Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga

Chương 11: Sủng ái



Ngẫm nghĩ lại lời Đinh nương nói trong đêm hè đó mới thấy trước nay mình thật hồ đồ. Vì sao mà ta phải bội ước với chàng để về đất Hoa Lư này chứ? Chẳng phải vì cha mẹ, vì dòng họ Dương hay sao? Chẳng phải vì muốn đền đáp công ơn tái sinh, cưu mang của hai người mà ta phải rời xa hai người hay sao? Hai năm trôi qua, hai người ở quê nhà không biết giờ sức khỏe thế nào mà đến nay ta vẫn chưa thể về thăm được? Mái tóc hai người không biết đã bạc đến chừng nào rồi? Không có ta ở nhà nghịch ngợm, hai người có được vui vẻ không?

Mới nghĩ đến đó, nước mắt đã rớt lưng chòng..

Bao nhiêu xa cách, bao nhiêu chia lìa, bao nhiêu đớn đau!

Thế mà bấy lâu nay ta như mơ ngủ ở đây vậy. Quên hết cả trọng trách mà mình phải gánh vác. Còn rắp tâm mong sao người ta lãng quên mình đi, còn rắp tâm mong sao gió bụi thời gian chôn vùi mình đi. Để chính bản thân mình được yên ổn. Nếu thế ta về đây làm gì? Nếu thế ngày đó ta phải dứt áo về đây làm gì! Phải nén nước mắt làm gì? Không phải ta đã quá ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình mà quên mất nghĩa lớn rồi hay sao?

Ngẫm ngợi như thế, nước mắt cứ lã chã chảy. Thư thoảng ta còn cấu vào tay mình để nhắc nhở chính mình rằng từ nay nhất định không được hồ đồ như vậy nữa! Từ nay cần phải chuẩn bị tinh thần thật chu đó để đón tiếp họ Đinh.

Nhưng đến khi ta đã chuẩn bị được tâm thế sẵn sàng để bất cứ khi nào họ Đinh muốn qua cũng có thể nghênh tiếp, không cần phải kiếm cớ để trốn tránh nữa, thì công việc lại quá bận bịu.

Đầu tiên là việc đào móng, khởi công xây dựng một loạt công trình quan trọng ở kinh thành mới. Sau một thời gian chuẩn bị nguyên vật liệu, nhân lực, mặt bằng, bản vẽ, việc xây nhà, đắp thành, đào hào, trồng cây.. được triển khai đồng loạt ở nhiều nơi, trong phạm vi quy hoạch kinh đô mới đã định. Thành ra họ Đinh, Đinh công tử và các quan lại thân tín bận bịu không biết bao nhiêu mà kể. Phần lớn thời gian này họ Đinh và bộ hạ phải ngủ lại ở công trường chứ cũng không mấy khi trở về Động. Những công việc ở khắp nơi báo về, đều trực tiếp qua nhà tạm bên công trường để bẩm báo và giải quyết tại chỗ chứ cũng không báo về Động nữa.

Tiếp đó là việc cắt cử người đi đón Dương Nguyệt Nương phu nhân và nàng Sen. Cử bao nhiêu người đi, cử những ai đi cho an toàn, đáng tin cậy, đi như thế nào, ăn nghỉ dọc đường ra sao cho chu tất, ta và Đinh nương đều phải đứng ra lo toan và tổ chức hết. Bận tối mặt tối mũi!

Đến khi hai đoàn người đón rước đã xuất phát đi thì lại phải lo trang hoàng nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt cho Dương Nương phu nhân và các tiểu nữ. Tạm thời trong thời gian này Dương nương nương và các tiểu nữ sẽ sống tại nhà Giữa cùng với họ Đinh, vì nơi đây rất nhiều phòng ốc, mà hiện tại họ Đinh lại ít dùng đến, chủ yếu ăn ngủ ngoài công trường. Về phía nàng Sen thì ngoài lo nhà cửa, nàng sẽ ở căn nhà phía Nam, giáp rào với ngôi nhà Tây ta đang ở, liền phía sau Đại sảnh đường, lại còn phải lo lụa là, gấm vóc, nhã nhạc, rượu mừng để việc vu quy bái tổ được linh đình.

Rồi nữa còn phải gom nhiều vàng bạc, gấm vóc để chuẩn bị cho hôn sự của các tiểu nữ nhà họ Đinh.

Vẫn chưa biết ai sẽ được nhắm làm phò mã, các nàng nào sẽ được dùng trong bàn cờ chính trị của cha mình. Họ Đinh thì đã có chủ ý hết ở trong đầu. Nhưng chưa một ai biết được cụ thể như thế nào. Đến ngay cả Đinh nương cũng không có một manh mối gì cả. Thế nên tất cả đều mù mà mù mờ. Nhưng ta và nàng vẫn cứ phải chuẩn bị kỹ càng theo lệnh. Vừa chuẩn bị vừa hồi hộp chờ đợi.

Đến khi mọi công việc chuẩn bị hoàn tất, đang tưởng được nghỉ ngơi một chút chờ đoàn người trở về, Đinh nương và ta thậm chí còn đang rục rịch rủ nhau đi ngắm hoa sen, thì tin phương xa báo đến, Đinh Ngọc Nương, nàng trưởng nữ của nhà họ Đinh trên đường về kinh đô đã lâm trọng bệnh mà mất.

Cả Hoa Lư lại một phen bàng hoàng!

Từ cờ mừng, rượu hỉ lại phải lập tức chuyển sang màu trắng khăn tang. Lại bận bịu túi bụi. Từ rèm đỏ lọng vàng lại chuyển thành cờ đen chướng rủ. Ai nấy đều rất đỗi thê lương. Khổ tâm nhất vẫn là họ Đinh, cứ phủ phục bên linh cữu nàng Ngọc Nương mà khóc. Bao năm trinh chiến, bao năm cha con xa nhau; đến khi vừa lên đến đỉnh vinh quang, phú quý, thì cha con chưa kịp nhìn mặt, đã phải vĩnh viễn chia lìa. Ai nhìn cảnh ấy cũng không cầm nổi nước mắt!

Người mất thì đã đành. Cha mẹ anh chị em, ai nấy đều thương tâm cả. Nhưng người phải chịu thiệt thòi không kém trong cảnh này chính là nàng Sen. Vì là phận vợ mới, nên phải sắp xếp để nàng được đón về sau Dương Nương phu nhân, người mà từ đây về sau hiển nhiên sẽ trở thành người đứng đầu cai quản hậu cung. Cũng tưởng rằng sẽ được đón đãi linh đình, nở mày nở mặt. Ai ngờ khi về đến Hoa Lư thì khăn trắng rợp trời. Lại đành lủi thủi không nhạc mừng không pháo hỉ, không ngọc ngà gấm lụa, cứ thế lặng lẽ mà về nhà Nam nhập gia.

Đến khi mọi việc đã xong xuôi, không khí bớt thê lương, lòng người bình yên trở lại, thì cũng đã cuối mùa thu.

Lại đến mùa sen tàn.

Một buổi chiều, sau khi bàn bạc một số công việc với Đinh nương ở nhà Đông xong, ta và các thị nữ lững thững trở ra về. Đang đi trên đường thì chợt nghe có tiếng sáo diều vang vọng trong không gian. Ngảnh lại hỏi hai thị nữ, các nàng bảo đúng là có tiếng sao diều thật. Thế là bèn rủ hai nàng đi theo hướng tiếng sao xem sao. Đã mấy năm qua rồi giờ mới lại được nghe tiếng sáo diều. Cũng là lần đầu tiên được nghe kể từ khi vào Động. Chiều nay trời nhiều gió, nghe tiếng sáo diều bỗng nhớ cánh đồng quê nhà bên sông Cầu Chày quá. Nhớ những tháng năm cùng hai nàng thị nữ đội nắng dầm mưa nghịch ngợm trên cánh đồng. Nhớ cả những tháng ngày cùng chàng rong ruổi.. Sao giờ đây tất cả xa vời thế..

Ta như bị thôi miên, cứ cắm cổ theo hướng tiếng sáo mà đi ra bìa rừng phía ngoài thành. Hai nàng thị nữ chạy theo sau, vừa thở hổn hển vừa bảo trời cũng sắp tối rồi, nên về nhà nghỉ ngơi, tắm giặt, cả ngày nay ta đã vất vả rồi. Nhưng ta cũng mặc. Cứ thế đi thẳng tới. Hóa ra là mấy đứa trẻ nít, con các nàng thị nữ ở làm ở Ban y phục. Giờ chiến tranh hết rồi, cha chúng là lính theo họ Đinh đã trở về. Việc binh giờ nhàn rỗi, nên có thời gian làm diều cho chúng. Thấy ta đứng đó say xưa nhìn theo cậu bé đang cầm dây diều thả lên cao, một tiểu nữ áng chừng mười, mười một tuổi, sau khi thi lễ đã bảo ta:

- Dương nương nương có vẻ thích thả diều nhỉ, người có muốn chơi thử một lúc không?

- Ờ, ta..

Thấy ta ậm ừ, mắt thì vẫn chân chối nhìn theo con diều đang vươn lên trên nền trời thẳm xanh trong vắt cuối thu, nàng tiểu nữ chẳng đợi ta trả lời nốt, cứ thế chạy ra phía cậu em. Hai người nói gì đó với nhau một hồi, cậu bé ban đầu cự nự, có vẻ không muốn cho ta chơi, nhưng sau khi người chị khẽ quát nạt, đe nẹt gì đó, đành hậm hực mang dây diều lại cho ta. Ta cũng chẳng khách khí nữa, cười bảo cậu bé:

- Phiền em nhé, cho ta chơi một lúc thôi!

Thế rồi cầm lấy cuộn dây diều thả nốt. Con diều bay lên cao, càng cao, càng nặng. Cảm giác căng nặng đè lên dây, xiết vào tay khiến người ta trở nên hào hứng và phấn khích, chỉ muốn nhanh nhanh nhả thêm dây để cho nó bay lên cao, lên cao mãi. Diều càng lên cao, tiếng sáo cũng theo đó càng lúc càng du dương, cuốn hút. Mấy thị nữ đứng bên cạnh hò hét cổ vũ. Cậu bé cho mượn diều cũng quên mất nỗi khó chịu ban đầu, cùng người chị đứng gần đó, không ngừng chỉ bảo ta cách nhả dây, điều chỉnh diều. Đến lúc dây đã thả hết, chỉ còn chơ lại cái cọc neo, nó bảo ta đầy lo lắng:

- Cẩn thân nha Dương nương nương, giờ người mà buông đoạn tre ra là bay mất diều của em đó.

Chị nó nguýt nó một cái thật dài, còn các thị nữ thì cười vang:

- Dương nương ngày trước vẫn chơi diều suốt đó, em không cần phải lo.

Ta cầm chặt thanh tre ở trong lòng bàn tay, kẹp chắc chắn sợi dây diều ở giữa ngón giữa và ngón trỏ, thư thoảng lại giật nhẹ khi thấy con diều chao liệng ở trên không, bảo:

- Lâu lắm rồi ta không chơi trò này, nhưng trước kia ta cùng các thị nữ của mình là thiện nghệ đó em có biết không? Em đã thử cái trò thả hết dây như thế này, xong rồi mình cầm vào cọc neo, chạy chầm chậm một đoạn chưa? Như thế em sẽ cảm nhận được sức nặng của con diều đang no gió, như có gì đó đang kéo mình lại phía sau rất mạnh vậy. Nhiều khi rất là nặng đấy nhé! Nhưng nhớ chạy chậm thôi, vì nếu chạy nhanh và đột ngột thì dây sẽ bị đứt đó! Ta với các thị nữ của mình đã làm đứt dây diều không biết bao nhiêu lần vì cái trò này rồi đấy! Có lần còn bay mất không thể tìm lại được diều cơ.

Nói xong lại thấy mình lỡ mồm, vì thằng bé mà biết được thành tích làm đứt dây diều của ta như thế khéo nó không cho ta chơi mất, đang định nói gì đó chống chế; thì lại thấy mọi người ở bên cạnh tự nhiên im bặt, không còn nghe thấy tiếng hò hét cổ vũ, cũng không thấy tiếng thằng bé nửa càu nhàu, nửa ủng hộ ở bên cạnh nữa, bèn quay lại, thì hoảng hồn nhận ra họ Đinh đứng sừng sững ở bên cạnh, cũng đang ngửa cổ nhìn lên con diều, còn hai thị nữ lẫn lũ trẻ con đều đã quỳ mọp gối ở dưới đất.

Ta nhất thời cũng mất hết hồn phách, vội vã buông tay rồi ngay quỳ xuống đất:

- Hoàng Thượng vạn tuế!

Chưa kịp dứt lời thì đã thấy họ Đinh cùng thằng bé con đồng thanh hét lên "Diều bay mất rồi!". Sau đó họ Đinh ba chân bốn cẳng chạy theo định túm lấy dây diều. Nhưng không kịp! Con diều no gió đã bay đi quá xa rồi! Thằng bé nãy giờ nhấp nhổm nhìn theo mà không dám đứng lên, đến khi thấy con diều đã vuột mất, lại thấy họ Đinh quay trở lại, lại vội vàng quỳ xuống, mà nước mắt đã ngân ngấn.

Chưa ai kịp hành động gì thì đã thấy họ Đinh nhảy phắt lên con ngựa đang được hai thị vệ giữ chặt cương ở gần đó, rồi thoắt cái đã phóng theo hướng con diều bay. Hai thị vệ thấy vậy cũng vội vã thúc ngựa đi theo để hộ giá. Mọi người còn lại nhấp nhổm kẻ đứng người quỳ cùng ngóng về hướng đó chờ đợi. Không ai nói với ai câu nào.

Mất một lúc lâu sau mới thấy có tiếng vó ngựa quay lại. Mọi người lại nhất loạt quỳ xuống phục xuống dưới đất.

- Chà! Con diều đã bay mất rồi! Họ Đinh vừa nhảy xuống khỏi yên ngựa, tay ném dây cương cho hai thị vệ, vừa bảo: Tiếc quá! Trước kia khi còn trẻ, ta cùng Đinh Điền và Nguyễn Bặc tướng quân cũng hay chơi trò này lắm. Bao nhiêu năm rồi nay mới lại được thấy! Vậy mà lại bay mất!

- Thần thiếp đáng tội chết! Xin Hoàng Thượng trách tội!

- Mất rồi thì thôi có gì mà trách tội! Tất cả mau đứng dậy đi!

Mọi người cùng đồng thanh nói "Tạ ơn Hoàng Thượng" xong run rẩy đứng lên. Hai đứa trẻ thì dù đứng dậy vẫn cúi gằm mặt xuống đất không dám nhìn lên. Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng đối diện với Hoàng Đế ở khoảng cách gần như vậy lại thêm hình dung khá dữ tợn của họ Đinh khiến cho chúng đỗi khiếp sợ.

Mà không phải chính ta cũng như thế hay sao? Ta thấy mình cũng chỉ là đang nhìn vào đám đất ở ngay dưới chân của họ Đinh mà thôi. Tất nhiên không phải ta sợ. Nhưng không hiểu sao cũng không dám ngẩng mặt mà nhìn lên nữa. Lúng túng không biết nói gì tiếp theo, ta đành quay sang bảo chú bé:

- Ta xin lỗi nhé! Lỡ buông tay để bay mất diều của em rồi! Để ta nhờ người làm lại rồi sẽ mang đền em!

- Là diều của chú bé đây hả? Tiếng họ Đinh cất lên oang oang hướng về phía nó làm thằng bé giật thót mình. Vẫn cúi đầu không ngẩng lên, nó chỉ dám lí nhí "Dạ" một tiếng rồi lại đứng im. Thấy thế họ Đinh liền tiếp: Vậy để mai ta sẽ sai quân lính làm bù cho em. Ta sẽ bảo bọn chúng làm mấy cái liền để em cùng các bạn chia nhau chơi cho vui.

- Tạ ơn Hoàng Thượng!

Hai đứa trẻ nói rồi lại run rẩy quỳ xuống. Có lẽ chúng đang mong được độn thổ xuống đất, rồi lại trồi lên ở một chỗ khác mà không phải nhìn thấy họ Đinh nữa để chúng có thể thoải mái chạy nhảy, vui chơi cũng nên. Thấy cái dáng vẻ ấy, họ Đinh liền xua tay:

- Thôi các em hãy về nhà đi kẻo mẹ mong!

Nói lời như cởi tấm lòng, thấy vậy chúng liền vái lậy lia lịa, miệng không ngừng bảo "Tạ ơn Hoàng Thượng! Tạ ơn Hoàng thượng", xong rồi chưa kịp dứt lời, đã ba chân bốn cẳng chạy về khu nhà ở dành cho người làm quanh Ban Y phục.

Còn lại chơ chọi một mình mình và hai nàng thị nữ run rẩy lẩy bẩy đứng với họ Đinh, ta bỗng chốc cũng trở nên hoảng sợ. Đang quay mòng mòng ở trong đầu không biết nên nói gì, làm gì tiếp theo thì họ Đinh, sau khi nhìn lũ trẻ đã chạy đi xa, bèn quay lại nhìn ta:

- Nàng và thị nữ cũng mau về nhà nghỉ ngơi đi! Trời sắp tối rồi đấy! Đang định trèo lên ngựa rời đi, họ Đinh chợt như nghĩ ra điều gì, dừng lại hỏi: Mà mọi người đi bằng gì đến đây?

- Bọn thần thiếp đi bộ ra đây, thưa Hoàng Thượng!

- Đi bộ sao? Từ thành ra đây cũng đâu có gần. Mà trời lại sắp tối đến nơi rồi. Thôi nàng hãy lên đây ta đưa nàng về!

- Còn hai thị nữ của thiếp.. Nghĩ đến cảnh ngồi chung ngựa với họ Đinh ta đã thấy khớp rồi, đang định kiếm cớ để từ chối, nhưng rồi giọng nói của Đinh nương lại như vang lên ở đâu đây, nên ta bỏ lửng câu nói, phó mặc cho họ Đinh quyết định.

- Hai thị vệ sẽ đưa hai nàng cùng về chứ. Nào nàng lên đây!

Vừa dứt lời đã trèo phắt lên ngựa, ta bèn tiến lại gần, họ Đinh cúi xuống thốc tay vào hai mạng sườn ta, rồi bằng một động tác nhanh, mạnh đã nhấc bổng ta đặt vào lòng mình. Xong xuôi thúc ngựa hướng về thành.

Ta ngồi im trong lòng họ Đinh, lại càng trở nên bội phần lo sợ. Không dám cả cựa mình. Sợ động chạm vào họ Đinh. Càng sợ hơn nếu họ Đinh có biểu hiện, hành động gì đó mà mình không biết phải xử sự ra sao thì lại thành đắc tội. Thế là cứ như thể nín thở cả dọc đường.

May sao suốt chặng đường về, họ Đinh cũng chỉ chú tâm giữ chặt dây cương, thúc cho ngựa chạy một mạch về thành, chứ cũng không hỏi han, trò truyện gì.

Về đến cổng nhà ta, lại nhảy xuống trước rồi đỡ ta xuống ngựa. Ta lí nhí ở trong miệng "Tạ ơn Hoàng Thượng" rồi vờ vịt chỉnh chang lại áo sống, nhưng cái chính cũng chỉ là muốn cúi mặt xuống để không phải đối diện. Những ý nghĩ đối lập như đang đánh lộn trong đầu ta. Không biết nên mở miệng hay ngậm miệng. Cuối cùng, đến lúc họ Đinh sắp nhảy lên ngựa rời đi, ta mới lúng búng được một câu:

- Hoàng Thượng hôm nay hãy về nhà thiếp nghỉ ngơi!

Họ Đinh nhìn ta, cười ha ha rồi bảo:

- Tối nay ta đã hẹn dùng bữa, bàn bạc việc công với một số tướng lĩnh rồi. Nàng hãy cứ về nhà nghỉ ngơi đi. Để khi khác ta sẽ qua thăm nàng.

Nói rồi nhảy lên lưng, thúc cho ngựa đi. Ta trong lòng có một chút tê tái. Vì sao lại cười ầm lên như thế? Không biết mời mọc như thế có thất thố không? Không biết là bận thật hay vì sao mà từ chối thẳng thừng như vậy khiến ta, dù khi mời cũng không thật lòng cho lắm, nhưng khi nghe từ chối như thế vẫn cảm thấy có chút mất mặt. Vừa lúc đó thấy hai thị vệ cũng đã đỡ hai nàng thị nữ xuống đất, hai nàng đang tiến lại phía ta. Đang định đi vào cổng nhà thì chợt họ Đinh cho ngựa quay lại, bảo:

- Thôi vậy đi, tối ăn cơm, bàn bạc xong ta sẽ qua với nàng. Nàng nhớ báo gia nhân chuẩn bị.

Ta "Vâng" một tiếng dù biết rằng họ Đinh đã thúc ngựa đi xa, rồi đứng như trời trồng ở đó. Giờ thì lại chả biết nên vui hay nên buồn. Chả biết nên nghĩ ngợi thế nào.

Hai nàng thị nữ tưởng ta đợi các nàng, cũng không hỏi han gì, cứ thế ùa đến rồi cùng nhau đi vào nhà.

Tối đó nghe tin Hoàng Thượng đến, kẻ hầu người hạ trong nhà bấn loạn hết cả lên. Người lau chùi quét dọn, người đun nước pha trà, người chuẩn bị nước tắm, ai nấy đều như trúng phải tà; làm đi làm lại, lau đi lau lại, đi qua đi lại rối tung rối mù. Các nàng thị nữ cũng không kém phần hoảng sợ vì không biết sẽ phải hầu hạ ra sao khi Hoàng Thượng tới. Đứng chỗ đó có được không, ngồi chỗ kia có được không? Nên làm cái này hay không nên làm cái kia? Các nàng cứ tranh cãi mãi rồi quay sang bực dọc với nhau, chỉ thiếu nước nhẩy bổ vào mà ẩu đã nữa thôi. Đến khi ta quát mắng cho một trận mới bình tâm trở lại.

Tuy quát gia nhân thì quát vậy, nhưng chính bản thân ta cũng hết sức căng thẳng, không biết phải làm như thế nào. Thành ra dùng bữa, tắm táp xong thì cứ thế vào ngồi lì ở bên giường, vặn vẹo chân tay, chẳng thiết làm gì nữa cả. Mong họ Đinh đừng đến nữa hay mong đến? Nên vui hay nên buồn? Hay không nên nghĩ ngợi gì cả? Oán trách hay không nên oán trách bản thân mình? Có cần thiết phải cật vấn, hành hạ mình như thế hay không? Vì sao ta cứ phải như thế? Tất cả những ý nghĩ ấy cứ quay mòng mòng trong đầu ta. Phải lôi những lời dạy bảo của Đinh nương hôm nào ra nhẩm đi nhẩm lại trong đầu mấy lượt, ta cuối cùng cũng mới trấn an được mình để khỏi nghĩ lung tung.

Chờ đợi làm từng thời khắc trôi đi chậm chạp. Ai nấy đều căng thẳng và mệt mỏi. Cảm giác như đêm cứ dài ra mãi.

Mõ canh đã điểm hai tiếng từ lâu mà vẫn chưa thấy họ Đinh đến. Gia nhân đều đã uể oải, ngủ gà ngủ gật tại chỗ. Hai thị nữ cũng ngáp ngắn ngáp dài.

Chẳng biết họ Đinh có đến không? Có khi là họp xong muộn quá nên không đến nữa không chừng. Nhưng cũng không thể cho mọi người về nghỉ hết được, vì nếu lại bất ngờ đến thì không biết làm thế nào. Thế là ta bèn bảo mọi người hoàn thành công việc của mình, rồi ai ở đâu về đó nhưng phải phân công nhau người thức, người ngủ luôn phiên để nếu cần gọi đến là phải có mặt ngay. Riêng các thị nữ lo nước tắm, quần áo thì tìm chỗ tiện lợi trong phòng Lan Nhi, Ngọc Nhi ngủ, để nếu họ Đinh đến là có thể phục vụ ngay.

Xong xuôi cũng bảo hai thị nữ chuẩn bị cho mình lên giường, rồi bảo các nàng nàng cứ theo thế về phòng ngủ.

Chẳng biết các nàng và gia nhân ra sao, còn ta cứ thế nằm chong chong trên giường, nghe tiếng lá xạc xào ngoài vườn theo từng cơn gió lạnh đêm cuối thu. Thư thoảng lại giật thót mình vì âm thanh gì đó như tiếng bước chân ngoài cửa. Nằm nghe ngóng một lúc hóa ra lại không phải.

Cứ như thế, chẳng biết tự lúc nào cũng đã ngủ thiếp đi được một giấc chập chờn.

Đến khi nghe văng vẳng bên tai tiếng mõ canh ba, thì mơ hồ thấy hình như có người mang theo nến nhẹ nhàng đi vào phòng, ngồi lại bên giường. Đến khi thấy người ấy khẽ khàng lật chiếc chăn mỏng lên, chui vào nằm cạnh bên ta thì ta giật mình tỉnh giấc, lập tức ngồi bật dậy. Thiếu chút nữa thì hét lên vì sợ nhưng may thay kịp định thần, nhận ra người đó chính là họ Đinh, lại chuyển sang thành câu "Hoàng thượng!".

Họ Đinh nhìn ta bảo:

- Ta làm nàng tỉnh rồi sao? Ta với các bộ tướng bàn bạc hăng quá, đến giờ mới về được. Nàng nằm xuống ngủ tiếp đi. Vừa nói vừa nằm xuống, kéo chăn đắp hờ đến ngang người.

- Vâng.. Ta cố nén giọng xuống để tiếng đáp không bị run rẩy, rồi khẽ nằm xuống bên cạnh họ Đinh: Hoàng Thượng đã kịp tắm, thay quần áo chưa?

- Rồi. Thấy nàng đã ngủ, nên ta đã lẳng lặng bảo hai thị nữ chuẩn bị nước tắm rồi.

Nói đến đó họ Đinh liền nhắm mắt lại, nằm yên một lúc. Nghĩ rằng họ Đinh đã ngủ, ta thở hắt ra một cái, rồi thả lỏng người.

Đột nhiên họ Đinh lại mở mắt ra:

- Ngẫm nghĩ lại nàng về đây cũng đã được hơn hai năm rồi nhỉ?

- Vâng.. Thiếp về đây từ mùa thu năm Bính dần. Ta trả lời, trong lòng thoáng ngạc nhiên vì thấy họ Đinh lại để tâm đến chuyện ấy.

- Thời gian trôi nhanh thật! Ta còn nhớ ngày nào nhìn thấy nàng, ngay lập tức đã muốn lấy nàng về làm vợ. Vậy mà đã hai năm trôi qua vợ chồng mới được chung gối chăn như thế này.

Ta không hiểu họ Đinh đang nói gì? Ta với họ Đinh không phải chính là lần đầu nhìn thấy mặt nhau ở Hoa Lư này mùa xuân vừa rồi sao? Trong đầu nghĩ như vậy nhưng cũng không muốn hỏi lại, nên cứ im lặng nằm đó.

- Hôm đó nàng không thấy ta. Đó chính là hôm ta với Đinh Điền và Nguyễn Bặc từ doanh trại đến Đông Lỗ Trang để bái kiến phụ thân nàng. Lúc đi qua Giáp Mau thì thấy ở đó đang có lễ hội. Cũng chỉ định đi qua để xem thế nào, thì thấy giữa hội hè đông đúc một cô nương ăn mặc đơn giản mà vẫn không dấu nổi vẻ xinh đẹp, trang nhã lại tươi tắn như hoa vừa chớm nở đang đứng xem hai thị nữ của mình đánh đu, ta đã hỏi dân làng ở đó và biết chính là nàng, là con gái của Chương Dương Công. Ban đầu chỉ định đến vái chào, nối lại thâm tình giữa hai họ rồi xin ý kiến Dương Công về việc thu phục cựu Hoàng tử Ngô Xương Xí. Nhưng sau khi gặp nàng thì ta đã quyết, nhất định phải xin nàng về làm vợ.

À ra là như vậy! Quả thật hết sức bất ngờ!

Những hình ảnh của buổi sáng cuối Xuân đó chầm chậm trở về trong ký ức của ta. Hơi nhòe nhoẹt. Vì thực ra ta cũng không dành nhiều tâm trí cho cái ngày đi chơi Hội đó. Nhưng vẫn có thể mường tượng ra được khung cảnh trong buổi sáng hôm ấy.

Lúc đó hai thị nữ đã ra sức năn nỉ ta chơi đánh đu cùng các nàng. Nhưng vốn dĩ những ngày tháng đó ta chẳng còn thiết tha với bất kỳ điều gì nữa cả. Một nửa hồn ta đã theo Lê Hoàn ra trận rồi. Nửa còn lại lúc thì không ngừng nhớ thương mong ngóng chàng, lúc lại ôm ấp, gặm nhấm những kỉ niệm ngày bên nhau. Vậy nên ta một mực từ chối lời rủ rê đánh đu của hai nàng, chỉ đứng đó mà cổ vũ.

Lần dở lại ký ức chập chờn, ta nhớ có một khoảnh khắc nào đó đã mơ hồ cảm thấy như có con mắt của ai đó chăm chú nhìn về phía mình. Nhưng đến khi ngẩng lên nhìn ra xung quanh thì cũng không thấy có gì bất thường cả. Chỉ có một lúc nào đó, hình như đã nhìn thấy bóng dáng cao lớn của ba người ăn mặc nai nịt gọn gàng theo phong cách nhà binh đang hòa mình vào đám đông ồn ào xem hội, bước đi xa dần. Nhưng việc ấy cũng không có gì đáng chú ý cả. Nên sau đó cũng quên ngay.

Thế mà ngờ đâu số phận ta đã được định đoạt từ cái khoảnh khắc đó!

Nếu ngày đó ta không đi chơi Hội; nếu ngày đó có thể ẩn mình đi giữa đám đông để không lọt vào con mắt của họ Đinh như thế thì giờ ta đang ở đâu? Thốt nhiên thấy một nỗi buồn mơ hồ mà thấm thía như ánh sáng của một ngôi sao rơi trong đêm đông lạnh giá vút qua trong đầu.

Họ Đinh bất ngờ quay mình về phía ta, lấy tay chống lên đầu, nhìn ta rồi bảo:

- Nàng biết không, ngay lúc nhìn thấy nàng đứng đó ta đã yêu nàng rồi. Nàng chính là người vợ duy nhất mà ta thực sự chọn cho mình, người vợ mà ta thực sự muốn, chứ không phải do chủ ý của cha mẹ, hay vì những lý do gì khác. Việc ta đến bái chào Nhạc phụ Dương Công và xin cầu thân thực ra may mắn trùng hợp. Nếu nàng không phải là con của Dương Công, ta cũng nhất định tìm nàng.

Nghe những lời nói của họ Đinh ta không khỏi bất ngờ. Nhưng chẳng biết nên cảm thấy thế nào cho phải! Nếu là một ai khác thì đã có thể khóc nấc lên vì có được tình yêu của Hoàng Đế, có được một phút chân thành và yếu lòng chắc là rất hiếm hoi của người đứng đầu thiên hạ này rồi. Nhưng ta, ta phải cảm thấy như thế nào đây? Nên cảm thấy như thế nào cho phải đây? Đầu óc rối bời, ta cứ nằm đó không nói gì, mà cũng không dám nhúc nhích, cựa quậy.

Họ Đinh im lặng một lúc không thấy ta có phản ứng gì, bèn vòng tay qua vai kéo ta quay lại mặt đối mặt với mình, rồi cứ thế nhìn ngắm một lúc lâu. Ta không thể nhìn vào khuôn mặt, vào đôi mắt ấy, cũng không biết nên đặt ánh mắt của mình vào đâu, đành cụp mắt nhìn xuống ngực áo của họ Đinh. Họ Đinh vẫn không nói gì, chầm chậm đưa ngón tay cái lên vuốt nhẹ trên mi mắt của ta. Lên gò má. Vuốt nhẹ vào cánh tai. Rồi trướt nhẹ qua môi ta. Sau đó chầm chậm đưa bàn tay nâng cằm ta lên. Liền đó chẳng nói chẳng rằng gì nữa, cúi xuống áp chặt miệng vào môi ta và bắt đầu hôn. Người ta căng như dây đàn. Đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Có lẽ trong phút chốc đã trở nên tê liệt toàn thân cũng nên. Nhưng kỳ lạ là có một thứ mà ta lại cảm nhận được, nghĩ ngợi đến được rất rõ trong lúc đó, ấy là râu ria của họ Đinh cắm vào má, vào mặt ta rất đau, rát..

Ngấu nghiến đôi môi ta một hồi họ Đinh bỗng ngừng lại, nói trong hơi thở dồn dập:

- Sao nàng không hôn lại ta?

Câu hỏi làm ta choáng váng! Lẫn với hơi thở gấp gáp, nóng rẫy phả ra không ngừng, câu hỏi thì thầm ấy chắc là tràn đầy nhục dục, mà sao ta chỉ thấy như tiếng sấm giáng bên tai mình. Sống hay chết có phải chính ở giây phút này không? Ta ậm ừ lựa lời ứng phó: Thần thiếp.. chỉ là.. thần thiếp chưa quen..

Họ Đinh cười lên một tràng to làm ta giật nảy mình. Không biết kẻ hầu người hạ ngủ ở nhà ngoài có ai bị thức giấc không. Không quan tâm tới điều đó, họ Đinh lại vòng tay ra sau lưng kéo ta áp sát vào ngực mình, rồi liên tục hôn vào má, vào trán ta, vào khóe mắt, vào mang tai ta. Sau đó lại từ từ chuyển xuống áp chặt vào môi ta. Không dám lơ là một giây một khắc nào nữa, khi môi vừa chạm môi, ta lập tức đáp trả. Được đáp trả, họ Đinh càng lúc càng hôn cuồng nhiệt và ướt át. Làm ta thấy mình như cũng như bị cuốn đi theo.

Sau những nụ hôn thật dài và sâu tưởng như nghẹt thở, họ Đinh trườn đôi môi xuống cằm, xuống cổ, xuống ngực ta. Ta có thể cảm nhận rõ hơi thở hổn hển, nóng hổi phả vào làn da mình. Cùng đó thấy bàn tay to ráp, khỏe mạnh lướt khắp toàn thân ta. Vai. Lưng. Thắt lưng. Hông. Đùi. Rồi, sau một động tác nhanh và dứt khoát, đã thấy dây buộc áo yếm bị tháo tung ra. Liền đó họ Đinh chậm rãi nhưng mạnh mẽ luồn bàn tay to khỏe của mình xuống dưới chiếc áo yếm lúc ấy chỉ còn bám hờ trên người ta và bắt đầu khám phá.. Ta thấy mình giờ chỉ còn như một chiếc lá bé nhỏ giữa một dòng thác lớn. Bị cuốn đi. Cuốn đi. Bị nhấn chìm đi. Nhấn chìm đi. Nhấn chìm đi..

Buổi sáng hôm sau tỉnh dậy, nhìn qua khung của sổ, thấy ánh mặt trời đã chiếu rực rỡ bên ngoài, biết là muộn lắm rồi. Không thấy họ Đinh bên cạnh nhưng không biết là đã đi chưa, ta vừa lồm cồm ngồi dậy, vừa gọi Lan Nhi.

- Người đã dậy rồi sao? Nàng thị nữ chạy vào rồi đứng rón rén ở bên giường.

- Ta vừa mới dậy. Hoàng Thượng còn ở đây hay đã đi rồi?

- Đã đi lâu rồi ạ. Hoàng Thượng dậy từ sáng sớm và bảo phải sang bên công trường gấp. Khi đi Hoàng Thượng dặn cứ để cho người ngủ nên bọn em không dám gọi dậy.

Biết họ Đinh đã đi rồi, ta chẳng buồn dậy nữa, chẳng nói chẳng rằng, lại gieo mình nằm xuống giường. Thấy ta như vậy, Lan Nhi cứ nhùng nhằng ở bên giường, nửa định dời đi nửa định ở lại, định nói rồi lại thôi. Rồi cuối cùng sau một lúc lưỡng lự, nàng thẽ thọt cất lời:

- Em đi chuẩn bị nước rửa mặt và quần áo cho người nhé?

- Ừ, em giúp ta với!

Ta hững hờ trả lời rồi lơ đãng ngước nhìn lên những ô sáng hắt trên trần nhà. Là ánh sáng phản chiếu lại từ không gian sáng bừng bên ngoài chứ không phải là nắng rọi vào, nên nhờ nhờ, không rõ nét. Có hình dáng vuông vuông, tròn tròn, mà hình như lại không phải vuông vuông, tròn tròn.. Nhìn hút mắt vào đó một hồi thì lại thấy nghi hoặc, chẳng thể phân biệt nổi là có những ô sáng đó thật hay không. Thế rồi đầu óc trở nên hoàn toàn trống rỗng..

- Người dậy rửa mặt chải đầu đi ạ. Lan Nhi lại rón rén ở bên cánh màn.

Vẫn nằm trên giường ta bảo với Lan Nhi:

- Em bảo gia nhân chuẩn bị xe. Chốc nữa rửa mặt xong ta muốn ra lầu Vọng Nguyệt chơi một chút.

- Chưa ăn sáng gì mà đã đi sao?

- Ta không đói. Nhưng em có thể mang theo đồ ăn nhẹ ra đó để phòng khi ta muốn ăn cũng được.

- Vâng.

Lan Nhi trả lời rồi để chậu nước và khăn lau mặt ở trên ghế, lẳng lặng đi ra ngoài dặn dò Ngọc Nhi báo gia nhân chuẩn bị rồi lại quay vào giúp ta rửa mặt, chải đầu.

Nàng cứ thế lẳng lặng mà làm. Dấp ướt khăn đưa cho ta lau mặt, lấy khăn khô cho ta lau tay, lấy nước cho ta xúc miệng, rồi lấy gương chải tóc, trang điểm.. Nàng tuyệt không nói năng một câu nào. Bình thường, là người thân cận nhất của ta, những lúc như thế này nàng đâu có để yên, kiểu gì chả mồm năm, miệng mười một điều gì đó. Vậy mà giờ thì như ngậm tăm, làm cái gì, nói cái gì cũng ra vẻ trang nghiêm, cẩn trọng, dè chừng. Nàng ta bị sao vậy? Cơn bực mình lại dâng lên khi nhìn thấy cái khuôn mặt đăm chiêu, e dè của nàng. Nhưng rồi ta cũng lại nén lại được.

Ngoài đầm sen nắng cuối thu chiếu xuống chói lòa. Ở phía dưới thì mặt Đầm mênh mông như một tấm gương lấp lánh, sáng rực; còn ở phía trên bầu trời xanh trong văn vắt không một gợn mây. Nhưng ở quanh lầu sen đã tàn hết rồi. Bình thường cữ này trong năm sen cũng chưa tàn đến vậy. Nhưng năm nay không hiểu sao, ngày thì nắng nóng, có những buổi trưa còn nắng như mùa hè, nhưng đêm đến lại rất buốt giá. Cây sen không chịu được cái lạnh ấy cùng với sương đêm nên đã thâm đen, khô đét hết rồi. Mặt đầm không còn chiếc lá nào cả. Chỉ còn lại những cuống lá, những đài sen khô gục xuống mặt nước. Trông rất buồn thảm.

Ánh nắng vàng rực đấy, bầu trời xanh ngắt đấy, nhưng nhìn xuống hồ sen vẫn có thể cảm nhận thấy sự thê lương, lạnh giá đang đến rất gần kề rồi. Tất cả những lấp lánh, chói chang, xanh ngắt này rồi cũng tan biến thôi. Rồi tất cả đều sẽ phải nhường chỗ cho mưa phùn, cho lạnh giá, cho rét mướt. Ừ thì, rồi mùa hè sang năm sẽ lại tới, hoa sen sẽ lại nở rực rỡ. Nhưng ngẫm cho cùng, hoa sen sang năm là của những cây sen sang năm, đâu phải là những cây sen năm nay nữa. Những cây sen của năm nay, chẳng phải trong thời khắc này, thân thể đang dần muc nát ở dưới làn nước lạnh rồi sao?

Nghĩ vẩn vơ như thế, rồi bỗng thấy một sự nuối tiếc mơ hồ mà thấm thía dâng lên trong lòng. Trong thoáng chốc nước mắt đã lăn dài trên má.

Sao bỗng nhiên ta lại trở nên đa sầu đa cảm mà thương cho thân phận những cây sen như thế nhỉ? Thương cho những cây sen đang chết ở trong hồ. Hay thực ra ta đang khóc thương cho một cái gì cũng đang chết đi, hoặc đã chết đi ở trong lòng mình?

Thời gian thì vẫn vậy, ngày tiếp ngày trôi. Nhưng có cái gì đó đã thay đổi hoàn toàn rồi, đã chết thật rồi. Ở trong lòng ta ấy. Có cái gì đó đã vĩnh viễn bị chặn lại ở bên kia bức tường. Cái gì đó hoàn toàn khác với những gì ở bên này bức tường. Một bức tường mơ hồ thôi, không hình dạng, không màu sắc, không âm thanh, không hình khối, không thể nhìn thấy được, nhưng lại vững chắc hơn mọi bức tường trên thế gian. Bức tường ấy vừa được dựng lên tối hôm qua. Khi ta làm những việc đó cùng với họ Đinh. Nhưng đó là cái gì? Cái gì đã chết ở bên kia bức tường? Ta không còn là thiếu nữ nữa? Ta trở thành đàn bà ư? Phía bên kia bức tường ta là thiếu nữ. Phía bên này bức tường ta thành đàn bà. Ừ cũng phải. Nhưng điều đó có đáng gì đâu, đâu đến mức làm ta luyến tiếc đến thế? Đó phải là một thứ gì đó mà ta thấy sự mất mát của nó thấm thía ở trong lòng cơ.. Đó, có phải chăng chính là giấc mơ thiếu nữ của ta? Chính là những giấc mơ thiếu nữ bây giờ đã mãi mãi bỏ ta đi rồi, đã chết ở bên kia bức tường. Đã không bao giờ còn trở về với ta nữa? Ta đã từng mơ về điều gì? Mơ được trở về bên sông Càu Chày chạy nhảy, vui chơi. Mơ lại được một lần ở bên chàng, cùng trao nhau nụ hôn say đắm dưới những cơn mưa mùa hạ hay dưới ánh trăng thu mơ màng. Mơ lại được ở trong vòng tay ấy để một lần nữa cảm nhận thấy những thớ cơ chắc khỏe đang ôm ấp, che trở cho mình. Mơ được trở thành vợ chàng, được chăm sóc và yêu thương.. Giấc mơ ấy chưa bao giờ tắt, ngay cả khi ta đã về Hoa Lư này, suốt hai năm qua. Ta tưởng nó đã chết sau khi ta trở thành vợ lẽ của họ Đinh. Nhưng hóa ra nó vẫn còn leo lắt ở nó, ở nơi sâu thẳm trong tâm khảm ta. Nhưng đến hôm nay, sau những gì xảy ra đêm qua, ta hiểu rằng giấc mơ đó đã mãi mãi tàn lụi rồi..

Hai ba ngày sau họ Đinh cho người làm cả trăm con diều sáo. Một số phân phát cho hai đứa trẻ mất diều hôm trước cùng bạn bè của chúng để chơi cho vui. Số còn lại chia đi khắp nơi trong động. Từ đó chiều chiều tiếng sáo diều lại đua nhau ngân nga ở khắp nơi. Nhưng tiếng sáo như gợi lại kỷ niệm cũ. Như người quen xưa mà lại như không phải; như an ủi mà lại như trêu ngươi ấy chẳng khác nào những mũi dao cứa vào lòng ta.

Những ngày sau đó, khi ở công trường thì không nói làm gì, nhưng cứ khi về tới Động là họ Đinh lại qua nhà Tây ở với ta. Ta trở thành vị Nương nương được sủng ái nhất trong số bốn người vợ của họ Đinh lúc bấy giờ.