Tạm Biệt Versailles

Chương 7



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Ekaterina cúi đầu.

Cô bình tĩnh đáp: “Mời chuyển lời cho điện hạ, ta không thoải mái, không uống được rượu mạnh. Hơn nữa ta cho rằng Hoàng gia chỉ có bệ hạ, ta và Pavel, vậy nên ta không cần phải… đứng lên.”

Pháo nổ ầm ầm, dàn nhạc hòa tấu, mọi người vui vẻ trò chuyện. Nhưng hiển nhiên các quan ngoại giao vốn giỏi quan sát sắc mặt đã chú ý phía bên này. Dù họ giả vờ như không thấy, nhưng ai cũng vểnh tai nghe.

Thiếu niên không nói gì, bất đắc dĩ nhún vai, sau đó quay về bên Pyotr III, thì thầm bên tai gã.

Lần này Hoàng Đế thực sự nổi giận. Hắn ta hung tợn chà xát đồng xu trong tay, ánh mắt oán độc trừng Ekaterina, nói gì đó với thiếu niên.

Thiếu niên cúi đầu, nét mặt xấu hổ, không dám truyền lời Hoàng Đế nói.

Hoàng Đế khinh miệt liếc anh ta, vứt đồng xu xuống đất, mắng: “Đồ ngu! Không uống được Vodka không xứng đáng làm người Nga!”

Thoáng chốc đại sảnh lặng ngắt như tờ.

Pyotr III nổi điên, cầm khăn ăn bên người, hếch cằm trừng Ekaterina, “Thành viên Hoàng gia chỉ có ta, con ta và hai người chú. Ngươi là đồ ngu!”

Đại sảnh yên tĩnh, Ekaterina một mực cúi đầu, nước mắt rơi như mưa, thoáng chốc ướt đẫm tay.

Antonia ngẫm nghĩ, muốn đứng lên.

Đúng lúc này Hoàng Hậu nắm chặt tay cô, ấn cô ngồi xuống ghế.

Tay cô ta lạnh tới đáng sợ.

Antonia còn nhỏ, đứng dưới đất cũng không cao bằng ngồi trên sofa, vậy nên không ai chú ý động tác của cô.

Bởi vì được dạy dỗ lễ tiết quý tộc, mọi người trong đại sảnh lại cười lớn, giống như chưa có chuyện gì xảy ra.

Không ai nhìn các cô.

Thấy yến hội bình thường, Antonia thở phào nhẹ nhõm, ngẩng đầu nhìn Ekaterina.

Hoàng Hậu thẳng lưng, rõ ràng không nhìn Antonia, nhưng cô thấy cô ta hơi lắc đầu.

Đôi mắt sáng ngời rưng rưng nước mắt, con ngươi lại tỏa ánh hào quang.

Antonia im lặng hồi lâu, nghiêng người ôm chầm Hoàng Hậu đang run rẩy.

...

Yến hội kết thúc, Antonia theo Hoàng Hậu về phòng cô ta, không quên nhờ bồi bàn truyền tin cho bá tước Mercy.

Antonia chột dạ nghĩ, e rằng ngài bá tước lại lắc đầu thở dài. Nhưng lúc này cô có chuyện quan trọng hơn phải làm.

Chờ thị nữ đóng cửa, Antonia kiễng chân, thì thầm bên tai Hoàng Hậu: “Bệ hạ, ngài nên trở thành Nữ Hoàng. Nếu không gã sẽ giết ngài.”

Ekaterina lại không hề ngạc nhiên. Cô ta nhíu mày, giơ tay ngăn lại, quay đầu nhìn cánh cửa.

Antonia nói tiếp: “Bệ hạ yên tâm, ta sẽ không nói với bá tước Mercy. Ta chỉ không thể chịu được Hoàng Đế đối xử như vậy với ngài… Ta rất thích ngài.”

Cô lại bổ sung: “Ngài biết đấy, ta là trẻ con, ở thời khắc không ai ngờ đến có thể giúp đỡ ngài. Dù sao sẽ không ai nghi ngờ ta.”

Ekaterina bị cô chọc cười, “Cảm ơn lời hứa của nữ đại công tước nước Áo, sự giúp đỡ của người rất có lợi cho ta… Nhưng tạm thời ta chưa cần đến.”

Cô ta ngồi xổm, dịu dàng ôm Antonia vào lòng, nhỏ giọng nói: “Chính ta bảo ngài kỵ sĩ nói với Pyotr ta không đứng lên.”

Đó là người của Ekaterina.

Chà, còn là người đàn ông của cô ta.

“Người phải biết, đám đông thường bất bình thay kẻ yếu.” Cô ta nháy mắt, “Quốc gia này tạo nên bởi lòng nhân từ.”

Antonia giật mình, hồi lâu sau mới hiểu ý Ekaterina.

Ekaterina cầm giá nến trên bàn tròn, dắt tay cô, mỉm cười hỏi: “Nào, ta mang người tới nơi khác thú vị hơn. Người thích nghe truyện cổ tích không?”

...

Đêm khuya, tẩm điện của Hoàng Hậu cách phạm vi hoạt động của Hoàng Đế rất xa. Cung điện chìm trong yên ắng.

“Ngày xửa ngày xưa có một nàng công chúa. Nàng không phải con trưởng của Quốc Vương, cũng không phải con út. Trong số các anh chị em, nàng luôn mờ nhạt.”

Hoàng Hậu vừa đi vừa nói: “Sau đó nàng tha hương tới dị quốc, học tập ngôn ngữ mới. Hoàng tử dị quốc không thích nàng, nàng chịu rất nhiều khổ sở.”

Antonia lẳng lặng nghe, hiểu Ekaterina muốn kể chuyện gì.

Đây là mở đầu chuyện xưa của các cô.

“Nhưng nàng không tuyệt vọng. Thượng Đế đã trao vương miện cho nàng, ắt sẽ bảo hộ nàng.”

“Hơn nữa ở thời điểm đau đớn nhất, nàng có được những người bạn. Bọn họ giúp nàng vượt qua khoảng thời gian khó khăn. Nàng không phát điên, không nổi giận. Trải qua muôn vàn gian khổ, nàng… thay đổi vận mệnh.”

Giọng Ekaterina rất nhẹ, gần như không thể nghe thấy. Cô ta dừng bước trước cánh cửa, đẩy nắm đấm cửa bằng vàng.

Cửa gỗ mở ra, Antonia ngừng thở.

Giá gỗ cao mấy chục mét, đâu đâu cũng là sách được xếp ngăn nắp gọn gàng. Mùi gỗ và mùi sách phả vào mặt.

“Đây là thư phòng Monik phía tây cung điện mùa đông. Theo lý chỉ có ta và Pyotr mới được vào.” Ekaterina giơ cao giá nến, “Nhưng gã không thích đọc sách, huống chi nơi này ngược hướng tẩm điện của gã, vậy nên gã chưa bao giờ tới. Bình thường ở đây không có ai, vậy nên ta thường giấu bí mật ở đây.”

Dưới ánh nến, cuốn sách bọc da trâu sáng bóng. Nó vốn nên rực rỡ như ánh mặt trời, nhưng nay lại có phần nhợt nhạt.

“Gả cho Pyotr mười mấy năm, từng giây từng phút ta khao khát bỏ trốn, nhưng ta không đi được. Vậy nên ta đọc rất nhiều sách.”

“Ví dụ như nơi này.” Cô ta giơ nến chiếu sáng một cuốn sách, “Ta dành mấy tháng đọc xong mười cuốn lịch sử nước Đức, hai mươi cuốn lịch sử Nga và Châu Âu, sau đó đọc thêm bốn cuốn sách triết học. Ta khá thích tác phẩm của Voltaire [1]. Đọc xong “Các bức thư triết học về người Anh” [2], ta tìm các tác phẩm khác của ông ta, ví như cuốn tiểu thuyết “Chàng ngây thơ” [3].

Antonia xấu hổ nhéo váy.

Kiếp trước cô gần như không chạm vào sách. Đối với nàng công chúa nông cạn lại có vô hạn lựa chọn như cô, những cuốn sách dài dòng quá đỗi vô vị. Sao chúng có thể sánh với vũ hội, mặt nạ, váy vóc, châu báu tinh xảo, tám chuyện với bạn thân?

Cô từng gặp Voltaire. Sau khi Louis XV qua đời, ông từng trở lại Paris. Hành trình trở về của ông còn gây tiếng vang lớn hơn quân chủ một nước. Nhưng sau khi tiếp kiến Voltaire, những người xung quanh cô không đàm luận tư tưởng của ông, mà bàn tán sinh hoạt cá nhân. Không biết mỗi khi thức giấc, người phụ nữ nằm trong lòng ông có mái tóc đen hay đỏ?

Cô biết Voltaire là nhà tư tưởng vĩ đại, một danh nhân nổi tiếng, nhưng những thứ đó liên quan gì tới cô?

Antonia nhìn bộ sách, nhớ lại tháng ngày cuối cùng bị giam trong ngục.

Thời điểm đó, cô mới nhận ra mình thực sự thích đọc sách.

Bàn tay nọ nắm vai cô, “Ái chà, tuy mang người tới đây, nhưng bây giờ đã muộn. Người còn nhỏ, nên về ngủ sớm. Bắt đầu từ ngày mai người có thể tới đây đọc sách, người sẵn lòng không?”

Có lẽ nên thử… Dù thế nào cũng tuyệt không tệ hơn kiếp trước.

Antonia tự giễu.

Cô chần chừ, kiễng chân muốn nhìn cuốn sách trên giá.

Đáng tiếc chiều cao có hạn, Antonia hơi bực mình. Rõ ràng sau này cô rất cao, nhưng hiện tại bản thân còn không cao bằng tầng thứ nhất trên giá.

Ekaterina phì cười, mùi hương trên váy cô ta phả vào mũi cô.

Ekaterina lướt qua đỉnh đầu Antonia, rút cuốn sách tầng thứ ba, đưa cho cô.

“Đọc cuốn ‘Gulliver du ký’ [4] thử xem. Ta quên mất người còn nhỏ, truyện cổ tích vẫn thú vị hơn.”

Ekaterina nắm tay công chúa nhỏ băng qua hành lang dài rộng, ánh nến lay động bóng hai người, khắc lên đá cẩm thạch trắng như tuyết.

Hoàng Hậu phái người nhắn với sứ đoàn Áo, đêm nay nữ đại công tước ngủ ở tẩm điện cô ta.

Antonia nằm trên chiếc giường mềm mại, nhìn Hoàng Hậu dịu dàng giém chăn cho cô, nhỏ giọng hỏi: “Bệ hạ… người sợ không?”

Cô biết sau này Ekaterina trở thành Nữ Hoàng, nhưng hiện tại bản thân Hoàng Hậu không biết.

Một khi đứa bé trong bụng bại lộ sẽ tạo thành nguy hiểm trí mạng. Cô ta còn phải đối mặt với nhục nhã và tổn thương Hoàng Đế gây ra, tiền đồ trước mắt xa xăm mờ mịt.

Ekaterina thoáng chút ngạc nhiên, giây sau mỉm cười.

“Công chúa nhỏ thân ái, đã đội vương miện trên đầu, sợ hay không không quan trọng. Quan trọng là lựa chọn của người.”

Cô ta ngồi bên giường Antonia, dịu dàng vuốt phẳng mái tóc màu vàng kim của cô, như vậy khi ngủ sẽ không bị ngứa cổ.

“Đừng sợ, người sẽ không giống ta.” Ekaterina mỉm cười, cũng hiểu tại sao Antonia lại hỏi vậy, “Người sẽ có được hạnh phúc khi còn sống.”

Hạnh phúc?

Antonia thầm cười nhạo.

Rất nhiều năm sau, khi đã trở thành Vương Hậu Pháp, cô mới biết Nữ Hoàng Áo từng nhận được báo cáo nói rằng Thái Tử Pháp là kẻ ngu dốt.

Đại sứ Áo tại Pháp cẩn thận bẩm báo, một khi gả cho Thái Tử, công chúa nhỏ sẽ không được hạnh phúc.

Nữ Hoàng nhẹ nhàng xùy một tiếng, “Tại sao công chúa cần hạnh phúc? Nó thành Vương Hậu là đủ rồi.”

Quả nhiên cô trở thành Vương Hậu.

Cũng mãi mãi mất đi hạnh phúc.

Trong lúc suy nghĩ, ánh nến đầu giường chợt tắt.

Ekaterina cúi đầu, hôn nhẹ lên trán cô, “Ngủ ngon, thiên sứ nhỏ của ta.”

...

Sau buổi tiệc tối, cung điện mùa đông không thay đổi gì nhiều.

Dù sao tin tức Hoàng Đế và Hoàng Hậu có tình nhân không phải chuyện gì mới. Thậm chí việc Hoàng Đế sùng bái Đại Đế Friedrich nước Phổ còn lan truyền khắp đất nước, ngay cả quân chủ các quốc gia khác cũng biết.

Dạo gần đây quý tộc trong cung điện mùa đông đều biết Hoàng Hậu bị “tổn thương dây chằng”, không tiện đi lại, bởi vậy không hề rời khỏi tẩm điện.

Dây chằng thật sự bị thương?

Mọi người đồn đoán đủ thứ, nhưng đối với một nữ quý tộc bị phối ngẫu nhục nhã công khai, ai cũng đồng cảm.

Có lẽ chính bản thân Hoàng Hậu không muốn ra ngoài. Mọi người hoàn toàn có thể hiểu tâm lý của cô ta.

Antonia vẫn thường xuyên bái kiến Ekaterina.

Bụng Ekaterina đã không thể che giấu, bởi vậy đóng cửa không ra. Tuy Hoàng Hậu không nói gì với Antonia, nhưng cô cảm giác bọn họ đã bắt đầu hành động.

Antonia bình tĩnh quan sát động tĩnh xung quanh, phát hiện người của Hoàng Hậu thường xuyên kích động, ngược lại Ekaterina càng lúc càng trầm tĩnh. Chỉ khi nắm tay Antonia, cô mới cảm nhận được sự khẩn trương của cô ta.

Dù biết trước dòng chảy lịch sử, bản thân Antonia vẫn hồi hộp.

Ngày dự sinh tới gần tương đương thời khắc sống còn ngay trước mắt. Tiếng trẻ con khóc, thị nữ bưng đồ ra vào, thậm chí chỉ cần một hạ nhân lơ đãng tiết lộ cũng để lại hậu quả khôn lường.

Antonia lợi dụng thân phận trẻ con, giả vờ ham chơi dạo quanh, thực chất nghe lén mọi người trong cung nói chuyện phiếm. Nhờ bài học thảm khốc kiếp trước, cô hiểu lời đồn đại trong cung sẽ trở thành lốc xoáy mở đầu trận chiến.

“Bệ hạ đừng lo, người sẽ thuận lợi vượt qua hết thảy.” Antonia nắm tay Hoàng Hậu, “Thượng Đế phù hộ người.”

Ekaterina mỉm cười, giơ tay muốn xoa mặt công chúa nhỏ, đột nhiên tái mặt, cúi đầu rên rỉ.

“Bệ hạ!” Thị nữ vội vàng lại gần.

Ekaterina hít sâu, đẩy Antonia ra, “Antonia, về ngay.”

Antonia hiểu chuyện gì sắp xảy ra, lo lắng nhìn bờ môi tái nhợt của Ekaterina, “Bệ hạ.”

“Về ngay.” Ekaterina ra lệnh, nhỏ giọng nói: “Ta có cách.”

Antonia chỉ do dự một giây, xách váy đi ra ngoài.

Xuyên qua hành lang dài, ngoài mặt cô vô cùng bình tĩnh, thực chất lại lo lắng có âm thanh nào khác lọt ra. Đột nhiên Antonia nhìn thấy đội hộ vệ của Hoàng Đế giương nanh múa vuốt đi về phía tẩm điện của Hoàng Hậu.

Đúng lúc này, ngoài cửa sổ bừng sáng.

Antonia dừng bước.

Ánh lửa hừng hực chiếu sáng cung điện mùa đông đằng xa.

______

Lời tác giả:

Tư liệu về yến hội của Pyotr và các quý tộc tham khảo trong cuốn “Ekaterina II” do nhà xuất bản Vũ Hán: Trường Giang biên soạn, 2012.

Có chỉnh sửa và thêm thắt tình tiết.

______

Một số bình luận của cư dân mạng Trung:

– Mọi người đều sẽ có tương lai tươi sáng!

– Chà, thực ra tình cảm nhà mười sáu (chỉ Louis XVI) khá tốt. Quốc Vương là vị quân chủ duy nhất trong lịch sử nước Pháp không có tình nhân. Vì Vương Hậu, ông sẵn sàng bỏ quy tắc cho các quý tộc xem quá trình Vương Hậu sinh nở. Hai vợ chồng không tính ăn chơi xa hoa lãng phí, chẳng qua sinh ở thời đại đó, trở thành Quốc Vương và Vương Hậu nước Pháp. Đều là vận mệnh cả.

______

[1] Voltaire: Voltaire là bút hiệu của François Marie Arouet, là một nhà văn người Pháp thuộc thời đại Khai Sáng (Enlightenment), nhà triết học danh tiếng vì trí thông minh, nhà viết luận văn thường đứng ra bảo vệ các quyền tự do dân sự, gồm cả sự tự do tôn giáo.

Voltaire cũng là nhà tranh luận châm biếm, một nhân vật nói thẳng để ủng hộ các cải cách xã hội, ông thường dùng các sáng tác của mình để chỉ trích các giáo điều của Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo và các định chế bất công, mặc dù các luật lệ kiểm duyệt khắc nghiệt và các hình phạt nặng nề dành cho những người dám chống đối chế độ đương quyền của nước Pháp.

Voltaire còn là một trong các nhà văn khai sáng, cùng với John Locke và Thomas Hobbes, đã có các tư tưởng và tác phẩm ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nhà chính trị hoạt động trong hai cuộc Cách Mạng Pháp và Hoa Kỳ.



[2] Voltaire cũng thu lượm các tài liệu để viết nên tác phẩm “Các Bức Thư Triết Học về Người Anh” (Lettres philosophiques sur les Anglais). Voltaire đã nhận thấy sự tự do và sự dung thứ (tolerance) trên quê hương này, ông đã ca ngợi nền văn hóa Anh và so sánh nước Anh với nước Pháp. Đối với tự do ngôn luận, Voltaire đã từng nói rằng: “tôi có thể không đồng ý với lời nói của một nhân vật nào đó nhưng tôi quyết bảo vệ cho tới chết cái quyền mà một cá nhân được nói ra”. Nhà văn học sử danh tiếng người Pháp là ông Gustave Lanson đã nói rằng tác phẩm “Các Bức Thư ” kể trên là một trái bom ném vào “chế độ cũ” (ancien régime) của nước Pháp.

[3] Sau năm 1743, Voltaire được hưởng các ân sủng của Triều Đình Pháp, phần lớn nhờ Hồng Y Richelieu và Bà Pompadour, đây là phụ nữ rất hâm mộ nhà soạn kịch Voltaire. Tới khi tác phẩm mới “Tập Thơ Fontenay” (Poème de Fontenay, 1745) của Voltaire thành công và được nhiều người ca ngợi, Voltaire được lãnh một món tiền trợ cấp khá lớn và được chọn làm nhà nghiên cứu lịch sử của hoàng gia (a royal historiographer), chức vụ này trước kia đã do Racine và Corneille đảm nhiệm.

Cũng vào thời gian này, Voltaire quay sang viết loại truyện triết học (philosophical tales) trong đó tác phẩm “Candide” được coi là danh tiếng nhất. Voltaire cũng soạn các vở kịch mới, cạnh tranh với nhà soạn kịch Crébillon, sự việc này đã gây ra mối bất hòa, rồi cuối cùng vào năm 1746, Voltaire được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp Quốc (the French Academy).

[4] Voltaire đã tới Potsdam vào năm 1750, nhận được tiền trợ cấp rộng rãi, nhờ vậy ông hoàn thành hai tác phẩm lịch sử, viết ra với tham vọng lớn lao, đó là cuốn “Thế Kỷ của Vua Louis 14” (Siècle de Louis 14). Ông cũng viết ra một truyện triết học mới, cuốn Micromégas, đây là tác phẩm chịu ảnh hưởng của cuốn “Các Cuộc Du Lịch của Gulliver” (Gulliver’s Travels) của Jonathan Swift, và Voltaire tiếp tục soạn cuốn lịch sử thế giới (Universal history).

Gulliver du ký là một tiểu thuyết của Jonathan Swift, một tác phẩm trào phúng nhằm phê phán bản tính của con người.