Nhật Ký Quan Sát Thanh Mai

Chương 3



Ngày 20 tháng 1, trời nắng.

Cô Lý nói chúng mình quan sát sinh vật sống mình yêu thích. Mình không thích gì nhưng mình nghĩ Đào Ấu Tâm rất thuvi.

"Nhật ký quan sát thanh mai"

Ngoài những khuyết điểm như háu ăn, hay khóc nhè, hiếu động, không biết nhận mặt chữ, Đào Ấu Tâm còn có một số ưu điểm như...

Cô bé rất dễ thương.

Cô bé đi rất nhanh, thích chạy nhảy và thỉnh thoảng ngã trước cửa phòng Hứa Gia Thời. Tấm thảm ở cửa phòng ngủ ngày càng dày hơn để bảo vệ cô bé nghịch ngợm.

Có lúc cô bé thích khóc, có lúc lại rất mạnh mẽ. Ví dụ như khi chẳng may bị ngã, cô bé sẽ tự mình đứng dậy vỗ tay, tự an ủi: "Không đau đâu."

Có lần Hứa Gia Thời trả lời: "Đúng rồi, mập như vậy, nhiều thịt nên ngã cũng không đau."

Đào Ấu Tâm mở to mắt, cong miệng đứng trước cửa nhà cậu mà hét lên, khiến mẹ Hứa sợ hãi tưởng rằng đã xảy ra chuyện gì đó.

Có người lớn làm chỗ dựa, Đào Ấu Tâm lớn tiếng mách lẻo: "Anh Gia Thời nói cháu mập."

Hứa Gia Thời được yêu cầu phải xin lỗi, cậu đặt cuốn sách xuống, đi tới trước mặt Đào Ấu Tâm, nhét một viên kẹo vào tay cô bé.

Đào Ấu Tâm lập tức ngừng khóc, bóc vỏ kẹo nhét vào miệng, vị ngọt ngào đã chữa lành trái tim bị tổn thương. Một lúc sau, mẹ Hứa nghe thấy Đào Ấu Tâm dùng giọng nói trong trẻo nịnh nọt con trai mình: "Anh Gia Thời là tốt nhất, anh Gia Thời, anh đẹp trai quá, Tâm Tâm có thể ăn thêm kẹo không?"

Lý do chính không phải là để ăn kẹo, chỉ là muốn khen anh trai hai câu.

Nhưng con trai bà lại lạnh lùng từ chối một cách thẳng thừng: "Không được."

Ừm…

Giọng điệu này giống hệt của ông chồng bà.

Mẹ Hứa đứng ở cửa cười tủm tỉm, để hai đứa trẻ tự chơi đùa.

Thời gian trôi nhanh và kỳ nghỉ đông đã đến.

Cô giáo trong trường mẫu giáo giao một bài tập đặc biệt, yêu cầu các học sinh quan sát sinh vật có sự sống trong cuộc sống.

Bọn trẻ rất khó hiểu: "Cô ơi, đồ ăn có sự sống là gì ạ?"

Cô Lý nhắc lại: "Không phải đồ ăn, mà là sinh vật(*)!"

(*) Đồ ăn (shíwù) phát âm gần giống sinh vật (shìwù).

"Giống như những loại rau chúng ta thường ăn, hoa cỏ cây cối trong vườn, tất cả đều là sinh vật có sự sống." Cô Lý dành cả buổi sáng cuối cùng để giải thích cho học sinh biết rằng thực vật có thể thay đổi và phát triển đều là sinh vật có sự sống.

Có bạn đã rút ra suy luận từ ví dụ: "Vậy là có thể lớn lên đều là có sự sống phải không ạ?"

Cô Lý kiên nhẫn trả lời: "Đúng rồi các em, mỗi bạn nhỏ đều là một mạng sống vô cùng quý giá."

Đây là bài tập đặc biệt, giáo viên thông báo cho phụ huynh biết để giúp các em hoàn thành, phải ghi chép ít nhất một tuần một lần trong suốt học kỳ.

Hôm đó là ngày nghỉ, Đào Ấu Tâm vui vẻ cầm phiếu bé ngoan về nhà để được khen ngợi. Mẹ Đào thẳng thừng đập tan sự mong chờ của con gái mình, ai cũng có phiếu bé ngoan như thế này.

Kể từ ngày đó, Đào Ấu Tâm lại nằm trên giường, bỏ quên bài tập về nhà, chỉ vì sự thúc giục của cha mẹ mà Đào Ấu Tâm mới cầm bút lên.

Cô bé nhìn chằm chằm vào cuốn nhật ký đơn giản bình thường này hồi lâu: "Mẹ ơi, con muốn một cuốn nhật ký thật đẹp."

Mẹ Đào: "…"

Để thuyết phục Đào Ấu Tâm hợp tác làm bài tập về nhà, mẹ Đào đã dẫn cô bé đi mua một cuốn nhật ký hoạt hình có bìa màu nổi bật.

Sau đó, sinh vật được quan sát lại trở thành vấn đề nan giải.

Đào Ấu Tâm đi một vòng từ lầu trên xuống lầu dưới. Khi về đến nhà, cô bé nhìn thấy cha mình đang cho một con rùa ăn, cô bé nảy ra một ý tưởng và viết ngay: Nuôi rùa đen.

Trong ba chữ, cô bé chỉ viết đúng chữ "đen".

Đối với Đào Ấu Tâm việc viết nhật ký quá khó khăn. Dưới sự giám sát của cha Đào, cô bé đã dành một giờ để viết nhật ký bằng cả tiếng Trung, pinyin(*) và một số ký hiệu kỳ lạ mà người khác không thể hiểu được.

(*) Pinyin là cách thức sử dụng chữ cái Latinh để thể hiện cách phát âm các chữ Hán trong tiếng phổ thông Trung Quốc, trẻ con ở Trung Quốc sẽ học ghép vần trước rồi mới học viết chữ.

"Con rùa của nhà em tên là Tiểu Quy, nó có một đầu và bốn chân…"

Có lẽ chỉ có Đào Ấu Tâm mới có thể hiểu được cuốn nhật ký kỳ lạ này.

Cô bé không quan tâm nó có hay không, viết xong cũng không thèm xem lại, ôm đồ chơi trong tay đi ra ngoài: "Mẹ ơi, con làm bài tập xong rồi, con đi chơi với anh Gia Thời đây."

Hứa Gia Thời cũng gặp rắc rối với cuốn nhật ký của mình.

Trong cuộc sống có rất nhiều thứ có thể quan sát được, như hoa trên ban công, cây cối dưới lầu, đối với cậu những thứ này đều bình thường, không có gì đặc biệt.

Cho nên cậu không biết lựa chọn thế nào, dù sao cũng phải quan sát một học kỳ.

"Đa đa đa đa…"

Hứa Gia Thời có đôi tai nhạy cảm, loáng thoáng nghe thấy tiếng động, bước chân độc đáo mà không ai có thể bắt chước được là của một người.

Cửa hé mở, hai tay Đào Ấu Tâm đều không rảnh nên đành dùng khuỷu tay đẩy cửa ra. Do không kiểm soát tốt lực của mình nên cánh cửa đập mạnh vào tường.

"Gia... Ối..." Đào Ấu Tâm vấp vào tấm thảm, cả người ngã xuống đất, búp bê Barbie và thẻ Ultraman trong tay cô rơi xuống vương vãi trên sàn.

Hứa Gia Thời bình tĩnh đếm số: "Bốn mươi chín."

Đào Ấu Tâm xoa mông, quỳ xuống thảm, nhặt từng tấm thẻ lên.

Hứa Gia Thời quay lại nhìn và viết sáu ký tự…

Nhật ký quan sát thanh mai.

Ngày 20 tháng 1, trời nắng.

"Cô Lý nói chúng mình quansat sinh vật sống mình yêu thích. Mình không thích gì nhưng mình nghĩ Đào Ấu Tâm rất thuvi."

Cô giáo nói mỗi tuần phải ghi chép ít nhất một lần, Hứa Gia Thời cảm thấy biểu hiện mỗi ngày của Đào Ấu Tâm đều rất bất ngờ.

Khi kỳ nghỉ Tết đến gần, ba thành viên nhà họ Hứa định đi du lịch. Đào Ấu Tâm nghe được tin này, cô bé vô cùng ghen tị.

"Em thích ra ngoài chơi."

"Anh Gia Thời, chỗ anh đến có đẹp không?"

"Anh Gia Thời, em có thể đi cùng anh không?"

Cô bé thấy mình khá nhanh nhạy, biết dẫn dắt từ từ vào vấn đề này.

Hứa Gia Thời gấp quần áo của mình đặt ở bên cạnh giường, nói với cô bé: "Việc này em phải hỏi cha mẹ em."

Tất nhiên kết quả là thất bại, cuối năm cô bé phải đi về quê thăm ông bà nội cùng cha mẹ.

Đào Ấu Tâm không chịu, quấn lấy Hứa Gia Thời, ánh mắt như một con chó con: "Anh ơi, anh đưa em đi cùng đi mà."

Hứa Gia Thời thở dài như ông cụ non: "Anh không dẫn em đi nổi.”

"Được mà!" Cô bé chạy tới chiếc vali đã mở sẵn và nằm vào trong đó.

Tuy nhiên, cô bé quá mập, chiếc áo khoác bông mùa đông lại dày đến mức khi nằm trong đó cô bé trông giống như một quả bóng tròn khiến mọi người phải bật cười.

Mẹ Hứa bế cô bé ra ngoài và nói: "Con yêu, đừng quậy nữa."

Ngày Hứa Gia Thời đi, Đào Ấu Tâm đi theo đến tận cửa xe, bịn rịn mím môi nói: "Anh ơi, em sẽ nhớ anh, anh phải quay về sớm nhé."

Hứa Gia Thời cảm động: "Ừm."

"Mang quà về cho Tâm Tâm nữa."

"Ừm."

"Phải thật nhiều đồ ăn ngon."

"..."

Đây chính là mục đích thực sự của cô bé.

Khi mới chia tay, mỗi ngày Đào Ấu Tâm gọi điện cho cậu vô số lần. Trong quá trình đi du lịch, họ luôn nghe thấy đồng hồ trẻ em của Hứa Gia Thời kêu bíp bíp.

Chiếc đồng hồ trẻ em là món quà cha mẹ Hứa Gia Thời tặng cậu nhân dịp sinh nhật lần thứ tư.

Ngày hôm sau Đào Ấu Tâm thích nó và nhờ mẹ mua cho mình một chiếc đồng hồ cùng nhãn hiệu. Trở về nhà, cô bé vui vẻ chạy đi tìm Hứa Gia Thời: "Anh ơi, quét xem."

Đồng hồ giống như một món đồ chơi mới, Đào Ấu Tâm không thể bỏ nó xuống, gọi từng người một để khoe. Cô bé rất dẻo miệng, bất kể ai nhận được tin nhắn của cô bé, họ đều cười vì những lời nói ngọt ngào, ngoại trừ Hứa Gia Thời.

"Anh Gia Thời, chào buổi sáng."

"Anh Gia Thời, chào buổi trưa. Anh đã ăn gì chưa? Năm nay em đã ăn bánh bao rồi, thơm và ngon lắm..."

"Anh Gia Thời, chiều nay ra chơi nhé. Em có thẻ Ultraman mới nhất."

Đào Ấu Tâm thích búp bê Barbie và Ultraman, nhưng Hứa Gia Thời không có hứng thú với những thứ này.

Cậu từ chối lời mời của Đào Ấu Tâm, Đào Ấu Tâm dứt khoát cúp điện thoại.

Hứa Gia Thời mở cuốn ba trăm bài thơ Đường ra, nghĩ vừa rồi Đào Ấu Tâm dứt khoát như vậy, có phải giận rồi chăng...

Cậu bấm vào đồng hồ của mình và ngập ngừng ở trang danh bạ.

Ba phút sau, điện thoại đồng hồ của cậu lại vang lên, giọng nói vui vẻ quen thuộc truyền ra, khuôn mặt hồng hồng hiện lên trên màn hình: "Anh Gia Thời, em nhớ anh rồi, anh có nhớ em không?"

Hứa Gia Thời đóng sách lại: "Cầm búp bê Barbie và thẻ bài của em xuống lầu."

-

Ký ức chợt dừng lại.

Hứa Gia Thời theo cha mẹ đi vào khu du lịch.

Cuộc gọi video vẫn đang kết nối, Đào Ấu Tâm nhìn thấy khung cảnh xung quanh và cây rơm cắm đầy kẹo hồ lô trên tay người bán hàng rong: "Wow, anh Gia Thời, chỗ của anh đẹp và vui quá."

Hứa Gia Thời: "Ừ."

Đào Ấu Tâm: "Sau này anh cũng dẫn em đi nha."

Hứa Gia Thời: "Ừm."

Mẹ Hứa cúi đầu nhắc nhở: "Con trai, đang đi thì đừng gọi điện thoại."

Hứa Gia Thời giơ tay lên, nhìn đồng hồ nói: "Anh cúp máy đây."

Ngày thứ ba của chuyến đi là đêm giao thừa, Đào Ấu Tâm theo cha mẹ về quê, đồng hồ của Hứa Gia Thời cũng im lặng cả ngày.

Buổi tối, cha mẹ đưa cậu đi xem và đốt pháo hoa, cả nhà chụp ảnh tại các danh lam thắng cảnh.

Sau đó, Hứa Gia Thời theo cha mẹ vào một cửa hàng đặc sản bán nhiều loại bánh ngọt.

Cậu nghe thấy cha mẹ bàn bạc gửi đặc sản cho ai đó, nhớ lại lời nói của Đào Ấu Tâm trước khi họ đi, trong cửa hàng có đủ các loại bánh.

Hứa Gia Thời chọn ba hộp.

Khi quay lại, cậu thấy mẹ đang gọi video với dì Phó: "Dao Dao, bà xem những hương vị này đi. Chọn hai hộp, tôi sẽ mang về cho."

Phó Dao Cầm không từ chối, chỉ vào quả nam việt quất, mẹ Hứa thuận miệng hỏi: "Tâm Tâm đâu rồi?"

"Đang chơi với bọn trẻ ở bên ngoài." Phó Dao Cầm mỉm cười và quay ống kính ra ngoài nhà: "Tâm Tâm, lại đây nhanh lên."

Đào Ấu Tâm nghĩ có chuyện gì đó vui nên nhanh chóng chạy tới, nhìn thấy mẹ Hứa trong màn hình bèn nhiệt tình chào hỏi.

Hứa Gia Thời bước từng bước đến bên mẹ.

"Gặp Gia Thời..." Phó Dao Cầm đang muốn nhắc nhở cô bé, Hứa Gia Thời cũng ở đây.

Cậu bé bên ngoài cao giọng gọi Đào Ấu Tâm: "Đào Ấu Tâm, nhanh lên, tàu sắp chạy rồi."

Đào Ấu Tâm quay người bỏ chạy: "Anh Khang Khang, chờ em với."

Đào Ấu Tâm chạy xa khỏi camera điện thoại di động của Phó Dao Cầm và đi chơi với các cậu bé trong sân.

Khi Phó Dao Cầm nhìn lại, bóng dáng của Hứa Gia Thời đã biến mất.

Trong khi hai bà mẹ đang nói chuyện điện thoại, Hứa Gia Thời đã nhặt ba hộp đồ ăn có hương vị khác nhau và đặt chúng trở lại vị trí cũ.

Cậu quay lại và thấy cha đang khoanh tay đứng bên cạnh mẹ, im lặng quan sát hành động của cậu, trên môi nở nụ cười đầy ẩn ý.

Hứa Gia Thời quay mặt đi, không nhìn cha mình.

Sau đó, mẹ cố tình hỏi cậu: "Con có muốn chọn quà cho Tâm Tâm không?"

Hứa Gia Thời kéo mũ sau áo khoác lên, đút đôi tay nhỏ nhắn vào túi: "Không."

Bên tai mơ hồ nghe thấy tiếng cha mẹ trêu chọc.

"Tính con trai giống hệt như anh khi còn nhỏ."

"Ừ, giống anh.”

- ------------------

Tác giả có lời muốn nói:

Tôi sẽ không nói ai đang ghen đâu.