Ngõ Nhỏ Có Người Đang Đợi

Chương 3



4.

Bạo lực học đường không phân biệt nam nữ.

Trong lớp, ngồi cạnh thùng rác là một nam sinh thiểu năng trí tuệ. Gia cảnh cậu ấy không tốt, cũng là học sinh ngoại trú như tôi nhưng cậu ấy có một bà nội vô cùng yêu thương cậu ấy.

Quần áo cậu ấy sạch sẽ, tuy có mụn vá nhưng thơm tho.

Cặp sách của cậu có cơm nắm, trứng gà bà nội luộc cho cậu ấy mỗi ngày.

Nếu nói những người đó còn kiềm chế với tôi thì bao ác ý, bắt nạt đều trút hết lên người cậu ấy.

Họ ỷ lại sự ngây ngô của cậu bạn đó, lừa cậu vào WC, bắt cậu uống nước bẩn, nước tiểu; họ chửi cậu là đồ ngốc, lại cướp tiền tiêu vặt của cậu; họ bắt cậu làm hết việc trực nhật, đe dọa cậu làm xong mới được về nhà.

Họ nói, đó là trò đùa thân mật giữa bạn bè với nhau.

Cậu ấy tin.

Không ai bận tâm tên cậu là gì, mọi người đều gọi cậu là đồ ngốc.

Vì thế mỗi ngày khi đến trường, việc đầu tiên cậu ngốc làm chính là nộp tiền tiêu vặt của mình lên để hầu hạ mọi người thoải mái.

Bà nội cậu đã già, chỉ biết nhặt phế liệu bán lấy tiền, cho cháu nội làm tiền tiêu vặt, cho cậu sống tốt hơn.

Tại sao tôi biết, vì khi tôi nhặt rác đã từng gặp bà nội cậu ấy. Đó là một bà cụ nhân hậu, ánh mắt hiền lành. Cũng giống như cậu bạn ngốc đó.

Người hiền bị người khinh.

Tôi thân mình khó giữ nên khi cậu ấy bị lôi vào WC nam thì chỉ có thể hét to “Thầy hiệu trưởng tới”.

Tại sao không gọi giáo viên, vì giáo viên mặc kệ.

Khi cậu ấy bị dẫm đạp lên người, trên người đầy những dấu chân thì tôi giúp phủi bớt vết bẩn đi, để khi cậu ấy về nhà thì dấu vết không còn quá rõ.

Mùa đông sau khi tan học thì giúp cậu ấy quét lớp, để cậu ấy về nhà trước. Trời mùa đông nhanh sụp tối, bà nội cậu sẽ lo lắng.

Cậu ấy không giống tôi, trong nhà không ai chờ tôi, nhưng có người vì cậu ấy mà thắp lên một ngọn đèn.

Đứa trẻ không có cảng tránh gió thì sẽ không mong về nhà.

Dần dà tôi phát hiện thật ra cậu ấy không ngốc.

Cậu ấy tên An Tề, một cái tên rất êm tai.

Cậu ấy biết ai tốt, ai không tốt với mình.

Khi tôi giúp cậu ấy, cậu ấy sẽ cảm ơn, ngày hôm sau sẽ mang cho tôi một phần ăn sáng.

Mỗi ngày cậu có một cây xúc xích làm đồ ăn vặt, trước đây cậu ấy chưa đi tới trường đã lén ăn hết, sau này cậu ấy bí mật chia nó với tôi.

Cậu ấy một nửa, tôi một nửa.

Vì họ đều chê cậu ấy bẩn nên khi đưa đồ ăn cho tôi, ánh mắt cậu có vẻ e dè. Cậu ấy nói: “Mình không bẩn, những đồ này rất sạch sẽ, cậu đừng chê mình.”

Cậu ấy nói tôi là bạn tốt của cậu ấy, là người bạn duy nhất trong lớp. Cậu ấy nói nếu mình không nghe lời thì họ sẽ đi bắt nạt bà nội.

Vì tôi thân với cậu ấy, nên tôi thành đứa ngốc thứ hai trong lớp. Từ đó tôi không còn là Đường Hà Thanh, trong miệng bọn họ tôi biến thành Đường ngốc.

Bọn họ nói Đường ngốc rất xứng đôi với kẻ khờ.

Bọn họ nói hai đứa ngốc yêu sớm.

Bọn họ viết lên mặt sau vở bài tập của tôi chữ “vợ của kẻ ngốc.”

Hỏi tôi khi nào thì lấy đồ ngốc kia.

Họ cười vang khoái trá, giống như ma quỷ bò ra từ địa ngục.

Ranh giới thiện ác của thiếu niên rất rõ ràng.

Học kỳ hai lớp 8, giáo viên chủ nhiệm đổi thành một giáo viên trẻ họ Lý. Trên người cô, tôi cảm nhận được những lời mà sách giáo khoa nói “Truyền đạo thụ nghiệp, kính sư vi sư.” (Chú thích: truyền đạo: truyền thụ đạo lý, thụ nghiệp: truyền thụ tri thức; kính sư vi sư: trọng thầy mới được làm thầy.)

Cô rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất công bằng chính trực. Cô quan tâm mọi thứ.

Mỗi tuần đều họp lớp, cô luôn nhấn mạnh nghiêm cấm bất kỳ hình thức bạo lực học đường nào trong trường.

Tố cáo với cô có tác dụng.

Vì vậy tôi không cần phải chịu những trò đùa thô tục, An Tề không phải về nhà với thương tích đầy mình.

Cậu ấy rất vui, nói cảm ơn tôi đã tố cáo giúp cậu ấy, ngày mai sẽ mang cho tôi nguyên một cây xúc xích.

Tôi nói được, ngày mai tôi cũng mang cho cậu một món quà.

Chúng tôi đều vui mừng trước công lý đến muộn.

An Tề thích bóng bay được bán ở cổng nam trường học, nhất là hình Cừu lười biếng. Nhưng vì tiền tiêu vặt của cậu ấy bị trấn lột hết nên chỉ có thể nhìn mà không mua được.

Thế nên hôm sau tôi đến trường sớm. Quả bóng bay giá 5 tệ, tôi lấy tiền tiết kiệm của mình, mua cho cậu ấy 2 quả.

Tôi đã đợi rất lâu. Vị trí đó vẫn trống không.

Mãi đến khi cô chủ nhiệm nghẹn ngào thông báo với mọi người. “Các em sau này qua đường phải cẩn thận. Sáng nay bạn An Tề không may bị xe tải vượt đèn đỏ đụng phải, tài xế gây tai nạn bỏ trốn, bạn ấy đã mất ngay tại chỗ.”

Trong khoảnh khắc, mọi ánh mắt đổ dồn về tôi.

Tôi ngồi dại ra, đầu óc đờ đẫn không suy nghĩ được gì.

Khi định thần lại mới hay nước mắt đã ướt đẫm gò má.

Rõ ràng, rõ ràng hôm qua vẫn còn rất tốt.

Chúng tôi còn chưa kịp ăn mừng.

Chúng tôi còn chưa hưởng được mấy ngày tốt lành.

Tôi còn chưa tặng quả bóng bay mà cậu ấy thích.

Tôi còn chưa nói với cậu ấy, cậu ấy cũng là người bạn tốt duy nhất của tôi.

Tại sao tất cả đều đã quá muộn.

Bà nội cậu ấy đến trường thu dọn di vật của cậu ấy, bà cụ mắt sưng đỏ, tay run rẩy. Tôi giúp bà mang đồ lên xe ba bánh.

Bà khóc không thành tiếng, run run móc ra hai cây xúc xích nóng hổi đặt vào lòng bàn tay tôi.

“Tiểu Tề nói hôm nay nó sẽ tặng xúc xích cho người bạn thân nhất của nó. Từ tối qua nó đã nhắc mãi, nói bà sáng mai nhớ nhắc nó. Con là đứa bé ngoan, cảm ơn con đã chăm sóc Tiểu Tề lâu như vậy. Đời này của thằng bé xem như không có phúc, lại đi trước bà già bà đây.”

Tôi đứng cuối con đường, nhìn bóng dáng tập tễnh khó nhọc đẩy chiếc xe ba bánh đi chầm chậm, bộ quần áo thùng thình bay bay theo gió, phảng phất như chiếc thuyền gỗ sẽ lật úp ngay vào giây sau đó.

Hai bên tay lái xe ba bánh treo hai quả bóng Cừu lười biếng đang đong đưa đong đưa. Như thể An Tề đang nói lời tạm biệt với tôi.

Cuối cùng khi hình bóng ấy biến mất ở cuối ngã rẽ con đường. Tôi chớp chớp đôi mắt khô khốc.

Ánh mặt trời sau giờ ngọ mùa đông chiếu vào mắt người đau nhức.