Nhị Triều Hoàng Hậu - Dương Vân Nga

Chương 20: Vĩnh biệt tứ trụ



Tưởng mọi chuyện đến đó là xong, dù bằng mặt chứ không bằng lòng thì các vị cũng sẽ cho qua đi mà cùng nhau lo việc nước. Ai ngờ cuối tháng Tư, cả bốn vị lần lượt xin cáo lão về quê để an hưởng tuổi già. Các vị nói đất nước đã qua cơn sóng gió, tuổi già cũng đã ập đến rồi, các vị không có mong muốn gì hơn là dành những tháng ngày cuối đời – chắc chắn cũng không còn dài nữa ở nơi quê hương, bản quán của mình cho trọn tâm nguyện.

Đến nước đó thì không ai cản các vị được nữa. Đành để các vị đi.

Suy cho cùng các vị ấy cũng không còn lựa chọn nào khác. Họ Đinh cùng Nam Việt Vương là những người đã vào sinh ra tử với họ để lập nên nghiệp lớn, giờ đã không còn nữa. Toàn Nhi chỉ là một đứa trẻ. Can gián ta không được giờ phải ngày ngày nhìn Lê Hoàn đi đi lại lại lo liệu mọi việc lớn nhỏ trong triều đình họ chắc cảm thấy mất hết cả động lực, chí khí. Nếu là ta, chắc ta cũng chẳng có lựa chọn nào tốt hơn các vị.

Lại nói về Lê Hoàn. Khi trước phong Vương, ta cứ sợ rằng lúc từ mặt trận trở về sẽ gặp ta mà phản đối hoặc có ý kiến gì về việc ấy. Sợ nhất là khi phải đối mặt với ánh nhìn khinh khi của con người ấy. Ta đã chuẩn bị tâm thế để bất chấp tất cả mà đối diện rồi. Nhưng đến khi trở về cũng không nói một lời nào về những việc đó. Cứ đúng phận sự của Phó Vương mà cùng Hoàng thượng và các vị đại thần bàn bạc công việc. Đến thì chào, đi thì hỏi kính cẩn, đúng phép tắc. Không một ánh nhìn ẩn ý, không một cái nhíu mày. Đôi mắt lúc nào cũng chỉ là một ánh nhìn phẳng lặng và sâu như nước, không ai có thể đoán đọc được điều gì. Ngay cả khi Hoàng thượng ra Thánh chỉ ban đất ở thành Đông để lập Vương phủ, cũng cứ cúi đầu đa tạ rồi kính cẩn đưa tay mà đỡ lấy Thánh chỉ, không nói thêm một lời nào.

Thái độ đó một mặt làm cho ta nhẹ nhõm. Ít ra ta cũng không phải đối mặt với chất vấn. Nhưng mặt khác lại giấy lên hàng ngàn câu hỏi, băn khoăn. Thực ra trong đầu con người ấy đang nghĩ suy điều gì? Căm hờn? Tức giận? Khinh bỉ? Bi ai? Thờ ơ? Trách móc? Không ai co thể đoán đọc được. Có cảm giác như người đứng trước mặt ta đó, mà giữa ta và người đã có một bức tường dày hàng chục tấc ngăn cách. Cảm giác như đó là một con người khác, chứ không phải là Lê Hoàn mà ta đã quen biết ngày xưa.

Mà có lẽ cũng phải thôi. Những chuyện xưa đã là chuyện cũ. Chắc người đã khép lại rồi. Bây giờ là con người ở hiện tại, sống cho những lo toan hiện tại. Hơn chục năm đã trôi qua rồi, ta cũng đâu còn là Vân Nga của ngày ấy nữa hà cớ gì bắt người vẫn phải như xưa? Từ bến sông Càu Chày khi xưa, ta cũng đã đi xa quá rồi, vậy mà ta vẫn muốn người không thay đổi, vẫn đứng ở đó chờ mình hay sao?

Những ngày mùa hạ về xanh mướt Hoa Lư.

Nhưng mùa hạ năm nay mưa nhiều. Thê lương và ảo não.

Hoặc mùa hạ vẫn như thế, mưa nhiều, nắng lắm, náo nhiệt, rực rỡ. Chỉ có lòng người là ủ dột?

Sau khi các vị đại thần đi rồi, mọi thứ tạm thời lắng xuống. Tưởng như ta sẽ được yên lòng một chút, thì lại một người nữa bỏ ta mà đi. Sau cái chết của họ Đinh thì sự ra đi của người ấy khiến ta đau lòng nhất.

Hôm đó trời bỗng ngớt mưa sau bốn, năm ngày mưa liên tiếp. Văn thư, tấu chương ít hơn thường ngày nên ta trở về cung Cồ Quốc sớm, ra vườn đi dạo.

Tuy đã tạnh mưa rồi nhưng đường đi lối lại, thân cây tán lá và khắp cả không đều ướt rượt. Một màn hơi nước mỏng, mềm từ dưới đất nhẹ nhẹ bay lên trời.

Đang đứng bên mấy bụi hoa ngâu trắng đợi Lan Nhi hái một ít mang về ủ trà, thì một bóng dáng quen thuộc thướt tha đi tới. Đó chính là Trinh Minh Nương nương. Lâu lắm rồi nàng mới ghé tới cung Cồ Quốc như thế này. Sau bao nhiêu biến cố xảy ra, bóng dáng quen thuộc ấy làm ta xúc động vô cùng.

Nàng bước lại gần thi lễ, ta vội đỡ nàng dậy rồi hỏi han sức khỏe, nói chuyện.

Từ khi Toàn Nhi lên ngôi, ta làm Thái hậu cùng con nhiếp chính tới nay giờ chúng ta mới có dịp ở riêng cùng nhau như thế này, nhận thấy câu chuyện không tránh khỏi phần khách khí. Nàng nói gì cũng thưa bẩm, một câu Thái hậu hai câu thần thiếp, còn bản thân ta cũng không thể tự nhiên mà chị em với nàng như trước được nữa, đâm ra cũng thấy không được tự nhiên. Mới thấy quyền lực thật là thứ ghê gớm, có thể đẩy con người ta tới chỗ mà chính người ta cũng không thể kiểm soát nổi mình. Nghĩ thế ta không thể không cảm thấy đau lòng, nén một tiếng thở dài, định bảo nàng không cần phải khách khí, ta với nàng vẫn là chị em thân thiết như bao năm qua mà chưa kịp cất lời thì đã nghe nàng bảo:

- Thần thiếp mạo muội đến tận đây xin gặp Thái hậu hôm nay cũng là vì muốn xin với người một việc.

- Có việc gì xin Nương nương cứ nói, không cần khách khí như vậy.

- Mẹ con thần thiếp đã nghĩ tới việc này sau khi tổ chức lễ Tốt khốc cho Tiên Đế xong xuôi, mà không ngờ xảy ra nhiều biến cố nên phải trì hoãn lại. Nay mọi việc đã đi vào quy củ mới đến xin với Thái hậu cho hai mẹ con được trở về quê hương sống cuộc đời thôn dã. Bao năm nay ở Hoa Lư, thần thiếp cũng chỉ có một ước nguyện như vậy mà thôi. Giờ đây chính là khi thích hợp để thực hiện việc này.

Câu nói của Đinh nương nhẹ như gió thoảng bên tai, mà ta lại thấy như đất sụp ở dưới chân mình. Ta nghẹn ngào, không giữ nổi trang nghiêm nữa, chụp vội lấy cánh tay nàng:

- Trinh Minh Nương nương! Sao chứ! Sao Nương nương cũng định bỏ em mà đi! Không thể thế được, em nhất định không để người đi được!

Nghe ta nói nàng không kìm được nước mắt, nhưng vẫn từ tốn, nhẹ nhàng bảo:

- Thần thiếp biết Thái hậu và Hoàng thượng rất mực yêu thương hai mẹ con thần thiếp. Nhưng đây thực sự là tâm nguyện cả đời của thần thiếp, xin Thái hậu và Hoàng thượng hãy vì yêu chiều mà đáp ứng nguyện vọng này.

Nói rồi ngừng một lúc cho bớt xúc động, nàng mới tiếp:

- Thái hậu còn lạ gì chuyện khi xưa, chính là vì mối giao hảo giữa các bên mà thần thiếp về Hoa Lư làm vợ lẽ của Tiến Đế. Thuở bé cùng các anh vùng vẫn sơn thủy, tự do tự tại trên lưng ngựa đã quen, cũng chỉ vì nghĩ tới đại cục chung nên mới chịu giam chân ở nơi này bao nhiêu năm, hết lòng thờ kính Tiên Đế. Giờ Tiên Đế đã mất, những trọng trách khi xưa cũng theo đó mà không còn nữa. Vậy nên cũng chỉ có một mong muốn là được trở về quê nhà thờ cúng mẹ cha, sống cuộc đời thôn dã thanh đạm.

"Nàng tàn nhẫn như vậy sao! Họ Đinh đi rồi không còn gì ràng buộc nữa, nên nàng muốn trở về quê hương bản quán để được tự tại hưởng thanh nhàn. Vậy còn ta, ta không mong muốn như vậy hay sao? Sao nàng nỡ bỏ ta đi mà vui thú một mình!" Ta định hét lên với nàng như thế. Nhưng nàng đã lấy cả những chuyện khi xưa ra mà phân tích phải trái như vậy thì ai còn có thể nói được gì? Hơn nữa cũng chẳng thể so sánh địa vị của ta với nàng bây giờ để mà nói thế. Ta và nàng cùng là vì sắp đặt mà về Hoa Lư này, mà gắn bó gian khổ hoạn nạn bên nhau. Nhưng con ta giờ là đương kim Hoàng Thượng, ta trở thành Thái hậu cùng con buông rèm nhiếp chính; còn nàng, họ Đinh mất rồi, không cớ gì mà nàng phải ở lại đây để luồn cúi dưới trướng mẹ con ta cả. Tranh giành quyền lực với mẹ con ta nàng càng không ham – nếu nàng đúng là Trinh Minh Nương nương mà ta biết. Vậy thì hà cớ gì mà bắt nàng phải ở lại. Có lẽ nàng đi cũng là để tránh cho Toàn Nhi và Tuệ nhi những tranh đoạt tương tàn nếu có về sau.

Nghĩ thế ta không còn biết nói sao nữa cả. Chỉ đứng đó, nước mắt tuôn dài trên má. Định nói nốt một câu "đến Nương nương mà cũng bỏ em đi thì còn ai ở bên em nữa đây" nhưng lại sợ nàng phải suy nghĩ, phải đau lòng, nên lại thôi, chỉ bảo:

- Vậy hai mẹ con hãy bảo trọng. Ngày mai em sẽ cho thông báo trước triều đình. Ngày đi khi nào Nương nương nhớ báo trước, em sẽ bảo người hầu kẻ hạ chuẩn bị chu tất.

- Đa tạ Thái hậu!

Nàng lau khô nước mắt, nói. Rồi vội vã rời đi.

Còn ta đứng lại một mình giữa vườn. Mưa xuống lúc nào không biết. Đến khi giật mình như người tỉnh mộng thì thấy chỉ còn Lan Nhi đứng xòe ô bên cạnh che cho ta. Đưa mắt nhìn xuống thấy gấu váy đã bị nước mưa hắt ướt sũng tự bao giờ. Lúc ấy Lan Nhi mới khẽ bảo:

- Về thôi Thái hậu! Kẻo ngấm nước mưa vào người ốm bây giờ!

Ba ngày sau Trinh Minh Nương nương và Thân Vương mang theo vài người hầu kẻ hạ thân cận và rất ít đồ đạc rời đi. Ta không đến tiễn nàng. Đi nhanh chóng như thế mới thấy, đúng là nàng đã chuẩn bị cho việc này rất kỹ càng rồi. Dẫu ta có không muốn thì cũng chẳng có cách nào ngăn cản được nàng.

Nhớ năm xưa chân ướt chân ráo về Hoa Lư, chính là nàng đã lo lắng, chăm sóc cho ta từng miếng ăn, giấc ngủ. Nhờ có nàng mà những ngày tháng ấy bớt cô quạnh và đau thương.

Sau khi chiến tranh kết thúc, từ Động Hoa Lư chuyển về kinh thành cho tới khi hai tiểu Hoàng tử ra đời, đến lúc bị cuốn vào những sóng gió ngấm ngầm trong cuộc tranh quyền đoạt vị, chúng ta đều là có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Tưởng như không thể chia rời. Thế mà rồi, khi mọi sóng gió đã đi qua, khi tưởng rằng bình yên sẽ đến thì lại chính là lúc tan đàn xẻ nghé. Không ngờ hai chữ "Hoàng vị" lại có sức mạnh ghê gớm đến như vậy. Dù không tranh đoạt, không đầu rơi máu chảy thì nó cũng khiến cho những mối quan hệ xunh quanh mình không bao giờ nguyên vẹn được nữa, nó cũng khiến cho người bên cạnh ta, nghĩ là không thể rời xa, mà vẫn bị đẩy ra xa mãi mãi.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, nếu không phải là ta còn có Toàn Nhi, thì ta quả thực cũng chẳng khác nào Đan Gia hay Kiểu Quốc Nương nương, chẳng còn lại một tấm chân tình nào ở lại bên mình hay sao? Hóa ra, kẻ thắng hay kẻ thua, người thành hay người bại, cũng đều có những lúc phải đứng trơ chọi một mình vậy.

- Bẩm Thái hậu, có quân lính ở Đạo Ái vừa đi hỏa tốc về, xin vào gặp gấp, có việc hệ trọng cần trình báo.

Một buổi chiều nhá nhem tối đầu tháng Sáu, khi ta cùng gia nhân vừa từ Ngự thư phòng trở về cung Cồ Quốc thì có thị vệ vào bẩm báo.

Đoán chắc phải có việc gì hệ trọng lắm thị vệ mới dám vào làm phiền ta vào lúc này, ta liền cho vào.

Thị vệ trở ra cổng Cung rồi mau chóng trở vào cùng hai tráng sỹ mang theo thẻ bài của Tri phủ Ái Châu. Sau khi thỉnh an sức khỏe của Hoàng thượng, Thái hậu, hai người nhanh chóng trình bày:

- Bọn hạ thần về cấp báo, để Hoàng thượng, Thái hậu cùng các vị đại thần triều đình kịp thời tìm cách đối phó. Ấy là việc Phạm Hạp, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ đang chiêu quân, mộ lính để kéo về kinh thành đòi tiêu diệt Phó Vương. Hiện con số thanh niên trai tráng theo bốn người này cũng đã lên tới gần một nghìn. Vì vậy xin Hoàng thượng cùng triều đình mau chóng tìm đối sách hợp lý.

Ta giật nảy mình, bảo:

- Sao lại có chuyện đó! Sao bỗng dưng lại mang quân về tiêu diệt Phó Vương? Các vị ấy mất trí rồi hay sao? Đầu đuôi như thế nào, ngài Tri phủ đã nghe ngóng được những gì, các người hãy thuật lại cho rõ!

- Bẩm Thái hậu, chẳng là Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ sau khi cáo quan trở về đều lập ấp ở trong vùng để an dưỡng tuổi già. Vừa rồi nghe tin Trinh Minh Nương nương cùng Thân Vương rời kinh thành trở về nguyên quán ba vị đã hết sức tức giận. Lại có tin đồn rằng..

- Rằng sao? Nói!

- Rằng.. chính là Thái hậu và Phó Vương có tư tình dan díu, định cùng nhau thâu tóm mọi quyền lực trong tay nên đã ép Trinh Minh Nương nương và Thân Vương phải rời kinh thành để tiện cho việc mưu tính về sau. Vì thế các vị ấy, đã liên lạc với Phạm Hạp ở bên vùng An Sách, cùng nhau dựng cờ tuyển mộ trai tráng để tiến về Hoa Lư tiêu diệt Phó Vương, lấy lại công bằng cho Thân Vương và Trinh Minh Nương nương.

- Láo toét! Ngậm máu phun người! Ta không thể giữ nổi bình tĩnh mà hất đổ luôn ly trà Lan Nhi vừa đặt lên trên bàn. Người hầu kẻ hạ trong Cung cùng hai tráng sỹ ở Đạo Ái về thấy vậy đều hết sức run sợ, quỳ rạp cả xuống. Chỉ có Lan Nhi bình tĩnh dọn dẹp chiếc chén và lau sạch trà đổ ở trên bàn.

Tại sao lại có chuyện như thế truyền về tận Đạo Ái được? Ai? Vì mục đích gì mà lại loan tin như thế? Ta giận run người mà nhất thời không thể nghĩ ra nổi. Lại quay sang bảo với hai tráng sỹ đưa tin:

- Tri Phủ ở Đạo Ái còn nghe ngóng được gì nữa không?

- Dạ tất cả chỉ có vậy. Ngài Tri phủ xin triều đình hãy nhanh chóng có biện pháp đối phó kịp thời. Bởi nếu để lâu sẽ gây ra những diễn biến không tốt cho tình hình địa phương.

- Được rồi. Ta sẽ cho triệu tập Phó Vương cùng các vị đại thần để bàn bạc cách giải quyết. Các vị hãy theo thị vệ tới nhà khách nghỉ ngơi, đi hỏa tốc đường dài về đây cũng đã mệt rồi. Các vị hãy nghỉ ngơi một vài hôm cho lại sức, rồi ta sẽ bảo chuẩn bị ngựa xe để hai tráng sỹ về nhà an toàn.

Hai người đi rồi liền bảo Lan Nhi chuẩn bị xe kiệu để tới Ngự thư phòng, đồng thời cho thị vệ đi triệu tập gấp Phó Vương Lên Hoàn cùng Tâm phúc Tướng quân Phạm Cự Lượng.

Một loáng hai người đã có mặt, trên khuôn mặt cũng không dấu nổi sự bất ngờ, băn khoăn vì ta triệu tập gấp gáp vào buổi tối như thế này.

Đợi thỉnh lễ xong, không để hai người phải đợi lâu, ta chủ động mở lời luôn:

- Vừa có tin ở Đạo Ái báo về các vị Phạm Hạp, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ đang dương cờ tuyển mộ trai tráng hòng tiến về Hoa Lư tiêu diệt Phó Vương, đòi lại công bằng cho Thân Vương và Trinh Minh Nương nương. Vậy hai ngài hãy mau nghĩ kế sách đối phó, nhanh chóng dẹp yên chuyện này, kẻo đến lúc lớn chuyện, đất nước rơi vào nạn can qua thì trăm họ lại phải chịu cơ cực.

Nói rồi không khỏi bối rối, không biết nói sao với hai vị về cái tin đồn ta cùng Phó Vương dan díu với nhau. Đằng nào thì các vị cũng sẽ biết, cần phải biết. Mà nói ra chuyện ấy thì thật là tệ hại.

Đang suy nghĩ như thế thì Tâm phúc Tướng quân lên tiếng, từng lời từng chữ như gỡ cho ta thế bí vậy:

- Thần cũng không bất ngờ về việc này. Thần nghĩ cái chính là các vị ấy rắp tâm tiêu diệt Phó Vương, chứ việc đòi lại công bằng cho Thân Vương và Trinh Minh Nương nương cũng chẳng qua chỉ là cái cớ họ dựng lên để thu phục nhân tâm mà thôi. Khi Tiên Đế vừa qua đời, triều đình đang hết sức rệu rã, giặc Chiêm Thành thì rình rập ngoài biên ải, Thái hậu phong Lê thập đạo Tướng quân làm Phó Vương để thay mặt hoàng tộc, triều đình lãnh đạo ba quân sẵn sàng đối phó, các vị ấy không hề nghĩ tới đại cục chung mà chỉ khăng khăng một lòng trung thành với họ Đinh, nên nhất mực phản đối. Rồi đến khi Hoàng thượng ban chỉ cấp đất để Phó Vương lập Vương phủ, họ cũng phản đối ra mặt và lập tức cùng nhau cáo quan về quê. Tư tưởng chống đối, muốn tiêu diệt cho được Phó Vương chính là đã nhen nhóm từ lâu vậy. Giờ chỉ là họ kiếm cái cớ để thực hiện việc đó mà thôi.

- Vậy các ngài định thế nào?

- Đạo Ái báo về bọn họ đã chiêu mộ được bao nhiêu quân lính? Phó Vương Lê Hoàn vẫn im lặng từ lúc đến, giờ mới lên tiếng.

- Khoảng gần một ngàn người.

- Thái hậu đừng lo, thần sẽ đích thân mang ba ngàn quân tiến về Đạo Ái để tiêu diệt bọn họ. Thiết nghĩ nhổ cỏ cần nhổ tận gốc, kẻo về sau cỏ dại lan ra, lúc ấy mới thật là đại họa.

- Phó Vương lại một phen vất vả rồi! Mọi việc xin giao ngài lo liệu.

Hai người thỉnh lễ rồi cáo lui. Họ vừa ra tới cửa thì ý nghĩ "còn nước còn tát" chợt chạy qua đầu ta, bèn gọi họ quay trở lại và bảo:

- Bản cung thực sự không biết nói sao về chuyện này, không hiểu sao lại có chuyện như vậy đồn đại về tận Đạo Ái, nhưng người ở Đạo Ái báo về, các vị ấy nổi dậy là vì tin rằng ta và Phó Vương đây đang dan díu tư tình, vậy nên mới ép hai mẹ con Trinh Minh Nương nương về quê để dễ bề thâu tóm quyền lực ở triều đình. Vậy Phó Vương hãy cố gắng thuyết phục các ngài ấy rằng không có chuyện này, tránh hết sức để cảnh đầu rơi máu chảy xảy ra. Dù sao các ngài ấy cũng đều là những người có công lớn với đất nước..

Phó Vương Lê Hoàn cùng Tâm Phúc Tướng quân khấu đầu tuân lệnh rồi trở về Phủ thất.

Chỉ còn lại ta cùng Lan Nhi trong bóng tối tịch mịch u sầu của Ngự điện.

Thế mới thấy làm Đế Vương của thiên hạ đâu phải là chuyện gì đáng vui mừng. Phú quý sang giàu thì cũng chỉ có thể nem công, chả phượng ngày ăn ba bữa. Ngọc ngà châu báu dát lên người thì khi đi ngủ cũng phải cởi bỏ, lúc nằm xuống có chắc mang theo được! Thế mà phải lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ và lúc nào cũng như ngồi trên lưng cọp. Thế mà sao phải vì những điều đó để mà tranh đấu, giết hại ần nhau? Sau khi họ Đinh mất, mới chưa đầy nửa năm mà không biết bao nhiêu chuyện xảy ra, thật khiến người ta mệt mỏi. Rồi đây không biết sẽ còn xảy ra những chuyện gì? Hai mẹ con ta khác nào hai chiếc lá cuốn theo dòng nước. Chẳng biết rồi đây sẽ ra sao?

Mấy ngày sau buổi bàn bạc tại Ngự điện, Lê Hoàn đích thân dẫn theo ba ngàn lính tinh nhuệ tiến về Đạo Ái. Chừng giữa tháng Sáu thì có tin báo về, trên đường tiến về Đạo Ái, quân của Lê Hoàn đã đụng độ trực tiếp với quân đội của Lưu Cơ, Nguyễn Bặc, Đinh Điền. Do nghe ngóng được tin Lê Hoàn dẫn quân về tiêu diệt, nên các vị đã chủ động bày binh bố trận tấn công trước để dành thế chủ động. Chừng ngày hai mươi tháng Sáu thì nghe tin báo về cả ba vị đều bị tiêu diệt. Quân của Phạm Hạp ở Nam Sách nghe tin ấy tự tan, nhưng Lê Hoàn vẫn không chịu buông tha, quyết tiến quân về Nam Sách để nhổ cỏ tận gốc. Phạm Hạp bị bắt rồi bị chặt đầu.

Không biết họ Đinh bây giờ thì vui hay buồn? Vui mừng vì cuối cùng thì cũng được hội ngộ với những người tâm phúc đã cùng mình bao năm vào sinh ra tử, nằm gai nếm mật, lúc nào cũng hết lòng vì mình? Hay sẽ đau lòng vì tất cả giờ lại thành ra thế này? Vì sao lại có tin đưa về Đạo Ái như thế? Tại sao các vị không nghe giải thích? Tại sao các vị không chịu tin? Tại sao cứ nhất quyết đòi tiêu diệt cho bằng được Lê Hoàn các vị mới thỏa? Không phải chính lòng trung thành mù quáng với dòng họ Đinh đã giết họ hay sao? Không những thế còn kéo theo biết bao sinh mạng vô tội vào cuộc nồi da, nấu thịt vô nghĩa này.

Họ Đinh ở trên núi Mã Yên nghĩ sao về việc này, ta không bao giờ biết được. Còn ta, từ khi nghe tin Phạm Hạp, người cuối cùng trong bọn họ, đã từng sát cánh cùng họ Đinh gây dựng cơ đồ khi xưa nằm xuống thì không sao cầm nổi nước mắt. Đau đớn như rụng rời cả chân tay!

Khi xưa xông pha trận mạc, oai phong lẫm liệt là thế! Khi xưa chính bàn tay các vị đã cùng cha con họ Đinh tạo dựng nên cơ đồ này, xây dựng nên đất nước này, xây dựng nên Hoa Lư như ngày nay! Thế mà nay các vị ấy chết như những kẻ tội đồ! Là vì ai? Vì cái gì? Rốt cuộc vì sao phải như vậy chứ?

Bốn tượng đài quá khứ ấy đổ xuống, ta biết rằng mọi chuyện mãi mãi không bao giờ được như xưa nữa rồi.

Họ Đinh đi. Nam Việt Vương đi.

Đan Gia Hoàng hậu đi.

Kiểu Quốc Và Trinh Minh Nương nương tìm nơi ở ẩn.

Bốn ngài công lao như núi, kiêu phong lẫm liệt, kết cục cũng không tránh khỏi tang thương.

Hoa Lư giờ đây cũng như trở nên xa lạ.

Chẳng còn ai nhớ, ai quen..

Nước ở dòng Sào Khê vẫn xanh một màu thăm thẳm.

Ngọn Mã Yên vẫn ở đó nơi họ Đinh an nghỉ.

Nhưng ánh sáng hào hùng thuở hồng hoang mở cõi của họ đã khép lại mã mãi rồi!