Tạm Biệt Versailles

Chương 2



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

“…” Antonia dại ra.

“Ha ha ha!” Carolina phì cười, “Antonia, mau đồng ý đi!”

Cô ấy lắc tay em trai, “Maximilian, nhìn xem, có người muốn cướp Antonia của em kìa.”

Cậu nhóc cảnh giác lườm thiên tài âm nhạc mặc trang phục hoa lệ, giống như cậu ấy sắp cướp chị gái của cậu.

Antonia bất đắc dĩ lắc đầu, vuốt ve Mozart nhỏ hơn mình một cái đầu, “Chờ em trưởng thành rồi tính sau.”

“Dạ, điện hạ phải chờ em đấy!” Mozart lùn hơn cô một cái đầu, ngoan ngoãn giống như thật sự tin tưởng.

Antonia suýt phì cười.

Cô biết, vị thần đồng âm nhạc được nữ thần tình yêu ưu ái sẽ nhanh chóng trở thành thiếu niên đào hoa đa tình, cùng các thiếu nữ khác vui vẻ vi vu trong hoa viên tình yêu.

“Ái chà, Antonia nhà ta giống người lớn quá.” Đằng xa có tiếng cười vọng lại, mọi người quay đầu, dõi mắt nhìn theo.

Đó là Johanna, chị gái thứ tám của họ [1].

Nháy mắt thấy cô ấy, Antonia có chút hoảng hốt.

Năm nay Johanna mười hai tuổi.

Vĩnh viễn dừng lại ở tuổi mười hai.

Cô ấy chết bởi dịch đậu mùa cuối năm nay.

Johanna đã sớm quen đứng ra hòa giải giữa hai người em gái, tự nhiên nắm tay em trai, “Maximilian, em lại không mặc quần áo ấm đã chạy lung tung.”

Cô ấy quay đầu nhìn Carolina, “Carolina, giúp chị được không? Hôm nay Antonia hơi mệt, nên nghỉ ngơi.”

Carolina quay đầu lè lưỡi với Antonia, lẽo đẽo theo sau chị gái.

“Điện hạ, nước ấm, yến mạch và thịt gà luộc sôi người cần đây ạ.” Nữ hầu bưng khay bạc lên.

“Ừ.” Antonia hồi thần, “Cảm ơn.”

Antonia lại gần lò sưởi, vuốt ve bộ lông tơ mềm mại của sóc chuột. Cô ghé sát xem, phát hiện chòm râu sóc chuột giật giật, chiếc mũi hơi nhếch.

Thực sự tỉnh.

Antonia không biết diễn tả tâm trạng hiện tại ra sao.

Cô nhớ rõ Apollo chết vào mùa đông năm đó. Sau khi tự tay mai táng nó, Maximilian chịu đả kích, không bao giờ nuôi thú cưng.

Nhiều năm sau, trong một lần trò chuyện ở Petit Trianon [2], cô mới biết nếu sóc chuột không giữ ấm đúng cách, chúng nó sẽ rơi vào trạng thái “giả ngủ đông”. Thoạt nhìn giống hệt đã chết, nhưng vẫn có thể tỉnh lại.

Đáng tiếc Apollo đáng thương, không rõ sống chết đã được mai táng dưới lớp băng lạnh lẽo ở Vienna suốt nhiều năm.

Antonia vừa suy nghĩ, vừa há miệng sóc chuột, nhỏ vài giọt nước.

Nhóc con mềm mại hít mũi, ngoan ngoãn nuốt xuống.

Chân trước của nó từ từ động đậy, chòm râu càng lúc càng rung mạnh, túm lông tròn sau mông cũng giật giật.

Vài phút sau, Apollo mở mắt, cựa quậy tứ chi ngồi dậy, có vẻ không vừa lòng vì nằm ngửa dưới thảm lông.

Antonia không giúp đỡ nó xoay người, chỉ lẳng lặng nhìn sóc chuột giãy giụa. Cuối cùng nó cũng chạm bốn chân xuống đất, nhanh nhẹn bò lại gần thịt gà luộc và yến mạch.

Nó dùng móng vuốt xé miếng thịt gà, quai hàm phình phình nhai rau ráu, hai tai vểnh cao, cái đuôi lắc lư, ăn quên trời quên đất.

Cuối cùng cũng không phải lo Maximilian sẽ khóc.

Antonia thở phào nhẹ nhõm, bất giác mỉm cười.

Mọi người đã quên, sau này cậu em trai nhỏ tuổi nhất trong số các anh chị em lại trở thành người nghiêm túc nhất, cũng từng có thời thích khóc nhè.

Đương nhiên, khi còn bé bọn họ cũng không ngờ em trai nhỏ tuổi nhất lại có thành tựu Thần học vượt xa bọn họ. Sau này cậu trở thành Tuyển Hầu tước Cologne, Tổng giám mục nhà thờ.

Antonia nhìn sóc chuột gặm nhấm bổ sung năng lượng, dịu dàng vuốt ve cơ thể mềm mại của nó.

Lúc này cô mới cảm thấy mình thực sự sống lại, quay trở về ba mươi năm trước, gặp gỡ cố nhân, thậm chí thay đổi những thứ nhỏ bé không đáng kể.

Từ từ.

Antonia dừng tay.

Đột nhiên cô nhớ lại, ban đầu khi Pháp và Áo bàn bạc liên hôn, Vương thất Áo lựa chọn Công chúa Carolina.

Nhưng tám năm sau người tới Pháp lại là Antonia.

Thật ra mọi chuyện khá trùng hợp, nguyên nhân quan trọng nhất là vị hôn thê của Quốc Vương Napoli – Sicily – chị Johanna qua đời vì bệnh đậu mùa. Người thay thế chị Johanna là chị Josepha. Năm năm sau, chị Josepha cũng chết vì bệnh đậu mùa.

Vì thế, theo trình tự, Carolina tiếp nhận nghĩa vụ thay hai người chị đã chết, gả cho Quốc Vương.

Năm 1768, Carolina trở thành Vương Hậu Napoli – Sicily. Hai năm sau, Antonia trở thành Thái tử phi nước Pháp.

Nếu không phải hai người chị liên tiếp chết sớm, có lẽ người tới Pháp không phải cô.

Antonia cúi đầu, nhìn sóc chuột ăn no, tò mò quấn quýt bên tay cô.

Hồi lâu sau, Antonia nở nụ cười lạnh lẽo.

Cô chịu đủ rồi.

Đến Pháp, trở thành Vương Hậu là ảo mộng của nàng Công chúa Rococo ngây thơ khờ dại.

Đáng tiếc tỉnh mộng, dưới lớp phù hoa giả tạo là mối nhân duyên nhục nhã vớ vẩn. Cả Châu Âu rung chuyển, chìm trong biển máu, mộng ước dập nát.

Giấc mơ công chúa không thích hợp với cô.

Mỗi lần đứng trước ngã rẽ vận mệnh, cô đều đưa ra lựa chọn sai lần.

Hiện tại, cô muốn rời xa cung đình Pháp hư không, né tránh đám người kệch cỡm và lục đục nội chiến.

Tạm biệt, Versailles.

Vương miện, quyền trượng, tơ vàng, hoa hồng, mặc kệ tất cả hư thối trong mộng phù hoa.

Antonia chơi đùa với Apollo, ngẩng đầu nhìn ngoài cửa sổ.

Cỏ cây phủ đầy tuyết, ánh nắng mặt trời chiếu xuống cây tùng phía xa, đẹp tựa phỉ thúy xanh thẳm.

Đây là Vienna.

Ngôi nhà cô rời xa suốt hai mươi tư năm.

Cô lẳng lặng đứng bên cửa sổ, mặc kệ Apollo bò quanh ngửi tới ngửi lui, im lặng hồi lâu.

Antonia đặt sóc chuột vào trong lồng, mở cửa ra ngoài. Người hầu đang thắp nến, phu nhân Brands mỉm cười với cô.

Antonia đi theo phu nhân Brands, lướt qua từng tầng đèn dầu tráng lệ, vào cung Hofburg [3].

Ánh nến tựa ngân hà đỏ thắm kéo dài, dọc theo khắp hành lang, trải dài vô tận.

...

Bức tường quanh sảnh vũ hội treo rèm vàng màu nguyệt quế, đèn thủy tinh tỏa sáng khắp mọi nơi.

Bởi vì Áo và Phổ đang chiến tranh, Nữ Hoàng cấm các hình thức giải trí trong cung, yêu cầu không được tổ chức vũ hội rêu rao. Lần này yến hội chỉ tổ chức trong phạm vi thành viên gia đình Nữ Hoàng.

Mấy cô gái tới sớm đang ngồi ở sofa cách bàn yến hội không xa, nhỏ giọng líu ríu.

“Ngài… Ngài Mozart thực sự tỏ tình với Antonia?” Các chị em tò mò đặt câu hỏi.

“Em thề, em tận mắt thấy!” Carolina đắc ý nhìn anh chị em, giơ tay thề.

Cô ấy nhấp hớp nước chanh, “Chà, hy vọng Antonia gả cho cậu ta, như vậy sau này tới bái kiến em, em là Vương Hậu, nó là vợ của nhạc sĩ cung đình. Ha ha ha!”

“Carolina!” Johanna nhíu mày, không cho phép cô ấy nói linh tinh.

“Nói vậy thôi!” Carolina hừ nhẹ, “Hơn nữa Antonia vẫn chưa tới, chẳng lẽ em ấy định tìm một con chuột khác thay thế Apollo?”

Cô ấy đảo mắt, huých em trai, “Maximilian, nếu đánh tráo con chuột khác, em nhận ra không?” 

“Có!” Cậu nhóc vừa sốt ruột vừa sợ hãi đáp.

“Hừ, vậy không còn cách nào. Dù sao xác Apollo cứng như đá.” Carolina tấm tắc.

Maximilian bĩu môi chuẩn bị khóc.

“Được rồi, Maximilian đừng buồn. Nó có vận mệnh của nó.” Isabella [4] lớn tuổi nhất trong số mọi người lên tiếng.

Vị Công tước phu nhân vừa tròn hai mươi mốt tuổi này là vợ Đại công tước Joseph [5], hiện tại đang mang thai tháng thứ bảy.

Sức khỏe cô ấy không tốt, không có lòng trò chuyện, nhưng ít nhất không để em trai em gái khóc.

Johanna dịu dàng an ủi, “Apollo nhỏ như vậy, ắt có một ngày phải rời đi. Em có thể mang nó đi tìm Đức cha, để nó yên giấc lên thiên đường.”

Maximilian ngoan ngoãn gật đầu, nhưng đôi mắt đỏ bừng, cái mũi hấp háy.

Đúng lúc này một bàn tay choàng vai cậu, dịu dàng nói: “Đừng khóc, xem ai tới thăm em này.”

Vật thể nóng bỏng mềm mại đứng ở bả vai Maximilian.

Cậu nhóc ngạc nhiên quay đầu, vui tới òa khóc, “Apollo!”

Cậu vội vàng kéo Apollo xuống, nâng lên cho anh chị xem, “Là Apollo của em! Trên người nó có bốn vệt hoa văn màu rám nắng, ở lỗ tai có nhúm lông trắng hình trái tim!”

Cậu quay đầu, mỉm cười với Antonia, “Em biết Antonia giỏi nhất.”

Isabella thở phào nhẹ nhõm, cảm kích gật đầu với Antonia.

Johanna ngạc nhiên hỏi: “Thật sự sống lại? Em làm thế nào?”

Carolina liếc em gái, “Antonia, chẳng lẽ em là phù thủy?”

“Chị đoán xem.” Antonia mỉm cười, “Nếu đoán sai, em sẽ biến chị thành sóc chuột.”

Carolina sợ hãi, “Em dám!”

Antonia chỉ đùa cô ấy mà thôi. Đương nhiên cô không rảnh đôi co với cô bé mới mười tuổi.

Đúng lúc này, anh trai Joseph mặc quần áo cung đình hoa lệ đi vào, mỉm cười nhìn vợ, hỏi lễ quan, “Bao lâu nữa bắt đầu yến hội?”

“Thưa điện hạ, còn nửa tiếng nữa.”

Antonia thấy anh, suy nghĩ gì đó, sán lại gần, “Anh đi đâu thế?”

“Anh đi gặp Nữ Hoàng.” Joseph xoa đầu cô, “Anh vừa đón đoàn khách từ Pháp tới, có chuyện quan trọng muốn bàn với bệ hạ. Chà, anh không tham gia yến hội, em không được chọc giận Isabella đấy.”

Anh là con trai cả của Nữ Hoàng, Thái Tử Hoàng thất Habsburg, hiện tại bắt đầu tham gia nghị sự cung đình. Lần này nước Pháp bàn bạc rất nhiều, đương nhiên anh biết các em gái không hứng thú, vậy nên chỉ tóm tắt đơn giản một câu.

“Khách từ nước Pháp?” Em gái tò mò.

“Ừ.” Joseph đắc ý, “Một vị khách bí mật.”

Ngoài dự đoán của anh, cô em gái từ trước tới nay không bao giờ hứng thú lại hỏi: “Vị nào ạ?”

“Công tước Étienne-François [6], phục vụ hải quân.”

“Ồ…” Antonia đáp.

Thật trùng hợp. Vị công tước này chính là người thúc đẩy mối hôn nhân giữa cô và Thái Tử Pháp.

Nhưng hiện tại cô mới bảy tuổi, bàn việc cưới hỏi quá sớm.

Như vậy ông ta tới đây làm gì?

________

Lời tác giả:

Đúng rồi, Hoàng Thất Áo có tất cả mười sáu người con … Tôi sẽ cố gắng liệt kê những nhân vật trọng điểm.

Để phòng hỗn loạn, hiện tại những người đã xuất hiện gồm: Con trưởng Joseph/Nữ đại công tước Isabella 21 tuổi, con gái thứ tám Johanna 12 tuổi, con gái thứ mười Carolina 10 tuổi, con gái thứ mười một (cũng là con gái út) Antonia 7 tuổi, con trai thứ năm (người con nhỏ nhất) Maximilian 6 tuổi.

________

Một số bình luận của cư dân mạng Trung:

– Tôi có một câu hỏi: Đây là truyện giả tưởng hay truyện lịch sử có thật? Một Nữ Hoàng sinh tận 16 người con?

– Má ơi… Sinh nhiều vậy không sợ tử cung có vấn đề sao… Thân thể bà ấy có sao không = =

– Đẻ đỉnh thật…

– 16 người? Có chắc đều do Nữ Hoàng sinh không?

________

 [1] Johanna Gabriela Josepha Antonia, hay Johanna Gabriele của Áo, là con thứ 11 và con gái thứ 8 của Maria Theresia và Franz I của Thánh chế La Mã, được vua cha phong tước hiệu Nữ Đại công tước Áo, Công chúa các xứ Böhmen, Ungarn và Toskana. Cô được mô tả là dễ mến và tốt bụng, nhưng qua đời ở tuổi 12 vì bệnh đậu mùa.

Maria Theresa dự định để cô con gái Maria Amalia đính hôn với Ferdinand của Napoli và Sicily, con trai của Carlos III của Tây Ban Nha, đôi bên lúc đầu đồng ý nhưng sau đó Carlos III đổi ý từ chối vì Nữ Đại Công tước Maria Amalia lớn hơn con trai ông đến 5 tuổi, thế là Maria Theresa thay bằng cô con gái Maria Johanna Gabriela vì cô bé chỉ lớn hơn Ferdinand 1 tuổi.

Vào giữa thế kỷ 18, dịch bệnh đậu mùa hoành hành châu Âu và tràn vào Vienna, năm 1761 đứa con trai Karl Joseph của Maria Theresa mất vì bệnh đậu mùa khi mới 15 tuổi, bản thân Maria Theresa cũng bị trúng đậu mùa nhưng qua khỏi, chính vì thế bà rất ủng hộ việc tiêm chủng phòng ngừa bệnh đậu mùa cho những người con còn lại của mình. Năm 1762, Maria Johanna Gabriela đột ngột qua đời sau 1 thời gian ngắn đã được tiêm chủng phòng ngừa, hưởng dương 12 tuổi, sau đó thi thể của Maria Johanna Gabriela được chôn cất trong hầm mộ hoàng gia.



Sau khi Maria Johanna Gabriela qua đời, Maria Josepha được chọn thay thế để đính hôn với Ferdinand. Maria Johanna Gabriela và Maria Josepha cách nhau 1 tuổi nên từ nhỏ 2 chị em được sắp xếp ở chung phòng, được dạy dỗ cùng nhau và vô cùng thân thiết. Cái chết của Maria Johanna Gabriela khiến Maria Josepha ám ảnh và sợ rằng mình cũng sẽ chết vì bệnh đậu mùa, quả nhiên ác mộng đó đã trở thành sự thật.

Năm 1676, Công nương Maria Josepha, người vợ thứ 2 của Joseph II qua đời vì bệnh đậu mùa, Maria Theresa từng đến thăm và chăm sóc con dâu. Cũng vào năm 1767, Nữ Đại Công tước Maria Josepha đến Napoli kết hôn với Ferdinand của Napoli và Sicily. Trước khi xuất phát 2 ngày, Maria Theresa bảo con gái đến hầm mộ của người chị dâu Maria Josepha xấu số để cầu nguyện. Sau đó Nữ Đại Công tước Maria Josepha dính đậu mùa và chết ngay trên đường đi sang Napoli kết hôn. Thời gian ủ bệnh của đậu mùa là khoảng 1 tuần, nên có khả năng Maria Josepha đã bị lây bệnh từ trước khi đến hầm mộ của chị dâu, và có khả năng chính Maria Theresa đã lây bệnh cho con gái mình, vì Maria Theresa từng đến thăm và chăm sóc cô con dâu Maria Josepha khi con dâu dính đậu mùa.

Nữ Đại Công tước Maria Josepha hưởng dương 16 tuổi, thi thể được chôn cất trong hầm mộ hoàng gia. Sau cái chết của Maria Josepha, cô em gái Maria Carolina được chọn thay thế để kết hôn với Ferdinand của Napoli và Sicily.

Credit: Công Chúa Xứ Hoa – Máu, Tình Yêu và Nước Mắt



[2] Petit Trianon: Petit Trianon được xây dựng từ năm 1762 đến 1768, nằm trong thời gian trị vì của vua Louis XV. Tòa lâu đài nhỏ này mang màu sắc của sự chuyển giao giữa nét kiến trúc Rococo và tân cổ điển. Nhìn từ xa, nơi đây như một khối hộp được chạm khắc tinh tế ở cả 4 mặt với ban công và nhiều cửa sổ. Lâu đài được xây dựng trong khuôn viên vườn Versailles và ngay gần Grand Trianon – địa điểm nghỉ ngơi của nhà vua.

Lâu đài được thiết kế bởi Ange-Jacques Gabriel theo yêu cầu của Louis XV. Nhà vua muốn xây dựng Petit Trianon như một món quà dành cho Madame de Pompadour – tình nhân mà nhà vua hết mực yêu thương, chiều chuộng. Thế nhưng, bà đã qua đời 4 năm trước khi công trình được hoàn thiện.

Sau đấy, Petit Trianon lại được vua Louis XV ban tặng cho Madame du Barry, một tình nhân khác của ông. Đến khi nhà vua qua đời, bà được coi là chủ nhân của lâu đài nhỏ này. Tuy nhiên, người ta truyền tai nhau rằng, bà chỉ là người lấp khoảng trống trong Petit Trianon, còn với Louis XV, bà mãi không có được vị trí đặc biệt.

Nơi đây còn nổi tiếng bởi chủ nhân thứ 3 của nó – Marie Antoinette, hoàng hậu của vua Louis XVI. Khi lên nắm quyền vào năm 1774, vị vua 20 tuổi đã lấy Petit Trianon làm món quà cho Marie, khi đấy mới 19 tuổi. Nhàm chán với cuộc sống hoàng cung, hoàng hậu trẻ coi nơi này như thế giới của riêng mình. Marie biến lâu đài trở thành chỗ ở riêng biệt và trang hoàng theo sở thích của mình.

Không chỉ là nơi để Marie Antoinette rời bỏ những lễ nghi hoàng tộc, Petit Trianon cũng là nơi hoàng hậu tránh được áp lực, sự soi mói từ hoàng gia và các quan cận thần. Không một ai được ra vào lâu đài nếu không có sự cho phép của bà, ngay cả vua Louis XVI. Nhiều lời đồn đoán cho rằng hoàng hậu theo dõi sát sao người ra vào để che giấu cuộc sống xa hoa với vàng bạc châu báu. Nhưng sau này, một người hầu của bà đã phủ nhận điều đó.



[3] Cung Hofburg: Cung điện Hofburg vốn là nơi sinh sống của các vị vua Habsburg (người cai trị nước Áo) trong khoảng thời gian từ 1276 tới 1918. Cung điện này được xây dựng từ năm 1275 và ấn tượng với kiến trúc nguy nga lộng lẫy. Qua những biến cố của lịch sử, cung điện  Hofburg hiện nay đã từng được tu bổ vào năm 1953.

Cung điện này được thiết kế với khu phức hợp gồm có 19 sân thượng, 18 căn nhà và khoảng 2700 căn phòng với những lối kiến trúc riêng. Trong đó, nổi tiếng nhất là kiến trúc Gothic dưới thời Phục Hưng và Rococo, Baroque, cổ điển. Ghé thăm cung điện nổi tiếng này bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng cuộc sống vô cùng xa hoa của giới hoàng tộc tại nước Áo trong vòng 600 năm. Bên cạnh đó, khi tới cung điện nổi tiếng này du khách còn được tìm hiểu về lịch sử của những vị vua đã cai trị quốc gia này. 



[4] Isabella xứ Parma: Đại Công tước Joseph của Áo là người con thứ 4 đồng thời là con trai lớn nhất của Francis I và Maria Theresa.

Vì là người thừa kế tương lai, đối tượng kết hôn mà cha mẹ nhắm đến cho Joseph phải thuộc nhà Bourbon của vương thất Pháp hoặc vương thất Tây Ban Nha nhằm liên minh chính trị. Năm 1760, Joseph kết hôn với Isabella xứ Parma, cả 2 trạc tuổi nhau.

Isabella xứ Parma là cháu nội của Vua Felipe của Tây Ban Nha đồng thời là cháu ngoại của Vua Louis XV của Pháp. Ngay từ lần đầu gặp mặt cô dâu, Joseph đã trúng tiếng sét ái tình và đem lòng yêu Isabella, tuy nhiên Isabella thì tỏ ra lạnh lùng và lúc nào cũng ủ rũ sầu khổ (có lẽ vì không thích lấy chồng).

Sống giữa cung đình Vienna, Isabella chỉ thân thiết duy nhất với Nữ Đại Công tước Maria Christina, thường được gọi là Mimi, em gái của Joseph. 2 chị em có cùng chung sở thích âm nhạc, thường đi chơi cùng nhau, viết cho nhau những lá thư đầy tình tứ bằng tiếng Pháp.

Tuy nhiên, Isabella có 1 sự ám ảnh to lớn đối với cái chết và sự ám ảnh đó ngày càng gia tăng, cộng thêm tính cách sầu khổ nên bà ngày càng trở nên bi quan hơn. Với cương vị là vợ của một trữ quân, Isabella hiểu rõ nghĩa vụ của mình là phải mang sinh con thừa kế dù trong lòng chẳng hề muốn. Dù yêu vợ, Joseph lại không thể hiểu hết nỗi khổ tâm của vợ mình do thiếu kinh nghiệm và còn quá trẻ. Năm 1761, Isabella mang thai, trải qua 9 tháng mệt mỏi vì thể chất yếu ớt cũng như tâm trạng buồn bã và luôn ám ảnh lo sợ cái chết, Isabella hạ sinh một bé gái đặt tên Maria Theresa vào năm 1762, Isabella đã ốm liệt giường đến 6 tuần ngay sau khi sinh.

Tháng 8 năm 1762 và tháng 1 năm 1763, bị sảy thai 2 lần liên tiếp khiến Isabella tuyệt vọng và bi quan cùng cực. Sau đó vài tháng sau tiếp tục mang thai, đến tháng 12 năm 1763 thì sinh non 1 bé gái khi đang trong thai kỳ 6 tháng vì trúng đậu mùa, đứa bé chào đời chỉ vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ thì qua đời, và 1 tuần sau đến lượt Isabella cũng qua đời.

Credit: Công Chúa Xứ Hoa – Máu, Tình Yêu và Nước Mắt



[5] Joseph: Joseph II là con trai lớn của Francis I và Maria Theresa, đồng thời là anh trai của Marie Antoinette. Năm 1777, ông đến Pháp để thăm vợ chồng nhà vua Pháp là Louis XVI và Marie Antoinette, vì cặp đôi này kết hôn đã 7 năm mà chưa có con và điều đó khiến hoàng gia Áo lo lắng. 

Credit: Công Chúa Xứ Hoa – Máu, Tình Yêu và Nước Mắt



[6] Étienne François: Cựu bộ trưởng Pháp