Tà Dương

Chương 2: Ðám cháy



Mười ngày trôi qua sau sự kiện trứng rắn, những chuyện xui xẻo cứ lần lượt xảy ra càng làm cho mẹ thêm đau lòng và bào mòn sinh mệnh của mẹ.

Tôi đã gây ra một vụ cháy. Từ nhỏ đến giờ, dù có mơ tôi cũng chưa một lần nghĩ đến chuyện khủng khiếp như vậy lại xảy ra trong cuộc đời tôi.

Nếu không cẩn thận với lửa sẽ xảy ra hỏa hoạn. Một điều hiển nhiên như thế mà không biết thì chắc hẳn chỉ có "tiểu thư" như tôi đây mà thôi.

Buổi tối thức dậy đi vệ sinh, khi bước ra cửa hành lang tôi chợt nhận thấy trong phòng tắm ofuro[1] có ánh sáng. Tôi liếc mắt nhìn thì thấy cửa kính phòng tắm ofuro đỏ rực và còn nghe cả tiếng lách tách. Cứ để nguyên chân trần, tôi vội vàng chạy đến, kéo cửa nhìn ra ngoài thì thấy nguyên đống củi chất bên cạnh lò đun nước nóng đang bốc cháy phừng phừng.

[1] Ofuro お風呂: phòng tắm kiểu Nhật, thường có một cái bồn để ngâm mình.

Chạy bay biến đến ngôi nhà ở phía dưới khu vườn, tôi ráng sức đập cửa và hét:

- Ông Nakai dậy đi! Cháy rồi!

Tôi nghĩ ông đang ngủ nhưng nghe thấy ngay tiếng đáp:

- Vâng, tôi ra ngay.

Rồi trong khi tôi đang nói "làm ơn đi, xin nhanh nhanh cho" thì ông ấy đã lao ra khỏi nhà trong bộ đồ ngủ yukata. Hai chúng tôi đang khẩn trương lấy xô múc nước dưới ao chạy đến dập tắt lửa thì nghe tiếng hét thất thanh của mẹ vọng ra từ hành lang phòng khách. Tôi quẳng cái xô đi và chạy vội lên hành lang đỡ lấy mẹ. Mẹ gần như ngất đi.

- Mẹ à, đừng lo lắng. Không sao đâu. Mẹ ngủ đi nhé!

Sau khi đưa mẹ về phòng ngủ, tôi lập tức chạy lại đám cháy. Lần này tôi lấy nước từ trong phòng tắm ofuro chuyền cho ông Nakai để dập lửa nhưng lửa quá mạnh, hầu như không thể dập tắt được.

- Cháy, cháy, biệt trang phát hỏa rồi!

Tôi nghe tiếng gọi to từ phía cuối làng và sau đó có bốn năm người dân phá cửa rào lao vào. Họ dùng xô nhựa múc nước nơi bồn trữ phía hàng rào, nhanh chóng chuyền tay nhau và chỉ hai ba phút sau ngọn lửa đã được dập tắt. Suýt tí nữa là lửa đã cháy lan tới nóc phòng tắm ofuro.

Khi vừa nghĩ thật là may mắn thì cũng là lúc tôi nhận ra nguyên nhân của vụ cháy. Đó là do lúc chiều tối, tôi lấy củi còn cháy dở từ trong bếp đun nước tắm ra với ý định dụi tắt nhưng rồi cứ để bên đống củi. Lúc này tôi đứng yên và muốn khóc. Sau đó tôi nghe cô con dâu của nhà Nishiyama cao giọng nói vọng từ ngoài hàng rào vào là "phòng tắm đã bị cháy rụi rồi" và "do là lửa của nồi nước nóng chưa được dập tắt đó".

Cuối cùng thì ông Fujida - trưởng thôn, anh Ninomiya - cảnh sát, trưởng ban phòng vệ[2] - ông Ouchi, cũng có mặt. Ông Fujida hỏi thăm với nét mặt hiền lành muôn thuở:

[2] Keibodan警防団: một đơn vị phòng vệ được thành lập vào năm 1939 nhằm mục đích chữa cháy và đề phòng không tập trong trường hợp bị máy bay tập kích. Đơn vị này bị giải thể vào năm 1947.

- Cháu sợ lắm phải không? Chuyện xảy ra như thế nào vậy?

- Cháu thật là bất cẩn. Cháu đã định dụi tắt thanh củi ấy mà...

Chỉ nói được chừng ấy, quá đau xót, nước mắt tôi trào ra, rồi cứ đứng gục đầu im lặng. Lúc đó, tôi nghĩ mình chắc sẽ bị cảnh sát bắt đi và trở thành kẻ phạm tội. Đột nhiên tôi cảm thấy hổ thẹn với bộ dạng nhếch nhác, mặc nguyên áo ngủ với đôi chân đất của mình và thấy mình sao mà thê thảm.

- Bác hiểu rồi. Thế còn mẹ cháu đâu?

Ông Fujida nhẹ nhàng lên tiếng như muốn xoa dịu tôi.

- Dạ, cháu để mẹ nghỉ trong phòng khách. Dường như mẹ vô cùng kinh hãi.

- Nhưng thôi...

Người cảnh sát trẻ cũng an ủi.

- Rất may căn nhà không bị bắt lửa.

Ngay lúc đó ông Nakai đã thay đồ và bước tới.

- À, chỉ là thanh củi có hơi bắt lửa thôi mà, có gì lớn đâu.

Ông nói trong hơi thở hổn hển, bao che cho tội lỗi ngu ngốc của tôi.

- Vậy à. Tôi hiểu rồi.

Trưởng thôn gật đầu hai ba lần và quay sang thì thầm trao đổi điều gì đó với anh cảnh sát tuần tra Ninomiya.

- Thôi, vậy chúng ta về đây. Cho gửi lời hỏi thăm mẹ cháu nhé!

Sau đó thì ông Ouchi trưởng ban phòng vệ và những người khác ra về. Chỉ còn anh tuần tra Ninomiya ở lại, bước đến bên tôi và hạ giọng thì thầm:

- Chuyện này tôi sẽ cho qua và không lập biên bản gì đâu.

Khi người cảnh sát vừa ra về ông Nakai hỏi tôi với giọng lo âu và căng thẳng.

- Anh Ninomiya nói gì thế?

- Anh ấy nói sẽ không lập biên bản gì cả.

Lúc này bên ngoài hàng rào còn mấy người láng giềng đứng xem. Khi nghe tôi trả lời như vậy mọi người đều nói "vậy à, tốt quá nhỉ" rồi cùng tản mát đi hết cả. Ông Nakai cũng nói lời tạm biệt và ra về. Còn lại mình tôi đứng thẫn thờ bên đống củi cháy đen, ngước nhìn trời cao qua làn nước mắt. Một đêm dài đã qua. Trời sắp sáng.

Tôi vào phòng tắm ofuro rửa tay chân, mặt mũi và tự dưng thấy sợ phải gặp mẹ, nên cứ loanh quanh trong đó sụt sịt rồi sửa sang tóc tai. Sau đó, tôi sang nhà bếp sắp xếp lại chén bát cho đến khi trời sáng bạch.

Trời vừa sáng, tôi rón rén bước chân vào phòng khách xem thử thì thấy mẹ đã thức dậy, thay đồ chỉnh tề và ngồi với vẻ mệt mỏi ở chiếc trường kỷ trong căn phòng trang trí theo kiểu Trung Hoa. Khi thấy tôi, mẹ mỉm cười nhưng gương mặt tái xanh đến mức làm người khác giật mình.

Tôi không cười, chỉ lẳng lặng đến đứng sau lưng mẹ. Lát sau mẹ lên tiếng:

- Đâu có chuyện gì đúng không? Chỉ là thanh củi bắt lửa thôi mà.

Tôi chợt cảm thấy nhẹ cả người và cười khúc khích. Tôi chợt nhớ đến câu cách ngôn trong Kinh thánh "lời nói đúng lúc như quả táo vàng trên đĩa bạc" và thấy vô cùng cảm tạ thần linh đã ban cho tôi một người mẹ dịu dàng như vậy. Chuyện tối qua đã trở thành dĩ vãng. Cứ thế, tôi đứng mãi sau lưng của mẹ, cùng hòa nhịp thở đều đều nhẹ nhẹ của bà và ngắm biển Izu buổi sáng qua lớp cửa kính.

Sau bữa ăn sáng, khi tôi đang dọn dẹp những thanh củi bị cháy tối hôm qua thì cô Osaki, bà chủ của nhà nghỉ duy nhất trong sơn trang này, chạy đến qua cánh cửa khu vườn và rối rít hỏi thăm:

- Sao vậy? Có chuyện gì vậy? Tôi mới vừa nghe nói. Tối qua làm sao vậy?

Trong đôi mắt của cô lấp lánh những giọt nước mắt. Tôi xin lỗi lí nhí:

- Cháu xin lỗi!

- Xin lỗi gì chứ! Quan trọng là phía cảnh sát đã nói gì nào?

- Cảnh sát nói không sao ạ!

- Thế thì may quá!

Cô vui mừng ra mặt. Sau đó tôi bàn bạc với cô là nên xin lỗi và tạ ơn dân làng như thế nào, bằng cách thức ra sao. Cô Osaki nói "cứ tiền là được" và chỉ cho tôi những nhà nào mà tôi nên mang tiền đến tạ lỗi.

- Nếu tiểu thư thấy đi một mình không tiện thì tôi đi cùng cho.

- Chắc cháu đi một mình cũng được mà.

- Cháu tự đi được sao? Vậy thì đi một mình có lẽ hay hơn.

- Cháu sẽ tự đi.

Sau đó cô Osaki giúp tôi dọn dẹp chỗ cháy chút đỉnh. Sửa sang xong xuôi, tôi nhận những tờ tiền giấy trăm yên từ mẹ rồi dùng giấy Mino[3] gói lại từng tờ. Trên đó tôi viết chữ "Tạ lỗi".

[3] Minogami (美濃紙): từ dùng chỉ các loại giấy Nhật sản xuất ở Mino, vì có độ bền cao nên thường dùng để viết thư pháp, bao thư, làm cửa giấy...

Đầu tiên tôi tìm đến cơ quan công vụ. Nhưng trưởng thôn Fujita đã đi vắng nên tôi gửi gói giấy lại cho cô tiếp tân và nói lời xin lỗi.

- Tối hôm qua tôi đã làm chuyện đáng trách. Từ nay về sau tôi sẽ cẩn thận. Hãy tha thứ cho tôi. Vui lòng chuyển lời đến trưởng thôn giúp.

Sau đó tôi đến nhà của trưởng ban phòng vệ Ouchi. Anh Ouchi ra tận cổng, nhìn tôi im lặng và mỉm cười buồn bã. Không biết tại sao tôi lại muốn khóc:

- Tối hôm qua, tôi xin lỗi.

Nói được tới đây, tôi vội vã cáo từ. Ra đến ngoài đường, nước mắt tôi trào ra giàn giụa nhem nhuốc cả khuôn mặt nên tôi đành quay về nhà. Tôi vào phòng tắm, rửa mặt, trang điểm lại và mang giày chuẩn bị đi ra ngoài thì mẹ bước đến hỏi:

- Lại đi đâu nữa vậy con?

- Dạ, bây giờ con mới bắt đầu đi ạ.

Tôi cúi mặt trả lời.

- Thật vất vả cho con.

Mẹ nói đầy chân tình.

Nhận được sức mạnh từ tình yêu thương của mẹ, lần này tôi đã có thể đi khắp mọi nhà mà không khóc một lần nào nữa. Khi tôi đến nhà trưởng khu phố, ông đi vắng nên chỉ có cô con dâu ra chào. Vừa thấy mặt tôi, cô ấy đã sụt sùi nước mắt. Rồi đến nhà của anh cảnh sát tuần tra Ninomiya, anh ấy cứ nói, "may quá, thật là may". Tất cả mọi người đều thật là tử tế. Tôi cũng đi quanh một vòng các nhà hàng xóm, mọi người đều thông cảm và an ủi tôi nhiều. Duy chỉ có cô con dâu ông Nishiyama (nói vậy chứ cũng là bà cô gần bốn mươi tuổi rồi) ở phía trước nhà tôi, là mắng tôi sa sả:

- Từ giờ phải chú ý đấy. Tui không biết mấy người là quý tộc cái gì nhưng từ trước cứ thấy mấy người sống theo kiểu trẻ con chơi đồ hàng là tui ngứa mắt lắm. Sống theo kiểu như vậy không gây hỏa hoạn mới là chuyện lạ. Từ bây giờ phải cẩn thận vào đi. Nếu như tối hôm qua mà có gió lớn thì cả cái thôn này bị thiêu trụi hết còn gì.

Cô con dâu nhà ông Nishiyama này là người mà trong khi những người như ông Kanai chạy đến trước mặt trưởng thôn và viên cảnh sát tuần tra để bênh vực tôi: "chỉ là thanh củi bắt lửa, chuyện nhỏ thôi" thì bà ta cứ đứng ở ngoài hàng rào gào lên "nhà tắm bị cháy trụi rồi", "do không cẩn thận lửa củi đấy". Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy lời mỉa mai của bà ta là có lý và thực sự đúng như vậy nên tôi không oán hận gì. Mặc dù mẹ cũng nói đùa: "chỉ là thanh củi bắt lửa thôi mà" để an ủi tôi nhưng đúng như lời của cô con dâu nhà Nishiyama nói, nếu như khi ấy có gió lớn thì cả cái thôn này có thể bị thiêu rụi rồi. Lúc đó, tôi có chết cũng không đền hết tội. Nếu vậy thì chắc mẹ cũng không sống nổi và tôi còn làm nhơ nhuốc thanh danh của người cha đã mất. Tuy bây giờ chẳng còn là người của hoàng gia hay quý tộc gì nữa, nhưng nếu như phải chết tôi cũng muốn chết một cách cao đẹp. Cái kiểu chết bi thảm như gây hỏa hoạn rồi phải đền tội đó chắc sẽ khiến tôi không thể nào nhắm mắt được. Từ giờ mình phải tỉnh táo và cẩn thận hơn.

Từ ngày hôm sau, tôi ráng sức làm việc đồng áng. Cô con gái nhà ông Nakai thỉnh thoảng cũng chạy sang giúp đỡ tôi. Sau hành động đáng xấu hổ như gây ra hỏa hoạn vừa rồi, tôi có cảm giác như máu trong người bị bầm đen đi, và con rắn độc mamushi của lòng ác ý trong ngực tôi cũng đổi cả màu máu nữa, dần dần tôi đã trở thành một người con gái làm ruộng quê mùa. Khi ngồi đan áo cùng mẹ nơi hành lang, tôi cảm thấy tức ngực khó thở, ngược lại, khi bước ra đồng và cày xới, tôi lại cảm thấy vui vẻ, sảng khoái hơn.

Lao động chân tay, đối với tôi công việc sử dụng sức lực này không phải là lần đầu tiên. Hồi còn chiến tranh, tôi bị trưng dụng để đi đào công sự. Bây giờ đôi tất mà tôi mang đi làm vườn cũng là thứ mà quân đội cấp cho hồi đó. Lần đầu tiên trong đời xỏ chân vào đôi bít tất dã chiến, tôi thấy vô cùng sửng sốt vì sự êm ái của nó. Khi tôi mang đôi vớ này đi dạo quanh vườn, ngực tôi râm ran niềm vui và có cảm giác như mình có thể hiểu được sự khinh khoái của chim và thú khi chúng dạo bước trên mặt đất bằng đôi chân trần. Đó là cái ký ức vui vẻ nhất trong thời chiến tranh. Bây giờ nghĩ lại, chiến tranh thật là cái thứ vớ vẩn.

Năm ngoái đã chẳng có gì

Năm kia cũng vậy

Năm kìa cũng thế thôi.

Bài thơ thú vị này được đăng trên một tờ báo ngay sau khi kết thúc chiến tranh. Bây giờ nhớ lại tôi vừa có cảm giác có nhiều chuyện đã xảy ra, vừa cảm thấy như chẳng có gì cả. Tôi ghét phải nghe người ta nói về ký ức chiến tranh. Mặc dù đã có nhiều người chết thật đấy nhưng toàn là những chuyện tầm thường, chán ngắt. Có lẽ đó chỉ là cảm nhận riêng của tôi chăng? Chỉ có chuyện tôi bị chính phủ trưng dụng, mang tất của quân đội và đi lao dịch là không cũ. Quả là một kỷ niệm đáng ghét nhưng cũng chính nhờ vào việc đi lao dịch ấy mà cơ thể tôi trở nên rắn chắc hơn và ngay cả bây giờ, mỗi lần gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi cứ nghĩ là mình đang sống theo kiểu lao dịch vậy thôi.

Vào thời điểm chiến cục đang lâm vào bế tắc, có một thanh niên mặc quân phục đến nhà khu Nishikata đưa thông báo trưng dụng và lịch trình lao động cho tôi. Khi nhìn lịch trình, từ hôm sau cứ cách một ngày là tôi phải vào tận sâu trong núi Tachigawa để lao động, tự nhiên nước mắt tôi ứa ra.

- Cho người đi thay có được không?

Không ngăn được nước mắt, tôi khóc thổn thức.

- Quân đội đã thông báo trưng dụng tiểu thư vì vậy nhất định phải đích thân cô đi mới được.

Người thanh niên đó nhấn mạnh.

Tôi quyết tâm đi.

Ngày hôm sau trời mưa. Chúng tôi được yêu cầu xếp hàng ở chân núi Tachigawa, trước tiên là nghe bài diễn thuyết của sĩ quan chỉ huy:

- Chúng ta nhất định chiến thắng.

Ông mở đầu.

- Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, nếu mọi người không làm theo mệnh lệnh của quân đội thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tác chiến và sẽ có kết quả như Okinawa. Nhất định mọi người phải làm những công việc như yêu cầu. Ngoài ra, trong núi này không chừng có gián điệp trà trộn vào, vì vậy hãy cảnh giác lẫn nhau. Bắt đầu từ bây giờ, tất cả mọi người cũng giống như binh sĩ, sẽ vào trong trận địa làm việc. Vì vậy phải tuyệt đối chú ý không được tiết lộ hiện trạng quân đội ra ngoài.

Dưới trời mưa, trong khung cảnh núi giăng mờ sương khói, khoảng năm trăm đội viên cả nam lẫn nữ nghiêm cẩn đứng nghe. Trong số những binh sĩ, có nam sinh và nữ sinh của trường quốc dân, họ lạnh run như muốn khóc. Nước mưa thấm qua áo mưa, áo khoác và cuối cùng, thấm ướt đồ lót của tôi.

Cả ngày hôm đó tôi phải gùi đất đá. Trên xe điện trở về nhà, tôi đã khóc không ngừng. Nhưng bù lại, ngày tiếp theo tôi được giao việc kéo dây thừng trong đội lao dịch. Tôi nghĩ đây là công việc thú vị nhất.

Sau hai ba lần vào núi làm việc, bọn nam sinh trường quốc dân bắt đầu nhìn tôi một cách chằm chằm rất là khó chịu. Một hôm, khi tôi đang bưng đất thì có hai ba đứa đi ngược chiều, trong đó có một đứa lên tiếng:

- Con nhỏ đó là gián điệp hả?

Giọng nói rất nhỏ nhưng tôi nghe được và giật mình.

- Tại sao bọn họ lại nói như vậy nhỉ?

Tôi thử hỏi cô gái đang đi bưng đất chung với tôi.

- Bởi vì nhìn cô giống người nước ngoài.

Cô gái trả lời rất nghiêm túc.

- Cô cũng nghĩ tôi là gián điệp hả?

- Không!

Lần này cô ấy mỉm cười.

- Tôi là người Nhật mà.

Nói xong tôi bất giác thấy mình thật ngớ ngẩn và cười thầm.

Vào một ngày đẹp trời, khi tôi đang khuân gỗ chung với những thanh niên khác thì một sĩ quan giám sát trẻ nghiêm nghị đến và chỉ vào tôi:

- Này, cô. Hãy đến đây!

Viên sĩ quan nói và nhanh chóng đi về phía rừng thông. Tôi vô cùng bất an và lo sợ, tim đập thình thình bước theo. Viên sĩ quan đi đến đống gỗ xẻ mới đem về từ xưởng cưa thì dừng lại, quay sang tôi nói:

- Mỗi ngày cô vất vả lắm phải không? Hôm nay hãy canh giữ đống gỗ xẻ này.

Anh ta cười để lộ hàm răng trắng tinh.

- Vậy là tôi đứng ở đây à?

- Ở đây mát mẻ và yên tĩnh, cô hãy lại chỗ tấm gỗ kia mà nằm nghỉ trưa. Nếu thấy chán thì cô có thể đọc cái này.

Anh ta nói và lấy trong túi áo khoác một cuốn sách nhỏ rụt rè đặt xuống tấm ván.

- Nếu thích thì cô cứ đọc.

Cuốn sách có tựa "Nhóm tam hùng"[4]. Tôi cầm lên.

[4] Nguyên tác là Toroika トロイカ, phiên âm từ chữ troika, nghĩa là nhóm tam hùng nhóm ba người cùng làm việc với nhau, nhất là làm lãnh tụ chính trị) của một nước).

- Xin cám ơn! Trong nhà tôi cũng có người thích đọc sách nhưng bây giờ đã đi đến tận miền Nam rồi.

Hình như đã nghe nhầm nên anh ta lắc đầu trầm giọng nói:

- Thế à! Chồng cô à! Ở miền nam là gay go lắm đấy! Tóm lại, hôm nay cô hãy đảm nhận công việc trông chừng chỗ gỗ này, cơm trưa lát sau tôi sẽ mang đến nên cô cứ thong thả nghỉ ngơi.

Nói xong anh lập tức bước đi.

Tôi ngồi xuống tấm ván và bắt đầu đọc sách. Đọc được chừng nửa quyển thì nghe tiếng giày của người sĩ quan ấy đi tới.

- Tôi mang cơm đến. Một mình chắc buồn tẻ lắm nhỉ!

Anh ta đặt phần cơm xuống cỏ và lại nhanh chóng rút lui.

Sau khi ăn xong, tôi leo lên đống gỗ và lần này thì nằm xuống đọc sách. Đọc hết cuốn sách, tôi bắt đầu thiu thiu ngủ. Khi mở mắt ra thì đã quá ba giờ. Tôi có cảm giác ngờ ngợ là đã gặp người sĩ quan này ở đâu rồi nhưng nghĩ mãi vẫn không nhớ ra. Tôi leo xuống đống gỗ, vuốt vuốt lại mái tóc thì lại nghe tiếng giày ấy bước đến.

- Hôm nay thật vất vả cho cô. Cô có thể về được rồi.

Tôi chạy đến bên người sĩ quan, trả cuốn sách và định nói cám ơn nhưng không thể cất thành lời, cứ yên lặng nhìn mặt anh. Khi hai ánh mắt chạm nhau thì trong mắt tôi thấm đầy nước. Và rồi mắt người sĩ quan ấy cũng long lanh ướt. Cứ như thế chúng tôi chia tay trong yên lặng. Người sĩ quan trẻ ấy, từ hôm đó trở đi không một lần nào xuất hiện ở nơi chúng tôi làm việc nữa. Ngày hôm đó, chỉ có ngày hôm đó tôi được thảnh thơi, còn lại, cứ cách một ngày là tôi phải đến làm việc cực nhọc trong núi Tachigawa. Mẹ vô cùng lo lắng về thể trạng của tôi nhưng ngược lại, tôi trở nên rất chắc khỏe. Bây giờ tôi đã ngầm tự tin về mình và công việc đồng áng không làm cho tôi cảm thấy đau khổ nữa.

Mặc dù không thích nói và cũng không thích nghe chuyện về chiến tranh nhưng rồi tôi đã kể về "trải nghiệm đáng quý" của mình. Nếu như muốn nói một chút về ký ức thời chiến tranh thì chỉ có chừng ấy thôi, còn lại là như bài thơ kia đã viết.

Năm ngoái đã chẳng có gì

Năm kia cũng vậy

Năm kìa cũng thế thôi.

Nói nghe có vẻ ngớ ngẩn chứ chỉ có đôi tất quân dụng này là còn lại với tôi mà thôi.

Chỉ có chuyện chiếc tất mà tôi lan man nhiều quá. Nhưng mỗi khi mang đôi tất này như là vật kỷ niệm duy nhất thời chiến tranh để đi làm vườn, tôi đều có một cảm giác bất an và day dứt trộn lẫn vào nhau nơi ngực mình vì thấy mẹ càng ngày càng yếu đi rõ rệt.

Vụ trứng rắn.

Và hỏa hoạn nữa.

Từ đó trở đi, sức khỏe của mẹ càng ngày càng đi xuống, còn tôi thì ngược lại, có cảm giác dần dần mình đã trở nên thô lậu và đê tiện. Không hiểu sao tôi cứ thấy mình đang hút dần sinh lực của mẹ để trở nên tốt tươi hơn.

Hồi hỏa hoạn, mẹ chỉ nói đùa là "thanh củi bắt lửa", rồi từ đó không nói thêm lời nào về đám cháy, mà ngược lại còn có vẻ chăm lo cho tôi hơn nhưng chắc chắc là mẹ nhận cú sốc lớn gấp mười lần tôi. Từ sau vụ cháy, trong đêm mẹ thường hay nói mớ. Những đêm gió lớn, cho dù khuya khoắt cỡ nào, mẹ cũng ra khỏi giường, giả vờ đi vệ sinh để dạo quanh nhà xem xét. Sắc mặt mẹ lúc nào cũng mệt mỏi, có những ngày tôi thấy mẹ đi đứng cũng thật là khó khăn. Trước đây có lần mẹ nói "sẽ giúp con làm việc đồng áng". Và dù tôi đã can ngăn nhưng mẹ cũng cố mang năm, sáu thùng nước ra tưới vườn, rồi hôm sau than là đau vai đến thở không nổi, ngủ vùi suốt một ngày. Từ đó có vẻ như mẹ bỏ hẳn việc làm vườn. Lâu lâu có ra thăm vườn thì mẹ cũng chỉ đứng nhìn tôi làm việc.

- Người ta nói, ai thích hoa nở mùa hè thì sẽ chết vào mùa hè, không chừng là thực đấy.

Hôm nay, mẹ cũng ra xem tôi làm vườn và bất ngờ nói như thế. Tôi im lặng tưới nước cho cây cà tím. Nghe mẹ nói vậy tôi mới nhận ra trời đã chớm hạ.

- Mẹ thích hoa phượng[5] nhưng vườn nhà mình chẳng có cây nào cả.

[5] Nguyên văn Mune no hana むねの花, một giống hoa thuộc họ Albizia phượng) nhưng bông nở hoa màu trắng, xòe ra.

Mẹ lại nói một mình.

- Chẳng phải có nhiều cây trúc đào hay sao?

Tôi cố tình nói xẵng giọng.

- Mẹ không thích trúc đào. Hầu hết các loại hoa nở vào mùa hè mẹ đều thích nhưng trúc đào thì sặc sỡ quá.

- Con thích hoa hồng nhất. Mà hoa hồng thì nở suốt bốn mùa. Vậy người yêu hoa hồng sẽ chết đi sống lại tới bốn lần trong các mùa xuân hạ thu đông hay sao?

Hai mẹ con cùng cười.

- Con có nghỉ tay một chút không?

Mẹ vẫn cười và nói.

- Hôm nay mẹ có chút chuyện muốn bàn với Kazuko.

- Chuyện gì đây? Chuyện chết chóc thì con không muốn nghe đâu nhé!

Tôi bước theo mẹ đến ngồi nơi ghế đá dưới giàn hoa cát đằng. Hoa thì đã tàn, ánh nắng dịu nhẹ của buổi chiều xuyên qua kẽ lá hắt xuống, đầu gối chúng tôi nhuộm một màu xanh biếc.

- Mẹ định kể cho con nghe chuyện này từ trước rồi nhưng đợi đến khi cả hai chúng ta đều có tâm trạng vui vẻ mới nói. Đằng nào cũng là chuyện không hay nhưng không hiểu sao hôm nay tâm trạng mẹ cảm thấy thoải mái và muốn nói hết mọi chuyện. Vì vậy con hãy cố gắng nghe cho hết nhé! Thực ra thì Naoji vẫn còn sống!

Người tôi đông cứng lại.

- Năm sáu ngày trước mẹ có nhận được tin tức từ chú Wada như thế này. Dạo trước, có người từng làm việc ở công ty của chú từ miền Nam sống sót trở về nên đến chào. Trong lúc hàn huyên thì mới biết người này cùng đơn vị với Naoji, rằng Naoji vẫn bình an và có lẽ sắp trở về. Nhưng có một chuyện chẳng may. Theo lời người này thì dường như Naoji bị nghiện á phiện khá nặng...

- Lại nữa!

Miệng tôi nhăn lại giống như ăn phải thứ gì đắng nghét. Thằng Naoji từ hồi học phổ thông đã bắt chước nhà văn nào đó nghiện ngập ma túy, chính vì vậy đã gây ra một món nợ khổng lồ. Mẹ phải vất vả suốt hai năm mới trả hết số nợ ấy.

- Đúng vậy. Hình như lại mới bắt đầu. Nhưng nếu không cai nghiện thì không được người ta tha cho, nên có lẽ sẽ đi cai nghiện rồi mới về, người ấy nói như thế. Trong thư, chú có nói cho dù có cai nghiện trở về cũng không thể giới thiệu chỗ làm cho một tên lêu lổng như thế được. Hơn nữa, làm việc ở Tokyo loạn lạc như hiện nay, dù là một người đàng hoàng nghiêm túc cũng có lúc phát cuồng, huống hồ là một người dở bệnh mới vừa cai nghiện như Naoji, chắc chắn sẽ phát điên ngay và làm những chuyện không ai ngờ được. Vì vậy, tốt nhất là ngay khi Naoji trở về hãy lập tức đưa nó về biệt trang ở Izu để tĩnh dưỡng, không cho nó đi đâu hết. Còn nữa, Kazuko này, chú ấy còn nhắc đến một việc. Đó là tiền của chúng ta không còn nữa. Nào là phong tỏa tiền tiết kiệm, nào là thuế tài sản nên việc chú gửi tiền cho chúng ta như từ trước đến giờ trở nên khó khăn. Hơn nữa, chú ấy nói, khi Naoji trở về cả ba chúng ta chỉ sống nhờ vào số tiền trợ cấp sinh hoạt ấy thì vô cùng chật vật. Vì vậy chú đề nghị là nên tìm chỗ nào đó mà gả Kazuko hay kiếm chỗ làm thêm cũng được.

- Nghĩa là đi làm hầu gái cho người ta à?

- Không, theo lời chú nói thì đó là một người ở Gomaba - mẹ nêu tên của một người quý tộc. - Gia đình người đó cũng có chút dính dáng họ hàng với nhà ta. Con sẽ làm gia sư cho tiểu thư nhà ấy. Tuy nói là đi làm nhưng công việc này cũng không đến nỗi buồn chán lắm cho Kazuko. Chú nói như vậy đấy.

- Ngoài ra không còn công việc nào khác sao hả mẹ?

- Chú cũng nói những công việc khác đối với Kazuko là quá sức.

- Tại sao lại quá sức, tại sao lại không thể hả mẹ?

Mẹ mỉm cười buồn bã, không trả lời câu hỏi của tôi.

- Không, con ghét chuyện này.

Ngay cả tôi cũng biết những lời mình nói là sai trái. Nhưng không thể ngừng lại được.

- Con sẽ mang đôi tất này, con sẽ mang đôi tất quân dụng này.

Nói thế rồi nước mắt trào ra, tôi khóc lớn. Rồi tôi ngẩng mặt lên, lấy mu bàn tay lau nước mắt. Mặc dù nghĩ là "không được, không nên làm thế" nhưng những lời nói cứ tiếp tục tuôn ra một cách vô thức, như thể chúng chẳng liên quan gì với thân xác tôi vậy.

- Chẳng phải mẹ đã nói rồi sao? Chẳng phải mẹ đã từng nói nhờ có Kazuko, chính vì có Kazuko mà mẹ mới chuyển đến Izu, rằng nếu không có Kazuko thì mẹ đã chết rồi sao? Vì vậy mà Kazuko không đi đâu hết, chỉ ở bên cạnh mẹ, mang đôi tất này vào, chỉ nghĩ làm sao trồng rau cho ngon đem mời mẹ thôi. Vậy mà giờ đây khi nghe tin Naoji sắp trở về tự nhiên con trở nên vướng víu và mẹ muốn tống khứ con đi làm đầy tớ cho nhà quí tộc người ta. Thật quá đáng! Mẹ thật quá đáng!

Tôi biết mình đã nói ra những điều kinh khủng nhưng ngôn từ dường như là những sinh vật sống không thể nào ngăn chúng lại được.

- Nếu như nghèo khổ, không có tiền thì bán mấy bộ kimono của chúng ta không được sao? Ngôi nhà này mình bán luôn cũng được vậy. Con làm được hết. Con có thể làm việc trong văn phòng thôn mà. Nếu phòng công vụ chấp nhận tuyển dụng con, dù là lao dịch con cũng làm, nghèo khổ chẳng là gì cả. Mẹ à, con chỉ nghĩ nếu được mẹ yêu thương thì con sẽ ở bên cạnh mẹ mãi, vậy mà mẹ lại thương Naoji hơn con. Con sẽ ra đi! Con sẽ ra đi! Đằng nào thì tính tình con và Naoji cũng đã không hợp nhau, nếu ba người chúng ta sống chung chỉ làm cho nhau bất hạnh mà thôi. Con và mẹ, chỉ hai chúng ta sống với nhau tới bây giờ con không có gì hối tiếc cả. Nhưng sau này, Naoji và mẹ, hai người sẽ sống chung và con mong sao Naoji sẽ thật hiếu thảo với mẹ. Con mệt mỏi lắm rồi. Con chán ngán cuộc sống này lắm rồi. Con sẽ đi. Hôm nay, ngay bây giờ lập tức con sẽ đi. Con có nơi để đi.

Tôi đứng dậy.

- Kazuko!

Giọng nói mẹ nghiêm nghị, vẻ mặt đầy uy nghi mà trước giờ tôi chưa từng nhìn thấy. Mẹ đứng đó, đối mặt với tôi và tôi có thể thấy mẹ cao hơn tôi một chút.

Tôi muốn lập tức nói xin lỗi mẹ nhưng không hiểu sao không thể thốt thành lời, đã vậy, tôi còn nói:

- Mẹ gạt con. Mẹ, mẹ đã lừa dối con, đã lợi dụng con cho đến khi Naoji trở về. Con là con hầu của mẹ, khi xong chuyện rồi thì tống khứ đến gia đình quí tộc kia.

Tôi hét lên và khóc tức tưởi.

- Con thật là ngu ngốc.

Giọng nói nhẹ nhàng của mẹ đang run lên vì giận dữ.

Tôi ngẩng mặt lên:

- Phải, con ngu ngốc. Ngu ngốc mới bị dối lừa. Ngu ngốc mới bị đuổi đi. Không có con thì tốt hơn chứ gì? Nghèo khổ - là gì?Tiền bạc – là gì chứ? Con không hiểu những thứ đó. Tình yêu, tình yêu của mẹ, con chỉ tin tưởng vào tình yêu của mẹ mà sống.

Tôi tiếp tục nói ra những lời sai trái, ngu xuẩn. Đột nhiên mẹ quay mặt đi, mẹ đang khóc. Tôi muốn nói lời xin lỗi, tôi muốn chạy đến ôm mẹ nhưng tay lấm lem đất cát vì công việc đồng áng khi nãy và cảm giác ngượng nghịu ngăn tôi lại, khiến tôi ngang ngược hơn:

- Không có con mọi việc sẽ tốt đúng không? Con sẽ ra đi. Con có chỗ để đi mà.

Nói xong tôi chạy vô phòng tắm, vừa khóc thổn thức, vừa rửa tay chân mặt mũi. Sau đó thì lên phòng thay đồ và lại khóc tức tưởi. Tôi cứ khóc, tiếp tục khóc. Tôi chạy lên tầng hai nằm vùi trên giường, lấy chăn trùm kín đầu và khóc đến rạc cả người. Và rồi trong lúc nửa tỉnh nửa mê, dần dần tôi cảm thấy nhớ, rất nhớ một người, tôi thèm được nhìn thấy và nghe giọng nói của người ấy. Một cảm giác rất đặc trưng giống như khi ta phải chịu đựng cảnh bác sĩ đốt lá ngải dưới hai lòng bàn chân.

Vào chập choạng tối, mẹ nhẹ nhàng lên tầng hai, mở đèn, bước đến bên giường và gọi tên tôi thật dịu dàng:

- Kazuko.

- Dạ.

Tôi thức dậy, ngồi trên giường, lấy hai tay vuốt lại mái tóc. Tôi nhìn mặt mẹ và mỉm cười.

Mẹ cũng cười yếu ớt và trầm ngâm ngồi trên ghế sofa bên cửa sổ.

- Lần đầu tiên trong đời mẹ từ chối yêu cầu của chú Wada... Mẹ viết thư hồi âm cho chú ấy rồi. Mẹ nói là hãy để chuyện các con cho mẹ lo liệu. Kazuko này, con bán kimono đi nhé. Hãy bán chúng dần dần và chi tiêu như chúng ta muốn. Hãy sống sung túc một chút. Mẹ không muốn để con vất vả trồng trọt nữa. Dù có đắt đỏ một chút nhưng chúng ta hãy mua rau, có sao đâu nào. Mỗi ngày phải làm việc ngoài đồng đối với con thật là quá sức.

Nói thật lòng thì việc đồng áng cũng có hơi vất vả. Thêm vào đó là cảm giác tủi thân bất hạnh làm tôi bực tức phẫn hận với mọi thứ, thành ra có cơn khóc như điên dại vừa rồi. Tôi ngồi trên giường cúi đầu im lặng.

- Kazuko.

- Dạ.

- Con nói có chỗ đi, là chỗ nào?

Tôi tự biết mặt mình đỏ tận gáy.

- Nhà Hosoda à?

Tôi im lặng. Mẹ thở dài.

- Mẹ nói chuyện cũ được không?

- Mẹ nói đi.

Tôi thì thầm.

- Khi con rời nhà chồng Yamaki quay về nhà mình ở khu Nishikata, mẹ định là không trách con bất cứ điều gì nhưng chỉ có một việc khiến mẹ nói con đã phản bội mẹ. Con nhớ không? Con đã òa khóc. Và mẹ nhận ra rằng mình đã nói với con những lời khủng khiếp...

Nhưng tôi nhớ lúc đó, khi nghe mẹ nói như thế, tôi đã khóc vì vui mừng và biết ơn.

- Mẹ nói mẹ bị phản bội không phải vì con bỏ nhà chồng ra đi mà vì mẹ được nhà Yamaki cho biết rằng, con và anh Hosoda là người yêu của nhau. Mẹ thật sự hoang mang khi nghe những lời như thế bởi vì anh Hosoda đã có vợ con đàng hoàng và cho dù con có yêu mến anh ta đến mấy thì việc cũng chẳng đi đến đâu...

- Người yêu gì chứ, thật là kinh khủng! Chẳng qua đó là sự ngờ vực vô căn cứ của bên chồng con thôi.

- Có lẽ là vậy. Này con, con không còn vương vấn gì anh Hosoda đó nữa đúng không nào? Con nói muốn ra đi vậy chứ đi đâu?

- Không phải chỗ anh Hosoda đâu mẹ.

- Vậy à. Vậy thì ở đâu?

- Mẹ này, gần đây con chợt nghĩ ra điểm khác biệt hoàn toàn giữa con người và động vật. Là gì nhỉ? Ngôn ngữ, trí tuệ, suy nghĩ hay trật tự xã hội? Có lẽ động vật cũng có những cái này nhưng khác về mức độ so với con người. Không chừng còn có cả tín ngưỡng, tôn giáo nữa đấy chứ. Con người cứ tự cho là mình ở trên vạn vật nhưng về bản chất dường như chẳng có gì khác biệt so với động vật. Mà mẹ này, có một thứ duy nhất những sinh vật khác hoàn toàn không có chỉ con người mới có. Chắc mẹ không biết đâu. Đó là bí mật đấy.

Mặt mẹ ửng hồng và cười duyên dáng.

- Vậy mong sao điều bí mật của Kazuko sớm đơm hoa kết trái nhé! Mỗi sáng mẹ nguyện cầu trước linh hồn của cha, mong cho con được hạnh phúc.

Chợt tôi nhớ lại ngày mà tôi cùng cha lái xe qua miền Nasuno. Khi dừng xe dọc đường, cảnh sắc mùa thu bừng lên trong tâm trí. Một cánh đồng ngập tràn hoa cỏ mùa thu. Nào là cỏ hagi, hoa cẩm chướng, long đảm, nữ lang,... đua nhau khoe sắc. Những trái nho dại vẫn còn đang xanh. Sau đó, tôi cùng cha lên xuồng máy ở hồ Biwa. Tôi nhảy xuống nước, một con cá nhỏ sống trong đám rong đụng vào chân, bóng đôi chân ngả xuống đáy hồ trong vắt, di chuyển cùng với tôi. Những kỉ niệm này chợt hiện ra rồi biến mất.

Tôi tuột xuống giường, bước đến ôm lấy đầu gối mẹ và lên tiếng:

- Cho con xin lỗi chuyện vừa rồi.

Cuối cùng tôi cũng nói ra được.

Bây giờ nghĩ lại, những ngày tháng đã qua là ánh sáng còn lại của thời gian hạnh phúc huy hoàng cuối cùng của hai mẹ con tôi. Địa ngục thật sự với chúng tôi bắt đầu khi Naoji từ miền Nam trở về.