Người Nối Nghiệp Chân Chính

Chương 84



NGƯỜI NỐI NGHIỆP CHÂN CHÍNH (P84)

Tác giả: Hà Phong Xuy

Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang

Sáu tiếng sau, Soái Ninh đã dẫn dắt anh ta xem xét xong tổng thể hiện trường.

Khu đất này nằm sát đường vành đai ngoài chuẩn bị khởi công. Ở phía bắc là công viên bảo tồn[1] đang được xây dựng, và phía đông là một cụm đô thị đang vươn lên ùn ùn, phía nam có sông, phía tây gần hồ, phong thủy thượng thặng. Thật là bảo địa độc nhất vô nhị. Được định giá đến 4,5 tỷ coi như đáng đồng tiền bát gạo.

Phương Triết càng xem càng xiêu lòng, đã không nhịn được mà bắt đầu suy nghĩ chi tiết, ngoài mặt còn ra công cố sức tỏ vẻ lãnh đạm, nói với Soái Ninh rằng sẽ về bàn với quản lý cấp cao trong công ty rồi mới quyết định.

Soái Ninh nhìn thấu vẻ vững vàng của anh ta, chuyện lấy đất coi như đã có tăm hơi, chỉ cần xem Viễn Hằng có đấu lại kình địch Bất động sản Quảng Hạ kia hay không.

Cô muốn tiện đường đi thị sát văn phòng dự án Hoa Quả Lĩnh và Tây Thành Lãnh Địa, sau khi từ biệt Phương Triết bèn qua Tử Trúc Uyển ở Thước Châu.

Tề Vân, giám đốc dự án Hoa Quả Lĩnh, cấp tốc đến chầu, mặt mũi nhăn nhó kêu khó than khổ với cô.

“Ninh tổng, chị đến thật đúng lúc, tôi đang muốn báo cáo lên chị đây, thôn Liên Diệp mấy chục hộ từ chối di dời, việc đền bù và giải phóng mặt bằng không thể tiến hành đâu ạ.”

Đất thôn Liên Diệp nằm ngay rìa xã Liên Hoa, là nơi mà xe cộ từ bên ngoài nhất định phải đi qua. Phương án quy hoạch Hoa Quả Lĩnh định xây khu dân cư đa năng nghỉ dưỡng và dưỡng lão ở thôn này, ở khu đất trống phía đông thôn lại xây khu tái định cư cho các hộ dân nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng, mỗi hộ một căn nhà ba tầng có sân vườn rộng rãi đẹp đẽ.

Việc đền bù giải phóng mặt bằng tuân theo đúng tiêu chuẩn hiện hành của nhà nước. Phần diện tích thừa ra của mỗi hộ sẽ được thanh toán theo giá đất ở và đất canh tác thống nhất. Huyện ủy cũng cử các chuyên viên xuống tận xã giám sát công tác giải phóng mặt bằng để nghiêm túc bảo đảm quyền lợi của người dân địa phương.

Giải phóng mặt bằng là mặt gương chiếu yêu, có khi soi thấy chủ đầu tư (bên lấy đất) chỉ nhăm nhăm lợi nhuận, có lúc lại chiếu ra hộ dân nằm trong phạm vi giải tỏa có lòng tham không đáy. Quan Vũ là công ty đầu ngành, không thể làm bậy như gánh hát rong, cơ bản tuân thủ quy trình, chỉ mong gặp được người cũng biết điều cho đôi bên cùng vui vẻ, nhưng lần này số đen, dính vào một đám mất dạy ngóng “làm giàu nhờ đền bù di dời”. Nhà nào cũng đòi đền bù chỗ tái định cư theo đầu người, cộng thêm mỗi hộ một triệu tiền bồi thường, có mấy con cóc ghẻ còn ra giá đến hai, ba triệu, quyết tâm thịt chủ đầu tư bằng được.

“Đám đó phần nhiều là hạng vô lại trong thôn, nghèo rớt mồng tơi, chỉ trông chờ vào lần giải phóng mặt bằng này để phát tài. Nhân viên chúng ta cử đi nhiều lần bị bọn họ đuổi ra, giờ đến sân cổng còn chẳng vào được. Có mấy hộ còn cho người già trong nhà đi lên cửa ủy ban xã ăn ngủ ngoài trời, nói nếu chúng ta không đáp ứng điều kiện của họ thì tuyệt đối không đi đâu hết.”

Thời trước, thể chế chưa được xây dựng đầy đủ. Đối mặt với chính quyền và chủ đầu tư, các hộ gia đình bị giải phóng mặt bằng là bên chịu thiệt, không có tiếng nói. Đôi khi lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm và họ buộc phải trở thành hộ ngoan cố (không chịu di dời).

Giờ đây, công việc giám sát và thực thi pháp luật của chính quyền đang được cải thiện từng ngày, tình trạng trước đây đã bị loại bỏ một cách hiệu quả. Chủ đầu tư mà dùng bạo lực để giải tỏa mặt bằng ắt sẽ bị tuýt còi, còn sách lược bất hợp tác bất bạo động của hộ trong diện giải tỏa lại không chịu sự ràng buộc của pháp luật. Chỉ cần hộ trong diện giải tỏa không ký tên đồng ý, dù là công trình của chính quyền cũng không thể làm gì mạnh tay. Nhìn tổng thể, hiện tượng này là sự tiến bộ tốt đẹp của xã hội, nhưng nhìn trường hợp cụ thể thì nó có nghĩa là chủ đầu tư phải tính toán đau đầu hơn.

Soái Ninh cáu ầm lên: “Họ cho rằng họ đang ở trong ổ vàng ổ bạc à? Làm gì có nơi nào đền bù lắm vậy!”

Nếp nhăn trong não của Tề Vân nổi lên trên mặt, mếu máo nói: “Họ nhận định Quan Vũ có tiền, cả đời chỉ có một cơ hội phát tài này thôi nên mới cố ngoạm cho chết. Chính quyền xã ra mặt điều đình cũng không được. Hiện xã đang bị những người già đó chặn cửa, liên tục giục chúng ta nghĩ cách, chị xem giờ nên làm thế nào ạ?”

Những người tuân thủ pháp luật co ro trong khuôn khổ của hệ thống pháp luật, thường không làm gì được những kẻ luồn lách giữa kẽ hở luật pháp và kẽ hở thể chế. Soái Ninh chỉ nghe báo cáo, không thể biết được tình hình thực sự, vì vậy vội gọi Thôi Minh Trí đến, sai hắn về thôn Liên Diệp thăm dò.

Thôi Minh Trí trước kia ở quê, từng gặp hàng trăm dạng lầy lội la lối lăn lộn khóc lóc, sáng nay được mở rộng tầm mắt.

Trên đường đi, nghe nói nhiều người già cắm trại trước cửa ủy ban xã, hắn cho rằng ít nhất cũng có cái lều để che mưa chắn gió, đến nơi mới thấy các ông già bà cả tóc bạc trắng ấy đều ngủ trên chiếu rách và bao tải cũ, bên cạnh là bát cơm cốc nước ruồi nhặng bu đầy, bên trên không có lấy mảnh lá, bên dưới sát với mặt đường, giống như đám ăn mày màn trời chiếu đất.

Sắp Tết Đoan Ngọ, hơi nóng hầm hập, muỗi như trấu, bọn họ không đếm xỉa đến nguy cơ bị cảm nắng đổ bệnh, cố thủ tại chỗ, cũng không vào trong phòng chờ theo lời khuyên bảo của cán bộ xã. Người nào người nấy nằm im lìm, như quả mướp phơi trên dây, chậm rãi đợi nước bốc hơi.

Đói quá thà ăn của độc, khát quá thà uống suối muối, người đã nghèo phát sợ nhìn thấy cơ hội làm giàu thì dễ mất lý trí, khăng khăng làm theo ý mình.

Những bậc ông bà kề bên miệng lỗ đó vì suy tính cho con cháu, tình nguyện đánh cược mạng già đổi lấy cảnh tiền nong giàu có, vì gia tộc mà cống hiến chút ánh sáng hơi ấm cuối cùng. Tất nhiên, ngoài những người mang tinh thần hy sinh ngu muội cũng có người ở vào tình cảnh bất đắc dĩ.

Thôi Minh Trí phát hiện một cụ ông nằm thoi thóp một mình bên rìa đám người.

Ông cụ này nằm ngay đơ trên một chiếc chiếu cũ, nửa người dưới che một chiếc chăn đơn thủng lỗ chỗ, đã biến thành điểm tập kết của ruồi bọ, mùi phân và nước tiểu thối inh.

Ông cụ xem ra đã gần đất xa trời, mặt mũi biến dạng, làn da giống con đỉa khô kiệt nước, thợ mộc khéo nhất cũng không nhẫn nại để điêu khắc những nếp nhăn chi chít kia. Mí mắt sụp xệ nửa nhắm nửa mở, lộ ra hai con ngươi đục ngầu đọng lại bao tang thương đời người. Hai cánh tay khô quắt thường phe phẩy chậm chạp, xua bọn muỗi đói đâm quàng, cái miệng nứt nẻ chỉ còn lưa thưa vài chiếc răng hơi mấp máy ra mấy lời ậm ừ khó nghe ra là gì.

Thôi Minh Trí rối bời gan ruột, ngồi xổm xuống cạnh cụ ông, hỏi: “Cụ ơi, cụ không ở nhà cho khỏe, chạy lên đây làm gì cho khổ ra?”

Hắn sợ đối phương không nghe rõ, vặn volume hết cỡ.

Cụ ông hơi run, khóe mắt tràn ra một giọt nước mắt đục ngầu: “Chúng nó khiêng tôi lên đây, nói phải ở lại đây mới cho tôi ăn cơm.”

Mấy chục năm trước cụ có thể là một người đàn ông rắn rỏi đội trời đạp đất, giờ phút này lại suy yếu khiếp sợ tựa như đứa trẻ vừa chui ra từ bụng mẹ.

Già bé lại, già bé lại, người lớn tuổi càng già càng không rời đi sự quan tâm chăm sóc của người thân. Thôi Minh Trí đã hiểu tình cảnh của cụ ông này, sự kinh ngạc và bi phẫn mài ra từng chuỗi tia lửa, giọng gấp gáp nói: “Chúng nó là ai? Ai khiêng cụ lên đây?”

“… Chính là cháu trai cả với con dâu của tôi.”

Nước mắt đục ngầu chảy thành vòi phun, thấm xuống ngàn vạn nếp rãnh trên mặt cụ.

Cảnh xế bóng của người già góa bụa ở quê cũng thê lương, tồn tại rất nhiều con cháu bất hiếu ngược đãi cha mẹ ông bà, người trong nhà này có thể làm đại biểu.

(Hết phần 84, xin mời đón đọc phần 85. Nếu muốn đọc các phần trước, xin mời click vào dòng chữ Album Tiểu thuyết “Người nối nghiệp chân chính” phía trên!)

Người dịch: Trần Thị Minh Đức & Trần Thu Trang (FB/VerandadeJulia)

- -----

Chú thích:

1. Nguyên văn là 森林公园 - sâm lâm công viên, dạng công viên quy hoạch dựa trên một khu rừng tự nhiên sẵn có.