứ như một ngôi nhà ma. Nếu không có ổ khóa mới trên cánh cửa cũ nát thì tôi thật sự không tin chỗ này có người ở.

Trong phòng yên ắng như không có người, như thể cái khóa kia chỉ để trưng. Tôi rất buồn bực, nghi ngờ cô bé tìm lộn chỗ hoặc là người cô bé nói không phải Minh Lâm.

Tôi hơi thất vọng, vừa định rời đi thì phát hiện cánh cửa sổ không đóng chặt. Tôi kéo mép dưới của cánh cửa ra, nó kêu “Két” rồi bật mở. Một thứ mùi mục nát quái lạ phả thẳng vào mặt khiến tôi phải đưa tay bịt mũi.

Từ ngoài cửa sổ, tôi nhìn vào quanh phòng, ánh sáng tù mù chỉ đủ để tôi thấy một người đang nằm trên chiếc giường gỗ cũ kỹ, trên tủ đầu giường bày bừa một đống đồ. Tôi đứng lặng bên cửa sổ, mở hai cánh cửa ra to hơn.

Người nằm trên giường chính là Minh Lâm.

Ánh sáng bên ngoài tràn vào phòng, trải lên gương mặt em một dải sáng trắng mạnh. Nửa năm không gặp, em gầy đi trông thấy, khuôn mặt hốc hác nhợt nhạt, hàng mi dài rậm vùi trong hốc mắt, đôi môi tái mím chặt như một cái xác. Tôi rùng mình.

Có tiếng nước chảy dưới nền nhà. Chỉ cần nhìn tấm đan bê tông giữa nhà là biết chỗ này được xây trên cống thoát nước.

Tim tôi đau thắt.

Ánh sáng chói lóa đánh thức em dậy, em cau mày quay đầu và nhìn thấy tôi.

Em xuống giường, xỏ giày rồi đi thẳng đến bên cửa sổ. Tôi luống cuống đứng đó, cố nghĩ xem mình nên nói gì. Còn chưa kịp mở miệng thì một làn sương hương chanh xộc tới, bay vào mắt khiến tôi khó chịu. Tôi phẩy tay gạt sương đi thì thấy Minh Lâm đang cầm một bình xịt thanh lọc không khí, sau đó cửa sổ bị đóng sầm lại.

Mắt tôi cay cay, tôi dụi mạnh, biết kiểu gì chúng cũng đã đỏ lên. Tôi chợt nhớ lại chai nước diệt khuẩn nửa năm trước. Chẳng biết ý em là muốn khử khuẩn hay là diệt tôi. Tóm lại, em chắn cả tôi lẫn ánh sáng ở bên ngoài cửa sổ.

Tôi chán nản quay về quán trà, Tiểu Trần chỉ mắt tôi hỏi: “Chạy xuống đó mà thành mắt thỏ luôn à?”

“Bị khói xông.”

“Tôi gọi ít đồ ăn vặt cho anh rồi này, xuống tầng mua bánh bao làm chi.”

Đồ ăn đã được bưng lên nhưng tôi vẫn bần thần nhìn ra ngoài cửa sổ. Trong lòng tôi vừa chua vừa chát như thể uống phải nước trà đắng quá hạn.

Minh Lâm gầy đến sợ, còn gầy hơn cả hồi ở bên tôi nửa năm trước. Sống ở một nơi thế này, xem ra em không có việc làm, không biết có ai chăm sóc hay không. Tôi chưa từng thấy em có bạn bè nào trước đây. Em thường về nhà sau mỗi giờ làm việc rồi ở lì trong phòng, lau chùi quét dọn khắp nơi.

Đó là một cảm giác rất kì lạ. Quả là tôi đã quên em, nhưng cuộc gặp bất ngờ ngày hôm nay vẫn khiến tôi không day dứt.

Đến hai giờ chiều, giám đốc Triệu bảo phải đi. Ngồi trong xe mà tôi không sao yên lòng nổi, tôi có cảm giác nếu mình rời đi sẽ không còn trở lại được nữa. Sau cùng tôi nói muốn xuống xe. Nhìn đuôi xe nhả khói trắng của giám đốc Triệu biến mất ở giao lộ, tôi vội vàng xoay người chạy về phía khu nhà vừa nãy. Tựa như chậm chút nữa thôi là Minh Lâm sẽ lại dọn đi. Nhưng khi chạy đến căn phòng xập xệ kia, tôi lại do dự. Quanh quẩn trước cửa hồi lâu mà tôi vẫn không dám gõ.

Tôi ngồi chờ trên bồn hoa trước cửa, chẳng biết mình đang trông chờ điều gì, vậy nên cứ ngồi mải miết.

Tôi hút hết điếu này đến điếu khác, nhả ra từng vòng khói ngày càng tròn trịa. Một gói thuốc nhanh chóng hết veo. Tôi vò bao thuốc rỗng thành cục rồi vứt xuống đất sau đó chán chường dẫm chân di di đống tàn thuốc. Tôi dùng đế gót giày giẫm bẹp chúng xuống đất trước, sau đó lại dùng mũi giày cậy chúng lên. Tôi làm như thế được hai lượt thì trời tối.

Tôi liếc đồng hồ, đã gần tám giờ. Trong phòng vẫn lặng thinh, cũng không sáng đèn. Tôi thở dài đứng dậy, phủi bụi bặm trên người định rời đi thì Minh Lâm bước ra khỏi phòng.

Em vẫn mặc chiếc áo khoác màu đen lúc sáng, hình như đang định đi mua đồ.

“Vẫn còn ở đây à.” Minh Lâm dửng dưng hỏi một câu, không để tôi đáp lại đã lướt qua tôi.

Tôi do dự một chốc rồi đuổi theo Minh Lâm: “Chưa ăn tối phải không, để anh đi mua. Em về phòng nằm đi.”

Minh Lâm đứng lại và nhìn tôi với vẻ nghi ngờ. Tôi lướt qua Minh Lâm và ra khỏi khu nhà, mua một ít đồ ăn chín và một chai cô ca rồi trở về nhanh nhất có thể.

Trong phòng không có ghế, tôi xê chiếc bàn vuông duy nhất đến bên cạnh giường, bày đồ ăn ra bàn, rót cô ca cho Minh Lâm rồi đặt đũa vào tay em. Tôi ân cần chiêu đãi như thể đây chính là phòng tôi vậy. Minh Lâm chỉ ngồi yên trên giường nhìn tôi bận rộn.

“Ăn nhanh đi, để nguội mất ngon.” Tôi xé cánh gà rán giòn bỏ vào bát Minh Lâm.

Em không động đũa mà hỏi: “Sao anh biết em ở đây?”

“Trước đây anh không biết. Hôm nay anh đến đây uống trà với giám đốc, thấy em đi từ trong siêu thị ra nên mới đi theo tới đây.”

“Ồ.”

Sau đó chúng tôi không nói thêm gì nữa, Minh Lâm cũng chẳng nhìn tôi, chỉ cúi mặt ăn. Em ăn rất ít, mới gặm hai miếng cánh đã ngừng.

“Giảm cân hả?” Tôi chỉ pha trò một chút nhưng hiển nhiên nó không đúng lúc. Minh Lâm không cười.

Minh Lâm ngừng đũa nên tôi cũng không muốn ăn nữa, tôi gói thức ăn thừa lại, bọc kỹ trong ni lông bọc để trên bàn. Tôi muốn quét sơ qua sàn nhà nhưng không tìm thấy chổi. Minh Lâm bảo cứ đá rác xuống lỗ trên mặt đất là được, kiểu gì dưới đó cũng là cống thoát nước.

Tôi làm theo lời em, sau đó ngồi vào mép giường.

“Sao em lại ở đây?”

“Phù hợp thì ở thôi, chỗ khác không ở nổi.”

Tôi biết Minh Lâm không chỉ nói đến vấn đề tiền.

“Em còn đi làm không?”

Minh Lâm lắc đầu, nói: “Tháng trước còn đi, tháng này thì không.”

“Họ không nhận em à?” Tôi dò hỏi.

“Không phải, sáng nào em cũng đến muộn, không dậy nổi.” Minh Lâm cười, nụ cười đầy bất lực.

Tôi nghĩ mình nên làm gì đó, thế là cố lấy hết can đảm ngỏ lời: “Dọn đến chỗ anh đi.”

Minh Lâm tròn mắt nhìn tôi, hiển nhiên là em không tin.

Tôi nắm lấy bàn tay xương xẩu của Minh Lâm và nhắc lại: “Dọn đến chỗ anh đi. Để anh chăm sóc em.”

Trong đôi mắt Minh Lâm lóe lên niềm mừng rỡ nhưng lại nhanh chóng lụi tàn. Em từ từ rút tay về, nói: “Cũng muộn rồi, anh đi đi. Buổi tối ở đây không an toàn, cả trẻ con cũng đi ăn cướp đấy.”

Minh Lâm nằm trên giường, quay lưng không nhìn tôi, nhắc: “Anh về thì khóa cửa từ bên ngoài giúp em. Cửa nhà này đóng không chắc.”

Tôi lặng lẽ đứng dưới ánh đèn tù mù. Tôi có thể tưởng tượng ra được nửa năm qua Minh Lâm đã trải qua cuộc sống như thế nào, đã chịu sự khinh bỉ ra sao của những người thành phố này. Tôi rất tường tận, bởi chính tôi cũng đã tổn thương em như thế. Vết thương ấy đã ăn sâu vào tận xương tủy.

Giọng của tôi như bị thứ gì đó chặn lại, nghẹn ứ, khiến tôi muốn ngạt thở.

Tôi không rời đi mà tắt đèn để Minh Lâm được an tâm nghỉ ngơi. Em ngủ rồi, hơi thở nặng nhọc, mỗi tiếng hít thở đều nhuốm nỗi mệt mỏi. Tôi đặt tay lên trán em, thấy hâm hấp nóng nên tôi tém lại kín chăn cho em.

Tôi ngồi bên mép giường, ngắm nhìn dáng vẻ của Minh Lâm trong bóng tối. Tôi ngồi một lúc lâu, sau đó vì mệt quá nên nằm ghé vào bên em. Tôi nghiêng người ôm em, cảm nhận rõ rệt xương sống gồ lên trên lưng em qua tấm chăn mỏng. Dường như “người” nằm trong lòng tôi chỉ là một bộ xương khô chết rũ.

Tôi vùi đầu vào vai em, bật khóc.

Sáng sớm, khi tôi tỉnh dậy thì Minh Lâm vẫn đang ngủ. Tôi ra ngoài phố mua bữa sáng, song vừa về tới ngõ thì điện thoại bỗng reo lên, là giám đốc Triệu. Ông ấy bảo công ty có việc, yêu cầu tôi đến gấp. Nhiều khi tôi thấy nản khi ở trong công ty này, đến cả tự do cá nhân cũng không có.

Tôi trở lại căn phòng nhưng Minh Lâm vẫn chưa dậy. Tôi đành đặt bữa sáng lên bàn, đè thêm một tờ giấy dặn em ăn sáng xong thì ở trong phòng chờ tôi, tôi sẽ quay lại đón em sau.

Tôi chạy tới công ty, giám đốc Triệu yêu cầu tôi lập một kế hoạch, rất gấp, phải giao cho ông ta trước giờ tan làm. Cứ tưởng là chuyện vặt vãnh không quan trọng, quẹt hai ba cái là xong, giờ thì phải mất cả ngày trời. Tôi vội vàng bật máy tính và bắt đầu lên kế hoạch, cứ cách mười phút lại ngó đồng hồ một lần. Tôi đã nhắn trên giấy rằng mình chỉ chạy ù ra ngoài một lúc rồi về ngay nên tôi sợ Minh Lâm sẽ sốt ruột chờ. Tôi không muốn mất lòng tin nơi em một lần nữa.

Đến bốn giờ chiều, cuối cùng tôi cũng hoàn tất bản kế hoạch. Tôi giao cho giám đốc Triệu, ông xem rồi bảo tôi về sửa lại sau. Tôi thực sự không nhịn được bèn hỏi xin ông ấy có thể thư thả cho tôi một ngày được không. Giám đốc Triệu như chợt nhận ra điều gì, nói: “Hẹn bạn gái hả, sao không nói sớm. Đi đi. Tôi bảo Tiểu Trần sửa cho.” Khoảnh khắc ấy tôi thấy giám đốc Triệu hơi bị đáng yêu.

Tôi vội vàng chạy về căn nhà trọ của Minh Lâm nhưng cửa đã khóa, mở cửa sổ thì thấy căn phòng trống không, Minh Lâm không ở phòng. Em đi ăn rồi ư? Tôi nhìn đồng hồ, mới năm rưỡi, hơi sớm để ăn tối nhưng tôi vẫn ngồi bên bồn hoa chờ đợi.

Càng chờ tim tôi càng loạn nhịp, đợi mãi không thấy bóng dáng Minh Lâm đâu. Đã sắp bảy giờ tối, có ăn gì thì cũng phải về rồi. Tôi ra ngoài đường mua một gói thuốc lá, tiện thể đưa mắt tìm kiếm trong các quán xá bên đường, nhưng tất cả đều không có bóng dáng Minh Lâm.

Tôi quay lại chỗ bồn hoa, vừa hút thuốc vừa đợi. Đến tận gần mười giờ thì có người gọi tôi từ phía sau: “Cậu tìm ai?”

Tôi quay lại, là một ông già hói đầu đang đứng ngoài hàng rào ngó tôi.

“Người sống ở đây…”

Tôi còn chưa nói hết câu thì lão đã chỉ vào căn phòng tồi tàn và hỏi: “Thằng nhóc ở đây phải không?”

“Vâng, bao giờ cậu ấy về ạ? Có báo là đi đâu không?”

“Nó dọn đi rồi.”

“Dọn đi?” Tôi giật nảy: “Nhưng sáng nay cháu còn thấy cậu ấy ở đây mà?”

“Cuối tuần trước nó báo không thuê nữa, bảo là chuyển đi nơi khác. Trưa nay nó nói rằng chiều sẽ đi, kêu tôi đến dọn phòng.” Nói xong lão đi vào cánh cửa bên hông.

Tôi thừ người ra. Minh Lâm không hề nói gì với tôi cả, thời gian ở bên em hôm qua phiêu tán đi như một làn khói mờ ảo. Em không mong sự quan tâm của người khác bởi vì em đã không còn tin.

Một lần nữa, tôi lại để lạc mất em.