Nương Nương Quá Cố

Chương 1



1.

Cha tôi phải mất rất nhiều công sức mới mở được nắp chiếc quan tài màu đỏ tươi kia ra.

Sau lớp bụi mù mịt, một vị nương nương nhà Thanh đang ngủ yên.

Bà ấy quấn một tấm vải liệm với hoa văn hình tròn, trên cổ đeo một chuỗi triều châu, trong miệng ngậm viên minh châu, hai má ửng hồng.

Thân thể không bị phân huỷ, khuôn mặt không bị thối rữa.

"Đây đúng là Lão phật gia rồi!”

Cha tôi cả kinh, ông ấy cũng được tính là một nửa thầy phong thủy, biết chút chút về đạo pháp.

“Người ta đều bảo rằng, phần lăng mộ phía Đông của Thái hậu đã bị Tôn tư lệnh dùng đạn pháo nổ tung. Hừm, những món đồ được chôn cùng bà ấy quả thật đã bị cướp đi hết. Nhưng ông cố nội của con ngày xưa ở trong quân đoàn sáu lại bảo là, sau khi tiến được vào bên trong lăng mộ, trong quan tài chẳng có ai cả.”

Bọn trộm mộ trắng trợn đến mức các lão thần đời trước tại thủ đô cũng hay tin.

Lập tức chuyển quan tài của Thái hậu đi ngay trong đêm.

Nếu không do những trận động đất thường xuyên xảy ra vào tháng sáu, chắc tôi cũng chẳng thể nào biết được:

Bên dưới cái chuồng lợn nơi mình sống đã nhiều năm, vậy mà ẩn giấu một ngôi mộ cổ.

Mặt mày cha tôi sáng bừng, đẩy tôi lên trước:

“Nhị Cẩu, con mau tới lấy viên dạ minh châu trong miệng Thái hậu ra đi!”

Nhưng mà… nếu chạm vào thi thể nữ giới, âm khí sẽ lan khắp cơ thể, nặng thì có thể mất luôn hồn phách.

Thấy tôi cứ do dự không dám quyết định, anh trai tôi khó chịu, tát tôi một phát thật mạnh.

“Mày mau đi đi, tao sắp phải thi đại học rồi, không thể chạm vào mấy thứ xui xẻo này.”

Hai bọn tôi là anh em sinh đôi, thế nhưng lúc sinh ra, cơ thể của anh tôi khoẻ mạnh, toàn vẹn.

Còn tôi, tay phải thiếu mất hai ngón, hai chân khập khiễng, chỉ đáng sống ở chuồng lợn như một con chó 𝘨𝘩ẻ.

Tôi bị anh mình đánh đến mức miệng mồm hộc máu, chỉ còn một chút sức lực, bước đến đưa một tay nắm lấy quai hàm của Thái hậu.

Trên mặt bà ấy phủ một lớp bụi than, nhìn từ xa, nước da mịn màng như thiếu nữ.

Nhưng chỉ cần chạm tay vào liền có thể sờ thấy những nếp nhăn bên dưới lớp bụi.

Giống như vỏ thân gỗ 𝘤𝘩ết, lạnh lẽo như vảy rắn.

Tim tôi đập nhanh như sấm chớp.

Lúc hoảng loạn cúi đầu, tôi cũng chẳng để ý đến việc máu nơi khoé miệng tôi nhiễu xuống giữa môi bà ấy.

Có lẽ do ánh sáng của ngọn nến ở rất xa, nửa sáng nửa tối lập loè, khiến tôi cảm thấy hình như lớp da môi bị nhuộm đỏ ấy bỗng nhè nhẹ động đậy.

2.

Đến hít thở, tôi cũng chẳng dám thở mạnh, chủ yếu là vì tôi đang ở quá gần.

Tôi có thể ngửi thấy một mùi tanh hôi nồng nặc từ mái tóc đen bóng của Thái hậu.

“Còn ở đấy lò mò cái gì? Mau lấy nó ra đi!”

Dưới sự hối thúc không ngừng của anh trai tôi, tôi cố hết sức bóp mở miệng của 𝘵𝘩𝘪 thể ấy ra.

Tim tôi như lỡ mất một nhịp.

Rồi cố gắng dùng ba ngón tay trên bàn tay thiếu mất hai ngón của mình mà thọc vào miệng bà ấy.

Lưỡi của 𝘵𝘩𝘪 thể kia thè ra ngoài, cứ như một sợi dây cao su đã mất hết độ đàn hồi, chạm vào lòng bàn tay tôi.

Cảm giác lạnh lẽo cùng ướt át khiến da gà da vịt của tôi nổi khắp người.

Cảm giác buồn nôn cũng theo đó chạy thẳng từ lòng bàn chân lên tới đỉnh đầu.

Cũng chính một khắc này…

Hạt châu trơn trượt lọt xuống dưới, mắc kẹt lại nơi cổ họng.

Trong ngôi mộ không có gió, không khí mang cảm giác dinh dính, mồ hôi tôi đã đổ ra như tắm từ lâu, ba ngón tay chụm lại, cố sức nhét vào bên trong tìm kiếm viên châu.

Cuối cùng viên châu cũng đã về đến tay.

Ngày hôm sau, lần đầu tiên cha tôi cho phép tôi được ngồi vào bàn ăn cơm.

Thậm chí, ông ấy còn hỏi tôi một cách rất tử tế, nhẹ nhàng:

“Nhị Cẩu, con sắp mười tám tuổi rồi, cũng nên lập gia đình rồi đấy.”

Tim tôi bỗng đập thật nhanh, dâng lên một cảm giác không lành.

“Cha giúp con tính qua rồi, ngày sinh tháng đẻ của con rất hợp với Thái hậu. Ngày mai đi, chúng ta tổ chức tiệc vui luôn nhé.”

3.

Tôi như 𝘤𝘩ết lặng, ông ấy muốn tôi cưới ai?

Cưới cái xá𝘤 già đó ư?

Cha tôi bực bội, dập điếu thuốc trong tay rồi nói:

“Mày thì hiểu gì chứ?”

“ Âm thê vượng trạch - mày hiểu không? Thái hậu là người phụ nữ cao quý nhất thiên hạ, mộc gặp hoả là may mắn vô cùng lớn, vận mệnh cao quý không gì sánh bằng.”

* Âm thê vượng trạch: (tạm dịch) lấy vợ ma, gia đình thịnh vượng.

“Một khi làm xong cái đám cưới ma này, nhập vào gia phả hoàng gia thì gia đình ta cũng sẽ trở thành hoàng thân quốc thích. Tao tự có cách để Thái hậu bảo vệ anh trai mày, cho nó thi đậu, làm nở mày nở mặt, trở thành kẻ xuất chúng hơn người.”

Tôi ngơ ngác thầm nghĩ, từ khi nhà Thanh sụp đổ đến nay cũng đã hàng trăm năm.

Một hồn ma trăm năm mà có thể phù hộ cho người ở thời hiện đại hay sao?

Cha tôi làm chủ gia đình, nói một là một, nói hai là hai, không ai có thể trái lời ông.

Tôi nhìn sang mẹ tôi cầu cứu.

“Nhưng nếu chuyện này bị người trong thôn biết được, có khi nào người ta cười nhạo Đại Long hay không? Sau này làm sao nó tìm được vợ cơ chứ?”

Bà ấy quả thật là người mẹ tốt, suy nghĩ chu đáo đến mức đấy.

Anh trai tôi cười cười:

“Mẹ, mẹ yên tâm đi, con đã xây xong tường cao bao quanh chuồng lợn trong đêm qua rồi, ai mà biết được chứ? Nhị Cẩu tàn tật như thế sao có thể lấy được vợ, bây giờ như thế xem như là lợi cho nó quá rồi ấy chứ.”

Mẹ tôi mặt mày rạng rỡ, khen con trai mình thật giỏi.

Dáng vẻ mẹ con tình thâm tươi cười với nhau khiến trái tim tôi bỗng lạnh đi.

Trong mắt mẹ, tôi chỉ kẻ liên luỵ đến người khác.

Với những thứ rắc rối, bà ấy luôn gạt bỏ rất nhanh chóng, rất nhẹ nhàng.

Đấy có thể xem là sự thông minh của những người ở tầng lớp phía dưới, tự bảo vệ bản thân mình.

Ngay cả ông nội tôi, cả đời sống vì gia đình, vì đôi chân bỗng mất đi khả năng vận động mà phải đến bệnh viện huyện lấy thuốc định kì, họ cũng có thể nhẫn tâm ném ông vào tận núi sâu trong một ngày đông rét mướt.

Ông nội là người duy nhất đối xử tốt với tôi, tôi muốn ngăn họ lại, liền bị cha tôi đá cho một phát đến gãy xương sườn.

Ông ấy vừa đá vừa mắng chửi.

“Cái thứ làm tao mất mặt này! Tao đã tạo nghiệp gì mà lại sinh ra đồ tàn phế như mày chứ. Mày còn kiếm chuyện nữa thì tao cũng ném mày đi luôn đấy!”

Đêm hôm ấy, tôi mặc một chiếc áo chú rể rách nát.

Bị người nhà của mình đưa vào trong mộ.

4.

Cha tôi đốt lá bùa đỏ phía trên có ghi ngày sinh tháng đẻ của đôi vợ chồng, kéo tôi bị trói gô lại vào bên trong.

“Mày phải ở cùng với Thái hậu đến khi gà trống gáy sớm báo trời sáng thì mới xem như nghi lễ đã hoàn thành.”

Anh trai tôi đứng ở bên cạnh, cười một cách nham hiểm, kỳ quái.

“Tên nhóc mày làm được mà, từ giờ về sau mày được thành người ở rể chỗ Thái hậu rồi đấy.”

Tôi cười lạnh, trước khi ra khỏi nhà, cha mẹ tôi rõ ràng đã lẩm bẩm:

“Mệnh của Thái hậu là người cao quý, khuyết điểm duy nhất chỉ có âm khí quá mạnh, khắc chồng khắc con, Nhị Cẩu lần này đi ắt sẽ gặp chuyện. Nhưng mà ai bảo do số nó không may, sinh ra đã là đứa tàn tật chứ?”

Mẹ tôi thở dài:

“Có thể hi sinh vì cái nhà này là phúc phần của nó.”

Sợi dây thừng rất thô, rất dày, tôi không thể nào vùng vẫy ra được, bờ vai của 𝘵𝘩𝘪 thể kia dựa sát vào tôi.

Ánh mắt tôi liếc qua phần tai của 𝘵𝘩𝘪 thể, một con côn trùng màu vàng nhạt đang từ từ thò đầu, bò ra ngoài.

Không biết đã qua bao lâu, mấy cây nến đỏ được thắp trong hầm mộ bỗng nhiên chập chờn, chập chờn rồi vụt tắt.

Nhưng mà… dưới hầm mộ vốn không có gió mới đúng chứ.

Trong bóng tối, tôi cảm nhận được một loại cảm giác kinh hoàng chưa từng có.

Bởi vì…

Có một thứ gì đó ướt át, nhớp nháp đang chạm đến quần áo tôi.

Giống như một đôi bàn tay mềm nhũn, lạnh lẽo, xoa tới xoa lui trên bờ ngực tôi, nhào nặn liên tục không ngừng.

Toàn thân tôi đổ hết mồ hôi lạnh, thở hổn hà hổn hển vì sợ hãi.

Đầu óc cũng trở nên choáng váng, gần như nghẹt thở vì thiếu đi dưỡng khí.

Thế nhưng, ngay lúc chạm vào mặt dây chuyền gần tim tôi, bàn tay ấy cứ như bị bỏng, vội vã nhấc ra.

Cũng chính lúc đó, tôi tỉnh lại.

Vừa cúi đầu nhìn, gần như hồn vía lên mây.

Một bàn tay ma quỷ với những móng tay dài đến cả thước.

Thứ trên cổ tôi đang đeo là một chiếc gương bát quái, cũng là di vật của ông nội tôi để lại.

Năm ấy, khi ông nội bị ném vào trong núi, mỗi ngày tôi đều trộm đồ ăn đem đến cho ông.

Ông nội biết bản thân chẳng còn nhiều thời gian nữa, ông nói với tôi:

“Con à, cái này… con giữ lấy.”

“Ông cố nội của con ngày xưa đã cùng Tôn tư lệnh vào Nam ra Bắc, đã đến không biết bao nhiêu hầm mộ. Chiếc gương này có thể tránh tà, cho dù có xảy ra bất cứ chuyện gì, con cũng đừng tháo xuống. Tấm lòng hiếu thảo của con, ông nội nhớ kỹ rồi.”

Tôi hôn mê đến tận sáng hôm sau mới bị đánh thức bới tiếng la hét.

Mẹ tôi gào thét tên anh trai tôi.

Trong phòng, anh trai tôi giống như một khúc gỗ, nằm cứng đờ.

Nửa trên thân thể của anh ta để trần, phần da ở ngực hoàn toàn bị lột s@ch.

Nhìn từ xa, trông giống như chiếc áo vest đỏ mà chú rể hay mặc vậy.

Cha tôi hoảng hốt, lôi tôi từ trong hầm mộ ra, bắt đầu đánh đập.

“Tối hôm qua động phòng với Thái hậu tại sao lại là Đại Long? Mày đã làm gì hả?”

5.

Tôi lập tức phản ứng lại được ngay.

Chính là tác dụng của cái kính mà ông nội cho tôi!

Ngày sinh tháng đẻ của tôi và anh trai gần như trùng khớp, nếu không làm gì được tôi thì thứ đó chắc chắn sẽ tìm đến anh ta.

Nhưng tôi nào dám nói ra sự thật, tôi chỉ có thể dùng tay che đầu, khóc lóc xin tha.

“Cha! Cha canh chừng ngay ngoài hầm mộ, cha biết con chưa từng ra ngoài cơ mà! Chuyện cấp bách bây giờ là cứu mạng anh ấy kia kìa!”

Cha tôi là một kẻ gà mờ, bình thường nhiều lắm cũng chỉ làm mấy cuộc mai mối cho người âm, làm gì đã gặp qua mấy chuyện thế này.

Ông ấy lấy lại bình tĩnh, đi mời cao nhân đến giúp đỡ.

Người được mời đến này là một vị đạo sĩ có đạo hạnh rất cao, vừa trông thấy đã hiểu ra mọi chuyện.

“Lão Vương, ông làm chuyện ngu xuẩn gì thế!”

Người ấy nổi giận mắng.

Cha tôi sợ mất hồn:

“Đám cưới ma không phải tiến hành như thế à? Tôi đều theo sách cổ mà làm đấy thôi.”

“Người bình thường muốn cưới xin đều phải đưa sính lễ. Thân phận của Thái hậu thế nào chứ hả? Ông muốn lấy bà ấy cho con trai làm vợ ma, khiến cho gia đình thịnh vượng, phát tài nhưng một chút sính lễ cũng không có. Cưới con khỉ ấy chứ cưới!”

6.

Muốn rước Thái hậu về nhà thì phải cưới hỏi đàng hoàng.

“Gửi thiệp rồng phượng, tặng lễ vật đính ước, chiêng trống ăn mừng, tiệc lớn linh đình mời người thân và bạn bè, một điều cũng không thể thiếu. Nếu không mạng sống của cả nhà ông đều sẽ trở thành sính lễ cho nương nương!”

Những điều này khiến cha tôi nghe xong mà ngẩn người.

Trước kia đám cưới ma ở trong thôn cùng lắm chỉ là buộc mấy tờ giấy thôi, làm gì có chuyện bắt ép theo quy củ đến vậy.

Nhìn thấy bộ dạng sống dở chết dở của đứa con trai, mẹ tôi đau lòng, mắng:

“Bao nhiêu tuổi đầu rồi, còn từng là goá phụ, sao đến khi thành ma cũng còn kiêu ngạo như thế chứ!”

Anh trai tôi nhập viện, xem như miễn cưỡng giữ được tính mạng.

Lúc trở về, trên người anh ta đầy những vết áp xe, có vết to như hạt óc chó, sau khi vỡ ra thì chảy đầy những mủ.

Mỗi ngày anh ta đều nằm trên giường chửi bới, mẹ tôi khuyên bảo thì bị anh ta đạp ra.

Đạo sĩ kia liền khuyên cha tôi đem trả lại viên dạ minh châu.

“Bây giờ dừng lại cũng vẫn còn kịp.”

Cha tôi lại nói:

“Lúc nhỏ, ông nội tôi từng kể, vào thời dân quốc, có gia đình nọ phát hiện ra ngôi một của một vị quý nhân. Cũng làm đám cưới ma, cũng nhập vào gia phả rồi biến thành linh hồn độ cho nhà họ, vừa bảo vệ gia đình vừa phù hộ phát tài. Họ làm cái gì cũng đều giàu to, chỉ cần con cái thờ cúng hương hoả tốt, mấy đời sau cũng không gặp vấn đề gì, tha hồ mà hưởng phúc. Giờ nhà họ Vương chúng tôi muốn làm trái ý trời, tự thay đổi vận mệnh của mình thì mạo hiểm một chút có làm sao?”

Thảo nào, nói muốn anh trai tôi được vượt trội hơn người là giả.

Muốn vì chính bản thân mình đạt được nguyện vọng mới là thật.

Đạo sĩ xem tình hình hiện tại thấy có nói cũng như nước đổ đầu vịt nên bảo thôi bỏ đi, sau đó liệt kê ra một danh sách thật dài, bảo bọn họ đi chuẩn bị cho hôn lễ.

“Vàng giấy mười sáu cân, hình nhân cung nữ mười tám người, tiền giấy tám cân, một bộ mão phượng hoàng Hạ Kỳ, bàn ghế gỗ hoè mười bộ,...”

“Nhiều dữ vậy? Mua bấy nhiêu đấy thì tốn bao tiền mới đủ?”

Sắc mặt cha tôi vô cùng khó coi.

“Cưới một đứa con dâu thật cũng không tốn đến bằng đấy đâu!”

Đạo sĩ già cười lạnh:

“Cây hoè là cây mang âm khí, trăm quỷ đến ăn tiệc nếu không ngồi bàn ghế gỗ hoè thì ngồi ở đâu đây? Nếu ông không nỡ chi tiền mà vẫn muốn cưới vợ ma cho con thì tự mình nghĩ cách đi.”

Cha tôi lập tức ngăn ông ấy lại, bảo sẽ nhanh chóng chuẩn bị.

Khách đến dự tiệc chỉ là khách, không phải người thật.

Trông thấy tôi muốn chuồn đi, đạo sĩ già đưa tay túm cổ áo tôi kéo lại:

“Nhị Cẩu, tối nay cậu ra bãi tha ma mời lũ ma quỷ đến dự tiệc nhé.”

7.

Tôi không chịu, cha tôi lại rút dây thắt lưng ra, quất tôi.

“Mày cưới vợ thì mày phải đi mời cưới, không lẽ muốn cha mày đi thay mày nữa à?”

Tôi cúi gương mặt vừa bị đánh đến nóng rát xuống, cố gắng che giấu hận ý ngập tràn nơi đáy mắt.

Màn đêm buông xuống, nơi bãi tha ma vô cùng yên tĩnh, mộ phần ở khắp mọi nơi.

Tôi quỳ trước một ngôi mộ đã cũ, trên mộ cắm một lá cờ cầu hồn trông hết sức đáng sợ.

Trong bóng tối đen kịt chỉ có chút ánh sáng mơ hồ, nhìn chẳng rõ tên họ người đã khuất, tôi dập đầu lạy loạn xạ.

Trước khi xuất phát, lão đạo sĩ đã đặc biệt dặn dò:

“Mời ma quỷ đi ăn cưới cũng có quy tắc riêng. Ba quy tắc này cậu phải nhớ cho kỹ, nếu không mời đến thì dễ nhưng tiễn đi thì khó.”

“Thứ nhất, đốt thiệp cưới xong, cúi lạy hai cái, vì cậu không có duyên có phận gì với chủ mộ cả, không được lạy đến cái thứ ba.”

“Thứ hai, trước khi trời sáng nhất định phải trở về.”

“Thứ ba, trước mỗi ngôi mộ thắp một nén nhang, nhang cháy được phân nửa thì phải thổi tắt, nếu không ăn tiệc xong thì hồn ma chẳng biết đường trở về mộ của mình.”

Tôi thổi xong mấy nén nhang, đợi mãi một lúc sau vẫn chẳng thấy có chút động tĩnh nào.

Bốn phía ngoài tiếng gió hú ra, chỉ có tiếng tôi đang hít thở.

Bỗng nhiên, dưới mộ hình như có động.

Lưng tôi đổ mồ hôi lạnh, cứ cho là mình tự sinh ra ảo giác, những cơn gió âm u không ngừng thổi quanh, thổi đến mức cỏ dại xung quanh bắt đầu kêu lên xào xạc.

Tôi lấy hết can đảm, tai áp sát vào bên cạnh phần mộ để lắng nghe.

Từ bên trong truyền đến những âm thanh nghèn nghẹt.

Lần này tôi đã có thể nghe rõ, thoạt đầu là những âm thanh rất nhỏ, cộc cộc vài tiếng, rõ ràng là từ trong quan tài truyền ra.

Tôi kinh hãi đến ngã ngồi xuống đất, chân mềm nhũn ra không đứng dậy nổi.

Đạo sĩ có nói như thế nghĩa là bước đầu đã thành công rồi.

Theo tiếng gõ ấy, những âm thanh tiếp theo bỗng to hơn, nhanh hơn.

Trong tiếng gió cũng bắt đầu xen lẫn những tiếng khóc thảm thiết.

Một cơn ớn lạnh chạy dọc theo sống lưng tôi.

Không dám trì hoãn thêm chút nào nữa, môi tôi run rẩy lên tiếng:

“Mùng bảy tháng bảy, Vương Nhị Cẩu cùng Diệp Hách Na Lạp cùng nhau lập khế ước, kết mối lương duyên. Rượu nước đủ đầy, kính mời các vị đến chung vui…”