Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 89



“Ai bảo Thánh thượng mắng ta tối mặt tối mũi? Vương Tử Phong, bộ ngươi núp trên xà nhà nghe lén hay sao?” Lý tướng quân ban đầu cũng ngượng chín mặt, nhưng hắn ta nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, lí sự ngay: “Chả nhẽ ngươi cứ nói thế nào thì sự thật là thế ấy? Thánh thượng triệu ta đến để thưởng công đại thắng quân Liêu, ngươi thì biết cái gì!”

Vương Trăn bước đến, liếc mắt trao đổi với Đường Thận.

Đường Thận: Sư huynh, hắn vừa mới nói xấu huynh đấy, đệ không trả lời hắn, đệ không liên quan.

Vương Trăn cười tủm tỉm, Đường Thận không hiểu ý chàng, nhưng cậu nghĩ mình không làm gì sai, lại thân với Vương Tử Phong đến thế, chắc chàng chẳng giận dỗi mình đâu.

Vương Trăn thủng thẳng hỏi: “Lý tướng quân nói Thánh thượng ban thưởng cho tướng quân, thế phần thưởng ấy đâu?”

Lý Cảnh Đức: “…”

Đúng là không bói ra nổi kẻ nào tử tế trong lũ quan văn tầm xàm bọn mi!

Lý Cảnh Đức hùng hổ khoát tay, sải bước đi vun vút: “Thôi đi đây, nói chuyện nhạt thếch!”

Bóng lưng phóng khoáng của Lý Cảnh Đức khuất dần trong khu vườn điện Cần Chính. Chẳng hiểu sao, Đường Thận thấy hắn hớt hải cứ như chạy nạn. Đối đầu với các quan văn khác, Lý Cảnh Đức sẵn sàng móc mỉa không thương tiếc. Ngay như Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng cùng hàm nhị phẩm, hắn cũng có gan nửa đêm chụp bao tải, tẩn ông ta một trận nhớ đời. Ấy thế mà đụng phải Vương Tử Phong thì đố hắn dám. Lương bổng của quân đội đang nằm cả trong tay bộ Hộ kia kìa! Xưa nay đâu phải Lý tướng quân chưa bao giờ chống đối Vương Tử Phong? Khốn nỗi, những lần ngang tàng ấy chẳng đem lại kết quả tốt đẹp gì cho cam!

Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt, Lý tướng quân là anh hùng kiệt xuất của thời đại này, càng phải biết thời biết thế hơn người khác.

Thật ra, Vương Trăn chỉ đi ngang qua chốn này thôi chứ không hề chủ tâm theo dõi Đường Thận hay Lý Cảnh Đức. Ai biết đâu, đương băng qua vườn thì tự dưng nghe tên mình được nhắc đến, chàng mới dừng bước nghe thêm mấy câu.

Vương Trăn bình thản nhìn Đường Thận: “Phía Mạnh đại nhân thế nào rồi?”

Ấy là chàng hỏi thăm tình hình tranh luận giữa Mạnh Lãng và đoàn sứ giả nước Liêu. Đường Thận đáp: “Mạnh tướng công và Dư thị lang phối hợp nhịp nhàng, có thể nói là khá thuận lợi.”

Vương Trăn: “Năm nay rồi cũng khép lại êm thấm thôi.”

Đường Thận ngầm hiểu: “Ý của sư huynh là…”

Vương Trăn mỉm cười: “Tối nay, tiểu sư đệ ghé phủ Thượng thư uống rượu nhé?”

Mạnh Lãng chủ trì việc đàm phán với sứ Liêu, Đường Thận bỗng hết phận sự. Ngày ngày rỗi rãi, cậu cũng định bụng ghé thăm Vương Trăn để thắt chặt tình cảm. Vừa nghe chàng nói thế, Đường Thận đáp liền: “Vâng, lại xin quấy quả sư huynh.”

Đã vào tháng Chạp. Ở Thịnh Kinh, ngoảnh đi ngoảnh lại trời đã sập tối. Các quan tan làm đều phải thắp đèn lồng.

Đường Thận về nhà thay thường phục rồi mới đến phủ Thượng thư. Đầu bếp phủ Thượng thư đã chuẩn bị một mâm cơm kiểu Giang Nam. Kỳ thực, kiếp trước, ẩm thực Giang Nam với khẩu vị thanh đạm không phải gu của cậu. Thế mà sang kiếp này, cứ mỗi lần thăm nhà Vương Trăn là Đường Thận đành phải làm thực khách bất đắc dĩ. Không chỉ có vậy, đầu bếp phủ Thượng thư là đầu bếp được Lang Gia Vương thị tuyển chọn kĩ càng trước khi gửi đến, tay nghề có một không hai. Thành thử theo Vương Trăn lâu ngày, dần dà khẩu vị của Đường Thận cũng thanh đạm hơn.

Sư huynh nhà mình có những thú vui phong nhã gì sau bữa cơm, Đường Thận cũng nắm rõ như lòng bàn tay.

Hoạt động vui chơi giải trí của người thời xưa thật ra không nghèo nàn như người hiện đại vẫn lầm tưởng, song cũng không lấy làm nhiều nhặn. Đêm xuống, thắp nến hay đốt đèn đều tốn kém nên phần lớn người dân sẽ đi ngủ. Ai không ngủ thì có thể tiêu khiển bằng những trò như cờ đá ngựa1, hoặc chơi bài diệp tử hí2. Cao nhã hơn thì có cầm, kỳ, thư, họa, gì cũng sẵn.

[1] Đả mã – trò chơi gần giống như cờ cá ngựa. [2] Trò chơi thẻ bài cổ, trên thẻ vẽ hình của các anh hùng Lương Sơn Bạc và có số điểm khác nhau.

Vương Trăn tinh thông đủ mấy nghề cầm kỳ thư họa. Là “nửa” học trò của chàng, Đường Thận cũng “học đòi văn vẻ”, võ vẽ mỗi thứ mỗi tí.

Hai người vào thư phòng, trong phòng bày một ván cờ họ bắt đầu từ nửa tháng trước.

Đường Thận nhác thấy bàn cờ đã ong cả đầu, vội xin tha: “Sư huynh, đệ thua rồi.”

Vương Trăn ngạc nhiên: “Đã đi hết cờ đâu, sao tiểu sư đệ chóng đầu hàng thế?”

“Con mắt tinh tường của sư huynh cố nhiên phải thấy cuộc cờ này đệ đã bại. Chúng ta bày ván khác thì hơn.”

Vương Trăn than thở: “Tiểu sư đệ coi thường bản thân quá đấy.” Nói đoạn, chàng thu cờ, “Thế thì chơi ván khác vậy.”

Đường Thận nghĩ thầm: Huynh nhất định phải thấy ta thua liểng xiểng mới vừa lòng ư?

Đâu ra cái thú vui xấu xa thế không biết!

Trước giờ Đường Thận đánh cờ với Vương Trăn đều theo lối cờ địch thủ, tức là hình thức chơi giữa hai người có trình độ ngang nhau, không nhường quân nào hết. Chẳng hiểu sao hôm nay Đường Thận lại đề nghị: “Sư huynh, đệ muốn chơi cờ nhiêu tử, huynh nhường đệ năm quân nha?”

Cờ nhiêu tử3 là hình thức mà người chơi kém hơn được cầm quân đen đi trước. Đã thế, Đường Thận còn đòi Vương Trăn phải nhường mình những năm quân.

Vương Trăn lấy làm lạ: “Tiểu sư đệ chọn cờ nhiêu tử để làm chi?”

Đường Thận: “… Tài đánh cờ của đệ đâu bằng sư huynh. Trước giờ chúng ta nên chơi cờ nhiêu tử mới đúng.”

Vương Trăn: “Ta chẳng thấy thế.”

Đường Thận: “…”

“Đệ thấy thế, sư huynh, nhường đệ năm quân đi mà.”

Vương Trăn bình tĩnh mỉm cười: “Ta tôn trọng tiểu sư đệ, ta nghĩ đệ nên chơi theo lối cờ địch thủ.”

Đường Thận nghĩ bụng, huynh có thể chuyển sự nghiêm túc ấy sang những lĩnh vực khác được không? Ví dụ như kéo ta thăng quan tiến chức chẳng hạn, còn chuyện cờ quạt thì phiên phiến thôi. Nhưng ai lại nói thế kia chứ? Một câu của Vương Tử Phong nhẹ tựa lông hồng, mà trong đầu Đường Thận phải nghĩ lòng vòng mấy ngả.

Vương Tử Phong bảo chàng tôn trọng mình, cho rằng về tài cờ họ ngang hàng với nhau, nên chơi cờ địch thủ.

Chàng không chỉ nói chuyện cờ, mà còn đang ám chỉ cái khác.

Phải đáp lại thế nào đây?

Mất một lúc, Đường Thận tuổi mười chín mới trả lời sư huynh: “Ta nhỏ hơn sư huynh chín tuổi, còn chưa làm lễ đội mũ, sư huynh nhường ta một chút thì mất gì đâu?” Giọng cậu còn pha chút nũng nịu, song Đường Thận chẳng nói ngoa. Giờ cậu mới mười chín, phải chờ sang tháng sau, qua năm mới4, cậu mới tròn hai mươi. Thế nên, hiện tại, Đường Thận vẫn đang là trẻ vị thành niên ở thời đại này.

Vương Trăn lớn hơn cậu những chín tuổi, ở thời đại này có thể coi là chênh nhau một thế hệ rồi. Là bậc cha chú, chàng cưng yêu chiều chuộng con cháu mình cũng là chuyện thường tình.

Vương Trăn phì cười, nhìn Đường Thận bằng ánh mắt hết sức kinh ngạc. Mãi sau, chàng mới chầm chậm thở dài, buồn bã nói: “Cảnh Tắc, đệ rõ thật là…” Vương Trăn bỏ lửng câu nói.

Đường Thận tò mò: “Là gì ạ?”

Vương Trăn cầm hộp cờ trắng: “Được rồi, thế thì đánh cờ nhiêu tử.”

Đường Thận: “???” Đang nói dở kia mà?

Vương Trăn không chịu tiết lộ, Đường Thận chẳng thể cạy miệng chàng bắt nói ra. Nhưng coi thái độ Vương Trăn, Đường Thận nghĩ bụng chắc chàng không định nói gì xấu.

Vương Trăn cho Đường Thận đi trước năm quân, hạ cờ theo phép nhiêu tử. Phải như thế, Đường Thận mới có sức cạnh tranh với Vương Trăn.

Đường Thận có thắng lợi sớm trước tiên, bắt được ba mắt5 của Vương Trăn. Nhưng ngay lập tức, Vương Trăn cắt thành công ba mạch cờ của Đường Thận, liên tục trên nước.

[5] Một hoặc một nhóm các điểm giao trên bàn cờ được bao quanh bởi các quân cờ. Mất mắt thì dễ bị bắt quân hơn (bất lợi). “Trên nước” là thuật ngữ trong chơi cờ, ý là có lợi thế.

Cuộc cờ tựa nhân sinh.

Rất lâu về trước, trong ván cờ chính thức đầu tiên của Đường Thận, Lương Tụng đã nói với cậu như thế.

Bản tính thật của một người có thể được bộc lộ thông qua một ván cờ. Tỷ như Lương Tụng, phong cách của ông khi chơi cờ thiên về ổn định, vững vàng hơn là xông xáo, một lối chơi nghiêm chỉnh. Còn như Phó Vị, khi Đường Thận đánh với ông, nước cờ của Phó Vị thoắt biến thoắt hóa khôn lường. Đánh được nửa ván thì ông chẳng buồn chơi nữa, đứng dậy đi cho chim ăn vì một lẽ rất đơn giản: “Cảnh Tắc ơi là Cảnh Tắc, con chơi cờ dở khiếp!”

Riêng với Vương Trăn, Đường Thận không thể đoán được bất cứ điều gì về con người chàng dựa vào cách chơi cờ.

Vương Trăn khi thì vững vàng tựa núi Thái, lúc thì mạo hiểm được ăn cả, ngã về không. Chàng như con mãnh hổ nằm phục bên bờ nước, thường ngày duỗi người lim rim. Mặt hồ xanh thẳm êm đềm giống hệt cốt cách cao nhã ung dung của chàng vậy. Thình lình gió giật mây sa, chúa sơn lâm choàng tỉnh giấc nồng, cất tiếng gầm rền vang rừng núi, ngàn chim muông nháo nhác tan bầy.

Giữa lúc địch thủ hẵng còn hoảng hốt, chàng điềm nhiên bắt một cụm cờ đen, dịu dàng cười với Đường Thận: “Tiểu sư đệ ơi.”

Một lát sau, Đường Thận mới hoàn hồn, phát hiện mình lại thua ván nữa.

“Tài cờ của sư huynh bỏ xa đệ quá.” Câu này vừa là nịnh, vừa là lời thán phục thật lòng. 

“Tiểu sư đệ còn chưa làm lễ đội mũ mà. Chín năm nữa, khéo ta lại thua đệ ấy chứ.”

Đường Thận: “…”

Đâu ra! Sao huynh lại để bụng chuyện đấy hả Vương Tử Phong?

Không thể lờ vụ này đi được, Đường Thận nhạy bén phát hiện Vương Trăn rất chi là quan tâm đến vấn đề này. Cậu bèn vỗ về: “Sư huynh à, đệ đâu có chê huynh già.”

“Hở?”

“Sư huynh vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.” Đường Thận thổ lộ tâm can, “Trong lòng đệ, khắp cả triều đình Đại Tống, giữa toàn thể các quan, có thể nói, sư huynh chính là người phi thường nhất!”

Hai mươi tám tuổi đã là quyền thần của cả một quốc gia, có đặt vào bối cảnh hiện đại cũng thừa tiêu chuẩn thanh niên ưu tú.

Thật ra, Đường Thận đã từng nghĩ thế này.

Đường Hoàng mười lăm tuổi, tức là đủ tuổi để bàn chuyện hôn nhân. Nếu tạm bỏ qua sở thích cá nhân của Đường Hoàng, để Đường Thận chọn, liệu ai mới xứng là chàng rể hiền giỏi giang nhất Đại Tống đây?

Chỉ tính riêng trong quan trường, người ấy không thể là Tô Ôn Duẫn tuổi hai nhăm phơi phới, mà phải là Vương Trăn tuổi hai tám cơ!

Ví bằng được lấy Vương Trăn làm chồng, tháng ngày sau xem như thuận buồm xuôi gió, trọn đời chẳng vướng sầu ưu.

Mình mà chẳng phải con trai thì cũng động lòng đấy.

Biểu cảm của Đường Thận được thu gọn trong đôi mắt tĩnh tại của Vương Trăn. Ánh nhìn của cậu mới chân thành làm sao, trong veo như ánh mắt trẻ thơ vậy. Vương Trăn cười khẽ, bày thêm ván nữa.

“Chơi tiếp nào.”

Đường Thận yên lặng đánh cờ cùng sư huynh.

“Nhân sinh như cuộc cờ.” Tiếng nói thanh nhã cất lên, Đường Thận ngây dại, ngước mắt nhìn Vương Trăn. Vương Tử Phong cầm quân trắng, vừa đặt quân, vừa hướng ánh nhìn xuống bàn cờ, nói: “Cuộc cờ, cũng giống như cuộc đời, như thế thái muôn màu, như quan trường chìm nổi. Tiểu sư đệ, đệ đọc sử Liêu có suy ngẫm gì không?”

Đường Thận ngồi ngay ngắn, đáp: “Người Liêu dựng nước trên lưng ngựa, toàn dân ai ai cũng là lính, ngựa khỏe quân hay. Cứ theo lời Lý tướng quân, mười năm, hai mươi năm sau, Đại Tống ta cũng có thể xây dựng một đội thiết kỵ dũng mãnh như vậy. Song ngay lúc này đây, nước Liêu đã sở hữu đội quân kiên gan và quả cảm đó rồi. Mặc dù thế, do thể chế đặc thù, triều đình bọn họ không được như nước Tống chúng ta.”

“Khác thế nào?”

“Quan miền Nam và quan miền Bắc có mâu thuẫn quá sâu sắc, khó mà hòa giải được.”

Vương Trăn đặt một quân cờ, diệt được ba mắt khí của Đường Thận6. Chàng bắt quân, nói: “Thế này mà cứ đòi đánh cờ nhiêu tử. Rõ ràng tiểu sư đệ đang tiến bộ dần mà.”

Đường Thận ngẫm nghĩ, sư huynh đang khen mình chăng?

Vương Trăn không để cậu nghĩ ngợi lâu, nói: “Quan miền Nam giống như đệ, cầm quân đen đi cờ nhiêu tử. Quan miền Bắc giống như ta, chiếm hơn nửa giang sơn nước Liêu, hùng dũng oai nghiêm, thanh thế sừng sững.”

Đường Thận giật mình: “Sư huynh đã biết từ sớm rồi ư?”

Vương Trăn: “Không phải ngẫu nhiên ty Ngân dẫn được thành lập.”

Đường Thận hoảng hồn: “Ngoài chuyện ‘đổi giấy thành tiền’, ty Ngân dẫn còn ngầm điều tra tình hình chính trị nước Liêu?”

Vương Trăn như thể vừa nghe điều gì lạ lùng lắm: “Tiểu sư đệ hãy thận trọng lời lẽ, ta chưa bao giờ nói thế cả.”

Đường Thận trật tự ngay.

“Đại hoàng tử và Nhị hoàng tử nước Liêu giống như đệ, xuất thân thấp kém, vì thân thế mà tình cảnh không thuận nên phải cầm quân đen hạ cờ nhiêu tử. Tam hoàng tử Gia Luật Hàm ví như ta, xuất thân cao quý, được phe Vương tử Thái sư và nhiều quan nước Liêu hết lòng phù trợ, nhưng bản tính dốt nát không biết tính toán, cầm quân trắng hạ sau.”

Đường Thận: “…”

Đường Thận: “Sư huynh, huynh vừa nói rằng ty Ngân dẫn không thăm dò việc chính trị nước Liêu.”

Vương Trăn: “Ta có nói vậy à?”

Đường Thận quả quyết: “Huynh có nói.”

Vương Trăn nhìn Đường Thận, khẽ nhíu mày.

Trước đây, Đường Thận nhất định sẽ đổi giọng ngay, giả vờ như mình lỡ lời. Nhưng lúc này đây, Đường Thận nhìn Vương Trăn không chớp mắt, cứng đầu không chịu khuất phục “cường quyền”.

Trong chốc lát, Vương Trăn bỗng mỉm cười. Chàng lấy ngón tay gõ yêu lên trán Đường Thận một cái, chẳng câu nệ gì, bảo: “Đệ đúng là ỷ chiều sinh kiêu!”