Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 161



Mùng sáu tháng Tám, hoàng đế đích thân tới nha môn bộ Công.

Thượng thư bộ Công Viên Mục và Tả thị lang Lý Ngọc Đức, Hữu thị lang Đường Thận cùng nghênh đón thánh giá.

Mọi người đi xuống hậu viện của nha môn. Trong khoảng sân rộng rãi dựng sẵn một rạp gấm cao to. Dưới cái rạp bằng gấm vàng sáng là một vật thể chừng ba xá1, độc một màu đen trùi trũi, chiếm đến hai phần ba diện tích khoảng sân.

[1] Đơn vị đo độ dài cổ.

Trên đỉnh vật này có một ống khói, hai bên có quan Giám đốc và các thợ thủ công đang làm việc.

“Đây là lung tương mà ngươi bảo đúng không?” Triệu Phụ chỉ vào lung tương, hỏi Đường Thận.

Đường Thận: “Thưa bệ hạ, chính là nó. Mời bệ hạ ra đây quan sát ạ.”

Mọi người cùng theo Đường Thận đi đến chiếc lung tương đen thùi lùi kia. Đường Thận giới thiệu: “Đây là chỗ đổ than đá vào lung tương, còn đây là lỗ thông hơi. Vì nhiệt độ trong lung tương rất cao nên phải lắp thêm thiết bị làm mát.” Đường Thận nói rất nhiều, Triệu Phụ không hiểu chút nào nhưng cũng thấy mới mẻ. Theo chỉ dẫn tuần tự của Đường Thận, mọi người đi tới cuối lung tương.

Viên Mục: “Đây là lò rèn sắt của thợ rèn đây mà.”

Quý Mạnh Văn đứng kế bên tiếp lời: “Thượng thư đại nhân nói đúng lắm. Đây chính là bếp lò mà thợ rèn bình thường vẫn hay sử dụng, cái này là đe dùng để đập sắt. Hiệu quả của lung tương không dễ thấy bằng mắt thường, nên cần mượn những công cụ khác để thể hiện công dụng của nó.”

Tả thị lang Lý Ngọc Đức nói: “Ta thấy lò rèn này khác với loại thông thường đấy. Như cái búa kia sao lại được mắc với cái gì ở lung tương thế? Nếu định rèn sắt thì bây giờ có phải gọi thợ rèn đến không? Ta không thấy chủ sự bộ Kim ở đây.”

Đường Thận: “Bao giờ khởi động lung tương, Tả thị lang đại nhân sẽ hiểu ngay.”

Hoàng đế càng hiếu kì với lung tương hơn.

Đường Thận thấy vậy thì không trì hoãn nữa, nháy mắt với Quý Mạnh Văn. Quý Mạnh Văn lập tức vẫy thợ thủ công lại để khởi động lung tương.

Nghe lệnh, thợ lập tức mở nắp đổ than, trút từng xẻng than to vào lò đốt. Nhiệt độ trong lung tương tăng vùn vụt, bằng mắt thường cũng có thể thấy luồng không khí xung quanh trở nên méo mó. Đường Thận dẫn Triệu Phụ lùi ra cổng để quan sát từ xa.

Các thợ thủ công mướt mát mồ hôi, vừa cẩn thận theo dõi nhiệt độ bên trong lung tương, vừa điều tiết mức tản nhiệt, vừa phải đảm bảo độ kín hơi.

Đúng thế, lung tương chính là máy hơi nước phiên bản Đại Tống.

Hai năm trước Đường Thận đã nhờ Diêu Tam tìm ra nhiều mỏ than đá ở nước Liêu và đem về rất nhiều than. Lãnh thổ của nước Liêu trong thời điểm hiện tại rộng lớn bạt ngàn, nhiều mỏ than đá lớn nổi tiếng sau này đều nằm trên đất Liêu cả. Có nguyên liêu, Đường Thận đã chỉ đạo thợ thủ công ở xưởng Đường thị thí nghiệm chế tạo máy hơi nước từ rất sớm.

Ở thời hiện đại, bất cứ học sinh cấp hai nào cũng biết máy hơi nước do Watt phát minh đã khởi đầu Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất.

Mỗi một cuộc cách mạng công nghiệp là một cuộc cách mạng về lực lượng sản xuất.

Nguyên lí của máy hơi nước không phức tạp, chỉ đơn giản là sử dụng hơi nước để vận hành máy thay cho sức người truyền thống, thậm chí thay thế cả những lực tự nhiên như sức nước. Song việc này nói thì dễ, làm thì khó như lên trời.

Kiếp trước Đường Thận là trai bách khoa, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cậu có khả năng chế tạo hẳn một cỗ máy hơi nước với trình độ sản xuất hiện giờ. Chẳng cao xa như máy hơi nước, ngay đến một dụng cụ chạy bằng hơi nước đơn giản cậu cũng không thể làm ra! Thế nên trước khi cậu tiếp quản bộ Công và tự tay gây dựng nên bộ Tạo cải, máy hơi nước ở xưởng Đường thị đã gặp bế tắc trong thời gian rất dài.

Chỉ đến khi Đường Thận được thăng làm Hữu thị lang bộ Công, có sự hậu thuẫn của Triệu Phụ và cả nước Đại Tống cũng như cơ hội hợp tác với các thợ thủ công tài ba nhất thiên hạ, lung tương mới được chế tạo thành công như bây giờ.

Đường Thận hiểu hoàng đế rất rõ. Triệu Phụ chưa bao giờ cần những lời giải thích đao to búa lớn nhưng rỗng tuếch. Cái ông ta cần một ví dụ thực tế mà ông ta có thể nhìn thấy, có thể tin rằng nó sẽ khiến mình rạng danh muôn đời.

Thế nên cậu và Quý Mạnh Văn mới dốc hết tâm huyết để kết nối lò rèn với lung tương.

Đường Thận nghiêm trang nhìn chăm chú cỗ máy khổng lồ đen sì dưới ánh mặt trời.

Cỗ máy rít lên một tiếng chát chúa, kéo theo hàng loạt tiếng kim loại va vào nhau ruỳnh ruỳnh. Âm thành như sấm giộng giữa sân khiến ai nấy giật bắn. Đại thái giám Quý Phúc vội giang tay chắn trước người Triệu Phụ: “Hộ giá, hộ giá!”

Viên Mục và Lý Ngọc Đức đều hãi hùng.

Đường Thận chắp tay nói: “Bệ hạ, tuy lung tương vận hành hơi ồn, nhưng thần và các thợ đã thí nghiệm nhiều lần nên đảm bảo độ an toàn ạ.”

Triệu Phụ cũng không phải một hoàng đế tầm thường, ông ta chỉ giật mình vì bị bất ngờ thôi. Giờ nghe Đường Thận giải thích xong, ông đẩy Quý Phúc đang chắn trước người mình ra, ôn tồn nói: “Thì ra là thế, Cảnh Tắc, lung tương của ngươi quả thực đã khiến trẫm kinh ngạc đấy.”

Tiếng máy vẫn nổ rầm rầm, song Triệu Phụ không màng đến nữa. Những người khác đành kiền trì nán lại trong sân quan sát tiếp.

Năm người thợ liên tục kiểm tra các bộ phận của lung tương, thỉnh thoảng lại tiếp thêm than đá. Hơi nóng phùn phụt bốc ra từ ống khói trên đỉnh lung tương giúp tản nhiệt. Thu hết tất cả vào tầm mắt, Đường Thận than thầm trong lòng. Hệ thống này tiêu tốn quá nhiều năng lượng, nhưng trong điều kiện hiện nay, thợ thủ công chỉ có thể làm đến thế thôi.

Khoảng một khắc sau, lung tương nổ rền một tiếng đinh tai nhức óc. Kèm theo đó, ở lò rèn lắp tại toa cuối bộ máy, cây búa treo trên lung tương bỗng nhiên chuyển động.

Thấy cảnh đó, Triệu Phụ đang bình thản quan sát cũng phải trố mắt ngạc nhiên.

Nhóm Viên Mục, Lý Ngọc Đức đứng kế bên cũng mắt tròn mắt dẹt.

Thoạt tiên, chiếc búa sắt rung lên nhè nhẹ, rồi đột ngột vung lên theo hình bán nguyệt, nện uỳnh lên mặt đe, bắt đầu quá trình rèn sắt.

Choang choang choang!

Búa sắt giáng xuống đe, đập phẳng lì khối sắt nung đỏ được thợ chuẩn bị sẵn. Quan sát cẩn thận có thể thấy ban đầu lực búa chưa đều, nhưng dần dần, cây búa bắt đầu rèn miếng sắt với góc độ và lực đập gần như không đổi.

Theo nhịp quai búa, khối sắt nóng đỏ càng lúc càng dẹp. Đường Thận hô hiệu lệnh, đám thợ tức khắc dừng tiếp nhiên liệu cho lung tương.

Quý Mạnh Văn mang tấm sắt rèn phẳng lì dâng lên cho hoàng đế xem.

Tấm sắt đã nguội, trở lại màu đen sì của nó. Triệu Phụ vuốt ve tấm sắt nho nhỏ, chợt ngẩng lên, đôi mắt sắc như mắt ưng nhìn thẳng về phía Đường Thận: “Thứ này giống hệt máy gỗ của Công Thâu Ban trong truyền thuyết, chỉ bấm một chốt bên trong mà khởi động được cả bộ máy.”

Công Thâu Ban – ông tổ nghề mộc trong truyền thuyết cũng chính là Lỗ Ban. Những dụng cụ gỗ mà ông làm ra có thể vận hành chỉ nhờ tác động vào một cơ quan.

Đại Tống cũng có những chuyên gia về cơ quan, vài vị trong số đó hiện đang ở bộ Công. Cả bọn họ lẫn Đường Thận đều biết về sự bảo toàn năng lượng. Trên thế giới không có bất kì cỗ máy nào chỉ ấn nhẹ mà rèn được sắt thành dụng cụ.

Đường Thận nói: “Máy gỗ của Công Thâu Ban chỉ có trong truyền thuyết, nhưng lung tương đang đặt sừng sững trước mặt bệ hạ đây.”

Triệu Phụ: “Lung tương này có khả năng rèn sắt, trẫm đã thấy rồi. Nhưng theo quan sát của trẫm thì nó hoạt động kém hiệu quả lắm. Việc đập mỏng sắt chỉ cần hai người thực hiện thôi, trong khi sử dụng lung tương cần sức năm người thợ.”

Đường Thận không tỏ ra kiêu ngạo hay khúm núm, đáp: “Rèn sắt bằng lung tương cốt là để bệ hạ thấy nó có công dụng thế nào. Lung tương này như một người thợ không biết mệt mỏi, rèn sắt chỉ là một ứng dụng nhỏ của nó. Với năng lượng hơi nước mà lung tương sử dụng, tiềm năng của nó không chỉ dừng lại ở việc rèn sắt.”

“Nó còn làm được những gì?” Triệu Phụ bỗng hỏi dồn.

Đường Thận ngẩng đầu nhìn ông đầy trịnh trọng: “Điều này chính thần cũng không dám dự đoán.”

Hôm đó, Triệu Phụ cho đòi bốn vị tướng công của điện Cần Chính cùng toàn thể quan lớn nhị phẩm trở lên tới nha môn bộ Công để tham quan lung tương.

Hoàng đế cảm thấy mù mờ quá. Ông ta đã thoáng nhận ra cái lung tương “nho nhỏ” kia không hề đơn giản. Nó giống như bề nổi của tảng băng chìm, cất chứa nguồn sức mạnh không thể dự báo mà hiện giờ ông chưa được chứng kiến, và có lẽ, sẽ chẳng bao giờ được thấy trong kiếp người định sẵn chỉ còn vài năm.

Từ Bí, Vương Thuyên, Trần Lăng Hải, Cảnh Thiếu Vân… Tất cả những vị quan quyền cao chức trọng của Đại Tống đều đã chiêm ngưỡng lung tương.

Cả Vương Trăn cũng được chiêm ngưỡng nó, giống như Đường Thận nói từ đêm trước.

Lúc nhìn thấy lung tương, Vương Trăn lập tức bị choáng ngợp bởi khối sắt đồ sộ cồng kềnh này. Trông vẻ mặt ngỡ ngàng của chàng, Hữu tướng Vương Thuyên bèn trêu: “Tử Phong, con nhìn thấu tác dụng của lung tương rồi đấy à?”

Vương Trăn mấp máy môi. Lát sau, chàng mới nói: “Chưa ạ.” Giọng chàng có vẻ ngập ngừng.

Vương Thuyên: “Thế con phản ứng vậy là sao?”

Vương Trăn: “Thứ con nhìn thấu, là dụng tâm từng phút từng giây của Cảnh Tắc.”

Đêm đó, các quyền thần gửi thư tới tấp vào điện Thùy Củng để bày tỏ ý kiến của mình về lung tương.

Từ Bí, Trần Lăng Hải, Mạnh Lãng không bình phẩm gì về lung tương, bởi bọn họ hoàn toàn không hiểu tác dụng của vật này. Vương Thuyên, Vương Trăn ủng hộ Đường Thận vô điều kiện, dâng thư xin hoàng đế cho phép bộ Tạo cải chế tạo thêm lung tương.

Trong nhóm này, Thượng thư bộ Công Viên Mục viết một bản tấu dài mười ngàn chữ, trình lên hoàng đế trong buổi chầu hôm sau.

Đêm đó ông đã thức trắng.

Viên Mục đỗ Bảng nhãn từ thời tiên đế, đến năm Khai Bình thứ hai mươi mốt thì được Triệu Phụ bổ làm Thượng thư bộ Công.

Sở trường của một người chưa bao giờ là căn cứ giúp Triệu Phụ bổ nhiệm chức quan. Như Đường Thận chẳng hạn, cậu lên chức Hữu thị lang bộ Công không phải vì cậu có tài làm quan ở bộ đó, mà vì ghế Hữu thị lang bộ Công đang trống sau khi Tô Ôn Duẫn lên chức Tham tri chính sự điện Cần Chính. Bộ Công là một cơ quan nhàn hạ, vừa ít quyền thế vừa bị các bộ khác kìm kẹp. Với người sắp sửa lên hàng tam phẩm như Đường Thận, cậu cực kì hợp với chức Hữu thị lang bộ Công – một chức quan quá độ có tiếng mà không có quyền.

Viên Mục vốn không phải người am hiểu về thủ công, nhưng kể từ khi lên làm Thượng thư bộ Công, ông bắt đầu tìm đọc vô số sách vở về lĩnh vực này.

Nhờ đó mà ngót mười lăm năm nay, Viên Mục vẫn yên vị trên ghế Thượng thư bộ Công. Ngay cả khi các vị trí trong bộ thay đổi hết một lượt, Thượng thư bộ Công vẫn là viên Mục. Như một ông quan giữ thành, ông chưa bao giờ đề ra chủ trương cao siêu nào hết mà chỉ chuyên tâm coi sóc nha môn. Dẫu vậy, ông vẫn là một viên quan bộ Công chân chính.

Viên Mục dâng thư xin hoàng đế đẩy mạnh sản xuất lung tương.

Có lẽ bản tấu mười ngàn chữ đã khiến hoàng đế cảm động, hoặc giả Triệu Phụ đã tin vào vận mệnh trong cõi vô hình siêu nhiên, ngay hôm sau ông hạ chỉ cho bộ Hộ, bộ Lễ phối hợp với bộ Công để ra sức nghiên cứu và phát triển lung tương.

Trong đài Đăng Tiên, Triệu Phụ khoác đạo bào, ngồi xếp bằng ở chính giữa đại điện.

Trước mặt ông là chín ngọn đèn trường minh. Gió đêm hiu hiu lùa vào điện, lay những dải lụa trắng bềnh bồng, hệt như tiên cảnh.

Đường Thận được Quý Phúc dẫn vào đài Đăng Tiên.

Triệu Phụ hẵng còn nhắm mắt tu tiên. Đường Thận không lên tiếng, chỉ lẳng lặng đứng chầu kế bên. Chừng một khắc sau, Triệu Phụ mở mắt. Ông từ từ thở ra luồng khí đục, ngẩng đầu hướng mắt về phía Đường Thận. Qua đôi mắt mỏi mệt từng trải bao cuộc dâu bể, ông nhìn Đường Thận chăm chú hồi lâu, rồi bất chợt vung tay lên. Đường Thận cả kinh, cậu chưa kịp phản ứng, Triệu Phụ đã đẩy bàn tay ra trước rồi khựng lại.

Triệu Phụ thở dài thườn thượt: “Cảnh Tắc, ngươi trông trẫm này. Trẫm tu tiên hơn hai mươi năm ròng nhưng đến giờ vẫn không thể vung chưởng tắt đèn, thế mà cái lung tương của ngươi chẳng cần gì cũng rèn nên sắt. Trẫm tu tiên bấy nhiêu năm, cuối cùng còn kém cả ngươi. Rốt cuộc trẫm mưu cầu tiên đạo để làm gì cơ chứ? Rốt cuộc trẫm muốn tìm kiếm điều gì đây!”

Từ khi Đường Thận lên chức Hữu thị lang bộ Công, đã rất lâu rồi cậu không bị Triệu Phụ hỏi những câu chết người thế này nữa. Cậu cúi đầu giấu đi biểu cảm, trầm tư trong giây lát, đoạn nói: “Người thường tu tiên những mong trẻ mãi vạn năm. Thần đánh bạo xin bệ hạ thứ tội cho, thần mới dám nói hết ạ.”

“Khà khà, lúc nào ngươi cũng cẩn thận từng li từng tí như vậy, cứ nói thoải mái đi”

“Vâng. Thần cho rằng bệ hạ tu tiên không chỉ vì chuyện sống chết giống như người thường. Bệ hạ tu với lòng thành trong tâm, lòng cản đảm từ tâm, lòng kính ngưỡng và đoan túc trước trời đất, thần linh. Người thường hay nhắc về ơn nhang đèn, thứ dân thường phụng thờ thần phật, nhưng tín ngưỡng đích thực trong lòng họ chưa bao giờ là thần phật chẳng biết phải tìm chốn nao. Tín ngưỡng của bọn họ là bệ hạ, người ban ơn trạch cho vạn dân, người gìn giữ bình yên cho bốn bể!”

Triệu Phụ thoáng sững sờ.

Đường Thận càng nói càng trơn tru: “Bệ hạ tu tiên vì trăm họ trên đời, tu tiên vì bệ hạ là hiện thân của đức tin và lòng sùng kính trong toàn dân. Vừa nãy bệ hạ nói rằng mình muốn vung chưởng tắt đèn, nhưng đó chỉ là biểu tượng cho những mong muốn trong lòng bệ hạ mà thôi.” Đường Thận ngẩng lên, ánh mắt cậu da diết chân thành, hốt nhiên đốt cháy nội tâm giả dối của Triệu Phụ.

Từng câu từng lời Đường Thận nói ra đều thật với lòng mình: “Mong muốn của bệ hạ chẳng sức nào kham nổi, song những gì người muốn thực hiện đều có ý nghĩa lớn lao với muôn dân thiên hạ và chúng sinh muôn đời. Mong muốn của bệ hạ chính là những việc chúng thần nên làm. Thứ người tu chẳng phải tu tiên, đó là công đức thiên thu vạn đại!”

Nói dứt lời, Đường Thận rạp mình vái lạy.

Triệu Phụ nhìn cậu trân trối mãi, khóe môi rung rung, ông bình tĩnh nói: “Trẫm ghi lòng để dạ.”

Ánh mắt Đường Thận khẽ dao động, song cậu vẫn chắp tay không nói lời nào.

Đến tận lúc rời khỏi đài Đăng Tiên, Đường Thận mới chùi mồ hôi trong lòng bàn tay, thở phào nhẹ nhõm. Tuy đã thả lỏng, nét mặt cậu càng nghiêm nghị hơn trước.

Vừa nãy, những gì cậu nói với Triệu Phụ có bảy phần giả, ba phần thực.

Triệu Phụ tu tiên vì lẽ gì?

Đương nhiên là vì trường sinh bất lão.

Nhưng Triệu Phụ đâu phải không biết trên đời chẳng tồn tại chuyện trẻ mãi không già. Nếu tin vào điều đó, ông ta đã không triệu hòa thượng Thiện Thính vào cung hai năm về trước, rồi viện bừa một cớ mà xử tử.

Như mọi hoàng đế trên đời, Triệu Phụ sở hữu một bộ mặt giả dối, nhưng ông ta có thứ mà rất nhiều hoàng đế không có – khát khao làm nên chuyện vì vinh quang hão huyền, cùng với lòng quyết tâm và nghị lực to lớn đã giúp ông ta thực sự làm nên chuyện.

Sau khi Đường Thận đi, Triệu Phụ cũng thôi tu luyện trong đài Đăng Tiên. Ông khoanh chân tĩnh tọa trong điện, ngẩn người nhìn trận đồ bát quái trên sàn.

“Trong tim trẫm là muôn dân thiên hạ, chúng sinh muôn đời ư?”

“Ngay đến trẫm cũng tưởng là thật đấy.”

Trong cung điện trống huếch, lời tự giễu của vị hoàng đế lạnh lẽo như cơn gió rét giữa đêm hè, nhưng rồi ông mím miệng lại. Hồi lâu sau, Triệu Phụ cười: “E rằng trên triều đình chỉ còn mỗi một tấc lòng trẻ thơ2 nhiệt thành, ngay thẳng này thôi.”

[2] Gốc: xích tử chi tâm. LMT dịch là “tâm trẻ thơ”. Theo quan điểm của Mạnh tử, bậc đại nhân phải giữ được “tâm trẻ thơ” trước dục vọng, danh lợi (TTBG).

Nội trong vài ngày, thánh chỉ mở rộng bộ Tạo Cải đã gửi đến bộ Công, theo sau là tin Thượng thư bộ Hình kiêm Phó chỉ huy sứ ty Ngân dẫn Dư Triều Sinh về đến kinh thành.

Lúc rời kinh, Dư Triều Sinh đi cùng mười vạn đại quân, thanh thế rầm rộ vô cùng. Giờ khi anh ta về kinh, mười vạn đại quân còn ở Tây Bắc, nhưng anh ta vẫn khiến bá quan phải chú mục vì bốn tội quan mình dẫn về.

Dư Triều Sinh: “Tuyên chính ty Ngân dẫn Vương Tiêu, Chủ sự Mai Thắng Trạch, Phi kỵ úy U châu Lương Tiêu, Tiền Vu. Trước hết cứ nhốt cả bốn vào đại lao bộ Hình, đợi bản quan tường trình lên Thánh thượng rồi bố trí tiếp.”

“Rõ.”

Đêm đó, chuyện Dư Triều Sinh áp giải bốn tội quan về kinh truyền khắp đô thành.

Cũng trong đêm đó, Dư Triều Sinh đến tận nhà thăm ân sư Từ Bí. Thầy trò thân mật chuyện trò thâu đêm, thức trắng đến tận khi trời sáng.

Ngày hôm sau, Dư Triều Sinh đệ trình một bản tấu. Trước khi dâng lên hoàng đế, tấu chương của các quan đều phải được phê duyệt bởi điện Cần Chính. Hôm nay, người phụ trách xét duyệt tấu chương của quan nhị phẩm là Hữu thừa Cảnh Thiếu Vân. Cảnh Thiếu Vân không thuộc Từ đảng hay Vương đảng, ông là tâm phúc của hoàng đế.

Cầm tấu chương của Dư Triều Sinh trên tay, Cảnh tướng hết sức bối rối, trù trừ mãi không quyết.

Cuối cùng, ông vẫn dâng bản tấu ấy lên bàn vua.

Triệu Phụ có thể coi là vị vua sáng suốt. Hằng ngày, những tấu chương đầu tiên ông đọc luôn là những bản tấu khẩn điện Cần Chính đệ trình. Hôm nay, sau khi mở bản tấu của Dư Triều Sinh ra, lông mày Triệu Phụ khẽ nhướng lên, nét mặt liên tục thay đổi.

Tấu chương của Dư Triều Sinh viết rằng hành tung của nhóm quan lại U châu Vương Tiêu, Mai Thắng Trạch rất quỷ quyệt, giống như làm việc mờ ám.

Đương nhiên, hành tung của bốn người này quỷ quyệt ra sao, làm việc mờ ám thế nào, hoàng đế đã biết cả. Bốn người đó đều được Tô Ôn Duẫn và Đường Thận cài vào nước Liêu và U châu, có nhiệm vụ làm mật thám phá Liêu!

Triệu Phụ để bản tấu xuống bàn. Ông không hề triệu Dư Triều Sinh đến để nói sự thật cho anh ta, cũng không hạ chỉ ra lệnh cho anh ta thả bốn người này. Hoàng đế suy nghĩ rất lâu, ông cứ có cảm giác Dư Hiến Chi không phải người gióng trống khua chiêng bắt bốn mệnh quan triều đình này về Thịnh Kinh, thậm chí còn tống vào đại lao bộ Hình chỉ vì một chuyện cỏn con như thế.

“Còn giấu đòn gì nữa đây?”

Dư Triều Sinh hệt như ân sư Từ Bí của anh ta vậy, làm gì cũng kín đáo, không chuộng nhanh, ác, chỉ cốt không chừa hậu họa.

Anh ta không tấu thẳng lên hoàng đế rằng bốn người này có quan hệ mật thiết với Thượng thư Tả bộc xạ kiêm Chỉ huy sứ ty Ngân Dẫn Vương Trăn, bởi anh ta còn muốn quan sát xem hoàng đế biết chuyện này đến đâu.

Triệu Phụ đọc bản tấu ấy xong cũng chẳng nói một chữ trên triều đình, cứ như thể chưa từng thấy bản tấu đó.

Dư Triều Sinh lập tức nhận ra: Hoàng đế biết việc này!

Nhưng rốt cuộc hoàng đế năm được bao nhiêu? Chẳng lẽ việc Vương Trăn móc nối với bốn người này và những sắp xếp của y ở Tây Bắc, ở nước Liêu đều có sự chỉ đạo của hoàng đế?

Ở phủ Tả tướng, Dư Triều Sinh suy đi tính lại, nói: “Học trò cảm thấy Vương Tử Phong không nên dính vào việc này. Thánh thượng vô cùng tin tưởng Vương Tử Phong, nhưng tính Thánh thượng vốn đa nghi, không thích đại thần chuyên quyền độc đoán. Tiên sinh từng nói xưa nay người không thích ôm việc vào mình, người luôn dặn dò Hiến Chi rằng làm quan phải biết đủ. Cựu Tả tướng Kỷ Ông Tập cũng thâu tóm nhiều quyền lực, nhưng ông ấy không hề có những thủ đoạn như Vương Tử Phong đang làm bây giờ. Học sinh cho rằng, hành động của Kỷ tướng đã chạm ngưỡng dung thứ của Thánh thượng, còn Vương Tử Phong đã lấn qua lằn ranh ấy rồi.”

Từ Bí khẽ mỉm cười, nhấp ngụm trà, nói: “Phải đấy. Nếu đã vậy, con định làm thế nào đây?”

Dư Triều Sinh ngẫm nghĩ một lát: “Đã đối địch với Vương Tử Phong thì cứ quyết liệt là hơn. Nếu không giáng cho y một đòn trí mạng, để y có cơ hội trở mình thì hậu họa khôn lường. Học trò định tra khảo bốn kẻ kia trước, dứt khoát phải vạch rõ tội Vương Tử Phong trước mặt Thánh thượng hòng triệt đường xoay xở của y.”

Động thái của Dư Triều Sinh qua mắt được vô số người song không giấu được Hữu tướng Vương Thuyên.

Tan triều xong, Vương Thuyên lập tức đi tìm cháu mình, vừa mở miệng đã nói ngay: “Con còn cười được à? Có biết Dư Triều Sinh đã viết tấu gửi vào điện Thùy Củng cho Thánh thượng không! Con không sợ y gièm pha hãm hại con trong tấu chương hay sao?”

Vương Trăn phe phẩy cây quạt gấm trắng, cười bảo: “Thúc tổ đã thấy bản tấu ấy chưa?”

Cái phẩy quạt của chàng làm Vương Thuyên xốn cả mắt, ông nói bằng giọng không vui: “Dĩ nhiên là chưa. Xét duyệt tấu chương là việc của Cảnh tướng. Ta đâu thân với Cảnh tướng đến mức biết được bản tấu ấy viết gì.”

“Thế thì đi đâu mà vội.”

“Con…!”

Vương Thuyên tức quá thể với thằng cháu, ấy vậy mà Vương Trăn chỉ xòe quạt, nói: “Thúc tổ không việc gì phải lo lắng thế. Giờ mà đã lo thì về sau biết làm thế nào? Thánh thượng đã xem bản tấu ấy từ hôm qua, vậy mà hôm nay ngài chẳng hề phạt con trên triều, chứng tỏ bản tấu ấy chắc chắn không đề cập đến con rồi.”

Vương Thuyên ngẫm một lát: “Con nói cũng có lí, nhưng làm sao con biết hôm qua Dư Triều Sinh không nhắc đến con thì ngày mai y cũng không tố cáo con ngay trên triều chứ?”

Vương Trăn cười phá lên tức thì, nụ cười khiến gương mặt cực kì tuấn nhã của chàng tươi rói, cặp mắt chói ngời như sao: “Thúc tổ, trước giờ Phong vẫn nghĩ dù đối mặt với bất kì ai, phải biết mình biết người thì mới trăm trận trăm thắng. Dư Hiến Chi là Tiến sĩ cùng khoa với con, đã cùng khoa thi, làm gì có chuyện con không để mắt tới y? Có khi chính y cũng chẳng biết mình bị theo dõi từ lâu rồi. Dĩ nhiên, con vẫn lưu tâm tới toàn bộ Tiến sĩ cùng khoa thi năm Khai Bình thứ mười tám, không riêng gì Dư Hiến Chi.”

Vương Thuyên kinh ngạc thốt lên: “Con thừa thời gian để làm chuyện đó ư?”

Vương Trăn: “Thú tiêu khiển lúc thư nhàn ấy mà. Thúc tổ quên con có tài đọc gì nhớ nấy rồi hay sao?”

Vương Thuyên chẳng ừ hử gì, kể cả có tài đọc đâu nhớ đấy đi chăng nữa, ông cũng không lấy đó làm thú tiêu khiển lúc rảnh rang. Thằng cháu này của ông đúng là khác người.

Vương Trăn cảm khái: “Cả đời con chưa bao giờ coi Dư Hiến Chi là đối thủ.”

Vương Thuyên sửng sốt: “Ta không ngờ con lại đồng điệu3 với y đến vậy!”

[3] 惺惺相惜 (Tinh tinh tương tích): Ví người đồng cảnh ngộ, chung tính cách nên thấu hiểu, nể trọng, giúp đỡ lẫn nhau.

“Đồng điệu ư?” Cứ như thể vừa nghe chuyện gì ngộ nghĩnh ghê gớm, Vương Trăn trố mắt, phá lên cười một chặp. Đoạn chàng bảo: “Con người Dư Hiến Chi đã yếu đuối bất tài, thiếu quyết đoán, lại còn hiền lành chất phác! Khi xưa mà y bái Kỷ tướng làm thầy thì con cũng gờm đấy, nhưng y lại theo Từ tướng, mà Từ tướng thì càng hay lo trước lo sau, do dự thiếu quyết đoán. Việc gì con phải coi người như thế là đối thủ của mình?”

Ý chàng là: Cả đời Dư Hiến Chi cũng chẳng đọ nổi với con.

Vương Thuyên cũng biết thế, tuy không hiểu cháu trai mình lấy đâu ra nhiều tự tin đến vậy, song ông vẫn thở dài: “Trần đời ta chưa thấy kẻ ác chê người ngay vô dụng vì quá hiền lành bao giờ cả. Tài, tài thật. Suốt mấy trăm năm Lang Gia Vương thị chúng ta không đứt mạch, đúng thật là đầy kho châu ngọc, dày phúc thư hương. Dễ phải tổn hao tích lũy trăm năm mới sản sinh nổi bậc tham quan gian thần như con đấy, Vương Tử Phong ạ.”

Vương Trăn thành tâm chắp tay hành lễ: “Thúc tổ quá khen.”

Vương Thuyên: “…”

Vương Trăn đã ngầm tính sẵn sách lược, còn phía Đường Thận lại bất ngờ xuất hiện một nhân vật không nên có mặt ở nơi này.

Cha của Mai Thắng Trạch lặn lội từ Bắc Trực Lệ tới, chờ cả ngày trời ngoài cổng nha môn bộ Công mới gặp được Đường Thận.

Ông cụ Mai vừa thấy Đường Thận liền quỳ sụp xuống, song Đường Thận đã nhanh tay nâng ông dậy ngay.

Nước mắt giàn giụa, cụ ông tuổi ngoài sáu mươi khẩn khoản cầu xin: “Đường đại nhân, đại nhân, tôi xin ngài cứu Linh Phủ, xin ngài hãy cứu Linh Phủ với!”