Thợ Sửa Giày

Chương 33: Nuôi béo thêm chút nữa



Hồi trẻ Nhiếp Chấn Hoành cũng từng có mấy cô bạn gái.

Tuy anh học hành không ra gì, nhưng nhờ phước bố mẹ nên mặt mũi còn ra dáng ra hình. Hồi anh đi học cũng không chuộng mốt mỹ nam như hoa gì gì đó. Một cậu trai trẻ cao lớn vạm vỡ lại hay chơi bóng vẫn rất được lòng các bạn nữ trong trường.

Thời trẻ ai mà chẳng từng xao xuyến lòng Xuân. Trước kia Nhiếp Chấn Hoành từng có mấy mối tình, nhưng sau khi cảm giác mới mẻ qua rồi, anh chỉ cảm thấy phiền nhiễu.

Vì có một bà chị ruột, nên từ nhỏ Nhiếp Chấn Hoành đã có địa vị thấp hơn trong gia đình. Bị chị mình vần vò tra tấn, nên anh có hiểu biết sâu sắc về giống sinh vật tên là con gái từ hồi còn tấm bé.

Khi đó Nhiếp Chấn Hoành không nhàn nhã và độ lượng như bây giờ, anh vẫn là một cậu nhóc choai choai. Anh chịu không phản kháng nổi bà chị mình, chứ nếu yêu sách của bạn gái mà vượt quá giới hạn trong lòng anh, thì Nhiếp Chấn Hoành sẽ không kiên nhẫn hầu hạ nữa.

Có thì giờ sức lực để dỗ dành bọn con gái, chẳng thà làm hai ván bóng rổ còn khỏe hơn!

Sau này không theo đường sách vở nữa, anh với mấy đứa bạn hùn nhau lập nghiệp. Dạo ấy anh chẳng bói đâu ra sức mà yêu với đương, chỉ đổ hết tâm tư vào sự nghiệp. Cực khổ bao nhiêu năm ròng, vất vả lắm nhà máy mới lên quy mô lớn, bắt đầu có lời lãi, thì một sự cố lại bất ngờ xảy ra. Xưởng mất, anh em cũng chẳng còn.

Mà chính anh, cũng trở thành một kẻ tàn phế.

Sau vụ ấy, Nhiếp Chấn Hoành cô đơn đến tận giờ.

Anh cảm thấy một thằng què chẳng có chí hướng gì như mình, yêu ai là làm lỡ dở đời người ta. Chi bằng cứ tạm bợ ở vậy một mình, vui vẻ tự tại.

Nhiếp Chấn Hoành không có quá nhiều nhu cầu về mặt tình dục, thi thoảng hứng đến thì giải quyết bằng tay là được. Hôm nay có thể coi là lần đầu anh có phản ứng giữa ban ngày ban mặt ở chốn đông người. Nếu không phải lúc ấy người bên cạnh là một cu cậu đần thối lơ ngơ, thì e là anh đã xấu hổ chẳng có lỗ nào chui.

Cái nồi trên bếp sôi ùng ục, mùi khét do nấu quá tay chui vào lỗ mũi, kéo dòng suy tưởng đang bay xa của Nhiếp Chấn Hoành về.

Anh vội vàng vặn bếp xuống mức nhỏ nhất, rồi lại đổ thêm nửa bát nước vào nồi, may không làm hỏng cả nồi thuốc.

Tập trung đun thêm một lát, thuốc cô lại thành chất keo lỏng dưới đáy nồi. Nhiếp Chấn Hoành cạo lớp cao ra bằng thìa thép, lê chân về sofa ngồi xuống.

Một cái bát thủy tinh to bằng nắm tay đang được bày trên bàn nước trước mặt anh, bột phấn được trộn sẵn đã đầy non nửa bát. Nhiếp Chấn Hoành cho chất keo lỏng trong thìa thép vào bát quậy đều với bột, vậy là xong một bát thuốc mỡ đen tuyền.

Anh nhấc chân trái lên đặt cạnh bàn nước, bôi thuốc lên mắt cá chân đầy điệu nghệ, đắp một lớp thật dày. Rồi anh băng nó lại năm sáu vòng bằng gạc, cuối cùng cũng hoàn thành lời dặn của bác sĩ.

Nhiếp Chấn Hoành lại đứng dậy vào bếp dọn dẹp nồi niêu bát đũa. Bấy giờ anh mới ngẩng lên nhìn đồng hồ treo tường, ngạc nhiên phát hiện đã 7 giờ tối rồi.

Anh vẫn để Lâm Tri dưới lầu!

Vì sáng nay đi thăm bệnh, nên anh không mở cửa hàng, chiều họ về lại có mấy khách ghé thăm.

Nhiếp Chấn Hoành nhận đơn, sửa giày trong tiệm đến hơn 4h, làm xong hết việc rồi gọi Lâm Tri xuống trông quán, mình thì lên lầu bôi thuốc.

Vì có một loại thuốc phải đun, nên Nhiếp Chấn Hoành tiện thể đánh một giấc ở nhà. Thức dậy chờ thuốc đun xong, anh lại ngơ ngẩn một lát, đến giờ này từ lúc nào chẳng hay.

Bụng anh đã bắt đầu réo rồi, không biết cậu nhóc dưới lầu có đói không.

Nghĩ vậy, Nhiếp Chấn Hoành lê đôi xăng đan, lấy chìa khóa rồi đi ra ngoài.

Vào Hè, trời tối muộn hơn. Lúc xuống lầu Nhiếp Chấn Hoành còn có thể thấy mảng ráng chiều cuối cùng ở tít chân trời, nhuộm một lớp tím xám dìu dịu lên phố xá.

“Sao chỉ bật một đèn thế này?”

Anh bước vào tiệm giày, phát hiện trong tiệm đã nhuốm bóng đêm trước cả ngoài kia.

Chỉ có một nguồn sáng nhỏ ở giữa phòng, hắt lên người đang nghiêm túc vẽ vời trước bóng điện, phác họa những đường nét yên bình và tuấn tú của góc nghiêng gương mặt cậu thanh niên.

Ánh sáng tù mù ấy tỏa ra từ chiếc đèn bàn trên kệ để dụng cụ. Đối diện bảng vẽ, ngoài góc nhỏ đó ra, thì xung quanh đều đã tối sầm.

Tách.

Nhiếp Chấn Hoành bật công tắc đèn ở cạnh tường.

Bấy giờ toàn bộ căn phòng mới sáng bừng, bao bọc một vầng hào quang ấm áp quanh hai người bên trong.

“Đói chưa?

“Xin lỗi em, anh xuống hơi muộn.” Từ khi Lâm Tri đến tiệm giúp việc, tối nào hai người cũng ăn cơm vào khoảng 6 giờ. Hôm nay ăn giờ này đã là muộn lắm rồi. Nhiếp Chấn Hoành sợ cắt ngang mạch suy nghĩ của cậu họa sĩ, chỉ dịu giọng đề nghị, “Hay là mai vẽ tiếp nhé? Đừng để hỏng mắt.”

Dưới ánh đèn, đôi cánh bướm chớp chớp, người ngồi bên bảng vẽ đáp “Dạ”, rồi mới chậm chạp buông bút xuống.

“Ngày mai, ngày kia, ngày kìa.”

Lâm Tri nhìn bảng vẽ, thốt ra mấy từ.

Phải mất một thoáng thì Nhiếp Chấn Hoành mới đoán ra có lẽ cậu em hàng xóm đang nói bao giờ vẽ xong bức họa dang dở.

“Không vội. Em vẽ ba hôm chưa xong, thì năm hôm là xong ấy mà.”

Anh giúp Lâm Tri mang ống đựng bút dính đầy màu vẽ ra sân sau rửa sạch, trả lời Lâm Tri như đang dỗ trẻ con, “Cứ vẽ từ từ, tỉ mẩn thì mới thành tác phẩm tinh tế được chứ.”

“Dạ!”

Nhiếp Chấn Hoành rửa xong ống đựng bút thì phơi những chiếc cọ sạch cạnh bồn.

Anh xoay người lại, đang chuẩn bị lau tay thì bỗng choáng váng trước đôi má lúm đồng tiền đằng sau.

“Khụ. Đi thôi, tối nay anh khao em một bữa tiệc to nhé.”

Bụng Nhiếp Chấn Hoành đang kêu rền rĩ, anh chắc mẩm Lâm Tri đã phải chịu đói một lúc lâu, giọng điệu mang theo vẻ hối lỗi. Nhưng Lâm Tri lại chẳng nhận ra gì cả, chỉ đi theo người đàn ông ra ngoài, giọng đượm vẻ hoài nghi.

“Nhưng ngày nào cũng thế mà?”

Lâm Tri không hiểu tại sao anh Hoành lại phải nói riêng một câu như vậy.

Chẳng phải ngày nào anh Hoành cũng bao mình ăn à?

Cậu hồi tưởng lại chỗ cơm hộp mình từng ăn, và cả những bữa cơm sau hai tuần dọn xuống dưới này, liếm liếm môi, cảm thấy bữa nào cũng là tiệc to.

—— đương nhiên, trong nhận thức của bạn Lâm Tiểu Tri thì tiệc to luôn đồng nghĩa với đồ ăn ngon.

“Hóa ra ngày nào cũng là tiệc to ạ?”

Chẳng hiểu sao, Nhiếp Chấn Hoành lại bị lời này của cậu nhóc lấy lòng. Anh cười xoa đầu Lâm Tri, “Vậy thì bữa nay to hơn bữa trước nhé.”

Phố ẩm thực kế bên có một quán bán đồ ăn Diêm Bang, cay nồng thơm nức, chủ quán là dân gốc Diêm Đô. Hồi Tết liên hoan với gia đình Nhiếp Chấn Hoành từng qua đấy một lần, anh cảm thấy quán nấu rất được, lượng ăn cũng đầy đặn.

(Ẩm thực Tự Cống Diêm Bang, là một nhánh của món cay Tứ Xuyên, có văn hóa lưu truyền và tích lũy hơn trăm năm, có nét đặc trưng riêng của vùng Tự Cống. Những món ăn vùng này có liên quan đến khẩu vị và tập tính sinh hoạt của những người buôn muối, nguyên liệu nấu ăn chủ yếu là thỏ, bò, ếch, cá, v.v.

Diêm Đô là một quận thuộc địa cấp thị Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, TQ)

Tuy rằng hai người ăn vậy hơi sang, nhưng thi thoảng cải thiện bữa ăn vẫn là điều thiết yếu.

Nhiếp Chấn Hoành ôm bả vai thon gầy của người bên cạnh, đi về con phố phía trước, nghĩ thầm ——

Nếu đã giúp việc cho tiệm anh, thì thân là ông chủ, anh cũng không thể bạc đãi người ta được.

Phải nuôi chú nhóc béo thêm chút đỉnh.

Kẻo không lúc ôm lại cộm xương đau hết cả người.