Người Tình Sống Mãi Tuổi Hai Mươi Tám

Chương 26: Cố chấp chính là cái mù quáng nhất



Lần này Ngọc Minh không im lặng mà thẳng thừng đáp lại:

- Con phải buồn vì con người tệ bạc đó sao? Trên đời này cố chấp chính là cái mù quáng nhất. Mẹ có thể trong nóng ngoài lạnh với tất cả những người ngoài kia, riêng ba thì không.

Mẹ anh chỉ thở dài rồi nghẹn ngào nói:

- Trẻ con như con thì làm sao mà hiểu được. Dẫu cho người đó có tệ bạc, dẫu mẹ có oán trách ba con đi nữa thì tình cảm mười mấy năm ròng đâu phải nói buông là buông.

Nghe tới đây, cử động của anh cũng đứt đoạn. Anh bỏ chén đũa xuống, thốt lên rõ mồn một từng câu từng chữ:

- Tức là nỗi phẫn nộ vì ông ta đánh đập mẹ với con, vì ông ta đã hủy hoại cả cuộc đời của chúng ta thì có thể buông bỏ sao? Có thể nếu mẹ không gặp ông ấy thì con đã không được sinh ra trên đời, nhưng vậy thì có khi bây giờ mẹ đã hạnh phúc với mái ấm của mình rồi.

Phần cơm vừa được anh động đũa một nửa cũng bị bỏ lại, chỉ thấy bóng lưng Ngọc Minh quay đi. Anh kì thực không hiểu nổi những gì mà mẹ mình suy nghĩ, nặng lòng vốn dĩ rất khác với ngu muội. Vậy mà sau tất cả, mẹ anh vẫn làm những chuyện khiến cuộc sống của bản thân trở nên bi kịch.

Khác với bà, thâm tâm anh nửa chút cũng không thể quên. Hết thảy những gì mà mẹ con anh phải hứng chịu sau từng đó năm. Từ lúc bắt đầu hiểu chuyện thì Ngọc Minh đã hiểu rõ rằng ba anh căm ghét mình tới mức nào. Anh nghe mẹ kể chuyện hai người quen nhau khi ở độ mười sáu. Có lẽ vì khi đó vẫn chưa ý thức được cuộc sống này tàn độc tới mức nào nên hai người khi ấy vẫn cứ lao vào yêu nhau. Họ dành cho nhau những cảm xúc mãnh liệt, thứ tình yêu của họ đầy cuồng nhiệt dẫu cho cả hai đều là hai bàn tay trắng. Nhưng họ nào có ngờ suy nghĩ "một túp liều tranh hai quả tim vàng" là quá dại khờ, ủ dột.

Năm mẹ anh sắp mười tám thì biết mình mang thai anh, khi đó cả hai dắt nhau về nhà nội. Chẳng biết tình người nằm ở đâu, bà nội lại anh cương quyết bắt mẹ anh bỏ đứa bé trong bụng đi. Khi đó ba anh còn yêu vợ mình nhiều, ông cứ thế là lao đầu vào gánh vác tất cả. Nhưng cho tới năm Ngọc Minh hai tuổi, áp lực tài chính đã đè bẹp đi thứ tình yêu non trẻ khi ấy. Ba anh không còn muốn cố gắng nữa. Nhận lấy thất bại hết lần này tới lần khác khiến ông cũng dần bỏ cuộc. Việc duy nhất ông làm là ăn nhậu rồi đập đánh vợ con. Lần đầu tiên là năm Ngọc Minh bốn tuổi, khi đó trời chỉ mới vừa tối nhưng ba anh đã say mèm. Kí ức anh vẫn còn họa lên rõ rệt dáng hình khi ấy của người đàn ông đó. Ba anh cầm lấy cái ghế rồi ném mạnh xuống gạch, tay kia lại liên tục xô ngã những thứ xung quanh. Mẹ anh đứng gần đó cũng bị vạ lây, bàn tay thô ráp kia giơ cao lên trời rồi tát mẹ anh một cú trời giáng. Điếng người, mẹ anh la lên, nghe thế, Ngọc Minh sợ hãi khóc lóc dữ dội. Ông ta cũng không vì tuổi tác mà giơ cao đánh khẽ, liền véo mạnh lấy tai Ngọc Minh rồi lớn giọng:

- Mày khóc cái gì hả? Tao...Đáng lí ra tao mới phải là người khóc, nếu mà không có mày với con gái mẹ mày thì đời tao đã không khổ sở vầy rồi.

Ngọc Minh khi này đã khóc tới độ khó thở, mẹ anh phía kia liền bổ nhào lại ghì lấy tay ba anh.

- Anh buông con ra đi!

Tức thì, ba anh liền thụi mạnh vào ngực mẹ anh một cái. Xong lập tức quay sang bộ dạng đầy uất hận:

- Có phải hai mẹ con mày muốn dồn tao vào đường cùng không? Tao đã cố gắng hết sức rồi mà, tại sao vẫn khổ như vậy chứ hả?

Bản thân Ngọc Minh sau này khi ngẫm lại những lời đó cũng hiểu chuyện. Kì thực khi rơi vào cảnh khốn cùng thì tình yêu cũng không đủ mãnh liệt để giúp con người ta vượt qua mọi thứ. Vì tình yêu không thể giúp con người ta ăn no, mặc đẹp hay có nhà cao cửa rộng. Nên họ cũng chẳng muốn vì chút tình cảm nhỏ nhặt mà tiếp tục cho đi sự bao dung, dịu dàng và nhẫn nại của mình. Nhưng vì vết thương đó là thật, nỗi đau đó là thật, những chuyện anh đã trải qua đều là thật nên lý trí lẫn trái tim không cho phép bản thân anh tha thứ.

Tận đến ngày mẹ anh có được trong mình chút quyết tâm, bà vẫn chọn ly hôn trong êm đẹp. Không một đơn kiện chuyện cả hai đã bị bạo lực gia đình thế nào, ngày hôm đó trống trải đến lạ. Giây phút anh đứng trước tòa với mẹ, cơ thể hao mòn đó đã run lên bần bật, tay bà cũng lạnh ngắt. Sâu trong con ngươi cũng chỉ thấy xám xịt, không một vệt sáng, chẳng có lấy nửa tia hy vọng. Có lẽ nếu khi đó bản thân Ngọc Minh thốt lên câu hỏi: " Liệu mẹ có thực sự muốn buông bỏ không?" thì e là câu trả lời sẽ là "không". Hôm ấy mọi chuyện quá đỗi suôn sẻ. Mẹ anh cũng chẳng nói, chẳng cười thêm. Bên trong chỉ thấy bình lặng, yên bình đến độ sụp đổ.