Nước Chảy Mây Vương

Chương 3: Hứa



Hai hôm sau, Côn Luân rời đi. Chuyến hàng lần này rất lớn: giấu trong dầu sơn, thuốc phiện sống là các loại hạt thô, hạt gạo mịn và hạt kê. Đợi đến lúc về, chỗ này có thể đổi được một lượng kim ngân đáng kể.

Loạn thế kéo hơn vài trăm dặm, kim ngân châu ngọc tất cả đều mất giá rất nhiều, thua xa lương thực thực dụng. Tiền bạc không có còn có thể gắng gượng, người chết đói thì có thể trở mình được chắc?

Thành Dậu Dương không lớn không nhỏ, cách xa trung tâm loạn thế hàng ngàn dặm, ban cho các thế gia đại tộc buộc phải chạy về phía tây nam để tránh lui họa chiến tranh thiên chọn vạn tuyển, chọn ở nơi đó dựng trại đóng quân, nuôi con nuôi cái, cùng nhau lớn mạnh. Người các thế gia đề cử làm thành chủ là một nhân vật bát diện linh lung (khôn khéo), lợi hại. Thành Dậu Dương dưới sự cai trị của người này cũng coi như là có chút thái bình, thịnh vượng. Nhưng ai nào có thể ngờ được nạn chiến tranh vẫn sẽ gây tai vạ đến cái nơi chim không thèm đậu này đây? Hai toán binh từ chèn ép nhau đến hạ quyết tâm vây thành chỉ mất nửa tháng. Thành một khi đã bị vây thì đạo lý cũng chẳng cần. Đám binh sĩ lục thân (bố, mẹ, anh, em, vợ, con) không nhận chỉ nhận tiền, bắt đầu vơ vét của cải thì tuyệt không nhân từ nương tay. Mỗi lần bóc lột như vậy, thế gia đại tộc trong thành đều phải dâng lễ vật cho chúng nó. Chuyện này có phó thác cho hoàng đế cũng không được. Tướng tại ngoại, chủ lệnh hữu sở bất thụ. ("... dĩ tiện quốc gia." - Tướng ở ngoài tiền tuyến, vì lợi ích của nước nhà, lệnh vua ra có thể không theo.) Huống hồ, đám hoàng đế vốn là có lòng dạ muốn gây khó dễ -- nhân lực trẻ khỏe của thế gia đại tộc ra ngoài hợp tung (hợp nhiều nước nhỏ đánh một nước lớn) liên hoành (nước mạnh lôi kéo nước yếu để tấn công những nước khác), làm cỏ chóp tường (gió chiều nào theo chiều đó), hễ bán chút nhân tình là được hưởng lợi lộc, cái gì tốt đẹp đều chảy vào túi hết. Bảo sao không muốn chèn ép chết lũ các ngươi! Chế trụ được vợ con các ngươi là bằng đánh dập đầu một con rắn! Xem xem các ngươi còn dám cơ cấu, dám mua bán tin tức ảnh hưởng thời cuộc tình hình chiến đấu hay không!

Người đi không được, ruộng lại bỏ hoang. Ruộng không bỏ hoang thì cũng sẽ bị dân tị nạn đói tới mức có thể giết người phóng hỏa cướp sạch. Đánh nhau mấy chục năm không ai dám tập trung làm ruộng. Đám binh lính cứ càn quấy như châu chấu, không để lại một hạt thóc, thì thà làm dân tị nạn còn hơn. Vì thế ngay cả trong việc ăn, các thế gia đại tộc cũng bắt đầu hiện ra chút quẫn bách. Quả to còn sót lại, vài vị hoàng đế không hẹn mà cùng chia nhau, dựa vào chữ "ăn" mà rêu rao, thổi phồng. Lương thực mười ngày cấp một lần, lương thực dư ra là không có, bữa tiếp theo là khi nào thì còn phải xem tâm chí bọn họ có kiên định hay không. Nhưng thắng bại của kẻ dụng binh có thể là chuyện nói mồm sao? Hôm nay người chiếm thành, ta vào thành, ngày mai hắn lại đoạt lại thì chẳng nhẽ lại không thanh toán ta? Thế gia đại tộc rèn luyện mấy trăm năm, người nắm dây cương đều đã thành tinh, những chuyện thanh toán này đều tinh tường hiểu rõ. Trừ phi trần tục bình định, bằng không không thể về phe ai, đỡ phải hai đầu ăn đao. Thái độ không thể quá mập mờ nhưng cũng không thể quá thẳng thắn. Chuyện cung ứng lương thực mơ hồ, tuy rằng còn xa tình cảnh đói rét, nhưng phòng ngừa chu đáo cũng không phải là sai. Vì thế cho nên mới có lái buôn chạy hai bên. Họ đàm phán ổn thỏa với những loại người nửa là kẻ liều mạng, nửa là kẻ thích đánh cược như Côn Luân ở vùng biên giới, lợi dụng kẽ hở của chiến tranh mà thần không biết quỷ không hay, vận chuyển mấy chục thuyền lương thực. Hai bên tiền trao cháo múc, ai nấy cũng hài lòng, thỏa mãn.

Trong vô số sự thỏa mãn đó, có một phần bất mãn là thuộc về Cục Thịt.

Những đứa trẻ khác trong làng đương tụ tập một chỗ vui đùa như điên, chỉ có nó là không gia nhập được, nom có chút cô đơn, lẻ loi. Lúc Côn Luân ở thì không phát hiện, Côn Luân vừa đi, bao tư vị một ngày của nó liền mất sạch. Nó chỉ có thể đợi, đợi cho phần tư vị kia tự mình trở về. Đan xen với sự chờ đợi chính là những mối lo âu vô căn cứ. Nỗi bàng hoàng vì không nhà để về, không người chăm lo, không nơi nương tựa, ép tới mức nó trở nên ít nói. Vẻ hoạt bát, mau cười ban đầu dần dần cũng biến mất.

Lần này chờ cực kỳ lâu. Tiết thu mát mẻ đã tới, gió núi buốt giá thấu xương. Dẫu cho ngươi có mặc bao nhiêu, cái se lạnh của mùa thu miền Tây Nam bộ với sương mù và mưa gió vẫn thấm khắp nơi, thấm vào người, thấu vào da thịt, đe vào tận xương thịt. Cục Thịt lạnh tới nỗi không thể ngồi yên, lon ton chạy ở đầu phố nhưng vẫn lạnh tới mức môi nhỏ thâm tím lại. Tối đến không thấy nó về, bà cụ sẽ đi tìm nó, trong tay là một nắm gừng, quả trứng, nước đường nâu, run rẩy uốn lượn trên con đường đá xanh. Bà vừa đi vừa nghỉ chân, khi ra đến đường đã thấy thân hình Cục Thịt đứng cạnh con ngựa đá, dáng người nhỏ bé bị gió núi mưa tuyết thổi cho run bần bật.

Thật đáng thương mà!

Tuy không phải trẻ con nhà mình nhưng đã nuôi lớn lâu như vậy rồi thì tình cảm cũng đã có. Thêm cơm ăn áo mặc, hỏi han ân cần, sống nương tựa lẫn nhau, có thể không có tình cảm được sao?

"Cục Thịt à, về nhà thôi! Trời tối rồi, sáng mai mình lại đến nhé?" Bà lẩm bẩm, tháo cái chum đất ra rồi đưa cho nó: "Này là vừa nấu xong đấy, uống hai ngụm cho khỏi lạnh. Cứ để lạnh rồi ốm là không tốt đâu." Cục Thịt lắc đầu, như thể đã uống no gió rồi. "Uống đi, ấm bụng là ấm người. Côn Luân rồi sẽ về thôi. Nói không chừng sáng mai con vừa mở mắt là thấy y rồi đấy." Bà dùng một giọng nói già nua có thể nhìn thấu cả thế giới để ban cho Cục Thịt một chiếc "bánh lớn". Dẫu cho cả làng đều đã cho là Côn Luân đi đêm nhiều ("...có ngày gặp ma."), lần này sợ là không về được thì bà vẫn phải nhường cho Cục Thịt một phần an tâm có thời hạn từ nơi bà.

Thời hạn là sáng hôm sau, là khi Cục Thịt mở mắt ra. Đến lúc đó, nó mới phát hiện "cái bánh lớn" mà bà cụ cho nó chỉ là thiện ý kín đáo, là một loại từ bi dù chân tướng đã ở ngay trước mắt nhưng lại vẫn không nỡ nhẫn tâm vạch trần.

Bốn mươi ngày qua đi, Cục Thịt từ đầu phố xê dịch tới cổng làng. Ở cổng làng có một cây mun che trời che nắng, người trong làng coi nó là nơi để cúng bái thần linh, phàm những việc vặt vãnh nan giải, nói không rõ tả không được đều ném cho thần đi đau đầu. Cục Thịt cũng muốn phó thác phần tâm bệnh này. Thác cũng không thác suông. Nó biếu thần cây điểm tâm, dọn xong "cống phẩm" rồi thì sẽ quỳ rạp ở rễ cây, cuộn thành một rúm nho nhỏ, thời gian quỳ cũng càng ngày càng dài.

Các trưởng lão trong làng đã bắt đầu bàn chuyện của Cục Thịt, xem nhà ai nguyện ý nhận nuôi. Nếu không có thì phân công, gửi nó mỗi nhà một ngày. Gửi một vòng như vậy thì cũng hết ba tháng, chả nhẽ lại không nuôi sống được!

Loại "ủy thác" này qua loa hơn nhiều. Gửi nhờ mấy trăm, hơn một ngàn người, mỗi nhà ở một ngày, cũng ăn cơm trăm họ, mặc quần áo của nhà nhà. Mấy trăm hơn một ngàn người này đều là cha mẹ huynh tỷ đệ muội, thành một đoàn người mơ hồ, cắt không đứt mà càng kéo thì càng loạn. Ai cũng có chút quan hệ nhưng lại chẳng thân cận với bất kỳ ai.

"Tam Tự Kinh", "Thiên Tự Văn" có thể bỏ qua. Sẽ không có ai mang nó tới khe núi có lá phong đỏ muôn nơi, đọc nó nghe "Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa" (Sơn Hành - Đỗ Mục). Sẽ không có người cõng nó lên núi Vạn Nhận để ngắm mặt trăng to lớn kỳ quái. Sẽ không có người nửa đêm còn vượt hơn ba mươi dặm sơn đạo chỉ để nhặt cái mạng nhỏ của nó về. Sẽ không có người vì căn bệnh không thuốc chữa của nó mà vượt từng dặm đưa nó về. Sẽ không có người vì nó mà dũng cảm đánh cược với thần đá thần cây thần giếng, để đổi một mạng lấy một mạng.

Cục Thịt kêu khóc thống thiết. Nó càng khóc, sự "ngoan cường" trong tính tình kia lại càng hiển hiện. Nó không tin Côn Luân sẽ chết ở một cái xó không tên, từ đây mai danh ẩn tích. Nó không tin Côn Luân sẽ nói không giữ lời, miêu tả từng "cái bánh lớn" một nhưng đến chết cũng không hoàn thành.

Ba tháng qua đi, tang sự cho Côn Luân làng cũng đã làm, chỉ có Cục Thịt là liều chết không nhận. Nó chính là cứ vậy mà chạy dưới tàng cây, cứ vậy mà trông mòn con mắt, sau đó lại khắt khe gấp bội với chính mình. Cơm trưa cơm tối đều cúng thần cây thì cũng thôi đi, đằng này ai cho chút đồ ăn vặt, chút nước uống nó cũng sẽ cúng luôn. Côn Luân mua cho nó đồ chơi, cái xe, con ngựa, con dê, gì nó cũng bày lên, chỉ cầu chúng có thể mang về cho nó một Côn Luân toàn tu toàn vĩ (nguyên vẹn). Toàn bộ những thứ nó tích cóp được nhanh chóng tiêu tán, thứ tiêu tán cũng có cả nụ cười vốn luôn dư dật của nó. Nó càng ngày càng bủn xỉn với chính mình. Dù là sáng sớm hay chạng vạng, nhất cử nhất động, đồ ăn tiết kiệm được, nó đều lưu lại ở cây đại thụ trong làng, cúi đầu quỳ lạy.

Đây là lần đầu tiên người Miêu thấy được lòng dạ cứng cỏi của người Hán. Đứa nhỏ như vậy mà lại không cam lòng buông tha sinh tử, tự mình chuốc lấy cực khổ, tự làm tự chịu.

Những gì họ nhìn thấy ở bóng dáng nhỏ bé nằm gục dưới gốc cây đại thụ là sự bướng bỉnh, cứng đầu, đã đụng tường nam còn không quay đầu*. Chỉ có bà cụ qua đôi giày nhỏ thó, đôi bàn tay cùng gương mặt bé tí ngày càng đen sạm và quần áo xộc xệch của Cục Thịt mà thấy được nỗi chua xót, tuyệt vọng của nó.

(*) Bất tràng nam tường bất hồi đầu (不撞南墙不回头): không đụng tường nam không quay đầu; chỉ người cố chấp, không nghe lời người khác; tường nam là tường ở phía nam, ở đây là chỉ bức tường bình phong chắn trước cửa hậu viên/nhà trong của các nhà có thế lực, địa vị theo kiến trúc xưa của người TQ