Ngõ Nhỏ Có Người Đang Đợi

Chương 5



6.

Cách đối phó với bạo lực trực tiếp nhất chính là lấy bạo lực kiềm chế bạo lực.

Gậy ông đập lưng ông.

Tôi quấn mình trong chiếc chăn đơn, hứng gió lạnh đầu cầu suốt một đêm. Sắc trời dần sáng, trong đầu tôi hiện lên một đôi mắt. Đen như sơn, lạnh lùng, sắc bén.

Nửa năm trước, thị trấn nhỏ này có người từ ngoài chuyển đến. Họ mở một tiệm xăm ở nơi sâu nhất của hẻm Bình An.

Nghe nói là hai mẹ con, một là tên côn đồ liều mạng, một là bà điên.

Ba tôi là kẻ luôn bắt nạt kẻ yếu. Có lần ông ta uống say nổi điên, nói người phụ nữ điên trong hẻm nhỏ đó là đồ dâm đãng, ai cũng qua cửa được.

Lời này truyền tới tai tên côn đồ kia. Tối hôm đó, người cha cao to của tôi bị kéo về nhà như một con lợn chết. Toàn thân bầm dập, mặt mũi sưng vù, miệng đầy máu, hai chiếc răng cửa bị gãy.

Người đàn ông cao lớn, đứng ngược sáng không thể nhìn rõ mặt. Người đó thản nhiên ném ba tôi vào sân, bước tới dùng chân đè nghiến những đầu ngón tay ông ta, giọng âm trầm.

“Lão già khốn nạn, sau này tôi còn nghe ông dám há miệng nói những lời bẩn thỉu về mẹ tôi thì ông không cần dùng đến lưỡi nữa.”

Ba tôi gật đầu lia lịa, không dám phát ra một tiếng.

Tôi nấp sau cánh cửa nhìn xuyên qua khe hở. Bỗng nhiên đôi mắt sâu thẳm sắc bén đó nhìn thẳng vào tôi, một tiếng cười khẽ trầm thấp từ sâu cổ họng người đó bật ra không rõ ý nghĩa.

Đến khi tôi định thần lại thì người đó đã đi rồi, lưng tôi toát mồ hôi lạnh.

Họa không bằng người nhà, lưu manh vẫn còn nói đạo nghĩa.

Buổi tối tôi giả vờ ngủ say, nghe ba tôi ở sát vách khóc lóc chửi bới cả đêm, lòng thầm cảm thấy sung sướng.

Gã côn đồ đó ra tay tàn nhẫn. Ba tôi ba ngày không ra khỏi giường nổi, ngay cả đánh tôi cũng không còn sức.

Sau này tôi sợ gây họa nên luôn cố ý tránh khỏi con hẻm đó. Chưa từng có tiếp xúc với người đó.

Có thể trị ba tôi, ngoài người đó ra tôi không thể nghĩ ra ai khác.

Vì vậy, sáng sớm hừng đông, lần đầu tiên tôi bước vào con hẻm nhỏ này.

Rêu xanh mềm nằm dọc theo hai bên con đường nhỏ lát đá. Cuối đường là một ngôi nhà nhỏ hai tầng, bức tường cũ loang lổ đã được sửa chữa, quét sơn trắng sạch sẽ. Trước nhà là một cây hoa quế đang tỏa hương, không khí thoang thoảng hương thơm nhè nhẹ.

Tôi hít sâu vào một hơi, đẩy cửa bước vào.

Đập vào mắt là phòng khách, trên tường treo rất nhiều tranh. Người đàn ông quay lưng ra cửa, bộ đồ bảo hộ trắng, đường nét cơ bắp cánh tay săn chắc. Một tay đang kẹp thuốc lá, tay kia đang sắp xếp lại dụng cụ trên bàn.

Nghe tiếng động, người đó búng tàn thuốc, tiếp tục động tác trên tay, giọng lạnh nhạt: “Chưa đến giờ, không làm.”

Tôi biết, tấm biển trên cửa ghi 15:00 - 24:00.

Nhưng tôi muốn nói, tôi không phải đến xăm mình. Lúc này mới phát hiện mở miệng ra rất khó khăn, vết thương tối qua chưa xử lý nên khóe miệng dính lại với nhau.

“Buổi chiều lại…” Người đó quay đầu lại.

Điếu thuốc trong tay hơi run lên. Đôi mắt đen nhìn thẳng vào tôi, một lúc sau mắng nhỏ, “Đệt.”

Tôi còn chưa kịp hỏi là tại sao.

“Con trai, ăn cơm chiên trứng không… úi cha, mẹ đi đây, mẹ còn nghĩ sao nay dậy sớm vậy, gặp quỷ rồi gặp quỷ rồi.”

Người phụ nữ mới ló đầu ra đã vội vàng cầm sạn quay nhanh về bếp, nhanh đến mức chỉ thấy được một góc áo.

“…”

Vừa hiểu ra thì một chiếc gương nhỏ được chìa đến trước mặt. Người đàn ông chống má, dập tắt thuốc, có vẻ không muốn nhiều lời.

Tôi nhận lấy. Trong gương là một thiếu nữ sắc mặt tái nhợt, đầu tóc rối bù. Dưới mắt quầng thâm đen, mắt lại to, nửa bên mặt sưng vù, khóe miệng còn vệt máu khô. Đồng phục học sinh trên người đỏ trắng xen lẫn.

Lại còn xuất hiện vào sáng sớm tinh mơ.

Bất kể thế nào thì cũng thấy khá kinh khủng. Ban nãy tôi không bị đánh xem như tôi may mắn vì anh ta đang tốt tính.

Tôi xấu hổ xoa xoa khóe miệng.

Anh vươn tay nhặt chiếc áo da trên sô pha, khoác lên người. “Chiều em cũng đừng đến, tôi không xăm cho trẻ vị thành niên. Đặc biệt là những đứa trẻ nổi loạn bỏ nhà trốn đi.”

Anh hiểu nhầm. Tôi lắc đầu, lấy trong túi ra tờ 10 tệ nhàu nát, từ từ đặt nó lên bàn.

“Nghe nói anh thu phí bảo kê, vậy anh… có thể bảo vệ em không?”

Anh thờ ơ liếc nhìn tôi. “Em thấy tôi giống xã hội đen à?”

Tôi đánh liều nhìn kỹ anh ta hơn. Trẻ đến bất ngờ. Mặt mày lạnh lùng, hàng mi dài dày rậm đen như cánh quạ. Rất đẹp, cũng rất dữ tợn.

Đặc biệt là gương mặt không biểu cảm.

Không chỉ giống xã hội đen mà còn giống lão đại xã hội đen.

Trong lòng nghĩ vậy, ngoài miệng vô thức nói ra thành lời.

“…”

“…”

Anh lắc lắc cổ, cười thành tiếng. “To gan đấy, con cái nhà ai đây?”

“Dạ, nhà ở phía tây kia ạ.”

Anh nghĩ ngợi. “Đường Thế Quốc là cha em?”

“Cũng có thể không phải.”

“…”

Có vẻ như cúi đầu nói chuyện với tôi mỏi cổ, anh quay người ngồi lên sô pha. “Không phải đêm đó em cũng thấy sao? Tôi đánh cha em.” Anh cầm ly nước trên bàn.

“Vậy anh muốn đánh em ạ?” Tôi hỏi.

“Em thiếu đòn à?” Anh hỏi lại.

Tôi lắc đầu dứt khoát. Ba tôi thiếu, tôi thì không.

Anh nhướng mắt. “Vậy là được.”

Ý anh là sẽ không đụng tới tôi. Không biết sao nhưng tôi tin lời anh nói.

Thấy chủ đề đi xa, tôi lại đẩy 10 tệ trên bàn về phía trước.

Có lẽ do tôi quá dửng dưng với việc cha mình bị đánh, hoặc là tôi lại kiên trì cầu cứu người từng đánh cha mình. Anh kinh ngạc, “Không hận tôi?”

“Hận. Hận anh sao không đánh chết ông ta.” Tôi nói không cần nghĩ ngợi.

Người đối diện đột nhiên bị sặc, ho khù khụ. Anh siết cái ly. “Em muốn tôi bảo vệ em thế nào?”

“Đánh chết ba em.” Một nửa tức giận, một nửa thật.

Anh ngừng uống nước, đặt ly lên bàn. “Người không bao lớn mà lại ngang ngược vậy.”

Tôi không biết thế nào, đành lấy lùi mà tiến. “Vậy đánh ông ta tàn phế cũng được.”

Anh xoa xoa giữa hai chân mày, tức giận: “Việc này không nhận được.”

Vốn dĩ không ôm bao nhiêu hy vọng, nhưng khi nghe đáp án từ chối vẫn thất vọng. Tim tôi chùng xuống, khó thở, đầu choáng váng, tầm mắt dần mơ hồ.

Giây sau, tôi ngã về phía trước.

Dường như rơi vào một vòng ôm vội vã.

Người đàn ông giận quá hóa cười. “Chết tiệt, sáng sớm đã gặp ăn vạ.”