Ôm Trăng Sáng

Chương 187: Dễ đổi



Chuyển ngữ: Trầm Yên

...........................................................

Tuyết lớn tung bay ngoài Ngự Thư Phòng, trong phòng đốt đầy địa long như thể sợ ai chết cóng.

Lương Hoàn ngồi nghiêm chỉnh, đanh khuôn mặt nhỏ nhìn Lương Diệp đáng sợ trước mặt, nắm chặt viên kẹo trong tay.

Lương Diệp đang chán ngán nghe các thần tử Nội Các thảo luận về việc có nên tăng nhân lực lo liệu kỳ thi võ hay chăng; có nên coi khảo sát binh pháp là vòng quan trọng nhất không. Ánh mắt lơ đễnh của hắn dừng tại Lương Hoàn. Ngay sau đó, dưới cái nhìn hoảng sợ của thỏ con, hắn lười biếng nhấc tay, nắn bóp lần lượt hai búi tóc tròn vo trên đầu bé.

Lương Hoàn bị dọa sợ nấc cụt một tiếng. Mọi người đang khắc khẩu liên miên đồng loạt im lặng.

Bé con rưng rưng nước mắt trề môi. Lương Diệp liếc bé với ánh nhìn đe dọa, rất có phong phạm 'Ngươi dám khóc là trẫm ăn thịt ngươi đấy'.

Lương Hoàn nhìn Thôi Kỳ cầu cứu.

"..." Thôi Kỳ hờ hững buông hàng mi.

Vì vậy, Lương Hoàn lại nhìn sang Bách Lý Thừa An với biểu cảm đáng thương vô cùng.

Bách Lý Thừa An vừa một chọi ba, khẳng khái thản nhiên nở nụ cười an ủi bé rồi lặng thinh.

Thái tử Điện hạ nhỏ tiếp tục chuyển ánh nhìn tới chỗ Yến Trạch và Thôi Vận nom có vẻ rất oai phong tài giỏi. Hai ông lão nhanh trí, bắt đầu xem xét nội dung quy định mới của kỳ thi võ cải cách vừa được chốt xong. Dư lại nhóm người Tăng Giới thì họ thậm chí còn chẳng dám ngẩng cả đầu lên.

Dạo gần đây Bệ hạ điên quá, bọn họ không dám chọc giận mặt rồng. Ít nhất Bệ hạ bắt nạt Thái tử nhỏ chỉ là việc bóp búi tóc, chứ sang đến bọn họ thì thành bóp đầu rồi.

Kiểu bóp rồi bứt ra ấy.

Lương Diệp cười vừa kiêu ngạo, vừa hả hê. Lương Hoàn khụt khịt mũi, gục đầu nhỏ im thin thít.

"Sao không ầm ĩ nữa rồi?" Lương Diệp chọc gương mặt mềm núng nính của Lương Hoàn, nói với mọi người: "Hôm nay chưa quyết định xong thì các vị đừng về nhà nữa."

Vào đến lỗ tai mọi người, câu nói ấy đã biến thành 'Hôm nay chưa ầm ĩ ra kết quả thì các vị đừng ngắm mặt trời ngày mai nữa'.

Lừa kéo xe thồ cho chủ vẫn có thời gian nghỉ ngơi. Đây Bệ hạ chẳng những không cho nghỉ mà lúc không hài lòng còn giết lừa nữa.

Đống đầu người rơi rụng dưới đài hành hình Đại Đô còn chưa được chuyển đi hết kìa.

Vì lẽ đó, hiệu suất công tác của triều đình mới bắt đầu tăng vùn vụt. Dù sao làm ăn vớ vẩn là chết ngay. Không một ai muốn đầu mình chuyển nhà cả.

Đến cả Thôi Vận chính trực ngay thẳng cũng từng lặng lẽ khuyên Lương Diệp, nói rằng cứng quá dễ gãy, nước trong quá ắt không có cá. Hà khắc ép buộc thần tử triều đình, không chứa chấp nổi một hạt cát trong mắt vậy dễ tức nước vỡ bờ. Lương Diệp chẳng những không nghe mà còn làm gắt hơn, chọc cho Thôi Vận giận không nuốt nổi cơm ba hôm liền.

Bách Lý Thừa An ngày ngày bận chân không chạm đất, bị Lương Diệp sai làm phần việc của tám người cộng lại, còn bị trừ mất nửa số ngày nghỉ tắm gội, mệt đến nỗi toàn thân tối tăm u ám, trên đường vào chầu, đang gặm bánh mà cũng ngủ gật được, khiến phái nữ trong Đại Đô thương đến rơi nước mắt, không biết đã mắng Hoàng đế bao nhiêu lần.

Tăng Giới từng bị Lương Diệp cảnh cáo, vốn tưởng Lương Diệp sẽ không tiếp tục tin dùng mình. Nào ngờ ông ta lại thành đối tượng bận bịu nhất Nội Các, chạy vạy khắp nơi từ trong ra ngoài, đi nhiều đến nỗi bộ xương già sắp bung ra. Ông ta rất nghi Lương Diệp đang trả thù mình, nhưng xui ở chỗ không có bằng chứng, đành phải cam chịu số phận chạy tiếp.

Yến Trạch nghĩ vắt óc cũng không lường được một ngày mình lăn xả tới tận chức chưởng quản Nội Các. Thế nhưng khi ngồi lên vị trí cũ của Văn Tông, ông ấy mới thấu hiểu những khó khăn năm xưa của ông lão sức khỏe như trâu kia. Vừa trung hòa nhiều thế lực vậy, vừa một mình giữ thăng bằng cán cân địa vị giữa nội triều và ngoại triều. Đồng thời, ông ấy cũng rõ hơn về tài năng của tên điên Lương Diệp này, tuy nhiên phần đông mọi người đều bị vẻ ngoài điên khùng của hắn che mờ mắt, không hề hay biết hắn đã lợi dụng vỏ bọc gàn dở ấy để hoàn thành biết bao việc khó nhằn một cách dứt khoát lưu loát.

Trước thềm năm mới, Hứa Tu Đức được gọi về, đến Đại Đô vẫn hơi ngẩn ngơ. Bởi theo lẽ thường tình, ông ta phải làm hết nhiệm kỳ ba năm trưởng quận đã. Vậy mà ông ta chẳng những được gọi về, còn đạp vận cứt chó gì đấy nên được điền vào chỗ trống của Nội Các. Mặc dù là vị trí cuối nhưng là Nội Các đó! Không riêng gì ông ta mù mờ, thầy Yến Trạch của ông ta còn buồn bực hơn. Yêu cầu của ông ấy với học trò mập này xưa giờ chỉ có đừng tham quá, đỡ liên lụy cho ông ấy phải vào tù. Nào ngờ nhóc mập không chỉ không vào tù mà còn vinh dự gia nhập Nội Các, cười khổ vuốt ve chiếc bụng từng tròn vo giờ đã gầy đến da bọc xương của mình...

Lữ Thứ dứt khoát chỉnh đốn gọn gàng quân phía Tây, bản thân chưa kịp đi tranh công đã bị một bản thánh chỉ của Lương Diệp giữ lại phía Tây. Chức thống lĩnh quân phía Bắc được chuyển giao cho một tướng lĩnh bình thường khác. Lữ Thứ không ý kiến gì nhiều. Bởi với tính tình đa nghi của Lương Diệp, làm vậy trái lại mới khiến hắn yên tâm.

Tiêu Viêm được giữ lại Đại Đô tiếp quản cấm quân. Tuy hắn có mối quan hệ tốt với Lương Diệp nhưng cũng biết người cha Tiêu Văn Bách của mình thống lĩnh quân đội bảy quận đã là kham quyền to lắm rồi. Lương Diệp cho phép con cái hắn vào cung học cùng Thái tử, hắn chỉ biết mang ơn đội nghĩa. Tiêu Văn Bách có duy nhất đứa con trai này. Khi cháu trai và cháu gái vào cung, ông lão cũng đoán được ý của Lương Diệp, bắt đầu phân bổ quyền khiển binh mình đang nắm giữ, làm vậy ít nhất có thể vẻ vang phần nào cởi giáp về quê.

Các thống lĩnh đội ngũ thân binh Lương Diệp lãnh đạo cùng bị cắt chức, giao cho những chức quan nhỏ nhặt nên rất nhiều người không hài lòng. Tuy nhiên, xét thấy Lương Diệp quả thực không phải người chủ có thể "thương lượng", ngươi dám thương lượng với hắn thì hắn ắt cũng dám cho ngươi xuống đất gặp tổ tiên, thành ra họ đành cam chịu số phận, cũng thầm mắng Lương Diệp vong ơn phụ nghĩa, ăn cháo đá bát. Tóm lại trong lòng cực kỳ khó chịu.

Sở Canh và Lưu Tân Bạch đích thân chứng kiến cảnh chém đầu Tuân Dương. Trước đài hành hình, họ gặp lại bạn thân cùng trường năm xưa. Hồi ấy, bọn họ có tài nhưng không gặp thời, kết bạn xuống phía Nam du học tại nước Triệu, vì Đại Lương gặp nạn nên quyết đoán quay về, theo Bách Lý Thừa An lo nạn dịch bệnh tại huyện Quảng Viễn. Ai nấy tràn trề sức trẻ, hăng hái nhiệt huyết, hẹn thề lấy thân mình cống hiến cho quốc gia, dẫu chết cũng không hối hận. Chẳng qua, chốn quan trường thăng trầm, sự đời khôn lường, lơ đễnh chút thôi đã thành cảnh còn người mất. Khi thanh đao dài của đao phủ chặt xuống, Tuân Diệu chen chúc trong đám đông thu hồi ánh nhìn, miết chặt lệnh bài gỗ dùng để vào sân thi.

Với kỳ thi, Lương Diệp dứt khoát lướt qua một loạt lão thần đức cao vọng trọng như Yến Trạch, Thôi Vận... chọn Thôi Kỳ làm giám khảo chính. Mặc dù các thần tử có đôi điều ý kiến nhưng trước cái danh độc đoán tàn bạo của Lương Diệp, thân phận của Thôi Kỳ sớm đã được làm rõ trong âm thầm bởi tiếng gọi "Thập lục huynh" kia. Lương Diệp không nói nhưng hành động của hắn hận không thể nâng cao người huynh trưởng này của mình lên, so với Đan Dương Vương ngày xưa chỉ có hơn chứ chẳng kém, gói gọn trong cụm từ "bề tôi cưng của thiên tử". Vì thế, tên tuổi của quan khảo thí Thôi Kỳ cứ thế được xác thực. Các thần tử tân khoa mới vào triều, ai cũng cung kính gọi Thôi Kỳ một tiếng "thầy".

Sức nóng của địa long trong Ngự Thư Phòng ngày một tăng, các trọng thần Nội Các thảo luận xong kế hoạch cho kỳ thi võ thì giải tán. Thôi Kỳ được giữ lại.

Giữa y và Lương Diệp rất khó tồn tại thứ gọi là "tình huynh đệ". Ở họ, mối quan hệ về mặt lợi ích đã vượt xa tình thân. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng dẫu sợi dây tình thân có mỏng thì cũng là điều đáng quý với vị vua Lương Diệp này.

"Thập lục huynh có chuyện gì muốn nói với trẫm sao?" Trước mặt cha người ta, Lương Diệp bóp xẹp luôn búi tóc của bé con chẳng hề nể nang. Lúc này không còn ai khác trong phòng, Lương Hoàn bắt đầu rơi lệ lã chã, đỏ mắt gọi Thôi Kỳ "cha ơi".

Tiếc rằng Thôi Kỳ vô tình hơn cả Lương Diệp, thờ ơ trước lời cầu cứu của bé, nhìn Lương Diệp với ánh mắt đạm nhiên: "Dạo gần đây Bệ hạ hơi nóng vội."

Y đã nói giảm nói tránh rồi. Lương Diệp nào chỉ nóng vội, những việc hắn làm suốt một năm nay thậm chí đã vượt số việc hắn làm suốt hai mươi năm sống trong mơ hồ trước đây.

"Bệ hạ nắm quyền, muốn làm lớn không đáng trách, tuy nhiên tức nước vỡ bờ, cứ thế mãi chỉ sợ..."

Thôi Kỳ nhìn nụ cười ngày một rạng rỡ của Lương Diệp thì ngừng lời, nói: "Bệ hạ, cai trị đất nước lớn như nấu một món ngon nhỏ."

Đáng lý không cần phải nói rõ như vậy với một người thông minh như Lương Diệp, vì mối quan hệ với Lương Hoàn nên y cũng không muốn mạo hiểm. Chẳng qua, các trọng thần Nội Các thay nhau khuyên can trái lại càng khiến Lương Diệp làm gắt hơn. Cuối cùng, bọn họ hết cách thật rồi, đành phải đẩy Thôi Kỳ ra khuyên.

Quả thực không khuyên không được. Cứ tiếp tục thế sẽ dễ khiến lòng người hoảng sợ, tiếng oán than dậy đất. Thêm vào đó, vốn cũng không cần phải vậy, Đại Lương tổn thương chất chồng đang cần nghỉ ngơi lấy lại sức, mưa dầm thấm lâu... chứ không phải thêm dầu vào lửa, giết chóc liên miên.

Lương Diệp ngoảnh mặt nhìn tuyết bay lả tả ngoài cửa sổ: "Sắp sang năm mới rồi."

Trái tim Thôi Kỳ bỗng giật thót vô cớ. Lương Hoàn cũng lau nước mắt, trượt xuống khỏi ghế, nhấc đôi chân ngắn cũn, lạch bạch chạy ra cửa ngắm tuyết, cất giọng non nớt: "Tuyết rơi rồi, a thúc đã đồng ý sẽ nặn người tuyết cho A Hoàn."

Thoáng chốc, Thôi Kỳ sực ngộ ra một số chuyện, ngạc nhiên nhìn Lương Diệp: "Bệ hạ?"

Y vốn tưởng Lương Diệp dứt khoát ủy quyền cho y như vậy là vì muốn y và Bách Lý Thừa An dẫn dắt Sở Canh, Lưu Tân Bạch cùng đội ngũ thần tử mới gia nhập triều đình đi cân bằng với thế lực lão thần hiện nay, mới – cũ đối kháng mới yên ổn được. Tuy nhiên, nếu nghĩ sâu hơn, quyền lực Lương Diệp trao cho y đã vượt xa Vương Điền trước đây, có lẽ không phải hắn đang ủy quyền, mà là... di dời quyền lực.

Lương Diệp lười biếng chống tay lên đầu ngắm tuyết, cười với y: "Thập lục huynh, trẫm nhớ rõ có một buổi tối trước giao thừa, trẫm tới Ngự Hoa Viên chơi, huynh cho trẫm một đĩa điểm tâm."

Thôi Kỳ rủ hàng mi, bình thản nói: "Thần không nhớ."

"Trí nhớ trẫm kém nhưng vẫn nhớ rõ mùi vị của món điểm tâm ấy. Trẫm đã nhịn đói vài ngày, ăn đến suýt sặc chết." Lương Diệp nói: "Huynh vỗ lưng cho trẫm, còn nhắc trẫm ăn từ từ thôi."

Thôi Kỳ lặng thinh.

"Nhưng mà sau này không gặp lại huynh nữa, họ nói huynh mắc bệnh nặng khó chữa, mất rồi." Chân mày Lương Diệp khẽ nhướng: "Từ nhỏ huynh đã đẹp, tính cách cũng tốt, khó trách... được người ta thích."

Không thì tại sao Vương Điền lại gọi "Thập lục huynh" thân thiết tới mức đấy. Chắc cũng giống hắn, nhớ rõ hương vị của món điểm tâm ấy.

Lương Hoàn bắt được bông tuyết, vội vã chạy vào cho Thôi Kỳ xem, thế nhưng trong tay chỉ còn một vệt nước nhỏ. Bé con đỏ mắt sửng sốt hồi lâu, tiếp tục chạy ra ngoài bắt. Qua rất nhiều lần, khuôn mặt nhỏ bị cóng đến đỏ ửng rồi mà vẫn không thể bắt được bông tuyết đẹp xinh, bé con buồn rầu gục đầu. Thôi Kỳ cầm lấy bàn tay nhỏ lạnh lẽo của bé xoa. Vì thế, bé con nhanh chóng vui vẻ trở lại.

Lương Diệp và Thôi Kỳ lẳng lặng quan sát nhóc tì chạy qua chạy lại sốt sắng bắt tuyết chơi. Cuối cùng Lương Hoàn cũng học khôn, nắm một vốc tuyết, cầm đợi hồi lâu mới nhận được một bông tuyết đẹp xinh, lạch bạch chạy về cho Thôi Kỳ xem. Thôi Kỳ "Ừ" một tiếng, bé con xoắn xuýt một lát, sau đó từ từ tới trước mặt Lương Diệp: "Lương Diệp ơi, hoa."

Lương Diệp nhìn bông tuyết đã bị hơi nhiệt hòa tan, cười chê: "Nhóc đần."

Lương Hoàn khịt chiếc mũi lạnh đến đỏ ửng, chầm chậm quan sát hắn hồi lâu, sau đó ngồi xổm xuống đặt vốc tuyết vào bên chân hắn, thọc tay nhỏ ướt sũng vào tay áo lục lọi, lấy một viên kẹo ra, đặt lên đầu gối Lương Diệp.

Lương Diệp nhướng mày nhìn bé con.

Lương Hoàn đứng dậy, đanh mặt nhỏ hồi lâu mới đánh bạo hỏi được thành lời: "Lương Diệp ơi, bao giờ a thúc mới về vậy? Bọn họ đều nói a thúc đã đi đến một nơi rất xa, bảo ta phải chờ lâu lắm."

Thôi Kỳ biến sắc, đang định quát bé ngừng lời thì bị Lương Diệp nhấc tay ngăn.

"Nhóc nhớ hắn?" Lương Diệp cầm lấy viên kẹo, hỏi.

"Ừm." Lương Diệp cho rằng hắn nhận kẹo thì sẽ đồng ý với mình, gật đầu cái rụp: "A thúc nói lời không giữ lời. Lúc ta về Đại Đô, thúc ấy chẳng tới đón ta gì cả, còn chưa kể cho ta nốt câu chuyện. Ta muốn khi nào thúc ấy về thì đòi thúc ấy thêm mấy viên kẹo nữa."

Vậy là mình sẽ không giận a thúc nữa.

"Hắn kể chuyện gì cho nhóc?" Lương Diệp bóc vỏ kẹo, nhìn viên kẹo đã chảy ra chút kia, bốc lên bỏ vào miệng.

"Câu chuyện về rất rất nhiều năm sau." Lương Hoàn nghiêm túc nói: "Có tòa nhà cao cao, chú chim lớn biết bay, còn có các bá tánh đều được ăn no, ta vẫn chưa nghe hết nữa."

Lương Diệp cười khẽ một tiếng, cắn viên kẹo rôm rốp, gốc lưỡi lại đắng nghét.

Hắn búng nhẹ búi tóc tròn của Lương Hoàn, híp mắt nói: "A thúc của nhóc không có lợi lộc sẽ không dậy sớm. Một ngày nào đó, khi nhóc đánh chiếm lại uận Hoa Đông thành công, đưa hết mỏ vàng cho hắn thì hắn sẽ quay về kể chuyện cho nhóc tiếp."

"Thật ư?" Mắt Lương Hoàn sáng lên.

"Ừ." Lương Diệp bẹo cái má mềm mại của bé: "Thỏ con, giao thừa năm nay, Thập cửu thúc sẽ tặng nhóc một món quà lớn."

Lương Hoàn bị hắn bẹo má chảy cả nước miếng, ậm ờ đáp: "Không được lừa người ta nhé Lương Diệp."

"Trẫm là Hoàng đế, chưa bao giờ lừa ai." Lương Diệp cười khẽ một tiếng.

Gió rét thấu xương lùa vào, trái tim Thôi Kỳ đóng băng hoàn toàn.

**

Bắc Lương, năm An Định thứ mười chín.

Đêm giao thừa, trời rét đậm.

Các triều thần bị Lương Diệp đày đọa bấy lâu cuối cùng cũng dừng công việc vào buổi trưa, đến tối lại vội vã thay đồ hoan hỉ, gấp rút vào cung dự tiệc.

Cả hoàng cung được trang trí đầy vui tươi, đèn đuốc sáng trưng, đến bầu không khí cũng đầy ắp vui vầy. Trời vừa tối, tiếng pháo trúc và pháo hoa bắt đầu vang lên không ngớt, tựa hồ muốn xua tan hẳn khói mù tăm tối của Đại Lương suốt vài chục năm qua.

Các quan viên trải qua một năm vất vả cuối cùng cũng cảm nhận được danh dự của một thần tử triều đình. Món ngon của lạ liên tục được dâng lên, đàn ca nhạc trống chưa từng ngơi tiếng, vũ cơ giẫm lên từng nhịp trống nhảy múa uyển chuyển. Pháo hoa nở rộ rực sáng ngoài đại diện, chiếu rọi Đại Đô phồn vinh náo nhiệt, chiếu sáng cả ngọn đèn dầu vạn nhà ở Bắc Lương.

Vương triều trải qua muôn vàn gian truân này rốt cuộc cũng gặt hái được quả ngọt, quay về quỹ đạo ban đầu. Lầu cao nghiêng ngả được đế vương điên khùng lẳng lặng khiêng lên, quét sạch những khối u ác tính với tác phong đanh thép dứt khoát, để nó yên ổn về lại vị trí cũ. Dẫu còn một quãng đường xa xôi nữa mới đến được bến bờ an cư lạc nghiệp nhưng ít nhất thì người trong đây đã có cơm ăn, miễn cưỡng được sống ấm no.

Sang giờ Tý, vầng dương sáng sớm dần ló dạng.

Dưới hàng loạt ánh nhìn chờ mong và tiếng nhạc khắp điện, cuối cùng mọi người cũng chờ được bậc đế vương khoan thai tới muộn.

Thái giám tổng quản Vân Phúc mặc bộ đồ mới đỏ rực chạy vào đại điện, giọng nói hoảng hốt vút cao bao trùm hết thảy.

"Bệ hạ... băng hà!"

Đại điện đang ầm ĩ bỗng lặng ngắt như tờ.

Vân Phúc thẫn thờ nhìn quanh bốn phía, lớn tiếng khóc thương: "Bệ hạ... băng hà!"

Đoàng!

Làn pháo hoa đẹp đẽ nhất nở rộ tại bầu trời Đại Đô, vô số ngọn đèn Trường Minh bay lên, chiếu rọi trời cao đen nhánh sáng như ban ngày.

Tựa hồ đang vui mừng phấn khởi tiễn đưa vị đế vương đường đời nhiều chông gai này.

Trong loạt tiếng chúc mừng hân hoan rạo rực khắp Đại Đô, Hoàng đế Lương Diệp của Bắc Lương đã đi hết đường đời cực kỳ ngắn ngủi nhưng lại cực nhiều chông gai của hắn.

Bắc Lương, giao thừa năm An Định thứ mười chín, vua Lương Diệp băng hà, thụy hào Vũ Chiêu.

Năm An Định thứ hai mươi bảy, chư thần tuân theo di chiếu, lập Thái tử Lương Hoàn làm vua. Nhiếp chính vương Thôi Kỳ và Thái phó Bách Lý Thừa An phò tá cai trị đất nước, sửa niên hiệu thành Nguyên Hưng.

Người đời sau tranh cãi khá nhiều về Vũ Chiêu Đế này, thậm chí còn nghi ngờ hắn không xứng với thụy hào. Thuở Vũ Chiêu Đế tại vị, dân chúng Bắc Lương rơi vào cảnh lầm than, chiến hỏa nổi khắp bốn phía. Ấy thế nhưng chính Vũ Chiêu Đế cũng là người ngăn cơn sóng dữ, cứu lấy lầu cao đang nghiêng.

Bằng tác phong đanh thép dứt khoát, hắn đã quét sạch mối họa thế gia đã ăn sâu bén rễ tại Bắc Lương, tiến hành cải cách rầm rộ, đặt nền móng đầu tiên cho Bắc Lương phất lên tại triều đại Nguyên Hưng. Vào giai đoạn cuối triều An Định, có vô số quan giỏi tướng tài xuất hiện. Sáu anh tài đầu triều Nguyên Hưng và nữ tướng ba triều Bách Lý Thừa An đều do hắn dẫn dắt. Tuy nhiên bản thân Vũ Chiêu Đế lại ngang tàn thất thường, tính sẵn đa nghi, bị vô số văn nhân học sĩ gán cho cái mác bạo quân. Thậm chí dã sử còn miêu tả mối tình riêng giữa vị đế vương này và Đan Dương Vương tựa phù dung sớm nở tối tàn đến hoang đường tột độ. Có chê có khen, dần dà, không ai quan tâm nữa.

Một trang trong sách sử được nhẹ nhàng lật qua cũng là lật qua những gió tanh mưa máu tại triều An Định tăm tối, chào đón triều Nguyên Hưng huy hoàng ngời sáng của Bắc Lương. Từ khoảnh khắc chiếm lại quận Hoa Đông, thời kỳ thịnh vượng mà mọi người tranh nhau tán tụng say sưa mới chính thức bắt đầu.

Cuộc đời ngắn ngủi của Vũ Chiêu Đế được ấn định bởi vài dòng chữ ít ỏi, bị vùi chôn giữa vô số đế vương khanh tướng nổi tiếng xuất sắc.

Chỉ lâu lâu mới bị người ta lật tới. Không biết ai đọc dã sử nhiều đã nhận xét hai hàng chữ nhỏ về tên điên này.

Tình thâm bất thọ, tuệ cực tất thương.

Đều có cả.