Người Nối Nghiệp Chân Chính

Chương 154



NGƯỜI NỐI NGHIỆP CHÂN CHÍNH (P154)

Tác giả: Hà Phong Xuy

Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang

Thôi Minh Trí vội thay đổi thần sắc, lo âu nói: “Gần đây ở xã Liên Hoa nảy sinh một vấn đề mới. Homestay nhà nghỉ khách sạn ở thôn Thanh Liên, Liên Xã, Bảo Liên thu phí lung tung lắm ạ. Một phòng đơn bình thường mà bảy tám trăm một đêm, giá đồ ăn cũng quá đáng: một đĩa khoai tây xào thịt xắt sợi 68 tệ, một niêu gà ta hầm 199 tệ, hoa quả hái ở của người địa phương đắt gấp mấy lần hàng bán ở siêu thị, thậm chí một chai nước tinh khiết giá nhập có 2 tệ cũng bán được đến 25 tệ. Đây còn không phải chuyện cá biệt của vài quán hàng lẻ tẻ, mấy thôn hầu như vậy cả, là dân kinh doanh địa phương bảo nhau cùng làm.”

Dự án Hoa Quả Lĩnh tiến triển đến giai đoạn giữa, các điểm du lịch đã ra dáng ra hình. Ba thôn kia ở gần các khu tham quan chính như công viên giải trí Hoa Quả, biển hoa mười dặm, phố nhỏ Hoa Quả, đỉnh Thúy Tú, hồ Thất Thải…, số lượng homestay và khách sạn nhà nghỉ cũng mở nhiều nhất.

Dự án Hoa Quả Lĩnh của Quan Vũ bao gồm các dự án khách sạn và dịch vụ ăn uống. Vì cân nhắc tới thỏa thuận xóa đói giảm nghèo với chính quyền, dự án định vị theo phân khúc cao cấp và để lại phân khúc bình dân cho người địa phương phát triển. Cùng danh tiếng dần tăng của Hoa Quả Lĩnh, lượng du khách đã tăng gấp đôi trong vài tháng qua. Ngày nghỉ ngày lễ, số lượng người thường vượt quá mức tiếp nhận của cơ sở lưu trú địa phương, phải đặt trước mới có phòng.

Nguồn cung phòng khách sạn không đáp ứng đủ nhu cầu kích thích lòng tham của người làm ăn, họ không ngừng tăng giá phòng. Căn homestay nhà nông đơn sơ nghiễm nhiên sánh vai với khách sạn 5 sao của Quan Vũ, hơn nữa đã nhanh chóng lây lan từ mấy trường hợp đơn lẻ ra cả tập thể, hình thành hiện tượng tranh giành hỗn loạn.

Trên mạng đã có rất nhiều du khách kêu gào bị lừa, bảo “Hoa Quả Lĩnh non xanh nước biếc hoa xinh, đáng tiếc dân địa phương vừa xấu bụng vừa dữ tợn, chặt chém người ta ác liệt. Đến một lần là không dám quay lại.”

Khu du lịch vừa mới phát triển còn chưa gây được tiếng vang rộng khắp đã bùng nổ tin tức tiêu cực kiểu này, chắc hẳn sẽ làm sụt giảm lượng khách. Tuy cục Quản lý Vật giá đã cử người đến chấn chỉnh nhưng không mấy hiệu quả, cán bộ vừa đi khỏi, chủ quán đã không bỏ lỡ cơ hội chém tiếp. Chính quyền xã Liên Hoa từng thấy không ít vết xe đổ ở nơi khác, bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc này, hy vọng Bất động sản Quan Vũ có thể giúp đỡ đề ra biện pháp đối phó.

Trong khi báo cáo, Thôi Minh Trí thấy sắc mặt sếp giống trà Ô Long ngâm nước, càng lúc càng tối sầm. Đột nhiên cô vứt toẹt chiếc bật lửa trong tay, đứng dậy bước nhanh đến bên cửa sổ, đôi vai gấp gáp nhấp nhô như túi khí sắp nổ tung.

Hắn biết cô tôn thờ chủ nghĩa tinh hoa, mang lòng kỳ thị với một số người nghèo, lại thêm chuyện hơn một năm nay làm dự án ở xã Liên Hoa trải qua bao nhiêu việc rồ người, bị điêu dân bản xứ thay phiên nhau hành tỏi, có sinh ra thành kiến cũng hợp tình lý.

Đừng nói cô ấy, ngay cả đứa nhà quê như mình gặp bọn ngu si đó cũng phát rồ. Mất bao công như thế để hướng dẫn chúng nó làm giàu, đã chả phối hợp tích cực thì chớ, còn ra sức bày các trò mất dạy làm hỏng cả việc. Toàn conmeno là mõ trong am ni cô, chết cái số bị đánh.

“Anh bảo những người trên rừng ấy tại sao vẫn luôn sa vào cảnh khốn cùng?”

Câu hỏi của sếp giống viên đạn giảm thanh, tiếng động không lớn, sát khí mười phần.

Thôi Minh Trí đem hết lòng thành ra đỡ lời, nã pháo vào đám hamlon hết thuốc chữa: “Họ nghèo mãi rồi nên sợ, thiếu hiểu biết thiếu suy nghĩ, tầm nhìn hạn hẹp, không hiểu rằng phát triển có thể bền vững, vừa thấy cơ hội kiếm tiền đã cố ngoạm miếng to ước sao no đến chết. Họ không biết cái tiếng làm bậy khiến khách sợ chạy mất, thị trường sẽ cạn kiệt, cuối cùng nghèo lại hoàn nghèo.”

Rất nhiều khu tham quan du lịch ở nông thôn từ chỗ sầm uất nhộn nhịp đến hoang vắng thưa người đều thua vì sự thiển cận của người dân địa phương, khai thác tài nguyên bóp nặn khách khứa vô tội vạ, kết quả là tự hất đổ nồi cơm, rơi vào cảnh miệng ăn núi lở.

Soái Ninh từ lâu đã biết tay trợ lý còm chung lập trường với mình, cô đặt câu hỏi cũng không vì hỏi han ý kiến.

Cô nhớ tới cuộc tranh luận với Lư Bình ngày ấy. Quan điểm của họ về “cùng nhau thịnh vượng” hoàn toàn khác biệt. Sở dĩ cô cho rằng đó chỉ là khẩu hiệu hô suông vì cô nhận định tư tưởng lạc hậu của những người nghèo nào đó kia không thể cải tạo được, còn Lư Bình lại tin chắc có thể cứu vãn nhờ giáo dục và chính sách.

Giờ đây, trường hợp thực tế xuất hiện, cô suy tính sẽ thử dùng cách giải quyết của anh, để xem quan điểm của ai mới là chân lý. Cô xoay người trở lại bàn làm việc, mở hộp đựng danh thiếp rút ra mấy tấm đưa cho Thôi Minh Trí.

“Mấy người này đều đang làm việc trong ngành khách sạn và ăn uống ở Thượng Hải, kinh nghiệm phong phú có năng lực thực chất, phải cái không khéo mồm, không biết thể hiện bản thân nên vị thế không được như chí hướng. Anh lấy danh nghĩa tôi gọi họ đến họp ngay, cứ bảo tôi muốn mở một chuỗi khách sạn giá rẻ ở xã Liên Hoa, số lượng dự kiến là ba cái, mỗi cái 70 phòng, kèm thêm nhà hàng, có thể đón tiếp 200 người một lúc. Phương châm kinh doanh chủ đạo là sạch sẽ, tiện lợi, phải chăng. Bảo họ lập phương án kế hoạch cụ thể càng nhanh càng tốt, sau đó đi trình bày với chính quyền xã. Dự án này tôi đầu tư riêng, mục tiêu lợi nhuận hàng năm là 15%. Còn nữa, đẩy nhanh tốc độ kêu gọi đầu tư, tranh thủ đưa ra mấy chuỗi homestay bình dân trong nước trước Tết.”

Ở thành phố lớn, tỷ suất lợi nhuận của các khách sạn bình dân thường là 10-15%, nhưng ở khu danh lam thắng cảnh mới nổi với nguồn tài nguyên du lịch dồi dào quanh năm như Hoa Quả Lĩnh, mục tiêu doanh thu đặt ra thế là thấp, tương đương làm từ thiện. Thôi Minh Trí thấy sếp chiến về giá cả với đám làm ăn trục lợi, bảo vệ được thị trường vừa khó nhọc khai phá, thả con săn sắt bắt con cá sộp, còn xứng với hai chữ “Minh Trí” hơn cả hắn.

Soái Ninh lên mạng xem xét. Không chỉ có khách lẻ phàn nàn về việc chặt chém của các cơ sở lưu trú ở Hoa Quả Lĩnh, nhiều đơn vị truyền thông chính thống cũng đã tiến hành điều tra đưa tin. Danh dự của khu du lịch đang bị tổn hại, cô cần phải công khai bày tỏ quyết tâm thiết lập lại trật tự. Cô đăng nhập Weibo share tin liên quan đầu tiên, lên tiếng bằng giọng người ngoài ngay thẳng.

“Chủ chỗ này cảm thấy bản thân ngầu lắm phải không? Phòng deluxe view núi của khách sạn suối nước nóng Quan Vũ chúng tôi mới chỉ 1200 tệ/đêm. Cái phòng rách 18m2 của các người, quay người một cái đã chạm vào tường WC mà dám thu hẳn 1300 tệ/đêm. Sao các người không lên trời luôn đi?”

Sau khi thu hút được sự chú ý của quần chúng, cô lại đăng một bài Weibo khác.

“Khách sạn suối nước nóng Hoa Quả Lĩnh của Quan Vũ từ tháng 9 khai trương tới nay tỷ lệ kín phòng rất cao, trong kỳ nghỉ Quốc khánh (đầu tháng 10) ngày nào cũng full khách, chứng tỏ khách hàng rất ưa chuộng thương hiệu chúng tôi. Khu du lịch vừa mới phát triển, các phương diện ăn ở lưu trú cung chưa đủ cầu, một số cơ sở lưu trú lợi dụng điều này để nâng giá, chặt chém khách, tôi đã tìm hiểu đại khái về tình trạng ấy. Hoa Quả Lĩnh hồi trước rất nghèo, những người mở homestay trong thôn toàn là những nông dân già nơi khe suối, đừng hy vọng phẩm chất cao đẹp gì ở họ. Ba tôi cũng sinh ra trong nhà làm nông, xét kỹ ra tôi cũng là con gái của nông dân. Tại sao tuyệt đại đa số nông dân không thể phát tài to như nhà chúng tôi? Sự khác biệt nằm ở quan niệm. Trong bất kỳ thời điểm nào, hạng người hạn hẹp tầm nhìn đều sẽ không khá lên được. Tôi chuẩn bị tới đây sẽ mở một chuỗi khách sạn phổ thông, đồng thời sẽ ra sức giới thiệu các chuỗi nhà trọ tiết kiệm khác, dùng tiền tốt loại bỏ tiền xấu, sáng tạo tài nguyên lưu trú thoải mái với giá cả phải chăng cho du khách, tranh thủ đầu năm sau đi vào hoạt động. Các bạn thích du lịch muốn đến Hoa Quả Lĩnh có thể chờ đến khi chúng tôi khai trương hãy đi. Cuối cùng, một lần nữa xin gửi lời khuyên đến các ông bà chủ nhất quyết muốn làm ăn chặt chém: chúng tôi hảo tâm chia cho các người một miếng bánh lớn mà các người lại không quý trọng, sau này đến vụn bánh cũng chẳng ăn đến!”

Cư dân mạng có người khen cô làm việc này đúng đắn, có người phàn nàn về hiện tượng chặt chém bừa bãi ở các khu du lịch khác, cũng có kẻ chế nhạo cô tự xưng “con gái nông dân” là muốn tẩy trắng, chuyển sang đường lối “chính trị phải đạo” (political correctness), tóm lại là gia tăng dư luận chú ý đến chuyện chặt chém khách ở Hoa Quả Lĩnh.

Hôm sau, mấy chuyên mục trên đài truyền hình thành phố Đông Hưng đều đưa tin và thảo luận về việc này. Các quan chức sở Công thương, cục Vật giá cũng nhận lời phỏng vấn có liên quan.

Mười ngày sau, Điểm Liên lạc Điều giải Tranh chấp Giá cả đầu tiên trực thuộc chính quyền tỉnh được thành lập tại khu du lịch Hoa Quả Lĩnh. Cục trưởng Cục Vật giá thành phố Đông Hưng, phó chủ tịch huyện Thước Châu đích thân tới Trung tâm Phục vụ Du khách của khu du lịch cắt băng khánh thành cơ quan nói trên. Soái Ninh đại diện cho Bất động sản Quan Vũ tham dự lễ khánh thành với tư cách khách mời.

Điểm Liên lạc thành lập để giữ gìn quyền lợi hợp pháp của người kinh doanh và người tiêu dùng trong khu du lịch, điều chỉnh trật tự và hành vi giá cả của thị trường du lịch, qua đó đảm bảo nâng cao năng lực phục vụ của địa phương. Mỗi phóng viên đưa tin về việc này sau khi ca tụng công đức của lãnh đạo thì không quên thêm một câu vào bản thảo: “Người đã tích cực hỗ trợ xây dựng dự án thí điểm này chính là CEO của Bất động sản Quan Vũ, cô Soái Ninh.”

(Hết phần 154, xin mời đón đọc phần 155. Nếu muốn đọc các phần trước, xin mời click vào dòng chữ Album Tiểu thuyết “Người nối nghiệp chân chính” phía trên!)

Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang (FB/VerandadeJulia)