Thanh Vân Đài

Chương 140



Quả là trùng hợp!

Mọi người không khỏi thầm than.

Bọn họ đang ở tạm tại Quy Ninh Trang, mà Doãn Nhị thiếu gia của Quy Ninh Trang lại chính là Sấu Thạch họ muốn tìm.

Tạ Dung Dữ hỏi Chương Lộc Chi: "Ngươi có điều tra được gì về người thầy đã dạy vẽ cho Doãn Trì không?"

"Đã điều tra rồi ạ. Mấy năm nay ở Lăng Xuyên cũng chỉ có vài ba Cử nhân. Người kia họ Thẩm, sau khi rời Doãn gia, ông ấy chủ yếu làm vài việc vặt vãnh kiếm sống qua ngày, bây giờ cả nhà họ đã chuyển đến phủ Khánh Minh. Tề Châu doãn và ông ta là người quen cũ, chính Tề Châu doãn kể cho thuộc hạ những chuyện này." Chương Lộc Chi đáp.

Kỳ Minh nghĩ bụng, đoạn bảo: "Bẩm Ngu hầu, không phải Thuận An Các nói, năm năm trước có một tiểu thư đồng đã bán tranh giúp Sấu Thạch sao? Nếu Doãn Tứ cô nương thường đi gửi tranh giúp Nhị thiếu gia, vậy có khi nào tiểu thư đồng đó chính là Doãn Tứ cô nương cải trang không?"

Tạ Dung Dữ lập tức nhìn sang Huyền Ưng vệ, Huyền Ưng vệ hiểu ý, chắp tay rời khỏi thư phòng, một lúc sau đã mời Doãn Uyển ở hậu trang đến.

Tuy có ma ma đi theo nhưng Doãn Uyển vẫn rất sợ. Nàng ta vặn xoắn khăn đứng ngoài thư phòng, hành lễ xong cũng chẳng dám nhấc ngước lên nhìn, càng đừng nói là vào thư phòng.

Vệ Quyết cũng không làm khó nàng ta, hắn bước ra cửa, hỏi: "Vì sao tối qua cô cũng có mặt tại hội thi họa ở Thuận An Các?"

"Bẩm, bẩm quan gia, Nhị ca thích hội họa, không dám cho phụ thân biết, mỗi lần có tranh muốn ký gửi ở Thuận An Các, đều nhờ dân nữ chạy chân giúp, tối qua là lần đầu Nhị ca đến hội thi họa, vì thế... dân nữ cũng đi theo." Doãn Uyển thấp giọng đáp.

Vệ Quyết chỉ mới hỏi mào đầu, thấy nàng ta thành thực trả lời bèn đi thẳng vào vấn đề chính, "Nghe nói Doãn Trì thích vẽ như thế là do thầy giáo Cử nhân dạy dỗ, cô có nhớ người thầy ấy tên gì không?"

Doãn Uyển lắc đầu, "Dân nữ không nhớ tên, chỉ nhớ ông ấy họ Thẩm, Nhị ca gọi ông ấy là thầy Thẩm."

Nàng ta đáp xong mà Vệ Quyết vẫn không lên tiếng, ý muốn chờ nàng nói tiếp đây mà. Doãn Uyển cố vắt hết óc nhớ lại: "Nhị ca rất thích thầy Thẩm. Kỹ thuật vẽ, dùng mực hay đi bút của huynh ấy đều học từ thầy Thẩm, về sau thầy Thẩm rời đi, huynh ấy buồn bã một thời gian, ngày lễ tết còn viết thư gửi thầy đính kèm tranh tự vẽ, tiếc là... không gửi đi được."

"Vì sao không gửi đi được?"

Doãn Uyển im lặng một lúc: "Nghe bảo thầy Thẩm đã rời Lăng Xuyên, không biết đã đi đâu."

Nàng mím môi, "Từ đó trở đi, Nhị ca khổ luyện tập vẽ, tới khi tiến bộ mới gửi tranh của mình đến Thuận An Các bán. Không phải do thiếu tiền thiếu bạc, chỉ là huynh ấy hi vọng có một ngày, tranh của mình sẽ được lan truyền, được thầy Thẩm nhìn thấy."

Vệ Quyết nói: "Vậy theo như cô nói, hiện giờ Doãn Trì đã thành thạo kỹ năng hội họa, hắn ta muốn tranh của mình được Thẩm Cử nhân thấy, vậy thì chắc chắn không phải mới bắt đầu gửi tranh từ năm nay mà từ nhiều năm trước, hắn đã nhờ cô đem tranh đến Thuận An Các?"

Doãn Uyển nghe hỏi, chần chừ hồi lâu mới gật đầu: "Vâng ạ. Nhưng mấy năm trước Nhị ca vẽ rất ít, phụ thân bất mãn chuyện huynh ấy mê vẽ. Vì... vì huynh ấy sợ phụ thân, nên phải tới năm ngoái khi thi đậu Tú tài, Nhị ca mới vẽ nhiều hơn."

Điều này cũng giải thích vì sao năm năm trước, tranh của Sấu Thạch lại ít ỏi đến vậy.

Vệ Quyết nói: "Vậy cô nhớ kỹ lại xem, năm năm trước, tức vào năm Chiêu Hóa thứ mười ba, Nhị ca của cô có từng nhờ cô đem tranh đến Thuận An Các không?"

Năm năm trước?

Có vẻ như mốc thời gian này đã khiến Doãn Uyển trở nên đề phòng, nàng ta vặn chặt khăn tay. Thân hình bé nhỏ gầy gò đó tựa như chú chim hoảng sợ, nghe câu hỏi ấy, nàng ta bất chợt ngẩng phắt đầu lên nhìn Vệ Quyết.

"Sao, khó nói à?"

Đối diện với ánh mắt sáng quắc của Vệ Quyết, Doãn Uyển lập tức cúi đầu, nàng ta hốt hoảng run rẩy bờ vai, thấp giọng lẩm bẩm: "Có, có đưa vài bức, Nhị ca bảo dân nữ cải trang thành tiểu thư đồng, không ai biết chuyện này cả..." Nàng ta cắn môi, lấy hết dũng khí để hỏi, "Quan gia, Nhị ca chỉ thích mỗi vẽ vời, quan gia tra hỏi như thế, có phải Nhị ca... đã gây ra chuyện gì không?"

Vệ Quyết không đáp, ngoái đầu hỏi ý Tạ Dung Dữ, thấy Tạ Dung Dữ gật đầu thì mới nói: "Cô về đi, nhớ không được tiết lộ chuyện hôm nay với bất kỳ ai."

Đợi Doãn Uyển rời đi, Kỳ Minh chắp tay nói với Tạ Dung Dữ: "Ngu hầu, nay xem ra, Sấu Thạch gửi tranh ở Thuận An Các năm đó chính là Doãn Trì."

Tạ Dung Dữ nhìn Vệ Quyết, "Ngươi thấy thế nào?"

Vệ Quyết nói: "Tuy khá trùng hợp, nhưng đam mê hội họa như vậy không phải là thú tiêu khiển của người nhà bình thường, huống hồ Sấu Thạch bắt chước phong cách của Đông Trai tiên sinh, mà tranh của Đông Trai khó bắt chước, cũng chỉ có nhà giàu như Doãn gia mới có cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm của Đông Trai. Lúc mới vào Huyền Ưng Ti, thuộc hạ từng nghe lão chỉ huy sứ nói một câu, khi đã loại bỏ tất cả các khả năng thì điều cuối cùng dù khó tin đến đâu cũng là sự thật. Từ manh mối chúng ta đang có trong tay, rất có thể Sấu Thạch mà ngày trước Sầm Tuyết Minh tìm đến chính là vị Nhị thiếu gia họ Doãn này."

Chương Lộc Chi nói ngay: "Bẩm Ngu hầu, nếu Sầm Tuyết Minh đã tìm Doãn Trì trước lúc mất tích, chi bằng chúng ta hãy lập tức tróc nã Doãn Trì, thẩm vấn tung tích của Sầm Tuyết Minh."

"Không được." Kỳ Minh nói, "Chương Hiệu úy chớ nôn nóng, Doãn Trì không phạm tội gì cả, chỉ là tranh vẽ được Sầm Tuyết Minh mua đi, chúng ta lấy lý do gì bắt cậu ta?"

Tạ Dung Dữ lên tiếng: "Đức Vinh, hôm trước ta bảo ngươi đi lấy tranh vẽ của Lữ Đông Trai ở nhà, giờ tranh ở đâu rồi?"

Nhà mà Tạ Dung Dữ nói không phải là Thiên gia kinh thành, mà là danh môn Tạ thị ở Trung Châu.

Dù rằng tranh của Đông Trai tiên sinh vô cùng hiếm, nhưng đại tộc như Tạ thị muốn có một bức bản gốc cũng không khó.

Đức Vinh đáp: "Bẩm công tử, người trong tộc bảo tranh vẽ đã trên đường đưa đến Lăng Xuyên rồi ạ."

Tạ Dung Dữ: "Bao giờ nhận được tranh thì đưa nó đến chỗ Vong Trần, bảo y dựa theo đó mô phỏng lại một bức, không cần giống thần thái cũng được, sau đó đem tranh đến phố Lưu Chương gửi bán, nhớ không được đem tới Thuận An Các, tìm đại một cửa hàng, nói đó là bản gốc của Đông Trai tiên sinh, người đưa tranh," Tạ Dung Dữ dừng một lúc, "Tên Sấu Thạch."

***

Ba ngày sau.

"Nhanh nhanh nhanh, mau chuyển vào trong đi."

"Một, hai, ba, lên!"

Hoàng hôn vừa buông, trước dinh thự xuất hiện vài gã đàn ông cao to vạm v, lần lượt khiêng bảy bức chạm khắc cao bằng một người dài bằng một người từ trên xe xuống.

Dinh thự là nơi nghỉ ngơi của mệnh quan triều đình, đâu phải chốn tụ tập ồn ào? Quản gia nghe thấy động tĩnh, vội vã đi ra cửa, đang định mắng mỏ thì chợt thấy Khúc Mậu đứng trong ngõ, ông ta bèn dừng lại, đi lên nói: "Khúc Hiệu úy, ngài đây là..."

Hôm qua Khúc Mậu vừa chuyển đến đây.

Hắn không ở nổi doanh trại nữa rồi, ban đầu dự định chuyển sang Quy Ninh Trang ở chung với Tạ Dung Dữ, nhưng Tạ Dung Dữ quá bận, chưa chắc đã có thời gian chơi với hắn, trùng hợp hôm trước ở nha phủ viết công văn, nghe Tống trưởng lại nhắc đến dinh thự dành cho mệnh quan triều đình. Tống trưởng lại nói, khâm sai từ kinh thành đến thường ghé dinh thự ở, dinh thự ở chỗ này có đến mấy viện, một viện Trương Viễn Tụ ở, một viện khác bị Chương Đình chiếm, số còn lại đều đang bỏ trống. Khúc Mậu mới nghĩ, dù hắn chỉ là một Hiệu úy Thất phẩm, nhưng không phải cũng từ trong kinh đến ư? Cũng miễn cưỡng xem như là khâm sai, mà nếu đã là khâm sai, chuyển đến dinh thự ở cũng không có gì quá đáng. Khúc Mậu nói ra suy nghĩ với Tống trưởng lại, có thể Tống trưởng lại nể mặt cha hắn nên nhanh chóng đồng ý.

Vưu Thiệu đi cạnh Khúc Mậu đáp: "Tháng sau là đại thọ của Hầu gia nhà ta, Hiệu úy mua ít tác phẩm điêu khắc, định một thời gian nữa sẽ chở lên kinh chúc thọ Hầu gia, làm phiền quản sự rồi, mong quản sự lượng thứ."

Hắn lôi cả Khúc Bất Duy ra rồi thì quản sự đâu dám hó hé gì, chỉ có thể lùi sang một bên để bọn họ khiêng đồ vào.

Có gã hầu đứng trong con ngõ đằng xa, nghe Vưu Thiệu nói xong liền quay về đầu ngõ, chắp tay vái với cỗ xe ngựa đang đậu, "Thiếu gia, là Khúc Ngũ gia mua đồ điêu khắc về dành chúc thọ Khúc hầu."

Người ngồi trên xe không ai khác mà chính là Chương Đình, hắn vừa tan giờ trực, thấy ngoài ngõ bị chặn bèn sai người hầu đi xem tình hình.

Biết là chuyện tốt Khúc Đình Lam làm, Chương Đình cũng chẳng ngạc nhiên. Hắn và Khúc Đình Lam lớn lên cùng nhau, kẻ kia chỉ giỏi gây rắc rối, không làm nổi chuyện chính. Nghe bảo thời gian trước hắn ta còn chi một khoản tiền lớn mua một bộ tranh, nhưng mới bước ra khỏi cửa thì tranh đã bị trộm mất. Bây giờ Tề đại nhân và Tống trưởng lại ở châu nha đang bận tìm tranh cho hắn, vậy mà hắn đã quẳng chuyện đó lên chín tầng mây, chưa gì đã mua đồ điêu khắc.

Lăng Xuyên vốn nhiều núi, là nơi quy ẩn ưa thích của văn nhân dật sĩ tiền triều, ngoài họa sĩ danh họa ra thì Lăng Xuyên còn nổi tiếng về điêu khắc gỗ. Ban đầu điêu khắc gỗ chỉ xem như đồ dùng trưng bày trong nhà, vì hình dáng khác nhau nên dần dà biến thành thứ thưởng ngoạn, có khắc hình người, có khắc hình động vật, thậm chí là khắc cả cảnh thịnh thế lầu các, sông núi ngút ngàn vào chu vi chỉ chừng một trượng. Dạo gần đây Khúc Mậu tìm kiếm khắp phố phường, góp đủ một bộ "Thất tiên chúc thọ", bảy bức điêu khắc tiên nhân cao một người rộng một người rất sống động, ở chính giữa là lão thọ tinh nâng bàn đào với gương mặt hiền từ.

Chương Đình cười khẩy, phất tay áo bước xuống xe ngựa, nhìn thẳng vào dinh thự, chẳng buồn liếc Khúc Mậu một lần.

Quản sự thấy thế, thầm nhủ không xong rồi, lập tức theo Chương Đình đi vào viện, vừa sai người pha trà vừa giải thích: "Hạ quan thấy Khúc Hiệu úy có tấm lòng hiếu thảo, không tiện ngăn cản, định đợi ngài ấy chuyển đồ xong sẽ cho người báo cáo, ai ngờ lại chặn đường của Chương đại nhân, mong Chương đại nhân bỏ qua cho."

Chương Đình chẳng buồn để bụng, chỉ "ừ" một tiếng. Chỉ chốc nữa là màn đêm sẽ buông hẳn, thế nhưng bữa tối vẫn chưa được chuẩn bị xong, Chương Đình bước vào thư phòng, ngồi xuống trước bàn, trải phẳng tờ giấy Tuyên trắng. Quản sự dâng trà, cũng theo vào thư phòng, đặt trà ở đầu bàn, thấy Chương Đình viết xuống giấy trắng hàng chữ "Đạo an quốc thủ sĩ" thì không khỏi chặc lưỡi, "Đây không phải là đề thi của kỳ thi đình năm Chiêu Hóa thứ mười sao? Chương đại nhân cần cù thật đấy."

Nói thêm, vị quản sự đây không phải là người hầu, ngày trước đậu kỳ thi Cử nhân, làm công việc của nha môn lục sự, hôm nay tới dinh thự cũng là do ca trực luân phiên.

Chương Đình thấy ông ta nhận ra đề thi thì càng thêm kính nể, nói: "Bổn quan là người không có thiên phú, học hành vất vả chưa chắc đã có thể tiến xa, có được hôm nay là nhờ ân đức của Quan gia, không xứng với chức cao, cho nên không dám buông thả dù là thời gian rảnh, huống hồ gia phong vốn như vậy, cũng không thể nói là cần cù."

Quả thực Chương Đình không nói dối về gia phong.

Tuy Chương Hạc Thư xuất thân từ danh môn Chương thị, nhưng ngặt nỗi lại là thứ xuất, không đến lượt ông ta hưởng đặc quyền con ông cháu cha, năm xưa ông ta trải qua rất nhiều chông gai trắc trở trên con đường thi cử làm quan, nghe bảo phải thi Hương đến những bảy tám lần, cho nên về sau dù đã làm quan, Chương Hạc Thư cũng không hề lười biếng, vẫn thường đọc sách trên đường tới lui nha môn, lúc rảnh cũng hay viết sách luận, chọn đại một trang trong Tứ Thư cũng có thể nhắm mắt đọc. Mà Chương Đình là con trai của Chương Hạc Thư, dĩ nhiên sẽ kế thừa tác phong của cha, càng thêm khắc khổ cần cù.

Chương Đình nói mình không có thiên phú, thực chất không phải thế, chẳng qua phải xem là so với ai mới được.

Trong đồng lứa bọn họ, có thể do ảnh hưởng bởi sự kiện nước sông Thương Lãng tẩy sạch cổ tà năm xưa nên ai ai cũng xuất chúng, Tạ Dung Dữ Trương Viễn Tụ thì miễn bàn, ngay cả Hà Hồng Vân đã đền tội cũng nhạy bén hơn Chương Đình, vì thế Chương Đình càng phải thức khuya dậy sớm, hắn mong rằng tương lai mình cũng có thể giống như cha, hoặc là giống Tiểu Chiêu vương hay Vong Trần, muốn một ngày có thể thi đậu Tiến sĩ bằng chính thực lực của bản thân, nhưng có câu "mới 30 đã đỗ Minh kinh, đã 50 mới đậu Tiến sĩ", hỏi mấy ai giành được vinh quang khi còn trẻ đây?

Trong thư phòng thoang thoảng mùi mực, dưới ánh nến leo lắt, sự tập trung khiến Chương Đình trông càng lạnh lùng, quản sự không tiện quấy rầy, nhẹ nhàng lui ra.