Nhu Phúc Đế Cơ

Quyển 1 - Chương 1-2: [Đôi nét về bối cảnh lịch sử]



Câu chuyện được sáng tác trên dựa trên vụ án "Công chúa thật, công chúa giả" có thật trong lịch sử Trung Quốc.

Trong những năm Tĩnh Khang cuối thời Bắc Tống, kinh đô Biện Kinh thất thủ khi quân đội nước Kim đánh vào. Cùng với hai vua là Thái thượng hoàng Huy Tông và Hoàng đế Khâm Tông, tổng cộng hơn 100 ngàn người bao gồm toàn bộ hoàng thất, bá quan văn võ, nam nữ quý tộc, thợ khéo, nhân dân trong thành... đều bị bắt đưa về Kim. Sử gọi đây là "Tĩnh Khang chi biến" (biến cố Tĩnh Khang), hay "Tĩnh Khang chi sỉ" (Nỗi nhục Tĩnh Khang). Tại Kim, hai vua Tống bị phế làm thứ dân, lại bị ép mặc đồ Kim và tới bái lạy ở miếu Kim Thái Tổ. Toàn bộ nữ quyến hoàng thất, không kể phi tần, công chúa, quận chúa, huyện chúa, vương phi, cung nữ, hay con dâu, cháu dâu, cháu gái của Tống Huy Tông đều bị phân chia làm thê thiếp cho vua quan, quý tộc, tướng lĩnh nước Kim. Một số còn bị đưa vào Tẩy Y Viện - thực chất là một kỹ viện cao cấp - làm kỹ nữ. Tĩnh Khang chi biến đã trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ của triều Bắc Tống, được đánh giá là một nỗi nhục nhã hiếm thấy đối với một triều đại trong lịch sử Trung Quốc.

Hoàng tử thứ chín của Tống Huy Tông là Triệu Cấu (sau là Tống Cao Tông) may mắn trốn thoát, chạy về Trung Nguyên, lập nên triều Nam Tống. Vài năm sau, có một cô gái tự xưng là Nhu Phúc đế cơ (em gái cùng cha khác mẹ của Triệu Cấu - dưới thời Tống Huy Tông công chúa được gọi là "đế cơ") chạy trốn về phía Nam. Cô gái có dung mạo rất giống Nhu Phúc trong trí nhớ của mọi người, chỉ có duy nhất một điểm kì lạ là nàng có đôi bàn chân to, trong khi Nhu Phúc có đôi bàn chân nhỏ do đã bị bó. Cô gái giải thích là do đường xá xa xôi, đi lại gian khổ nên bàn chân sớm đã không còn thon nhỏ được nữa. Triệu Cấu tin tưởng, thừa nhận thân phận của nàng.

Tuy nhiên, lại vài năm nữa qua đi, Vi Thái hậu, mẹ đẻ của Tống Cao Tông được người Kim thả về nước. Gặp lại con trai, bà mới hay chuyện về Nhu Phúc, kinh ngạc nói rằng Nhu Phúc sớm đã qua đời vì bệnh tại nước Kim rồi. Thân phận bị vạch trần, Nhu Phúc giả bị xử tội chết. Thế nhưng, rốt cuộc vị công chúa này là thật hay giả vẫn đang là còn một nghi án bí ẩn chưa có lời giải trong lịch sử. Thực ra phần đa mọi người đều nghiêng về một giả thuyết khác: Vi Thái hậu khi còn ở nước Kim cũng đã tái giá với Hoàn Nhan Tông Hiền - một quý tộc và cũng là người trong tông thất Kim, thậm chí còn có với ông ta hai đứa con trai. Vì lo sợ Nhu Phúc sẽ nói việc mình thất tiết ra, Vi thị mới vu oan nói Nhu Phúc là công chúa giả. Giả thuyết này không phải hoàn toàn vô căn cứ, mà xác thực có một số bằng chứng lịch sử chứng minh việc này có khả năng đã xảy ra.

Đây là một câu chuyện "dễ đoán được kết thúc, song không đoán được quá trình", lấy đi nước mắt của người đọc. Ngoài các yếu tố tình cảm, đây còn là một bộ tiểu thuyết lịch sử xuất sắc từ kiến thức cho tới hành văn. Biết tới Milan Lady nhờ "Cô Thành Bế", sau bộ "Nhu Phúc đế cơ" này thì chính thức thành fan của chị luôn =D

Hi vọng các bạn cũng sẽ yêu thích câu chuyện:)

Singapore, 06/12/2020

Cá Muốn Học Bay