Người Cũ Đường Mới

Chương 20: Tai em có đỡ hơn chút nào không?



Khu cấp hai của THCS số 1 không có ký túc xá, đến cuối tuần khu vực trường học rộng lớn sẽ tối kịt như vực sâu không thấy đáy.

Tôi trèo tường vào, bám trên đầu tường kéo Lý Trì Thư lên, lần đầu tiên em ấy làm chuyện này nên vừa cuống vừa sợ, thở hồng hộc, giữa chừng vài lần muốn kéo khẩu trang xuống nhưng bị tôi ra lệnh cưỡng ép đeo lại.

Lý Trì Thư không hiểu là hành động gì mà bắt mình đeo khẩu trang, còn Thẩm Bão Sơn đi cùng em thì lại để trắng trợn, thậm chí còn không tháo phù hiệu ra.

Đêm đông bao trùm trường học tĩnh lặng đến nỗi có thể nghe được mỗi một tiếng gió, chúng tôi chạy một mạch lên tầng thượng, đến chỗ góc chết của camera trên hành lang thì dặn Lý Trì Thư đứng yên ở đó, còn mình đi về hướng ngược lại trong sự quan sát của em.

Ánh trăng hóa thành màu trắng xanh lạnh lẽo trải trên mỗi một viên gạch dưới chân, dưới ánh trăng bảng hiệu lớp 16 phản xạ thứ ánh sáng lạnh lẽo kia giống những con chữ lớn mạ vàng lóa mắt, mà cũng gai mắt ở tòa thị chính 10 năm trước, mỗi một ánh sáng phản xạ dưới bóng tối đều đè lên tấm lưng gầy gò của Lý Trì Thư, đè em ấy càng lúc càng héo gầy, càng ngày càng không dám nhìn thẳng ánh trăng.

Tôi đứng ở cửa lớp, cầm trang báo được photocopy ra —— Tôi photocopy trang báo cũ kia tận 100 bản. Tôi bình thản bận rộn khởi công: Lấy băng dính ra dán từng trang từng trang kín vách tường bên ngoài lớp học, bắt đầu từ cửa lớp 16, trang nào cũng có nội dung giống nhau, giấy trắng mực đen đưa tin xác thực: Công trình tập đoàn Hải Nghiệp xảy ra sự cố, bên thi công nhắm mắt giả chết, tập đoàn đùn đẩy trách nhiệm, ngang nhiên phát ngôn “Là do công nhân bất cẩn, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về người đã chết”, trong sự phẫn nộ của dân chúng, khoản tiền bồi thường vẫn không thấy đâu, đôi mẹ con trong tấm hình trắng đen bị dồn vào đường cùng…

Tôi đã kiểm chứng từng câu từng chữ, trong giới báo chí 10 năm trước, chỉ có tờ báo tôi nhờ chủ tiệm sách tìm cả một tháng trời mới đưa tin công bằng chính trực nhất, cũng là tờ báo này đã trở thành cọng cỏ cuối cùng tạo áp lực cho tập đoàn và chính phủ, giúp Lý Trì Thư và mẹ em ấy nhận được khoản đền bù và lời xin lỗi.

Lý Trì Thư ngoan ngoãn nấp ở chỗ tối không biết tôi đang cầm cái gì, em ấy ở cách rất xa, ở độ xa này em chỉ có thể nhìn thấy Thẩm Bão Sơn đứng giữa hàng lang đang không ngừng lặp lại hành động: Cầm báo, dán băng dính, cắt băng dính, lấy trang báo khác. Tôi dùng hết năm cuộn băng kính, cả vách tường bên ngoài lớp học bị dán y như tấm gương —— Tôi không chừa chút kẽ hở nào, đến ngày thứ hai có người phát hiện bức tường này, muốn xé hết băng dính và báo thì lượng công trình khổng lồ như vậy đủ để ai cũng đọc được nội dung tờ báo.

“Thẩm Bão Sơn.” Lý Trì Thư vịn tường nhẹ nhàng gọi với ở đằng sau, “Muốn em giúp anh không?”

Tôi không nói, chỉ thủ thế không cho em đi qua đây.

Chỉ một chốc sau xấp báo trong tay tôi vơi hơn phân nữa, băng dính cũng dùng gần hết. Sau khi hoàn thành công trình, tôi quay lại chỗ Lý Trì Thư, em không hiểu chuyện gì nhìn tôi. Tôi nắm tay em: “Bây giờ đi chỗ khác.”

Bảng thông báo kế bên sân bãi cho đến giờ vẫn chưa bị tháo gỡ, toàn là tác phẩm đoạt giải cuộc thi viết văn năm thứ ba, tháng trước Lý Trì Thư bất ngờ bị ù tai ngạy tại đây.

Sau khi quay lại chỗ này, tôi tốn một tiếng đồng hồ đọc kĩ lưỡng mỗi một bài văn, đề tài của những tác phẩm này về tổng thể là tương tự nhau, bảo các bạn nhỏ 13, 14 tuổi sử dụng các biện pháp nghệ thuật hoặc đơn giản hoặc phóng đại đặc sắc ca ngợi những hi sinh vĩ đại của bậc cha mẹ trên con đường các em trưởng thành: Hoặc là cha âm thầm chuẩn bị món quà vô cùng hoàn hảo, hoặc là mẹ biết mình bị bệnh thì lập tức buông bỏ hết mọi công việc quan trọng để chăm sóc cho mình, tóm lại vô số đứa trẻ nhận được những cách yêu thương khác nhau trên con đường bắt buộc phải đi qua, ngoại trừ Lý Trì Thư. Những người được ưu ái trên cuộc đời này đều chung một giọng điệu kể mình được yêu thương ra làm sao.

Đến khi tôi thấy bài văn kia.

Chỉ đọc bài văn của đứa trẻ đã biết gia cảnh không tầm thường, từ nhỏ được trái ôm phải ấp, trong nhà có rất nhiều bảo mẫu chăm nom cho việc ăn uống ăn ặc quần cho nó, nó kể lại cuộc sống sung sướng hơn phần lớn các bạn bằng lứa với giọng điệu rất bình thản, nửa phần sau của bài văn tình thế xoay chuyển, viết về chuyện khốn khổ mà cha mẹ nó từng suýt không thể vượt qua 10 năm trước.

Nội dung đại khái là cha mẹ của nó vừa có chút khởi sắc trong công cuộc gây dựng sự nghiệp, đang trong giai đoạn vừa cố gắng cày cuốc công việc vừa khổ cực chăm sóc nó mới 5 tuổi thì gặp phải một đôi mẹ con nghèo khổ ác độc, khăng khăng đổ vấy nguyên nhân cái chết của người công nhân gặp rủi ro trên dự án công trường ở tỉnh khác, đu bám quấy rầy cha mẹ nó không dứt, còn từng làm ầm ĩ trước cửa chính quyền thành phố một lần, cuối cùng lừa được một khoản tiền bồi thường không ít mới chịu thôi. Mặc dù sự việc đã được xử lý nhưng công ty của nhà nó bị tổn hại danh tiếng vì vụ này, gặp phải đòn giáng phá hủy nặng nề, nếu không phải cha và mẹ hỗ trợ lẫn nhau, cắn răng tiếp tục chống đỡ vì tương lai của nó thì gia đình nó suýt đi theo hướng đổ vỡ.

Người ký tên rất lạ, tôi ghi nhớ xong về tìm hiểu nghe ngóng, y như rằng không nằm ngoài dự đoán.

Trường số 1 quả là có không ít Ngọa Long Phượng Sồ bé, khu cấp ba có tôi, khu cấp hai lớp 16 có cậu ấm tập đoàn Hải Nghiệp.

Mười năm trước, đa phần những gì mà đứa trẻ nhớ được, biết được là do nó nhìn quen mắt, nghe quen tai năm này qua năm khác từ cha mẹ, thành ra dẫn đến chuyện đổi trắng thành đen, xuyên tạc đúng sai, bóp méo sự thật, dựa vào chúng ca ngợi cha mẹ mình. Tôi đoán đây là nguyên nhân Lý Trì Thư không muốn tính toán và truy cứu nó.

Nhưng Thẩm Bão Sơn là kẻ nhỏ mọn. không những nhỏ mọn mà còn có tiền, còn có thù tất báo.

Không biết sự thật cũng không sao, suy cho cùng vẫn phải có người đẩy ngã tháp ngà cha mẹ dựng cho nó để nó nhìn ra sự thật khốn khổ. Mười năm trước tháp ngà của Lý Trì Thư bị cha mẹ đạo đức giả của nó phá vỡ, thì hôm nay tôi thay mặt cha mẹ Lý Trì Thư thực hiện chức trách của họ.

Xung quanh sân bãi chỉ có camera dưới bảng thông báo, tôi dắt Lý Trì Thư qua đó, còn cách 10 mét thì em không chịu đi nữa. Hai bài văn nhỏ bé thế mà giống như gần thêm chút nào thì em sẽ bị những con chữ không nhiệt độ đó thiêu đốt chút ấy.

Đằng trước là khu vực trong tầm hoạt động của camera, tôi cũng không tính để em đi lại gần hơn.

“Đứng đây thôi.” Tôi nắm đôi vai em, “Lý Trì Thư, dù xảy ra chuyện gì cũng không được nhúc nhích. Em chỉ cần nhìn anh, nhìn Thẩm Bão Sơn là đủ.”

Tôi đi về phía bảng thông báo, trong khoảnh khắc quay người Lý Trì Thư vươn tay với lấy tôi, tôi không ngoảnh đầu, vỗ hai lần lên mu bàn tay em.

Không thể không khen ánh mắt của Lý Trì Thư rất tốt, mặc dù nhìn túi đeo vai này không có gì khác lạ, nhưng sức chứa đồ rất ổn. Bình thường không bàn đến có thể mang theo bữa sáng cho Lý Trì Thư, lúc quan trọng còn có thể đựng những dụng cụ khác. Ví dụ như băng dính, ví dụ như báo chí.

Hoặc ví dụ như cái đục.

Hai mặt vách chắn của bảng thông báo đều làm bằng kính, đề phòng bài văn và áp phích dán bên trong bị động chạm tùy tiện hư hại gì đó. Muốn mở mặt kính thì cần có chìa khóa riêng của nó.

Tôi đứng cách mặt kính chừng một cánh tay, móc cái đục từ trong túi, nhắm phần mũi nhọn ngay mặt kính, vung lên dốc hết sức lực đập mạnh xuống.

Tôi nghiêng người giơ tay kia che cho mình, nghe đằng sau vang lên tiếng loảng xoảng, vách chắn cao và rộng bằng nửa người bị đục thành từng mảnh trong tích tắc, sau âm thanh chói tai chúng rơi ào ào xuống đất như thác lũ.

Đập nát mặt kính xong, tôi giẫm lên mảnh vỡ, xé hai tờ giấy dán bên trên xuống thế chỗ bằng trang báo tôi đã cắt, cuối cùng dán băng dính lên.

Giải quyết xong xuôi, tôi quay người nhìn Lý Trì Thư.

Em đứng dưới bóng đèn mờ mờ, không di chuyển theo lời tôi, không gỡ khẩu trang và mũ cũng không lên tiếng. Đôi mắt tĩnh lặng, có lẽ là hoảng sợ hành động của tôi nên không chớp lấy một lần, cũng vì vậy mà khóe mắt ứa nước chảy xuống khẩu trang.

“Lý Trì Thư,” tôi đút tay vào túi quần, tay kia còn cầm cái đục, thong thả hỏi em, “Tai em có đỡ hơn chút nào không?”

Lý Trì Thư không trả lời.

Tôi lại quay về phía bảng thông báo, nắm phù hiệu của mình chĩa vào camera ở trên nóc bảng, chỉ vào phù hiệu nói với camera: “Lớp 21 khối 12, Thẩm Bão Sơn.”



Bảo vệ khu cấp hai nghe động tĩnh chạy đến rất nhanh.

Tôi và Lý Trì Thư đang trèo tường bỏ chạy.

Chú bảo vệ 40 tuổi phát hiện dấu vết của chúng tôi thì vòng ra sau mở khóa đuổi theo, tôi kéo Lý Trì Thư chạy như điên về trước không mục đích, không biết chạy bao xa, rốt cuộc tiếng hô quát của bảo vệ cũng xa dần.

Nhưng chúng tôi không ai dám ngừng lại sợ chạy chậm sẽ bị bắt, chạy một mạch ra bờ sông, gió sông thổi vù vù gào thét bên tai hong khô mồ hôi trán. Tiếng thở của Lý Trì Thư trong vô tình cũng hóa thành nghèn nghẹn.

Tôi dừng bước quay lại nhìn, Lý Trì Thư có vẻ không thể tiếp tục chạy, chống tay lên đầu gối khom người, cúi đầu, rõ ràng đang thở dốc nhưng tôi nhìn thấy từng giọt nước mắt rơi xuống chân em.

“Lý Trì Thư.”

Tôi xoa đầu Lý Trì Thư, kéo tay em ôm em vào lòng mình, xoa gáy xoa đầu tóc mềm mại của em, “Muốn khóc cứ khóc đi.”

Em chôn mặt trong áo tôi, cuối cùng chuyển từ nghẹn ngào thành nức nở, nắm áo tôi khóc rống: “Dựa vào đâu… Dựa vào đâu…”

Lý Trì Thư khóc không thành tiếng, nhưng miệng rất ngốc, ngay cả lên án cũng chỉ biết lặp đi lặp lại con chữ ít ỏi.

Dựa vào đâu người còn sống mà lại bị bôi nhọ quá khứ, dựa vào đâu bị lãng quên thì đáng đời bị xuyên tạc, dựa vào đâu cán cân công bằng cuối cùng chỉ nghiêng về người lớn lối.

Tôi chưa từng nhìn thấy Lý Trì Thư như thế này, dù là kiếp trước em cũng cực hiếm khi khóc rống trước mặt tôi chứ đừng nói là mất khống chế. Không phải vì em không đau lòng, mà vì khi đó em đã mất đi khả năng thể hiện cảm xúc bình thường. Suốt bao năm em nuốt ngược nước mắt, chung nán lại trong cơ thể chờ đợi chậm rãi tiêu hóa, em chưa từng ý thức được điều đó là không đúng, là bất thường, như thể đối với em, để mặc mọi cảm xúc tồi tệ nuốt chửng và làm hủ bại cơ thể mình mới là khả năng cần có ở trên thế giới tứ cố vô thân này.

Đến khi bên cạnh xuất hiện một Thẩm Bão Sơn có thể tiếp nhận mọi cảm xúc của em, em không còn học được cách chảy nước mắt từ thuở nào.

Lý Trì Thư khóc đến nỗi thậm chí không nói được một câu hoàn chỉnh, ngay cả thít thở cũng khó khăn hổn hển, giọng nói trẻ con mà cũng khàn khàn của em vang vọng dưới bầu trời đêm không bóng người, bị gió sông thổi tan đi, nếu tối nay tôi không có đây thì nỗi đau đớn khôn nguôi của em sẽ bị đày ải theo năm tháng không ngừng trôi đi, cũng giống như nỗi oan của cha mẹ em.

Tôi đã quên tối đó em khóc trong lòng tôi bao lâu, gió đêm thôi rì rào, lá cũng thôi rơi rụng, cơ thể dựa rạp vào ngực tôi cũng dần dần khôi phục hô hấp đều đều, qua một hồi lâu sau, có vẻ em đã sắp xếp lại cảm xúc, dần dần ngước mắt lên từ áo tôi.

“Ối ——” Tôi cố tình kéo dài giọng trêu em, lấy khăn vuông thím Trương thường hay bỏ vào trong túi quần khi xếp quần áo cho tôi ra lau mũi cho em, “Khóc chảy nước mũi luôn kìa ——”

Lý Trì Thư nín khóc, mỉm cười, cầm khăn của tôi tự lau, nói nhỏ: “… Cảm ơn anh.”

“Muốn cảm ơn thì phải sử dụng hành động thực tế.” Tôi khoác tay lên vai em, ôm em đi về khu cấp ba, lấy chai sữa ở trong túi chuẩn trước sẵn khi đi, lúc này nó còn hơi âm ấm, “Bây giờ chuyện em cần làm là trở về, uống hết chai sữa này, không nghĩ ngợi gì hết, ngủ đẫy một giấc, ngày mai dậy đợi bữa sáng của anh, nghĩ nên ôn tập thế nào cho kỳ thi thử.”



Ngày 23 tháng 11, mưa

Hôm nay lục chiếc áo bông ra mặc, hình như lại bị rách ở trong, kỳ nghỉ đông về nhà phải vá lại.



Ngày 23 tháng 11, mưa

Thẩm Bão Sơn, anh là sứ giả mẹ phái đến ư?