Người Cũ Đường Mới

Chương 22: Giả sử em ấy không bị bệnh



Cuối cùng tôi sống chết mặc bay chuyện kia, tất nhiên khi gọi điện giải thích cho mẹ vẫn khó tránh một trận trách mắng.

Lý Trì Thư tiến bộ hơn trước rất nhiều, đặc biệt là lúc tình cờ chạm mặt tôi trên hành lang thì cũng học được cách giơ tay chào nhau. Vào giờ tự học buổi tối em cũng nghe lời tôi không ngồi cả tối trong lớp học, thỉnh thoảng sẽ ra đón gió mát một lúc. Một lần, vào thứ bảy đang ăn thì em hỏi: “Thẩm Bão Sơn?”

“Ừ?”

Lý Trì Thư chầm chậm sắp xếp lại ngôn từ: “Sao lần nào tự học buổi tối em ra ngoài cũng thấy anh đứng ở ban công?”

“Vì anh đang chờ em chứ sao.” Tôi vừa bóc tôm vừa nói, “Em không cho phép trên đời này có người đặc biệt chờ đợi em sao?”

Lý Trì Thư không nói tiếp.

Về sau 5 phút ra chơi giữa giờ tự học buổi tối mỗi ngày, em cũng đi ra ngoài thoáng khí. Tôi và em cùng đứng trước ban công lớp mình nhìn ra sân tập phía xa hóng gió.

Sắp đến giờ ra chơi, tôi chơi bóng rổ xong thì đi rửa tay, lúc quay về đi ngang qua em không cầm lòng được quay người lại, khoác tay lên vai em: “Lý Trì Thư, tóc em hơi dài rồi nhỉ?”

Em sờ đầu mình, quay qua hỏi tôi: “Ừ… Dài hả?”

“Dài.” Tôi thừa dịp hất rối mái tóc Lý Trì Thư, nhìn em chậm rãi vuốt lại, hỏi, “Em có muốn anh cắt cho em không?”

“Anh biết cắt tóc?”

“Tất nhiên là biết.”

Lý Trì Thư rơi vào trầm tư: “Nhưng đi đâu cắt?”

Tôi cúi đầu tiến đến trước mặt em, cười hỏi: “Em không thử hàng trước sao?”

Lý Trì Thư ngẩn ra, cũng bật cười, cụp mắt xuống có vẻ đang lầu bầu: “Không sao… Cắt hư cũng không sao, tóc em mọc nhanh lắm.”

“Ừm.” Tôi bĩu môi ra chiều đồng ý với em, tiện tay vén tóc mái sắp dài qua lông mày của em lên, “Đúng là mọc rất nhanh.”

Đầu tóc nam sinh khác để một tháng mới cắt một lần, còn tóc của Lý Trì Thư thì cùng lắm là hai tuần, đôi khi thậm chí hơn một tuần đã cần tỉa lại.

Những ngày em ấy ở lì trong nhà không muốn ra ngoài, tôi kiêm rất nhiều nhân cách làm việc bán thời gian —— Đầu bếp, người giao đồ ăn, bác sĩ, thợ cắt tóc… Tất cả những lĩnh vực cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày, tôi gần như tìm hiểu hết. Lần nào tôi cũng lấy mình ra thử nghiệm trước, không mắc sai lầm nào mới dám bắt tay làm thử cho Lý Trì Thư.

Nhưng em ấy là người nghe lời nhất trên trần đời, những thứ tôi làm cho em, đưa cho em dù là tốt hay xấu thì lời khen luôn sẽ tuôn trào không ngớt từ miệng em. Trong mắt Lý Trì Thư, không có Thẩm Bão Sơn thì không thể nấu ăn, không thể chọn phim hay và không thể cắt tóc.

Tôi nhớ lần đầu trước khi cắt tóc cho em, tôi đã lén cắt hư cực nhiều bộ tóc giả có ích cho việc thử nghiệm, đến ngày giao hẹn ở nhà cắt tóc cho em, tôi tạm thời lấy mình ra luyện tiếp, bất cẩn cắt hai chỗ trụi lủi. Tưởng Trì nghe chuyện này xong cười khà khà suốt nửa tiếng: “Mày đã thấy thợ cắt tóc nào tự cắt cho mình chưa?”

Người chữa bệnh không tự chữa cho mình, kẻ độ người không tự độ cho mình. Tôi đứng soi gương hờn dỗi cả buổi, cuối cùng xoẹt xoẹt một phát biến mình thành đầu đinh.

Sau đó là tiết mục đội mũ len trong thời tiết hè tháng 7.

Lý Trì Thư ngồi ở phòng khách đợi tôi ra tay, ánh mắt lưu luyến trên chiếc mũ, ngập ngừng muốn nói lại thôi.

Tôi nghĩ là em đoán được đằng sau chiếc mũ ẩn giấu đầu tóc bị tôi làm hại và chút tự ái sĩ diện của tôi, cả quá trình em không đòi tôi tháo mũ xuống, buổi tôi tôi đưa ra ý muốn qua phòng ngủ phụ thì em cũng không vạch trần suy nghĩ của tôi.

Khuya hôm đó tôi nghe thấy tiếng cửa phòng mở, Lý Trì Thư đi chân trần vào phòng, lặng lẽ chui vào chăn ôm lấy tôi từ phía sau.

Tôi nhạy bén nhận ra hơi thở em, mở choàng mắt từ giấc mộng, trở mình chui vào lòng em.

Em hơi nhấc người dậy muốn ấn đèn ở đầu giường, tôi ôm ghì em cản lại.

“Không thích.” Tôi co người vùi đầu trước ngực em, “Đừng nhìn, không đẹp trai.”

“Đẹp.” Có vẻ Lý Trì Thư cười, rút tay ấn đèn về ôm lấy gáy tôi, “Chỉ là hơi chích vào tay.”

Tôi cũng cười.

Buổi tối như thế nhạt nhẽo đến nỗi khiến người ta khó mà tìm ra điểm đặc biệt đáng nhớ —— Giả sử Lý Trì Thư không bị bệnh.

Nếu em ấy không bị bệnh, lẽ ra tôi và em cũng chỉ là một đôi tình nhân bình thường nhất trong hàng ngàn hàng triệu đôi trên đời.

“Lý Trì Thư,” hôm nay Lý Trì Thư vẫn mặc đồng phục học sinh, nhét áo lung tung một góc phía đông một góc phía tây, tôi kéo khóa kéo lên cho em, hỏi, “Có kế hoạch gì cho kỳ nghỉ chưa?”

Bây giờ lớp 10 và lớp 11 không đi học, lớp 12 việc học căng thẳng, phòng Giáo vụ vẫn bố trí đi học đến chiều 28 tháng Chạp âm lịch mới nghỉ.

“Kỳ nghỉ?” Lý Trì Thư không chút nghĩ ngợi, “Chắc là về nhà. Trường học không cho phép ở lại trường.”

Lý Trì Thư từng nói khi còn đi học chuyện em ghét nhất là về nhà: Lạnh cóng, không có khí đốt tự nhiên, lúc tắm phải đun nước nóng đổ vào bồn.

“Nhà không có ai à?” Tôi hỏi.

Em lắc đầu: “Em gọi cho bên viện dưỡng lão, năm nay bà ngoại cũng không về.”

Tôi “À” một tiếng thật dài, hỏi ngược: “Sao hôm nay không mặc áo phao lông ngỗng?”

Lý Trì Thư đáp: “Em cởi ra giặt bên ngoài.”

“Áo đó không cần giặt thường xuyên.” Tôi sửa lại cho đúng, “Mặc qua mùa đông em cởi ra đưa anh đi giặt khô là được.”

“Giặt khô đắt lắm.” Lý Trì Thư nói, “Đến hơn 40 tệ.”

(*) 40 CNY ≈ 136.000 VNĐ

Tôi vê dái tai em: “Cũng được quá ta. Còn biết tiền giặt là bao nhiêu, em hỏi giá rồi mới tự giặt?”

Em không lên tiếng.

Tôi hỏi tiếp: “Áo len thì sao? Không phải còn đưa em một cái áo len sao? Sao em không mặc?”

Em nhìn tôi, cúi đầu cười, có lẽ là cảm thấy ngượng với điều mình sắp nói: “Em tính… để dành đến năm mới mới mặc.”