Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 49



Vương Trăn đứng lên, đeo luôn miếng ngọc và túi hương vào đai lưng.

Thấy chàng làm thế, Đường Thận có chút ngạc nhiên, nhưng cậu không nói gì.

Đường Thận hoàn toàn không biết người xưa có những tập tục gì vào dịp lễ sinh nhật. Cậu thử suy nghĩ, bèn đoán rằng chắc ít nhất cũng phải ăn mì trường thọ. Tuy thế, ở quê cậu hồi xưa, mọi người thường ăn mì vào buổi trưa, còn buổi tối thì mở tiệc. Chần chừ chốc lát, Đường Thận mới hỏi: “Sư huynh đã ăn mì chưa ạ?”

Vương Trăn đương nhiên biết Đường Thận đang nghĩ gì, chàng ra lệnh cho quản gia: “Đưa hai bát mì lên đây.”

Quản gia sai bảo đầy tớ: “Đem hai bát mì lên.”

Đường Thận ngơ ngơ ngác ngác.

Sinh nhật Vương Trăn thì mình anh ta ăn mì thôi, sao lại quàng thêm cả cậu? Nhưng Đường Thận chưa kịp từ chối, tên đầy tớ đã vâng dạ rồi chạy tọt xuống bếp. Chẳng bao lâu, đầy tớ lại bưng hai tô mì vào vườn.

Đường Thận nhìn chằm chằm bát mì trên bàn, không biết phải nói sao.

“Tiểu sư đệ không thích ăn mì à?”

Đường Thận: “Không phải ạ.”

Vương Trăn tỏ vẻ phật ý: “Thế thì ắt là nhà bếp nấu nướng không hợp khẩu vị đệ rồi.”

“Không đâu ạ.”

“Vậy thì ăn đi.”

Đường Thận không thể làm gì khác ngoài cầm đũa, gắp mì. Cậu ăn ba bốn miếng mới phát hiện rằng Vương Trăn chưa ăn miếng nào, đũa vẫn gác nguyên đấy. Đường Thận lấy làm lạ: “Sao sư huynh không ăn?”

Vương Trăn tỏ ra hết sức ngạc nhiên, nói như đúng rồi: “Chúng ta mới ăn tối xong, huynh hẵng còn no căng, làm sao mà ăn được nữa.”

Đường Thận: “…”

Ô thế huynh no căng, còn ta thì không no căng phỏng?

Đường Thận chẳng nói chẳng rằng buông đũa, bỏ mứa bát mì luôn, trong bụng thì mắng mỏ Vương Tử Phong xối xả. Ấy thế mà Vương Tử Phong vừa gọi một tiếng “Cảnh Tắc,” Đường Thận lập tức “Dạ” ngay, ngoan thế cơ chứ lại! Dạ xong Đường Thận cũng chỉ muốn tự vả miệng: Rõ bẽ mặt! Vương Tử Phong, anh giỏi lắm. Giờ thì tôi phải nịnh anh, nhưng hãy đợi đấy, sẽ có ngày tôi không phải nịnh anh nữa!

Sư huynh đệ hai người lại nói chuyện thêm một chốc rồi Đường Thận cáo từ về nhà, Vương Trăn tiễn cậu ra tận cửa.

Nhìn bóng lưng dần xa của Đường Thận, Vương Tử Phong cầm quạt gõ nhè nhẹ lên lòng bàn tay trái. Gõ một lát, chàng trỏ quạt về phía Đường Thận, nói: “Ngươi đoán xem hồi nãy đệ ấy có thầm nói xấu ta không?”

Quản gia nhìn xung quanh, nghĩ bụng ở đây chẳng có ai, hẳn là công tử đang nói chuyện với mình.

Ông ta nhủ thầm: Có mắng ngài hay không, ngài chẳng biết quá rồi còn gì?

Quản gia cung kính đáp: “Tiểu nhân không biết ạ.”

Gương mặt điển trai của Vương Trăn đầy ắp ý cười, song khi chàng cất lời thì rất nghiêm túc: “Ta là ta cứ thấy những lúc đệ ấy oán thầm mình mới hay ho làm sao, không tài nào mà nhịn trêu được, ngươi nói xem, biết làm sao cho phải đây?”

Quản gia: “…”

Vương Trăn chỉ hỏi thế thôi chứ chàng không định nghe quản gia trả lời. Vuốt ve miếng bạch ngọc thượng hạng trên thắt lưng, chàng thở dài một hơi, rảo bước quay về cổng chính phủ Thượng thư.

Ngày mùng bảy tháng mười, đại thọ Thiên tử.

Quan thất phẩm ruồi muỗi như Đường Thận không có tư cách tham gia nghi lễ tế trời ở Đàn Trời. Tuy thế, trong lúc văn võ bá quan và hoàng thân quốc thích tế tổ thì họ cũng phải ngồi quỳ trong viện Hàn Lâm cả buổi, cảm nhận “oai trời” lồng lộng từ cách đó mấy chục dặm. Đến tận chiều, nghi thức tế trời dài lê thê mới kết thúc. Văn võ bá quan vào hoàng cung dự tiệc, đám quan nhỏ lục phẩm, thất phẩm thì về nhà nghỉ ngơi, hưởng thụ thời gian thanh nhàn.

Sinh nhật hoàng đế, đại xá thiên hạ.

Ba ngày sau tức mùng mười tháng mười, Đường Thận thay quan phục lục phẩm của Khởi Cư xá nhân, đi đến nha môn Trung Thư Tỉnh.

Triều đại trước, Khởi Cư lang  và Khởi Cư xá nhân là hai chức quan thuộc Nội Sử Tỉnh. Sang triều đại này, vua Thái Tổ phế bỏ Nội Sử Tỉnh, dựng nên Trung Thư Tỉnh. Quan lại trong Trung Thư Tỉnh đều kiêm nhiệm chức khác, ví dụ như Vương Trăn vừa là Thượng thư bộ Hộ, vừa là Nội Các đại thần trong Trung Thư Tỉnh, nên còn được gọi là Vương tướng công. Những quan lại không kiêm chức trong Trung Thư Tỉnh cũng chỉ có duy nhất hai đối tượng.

Một là các tể tướng, hai là các quan Khởi Cư như Đường Thận, Diêu Thiện.

Một đằng là quan nhất phẩm, quyền thế nghiêng trời lệch đất; đằng kia là cận thần của thiên tử, phụ trách ghi chép cuộc sống hàng ngày của đức vua.

Đến nha môn Trung Thư Tỉnh, Đường Thận thấy Diêu Thiện đến trước cả mình. Anh ta gặp Đường Thận thì nói: “Cảnh Tắc, không ngờ chúng ta lại có duyên như vậy. Trung Thư Tỉnh khác xa viện Hàn Lâm, sau này chúng ta nên chiếu ứng lẫn nhau.”

Đường Thận tán thành: “Xin được phấn đấu cùng Vấn Cơ huynh!”

Hai người hàn huyên một hồi thì có hai viên quan mặc áo bào ngũ phẩm đi tới cửa. Đường Thận vái chào hai vị này, họ lại chào hỏi Diêu Thiện bằng lễ của quan cùng cấp. Một trong hai người nói: “Hẳn vị này là Diêu Vấn Cơ – Diêu đại nhân, còn vị này là Đường Cảnh Tắc – Đường đại nhân. Ta là Lý Thư, cũng là quan Khởi Cư lang  ngũ phẩm giống Diêu đại nhân đây. Còn đây là Trương Tư – Trương đại nhân, cũng là quan Khởi Cư lang.

Trương Tư nói: “Hôm nay đến lượt ta theo bệ hạ, đã chọn sẵn hai Khởi Cư xá nhân rồi. Sang ngày mai đến lượt Lý đại nhân theo hầu bệ hạ, lúc ấy, Đường đại nhân hẵng vào cung.”

Đường Thận hỏi: “Trương đại nhân, ngày mai đến lượt ta ghi chép ư?” Cậu tỏ vẻ lúng túng: “Chẳng giấu gì hai vị, ta vừa mới đến Trung Thư Tỉnh nên còn bỡ ngỡ lắm, hỏi một chẳng biết ba1, chỉ sợ mai thành trò cười mất. Khiến mọi người cười chê là chuyện nhỏ, kinh động đến thánh giá mới nguy to. Ngày mai, ta biết phải làm sao đây?”

Đường Thận mới mười sáu tuổi, đóng vai âu sầu rầu rĩ không thể nào đạt hơn. Cậu chau mày, hai tay nắm chặt, trông hết sức lúng túng.

Hai quan Khởi Cư lang ngũ phẩm thấy thế thì nhìn nhau cười, quả nhiên như lời đồn, cậu ta chỉ là một đứa con nít. Lý Thư nói: “Đại nhân chớ lo lắng, ngày mai người chịu trách nhiệm là ta, không chỉ có mình cậu ghi chép đâu. Đến lúc ấy, cậu cứ đứng sau lưng ta, xem ta chép thế nào là được. Ta sẽ đứng bên trái thánh thượng, một Khởi Cư xá nhân khác đứng ở bên phải. Cậu và Diêu đại nhân mới tới đây, vẫn chưa quen việc. Đã thế, hôm nay hai người hãy tham khảo Khởi Cư chú của năm Khai Bình triều ta đi. Xem được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Khi nào các cậu đọc xong, ắt sẽ biết phải làm thế nào.”

Diêu Thiện và Đường Thận liếc nhau một cái, cười bất đắc dĩ: “Vâng.”

Không ngờ rời khỏi viện Hàn Lâm rồi vẫn phải đọc sách!

Đường Thận và Diêu Thiện mỗi người mở một cuốn Khởi Cư chú dày cồm cộp ra đọc. Hai người đọc một mạch đến tận lúc mặt trời lặn, Hoàng đế đã tu tiên xong, quay về hậu cung. Sau khi hoàng đế về hậu cung, Khởi Cư lang và Khởi Cư xá nhân mới kết thúc một ngày làm việc.

Đường Thận về đến nhà, rửa mặt bằng nước lạnh. Dòng nước lạnh buốt như đá hắt lên mặt khiến cậu tỉnh táo bất ngờ.

Đường Thận xốc lại tinh thần, mắt sáng rực, khẩn trương đi vào thư phòng, lấy một cuốn vở trắng. Cậu mài mực, cầm bút lông dê mảnh viết thoăn thoắt: “Năm Khai Bình thứ hai mươi tư, ngày mùng bốn tháng tám, có sao chổi lớn như trái đào, rơi về phía Đông Nam. Giám chính Khâm Thiên Giám Lý Tiêu Nhân vào cung giữa đêm….”

Nhắm mắt lại, vô số hàng chữ lại hiện lên trước mắt cậu, Đường Thận viết tiếp: “Năm Khai Bình thứ hai mươi tư, mùng bảy tháng tám, Thánh thượng triệu Thiếu Khanh Đại lý tự Tô Ôn Duẫn. Vua nói: Đêm qua trẫm gặp cơn mộng dữ, thấy chúng sinh trong lao tù than khóc, huyết lệ đẫm song sắt. Tô khanh đáp rằng: Bệ hạ nhân từ, thần không bì kịp. Vua nói: Trẫm đau nỗi đau của thiên hạ, Tô khanh có xót xa cùng với trẫm không? Nhân nhớ đến muôn dân, ban phúc trạch cho bách tính, trẫm đại xá thiên hạ! Ngày hôm ấy, vua Tống đại xá tội nhân.

Cây bút của Đường Thận đưa nhanh như chớp trên giấy trắng.

Đọc một lần không quên!

Ngay cả Đường Thận cũng không ngờ, sẽ có ngày cậu dùng năng lực trời ban của mình vào việc này.

Hôm nay khi đến kho lưu trữ của của Trung Thư Tỉnh chọn sách thì Đường Thận chọn đúng cuốn Khởi Cư chú năm Khai Bình thứ hai mươi tư đến năm Khai Bình thứ hai mươi sáu. Cậu đọc suốt cả ngày mà mới chỉ xong được một năm, còn hơn một năm nữa chưa xem hết.

Viết tất tật những gì cậu nghĩ có liên quan đến việc mình cần, Đường Thận thở phù một hơi rõ dài, ngồi tê liệt trên ghế. Cậu cầm cuốn Khởi Cư chú bản nhái mình vừa viết xong, đọc lại kỹ càng.

Đường Thận sao chép đủ thứ linh tinh tạp nham, có những câu nói vu vơ của Triệu Phụ, cũng có những cuộc đối thoại giữa Triệu Phụ và bề tôi. Tất cả những gì có có thể liên quan đến thành viên Tùng Thanh đảng, cậu đều ghi lại tất.

Nhưng mà những mẩu vụn này…

“Còn xa mới đủ!”

Đường Thận đặt phịch cuốn vở lên án thư, đôi mắt đỏ quạch: “Hoàng đế đại xá thiên hạ, đương nhiên không có chuyện thả Chung Thái Sinh. Đại xá thiên hạ chỉ đặc xá cho một số phạm nhân tội nhẹ, còn trọng phạm, mệnh phạm thì không thể được ban ơn. Triệu Phụ đặc xá tội phạm, chỉ vì một cơn ác mộng, hay ông ta còn ý đồ gì?”

Đường Thận vắt óc ra mà nghĩ: “Sau đêm sao chổi xuất hiện, đây là lần duy nhất ông ta nhắc đến phạm nhân trong tù. Mình đã bỏ sót gì nhỉ?”

Đường Thận nhanh chóng lật lại cuốn vở mình chép, nhưng soi xét ngược xuôi, cậu vẫn không tìm được manh mối.

Áp lực như Thái sơn đè trên vai khiến Đường Thận phát ngộp. Cậu biết chắc rằng chuyện sinh tử của Chung Thái Sinh có liên quan đến Triệu Phụ, cậu còn biết, chính biến trong cung hai mươi bảy năm trước cũng liên quan đến Triệu Phụ. Hàng ngàn bí mật đan cài với nhau như một mạng nhện dày đặc, cậu có mở to mắt hết cỡ cũng không tài nào nhìn thấu.

“Hiện giờ những gì mình biết còn quá ít ỏi.” Đường Thận phán đoán.

Đặt một giả thiết táo bạo, cẩn thận tìm kiếm bằng chứng. Tất phải làm như vậy!

Đường Thận thổi tắt nến trong thư phòng, lặng lẽ giấu cuốn vở trong ngăn bí mật đằng sau giá sách, về phòng ngủ nghỉ ngơi.

Giờ Sửu ngày hôm sau, từ lúc trời còn tờ mờ, Đường Thận đã thay quan bào đến nha môn Trung Thư Tỉnh.

Lý Thư thấy Đường Thận đến trình diện từ sớm thì rất hài lòng. Chờ Khởi Cư xá nhân còn lại đến nơi, Lý Thư chỉ liếc người đó một cái, rồi lẳng lặng dẫn Đường Thận và người đó đi vào hoàng cung. Màn đêm vẫn còn chưa tan, sao nhỏ li ti rải rác trên trời. Ba viên quan nhỏ không ai dám ngẩng đầu, rảo bước đi trong cung.

Trong hoàng cung vô cùng yên tĩnh, đình đài lầu các chìm trong bóng đêm, nom như những con thú dữ nhe nanh múa vuốt, chỉ chực ăn tươi nuốt sống người ta.

Ba người tới điện Tử Thần, trong điện chỉ có thái giám và cung nữ đang quỳ trên sàn lau dọn. Lý Thư dặn dò hai người Đường Thận rằng: “Cấm nói gì đấy.” Hai người biết điều, không ai hé răng, ông ta bèn dẫn họ ra đằng sau ngai rồng.

Đường Thận mới vào điện Tử Thần một lần duy nhất – hồi cậu đỗ đệ nhất giáp kì Đình. Lần đó, cậu đứng giữa đại điện, được Triệu Phụ đích thân ban danh hiệu Thám Hoa lang.

Lý thư liếc mắt ra hiệu cho Khởi Cư xá nhân kia, người kia đã có kinh nghiệm, thì thào dạ một tiếng rồi đi sang bên phải. Đường Thận đi theo Lý Thư sang bên trái. Bọn họ đi vòng qua ngai vàng, đứng ở mé bên bệ đá đúc từ đá trắng Thái Hồ. Khuất đằng sau một cây cột bàn long2 bằng bạch ngọc năm người ôm mới xuể là một chiếc bàn nho nhỏ.

[2]Bàn long: rồng cuốn

Chiếc bàn này vừa hẹp vừa nhỏ, ghế ngồi cũng chỉ được ghép từ ba tấm gỗ.

Đường Thận giật mình nhìn kỹ lại. Lúc được phong Thám Hoa lang, cậu không ngờ đằng sau cây cột hai bên ngai rồng còn có người nữa!

Lý Thư: “Cậu đứng sau lưng ta, đứng sao cho khuất sau cột.”

Đường Thận: “Vâng.”

Lý Thư ngồi xuống, nhẹ nhàng mài mực.

Qua một lúc, cung nữ, thái giám quét tước điện Tử Thần nối đuôi nhau ra ngoài. Sau đó thì có một nhóm thái giám khác tiến vào từ cửa hông. Thái giám đi cuối cùng phụ trách đóng cửa điện Tử Thần lại. Hai khắc sau, ngoài cửa vang lên tiếng hô lanh lảnh như thể ép giọng: “Bá quan vào điện!”

“Bá quan vào điện!”

“Bá quan vào điện!”

Những câu lệnh cứ lần lượt truyền xuống, vang khắp hoàng cung.

Sau một hồi tuyên gọi, Đường Thận căng tai lắng nghe, để ý thấy tiếng bước chân sột soạt. Lũ thái giám vào điện Tử Thần từ sớm đang cúi đầu, đi tới trước hai bên cửa điện, chia làm bốn người mỗi bên. Tám thái giám hè nhau kéo, hai cánh cổng điện kẽo kẹt mở ra. Sau một khắc, quan lại hai ban văn võ, khoác trên mình những bộ áo bào tượng trưng cho phẩm trật khác nhau, lần lượt vào điện.

Đường Thận và Lý Thư đứng ở bên trái của ngai rồng, tức là bên phải của bá quan.

Văn bên trái, võ bên phải. Trước mặt Đường Thận toàn các tướng võ. Đường Thận ngó nghiêng, phát hiện Vương Trăn đứng trong hàng ngũ quan văn bên trái, chàng mặc áo bào đỏ, cầm chiếc hốt ngọc rất dài, đứng ở vị trí thứ ba trong hàng quan văn. Hai người đứng trước chàng đều mặc áo bào của quan nhất phẩm. Bên cạnh chàng cũng có mấy người khác mặc quan bào nhất phẩm.

Trong đám quan lại này, xếp hàng sau cùng chính là các quan tứ phẩm.

Đại Tống trọng văn, từ thời Thái Tổ đã bỏ lễ quỳ, những khi có lệnh “quỳ” thì chỉ cần ngồi quỳ mà thôi. Khi lên triều thì các quan thậm chí không cần quỳ trước hoàng đế mà được phép đứng trong điện, ngước nhìn lên hoàng đế.

Trong điện, sàn gạch dát vàng tỏa ra hơi lạnh.

Trăm quan cầm hốt đứng đợi một khắc mới nghe tiếng Đại thái giám Quý Phúc cất cao: “Bá quan bái yết!”

Lý Thư lập tức đứng lên, Đường Thận cũng bắt chước, hành lễ cùng các quan trong điện. Mấy chục con người cùng nhau hô lớn, tiếng nói cộng hưởng rung chuyển cả điện Tử Thần, thấu tận trời cao.

“Bái kiến bệ hạ!”