Người Giấy

Chương 9: Khu C



Đừng vội mà kiêu hãnh

Cô ấy hơn cô về mọi thứ!


*

**​

Ngô Song Kỳ bước đến gần chiếc bàn của cô hoa khôi Ban Mai, tiếng bước chân đã giảm bớt sự nặng nề của tiếng đế giày cao gót nhờ lớp thảm trải dưới sàn. Cô lớp trưởng kiêu kì cất giọng chua ngoa:

- Xem ra cô bạn của cậu đúng là chẳng biết điều.

Ban Mai nhíu mày, đứng dậy khỏi ghế, biện minh hộ bạn mình:

- Đây là do "Hoàng tử" chủ động tìm cậu ấy. Hạ Anh không có lỗi!

- Vậy sao? – Kỳ cười nhạt. – Sao cô ấy không biết đường mà tránh xa?

- Tại sao phải tránh? Hạ Anh đâu làm gì sai!

Cô lớp trưởng gằn giọng, đôi mắt chuốt mi tỉ mỉ hạ thấp:

- Cái sai của cô ấy chính là đã rù quến "hoàng tử"!

- Rù quến? – Mai cười khẩy. – Thật buồn cười, cậu nói thế không ngượng miệng sao Kỳ?

Mai khoanh tay trước ngực, bước sát gần Song Kỳ, kề sát vào tai cô bạn.

- Hay là.. Cậu đang ghen tị?

Đôi mắt cô lớp trưởng chớp nhẹ, có cái nhíu trán rất khẽ.

Thái Ngọc Ban Mai được thế, tiếp tục bồi thêm mấy câu, cô gái vuốt đuôi tóc xoăn nhẹ dài ngang eo của mình đùa nghịch, lại mở chất giọng xét nét, vừa là dọa dẫm:

- Cậu không sợ chị Uyển Nghi sao?

- Tại sao? – Ngô Song Kỳ tỏ thái độ vờ vịt.

Vòng môi cô bạn nghĩa khí Ban Mai nhếch lên thành nụ cười tinh quái.

- Vì-cậu-thích-Dương-Hiểu-Khiết.

Mặt cô lớp trưởng điệu đà đanh lại, gằn giọng:

- Cậu cả gan gọi cả tên họ của "Hoàng tử"!

Mai phì cười:

- Thì sao? Trông tôi sẽ sợ Lý Uyển Nghi à? Có hơi ngạo nghễ một tí, nhưng gia cảnh của tôi không cho phép tôi sợ cô ta!

Song Kỳ cười gằn, đôi mắt mang theo ánh nhìn phức tạp, thái độ đối với Ban Mai hiện giờ là vẻ mặt hả hê:

- Hừm. Đừng nghĩ cậu là cháu của Hiệu trưởng thì muốn tung hoành cỡ nào cũng được. Tớ nghe tin Hội đồng kỷ luật của Nhà trường đã quyết định họp bàn về việc hạ hạnh kiểm của cậu xuống một bậc vì cố ý gây thương tích với nam sinh Thế Danh ở khối 12. Uầy, chỉ cần hạnh kiểm của cậu tuột xuống loại khá thì.. Cuộc thi "Hoa khôi học đường" hằng năm giữa các trường thì xem ra cậu đã mất tư cách dự thi. Ứng cử viên sáng giá mà lại mất vé tham dự. Tiếc thật nhỉ!

Ban Mai lườm nhẹ, thay ngay vẻ khó chịu bằng nét mặt tự tin lấp liếm.

- Không sao! Năm nào cũng tổ chức thì năm tới tớ "phục thù" vẫn chưa muộn. Nhưng.. Tớ không tham dự được thì cậu cũng đừng mơ giành được quyền đại diện cho An Đằng tham dự được!

- Không phải tớ thì ai là người có đủ tư cách hơn?

Mai cười mỉm chi.

- Xét về năng lực và thành tích thì Châu Hạ Anh vượt xa cậu!

Gương mặt xinh đẹp của cô lớp trưởng tức giận mà nhăn lại, rít răng:

- Con nhỏ quê mùa đó đủ tư cách sao?

- Hạ Anh không quê mùa. Đó là giản dị. Cậu ấy không cần trét cả ký phấn lên mặt để có được khuôn mặt đẹp giả tạo như cậu!

- Ban Mai! – Kỳ nghiến răng, lớp móng tay chăm sóc kĩ lưỡng dài tắp bấu trong lòng bàn tay thành những vết sâu hoắm. – Mày đừng có mà bố láo!

Mai cười khẩy, giọng nói nhỏ vừa đủ hai người nghe:

- Hạ Anh sẽ là người đầy đủ tư cách nhất để đại diện An Đằng tham gia "Hoa khôi học đường", chứ-không-phải-mày-đâu!

- Phải được xét duyệt của Hội trưởng Hội học sinh, chị Lý Uyển Nghi cái đã! – Song Kỳ nháy mắt tự tin.

- Và cả lượt vote của học sinh toàn trường nữa! – Mai đắc ý cười.

Chiếc váy đồng phục được vén ngắn hơn kiểu dáng ban đầu gần phân nửa, khoe ra đôi chân thon dài của cô lớp trưởng, Song Kỳ rảo bước ra khỏi cửa lớp, mang theo vẻ thách thức.

- Để xem ai sẽ thắng!

Nói rồi cô thong thả đảo chân ra khỏi lớp. Phía sau, Ban Mai tựa lưng vào bàn, khoanh tay vào nhau, cười khẽ, lầm bầm:

- Cứ chờ xem!

***​

Sân sau của trường vào buổi sáng, nền đất còn ướt đẫm bởi cơn mưa đêm qua, tạo thành nhiều vũng nước nhỏ loang lổ khắp mặt sân trát xi măng xám. Phía xa, gần 100 mét, đám lau sậy mọc đầy một vùng, ngăn cách khu trường An Đằng với dãy C trường học bị bỏ hoang – khu "cấm địa" bất cứ học sinh nào dù có cho vàng cũng chẳng dám bén mảng tới. Trước mặt tôi là cả thảm bồ công anh hoang dại xanh rì, tươi mướt, trĩu nước mưa. Cả những ụ mây cũng chưa chắc trắng trong bằng những đóa bồ công anh bé nhỏ. Nắng vàng dịu, vẫn còn hơi se se.

Tự nhiên cậu bạn quái đản này lôi tôi ra đây làm gì đây? Phía sau trường là nơi vắng hoe, rất ít học sinh đến đây chơi vì nó là ranh giới giữa khu trường mới xây và dãy C tách biệt được rào bằng những mảnh tre nứa đan thành hàng rào chữ X, phủ cao bởi những bụi cỏ rậm rạp.

- Này Rùa, tự nhiên sao lôi tớ ra đây vậy? Có gì thì nói đi chứ!

Khiết đưa ngón tay che trước môi, suỵt:

- Bé cái miệng lại! Đừng để ai biết chúng ta ở đây chứ!

- Nhưng mà có chuyện gì?

Tôi mất kiên nhẫn rồi nha.

Khiết ngồi xuống mỏm đá to, chống cằm, ngó tôi bất lực:

- Không nhớ gì thật hả?

Tôi lắc đầu:

- Hông!

- Trời ạ! – Cậu ấy từ trên đá té phịch xuống đất, phẩy tay. – À thôi đi, mau mau phụ tớ!

- Làm cái quái gì ở đây? – Tôi cũng vén váy ngồi xổm cạnh Khiết.

Trước mặt là mỏm đá to gần bốn viên gạch xây nhà đang nằm chình ình, chỗ Khiết vừa ngồi, bị những tán hoa bồ công anh xung quanh che khuất đi, nhưng chỗ của nó nằm lại chẳng có khóm hoa nào mọc, làm thành một mảnh đất nhỏ trơ trụi giữa cánh đồng hoa trải dài tận khóm lau.

Dương Hiểu Khiết đẩy gọng kính lên cao, xắn tay áo, sốt sắng:

- Phụ tớ đào thứ dưới tảng đá này lên.

Tôi nhíu mày, khó hiểu nhưng vẫn làm theo. Chúng tôi dùng sức bẩy tảng đá to lên, nó nằm lật ra, lăn đi, đè lên một khóm hoa yếu ớt. Lớp đất nâu mềm sau cơn mưa ẩm ướt lộ ra, mùi đất hăng hắc, nhẵn bóng không một gợn cỏ. Hai đứa dùng những cành khô gãy vụn xung quanh để cào lớp đất mềm lên, đào sâu chừng 50cm xuống lòng đất.

Sắc đen của dị vật lộ dần, là một chiếc hộp nhựa hình chữ nhật màu đen đục bị đất cát phủ lên khắp bề ngoài. Hiểu Khiết bỏ cành cây xuống, trực tiếp lôi vật thể kì lạ đó ra, vừa làm, cậu vừa quệt đi dòng mồ hôi chảy xuống thái dương. Tôi vẫn nhìn trân, chưa hiểu ý định của cậu.

Cộp. Vật lạ được đưa hoàn toàn ra khỏi mặt đất, Khiết dùng tay phủi đi lớp đất nâu phủ bên lớp vỏ ngoài, xong rồi phủi tay, nheo mắt cười rồi nhanh chóng mở nắp hộp. Bên trong đó có hai ống tròn, màu đen, thon dài, còn rất sạch sẽ.

- May quá! Nó vẫn còn đây!

Tôi nheo mắt, ngắm nghía, rồi búng tay.

A! Đó là cái ống nhựa đen, hay dùng để cuộn các giấy tờ, bản vẽ chuyên dụng, hình như là tôi nhớ Khiết có một cái. Mà lâu rồi chả thấy cậu dùng nó nữa.

Tôi nâng một cái ống lên, tìm ngay cuối đuôi ống, hàng tên viết bằng bút xóa đã xỉn màu: "Dương Hiểu Khiết" – tuồng chữ này chính xác là do tôi ghi chứ ai. Chẳng qua là tôi và cậu có dùng hai ống y chang nhau nên đã viết tên lên ống để phân biệt.

Khiết nháy mắt, cười thỏa mãn:

- Nhớ nó không?

- Quen quen! – Tôi lẩm bẩm.

Cậu bạn kính cận đưa đôi mắt tinh quái quét qua tôi rồi đưa tay bẩy nhẹ nắp hộp. Bên trong, một tập giấy A1 được quấn kín, đã qua xử lý chống mốc, chống ẩm có màu ngả vàng nhạt bị cuộn tròn. Cậu mở cuộn giấy ra, đưa tôi, bản vẽ khá to, hai đứa tôi phải trải rộng ra mới xem được.

Đôi mắt tôi còn ngơ ngáo, ngờ ngợ rồi dần trợn tròn, mở to mắt, sửng sốt:

- Bản vẽ hoàn công chi tiết khu phức hợp nhà C – "dãy lớp học ma"?

Vệt nắng chạy dài trên khắp khu đất hoang, tô vàng những đóa bồ công anh bé nhỏ. Gió rung rinh làm những cánh hoa mỏng manh chao đảo bay lên không trung, đôi chút bay lướt qua mặt tôi một cảm giác nhồn nhột.

Dương Hiểu Khiết xếp dần những bản vẽ ra một cách cẩn trọng, đôi mắt bí hiểm nheo nheo.

Khu C – hoang tàn và nguy hiểm.

Khu C – mang những tin đồn bí ẩn và rùng rợn.

Khu C – được nhà trường bảo vệ khắt khe và ban những lệnh cấm kì quặc.

Khu C – có đi không có về.

Khu C.. từng có người chết!

Khu C – tốt nhất đừng nên chạm chân tới!

Tôi nuốt nước bọt cái ực. Trong đầu lởn vởn điệp khúc "Khu C" mà dân tình đồn đại. Đến đó tương đương là chui đầu vào chỗ chết. Khiết, cậu ấy giấu bản vẽ kiến trúc khu C để làm gì?

Tôi chống cằm, nhớ lan man. Khiết khều vai tôi, hỏi:

- Nhớ ra gì chưa?

Tôi thiểu não, gật nhẹ đầu.

- Nhớ.

Chuyện của năm trước đó, khi đội ngũ của Hội Mỹ thuật đã lần lượt tốt nghiệp và đi du học, Khiết và tôi đã được bầu làm Hội trưởng và Hội phó mới. Lúc đó chân ướt chân ráo bước vào trường, hai đứa còn nai lắm. Chúng tôi hay nghe mấy anh chị lớp trên dặn dò và kể những tin đồn về khu C – khu-vực-tuyệt-đối-không-được-đặt-chân-tới ở An Đằng. Đó là một nỗi tò mò rất lớn đối với những học sinh mới vào trường. Nhưng mà cũng chẳng có ai đủ gan để khám phá sự thật ở khu C, vì nếu bị phát hiện thì chỉ có đường bị đuổi khỏi trường thôi.

Hội mỹ thuật đã từng có một dự án vẽ tổng hợp toàn bộ kiến trúc trường An Đằng kéo dài suốt nhiều năm. Ban đầu, dự án muốn họa lại tổng thể khu trường An Đằng - ngôi trường lớn nhất của thành phố với kiến trúc và trang thiết bị vô cùng hiện đại. Dự án bắt đầu từ khu A, B và khu C - khu tích hợp đa năng với cơ sở vật chất khang trang nhất. Để nắm chắc chắn tỉ lệ thiết kế, Hội mỹ thuật được đặc quyền tiếp cận các bản vẽ hoàn công các khối nhà để làm tư liệu. Đối với các khối nhà khác là bản photocopy, riêng bộ bản vẽ hoàn công khu nhà C chẳng hiểu sao Hội mỹ thuật có hẳn bản gốc mộc đỏ đàng hoàng.

Tôi kéo cuộn tranh phác họa còn lại trong ống, đây là phần vẽ khu nhà C kèm theo bên trong ống, mở ra xem. Trong tranh hiện lên cảnh quan của khu thực hành đa chức năng nhà C. Nổi bật nhất là phòng thực hành Hóa học với sự đầu tư kĩ lưỡng về thiết bị giảng dạy, đầy đủ rất nhiều chất hóa học chuyên dụng. Khu lớp này có cả một tầng hầm để dạy thể dục, hồ bơi, sân thi đấu thể thao ngầm dưới lòng đất. Khu C từng là niềm tự hào của An Đằng, nếu như.. không có thảm họa đó xảy ra.

Sau khi sự cố hóa chất ở khu C chấn động cả thành phố vào năm năm trước, tức là lúc tôi chưa vào trường, khu đa chức năng khang trang ấy đã chính thức bị nhà trường phong tỏa, lúc đó Hiệu trưởng tiền nhiệm vẫn còn. Sau này, ông của Ban Mai về trường đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng thay cho thầy Quý, người đã qua đời vì một cơn đột quỵ khi thầy đang trong giai đoạn bị điều tra sau sự cố. Sau khi thầy Thái Đình Trọng tiếp quản trường đã phải mất rất nhiều công sức ổn định và khắc phục hậu quả của trường, làm lại toàn bộ quy trình và hệ thống ứng phó sự cố, tới thời điểm hiện tại, nỗi đau về C mới dần nguôi ngoai.

Năm trước, người kế nhiệm chiếc ghế Hội trưởng Hội mỹ thuật, tức Dương Hiểu Khiết đã được bàn giao bộ tranh dự án lại từ tay Hội trưởng tiền nhiệm Sơn Ca, cuộc họp đó có cả ông của Mai. Lúc đó, tôi là Hội phó mới lên nên cũng được tham gia lần họp ấy, hai chúng tôi đã cùng kiểm kê hồ sơ được bàn giao thì phát hiện có cả cuộn bản vẽ hoàn công nhà C trong đống hồ sơ. Chị Sơn Ca nói là lúc bộ bản vẽ này đường cựu Hội trưởng Hội mỹ thuật Lý Uyển Đình mượn cũng không hiểu sao lại được mượn hẳn bản gốc, từ đó tới nay vẫn nguyên vẹn trong tệp này, Hội trưởng đời sau cứ giữ nguyên hiện trạng rồi lưu tiếp.

Lúc đó, hai đứa tôi đã đồng ý lưu trữ bộ tranh dự án còn dang dở, nhưng không chịu nhận bàn giao bộ bản vẽ hoàn công nhà C bởi vốn dĩ các bản vẽ bản gốc quan trọng thế này nên được phòng Hành chính quản trị của trường lưu giữ mới phù hợp. Nhưng thầy Hiệu trưởng đã nói cho chúng tôi biết một thông tin: Bộ hoàn công trên là một bản vẽ sai tỉ lệ, vốn dĩ đã được thay thế bởi một bộ bản vẽ khác để hoàn thiện báo cáo hoàn công. Hiện Phòng Hành chính quản trị đã có đủ bản vẽ, nên bộ bản vẽ lỗi này không cần thiết, hãy xử lý theo quy trình tiêu huỷ hồ sơ. Lúc đó, chẳng hiểu sao Khiết ngẫm nghĩ gì đó rồi quay ra đổi thái độ, nhận bộ bản vẽ, kiểm tra lại rồi báo làm đề xuất tiêu huỷ sau.

Từ phòng Hiệu trưởng trở về, Khiết bỗng nhiên rất trầm mặc. Vài ngày sau, Khiết báo cáo đã thống kê xong hồ sơ đề nghị tiêu huỷ, bao gồm bộ bản vẽ hoàn công bị lỗi này. Tôi cứ ngỡ nó đã được đưa vào máy cắt giấy từ một năm trước rồi, ai ngờ cậu ấy còn giấu ở đây!

Hơn 7 giờ 30 phút sáng, nắng tốt, mây trắng ú mềm phiêu dạt khắp vòm trời bát ngát. Sân sau của trường, hai học sinh ăn gan trời lén lút ôm tập bản vẽ chưa tiêu huỷ, giấu suốt một năm ra, xì xầm.

Khiết lay vai tôi:

- Ây, Sâu lười, làm gì mà đơ ra vậy?

Tôi đáp:

- Đang thẫn thờ, ngơ ngẩn, chầm chậm phiêu dạt về một miền ký ức xa xôi..

- Trời! – Khiết cuộn bản vẽ lại, ngó tôi trân trân. – Hạ Anh nhà mình tính "di cư" qua lớp chuyên Văn à?

Tôi nhăn mặt, giật lấy bản vẽ từ tay Khiết, hỏi:

- Mắc cái mớ gì năm rồi không huỷ rồi đem giấu ở đây. Giờ lại phải đào lên? Giờ cậu đem đi đốt hả?

Con Rùa kính cận ấy nghiến răng, gõ đầu tôi cái cốc:

- Ngốc ơi là ngốc! Giấu suốt cả năm cho đã rồi đem đi đốt hả? Rảnh vừa thôi má!

Tôi dẩu môi, xoa cái trán khốn khổ của mình.

- Chứ giờ cậu moi nó lên làm gì? Thầy mà biết là cạo đầu khô cả hai đứa đó!

Khiết thè lưỡi, hất mặt:

- Xuỳ! Tớ cóc sợ! – Rồi cậu lấy bản vẽ, mở ra tấm số 5: Phòng thực hành Hóa học, nói tiếp. – Hạ Anh, tớ trằn trọc mãi.

- Điều gì?

Khiết trải phẳng bức họa trắng đen về phòng thí nghiệm thực hành Hóa học, nơi bắt đầu của những thảm họa cho khu C, lý do khiến khu vực này bị phong tỏa suốt năm năm nay.

- Hạ Anh, nhìn xem!

Theo hướng tay của Khiết, tôi quan sát bức vẽ, màu giấy ngả vàng, lem nhem, nét vẽ sắc, trau chuốt. Đây là bức vẽ do chính chị Uyển Đình – Hội trưởng Hội mỹ thuật vào năm năm trước đã vẽ nên. Sau tai nạn ở khu C, chị đã từ chức, giao bản vẽ lại cho Hội phó giữ. Niên khóa tiếp sau, bản vẽ giao lại cho Hội trưởng đời sau, cho tới chị Sơn Ca, rồi Hiểu Khiết. Điều đáng nói, chủ nhân bức vẽ này đã tự sát tại khu C, do treo cổ sau khi sự cố phòng thực hành thí nghiệm Hóa học xảy ra được một năm.

Lần đó, lần đầu tiên nhà trường cho người mở cổng khu C để tiến hành điều tra, khi phát hiện ra chị Lý Uyển Đình đã chết được ba ngày. Những người vào điều tra phải mặc quần áo bảo hộ an toàn để tránh ảnh hưởng độc hại của hóa chất đã lan tỏa khắp cả khu C. Từ đó trở đi, khu C luôn bị đồn là có ma. Hồn ma của chị Uyển Đình luôn lởn vởn ở đó, những học sinh đột nhập vào đó thì không hồn bay phách lạc trở ra cũng mất tích không rõ lý do. Thật đáng sợ!

Như Hiểu Khiết, tôi đã phát hiện được vấn đề, nói:

- Tỉ lệ giữa cửa ra vào không cân xứng với diện tích phòng.

Khiết búng tay cái tách rồi nhanh chóng lật bản vẽ hoàn công ra để đối chiếu:

- Chính xác! Tớ nghĩ mãi mới để ý đến điều này. Giờ moi nó lên coi lại, đúng y boong!

Tôi nghiêng đầu:

- Do vẽ theo bản vẽ sai tỉ lệ?

- Không! Xem đây. – Khiết lật bản vẽ số 8: Phòng thực hành Tin học. – Cùng một tác giả vẽ nên tớ cảm thấy "chị ý" quan sát rất cẩn thận tỉ lệ của quang cảnh. Chắc chắn lúc vẽ đã kết hợp cả quan sát thực tế lẫn đối chiếu trên bản vẽ hoàn công. Tớ chắc rằng đây không phải vẽ sai mà là có thể thiết kế thật đã bị lỗi ngay từ đầu.

- Vậy tức là.. Giả thuyết đặt ra là chính kiến trúc sư đã tính toán cửa ra vào không chính xác khiến căn phòng ấy chỉ có một cửa ra vào, thậm chí nó quá hẹp để 100 người thoát khỏi căn phòng khi vụ tai nạn xảy ra. Bản vẽ hoàn công này thể hiện đúng hiện trạng, bộ tranh vẽ cũng vẽ chính xác tỉ lệ này. Bản vẽ hoàn công này rất có thể là bộ bản vẽ không hề bị sai! - Tôi vân vê cằm của mình, phỏng đoán.

Hiểu Khiết gật đầu:

- Đúng vậy! Với diện tích phòng có khả năng chứa tới 100 học sinh thế này mà chỉ bố trí một cửa ra vào với khoảng cách chật hẹp như thế thì khi có sự cố sẽ không tài nào thoát ra kịp.

Tôi đã nắm được trọng tâm vấn đề mà Khiết muốn nói tới. Cậu ấy tiếp lời:

- Theo quy định thì vẫn phải cần hoàn công để làm giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản trên đất của nhà trường. Vậy nên, đã có một bộ bản vẽ khác thay cho bộ này để làm báo cáo hoàn công, nhưng sự cố hóa chất nhà C rất có thể đã khiến cho đoàn thẩm định không nghiệm thu nhà C theo thực tế mà chỉ xem qua bản vẽ. Có vẻ như tớ phát hiện được một chuyện không hay ho của trường rồi đây! Có lẽ.. thầy biết điều đó, nhưng đã nhắm mắt cho qua?

- Nhưng mà chúng ta đâu có tận mắt nhìn thấy kiến trúc để xác minh đâu. - Tôi nói. - Mà cho tiền tớ cũng chẳng dám vào đó.

Năm năm trước, tại phòng thí nghiệm Hóa học của trường đã xảy ra một tai nạn cùng đau lòng dẫn đến bi kịch phải đóng cửa toàn bộ khu C. Nghe nói đã có hai lọ Brom lớn đã bị rơi vỡ từ trong kho chứa hóa chất ngay trong phòng thí nghiệm. Lúc đó là giờ học thực hành của lớp học 11A. Khi lọ Brom vỡ xuống sàn gây nên một đám khói màu cam chết chóc, học sinh hoảng loạn xô đẩy nhau chạy ra khỏi phòng. Vì cửa quá hẹp nên họ xô ngã mọi vật ngáng đường để thoát thân và làm đổ cả tủ đựng các hóa chất nguy hiểm khác nữa. Hình như là đi tong cả chai Clo, một số axit mạnh.. không hiểu sao mà để chúng đổ hết ra được nữa. Kéo theo đó, một đám cháy lớn ở phòng thí nghiệm lan ra, lúc đó, khu C lại không kích hoạt được hệ thống chữa cháy tự động, đội cứu hộ của khu vực phải mấy nhiều thời gian mới dập tắt được, vụ việc này gây chấn động báo chí một thời. Lúc đó, có khá nhiều học sinh bị thương nặng trong tai nạn, bốn học sinh tử vong tại bệnh viện, một số ít vượt qua được tình trạng nguy kịch, gồm có chị Uyển Đình, nhưng gương mặt bị hủy hoại nghiêm trọng, phải điều trị ở nước ngoài một thời gian. Một năm sau đó, nghe đồn "chị ấy" mất tích, cuối cùng lại tìm thấy chị trong bộ dạng treo cổ tại ngay trong khu C. Quả thực quá đau lòng!

- Thôi nào, qua năm năm rồi, việc quan trắc môi trường định kỳ đã khẳng định các chỉ số không khí đã đảm bảo trong giới hạn cho phép, năm sau thôi, cha tớ sẽ đầu tư cải tạo khu C.

- Nhưng mà.. trong đó từng có người tự tử đó! - Tôi nói rất khẽ, nói xong cánh tay vẫn nổi một lớp da gà.

- Ai biết được chỗ tụi mình đang đứng mấy chục năm trước là nghĩa trang cũng nên. - Khiết khịt mũi, khinh thường bộ dạng nhát cáy của tôi.

Tôi xua xua tay:

- Thôi đủ rồi nha! Trước mặt là khu C đó ông! Tớ sợ lắm!

Hiểu Khiết bật cười hô hố:

- Hạ Anh nhát gan quá vậy hả? Tớ còn định rủ cậu.. Đột nhập khu C.

Tôi trợn mắt, lắp bắp:

- Đ.. ộ.. t n.. h.. ậ.. p? Cái gì chứ?

- Tớ muốn biết những học sinh vào đó rồi không trở ra là lý do gì.

Tôi sờ trán Khiết, nhíu mày:

- Khiết ơi Khiết! Cậu bị ấm đầu hả?

Tên con trai trước mặt tôi bình thản hếch mũi:

- Không sao đâu mà! – Kề gần mặt tôi. – Đi hôn?

- Không! – Tôi nói như tạt nguyên gáo nước lạnh vào mặt cậu bạn.

Khiết mè nheo:

- Đi mà Hạ Anh! Đi với tớ đi mà! Đi một mình.. cũng hơi ớn!

Tôi gắt:

- TỚ-SẼ.. KHÔNG BAO GIỜ TỚI CHỖ QUÁI QUỶ ĐÓ!

- Đi mà!

- Không!

- Đi đi! Năn nỉ đó!

- Chết cũng không đi!

Khiết dẩu môi, bực bội, vùng vằng xếp bản vẽ vào ống đen, hất hàm nhìn tôi.

- Đáng ghét! Cậu nhớ mặt cậu đấy Châu Hạ Anh! Tớ giận cậu luôn!

Thế rồi tên con trai đó một tay cầm một ống đựng bản vẽ, cái ống còn lại thì cặp vào nách, giận dỗi bỏ đi về lớp với vẻ ức chế vô cùng trẻ con.

Tôi không thèm cản, cứ để con Rùa đó đi cho rảnh việc. Rảnh rỗi sinh nông nổi à? Tôi còn yêu đời lắm Khiết ơi!

Giờ một mình giữa cánh đồng hoa, gió luồn qua gáy lạnh cả sống lưng. Phía xa, khu C lấp ló sau mấy rặng lau sậy cao cao. Gió hiu hiu làm đám cỏ cây rung rung nhè nhẹ. Tôi co người, rúm ró:

- Tía má ơi! Sao mà thấy lạnh sống lưng vầy nè? Dương Hiểu Khiết chết tiệt, cậu lôi tôi ra đây cho đã rồi bỏ tôi một mình ư? Đáng chết thật! Ghê quá à!

Không dám nán lại lâu, tôi xoa làn da sởn ốc của mình, nuốt nước bọt, chạy bán sống bán chết về lớp.

Ta thề có chết cũng không tới khu C đâu!