Người Cũ Đường Mới

Chương 16: Cục vàng



Sáng sớm chủ nhật, tôi đến lớp 25 bắt hụt người.

Không thể ngờ Lý Trì Thư không có ở đây. Theo tiêu chuẩn thường ngày của em ấy, dậy vào 7 giờ sáng cũng bị gọi là ngủ nướng mà bây giờ 9 giờ vẫn không thấy bóng dáng đâu, quả thật rất đáng ngạc nhiên.

Điện thoại không ai bắt máy, tôi chạy đến ký túc xá nam cấp ba theo số phòng em từng nói với tôi một lần, lên lầu ba tìm phòng Lý Trì Thư ở, tôi gõ cánh cửa khép hờ hai lần cũng không có ai trả lời.

Phòng ở đây ở ghép tám người, Lý Trì Thư từng kể mình ở giường dưới vị trí đầu tiên ngay từ cửa bước vào, khi kể về cuộc sống ở trọ nội trú em hay nói đùa rằng: “Bọn họ có sở thích ngồi xuống giường em ngay khi bước vào cửa, em phải giặt ga giường thường xuyên.”

Tôi nói: “Em có thể bảo họ đứng dậy.”

Bấy giờ Lý Trì Thư mới biện giải cho họ: “Nhưng họ ngồi trên giường em nói chuyện cũng thú vị lắm.”

Dường như em ấy có thể vĩnh viễn thứ tha và bao dung cho thế giới này mạo phạm mình, gặp chuyện xấu luôn có cách để mình nghĩ đến chiều hướng tốt, song dẫu có nhiều cách khuyên nhủ bản thân cỡ nào chăng nữa cũng đến lúc đầu óc khô kiệt, cả đời Lý Trì Thư không gặp được bao nhiêu chuyện tốt đẹp, cứ phải khuyên nhủ mình hết lần này đến lần khác để rồi dồn ép bản thân vào ngõ cụt, cũng không nghĩ ra nên làm gì với cuộc đời này mới được sống dễ chịu.

Tôi cẩn thận đẩy cửa bước vào, liếc mắt thấy ngay cà mèn và túi giữ nhiệt trên mặt bàn được chà lau sạch bóng ở tay trái cạnh cửa, sách ôn tập cũng để ở kế bên, dưới giường Lý Trì Thư xếp gọn một đôi dép, một đôi giày thể thao và một đôi giày vải, đầu giường treo bộ đồng phục học sinh nửa phơi khô, chăn giặt đến nỗi phai màu. Trên giường có một khối nhô lên, em ấy đang nằm trong đó ngủ.

Trong phòng không có người khác, tôi ngồi xổm trước giường ngửi mùi xà phòng quen thuộc thoảng ra từ người em, ga trải giường lẫn quần áo em luôn có mùi hương đơn giản sạch sẽ.

Lý Trì Thư ngủ li bì, kéo cao chăn che tai, cũng không để lộ mặt nhiều.

Tôi sợ em bị bệnh, kề mu bàn tay lên trán em nhưng nhiệt độ bình thường.

Con ngươi của Lý Trì Thư chuyển động, mê man mở mắt đối diện với tôi.

Tôi nghiêng đầu: “Cục vàng, dậy thôi.”

Cục vàng. Trong phút chốc nhìn thấy em co ro trong chăn, tôi mới nhớ ra Lý Trì Thư còn một cái tên là cục vàng.

Trước khi qua đời em ấy cũng bị cúm nặng vào tháng 9 chuyển giao giữa mùa hè và mùa thu, giống như bây giờ, mặc nhiều sợ nóng mặc ít sợ lạnh.

Lý Trì Thư bị sốt ngắt quãng mấy ngày liền, không chịu đi bệnh viện cũng không chịu cho tôi tìm bác sĩ tư, thời điểm đó em ấy đã, đang tránh né mọi tiếp xúc với người bên ngoài, chỉ tự uống thuốc linh tinh, cả ngày lẫn đêm trốn trong bóng tối ngủ mê man.

Tôi lo sốt vó chạy từ chỗ công tác về nhà, nhà nóng như cái lồng hấp mà Lý Trì Thư còn quấn mình như cái bánh chưng, tôi kéo chăn ra, người em nóng hừng hực nhưng lại đổ mồ hôi lạnh.

Lý Trì Thư không muốn mở máy điều hòa, em nói điều hòa làm mũi và cổ họng khó chịu nhưng mấy cái quạt đứng trong nhà thì không thích hợp, để xa không có tác dụng mà nhích lại gần thì tôi sợ gió lớn chĩa vào em.

Tôi tìm người bạn ở bệnh viện làm cho mấy bình nước truyền dịch, nhắm mắt làm liều vác súng ra trận, tạm thời học cách đâm kim tiêm, cánh tay chi chít lỗ kim tiêm, thử nghiệm đủ rồi mới cầm thuốc quay trở về tự tay tiêm truyền dịch cho Lý Trì Thư.

Hết ba bình dịch truyền Lý Trì Thư mới hạ sốt.

Nửa đêm em ấy tỉnh lại tôi đang cầm một xấp bản vẽ mỏng quạt mát cho em, canh thời gian thay bình truyền.

Ánh mắt Lý Trì Thư lướt từng chút một trên khuôn mặt tôi, như thể biết không còn nhiều cái sau này nên luôn cảm thấy không nhìn đủ. Rồi em thở dài: “Cuối cùng vẫn luôn làm phiền anh.”

“Biết phiền là tốt,” tôi trừng em, “Ngoan ngoãn truyền dịch cho sớm khỏe lại, để xem anh trừng trị em thế nào.”

Lý Trì Thư cụp mắt cười, chuyển sang nhìn xấp bản vẽ đang quạt mát.

“Lúc nhỏ, mẹ cũng dỗ em giống vậy.” Em bỗng lên tiếng, giọng vừa nhẹ vừa khàn như đã lâu không gặp từ này, “Trong nhà không nỡ tốn tiền mua quạt mà trời thì nóng, em nóng bức khóc lóc trong lòng bà ấy, bà ấy một tay ôm em một tay cầm quạt quạt cho em, hát ru, dỗ: ‘Cục vàng ngoan, mau ngủ đi’.”

Lý Trì Thư nâng cánh tay gầy như que củi đang đâm kim truyền dịch lên: “Giống như anh, ngay cả chỗ quạt mát cũng giống.”

“Cục vàng?” Tôi ghé lại gần em, “Lý Trì Thư còn gọi là cục vàng sao?”

“Gọi chứ.” Em nói đều đều thừa nhận, nhìn lên trần nhà hoài niệm ngày xưa ấy, “Hồi còn nhỏ xíu, anh trai ở bên dưới nhà đưa chiếc xe đạp cũ của mình cho em, mẹ với cha dạy em đạp xe đạp ngay trong bãi đất bồi, bọn họ chạy phía trước, em đạp đằng sau sợ phát khóc, mẹ ngoái đầu vỗ tay nói cục vàng không sợ, có mẹ đây, đuổi theo mẹ đi.”

Tôi im lặng lắng nghe, hiếm có ngày em ấy nói nhiều như thế này nên dẫn dắt em kể tiếp, “Còn gì nữa không?”

“Còn…” Lý Trì Thư cố gắng nhớ, kể chuyện tựa như bụi bay trong ngôi nhà trống vắng này, “Còn lúc em mới đi nhà trẻ, em đi nhà trẻ sớm, khi đó họ vẫn chưa đi làm ở nơi khác, mỗi sáng sớm chở em đi học, em không muốn dậy mẹ sẽ gọi bên tai: ‘Cục vàng, dậy thôi’.”

“Thẩm Bão Sơn.” Em bỗng gọi tôi rồi quay qua chỗ khác, nhìn căn phòng cất quần áo đen kịt, lần đầu tiên nói bằng giọng mũi cố kìm nén cũng nén không nổi, “Em hơi nhớ mẹ.”

Tôi ngẩn ra, cố ngăn dòng nước mắt chảy xuống, cầm tay em cười nói: “Em xem anh là mẹ đi.”

Em ấy im lặng.

Đời này em không còn được nghe ai gọi mình là cục vàng.

Hai ngày sau khi khỏi bệnh, em nhảy lầu.

Lý Trì Thư không cho tôi cơ hội gọi em là cục vàng.

Tôi gọi lúc em còn đang mơ màng, tất nhiên em ấy không nghe rõ, mắt phủ sương mù mông lung nhìn tôi mấy giây mới mở to mắt ngồi dậy: “Thẩm Bão Sơn?”

“Anh đây.” Tôi vẫn ngồi xổm, khoanh tay tựa lên đầu gối ngửa đầu nhìn em, “Sao Lý Trì Thư còn nằm trên giường vậy ta?”

“Em…”

Lý Trì Thư ló đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, nỗi ngạc nhiên phủ kín đôi mắt, mò tay xuống gối kiếm điện thoại cục gạch của mình, ấn màn hình sáng lên toàn là cuộc gọi nhỡ của tôi, thời gian hiển thị đã là 9 giờ 30.

“Điện thoại em tắt tiếng, không nghe thấy.” Em xin lỗi tôi trước, cúi đầu chán nản, “Sao cũng không nghe đồng hồ báo thức luôn chứ…”

Tôi chỉ em: “Tối hôm qua thức làm gì? Thành thật khai báo.”

Lý Trì Thư dần ngẩng đầu: “Em không làm gì hết.”

“Vậy sao hôm nay thức dậy muộn?”

Lý Trì Thư không lên tiếng.

Tôi nheo mắt nhìn em, sáng tỏ trong lòng: “Lý Trì Thư —— Đừng nói là em… cả đêm qua không ngủ nhé?”

Lý Trì Thư vẫn giả làm người câm.

Tôi ngả người về trước, vịn thanh giường sắt ngồi xuống kế bên, cúi đầu đối diện với mắt em: “Sao tối hôm qua không ngủ?”

Lý Trì Thư bình tĩnh dịch sang bên cạnh.

“Không phải, là do, em ——”

Tôi còn chưa nói xong thì Lý Trì Thư vén chăn đi xuống giường từ đầu bên khác, chạy tót vào nhà vệ sinh: “Em đi đánh răng.”

Tôi bĩu môi hừ nhẹ với bóng lưng em, chậm rãi đứng dậy gắp chăn cho em.

Gấp chăn xong, dọn hộp cà mèn, Lý Trì Thư cũng chỉnh tề bước ra.

Tôi tự giác đứng ra ngoài cửa, nói vào trong: “Thay quần áo xong đi căn tin ăn.”

Vốn tưởng Lý Trì Thư đã quy củ ăn bữa sáng nên hôm nay tôi chỉ mang theo một phần, chuyện xảy ra đột ngột tôi không ngờ con hàng này sẽ thức trắng đêm không ngủ vì mấy lời tỏ tình của tôi, bèn kéo em đi thẳng xuống căn tin ăn trưa sớm.

Lý Trì Thư có vẻ đói bụng, cầm thẻ quẹt hai phần cơm nước, đẩy phần của tôi cho tôi xong im lặng vùi đầu ăn.

… Ăn cực kỳ nghiêm túc.

Tôi khoanh tay lạnh lùng nhìn em: “Lý Trì Thư, em căng thẳng gì chứ?”

Lý Trì Thư đang nhai cơm bỗng khựng lại, suýt thì nghẹn, tôi đưa canh qua, em ấy ngửa cổ húp sạch.

“Có hả?” Lý Trì Thư thả bát cơm xuống, không nhìn vào mắt tôi, “Em không hề căng thẳng.”

“Vậy em ăn đồ ăn đi.” Tôi hỏi, “Cứ ăn cơm trắng không là sao?”

“…”

Tiền đồ.

Giống y hệt lần đầu tiên hẹn tôi đi ăn thời đại học.

Tôi lấy ly giữ nhiệt của em rót nước sôi tráng qua, cầm đũa khều sạch gừng và tiêu trong đồ ăn rồi gắp thịt bò vào bát em: “Thứ bảy tuần sau khối 12 được nghỉ, em biết buổi chiều thứ sáu được nghỉ không?”

Lý Trì Thư yên lặng trộn thịt bò vào cơm ăn: “Thật không? Vì sao?”

Tôi bưng khay cá trong hộp cà mèn do thím chuẩn bị qua chỗ mình, chậm rãi lựa xương cá ra cho em: “Khối cấp hai và lớp 12 bắt tay tổ chức lễ hội ẩm thực, nó là do trường học tổ chức đặc biệt cho lớp 12 mà?”

Trường THPT số 1 là trường quan tâm chủ nghĩa nhân văn, mặc dù là lớp 12 nhưng phòng Giáo vụ vẫn đảm bảo học sinh có hai tiết Thể dục mỗi tuần, đề phòng học sinh áp lực lớn không chỗ giải tỏa, trong hai học kỳ lớp 12 học kì đầu sẽ tổ chức lễ hội ẩm thực hợp tác với khối cấp hai, học kỳ sau sẽ có chuyến du xuân đặc biệt.

“Ồ…” Lý Trì Thư nghĩ, hỏi phỏng đoán, “Anh đi không?”

Tôi hỏi ngược lại: “Em không đi à?”

Em gắp sợi gừng tôi khều ra một bên vào trong bát ăn luôn: “Tuần sau em có nhiều bài tập lắm.”

“Nhưng anh muốn đi.” Tôi gắp cá nhúng vào trong canh súp mỡ rồi bỏ lên bát cơm của em, “Đi đến đó hát cho em nghe. Em thích nghe bài nào?”

“Hát?” Cuối cùng Lý Trì Thư cũng ngẩng đầu khỏi cái đĩa nhìn thẳng tôi, “Em không…”

“Anh tự chọn.” Tôi kề sát mặt em, “Em nghe bài của Châu Kiệt Luân chưa?”

“Châu Kiệt Luân?”

Tôi cười ngâm hai câu cho em nghe: “Từ rất lâu rất lâu trước đây, có một người yêu em say đắm…”

Lý Trì Thư cúi đầu cắn từng miếng từng miếng cá, giả vờ không quan tâm hỏi: “Tên bài này là gì?”

“Bài này tên là —— Bài hát hát cho Lý Trì Thư.”

“…” Lý Trì Thư câm nín nhìn tôi.

“Được rồi, đến lúc đó anh hát thì em sẽ biết thôi mà.”

Tôi bắt đầu rưới mật ong lên những miếng thanh long đã cắt: “Đi đi mà.”

Lý Trì Thư im lặng.

“Lý Trì Thư đi đi mà.”

“…”

“Đi đi mà.”

Lý Trì Thư đồng ý đi.

“Em đừng quên đó nhé.” Buổi tối tôi dặn dò trước khi về nhà, “Thứ sáu đến bể bơi đợi anh.”



Ngày 16 tháng 10, trời quang

Hôm nay gặp Thẩm Bão Sơn ở cầu thang, hình như cậu ấy sắp đi chơi bóng rổ, không nhìn thấy mình.

Cũng có thể là có nhìn thấy, nhưng không nhận ra mình.



Ngày 16 tháng 10, trời quang

Hôm nay không ngờ đến tận 6 giờ sáng mới ngủ, còn bị Thẩm Bão Sơn phát hiện.

Lúc ăn cơm anh ấy hát cho mình nghe một bài, rất du dương nhưng Thẩm Bão Sơn không nói tên, tuần sau đành phải đi lễ hội ẩm thực với anh ấy nghe anh ấy hát.

Chắc chắn Thẩm Bão Sơn hát cái gì cũng hay đúng không?

Sáng nay mơ thấy mẹ, tỉnh dậy nghe Thẩm Bão Sơn gọi mình là cục vàng, có lẽ là vẫn chưa tỉnh táo, không phân biệt được giấc mộng với Thẩm Bão Sơn.