Sơn Hà Nhất Thủ Ca

Chương 4: Chiều trải dài khắp trời



Đông đến thu đi, bao nhiêu thay đổi.

Giữa chốn hồng trần, số phận vô thường ai đã vô tình sắp đặt?

Biên giới Triệu Quốc - Nam Giao.

Mười năm rời đi, giờ đây, một lần nữa, vượt nghìn vạn dặm xa xôi trở về.

Bầu trời xanh trong, mây trắng nhởn nhơ, mùa đông trầm tĩnh rảo bước viếng thăm trần gian, cái rét miên man vấn vương cành trơ lá, gió lành lạnh trêu đùa ghẹo lay ngọn cỏ.

Nam Giao tuy nằm ở phương nam nhưng mùa đông nơi biên giới thật sự rất lạnh, không thua kém gì phương bắc Triệu Quốc.

Chiếc xe bò kéo ì ạch lắc lư hằn sâu hai vệt bánh xe trên con đường đất lầy lội tiến vào lãnh thổ Nam Giao Quốc.

_ Sáng sớm nay có mưa, đường đầy bùn nhão nhoét bết dính lấy bánh xe nên đi hơi chậm. Đến đường đá cuội phía trước, chúng ta sẽ đi nhanh hơn.

Ông lão giải thích nguyên nhân cho tốc độ di chuyển chậm chạp của họ.

Ngồi cạnh ông lão, nam nhân cao ráo cẩn thận điều khiển hướng đi cho cỗ xe tránh sa vũng lầy.

Sau lưng xe, ngựa trắng thong dong bước chậm theo.

Giữa núi rừng rộng lớn, nơi ven đường, trong đám cỏ dại, những khóm hoa rừng kiêu hãnh vươn mình rực rỡ khắp triền núi. Nếu Vu Sơn như chốn bồng lai hòa quyện của những dãy núi dài bất tận với mây khói sương giăng thì nơi đây lại được tô điểm bằng nét đẹp tinh khiết của muôn vàn những đóa hoa rừng đầy sức sống mạnh mẽ.

Một vẻ đẹp tươi mới và quyến rũ làm sao!

Tự tại ngồi dựa vào thành xe, hít hà khí lạnh ngày đông, thiếu niên đầu đội đấu lạp đưa tay chỉnh lại áo choàng ấm áp trên người, ngắm nhìn những bông hoa nhỏ đủ màu sắc không biết tên đang không ngại nhẫn nại tỏa ngát hương thơm ở mép đường, bất chấp tiết trời giá buốt.

Rừng núi như đang chào đón đứa con xa quê lâu ngày mới trở về!

Xe bò sắp rời đoạn đường gập ghềnh để vào khe núi và biến mất trong bóng tối, thoáng trông thấy những căn nhà sàn san sát nhau tại rìa vách núi với mái dốc đổ về hai phía nghiêng thẳng xuống và những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ lượn mình vắt ngang sườn núi.

Sinh sống nơi vùng núi, nhà sàn cao ráo không chỉ đơn giản để làm nơi cư trú, che nắng, che mưa, mà còn có một đặc điểm là thích hợp với địa thế dốc, vừa có thể tránh được côn trùng, thú dữ, vừa mát mẻ, khô thoáng. Bởi vậy, bất kể đi đến đâu, chỉ cần là miền núi thì sẽ luôn không thiếu nhà sàn.

Xuyên ngang giữa ngọn núi này và ngọn núi kia là một khe núi sâu hun hút, xung quanh lối vào cây cối dây leo mọc chằng chịt. Bên trong khe núi chỉ đủ rộng bằng một chiếc xe ngựa và tối om như mực, văng vẳng bên tai chỉ có tiếng gió núi kêu gào ào ào và tiếng bánh xe gỗ lộc cộc gợi lên sự âm u, ghê rợn.

Ba con người trên chiếc xe bò nhỏ thô không hề bị khung cảnh trong khe núi ảnh hưởng đến tâm trạng, ông lão thân thiện chia sẻ những câu chuyện.

Nam nhân bên cạnh thỉnh thoảng khách sáo mỉm cười.

Ông lão kể, trước đây phải mất thời gian hơn một ngày vòng qua hai ngọn núi mới có đường thông xuống núi. Sau này, những chàng trai trong các bản làng trên núi đã không quản hiểm nguy, không ngại độ cao treo mình trên vách đá cheo leo, cần mẫn như chim gõ kiến lợi dụng các vết nứt mà đục đẽo khoét sâu vào lòng núi đá tạo ra khe núi mở ra con đường tắt này.

Qua khỏi khe núi, đường đi đổi hướng, thế núi thấp dần đến chân núi và trải dài ra đường lớn.

Trời nhá nhem tối, chiếc xe bò thô dừng tại ngã ba đường, thiếu niên nhún người nhảy xuống xe.

Lúc chia tay, ông lão tỏ ý hai người xó thể theo ông về nhà ở thôn làng phía trước qua đêm nhưng nam nhân rất lịch sự ngỏ lời từ chối.

Chặng đường từ biên giới may mắn được ông lão tốt bụng cho đi nhờ, nếu không chắc giờ hai người vẫn còn lòng vòng trên núi.

Chớ nên làm phiền thêm.

Tạm biệt ông lão đi theo hướng khác nhau.

Hai người một đường dắt ngựa đi tới trước ngôi miếu đổ nát tĩnh mịch.

Phủ Quy Hưng còn cách nửa ngày đường.

Sắc trời đã tối, gió bấc thổi mơn man, cỏ cây lắc lư theo gió.

Đêm nay định sẵn cả hai phải ngủ lại nơi này.

Sở Dịch lượm ít cành khô, dùng chiết hỏa tử thắp lên đống lửa.

Ánh lửa soi sáng bên trong miếu hoang.

Thập Nhất tháo đấu lạp có sa che mặt xuống rồi đưa mắt nhìn quanh, xác định đây là một ngôi miếu rách nát, ngay cả tượng thờ cũng đổ ngã vỡ nát, không rõ diện mạo.

Rửa sạch mấy củ khoai mới đào được, lấy lá chuối bọc lại rồi vùi vào đống lửa, Thập Nhất ngồi xếp bằng trên đất, miệng ngậm cọng cỏ non nhìn Sở Dịch.

Trên người hắn vẫn còn những vết thương chưa lành nhưng mặt đã hết sưng bầm, tay phải cũng có thể cử động không cần bó nẹp.

Đã nhiều lần từ chối rằng y không cần người hầu nhưng hắn vẫn cố chấp.

Y đi đâu, hắn theo đến.

Thế là suốt thời gian qua, hai người ngoài dự định trở thành bạn đồng hành trên chặng đường đến Nam Giao.

Y không hỏi lai lịch, thân thế của hắn. Hắn cũng không hỏi xuất thân của y.

Như vậy là tốt nhất.

Ai cũng điều có bí mật của riêng mình.

Dùng nhánh cây khô khều khoai lang nướng chín ra.

Gỡ bỏ phần lá chuối cháy sém bên ngoài, khoai lang nướng bên trong nóng hổi.

Lấy một củ khoai đưa cho Sở Dịch.

_ Ngươi ăn đi.

Nhìn khoai nướng nóng hầm hập trong tay, Sở Dịch mỉm cười:

_ Đa tạ!

Bóc lớp vỏ khoai, lộ ra ruột khoai vàng ươm, mùi thơm lan tỏa cùng khí nóng ập vào mặt. Thập Nhất thổi thổi cho khoai nguội, cắn một ngụm, vừa mềm vừa ngọt vừa thơm.

Dạ dày trống rỗng cả ngày cuối cùng cũng được xoa dịu.

Thập Nhất cao hứng, cười híp mắt:

_ Thế nào, khoai ta nướng ngon không?

Sở Dịch nhìn thiếu niên có vết sẹo dữ tợn từ khóe mắt trái kéo dài đến tận cằm trước mặt.

Giây phút Thập Nhất bước chân ra khỏi sơn động, hắn đã biết khuôn mặt lúc trước và khuôn mặt hiện tại của y đều là giả.

Hắn nhìn thẳng vào cặp mắt to tròn lấp lánh, hắc bạch phân minh kia, gật gật đầu, tươi cười mà không chút đắn đo, suy nghĩ.

_ Rất ngon!

Bầu trời tối đen, gió đêm ào ào thổi, buốt giá đến rùng mình.

Dương Kiên vung roi đuổi ngựa tiến vào một ngôi làng.

Đường phía trước không còn nhìn rõ, người và ngựa đều mệt mỏi, đi tiếp sợ là không được, chi bằng ở lại một đêm.

Dương Hách cưỡi ngựa kính cẩn hỏi người trong xe ngựa.

_ Công tử! Trời đã tối, chúng ta xin tá túc trong làng hay tiếp tục lên đường?

_ Tìm nơi nghỉ ngơi, ngày mai hãy đi tiếp.

Được người trong xe đồng ý, Dương Kiên đánh xe ngựa đến trước ngôi nhà ngay đầu làng có tường rào cao vây quanh được xây đắp bằng đất bùn, xe ngựa chậm rãi dừng lại.

Dương Hách nhảy xuống ngựa, tiến đến gõ cửa.

_ Trong nhà có ai không?

Màn xe được Dương Kiên vén lên, chủ nhân trên xe ngựa bước xuống nhìn thôn xóm một mảnh yên tĩnh.

Làng Phù Vân không lớn, có khoảng trăm hộ dân sinh sống. Mặt trời đã khuất hẳn về tây, nhà nhà đều cửa đóng then cài. Vài ánh đèn loang lổ từ những gian nhà tranh tỏa sáng như những ngôi sao trong đêm tối. Cả làng trong khung cảnh ấm áp, yên bình khiến khách phương xa không kìm được lòng thư thái, nhẹ nhõm.

Đứng trong gió lạnh thấu xương, gõ cửa mãi vẫn không thấy chủ nhà ra mở, Dương Hách áp tai sát cửa, tiếng chó sủa gâu gâu vọng ra rất lâu trong nhà cuối cùng mới có động tĩnh khác vang lên.

_ Ai đấy?

Tiếng nữ nhân hỏi truyền đến sau cánh cửa.

Dương Hách lên tiếng trả lời:

_ Chúng tôi là người buôn trà, trên đường đến phủ Quy Hưng thì trời đã tối nên muốn xin ngủ nhờ một đêm, không biết có tiện hay không?

_ Nhà tranh vách đất đơn sơ, không thích hợp. Các vị hãy tìm nhà khác.

Âm thanh bên trong có vẻ ngần ngại, ngỏ lời từ chối.

Chủ nhà đã cự tuyệt, Dương Hách định đi thì nghe thấy một giọng nói già nua yếu ớt.

_ Ai ở bên ngoài thế?

_ Thưa, là người qua đường xin ngủ nhờ một đêm.

_ Cho họ vào đi.

Người nọ liền vâng dạ, không lâu sau, cánh cổng kẽo kẹt mở ra.

Đón chào là một vị phụ nhân nông dân mặc áo váy bố màu nâu, cầm nến hồ nghi rọi thẳng vào ba người đứng trước cổng.

Hai hán tử mặc võ trang cùng một công tử tuấn tú, trông có vẻ là người đàng hoàng.

Cùng lúc đó, chú chó trong nhà lao ra nhe răng gầm gừ cảnh giác nhìn những vị khách lạ.

Xua tay đuổi chú chó đi, vị phụ nhân dẫn ba người vào nhà.

Bước qua sân viện nho nhỏ, bắt gặp một bà cụ tóc bạc, lưng còng đứng trước gian nhà chính.

Dương Hách thầm nghĩ, giọng nói khi nãy hắn nghe thấy chắc là của bà cụ.

Bà cụ tuổi đã cao nhưng trông vẫn minh mẫn, ánh mắt sáng quắc tràn đầy ý vị nghiêm túc nhìn họ khiến lông tơ toàn thân Dương Hách sắp dựng đứng, hắn vội chắp tay, ôn tồn lên tiếng:

_ Ban đêm quấy rầy gia đình, mong bà bà thông cảm.

Thu ánh mắt, bà cụ gật đầu tỏ vẻ đã nghe thấy rồi xoay lưng đi vào trong.

Đợi Dương Kiên dắt ngựa vào sân, Dương Hách móc xâu tiền xu từ trong hầu bao ra đưa cho vị phụ nhân.

_ Đây là phí nghỉ trọ của chúng tôi. Xin phu nhân nhận lấy.

Vị phụ nhân do dự, len lén liếc mắt nhìn bà cụ trong nhà, thấy bà không có phản ứng, vị phụ nhân nhận xâu tiền rồi đi vào gian nhà phía sau sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho khách.

Đêm khuya, khí lạnh lọt vào ngôi miếu hoang qua các khe hở mang theo âm thanh quỷ khóc.

Quán Quán vui vẻ gõ móng xuống nền đất.

Cuộn mình nằm trên đống cỏ tranh ôm chăn, Thập Nhất bất mãn làu bàu vì bị Quán Quán đánh thức.

_ Được rồi. Yên nào.

Thập Nhất nhè nhẹ ngồi dậy, nheo mắt nhìn ra ngưỡng cửa.

Sở Dịch tựa người vào cửa miếu ngủ say, hơi thở đều đều, không có dấu hiệu bị tiếng khóc nức nở bên ngoài làm ảnh hưởng.

Rón rén bước ngang qua người Sở Dịch, Thập Nhất theo tiếng khóc rồi đi đến một bụi cây bên ngoài miếu, trông thấy một bóng người đưa lưng về phía mình.

Xung quanh u ám, trời vẫn chưa sáng.

Thập Nhất bực bội, nghiến răng nghiến lợi ken két:

_ Nửa đêm nửa hôm, ngươi đứng đây khóc làm gì?

Người phía trước nghe tiếng, quay người lại, là một cô nương mặt tròn, mặc áo tứ thân nâu đen.

Sững sờ, hai mắt trợn to:

_ Á! Quỷ.

Cô nương kinh hãi hét lên, hai tay che mặt lùi về sau nhìn thiếu niên có vết sẹo như ma quỷ.

Nhìn sắc mặt nhợt nhạt của cô nương kia, Thập Nhất không hề lấy làm lúng túng dù biết rằng khuôn mặt kinh khủng của mình vô tình hù người khiếp sợ.

_ Cô là ma. Ta không phải quỷ

Cô nương kinh ngạc:

_ Ngươi thấy ta?

Thập Nhất cười lạnh:

_ Chẳng lẽ ta đang nói chuyện với không khí à?

Cô nương cứng đờ:

_ Sao ngươi có thể thấy ta?

Thập Nhất âm trầm nhìn cô nương kia không rời mắt.

_ Đã chết rồi sao không đi Địa Phủ, nấn ná ở dương gian khóc loạn cái gì?

Cô nương kia phát run, sắc mặt càng lúc càng khó coi, máu từ đỉnh đầu chảy xuống lan khắp mặt mũi rồi bỗng nhiên cô ta bật người nhào thẳng về phía trước, tốc độ di chuyển rất nhanh, ý định công kích Thập Nhất.

_ A!

Tiếng thét chói tai vang lên, cô nương kia thân thể run rẩy ngã văng ra đất, hoảng hốt:

_ Sao có thể?

Trên người thiếu niên được một luồng ngân quang bao quanh bảo vệ.

Vừa rồi khi những móng tay sắc nhọn của ả sắp ghim vào cổ y thì như chạm phải lửa, bị nhiệt độ cực cao đánh bật ra.

Trong đêm tối mịch, Thập Nhất hứng thú nhướn cặp mày đen nhìn khuôn mặt đầy máu trương phình của ma nữ, đôi mắt y sâu như màn đêm và lạnh lẽo như khí đông.

Dáng vẻ hiện tại chính là tử trạng của ma nữ, hiển nhiên không đẹp đẽ gì nhưng có thể nói lên lý do dẫn đến cái chết.

Bị đánh bể đầu?

_ Nói, vì sao nửa đêm cô ở đây khóc lóc?

Nữ quỷ nghe vậy, lập tức gào khóc.

Đưa tay lên ngoáy ngoáy lỗ tai, Thập Nhất cảm thấy ma nữ này chắc chắn chết đuối, nếu không lấy đâu ra nhiều nước để khóc như vậy.

Dưới ống tay áo bên trái, Tát Nhã trên cổ tay Thập Nhất phát ra ánh sáng trắng dịu dàng.

_ Còn khóc nữa thì đừng trách tại sao ta đánh cô hồn phi phách tán.

Nhiêu đó cũng đủ khiến ma nữ sợ hãi, hít sâu một hơi, nghẹn ngào nói:

_ Tôi bị người ta giết, thân thể chôn dưới bụi cỏ voi này, bị rễ cây đâm xuyên qua thân thể. Tôi thấy đau, rất đau nên mới khóc.

_ Hung thủ là ai?

Ma nữ lắc đầu, mặt trắng bệch.

_ Tôi không biết.

Lại là một linh hồn chết oan, Thập Nhất nhịn không được chậm rãi nở nụ cười.

_ Cô tên gì?

_ Tô Thu.

_ Có muốn đi đầu thai không?

Ma nữ ngơ ngác nhìn Thập Nhất, ả không dám tin.

_ Được... được sao?

Người chết oan, thi thể không được chôn cất tử tế, linh hồn không thể vào Địa Phủ, ả làm sao có thể đi đầu thai?

_ Ta là vu sư, có thể siêu độ và giúp cô vào Địa Phủ để luân hồi chuyển kiếp.

Ma nữ không dám tin nhìn thoáng qua vầng sáng trên cổ tay Thập Nhất.

_ Thật sao?

Nhàn nhạt liếc ma nữ đang co ro thành một đống, run bần bật, Thập Nhất lười trả lời, mà nói:

_ Cô mau biến về dáng vẻ lúc sống đi. Bộ dạng này xấu chết được.

Nghe thấy giọng điệu ghét bỏ của Thập Nhất, ma nữ cảm thấy tủi thân, khi còn sống, ả đã từng là một cô nương xinh đẹp trong làng.

Khuôn mặt đầy máu của ma nữ biến trở lại thành khuôn mặt tròn bình thường như lúc ban đầu, Thập Nhất thấy thuận mắt, gật đầu hỏi:

_ Nhà cô ở đâu?

_ Nhà tôi ở làng bên. Ba năm trước, tôi sang thăm chị gái gả qua làng Phù Vân làm dâu, trên đường trở về thì... tôi không biết là ai giết tôi.

Ma nữ nét mặt mê mang, trong đầu trống rỗng, không còn nhớ rõ chuyện trước khi chết.

_ Tôi chỉ biết thân thể mình ở dưới bụi cỏ voi này, nên tôi cứ lẩn quẩn ở đây.

Thập Nhất nhìn dáng vẻ nhân sinh mờ mịt và lại sắp khóc đến nơi của ma nữ, y không còn kiên nhẫn, vội nói:

_ Được rồi. Bây giờ tôi sẽ thu hồn phách của cô lại, sau đó chọn ngày làm phép siêu độ đưa cô đi Địa Phủ đầu thai. Đồng ý không?

_ Tôi đồng ý.

Ma nữ vui mừng, kích động dập mạnh đầu xuống đất.

_ Cảm tạ ân nhân!

Thập Nhất khom người, duỗi ngón tay chạm vào trán ma nữ, vẽ lên một đạo phù văn tản ra ngân quang lấp lánh, chớp mắt, ma nữ hóa thành một hạt châu đen nháy.

Cầm hạt châu trong tay, Thập Nhất ung dung xoay người, con ngươi đen láy thanh tĩnh như mặt hồ mùa thu nhìn về người đứng trước cửa miếu.

Vóc người nhỏ nhắn, chiều cao chưa tới vai đối phương, Thập Nhất bình tĩnh, nghiêm túc hỏi:

_ Ta làm ồn khiến huynh thức giấc?

Sở Dịch nhẹ lắc đầu.

_ Lúc Quán Quán gõ móng, ta đã tỉnh.

Người luyện võ, thính giác và thị giác luôn nhạy bén hơn người bình thường, Quán Quán vừa gõ móng tiếng đầu tiên là hắn đã nghe thấy.

Thập Nhất cười nói:

_ Mau vào trong thôi, ta sắp lạnh cóng người rồi.