[Ngôn Tình] Thiên Duyên

Chương 4



9.

Quý Tông Trúc nắm lấy tay ta rồi khẽ mỉm cười: “Chúng ta không có đủ chứng cứ, nếu hắn không chịu thừa nhận thì cũng không thể định tội hắn chỉ dựa vào một khối mực được”.

"Vả lại nếu không phải nhờ hắn thì sao ta có thể trở thành phu quân của nàng được đây".

Ban đêm hai người chúng ta cùng nhau tán gẫu, nói một hồi lâu ta mới biết được Châu Lí đã mưa mấy ngày liền, và lương khô mà chàng ấy mang theo đều đã bị mốc hết.

Chàng ấy lo lắng khi ăn ở ngoài sẽ có sự cố ngoài ý muốn xảy ra, vì vậy chàng đành nhịn đói cả ba ngày trời.

Chẳng trách, hôm nay trông chàng ấy lại gầy nhiều như vậy.

Lòng ta đau xót không thôi: “Dù sao thì thân thể của chàng vẫn là quan trọng nhất, cùng lắm thì lần tới chàng thi lại lần nữa cũng được mà”.

Chàng nhẹ nhàng hôn ta: “Không được đâu, ta đã hứa với nàng sẽ để nàng làm Tú tài nương tử rồi kia mà”.

"Làm sao ta có thể thất hứa với tiểu nương tử bảo bối của ta được cơ chứ?".

Tiểu biệt thắng tân hôn (*), và tất nhiên đó là một đêm triền miên của chúng ta.

(*): Vợ chồng xa nhau ít ngày khi gặp nhau sẽ mang lại cảm xúc mạnh hơn cả đêm tân hôn.

Sang ngày thứ hai, ta đang định ngủ thêm một chút nhưng bên ngoài đã vang lên giọng nói của phụ mẫu cùng hai đệ đệ ta.

Mẹ chồng nấu trứng gà đãi khách, Hổ nhi cùng với Ngưu nhi mỗi đứa nhét một quả vào miệng còn lén lấy thêm hai quả khác giấu vào túi áo.

Trên mặt mẫu thân tràn đầy vẻ cưng chiều: "Hai đứa nhỏ này vậy mà ăn rất giỏi đấy chứ!".

"Không giống như Đại Ny, như một con mèo liếm thức ăn vậy".

Mẹ chồng suýt chút nữa quát vào mặt bà ấy, may mà bà nhanh chóng kìm lại được, cười cười nói: "Kiều Kiều ở nhà chúng ta ăn uống rất tốt, có lẽ là trong nhà đông trẻ con, nên con bé muốn nhường cho đệ đệ mình, hoặc có thể là do bà nấu ăn không hợp khẩu vị con bé rồi".

Sắc mặt bà cứng đờ khi nghe câu nói đầy châm chọc của mẹ chồng ta.

Thế nên để mau chóng quên đi việc này, bà liền chuyển đến mục đích chính của chuyến đi hôm nay.

Hóa ra bọn họ muốn đổi họ hai đệ đệ của ta dưới danh nghĩa Quý gia.

Triều đình quy định sau khi đỗ Tú tài thì không cần nộp thuế ruộng đất, người trong nhà cũng không cần phải thực hiện chế độ tòng quân, lao dịch (*).

(*): Sưu dịch, công dịch, là một loại thuế thân nhưng không nộp bằng hiện kim hay phẩm vật mà nộp bằng sức lao động.

Hổ nhi và Ngưu nhi đều là nam đinh (con trai), dựa theo quy định trước đây, chúng tất nhiên cũng sẽ bị trưng binh (gọi nhập ngũ).

Nhưng nếu đứng dưới danh của Quý gia, bọn họ sẽ được miễn đi những thứ này.

Mẫu thân dùng khăn che mặt giả vờ khóc lóc: "Đại Ny à, chúng nó là đệ đệ ruột của con đó, đao kiếm không có mắt, nếu ngộ nhỡ bị bắt ra chiến trường, chúng nó còn có thể sống sót trở về hay sao?".

"Con là tỷ tỷ mà, con phải lo chuyện này đi chứ!".

Hai đệ đệ ta vẫn còn đang miệt mài cố gắng nhét thức ăn vào miệng, nào nghe ra được bọn ta đang bàn đến chúng nó đâu, còn cha ta thì hút thuốc liên tục, tiếng khạc nhổ nghe thật khó chịu.

Ta giả vờ chuẩn bị bữa trưa rồi lén trốn vào bếp, một lúc sau Tông Trúc cũng đến.

Chàng xắn tay áo giúp ta nhặt rau, sau đó hỏi ta: "Kiều Kiều, việc ghi tên vào Quý gia cũng là chuyện bình thường, nàng nghĩ như thế nào?".

Mẹ chồng nhìn sang chúng ta.

Ta ngắt những lá bắp cải trắng, rồi ngập ngừng nói: “Thiếp có chút băn khoăn”.

"Nếu như trong gia tộc chúng ta ghi lại tên hai bọn chúng, vậy hai đệ đệ thiếp trên danh nghĩa sẽ là nô bộc của Quý gia, nhưng trên thực tế, chúng ta không thể ra lệnh cho chúng nó. Ngày sau chúng nó nếu có lợi dụng thân phận nhà chúng ta mà làm càn thì danh tiếng của chàng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đó".

Mặt mẹ chồng rạng rỡ hẳn lên.

Ta cau mày: “Nhưng nếu một mực từ chối, thiếp sợ chuyện này sẽ bị truyền ra, sau đó mọi người sẽ nói phu quân là một người bạc tình bạc nghĩa”.

Ở nông thôn, đôi khi lời đồn đại vô căn cứ cũng có thể lấy đi sinh mạng của một người.

Quả thật rất khó nghĩ.

Quý Tông Trúc nhìn ta thật sâu, vén sợi tóc mai trên mặt ta rồi cười nói: “Chỉ cần biết tâm của Kiều Kiều luôn hướng về vi phu là đủ rồi”.

"Chuyện này để ta xử lý là được, nàng không cần bận tâm đâu".

Trở lại sảnh, hai mươi quả trứng mẹ chồng ta nấu đều đã bị vét sạch, vỏ trứng vương vãi đầy trên đất.

Quý Tông Trúc lừa Hổ nhi và Ngưu nhi ngâm thơ, sau đó khen ngợi bọn họ thông tuệ sáng suốt.

Thông minh ở chỗ nào kia chứ, rõ ràng là ngu ngốc như lợn mà.

Miệng của người đọc sách quả đúng là một con quỷ gạt người.

Nhưng Hổ nhi rất đắc ý với lời khen này, còn mẫu thân ta thì cười không ngừng, có lẽ bà cảm thấy chuyện này sắp thành rồi.

Trên bàn ăn, Tông Trúc ôn hòa cười nói: "Ghi dưới tên con cũng không sao cả".

"Chỉ có điều con thấy hai vị đệ đệ nhà ta thông minh, tương lai có thể sẽ đỗ Tú tài, nếu ghi dưới tên của con, về sau sẽ được miễn binh dịch phu phen (lao dịch), nhưng sẽ phải chịu cái danh nô bộc cả đời, không có cách nào thoát ra khỏi nó để thành người đọc sách được nữa".

"Tiếc thật! Con còn muốn dạy dỗ hai đệ đệ của mình thật tốt".

Với tài ăn nói vừa sâu sắc lại nhìn xa trông rộng như vậy, ăn trưa xong chàng liền đứng dậy nói: "Đã là việc mà nhạc phụ nhạc mẫu muốn nhờ, vậy con cũng không thể chậm trễ được, bây giờ chúng ta đi tìm Lý Chính ngay đi".

10.

Nghe chàng nói xong, mẫu thân ta cũng đã mơ hồ hiểu ra, liền biến thành dáng vẻ của một lão nương.

Bà cười mỉa: "Không gấp, không gấp, chúng ta vẫn muốn bàn bạc thêm".

Phụ thân dập thuốc lá rồi đứng dậy: "Thôi, cũng trễ rồi, chúng ta về nhà trước đi".

Sau khi đến cửa viện, ông đi chậm lại, vỗ vai Quý Tông Trúc, nhẹ nhõm nói: "Con là người tốt, hãy đối xử tốt với Đại Ny".

Bọn họ vừa đi, ta mới thở phào nhẹ nhõm: "Phu quân à, trước kia thiếp không biết chàng lại lém lỉnh như vậy đấy".

Chàng nhìn ta: “Bây giờ hối hận cũng không còn kịp nữa đâu, nàng đã gả cho vi phu mất rồi".

"Hổ nhi chắc không thể uốn nắn được nữa, còn Ngưu nhi chỉ mới năm tuổi, còn có cơ hội. Cho dù không thể đỗ Tú tài, đã là người đọc sách thì cũng tốt rồi".

Điều này cũng đúng.

Sau đó, có người họ hàng (đồng tộc) cũng muốn mang lũ trẻ cùng với ruộng vườn sang đây nhờ chúng ta, nhưng Tông Trúc lần nào cũng khéo léo từ chối: “Sợ là không được rồi, ngay cả đệ đệ bên kia của thê tử nhà ta ta cũng đã từ chối, nếu ta đáp ứng giúp huynh, sợ là không thể ăn nói với nhạc phụ nhạc mẫu được".

Nghĩ đến lúc ấy khi chàng giở trò với cha nương, có lẽ chàng ấy đã nghĩ đến điều này rồi.

Đỗ Tú tài rồi, tiếp theo là kỳ thi Hương (Hương thí) - Cử nhân.

Chuyện này có thể nói là cực kỳ quan trọng.

Bởi vì sau khi đỗ đạt sẽ được phong chức tước.

Kì thi Hương này ba năm mới tổ chức một lần, nhưng để đỗ được cũng không dễ dàng. Trong nước có rất nhiều Tú tài, cũng chỉ có vài ngàn người có thể vượt qua được.

Bao nhiêu nho sĩ khổ học cả đời, cuối cùng tóc bạc cả đầu cũng không thể đỗ đạt.

Vì tiền đồ xán lạn, Tông Trúc phải đến trường học ở Châu Lí.

Ta cùng mẹ chồng thầm bàn bạc một phen, quyết định đi theo chàng ấy đến Châu Lí.

Tông Trúc nghe xong thì cực kì vui vẻ.

Mẹ chồng làm việc gì cũng nhanh, chỉ cần hai ngày đã giải quyết xong mọi việc trong nhà.

Những con gà, con vịt, con ngỗng không mang đi được thì đều đưa sang cho cha nương ta.

Ta, Chu Kiều Kiều, lần đầu tiên trong đời được rời khỏi thị trấn, huyện lỵ, nhờ phúc của phu quân mà ta được đi đến Châu Lí.

Châu Lí sôi động náo nhiệt hơn ở thôn chúng ta rất nhiều, nhìn ngắm mãi cũng đã đủ rồi, chúng ta lại đi thuê một tiểu viện.

Đằng trước để bán đậu phụ, còn phía sau thì là nơi để ở.

Tông Trúc ngày thường sẽ ở học viện (college, faculty) học tập và một tháng sẽ về nhà ba hoặc năm ngày.

Trong thành nhiều người, ai nấy bình thường đều bề bộn nhiều việc, Tú tài cũng nhiều, lúc đầu hàng xóm cũng đố kị đôi ba câu, nhưng mãi về sau bọn họ cũng cảm thấy mình không đúng nên không dùng những lời khích bác như vậy nữa.

Hai năm dần trôi qua, vạn sự đều an yên.

Sau khi Hổ nhi bắt đầu đọc sách, tuy nói rằng nó có chút ngốc, nhưng tính khí cũng đã được mài dũa rất tốt.

Mẫu thân hình như đã phát hiện ra, biết được Tông Trúc lúc đầu chỉ có ý qua loa lấy lệ, nên khi ta đem lễ vật về nương gia (nhà mẹ đẻ), bà không thèm cho ta chút mặt mũi nào.

Có người mắng sau lưng, nói ta là đồ vô ơn còn hơn kẻ xa lạ.

Lý Chính quen biết rất nhiều người, vậy nên cuối cùng cũng gả được nữ nhân béo Đại Hoa kia cho một thương nhân giàu có.

Nàng ta cũng vừa mới sinh được một đứa con trai cách đây không lâu.

Người ở trong thôn thật thà chất phát, nhưng cũng có không ít người thích bàn tán chuyện người khác, gió chiều nào thì theo chiều ấy, nên khi trở về nhà vào ngày Tết, nàng ta đeo cả một đống vàng bạc trên người, nàng rất biết cách thể hiện cho mọi người thấy sự giàu có của mình, lại còn trông rất đắc ý.

Nàng ta châm chọc ta: “Có là Tú tài nương tử thì cũng chẳng có nghĩa lý gì, ngay cả một món trang sức đắt giá cũng không có mà đeo".

"Vả lại ta còn nghe nói, kì thi Hương rất khó, rất nhiều Tú tài phí cả đời cuối cùng cũng chỉ là một cái danh Tú tài mà thôi".

“Ngươi cũng đã thành hôn hai năm rồi, sao bụng ngươi vẫn chưa có động tĩnh gì vậy?”. Nàng ta sờ sờ cái bụng hơi nhô ra của mình: "Phu quân ta nói nếu lần này ta sinh được con trai sẽ cho ta năm mươi lượng bạc đó".

Và khi biết ta cùng với mẹ chồng bán đậu phụ bên đường, nàng ta lại càng có lý do để khinh miệt ta hơn.

Có lẽ chính nàng ta là người đã bịa đặt những tin đồn này, và người trong thôn lại bắt đầu bàn tán về chúng ta.

Đầu tiên nói ta xuất đầu lộ diện là làm mất mặt Quý gia, hai là nói ta xuất giá đã mấy năm vẫn chưa có mụn con nào, ba là nói Trúc lang tài năng không có, mới học ở Châu Lí đã cố không nổi nữa, e là không vượt qua nỗi kì thi Hương này.

Mẹ chồng vừa mới vui vẻ trở về nhưng lại bị tin đồn thật lớn này làm tức giận một hồi lâu.

May mà chúng ta đã tính trước, sau Tết Nguyên Tiêu chúng ta sẽ lập tức khởi hành rời khỏi nơi này (*).

(*): quê hương - hương thổ.

Đại Hoa cũng đi theo phu gia đến Châu Lí kinh thương (buôn bán).

Nàng ta lại đang mang thai, mỗi ngày đều cố tình ưỡn bụng đến mua đậu phụ, còn cố ý làm trò trước mặt Quý Tông Trúc: "Con gà mái xinh đẹp này thì có ích lợi gì chứ, vẫn là phải đẻ trứng mới không bị coi là vô dụng".

11.

Nàng ta liên tục châm chọc, Tông Trúc nhất thời không nhịn nữa, nhàn nhạt đáp: "Đương nhiên là có tác dụng, chí ít ban đêm cũng không cần phải thổi tắt đèn đi".

Đại Hoa định thần lại, sắc mặt một hồi đen rồi lại trắng gần như là một con tắc kè hoa.

Hai năm vẫn chưa có động tĩnh gì, ta cũng thật sự rất lo lắng, một hôm trên bàn ăn, ta nói: “Mẫu thân, con có chuyện cần nói, người ta nói rằng có ba điều bất hiếu, mà không có con nối dõi là đại bất hiếu, hay là con nạp một tiểu thiếp cho chàng nhé?".

Chàng buông đũa: "Không sinh được con là do cơ duyên chưa tới, nàng chớ có suy nghĩ nhiều, đúng lúc, bây giờ ta có thể yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi rồi".

Mẹ chồng cũng tán thành: "Hơn nữa, có thể vấn đề này là của Tông Trúc, ở thôn của con những người như vậy cũng đâu có ít? Những nữ tử đó không sinh được con liền bị hưu (bỏ), nhưng khi họ gả cho người khác thì ba năm đã ôm được hai đứa rồi".

"Con đừng tự trách mình vì bất kỳ vấn đề gì, hãy cứ tin vào bản thân con".

Mắt ta đỏ hoe.

Đời trước ta đã tích đức gì mà đời này lại được gặp một nhà chồng (bà gia) tốt như vậy chứ.

Ban đêm, Tông Trúc ôm ta: “Nàng vẫn chưa hoài thai có lẽ là do vi phu ta nỗ lực chưa đủ, sau này ta phải cố gắng nhiều hơn rồi, chỉ tội cho Kiều Kiều của ta, vất vả cho nàng rồi".

Người này thật đúng là nhiều mặt mà, đóng cửa rồi là như thành một người khác vậy, chẳng còn chút dáng vẻ thư sinh đạo mạo nào cả.

Sau những va chạm như vậy, cũng đã đến tháng tám rồi.

Kỳ thi Hương cũng sắp bắt đầu.

Mấy năm này, cuộc sống của chúng ta rất suôn sẻ và ta cũng không dự đoán thấy bất kỳ tai họa nào.

Đêm trước ngày thi, Tông Trúc hôn ta, nhưng ta cũng không thấy gì cả.

Nhưng trong lòng ta lại luôn cảm thấy bất an.

Trời còn chưa sáng ta đã cùng mẹ chồng tiễn chàng ấy đi thi.

Trước cửa phòng thi có rất nhiều thí sinh, ta bất chấp thanh danh của mình, cũng là để hoàn toàn yên tâm, liền kiễng chân hôn lên môi chàng ấy.

Các thí sinh ồ lên rồi ngoảnh mặt đi.

Tông Trúc cũng đỏ bừng mặt.

Mà lúc này đây, trong đầu ta lại chợt hiện lên một số hình ảnh, sắc mặt ta nhất thời hoảng hốt.

Ta lại hôn chàng ấy thêm vài lần nữa, nhưng cũng chỉ thu được một chút hình ảnh không rõ nét.

Thời gian không còn nhiều nên ta chỉ có thể kể cho chàng ấy nghe chi tiết những gì ta đã thấy và dặn dò chàng ấy phải hết sức chú ý mọi thứ.

Bởi vì hành động bất chợt này của ta được coi là hành động rất mất thể thống (khuôn phép), nên trong lúc nhất thời danh tiếng đã lan truyền đến các đồng môn khác.

Nhiều người thầm chế nhạo ta vì xuất thân nông thôn lại còn không biết chừng mực (cách cư xử).

Bởi vì trước đó có chuyện của Chu Lý, nên trong những năm này Tông Trúc vẫn luôn ẩn đi tài năng thật sự của mình, chỉ thể hiện ra phong độ bình thường không đáng chú ý đến. Mọi người nghị luận rằng ta là một thê tử không hiểu chuyện, suốt ngày chỉ biết quấn lấy chàng ấy, cùng với tư chất tầm thường của chàng ấy thì chẳng thể nào có nỗi thành tựu gì.

Đại Hoa vừa mới sinh được con trai, vừa trong nguyệt tử (tháng ở cữ) ra liền tìm đến ta khoe khoang không ngớt.

"Quý Tú tài thật đúng là tám đời xui xẻo mới cưới phải ngươi đấy!".

“Ngươi sợ chàng ta đỗ rồi sẽ bỏ rơi ngươi - một nông gia nữ tử tầm thường, cho nên mới cố tình làm loạn tâm trí chàng ta sao?”. Nàng ta thở dài, khuôn mặt béo ú xệ xuống: “Bây giờ ta nghĩ ý nguyện cả đời làm Tú tài nương tử của ngươi thành hiện thực rồi đấy!".

Cũng có một số người tập trung trước quầy đậu phụ rồi chỉ chỉ trỏ trỏ nói xấu sau lưng ta.

"Nhìn xem, là nàng ta đấy, phu quân đi thi, nàng ta làm trò hôn phu quân trước mặt nhiều người như vậy, thật là không biết xấu hổ mà".

“Có một thê tử như vậy, làm sao ta có thể thi đỗ được chứ?”.

"Các người phải đề phòng đấy, đừng làm giống như nàng ta...".

...

Sau khi Tông Trúc thi xong, ngày nào chàng ấy cũng cùng ta bán đậu phụ, mọi người bàn tán không ngừng, nhưng trông vẻ mặt của chàng ấy vẫn bình thường như cũ.

Sau nửa tháng, kết quả của kì thi Hương đã được công bố.

Những người có tên trong bảng sẽ là Cử nhân, về sau chính là Quan lão gia.

Chúng ta dậy từ rất sớm để xem kết quả, nhưng vẫn có người đến sớm hơn.

Có rất nhiều người đứng đợi trước danh sách, và cuối cùng đến gần trưa bảng kết quả mới dán xong.

Mọi người đều cố vươn cổ để xem kết quả, một nơi rộng lớn như vậy lại không hề có chút tiếng động nào.

Trái tim ta dường như muốn chạm đến thanh quản, nhảy loạn xạ không ngừng.