Mười Bảy Tuổi, Bạn Thích Ai?

Chương 129



Trang Viễn chẳng kịp nhìn chỗ tay áo bị rạch của mình, ngồi hẳn xuống dìu người thanh niên say rượu đương bò toài ra đất, nói với người phụ nữ có vẻ vẫn trong cơn giận: "Được rồi, anh ấy đang không tỉnh táo, cô có nói gì cũng vô nghĩa."

Bấy giờ tôi mới phát hiện, người phụ nữ đã khá đứng tuổi. Đồ bà bận trên người cùng với cử chỉ đều nói lên đây là một con người nề nếp, nhưng gương mặt bà lại mang cái vẻ dữ tợn cùng tuyệt vọng thế nào đó. Bà thở hồng hộc, sấn lên toan tát vào mặt người thanh niên mà Trang Viễn dìu, song lại đập phải cánh tay cậu ấy đưa ra đỡ. Tiếng đập nghe đến là chát chúa, thấy rõ máu tứa ra một đường.

Người phụ nữ có vẻ bàng hoàng, Trang Viễn nhìn cánh tay bị mặt đồng hồ làm bị thương, gương mặt không chút cảm xúc, chỉ nói: "Cô được rồi chưa, bao nhiêu người nhìn thế này, cô cũng thấy mất mặt chứ?"

Từ đằng xa, có một dàn mấy người nam cao to mặc đồ Tây chạy lại. Họ ngăn trở dân tình đang đứng quay clip chung quanh, nhờ bà con xoá clip quay, có người bước lại chỗ người phụ nữ đứng tuổi cố nài bà ấy đi về.

Người phụ nữ vẫn đứng chôn chân tại chỗ, nhìn xoáy vào Trang Viễn, lạnh giọng nói: "Tôi dạy con mình, cậu đừng có mà cười thầm."

Người thanh niên được Trang Viễn quàng tay giữ co rúm mình nôn khan, có vẻ rất khó chịu. Anh ta cao còn hơn cả Trang Viễn, may mà thân hình gầy gò. Trang Viễn dìu anh ta, tuy miễn cưỡng thấy rõ, song khuôn mặt vẫn không để lộ cảm xúc, "Việc gì tôi phải cười thầm, chẳng phải đụng hai vị ngay chỗ đông người thì hai vị thế nào tôi cũng kệ."

Tôi ngây ra.

Câu này nói ra hết sức lạnh lùng, hệt như ấy là một Trang Viễn tôi chưa từng gặp.

Ánh mắt Trang Viễn điềm nhiên như không, thậm chí có thể nói lãnh đạm. Rõ ràng vẫn là dáng vẻ mà tôi quen, thế nhưng trước nay tôi đã bao giờ đọc thấy nhiều buốt giá đến thế nơi mắt cậu ấy...

Những lạnh lẽo này đã luôn tồn tại ư?

Người phụ nữ đứng tuổi có vẻ cũng bị câu nói nọ chọc giận, lại bổ tới muốn vung cú tát. Thanh niên mà Trang Viễn đang đỡ vật lộn ngước dậy, ghim chặt lấy tay của mẹ mình.

Gương mặt anh ta để lộ ra là một gương mặt lạnh nhạt, thậm chí có thể nói là hơi quá mức lạnh nhạt, ấy vậy mà trông quen đến kì lạ. Anh ta gượng gạo nói: "Được rồi, con theo mẹ về, chú ấy còn nhỏ, mẹ nổi cơn với chú ấy làm gì."

Trang Viễn nghe thế, chau mày bỏ tay ra.

"Nó còn nhỏ? Nó còn lõi đời hơn cái thằng con nhiều!"

Trông cảnh này, tôi bỗng hiểu tại sao mình thấy người thanh niên kia khá quen mắt, dáng vẻ khổ sở của anh ta giống y đúc Trang Viễn những khi không vui.

Người phụ nữ có lẽ cũng nhận ra, bà ta rời đi trong tức giận.

Có người chạy tới cạnh chỗ Trang Viễn dìu thanh niên kia đứng dậy, nhưng lại không chào hỏi cậu ấy tiếng nào. Đôi bên trơ mặt đường ai nấy đi.

Sự vụ ồn ào đã kết thúc, chỉ còn mỗi Trang Viễn vẫn đứng nguyên tại chỗ, trên bắp tay chảy một đường máu.

Có lẽ vì tôi ở cách khá xa, tôi thấy cậu ấy thật là gầy mà lại buồn buồn thế nào, trong đầu tự dưng bật ra mấy chữ "một mình một bóng". Chân tôi như bị dính cứng lại, do dự không biết có nên bước ra bắt chuyện với cậu ấy không.

Ai ngờ cái người này chỉ đứng làm thinh một lúc ngắn, xong bèn đi về phía tôi. Tôi từ góc khuất ló ra, đón cậu ấy bước đến.

Cậu bạn đứng lại, cười cười: "Chưa về à?"

"Khâu Hàng giữ tớ lại ăn tiệc." Tôi kéo tay áo của cậu ấy lên, nhìn kĩ vết máu trên bắp tay: "Tớ đi với cậu qua bệnh viện băng lại được không?" "Không đến nỗi thế." Trang Viễn toan rút tay áo về, bị tôi túm lấy.

"Vậy mình vào tiệm thuốc mua thuốc đỏ, ít ra cần sát trùng ấy. Với phải thay bộ áo." Tôi muốn cậu ấy vui lên một chút, mới nói: "Trông cậu thế này hơi bị giống Dương Quá, đại hiệp áo trắng cụt tay."

Trang Viễn sững người, tuy đương kiệt sức nhưng hình như cậu ấy thật sự nở nụ cười.

Tôi với Trang Viễn ngồi xuống dãy bàn sát cửa kính trong cửa tiệm tiện lợi 711.

Cậu ấy vừa mua chiếc áo sơ mi từ trung tâm thương mại bên cạnh để thay ra. Tay áo bên trái xắn lên, mặc tôi xử lý.

Đồng hồ là vật cùn, vết thương không sâu nhưng sẽ rất đau, nhất là khi người đánh còn nghiến răng nghiến lợi gồng hết sức. Trên tay là cả mảng sưng đỏ, tướt cả da, trông phát sợ.

Tôi tỷ mẩn lấy bông gòn chấm sát trùng cho cậu ấy, ắt là mặt cũng nhăn tít như mất sổ gạo, thế là ngược lại người bị thương là Trang Viễn lại phải an ủi tôi: "Không đau mấy đâu." "Vết thương bấy ra thế này, sao mà không đau được?" Tôi phùng má lầm bầm, "Có nổi nóng cỡ nào cũng không được đánh người chứ."

"Bà ấy định đánh Trang Thị, không phải tớ." Trang Viễn nhìn ra ngoài cửa, không biết đang nghĩ ngợi gì. Trang Thị?

Đầu tôi chợt loé lên tia sáng, khi nãy thấy người thanh niên say rượu kia quen mắt, thì ra không chỉ vì vẻ ngoài cùng thần thái của anh ta hao hao Trang Viễn, mà còn vì ấy là gương mặt mà đám phóng viên kiếm ăn bên mảng văn hoá bọn tôi không thể không nhận ra.

Là nghệ thuật gia được săn đón cực nhiệt tình, học trò ruột của Ninh Xuyên, nhưng người này còn lừng tiếng hơn thầy về tính cách lạnh tanh, thậm chí có thể nói là ngạo mạn. Là nhân vật lúc tôi tra tư liệu liên quan tới Ninh Xuyên không cách nào bỏ qua được, nhân đó bèn mới biết cả rổ chuyện hoang đường không hay ho gì về vị đại công tử này. Khúc sau lúc tôi bổ sung phần về người thân gần cho bài phỏng vấn của Ninh Xuyên, cũng có từng gặp người này tại bảo tàng mỹ thuật. Chỉ là không ngờ anh ta lại quen biết Trang Viễn, ai không đúng, họ đều họ Trang, nhìn còn giống nhau như lột...

Đến lúc ấy, hình như Trang Viễn mới ý thức được mình vừa nói gì với tôi.

Nhìn ra vẻ thắc mắc của tôi, cậu ấy ổn định lại tinh thần, cũng không giấu giếm, nói: "Anh ta có thể coi là anh của tớ, cùng cha khác mẹ. Người hồi nãy đánh người là mẹ anh ta."

Bình thường tôi vẫn hay ba hoa nhiều lời, nhưng lúc này lại câm như hến, không biết nói gì.

Tuy Trang Viễn cùng lớn lên từ nhỏ với bọn tôi, nhưng hầu như rất ít khi cậu ấy nhắc tới chuyện riêng. So với hầu hết đám con nít nhỏ thành phố Hàng Thiên có gia đình ấm áp, đơn giản từa tựa như nhau, Trang Viễn thật sự phức tạp.

Hồi còn nhỏ, Khả Tâm nói con người Trang Viễn lạnh lùng, lúc ấy tôi vẫn chưa hiểu. Thế nhưng, lần trước đó tới gần được với trái tim cậu ấy đã là mãi hồi đầu cấp ba, bọn tôi chạy thoát khỏi tầm mắt của cô giám thị trốn tới phòng tập múa, cậu ấy kể, mấy năm xa nhau cậu ấy thực ra rất nhớ bọn tôi.

Lần trước đó nữa, là hồi còn bé tí, cậu ấy bảo tôi trong Slam Dunk thích nhất là Mitsui.

Ngoài những lúc hiếm hoi ấy ra, trái tim của Trang Viễn giống như cái cây có thể khô héo bất cứ khi nào, luôn nằm ngăn cách trong bình thuỷ tinh của quái vật. Tuy chúng tôi cùng lớn lên từ nhỏ, nhưng lúc thấy cậu ấy như thế, tôi sẽ thấy chạnh lòng.

Nhưng Trang Viễn lại nói nhẹ như không: "Chẳng đáng gì, tớ quen rồi." Tôi làm thinh.

Dường như để làm tôi yên tâm, cậu ấy lại thêm một câu: "Chuyện này chưa là gì." "Vậy lúc nào mới là?"

Trang Viễn có vẻ hơi hơi luống cuống, chựng lại một lúc, dường như là để an ủi tôi, cậu ấy giải thích: "Cậu biết mà đúng không, lúc tớ sinh ra ba tớ chưa ly hôn, về sau để đưa tớ vào hộ khẩu ông ấy mới ly hôn rồi cưới mẹ tớ."

Cái người này đã mở nắp chụp thuỷ tinh mà kể cho tôi câu chuyện về gia đình mình như thế.

Dù là ở một nơi nhỏ tí như thành phố Hàng Thiên, ấy cũng là một chuyện rất ít người biết được cụ thể bên trong.

Trang Viễn kể bằng giọng bình bình, cứ như đương nói về một ai đó khác: "Tuy đã ly hôn, nhưng chuyện kinh doanh của ba tớ và bên nhà vợ trước của ông ấy, còn cả nhân mạch hai bên không tài nào tách ra được, mà cũng không ai đi tách ra. Cho nên hồi ấy tớ rất hay gặp mấy người bên Trang Thị. Nghe rất gượng gạo đúng không. Còn kỳ quặc hơn nữa là, dù về sau ba mẹ tớ cũng ly hôn, nhưng gặp thì lại vẫn gặp y như vậy. Nhất là mấy năm trước, ba tớ đột ngột ngã bệnh, đòi tớ trở về Mỹ nhanh chóng tiếp nhận việc kinh doanh trong nhà. Mẹ tớ không đồng ý, nhưng tớ vẫn nhận. Giai đoạn ấy cả nhà tớ rối hết cả lên, mẹ tớ và mẹ Trang Thị đều không vui. Một người là vì kiêu hãnh, một người, có lẽ cũng là vì kiêu hãnh... dù sao mấy chuyện này tớ đắc lực hơn Trang Thị nhiều."

Bằng một giọng nói hết sức nhẹ nhàng, đơn giản, Trang Viễn đã kể về cảnh ngộ cùng bao nhiêu tình tự mang sắc tối của bản thân như vậy. Đặt cạnh bắp tay đang bị thương kia, sự bình tĩnh của cậu ấy có một vẻ đáng sợ khiến tôi điếng cả người, nhìn trân trối.

"Chẳng qua hồi sau ba tớ bình phục lại, từ năm ngoái tớ cũng dần rút ra, trả lại quyền quyết định cho ông ấy. Cho nên bây giờ mẹ của Trang Thị cũng thi thoảng mới xả cho bõ ghét vậy thôi, còn thì Trang Thị mới là người khốn khổ, nên cậu đừng lo làm gì."

Chừng như cảm thấy đã nói hết chuyện cần nói, cậu ấy đứng dậy xoa nhẹ đầu tôi: "Đi thôi Doanh Tử, tớ đưa cậu về."

Cậu ấy cứ kềm nén mãi như thế hỏi làm sao mà không lo cho được? Tôi hấp tấp cất tiếng: "Trang Viễn, có gì không vui, cậu, cậu đừng cứ cất trong lòng." "Ừ." Cậu ấy đáp, nhưng có vẻ không thật để ý, "Đâu có gì không vui, mấy chuyện này tớ làm thực ra chẳng hề vì ai khác."

"Vậy, vậy được." Tôi cũng không rõ có nên hỏi lấn thêm nữa không, lỡ đâu cậu ấy nói một hồi càng không vui hơn thì sao?

Dường như Trang Viễn nhìn ra sự ngại ngần của tôi, cậu ấy cụp mắt xuống, thở dài: " Tớ nói là thật đấy. Ban đầu vì tớ không nhận, bọn họ không tìm được ai khác. Có lẽ tớ thật sự không nỡ thấy một nhân vật như ba tớ phải chịu cảnh tuổi già sức yếu còn phải gắng gượng duy trì tôn nghiêm khi trước. Nhưng sau đó mới phát hiện, chuyện này đúng với sở trường của tớ."

Trang Viễn có vẻ nghĩ đi đâu, thành thật trải lòng: "Doanh Tử, dù mẹ tớ có cảm thấy khó tin thế nào đi nữa, thì tớ sinh ra là để làm cái này, trực giác cùng quyết định của tớ rất ít khi sai, giống y như ba và cô tớ. Cái tốt là, mỗi một dự án tớ đều có thể nhanh chóng nhận ra làm sao để tối ưu hoá lợi ích, tốt hơn nữa là, tớ không bị lẩn quẩn bởi tình cảm, rất ít khi mất bình tĩnh, nhưng tệ cũng ở chỗ đó. Người như tớ, có lẽ chỉ phù hợp sống một mình mình."

Câu cuối cùng cậu ấy nói, không rõ tại sao tôi lại nghe ra cả giá lạnh bên trong.

Trang Viễn tự mình nhìn mình, hình như cũng bằng ánh mắt soi xét từ xa như thế.

Cái người mà con tin nằm khuất sau hàng bao nhiêu lớp vỏ bọc ấy bình bình nói: "Đến bây giờ chuyện làm tớ thấy khó khăn hơn nhiều chắc là, tớ làm chuyện mình có khả năng làm, hình như người chung quanh chẳng ai thấy vui."

"Tớ vui này!" Hoàng Doanh Tử vọt miệng. Trang Viễn ngẩn ra, nhìn về phía tôi.

"Tớ vui cho cậu. Cậu làm chuyện cậu thích, tớ cảm thấy vui ơi là vui ấy." Tôi nói liền hồi, chỉ sợ không thể hiện được rõ ý, "Cậu thông minh như thế, chuyện gì cũng làm được, nếu không làm chuyện mình thích thì uổng lắm. Cậu không phải để ý bọn họ nghĩ gì đâu."

Vui và buồn ở Hoàng Doanh Tử luôn thẳng băng một đường, chẳng để ý đến yêu hận tình thù của người lớn, chỉ coi bạn mình vui hay không. Trang Viễn làm chuyện mà cậu ấy yêu thích, tôi vui thay cho cậu ấy.

"Hiện tại tớ không làm phóng viên được, nhưng mà sau này kiểu gì tớ sẽ tìm cơ hội quay lại. Bọn mình đều đi ra từ thành phố Hàng Thiên, nhà xưa giờ ai cũng nhắm đường nghiên cứu, nhưng mà bao nhiêu bạn cùng lớp, cùng trường với tụi mình hồi đó có được mấy người thật sự nối nghiệp cha mẹ đâu? Chuyện Dì Trang muốn cậu làm nghiên cứu với việc cậu thích kinh doanh, cả hai đều không sai, không cần phải thấy có lỗi gì cả." Nói những lời an ủi hay ra vẻ rộng lượng đều chẳng có ý nghĩa, tôi nửa thật lòng nửa đùa đùa nói: "Còn nữa, lần sau nếu có ai định đánh cậu, thì tớ xử trước cho!"

Trang Viễn phì cười: "Bạo lực thế á?"

Tôi ưỡn ngực nói vanh vách: "Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả!" Cả hai bọn tôi cùng cười xoà.

"Phải, có Hoàng đại hiệp che chở cho tớ."

Tôi giúp cậu ấy vuốt xuôi lại tay áo, ngước lên nhìn vào mắt cậu ấy, thật lòng nói: "Trang Viễn, thời gian cậu đi Mỹ, bọn tớ đều rất lo cho cậu. Không thấy cậu, bọn tớ cũng rất cô đơn, muốn ở bên cạnh cậu nhưng không biết phải làm sao."

Trang Viễn nín thinh hồi lâu.

Cuộc đời của cậu ấy quá phức tạp, có hàng bao câu hỏi tôi chẳng tài nào trả lời được, cũng không thể thật sự đi vài đường quyền giúp cậu ấy xả tức, nhưng mà, tôi có thể ở bên cạnh cậu ấy. Giống như lúc còn nhỏ ngồi trên cầu thang cùng cậu ấy chờ mẹ đi làm về, những cái này ở trong tầm tay tôi.

Tôi dặn: "Từ nay không cần biết là chuyện gì, cậu cũng đừng giấu lại mình mình nữa." Trang Viễn nhìn tôi, ngẩn người mất một thoáng, mới nói: "Ừ, sẽ không."

...

Ba năm sau khi tốt nghiệp, là ba năm mà cả đám bọn tôi bận nhất, cực nhất, nhưng cũng trưởng thành nhanh nhất. Chuyện tệ hại nhất cũng như điều tốt đẹp nhất chừng như đều rơi hết vào ba năm ấy.

Trên trang tin mạng của công ty, số lượt truy cập vào chuyên mục riêng nằm dưới kênh văn hoá của tôi vẫn tăng đều đều ổn định. Tuy là suốt thời gian đó, tôi vẫn chưa thể bắt đầu lại làm một phóng viên văn hoá thực thụ, nhưng cũng coi như hơi hơi được biết tiếng. Mấy bữa tiệc kéo quan hệ mà Khâu Hàng vun cho cũng khá phát huy tác dụng, các báo nối nhau đặt viết không ít bài, tuy hầu hết đều bên mảng thời trang hoặc giải trí, nhưng tôi có thể tự làm phỏng vấn, thù lao cũng khá khẩm, dường như có thể quên bẵng đi luôn ước vọng làm phóng viên văn hoá thủa đầu.

Tưởng Dực mỗi năm sẽ về nước vài lần theo lịch, mùa hè 2010, cuối cùng cậu ấy cũng thành lập studio trong nước.

Minh Vũ bảo vệ xong thạc sĩ bèn ở lại trường tiếp tục học lên tiến sĩ, đồng thời kiêm chức giảng viên, bắt đầu xây dựng chương trình giảng dạy theo ý mình dựa trên giáo trình đang có.

Trong lứa cán bộ trẻ thành phố Hàng Thiên, Quan Siêu nổi bật lên thành kỹ thuật viên cốt cán, khiến nhiều người phải bất ngờ. Cuối năm tổng kết, cậu ấy được tuyên dương là nghiêm túc, đáng tin. Vợ cậu ấy ngoài giờ làm giáo viên còn mở một gian hàng thổ sản trên taobao, vốn nhỏ mà cực hút khách, hai người họ thi thoảng cuối tuần sẽ tới Bắc Kinh.

Đương nhiên còn có người siêu hơn, thành tựu không đợi tuổi.

Sau "Nhân gian hoan hỉ", thù lao phim của Khâu Hàng đều đều tới, sau khi ra trường hai năm thì tiếng tăm chính thức bùng nổ, poster điện ảnh cùng đủ loại quảng cáo phủ sóng khắp hang cùng ngõ hẻm.

Phòng làm việc của Niệm Từ từ một gian bốn vách ngăn trên tầng 11 nâng cấp thành cả một căn phòng siêu cấp rộng rãi sang trọng, có cửa sổ to bự sát đất trên tầng 56, nhìn ra bao trùm toàn bộ cảnh đêm khu Quốc Mậu.

Chuỗi nhà hàng ăn nhà Quách Tĩnh cũng ngày càng ăn khách, chi nhánh mọc lên khắp nơi, nhãn đồ ăn vặt vừa mở cũng được ủng hộ nhiệt liệt, bước đầu chiếm giữ thị phần đồ ăn vặt trên cả nước. Cậu ấy và Niệm Từ trở thành hai người thường xuyên móc ví trong những buổi tụ họp chúng tôi, Khâu Hàng thi thoảng mới có cơ hội chọt vào.

Trang Viễn cũng trở lại tụ họp cùng cả bọn. Sau khi ra trường một năm, cậu ấy tách hẳn khỏi gia đình, về nước vào làm trong một công ty đầu tư mảng văn hoá giải trí ở Bắc Kinh, là nhà đầu tư có tiếng nhất trong ngành, một đôi dịp chúng tôi sẽ gặp mặt nhau tại các sự kiện họp báo.

Chúng tôi đã bắt đầu sống cuộc đời bình thường của người trưởng thành hệt như bao cuộc đời khác xung quanh, dù là có thể làm việc mình thích, hay là lần mò đi trên con đường với gánh trách nhiệm nặng trĩu trên vai. Mùa thu năm 2010, trước tiết trung thu, tôi và Trang Viễn lại đụng nhau lần nữa trong bữa tiệc mừng đóng máy phim điện ảnh của Khâu Hàng.

Cậu ấy tới không hề rình rang, họp báo hết già nửa buổi, vị sếp nói hay như hát lên phát biểu, bọn tôi mới đưa mắt ngó thấy nhau. Trang Viễn đổi từ bàn bọn họ sang ngồi cạnh tôi.

"Minh Vũ với Niệm Từ không đến à?" Trang Viễn hỏi.

"Niệm Từ mới quay lại đại bản doanh ở Mỹ, Minh Vũ thì không tới những chỗ có nhiều giới truyền thông đâu." Tôi nhìn gương mặt cậu ấy ngày càng sắc cạnh như là ai dùng dao gọt, mới nói một câu: "Gần đây cậu bận lắm đúng không? Trông gầy còn hơn đợt mùa hè."

"Ừ." Cậu ấy gật đầu, nhặt lấy một miếng mứt quả sấy cho vào miệng, "Tớ vừa mới về hôm nay, còn chưa quen được chênh lệch múi giờ, hầu như chẳng ăn gì." Tôi nghĩ một thoáng, bèn hỏi: "Vậy tối cùng qua nhà Minh Vũ không, cậu ấy hầm canh sườn chờ mình ấy."

Trang Viễn không đáp, cười cười nói: "Tưởng Dực cũng cùng đi à?" "Tưởng Dực?" Tôi ngây ra, "Cậu ấy có ở trong nước đâu."

Trang Viễn bật cười: "Xem ra tên ấy lại định tập kích."

Tôi còn chưa kịp gạn hỏi là chuyện gì, thì điện thoại chợt réo vang, là số gọi quốc nội của Tưởng Dực!

Tưởng đại gia lười biếng hỏi: "Cậu đương ở đâu thế hả? Tớ vừa xuống sân bay, đói lép kẹp rồi đây, nhà có gì ăn không?" Tôi buột miệng nói toáng lên: "Cậu về sao không nói một tiếng?"

Mọi người chung quanh đưa mắt nhìn tôi.

Tôi vội vàng nhỏ rí giọng lại: "Làm gì thế hả?"

Ở đầu bên kia là tiếng loa sân bay vang vọng, "Không phải cậu với Khâu Hàng đi dự tiệc đóng máy à, chẳng nhẽ kêu Phương Minh Vũ đón tớ? Đi nhờ sát thủ xa lộ chẳng bằng tớ tự ngoắc xe còn hơn."

Tôi nhìn Trang Viễn, hỏi: "Sao cậu biết là cậu ấy về thế?" "Ai cơ? Cậu nói với ai đấy?" Tưởng Dực chả hiểu đầu cua tai nheo.

Trang Viễn cười, lấy điện thoại qua: "Tưởng Dực, bọn tớ đang bên đằng Trung Tâm Thông Doanh, cậu bắt xe sang thẳng đây đón Doanh Tử, mình cũng nói mấy câu luôn." Hai người bọn họ lại nói gì đó, lúc tôi lấy điện thoại về thì đầu kia đã cúp rồi.

Tôi cạn lời, lại hỏi: "Sao cậu biết cậu ấy về thế?"

Trang Viễn cười cười: "Không chỉ tớ đâu, trong tay cậu ấy đang giữ một dự án phim hoạt hình rất lý thú, lần này về kiểu gì cũng có không ít người trong ngành của tớ chờ gặp cậu ấy."

Sau khi tốt nghiệp, Tưởng Dực liên tục cho ra lò loạt phim hoạt hình ngắn có chất lượng, đồng thời cũng tham dự vào phần hiệu ứng đặc biệt của rất nhiều phim bom tấn, kĩ thuật cực cao, khá nổi trội trong nước. Mấy năm nay thị trường điện ảnh Trung Quốc dần nóng trở lại, nhưng kĩ thuật vẫn còn tụt hậu so với nước ngoài, Tưởng Dực cùng đoàn đội đã sớm mang theo toàn bộ công nghệ về nước, cậu ấy vừa là thành viên chủ đạo, vừa là người đi tiên phong.

Xem ra Trang Viễn hôm nay đến đây chẳng phải để ủng hộ sếp, mà là để chốt chặn Tưởng Dực.

Tiệc vừa vãn, Khâu Hàng còn ngồi mày tao chi tớ với bên đoàn phim, tôi và Trang Viễn xuống bãi xe trước. Chẳng mất bao lâu thì đã thấy Tưởng đại gia khoác ba lô 2 vai, đẩy theo vali từ thang máy bước ra.

Tôi đi qua nhảy tưng lên định cốc đầu cậu ấy, "Cậu về nói một tiếng không được hay sao." Tưởng Dực nhanh nhạy túm lấy cổ tay tôi, kéo tôi tới trước mặt Trang Viễn: "Không phải bảo ngày kia tới công ty cậu bàn chuyện à, sao lại chạy tới đây?" Vậy là hai cái người này có hẹn gặp đúng không?

Trang Viễn nói nhẹ bẫng: "Vừa lúc không bận gì, cũng muốn gặp Khâu Hàng với Doanh Tử." Tưởng Dực cũng đáp nhẹ như không: "Thế giờ sao? Cùng qua nhà Khâu Hàng ăn canh sườn hay thế nào?"

"Chắc thôi khỏi, tối tớ còn cái họp. Mai cậu cứ nghỉ cho thích ứng múi giờ mới, ngày kia mình gặp rồi bàn."

Tưởng Dực có vẻ bất đắc dĩ, cậu ấy nói: "Trang Viễn, hay cậu đừng cầu kì hoá chuyện ra nữa, dự án này còn chưa ra đâu với đâu, tớ cũng không định bán cho ai, cậu cứ nói với sếp, hoặc bảo với ba cậu, cám ơn ý tốt của hai vị, nhưng mà dự án này tớ muốn tự mình làm."

Trang Viễn khựng lại một thoáng: "Cậu muốn tự làm, ổn thôi, nhưng một dự án lớn như vậy mình cậu làm hết toàn bộ là không thực tế." "Bọn tớ cũng không gấp..."

"Tiền vốn của các cậu định lấy từ đâu?" "Thì giờ tìm."

"Cậu biết một dự án như vậy phải đốt bao nhiêu tiền không?"

Tưởng Dực không nói, Trang Viễn lại tiếp tục, "Tớ biết các cậu trước giờ kiếm được rất khá, nhưng mà bản thân cậu cũng hiểu, trứng gà không thể bỏ chung hết vào một rổ, gom toàn bộ vốn liếng để làm một dự án là cực kì thiếu tính kinh tế. Tại sao không hợp tác với người khác? Hơn nữa tớ đã nhẩm thử giúp cậu rồi, tiền của các cậu đắp vào hoàn toàn không đủ, có xong chế tác thì hậu kỳ cùng tuyên truyền cũng chẳng đào đâu ra..."

Tưởng Dực bóp trán, tay bắt chéo làm tư thế dừng: "Được rồi được rồi, tớ còn đang váng vất vì lệch múi giờ đây, nghe cậu nói mà ong cả đầu. Ngày kia tớ tới đã được chưa."

Trang Viễn cũng tới đó thì dừng, trông sang cái đứa tôi đứng cạnh đang sợ đến đần cả mặt ra, cười bảo: "Không phải bọn tớ cãi nhau gì đâu." Cậu có chắc không đấy?

Trang Viễn thôi không nói thêm. Không biết từ lúc nào, có con xe thể thao màu đỏ rượu bóng loáng trờ tới gần, cô gái trong xe trang điểm đẹp đẽ, hạ kính cửa xuống chờ đợi, thấy cậu ấy quay đầu lại mới cất tiếng: "Anh tự lái xe hay là đi cùng em?"

"Tôi đi cùng cô."

Trang Viễn xoay lại ném cho Tưởng Dực một bộ chìa khoá, chỉ chiếc xe Audi trắng sát bên nói: "Cái xe của ông nội cậu tới kì bảo dưỡng rồi, mấy ngày tới đi tạm con này đi."

Tôi tròn mắt há mỏ nhìn con xe thể thao xả khói chạy đi, lâu sau mới nặn ra câu cần hỏi nhất: "Cái cô hồi nãy là ai thế?" "Không biết."

Tưởng Dực quay qua mở cửa con Audi, chất xong hành lý vào rồi bảo: "Khỏi đợi Khâu Hàng nữa, mình về kiếm đồ bỏ bụng trước." Hai đứa bọn tôi ghé ăn chực một bữa no căng ở nhà Minh Vũ, xong lái xe về căn nhà cạnh trường học.

Mấy năm nay Tưởng Dực về nước cũng rất ít khi thuê khách sạn, hầu như đều sẽ ở đây. Nhờ vào kinh nghiệm mười tám năm cùng sống chung từ sinh ra cho đến khi thi đại học, bọn tôi hầu như không phải tốn sức làm quen gì.

Tưởng đại gia trở về sẽ chủ động giặt quần áo, nấu cơm, lau nhà, đổ rác, tôi thu xếp lại quần áo đã khô, rửa chén, cùng đi đổ rác với cậu ấy, tiện lanh quanh dạo mấy vòng, việc nhà chia ra cực rõ ràng. Tưởng Dực làm cơm vừa nhanh vừa "đúng công thức" đúng style dân học Lý, một bữa đơn giản hai món xào cùng một món canh cậu ấy từ đưa dao đến gia giảm gia vị đều đúng từng mili một, mùi vị y hệt không khác ba tôi làm tí nào.

Nhưng cả hai đứa tôi đều bận bù đầu, đa số thời gian thật ra đều đi ăn ngoài, vì khoảng cách tương đối gần nên nhà Minh Vũ cũng thành địa chỉ ăn chùa thân quen, không thì cả bốn sẽ cùng hẹn ăn cơm tại căn tin trường cậu ấy.

Quách Tĩnh hầu như cứ canh Tưởng Dực về thì sẽ tới Bắc Kinh một chuyến, ngoài việc đúng hẹn nhét đầy lại tủ lạnh thì còn xắn tay áo vào bếp để thoả mãn mấy cái cái bộ nhá của bọn tôi. Những lúc ấy, người bay như chim như Niệm Từ cũng sẽ nhín thời gian về cùng đoàn tụ.

Nếu được đủ mặt cả lũ thì bọn tôi sẽ lôi nồi lẩu ra, dữ dằn nhất có một đợt hai vợ chồng Quan Siêu cũng đến Bắc Kinh, chỉ mỗi thịt dê xắt sếp Quách xách đến cho mười kí. Thế là bọn tôi ăn hết luôn nguyên cái cuối tuần.

Đương nhiên, phần nhiều thời gian thì chỉ có hai đứa tôi với nhau, không khí rất ư là yên tĩnh. Thường khi tôi viết bài ở nhà, Tưởng Dực cũng ở nhà vẽ hình của cậu ấy. Bọn tôi ngồi đối diện nhau ngay kế bậu cửa sổ phòng khách, tôi gõ máy tính, cậu ấy đi nét trên bảng vẽ. Hai đứa mệt rồi sẽ chơi đố nắm tay, ai thua thì đi pha trà, người thắng làm ít đồ ăn vặt. Đa số thời gian tôi sẽ ăn vạ, thế là cậu ấy làm hết cả hai.

Tôi đợi cái người này trở về, hệt như lúc nhỏ chờ đợi mỗi mùa hè đến. Nhưng mà thật ra thời gian cậu ấy về được không nhiều.

Ông bà ngoại cậu ấy từ lâu đã đưa theo cả nhà chú cậu ấy định cư ở nước ngoài, bên đằng nội trừ hai ông bà nặng tình với cố thổ sau khi nghỉ hưu dắt nhau về sống tại căn nhà cũ ở Giang Nam, thì cả cô chú cậu ấy trước đây vẫn hay bay đi bay về mấy năm nay cũng hầu như là thôi luôn.

Người lớn chắc chắn đều mong cậu ấy có thể có sự nghiệp ở nước ngoài, ai ngờ đâu mấy năm nay cậu ấy chẳng những càng đi càng chệch hẳn khỏi con đường nghiên cứu ban đầu nhà dự tính, còn thường không thấy bóng dáng.

May là cũng đã có một ít thành tựu.

Có lần tôi đến chỗ studio của cậu ấy ở Đông Tam Hoàn chơi, nhìn bức tường chưng đầy hình vẽ mới biết lắm phim bom tấn hiệu ứng đặc biệt đều từ đây mà ra như vậy.

Chỉ là kiếm được nhiều, nhưng tiêu cũng lắm.

Năm đó, Tưởng Dực bắt tay vào làm một dự án hoạt hình, vừa bước đầu đã phải dốc cạn toàn bộ vốn tích luỹ.

Trước đây các cậu ấy chuyên nhận làm cho các dựng án to khủng, nhưng lần này Tưởng Dực về nước, cậu ấy muốn làm câu chuyện mà mình thích.

=======