Ta Dùng Mỹ Thực Chinh Phục Giới Giải Trí

Chương 22: Ghi lò, Tào phớ



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Editor: Gà

Vì hôm qua đã hứa với chị Từ sẽ làm “ghi lò”*, nên sáng nay Lạc Anh thức dậy rất sớm.

(*) Một loại bánh chiên như quẩy

Hôm qua cô đã tính, ngày mai là 25/12, mọi người sẽ đi xay đậu nành.

Bữa sáng sẽ đổi thành tào phớ và bánh dầu chiên.

Tào phớ là một món ăn rất ngon, hai mươi lăm tháng chạp ăn tào phớ, lấy từ đồng âm của “toufu” (đầu phúc) và “dufu” (Đều phú), có nghĩa là nhà nhà ăn nên làm ra, mong năm mới gặp nhiều may mắn, sang giàu.

Đậu hũ là một nguyên liệu nấu ăn đơn giản dễ kiếm, dù là món đậu hũ kho hành hay đậu hũ chiên, đậu hũ Ma Bà kho thịt đều ăn cực kỳ ngon.

Mà tào phớ lại càng là bữa sáng thiết yếu của rất nhiều người dân Trung Quốc.

Người miền Bắc ăn mặn, người miền Nam thiên ngọt, Tứ Xuyên thích vị chua cay. Dưới bàn tay chế biến của các đầu bếp khác nhau sẽ cho ra những kiểu tào phớ khác biệt, mà mỗi một gia đình lại có một cách ăn tào phớ riêng.

Tào phớ ngon phải đảm bảo ba điều “không dính”, “không đắng”, “không chát”, nếu làm không đúng cách tào phớ sẽ bị biến vị.

Lúc này, Từ Minh thấy Lạc Anh bưng một chén tào phớ ra.

Múc tào phớ phải cẩn thận, Lạc Anh dùng muỗng trực tiếp xới vào trong chén cho đến khi gần đầy thì cho sốt thịt nóng hổi vào.

Từ Minh thấy cô đổ sốt thịt lên tào phớ, chén tào phớ trắng nõn, mềm mại tựa như Thiên nữ tán hoa chỉ trong chốc lát đã nhiễm bụi trần.

Sốt thịt màu nâu sẫm kết hợp với mộng nhĩ thái sợi đen bóng, cà rốt sợi bào đều đặn, rong biển và tôm khô, tùy ý làm đẹp cho món tào phớ càng thêm hấp dẫn, kích thích vị giác.

Từ Minh lấy hai cái ghi lò và một chén tào phớ, công việc hôm nay của chị ấy bắt đầu từ 8 giờ sáng, bảy giờ tới đây ăn sáng xong thì vừa vặn.

Bưng tào phớ và bánh quẩy lại bàn, nhìn món ăn trước mặt, Từ Minh chỉ cảm thấy bụng mình đang đói cồn cào.

Xúc lên một thìa tào phớ cùng nước xốt đưa vào miệng.

Tào phớ mềm nhuyễn, non mịn vừa chạm đến đầu lưỡi dường như tan ngay lập tức, trôi tuột vào trong miệng, cái mằn mặn của nước sốt, mộc nhĩ, rong biển và tôm khô dung hợp cùng nhau khiến món ăn có hương vị vô cùng đặc biệt và thơm ngon!

Tào phớ non mịn đến mức không cần nhai nuốt đã trượt xuống cổ họng, đi đến dạ dày.

Sách cổ có câu: “Đậu hũ tươi mọng nước, làm một bát lúc sáng sớm thì quá tuyệt. Rõ ràng non mịn như não thế mà ăn xong vẫn no căng bụng.” Non mịn như não, loại hình dung này quả thực rất chính xác.

Từ Minh cầm lấy một cái “ghi lò”, mấy năm gần đây thứ này càng ngày càng hiếm. Tên dân dã của ghi lò gọi là bánh dầu chiên, gần giống cách gọi của người miền Bắc hơn.

Cách phát âm của từ “ghi” giống với cách đọc của từ “bi”(tất: kết thúc). Ghi lò thông thường dùng để chỉ ngăn kéo sắt chứa tro than giữa lò sưởi và lò nung, thứ này phổ biến cách đây khoảng 20 đến 30 năm trước, dùng để thổi lửa nấu cơm.

Mà chiếc bánh có tên “ghi lò” này cũng được đặt tên như vậy vì nó có hình dáng bên ngoài tương tự.  

Để làm bánh cần phải nhào bột lên men, xéo bột thành từng viên hình chữ nhật, khoét hai đường đai ở giữa, để một lúc cho se lại rồi cho vào chảo dầu nóng chiên lên.

Dùng đũa gắp chiếc bánh đã được chiên vàng, thoạt nhìn đã thấy giòn tan.

Khi cắn, chiếc bánh vàng óng ánh và giòn rụm, phần ruột bên trong lại rỗng và rất mềm, vị ngọt.

Những chiếc bánh mới ra lò còn nóng hôi hổi, nguội bớt thì ăn có hơi dai, nhai tốn sức nhưng vẫn ngon lành như cũ.

Từ Minh chợt nhớ đến ngày trước ở trên thị trấn có một nhà bán ghi lò, chợ sáng nào chảo dầu cũng nóng, người người xếp hàng đứng canh kín lối vào quầy hàng.

Người nào đi muộn sẽ không mua được, có người nhà ở xa không phải phiên chợ nào cũng có thể đến, đang háo hức mong chờ mua ghi lò thì chủ quán người ta lại không đến, không khỏi bứt rứt trong lòng!

Ghi lò vừa ra khỏi chảo đã vàng ruộm, lúc chiên bánh trẻ con đứng vây lại xung quanh xem bị người lớn xua ra xa, chẳng may chảo dầu bị xập thì xong đời.

Quầy bánh do người chồng phụ trách chiên, còn vợ anh ta thì làm bánh, đôi lúc còn mang theo con gái lớn trong nhà đến giúp thu tiền.

Gian hàng bán ghi lò không lớn, thậm chí có thể nói là nhỏ, nhưng mỗi ngày, từ đầu chí cuối, từ cuối đến đầu số lượng khách xếp hàng mua bánh vẫn luôn tấp nập không ngừng.

Chẳng hay có ai tới chậm một chút không mua được đều phàn nàn: “Úi giời, nhà anh chị buôn bán tốt thế bữa sau chuẩn bị nhiều thêm chút đi.”

Anh chồng thật thà đôn hậu vừa chiên bánh vừa đáp: “Lần này nhà em chuẩn bị thêm rồi, mà do mọi người thương tình nên lại bán hết sạch.”

Từ Minh thích ăn, cả con gái và chồng chị cũng thích. Mỗi lần ra chợ đều mua một cái ghi lò cho con, còn mua thêm dăm ba cái mang về nhà cất, để dành lúc đói bụng.

Lần nào chồng chị cũng ngắt một miếng nhỏ ăn thử, sau đó xuýt xoa: “Hừm, vẫn ngon thế”, nhưng rồi không ăn nữa. 

Con gái thắc mắc: “Sao ba không thích ăn ghi lò?” Thì chồng chị sẽ đáp hai mẹ con cứ ăn, còn nói mình không thích ăn đồ ngọt. Sao anh không thích cơ chứ, chẳng qua là nhịn không ăn mà thôi.

Bởi vì bên kia bán ghi lò quá tốt nên sạp hàng tào phớ bên cạnh cũng được thơm lây, nhà này mua hai cái ghi lò rồi sang bên cạnh uống một chén tào phớ, sau đó mới thong thả dạo chợ, cây táo nhà ai đã chín quả, nhà ai lại có thành viên mới? Con dâu mới của nhà ai kẻ mắt vẽ mày xinh đẹp đi chợ?

Đặc biệt là lúc Tết Nguyên Đán đến gần, rất nhiều tiểu thương bày hàng trong chợ, có người nhảy ra bán phá giá, nhà máy giảm giá lớn, một đôi giày bông ba mươi tệ, còn một bộ quần áo mới cho con gái chỉ 100 đến 200 tệ, tính toán mua thêm một cái khăn lụa cho mình xem như đồ mới ăn Tết.

Sau này, ngày tháng sau này lại có biến hóa.

Chồng chị bị tai nạn ở công trường, tuy rằng đối phương đã bồi thường tiền nhưng cũng có hạn, Từ Minh đi khắp nới vay mượn người thân, bạn bè để có tiền phẫu thuật, của nả trong nhà đào rỗng đáy.

Vì việc này mà chồng chị bị cắt chân phải chống nạng, không thể ra ngoài kiếm tiền được nữa, gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai Từ Minh, kiếm tiền nuôi gia đình, cho con ăn học và trả nợ.

Lúc ấy đã có người lén khuyên Từ Minh bỏ chạy, một người phụ nữ như cô phải chống đỡ hai gánh nặng, cô còn trẻ kiếm một người gả đi không phải rất dễ hay sao? Nếu cô tâm tính thiện lương muốn dẫn đứa nhỏ đi cùng cũng coi như đã hết lòng hết dạ với nhà bọn họ.

Người đàn ông nhà chị từ khi kết hôn chưa từng đỏ mắt nổi giận với chị lần nào, việc trong nhà đều do chị định đoạt, vốn dĩ một nhà ba người cũng coi như hạnh phúc đủ đầy nhưng khi gặp khó khăn lại muốn tự mình bay đi? Từ Minh không muốn!

Người còn sống thì còn tất cả, hơn nữa chị vẫn còn trẻ, nợ nần sớm muộn gì cũng sẽ trả hết. Từ Minh cứ như vậy lựa chọn đồng hành bên cạnh chồng con, buổi sáng chuẩn bị cơm nước trước khi đi làm để buổi trưa chồng hâm nóng lại, con gái bọn họ cũng đã hiểu chuyện.

Trong nhà phải ăn cơm, con cái phải đi học, tiền chữa bệnh cho chồng, nợ nần của người thân bạn bè phải trả, khi ấy Từ Minh chỉ cảm thấy mình đang gồng gánh cả ngọn núi trên lưng, gần như không thở nổi. Chị cũng từng nghĩ muốn buông bỏ hết tất cả, tìm một bao thuốc diệt chuột cho cả nhà ăn, không cần phải chịu những phiền não như vậy nữa.

Nhưng nhìn chồng luôn hỏi han ân cần mỗi ngày, con gái kể chuyện lúc ở trường, còn cả món nợ vay mượn mọi người vẫn thương tình không thúc giục còn chưa kịp trả, chị đành nghiến răng bước tiếp.

Rồi sẽ đến một ngày, một ngày nào đó.

Ký ức của Từ Minh bất chợt dừng lại, chị cắt ngang hồi ức quá khứ.

Một muỗng tỏi bằm thêm ít dầu ớt, món tào phớ trở nên đặc sắc và đậm đà hơn.

Trong nước sốt có tiêu cay, mỗi một muỗng vào miệng sẽ kéo theo mùi hương thơm nồng, cả người từ từ nóng lên.

Một bát tào phớ và hai cái ghi lò vào bụng, cảm giác toàn thân đã đổ mồ hôi.

Từ Minh đứng dậy cầm bát đưa vào bếp, chào tạm biệt Lạc Anh.

Chị lấy điện thoại ra xem địa chỉ chủ nhà, gần đến Tết, năm nay gần như đã trả hết số nợ còn lại, để người thân và bạn bè yên tâm đón Tết, con gái lên đại học không cần lo nhưng Từ Minh lại nghĩ, con gái là người đã ra xã hội, tương lai phải tiết kiệm tiền mua nhà cho con, sau này cho dù làm công việc gì thì có nhà vẫn tự tin hơn, nhà là chốn quay về.

Cả một đời người này, không trở ngại nào mà người ta không thể vượt qua được.



Bữa sáng Lạc Anh làm cho mình món tào phớ mặn, bản thân tào phớ đã không vị, ngọt hay mặn đều phụ thuộc vào nguyên liệu đi kèm. Có điều, Ảnh Thị Thành ở miền Bắc nên thực khách cũng đã quen ăn thiên ngọt, nếu Lạc Anh thực sự làm theo kiểu tào phớ Tứ Xuyên e rằng sẽ không hợp khẩu vị của khách hàng.

Tiễn xong những vị khách cuối cùng, Lạc Anh nhìn chỗ tào phớ còn sót lại, lọ gia vị đều sạch sẽ cùng chiếc ghi lò mình đang ăn dở, cô bỗng nhớ đến chuyện ở kiếp trước.

Lạc Anh vào cung năm chín tuổi, mười một tuổi được sư phụ thu làm đồ đệ, xem như đã bước vào ngưỡng cửa Ngự Thiện Phòng.

Đến năm mười lăm tuổi, cô làm một món điểm tâm được Tiên đế khen ngợi, Thái Hậu ban thưởng, chính thức lọt vào mắt xanh của hai người bọn họ.

Sau đó Thái hậu thường xuyên phái người gọi cô đến nấu ăn, cô ở Ngự Thiện phòng đường quan rộng mở nhưng đồng thời như đang đi trên tầng băng mỏng.

Thiên gia vui giận bất thường, chưa kể nếu không cẩn thận sẽ liên lụy đến tính mạng người nhà.

Lúc đó, sư phụ phát hiện sự lo âu nồng đậm trong mắt cô, cô có thiên phú trời cho, cũng quá nổi bật rất dễ dàng trở thành bia ngắm của người khác.

Song, Lạc Anh chưa bao giờ dám kiêu căng tự mãn, càng được ưu ái, danh tiếng càng cao cô càng trầm mặc, chuyên tâm vào việc nấu nướng, ai nhìn thấy cô cũng luôn là dáng vẻ lãnh đạm đoan chính.

Trong những năm Tiên đế còn tại vị, chính là lúc tài năng bếp núc của Lạc Anh phát triển mạnh nhất, năm hai mươi tuổi cô trở thành đại tổng quản Ngự Thiện Phòng, được Tiên đế đích thân đề điểm.

Sau khi tiểu Hoàng Đế kế vị, nhân sự không có nhiều thay đổi, cô lại được phong làm nữ quan nhất phẩm.

Không bàn đến ưu hay khuyết điểm của Tiên đế lúc về già, nhưng xét cho cùng thì Lạc Anh đã nhận được ân sủng của hai đời Đế Hậu, từ đầu chí cuối vẫn luôn khắc ghi trong lòng.

Bánh dầu chiên hôm nay cô làm Từ Minh gọi là ghi lò. Lạc Anh còn nhớ rõ đây là món Thái Hậu thích ăn nhất, còn tào phớ lại là món khoái khẩu của Tiên đế.

Không ai biết chính xác bánh dầu chiên được ai tạo ra, nó không có nhân và bên trong không rắn, không giòn như bánh xốp, cũng không có nhân như bánh bao.

Loại bánh này chỉ được làm từ bột mì, trộn thêm đường cho có hương có vị, thi thoảng Thái Hậu mới ăn một lần. Không còn cách nào khác, tuy Thái Hậu rất muốn ăn nhưng vì thái y đã dặn dò phải hạn chế ăn đồ nhiều dầu mỡ.

Phía bên kia Tiên đế tuổi đã cao, răng không còn được tốt lắm, khi đó chưa có công nghệ trám răng hay trồng răng giả như hiện đại, ông thường phải ăn những thức ăn mềm dễ nhai.

Tiên đế thích uống tào phớ cho bữa sáng, có đôi khi buổi tối duyệt tấu chương trong ngự thư phòng cũng uống một chén.

Đôi lúc lại dùng sữa đậu nành làm bữa sáng, nhưng đậu đen, đậu xanh tiên đế lại không thích, vừa nghe đã bỏ đi.

Ông thích uống tào phớ mặn, Thái hậu lại ưu ái sữa đậu nành. Tiểu Hoàng đế và tiểu Hoàng hậu là thanh mai trúc mã, tiểu hoàng đế thích tào phớ thêm dầu ớt và tỏi băm nhuyễn, nói ăn như thế mới ngon.

Lạc Anh nhớ rất rõ, có một lần vào bữa sáng tiểu Hoàng Đế vừa ăn tào phớ vừa hôn tiểu Hoàng Hậu “chụt” một cái, bị tiểu Hoàng Hậu xách giày đuổi đánh, ba ngày liền không được bước vào cửa cung Hoàng Hậu, lạnh lẽo rét buốt đáng thương qua đêm một mình trong ngự thư phòng.

Cẩn thận ngẫm lại, ầy, trước đây mỗi món ăn trong cung đều có rất nhiều chuyện xưa, lúc ấy không nhận ra, bây giờ nghĩ đến lại cảm thấy khá thú vị.

Có nhiều cách để ăn đậu hũ, ăn thế nào cũng không thấy chán, Lạc Anh đã từng làm một bữa tiệc đậu hũ! Tương đậu hũ, đậu hũ Văn Tư, đậu hũ chiên, đậu hũ trộn…

Dọn dẹp căn bếp sạch sẽ, Lạc Anh chợt nhớ đến một món, đậu hũ lát!

Món đậu hũ lát này không thể lên mặt bàn mà chỉ dùng chảo dầu chiên chín, sau đó rưới loại nước sốt mình thích lên miếng đậu, xúc từng thìa ăn, hương vị đậm đà thơm ngon vô cùng.

Đậu hũ lát mỏng còn được gọi là đậu hũ thơm, vì loại đậu hũ này nấu chín rất thơm, nhưng nhìn có vẻ dai nên có người gọi là đậu lát, nói chung đây là một thức ăn vặt.

Ở thời hiện đại hiếm khi gặp được đậu hũ lát mỏng, Lạc Anh cũng chưa thấy siêu thị nào bán, nếu muốn mua có lẽ phải đến xưởng làm đậu hũ tìm xem có bán hay không.

Ngược lại vấn đề này không lớn đối với Lạc Anh, không bán, cô có thể tự làm, hơn nữa hiện nay có nhiều thiết bị nấu ăn, xay nguyên liệu rất dễ dàng.

Đúng lúc có mẻ đậu nành đã ngâm từ trước nên trưa nay cô sẽ làm món đậu hũ lát mỏng này.

Bật nồi cơm điện lên, Lạc Anh bắt tay vào làm.

Cô rửa sạch đậu đã ngâm, cho vào nồi lớn luộc chín, sau khi đậu chín thì vớt ra cho vào máy xay tạo thành hỗn hợp sền sệt.

Màu của đậu hũ lát tương tự như sữa đậu này nhưng đậm hơn một chút, nghiêng về màu da.

Cho dầu đậu nành vào nồi, tiếp đó đổ bột đậu phụ vào, thêm một ít nước vừa đủ, đợi đến lúc sôi là được.

Nói về cách làm và cách thưởng thức đậu hũ lát, ngày trước ở trong Ngự thiện phòng mỗi người lại có một cách ăn khác nhau.

Lý sư phụ thích nấu trực tiếp mà không cần thêm dầu, rắc hành lá thái nhỏ lên rồi thêm ít dầu vừng.

Cách làm của Đỗ sư phụ cũng giống Lý sư phụ, chỉ khác là cho dầu đậu nành vào nồi khuấy đều rồi ăn.

Còn sư phụ của cô lại càng kỳ lạ hơn, đun đậu hũ trên chảo dầu nóng, sau đó cho bắp cải trắng vào, gọi nó là đậu hũ lát.

Khẩu vị của mỗi người mỗi khác, mỗi người một sở thích riêng. Thái giám và cung nữ trong cung cũng thích ăn, thứ này thơm, dùng thìa lớn xúc trộn với cơm, mùi đậu thơm lừng, không cần đồ ăn cũng có thể chén hết hai bát cơm.

Lạc Anh cắt một ít hành lá và rau thơm, rót ít nước tương, đây là loại nước chấm đơn giản. Nếu thích ăn chua thì cho thêm dấm, thích cay thì cho dầu ớt, nếu thích tê tê thì thêm dầu mè, nguyên liệu không bị hạn chế.

Cô dùng thìa múc từng thìa nước chấm rưới lên miếng đậu hũ lát, hành lá thái nhỏ, rau mùi tươi và nước tương đen đặc sệt phủ nên miếng đậu, chốc lát miếng đậu đã chuyển thành màu cát vàng lấp lánh.

Sắc thái ban đầu không biết từ khi nào đã nhuộm một màu nổi bật, tựa như giai nhân xinh đẹp mặc hắc y đang đón gió nhảy múa trên bãi cát vàng.

Xúc một muỗng vào miệng, miếng đậu hũ lát vẫn giữ được sự đậm đà của đậu, dậy mùi tương và hành lá, chớp mắt trong khoang miệng đã tràn ngập mùi hương thơm ngát.

Đậu hũ rất mềm, nếu cho quá nhiều nước sẽ bị loãng, ăn sẽ có cảm giác như tào phớ. Nếu cho ít nước sẽ hơi sệt, khi nấu lên sẽ trông giống mì trà dầu, giống như là chè mè đen nhưng có mùi đậu đặc trưng không thể thay thế.

Lạc Anh nấu vừa đúng vị, không đặc, không loãng, mọi thứ đều vừa miệng, múc một thìa húp cạn, và một ngụm cơm tho, thơm ngon phưng phức!

Lại múc một thìa đậu hũ lát lên bát cơm, rưới đẫm nước sốt giống như chan canh, đậu hũ lát màu vàng nhạt phủ lên cơm, đảo một chút là hạt cơm đã đều màu rời từng hạt mỏng. Vị bùi bùi của đậu hũ, khoang miệng lập tức sực nức mùi cơm và đậu, hương vị trên cả tuyệt vời!

Quá tuyệt!

Ghi lò

Tào phớ

Mì trà dầu