Một Đời Không Quên

Chương 49



Anh khẽ nhướng mày ép buộc, tôi nửa cảm kích nửa cảm thấy mình mắc nợ anh. Việc anh áy náy với tôi là không cần thiết, nếu chỉ nằm đây dưỡng bệnh tôi e là… mình nợ anh mất. Mẹ tôi thì mừng rỡ ra mặt, lập tức nhanh miệng nói:

– Anh Đăng nói vậy con nên nghe lời đi! Giờ mà chữa được bệnh thì làm gì cũng phải làm con ạ! Anh Đăng này, chúng tôi quả thực bất ngờ khi được anh đối xử tốt thế này, anh cho chúng tôi gửi lời cảm ơn!

Hải Đăng nhã nhặn đáp lời mẹ tôi:

– Cô chú nghỉ ngơi đi, cháu không làm phiền nữa. Tối nay phiền cô Quỳnh giám sát nhà bếp giúp cháu. Phong cách ở biệt phủ này hẳn cô vẫn còn nhớ phải không ạ? Bà cháu tuy nằm một chỗ không biết gì nhưng hàng ngày vẫn có người chăm sóc, cháu cũng nhờ cô để ý đến cô y tá hàng ngày chăm sóc cho bà.

Mẹ tôi cười cười nhận lời. Hải Đăng lướt ánh mắt qua tôi thêm một lần rồi rời đi. Đứng đó ngẩn ngơ nhìn theo tấm lưng cao lớn dần xa, tôi chẳng biết phải nghĩ sao.

Thái độ của anh lúc này tôi không thể nào chê trách. Ngày xưa anh thường cau có quát tháo người làm khi không vừa ý, tuy không trực tiếp mắng mỏ mẹ tôi nhưng anh hoàn toàn không có phong thái điềm đạm như hiện tại. Có lẽ thời gian khiến con người trưởng thành, anh đã trở thành một người đàn ông lịch lãm giỏi đối nhân xử thế từ lúc nào mà tôi không biết. Thời gian chỉ giúp anh trở nên quyến rũ khiến phụ nữ mê đắm lao vào, còn tôi… tôi có say mê anh cũng chẳng ích gì, chỉ nặng lòng mà thôi.

Khẽ lắc đầu tôi bước vào bên trong quan sát kỹ gian nhà mà Hải Đăng thu xếp cho chúng tôi. Căn phòng lớn bên ngoài như một phòng khách với bộ sofa mới toanh cùng tivi và tủ kính, bên trong là hai phòng ngủ với tủ quần áo, giường ngủ và phòng vệ sinh khép kín, diện tích mỗi phòng cũng rộng gần bằng căn nhà trọ lâu nay chúng tôi thuê. Phòng ngủ nhỏ hơn nằm sâu bên trong có khung cửa sổ nhìn ra vườn hồng thơm ngát, mới nhìn qua tôi đã ưa thích nên chủ động đi vào. Nhận thấy cách bài trí màu sắc cùng đồ đạc một tông hồng phù hợp cho một cô gái hơn nên mẹ tôi nói:

– Khanh ngủ phòng này con nhé, mẹ không biết anh Đăng sắp đặt thế nào nhưng có vẻ những đồ đạc trong mấy phòng này đều mới tinh đấy. Lúc trước mẹ con mình ở đây nhưng góc nhà này ít qua lại, hình như cũng mới được tu sửa con ạ.

Tôi gật đầu đồng tình với mẹ, tự nhiên lại có ý nghĩ dường như anh đã chuẩn bị sẵn gian nhà này từ lúc nào để chờ chúng tôi. Khẽ lắc đầu tôi tự cười mình, sao có thể thế được chứ?

– Đồ đạc bên nhà kia vẫn còn mẹ để lại cho bà chủ nhà, ban nãy bà ấy nhắn bảo trừ tiền nhà tháng này con ạ. Còn quần áo mai mẹ về đem sang đây là xong. Con cứ nằm nghỉ không cần làm gì hết con ạ.

– Mẹ… ông lương y ấy nói là một chuyện còn thực tế con làm sao nằm yên một chỗ được, vừa khó chịu vừa vô dụng lắm mẹ ạ! Người ta bầu bí phải nằm vì đứa con chứ con thì…

– Con bé này… để tối nay mình hỏi lại ông ấy xem thế nào, phải nghe lời bác sĩ thì mới khỏi được chứ!

Tôi mỉm cười. Sâu trong lòng tôi không dám tin vào những điều kỳ diệu, thế nên nếu tôi có uống thuốc hay nằm nghỉ thì phần nhiều cũng để mẹ yên lòng và để… chiều lòng anh mà thôi.

Mẹ tôi nhớ ra chuyện ban trưa liền kéo tôi ngồi lại giường rồi hỏi:

– Chuyện ngày xưa… hiểu lầm là hiểu lầm thế nào, con nói cho mẹ rõ đi!

– À… ngày đó anh Đăng không nhận được tin nhắn hay cuộc gọi nào của con cả, bà Dung tịch thu điện thoại của anh ấy ngay khi mẹ con mình đi, anh ấy cũng sớm sang Úc… Sau đấy… Đăng tin con mang thai con anh ấy nên trở về Việt Nam… Ngày con mổ lần hai, anh ấy còn vào tận bệnh viện con nằm…

Mẹ tôi mở to hai mắt, đáy mắt rung rung vì quá đỗi bất ngờ. Có lẽ mẹ không ngờ Hải Đăng lại có lòng quan tâm như vậy với tôi.

– Bác sĩ nói con p.h.á thai con anh ấy rồi bị nhiễm trùng….

Tôi nói rồi nghẹn lại, không thể nói gì hơn nữa, mà cũng chỉ cần vậy là mẹ đủ hiểu rồi. Hai mắt chuyển đỏ mẹ tôi gật đầu nói:

– Vậy cũng khó trách thằng Đăng con ạ… chắc lại con mụ Dung gây chuyện thôi… Nghiệp báo đến rồi đấy, nhanh lắm!

– Mẹ đừng nói thế… dù sao giờ mẹ cũng phải chăm cả bà ấy nữa… bà ấy vẫn là bà chủ của cái nhà này.

– Mẹ biết rồi, hận thì hận nhưng người nằm một đống thế rồi mẹ cũng chẳng chấp. Thôi con làm gì thì làm đi, mẹ xuống nhà bếp với qua phòng bà ta xem thế nào. Nhà này hay ăn sớm, sáu rưỡi đã lên mâm, mọi người cũng không tập trung ăn mà bê vào từng phòng, như vậy càng tiện không mình lại phải đứng hầu con ạ.

– Hiện tại biệt phủ này còn ông Quốc với anh Đăng thôi nên cũng không phải tất bật như trước, con không biết anh Đăng còn giữ lại bao nhiêu người phục vụ, mẹ con mình đi chào mọi người một lượt đi mẹ.

– Ừ, để mẹ bảo bố con xem có muốn đi dạo cho khỏe người không? Từ đợt có thuốc của hội thiện nguyện mà ông ấy cũng tỉnh ra nhiều rồi đấy!

Mẹ con tôi vừa qua phòng ngủ kia đã thấy bố tôi nằm trên giường ngáy khò khò, có lẽ ban trưa ông không ngủ được giờ lại thèm ngủ, hoặc tại căn phòng mới này vừa thơm vừa dễ chịu khiến ông sảng khoái mê man mà thành ngủ mất.

Hai mẹ con tôi nhìn nhau rồi tủm tỉm cười, cuộc sống khó khăn vật lộn dường như tạm lùi về sau khi chúng tôi trở lại nơi này, bởi chủ nhân của nó… giờ là anh. Cảnh vật vẫn vậy nhưng lòng người đã đổi. Những người làm trong biệt phủ thấy chúng tôi đều vui vẻ chào đón, đặc biệt, tất cả đều đã thay bằng những người mới, không ai biết chúng tôi từng ở đây. Trong mắt họ, gia đình chúng tôi là gia đình quản gia mới được thuê, cũng là người trực tiếp quản lý bọn họ nên bọn họ nhất mực cung kính đối đãi. Mẹ tôi cứ tít mắt cười trước những lời khen nịnh ở khu nhà bếp.