Ngày Trôi Về Phía Cũ

Chương 34: Bẫy hụt hẫng



Trong điện thoại tôi có một số được lưu thành “Người tình chung thủy mãn đời”. Đó là tổng đài tin nhắn của mạng di động đang dùng.

Lý do rất đơn giản là vì bất kể ngày đêm mưa nắng, bất kể tôi đang ngủ say sưa hay chạy xe tất tả ngoài đường, thì tổng đài vẫn luôn nhiệt tình gửi tin nhắn một cách kiên tâm và cần mẫn. Tôi gọi đây là thứ tình yêu đơn phương cố chấp và mãn đời, bởi mặc dù chả bao giờ tôi thèm lay động ban phát tin nhắn trả lời, thì số điện thoại ấy vẫn bền bỉ một lòng nhắn suốt cho tôi. Gọi “người tình” ưu ái trìu mến vậy chứ không hề ưa cái cách tổng đài nhắn mãi cho mình, như kiểu bị “ép duyên” ấy. Chưa kể những đêm giấc ngủ đã khó dỗ dành, nhắm mãi mới khép được mắt lẫn khép được lòng, thì… chuông tin nhắn reo inh ỏi. Lật đật quơ tìm điện thoại để rồi chỉ muốn hét toáng lên sau đó khi thấy hiện lên dòng tin “Cơ hội trúng thưởng của quý khách đang đến gần, chỉ cần gửi tin nhắn blah blah blah…” Ai từng trải qua những đêm hồ như thức trắng để chờ đợi một tin nhắn sẽ hiểu được cảm giác lúc đó hụt hẫng ra sao, và hy vọng của bản thân cũng theo đó chai sạn dần.

Thế nên tôi gọi những tin nhắn kiểu đó là “bẫy hụt hẫng”.

Như hôm nay, tôi cũng chờ đợi cả ngày một điều mơ hồ gì đó chưa gọi nổi thành tên, thì điện thoại liên tục vang tiếng. Trời đất ơi, lòng đã khấp khởi nhen nhóm chút xíu hy vọng, lại ngay lập tức bị tụt dốc tâm trạng không phanh khi lần lượt những tin nhắn gửi đến chỉ để… chào bán sim điện thoại. Mà lạ đời là đã đủ lớn để hiểu chẳng thể trách những sms quảng cáo tào lao, cũng đủ khôn để biết điện thoại chỉ là thứ trung gian, tin nhắn chẳng qua là phương tiện. Quan trọng là trong lòng có nghĩ đến nhau, có nhớ về người mang tên hiện trên số điện thoại không kìa. Vậy mà cứ buồn, cứ hẫng khi thứ duy nhất cầm ấm tay cả ngày không có tin nhắn từ số máy quen.

Mà ở đời đâu chỉ có mỗi một bẫy hụt hẫng bởi tin nhắn điện thoại. Ngộ nhận vì tin nhắn âu cũng may mắn và đỡ hẫng hơn nhiều ngộ nhận vì một người mà bạn lầm tưởng rằng dành cho riêng mình – khi thực chất họ chỉ là một thứ khuyến mãi nhất thời mà thôi. Điện thoại ít ra còn có thể tắt để đừng nhận nữa những tiếng chuông làm thót tim vài nhịp. Nhưng còn thứ hụt hẫng vì một người chẳng lẽ cũng tắt ngúm cảm xúc để cất vào xó tủ được sao? Câu trả lời với nhiều người chắc có lẽ là “Không”, cho nên dù biết là hụt hẫng, biết là chông chênh nhưng làm sao cấm cản được lòng mình hy vọng và đợi chờ những thứ từa tựa như yêu thương và trá hình dưới vỏ bọc “tin nhắn bất ngờ”.