Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 136



Những lời lẽ đại nghịch bất đạo như găm thẳng vào tim ấy được Kỷ Ông Tập nói lên bằng giọng điệu quá đỗi nhẹ nhàng, như mặt nước tưởng chừng êm ả không gợn sóng mà ngờ đâu ẩn chứa muôn vàn bão táp phong ba. Ông càng nói, biểu cảm của Triệu Phụ càng nanh ác hơn. Triệu Phụ tức nảy đom đóm mắt, ánh nhìn gườm gườm như muốn ăn tươi nuốt sống Kỷ Ông Tập giữa điện.

Nhưng rồi khi Kỷ Ông Tập dừng lời, Triệu Phụ bỗng dưng bình tâm lại.

Ông ta cười nhẹ, cầm chén trà khác trên bàn lên, vụt đánh choang vào cây cột cạnh đó.

Cái chén sứ Thanh Hoa nát vụn.

Kỷ Ông Tập không buồn liếc chén trà vỡ lấy một lần.

Giọng hoàng đế thống thiết, không giấu nổi ngỡ ngàng: “Trùng Minh, ngươi khiến trẫm lạnh lòng xót dạ thật đấy. Lẽ nào trong lòng ngươi, trẫm là vị vua như thế sao?”

Kỷ tướng ngẩng lên nhìn ông ta, thành tâm nói: “Trong lòng thần, bệ hạ là vị vua thánh minh nhất kể từ khi Đại Tống dựng nước tới nay.”

Triệu Phụ: “Trẫm chẳng nghe rõ câu này của ngươi được mấy phần thực tâm.”

“Thần hoàn toàn thành thật.”

Triệu Phụ im lặng, đoạn thở dài: “Vậy vì sao hôm nay ngươi lại vào cung?”

Kỷ Ông Tập: “Thần không đành lòng chứng kiến bi kịch tái diễn.”

Triệu Phụ trầm tư thật lâu: “Ba mươi hai năm về trước, trẫm nhớ Trùng Minh không có mặt ở Thịnh Kinh. Khi ấy ngươi ở đâu nhỉ? Để trẫm ngẫm lại xem…”

“Lúc đó, thần đang ở tây bắc chiến đấu với quân Liêu.”

“Ồ phải, đúng lắm, ngươi ở U châu cùng với Thái sư. Thái sư đã khen ngợi ngươi rất nhiều lần với tiên đế, rằng ngươi có tài cầm quân hiếm có khó tìm.” Trông nét mặt Triệu Phụ lúc này thật khó đoán, “Ngươi không ở Thịnh Kinh, cũng không thuộc đảng phái của tiên Thái tử, đảng Tùng Thanh…Vậy chuyện này thì liên quan gì đến ngươi?”

Kỷ Ông Tập bỗng mím môi im lặng. Thế rồi, ông rẽ sang một chủ đề hoàn toàn khác: “Thần chợt hiểu bệ hạ hơn một chút rồi.”

Triệu Phụ: “Ồ, ngươi hiểu cái gì?”

“Thật tình, ngài chưa bao giờ thay đổi. Lỗi tại thần cổ hủ, trước đây thần không hiểu nổi nếu cả ba vị hoàng tử cùng mất ở cổng Chiêu Đức, thì giang sơn Đại Tống, giang sơn mà bệ hạ nhọc nhằn giành được rồi đây còn nghĩa lí gì. Nhưng giờ đây thần đã hiểu, ngài quan tâm đến giang sơn này chỉ vì nó là giang sơn của ngài. Nếu nó không còn là giang sơn của ngài, thì dẫu Triệu Thượng, Triệu Kính, Triệu Cơ, hay thậm chí là Triệu Ngao, Triệu Quỳnh lên ngôi, giang sơn này cũng chẳng liên quan gì đến ngài sất.”

Môi Triệu Phụ run lên.

Kỷ Ông Tập: “Hiệp ước Tống – Liêu là công lao của Khai Bình hoàng đế. Sự phồn vinh, thịnh vượng ngày hôm nay là công lao của Khai Bình hoàng đế. Bệ hạ không quản gian nan, cho xây dựng ba tuyến quan đạo, rút ruột rút gan vì muôn dân thiên hạ. Kể cả lúc này đây, trừ khi bệnh nặng không gượng nổi, ngài cũng không bỏ bất cứ buổi triều nào trong suốt ba mươi hai năm qua. Đại Tống chưa từng có hoàng đế nào tâm huyết vì nước vì dân như ngài. Suốt ba mươi năm ròng ngài đã sống quá khổ cực, chẳng khác nào một thầy tu khổ hạnh, dẫu nhiêu ấy chưa thấm tháp gì với các bậc khổ tu.”

Triệu Phụ không tin vào tai mình nữa, ông xúc động rướn thẳng lưng, hô lên: “Trùng Minh.”

Kỷ Ông Tập buồn rầu nói: “Dùng giấy thay tiền là một việc quá mức gian truân, vậy mà mấy năm nay ngài không hề buông xuôi. Đại Tống có bệ hạ là phúc của trăm quan, là phúc của trăm họ. Cả đời thần phụng sự hai vị hoàng đế, nhưng đời thần chỉ có một vị vua mà thôi, đó chính là ngài.”

Cảm xúc trĩu nặng trong lời Triệu Phụ: “Trẫm luôn biết, người hiểu trẫm nhất trên triều đình là ngươi.”

Kỷ Ông Tập ngẩng đầu lên: “Thế nên bệ hạ mới muốn chứng minh rằng ngay cả khi ngài sát hại cha anh để lên ngôi hoàng đế, ngài cũng không sai. Triệu Thượng giống với ngài, Triệu Cơ, Triệu Kính giống tiên thái tử, tái hiện lại biến cố năm xưa. Bất cứ ai cũng sẽ lựa chọn và hành động như ngài.”

Triệu Phụ: “Lẽ nào trẫm đã sai?”

Kỷ Ông Tập: “Bệ hạ không sai. Chuyện này không cần tái diễn, ngài chưa bao giờ sai.”

Triệu Phụ nhắm nghiền mắt, kìm lại cảm giác nong nóng trên bờ mi.

“Nhưng tiên thái tử cũng không sai, Triệu Thượng, Triệu Kính, Triệu Cơ, không ai có lỗi hết.” Kỷ Ông Tập chậm rãi nói, “Bệ hạ là đấng minh quân, và cũng là một quân vương tự tư tự lợi, đơn độc dấn bước. Bệ hạ, thần không thể đồng hành với ngài trên con đường này; trước giờ ngài vẫn một mình một lối. Hôm nay, thần cũng thấu suốt một chuyện khác.”

Triệu Phụ không hề tức giận, chỉ mỉm cười hỏi Kỷ Ông Tập: “Chuyện gì?”

“Một năm về trước, ngài sẽ không đời nào làm thế này. Ngài đang nghi ngờ bản thân, ngài đang do dự, đang sợ sệt. Phải chăng cái chết của Thái hậu đã khiến bệ hạ bắt đầu sợ hãi kiếp sau, lo rằng mình sẽ xuống địa ngục sau khi chết?”

Nụ cười của Triệu Phụ cứng đờ.

Không cần ông ta trả lời, Kỷ Ông Tập trông nét mặt đế vương là hiểu hết. Ông kính cẩn chắp tay hành lễ, nói: “Bệ hạ, đã là người thắng cuộc thì không cần phải nghĩ đến những người không đáng và những chuyện vô nghĩa nữa. Ngài chính là ngài, thiên hạ này còn biết bao nhiêu việc, đang chờ đợi ngài đập tan mê chướng, mở mang đất trời.”

Cung Phúc Ninh chìm trong yên ắng rất lâu.

Sau một hồi, Triệu Phụ mới nói: “Ngươi lui đi.”

“Vâng.”

“Khoan đã.”

Kỷ Ông Tập dừng bước, quay lại nhìn vị vua thánh minh nhưng hết sức cô độc kia.

Triệu Phụ cười: “Trùng Minh nói sai một chuyện rồi. Triệu Kính, Triệu Cơ giống với Triệu Tuyền, nhưng trẫm, chưa bao giờ là Triệu Thượng.”

Kỷ Ông Tập sững sờ.

Triệu Phụ: “Việc trẫm hỏi, Trùng Minh chưa trả lời trẫm đâu. Ba mươi hai năm về trước, mọi việc đều không liên quan đến Trùng Minh. Hôm nay, trẫm đã nghĩ tới rất nhiều người có thể vào cung, thậm chí là cả Vương Thuyên, chỉ riêng ngươi là trẫm không ngờ đến, vậy mà cuối cùng ngươi lại là người tới đây. Ngươi đến đây làm gì, và tội gì phải làm khổ mình thế?”

Lòng Kỷ Ông Tập rối rắm vô cùng. Ông nghiêm trang, thận trọng nhìn vị vua trước mặt mình. Trải bao mưa gió suốt mấy chục năm qua, ông tự nhận mình là người hiểu vị vua này nhất, vậy mà cuối cùng ông vẫn đoán sai suy nghĩ của người này. Nhưng liệu trên đời có ai thấu hiểu trái tim đế vương thật không?

Sau khi suy nghĩ thông suốt, Kỷ Ông Tập tâu rằng: “Bệ hạ có nói rằng thần không thuộc đảng phái Thái tử, không phải người của đảng Tùng Thanh.”

Triệu Phụ thoáng biến sắc, ông ta giả vờ bình tĩnh: “Trẫm đã lầm chăng?”

Kỷ Ông Tập: “Bệ hạ không nhầm đâu. Thần chỉ là đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, làm sao đứng nổi vào hàng ngũ đảng Tùng Thanh, lọt vào mắt xanh của tiên thái tử? Chẳng qua năm xưa trong buổi yến Quỳnh Lâm vinh danh bảnh vàng, khi kẻ bần hàn là thần đây trở thành trò cười cho đám đông vì quá chén, bị các tiến sĩ cùng bàn xì xào giễu cợt, có một người đã đỡ thần lúc say và nói với thần rằng, anh hào thiên hạ, chớ hỏi xuất thân.”

Triệu Phụ đã biết người đó là ai. Dưới long bào, bàn tay ông ta siết chặt thành nắm đấm.

Kỷ Ông Tập nhìn sâu vào mắt Triệu Phụ, cười: “Bệ hạ ơi, trần đời có ai không thích Triệu Tuyền?”

Kỷ Ông Tập quay lưng ra về.

Ông vừa đi, tiếng sứ vỡ vẳng ra từ cung Phúc Ninh mãi không ngớt.

Đúng lúc ra khỏi cung Phúc Ninh thì Tả tướng gặp Thượng thư bộ Hình Cảnh Thiếu Vân. Cảnh Thiếu Vân thấy ông thì giật mình, hành lễ: “Bái kiến Kỷ tướng.”

Kỷ Ông Tập đáp lễ, song không đáp lời.

Cảnh Thiếu Vân chờ ngoài cung Phúc Ninh một lúc lâu, cuối cùng Triệu Phụ cũng truyền ông ta vào điện. Thấy mảnh sứ vỡ la liệt dưới đất, Cảnh Thiếu Vân thầm khiếp vía. Ông giữ bình tĩnh, đi vào nội điện, kính cẩn chắp tay hành lễ. Triệu Phụ rệu rã nhìn ông ta, đau xót cùng cực: “Vọng Thanh, cõi lòng trẫm lạnh lẽo quá!”

Mùng chín tháng giêng, tấn trò hề cướp ngôi rầm rộ cuối cùng cũng hạ màn.

Yêu tăng Thiện Thính mê hoặc Thánh thượng, che mắt triều đình, lợi dụng lúc thiên tử ốm nặng để gây rối, tống giam vào thiên lao, chờ ngày hành quyết. Tả tướng Kỷ Ông Tập lén thông đồng với yêu tăng, làm trái kỉ cương phép nước, lợi dụng thời cơ bức ép hoàng đế thoái vị; niệm tình nhiều năm cần lao, có công lớn với đất nước, bãi miễn chức quan, cho về quê an dưỡng tuổi già.

Tứ hoàng tử Triệu Kính, Ngũ hoàng tử Triệu Cơ tin lầm kẻ gian, khiến Thịnh Kinh phải vạ binh hỏa, tước hết chức vụ, phạt đóng cửa kiểm điểm.

Thăng Hữu thừa Từ Bí làm Tả tướng, Thượng thư bộ Hình Cảnh Thiếu Vân làm Hữu thừa, Hữu thị lang bộ Lại Dư Triều Sinh làm Thượng thư bộ Hình.

Đợt thăng giáng liên hoàn này khiến quần thần hoa hết cả mắt. Nhưng điều bất ngờ nhất là hoàng đế điều Phủ doãn Tần châu Triệu Tĩnh về kinh nhậm chức Hữu thị lang bộ Lại, hàm tam phẩm.

Triệu Tĩnh là học trò tâm đắc của Kỷ Ông Tập; Kỷ Ông Tập bị tước hết chức quyền, Triệu Tĩnh khổ tận cam lai, cuối cùng cũng được về kinh làm quan.

Ngày mười sáu tháng giêng, buổi triều đầu tiên của năm Khai Bình thứ ba mươi hai. Quần thần tề tựu trong điện Tử Thần; Đường Thận cũng trông thấy Triệu Tĩnh – người đã trở về từ Tần châu xa xôi cách trở.

Sức khỏe của hoàng đế có vẻ không bằng xưa kia. Trải qua trận cung biến rối ren, dường như ông già cỗi đi nhiều, song ánh mắt thì bén nhọn hơn bao giờ hết. Giờ phút này, còn ai dám ôm suy nghĩ hoàng đế đã tới số? Có ông vua nào sắp tới số mà đột nhiên tỉnh dậy ngay giữa cuộc đảo chính hỗn loạn để nắm quyền kiểm soát không?

Một số quan đã đoán được phần nào chân tướng, còn những viên quan không rõ thực hư thì hết sức run sợ, càng thêm kính nể hoàng đế.

Trong buổi triều, Triệu Phụ nhẹ nhàng tóm lược trận cung biến tháng Giêng chỉ bằng vài câu.

Từ Bí đứng đầu hàng quan văn, dẫn đầu toàn thể quan lại dâng lời chúc cho năm Khai Bình thứ ba mươi hai quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Đến lúc tan triều, Đường Thận mới thấy rõ Triệu Tĩnh.

Bốn năm về trước, Triệu Tĩnh giám sát ty Độ Chi thiếu sát sao, bị Triệu Phụ biếm đến Tần Châu, từ đại quan nhị phẩm tụt xuống thành Phủ doãn tứ phẩm thấp bé. Giờ ông ta đã về kinh giữ chức Hữu thị lang bộ Lại, bậc tam phẩm, nhưng trong triều đình, Kỷ đảng đã hoàn toàn thất thế. Mái đầu Triệu Tĩnh đã pha sương, rõ ràng mới hơn bốn mươi tuổi mà cứ như ông lão lục tuần.

Đường Thận cảm thấy mình chẳng khác nào chiếc thuyền con phiêu dạt giữa trùng khơi trào sóng cả.

Hôm sau, Đường Thận vừa về nhà từ nha môn thì quản gia phủ Hữu tướng lại tới đón cậu. Đường Thận ngạc nhiên hỏi: “Hữu tướng đại nhân đang chờ ta ở phủ sao?”

Quản gia cười: “Đại nhân cứ đi sẽ biết.”

Đường Thận chẳng hiểu mô tê gì, nhưng cậu nhanh chóng phát hiện cỗ xe ngựa này không đến phủ Hữu tướng ở phía đông kinh thành, mà đi thẳng về phía nam, ra hẳn ngoài thành Thịnh Kinh!

Xe ngựa lúc lắc đi tới đình Thập Lý ngoài thành. Đường Thận xuống xe, thấy Hữu tướng Vương Thuyên ăn vận đen tuyền từ đầu tới chân đang đợi trong đình. Đường Thận bước tới ngay: “Cháu chào thúc tổ. Hôm nay thúc tổ có việc gì thế ạ?”

Vương Thuyên không trả lời, ông nhìn cậu một lượt, nói: “Ta sơ ý quá, cứ nghĩ phải đưa cháu đến đây cho mau mà quên khuấy là cháu vẫn mặc quan bào. Hôm nay gọi cháu qua đây có việc riêng, đáng lẽ phải để cháu mặc áo đen mới đúng. Đàn ông nhà họ Vương đều thích mặc áo đen, cháu biết chứ?”

Đường Thận: “…Dạ biết ạ.”

Vương Thuyên đang định nói tiếp thì bỗng thấy một cỗ xe ngựa từ phía thành Thịnh Kinh đến. Ông nói: “Tới rồi kìa.” Đoạn, ông đi xuống lề đường cái, Đường Thận cũng đi theo.

Cỗ xe ngựa từ từ dừng lại, người ngồi trên xe vén rèm ngó ra. Thấy Vương Thuyên, người đó khẽ giật mình: “Vương tướng?”

Vương Thuyên chắp tay: “Kỷ tướng.”

Kỷ Ông Tập xuống xe ngựa, đi tới đáp lễ: “Kẻ này đã là tội quan, đâu còn là Kỷ tướng nữa.” Nói đoạn, ông liếc nhìn Đường Thận.

Đường Thận lập tức thi lễ với ông.

Vương Thuyên thản nhiên nói: “Vậy ta mặc áo đen đây, cũng nào phải Vương tướng?”

Hai ông cụ nhìn nhau, cùng mỉm cười.

Trong triều đình, Kỷ đảng và Vương đảng tranh chấp bao năm nay, tuy không phải kẻ thù một mất một còn nhưng quả đúng là kình địch. Có ai ngờ, giờ phút này Kỷ Ông Tập và Vương Thuyên đang chuyện trò say sưa ở đình Thập Lý ngoài kinh thành, vui cười không ngớt.

Đường Thận không hiểu vì sao Vương Thuyên lại gọi mình tới đây, song cậu vẫn điềm tĩnh đứng lắng nghe, không hề lên tiếng.

Kỷ Ông Tập: “Trời sắp tối rồi, không tiện nán lại thêm nữa, lão phu phải đi đây.”

Vương Thuyên chắp tay: “Thượng lộ bình an nhé.”

Kỷ Ông Tập liếc nhìn Đường Thận, bỗng nói: “Tự dưng ta nhớ đến chuyện này.”

Vương Thuyên: “Ồ, chuyện gì thế?”

Kỷ Ông Tập: “Trong buổi gia yến đêm giao thừa trong cung, giữa ba vị hoàng tử, Thánh thượng chọn ai cũng được, nhưng ngài chỉ chọn đúng Nhị hoàng tử Triệu Thượng.”

Đường Thận sửng sốt, cậu tập trung tinh thần cao độ, lắng nghe Kỷ Ông Tập nói.

Kỷ Ông Tập than thở: “Là ngẫu nhiên chọn lấy một người đóng vai kẻ vô tội nhất, hay phải chăng vì Nhị hoàng tử là con cả? Con cả, gợi cho Thánh thượng nhớ đến người kia, người đã khiến lòng ngài mang nỗi hổ thẹn. Phải chăng vì thế mà ngài chọn cậu ta?”

Kỷ Ông Tập dừng lời, thảng thốt: “Chết, lão phu lại nói linh ta linh tinh rồi. Xin Đức Chiêm huynh chớ cười chê, từ hồi bị yêu tăng mê hoặc đến giờ, ta cứ hay nói những điều kì quặc, huynh không được để bụng đâu nhé.”

Vương Thuyên: “Dĩ nhiên là không rồi, mà vừa nãy Trùng Minh huynh nói gì ấy nhỉ?”

Đường Thận: “Kỷ đại nhân chưa nói gì hết ạ.”

Kỷ Ông Tập và Vương Thuyên cùng nhau nhìn Đường Thận bằng ánh mắt tán thưởng. Đường Thận cụp mắt xuống, thái độ rất bình tĩnh.

Kỷ Ông Tập bật cười, ông chỉ vào bộ quan bào trên người Đường Thận: “Cứ tưởng Đường đại nhân cũng phải mặc áo đen cơ đấy.”

Mí mắt Đường Thận giựt một cái.

Vương Thuyên: “Hà hà hà, bọn trẻ tự có phúc phần của chúng nó. Trùng Minh huynh, sau này ắt còn dịp tái ngộ. Giờ thì xin cáo từ!”

“Cáo từ!”