Thổi Mộng Về Tây Châu

Chương 2



04.

Trong trận tuyết dày, ta nằm trên lưng thư sinh.

Vết roi trên lưng bị gió lạnh thổi qua, như dao cứa vào thịt.

Ta cắn chặt môi theo bản năng, không để phát ra một tiếng nào.

Lúc mới vào Xuân Phong Lâu, ta đã khóc.

Nghĩ, nghĩ về người mẹ không kham nổi gánh nặng cuộc đời đã bỏ rơi ta chạy trốn cùng người khác.

Hận, hận người cha ngày đêm thương nhớ sòng bạc, không tiếc bán đi đứa con của mình để bài bạc.

Oán, oán tú bà tâm địa sắt đá, không màng ta đau khổ cầu xin, ép nàng làm kỹ nữ.

Sợ, sợ cuộc sống của chính mình sau này cũng giống các cô nương trong lâu, đến khi hoa tàn ít bướm, một mảnh chiếu manh, ném tới bãi tha ma ở ngoại ô.

Về sau Tang ma ma chê ta khóc lóc đen đủi, nhốt ta vào phòng chứa củi, không cho ăn uống suốt ba ngày.

Chỉ để lại cho ta một con thỏ nhảy nhót tung tăng.

Bà ta nói: “Muốn tìm cái chết thì cứ tự nhiên, nếu còn muốn sống thì tàn nhẫn lên, Xuân Phong Lâu ta không nuôi cái loại bỏ đi chỉ biết khóc sướt mướt.”

Xích sắt nặng nề khoá chặt cửa phòng, phòng chứa củi tối tăm chỉ còn lại ta và con thỏ trắng tên Diệu Diệu.

Đó là thỏ do cô nương Diêu Hoàng trong lâu nuôi.

Nàng ấy muốn chuộc thân khỏi nơi này, Tang ma ma rất không vui.

Diệu Diệu được nuôi rất quen hơi người, ngoan ngoãn tới ngửi tay ta.

Cái miệng tam giác hích hích, chóp mũi ướt át.

Ta sờ bộ lông bóng loáng của nó, ôm đầu gối rúc trong góc tường, yên lặng rơi nước mắt.

Mặt trời ngả về tây, thỏ ngọc nhô lên từ phương đông.

Không cơm không nước suốt hai ngày, ta khuất phục.

Cảm giác đói khát cũng không dễ chịu.

Trong bụng cứ như có một ngọn lửa đang cháy, nuốt trọn hết lục phủ ngũ tạng của ta.

Ta liều mạng đập vào cánh cửa gỗ của phòng chứa củi, hét lên ta sai rồi.

Quy nô ngoài cửa hi hi ha ha, xúc xắc kêu vang tiếng lộc cộc.

Bọn họ nghe thấy, nhưng bọn họ không quan tâm.

Bóng đêm lại buông xuống, ta cuộn tròn trên mặt đất, tỉnh lại từ cơn hôn mê lần nữa.

Quy nô trông coi đã bị tú bà gọi ra trước lâu làm việc.

Ban đêm là thời điểm làm ăn tốt nhất của Xuân Phong Lâu.

Đàn ca sáo nhị và tiếng trêu đùa loáng thoáng truyền vào hậu viện.

Ta tưởng tượng ra các món ngon trong lâu, bụng lại kêu òng ọc như sấm rền.

Một sợi ánh trăng len qua khe hở cánh cửa gỗ chiếu vào.

Chiếu lên cơ thể tròn vo của Diệu Diệu.

Nó đưa lưng về phía ta ngồi xổm bên góc tường, đang ăn cỏ dại mọc ra từ vết nứt trên vách tường.

Bấy giờ, ta đột nhiên nhanh trí, hiểu ra dụng ý của Tang ma ma.

Ta nuốt nước miếng, nhẹ nhàng gọi:

“Diệu Diệu, tới đây, mau tới chỗ tỷ tỷ.”

Chạng vạng ngày thứ ba, xiềng xích leng keng rơi xuống đất.

Cửa gỗ kẽo kẹt đẩy ra.

Tang ma ma nhìn chằm chằm vào bộ lông đẫm máu cạnh chân ta, hài lòng cười cười.

“Cuối cùng cô nương cũng tiến bộ rồi.”

Ta ngẩng đầu đi ra khỏi cửa gỗ.

Diêu Hoàng khóc lóc nhào về phía ta, bàn tay tát mạnh vào mặt ta.

Ta giơ tay cản lại.

Trải nghiệm ở phòng chứa củi đã dạy ta hiểu một bài học…

Xuân Phong Lâu, không ai để ý đến nước mắt cả.

Nếu muốn sống tốt thì phải liều mạng bò lên trên.

Ai bảo Diêu Hoàng không biết cố gắng, không làm được hoa khôi?

Nếu chủ của Diệu Diệu là Nguỵ Tử, e rằng Tang ma ma sẽ hận không thể nâng niu nó.

Từ đó về sau, ta như thông suốt, chỉ trong mấy năm ngắn ngủi đã vượt qua đầu bảng trước kia là Nguỵ Tử, trở thành hoa khôi tân nhiệm của Xuân Phong Lâu.

Cả thành Kim Lăng kều truyền rằng, Tương Tư cô nương của Xuân Phong Lâu quyến rũ vô cùng, người mang ngàn khuôn mặt.

Nhưng bọn họ nói không đúng.

Bởi vì trong ngàn khuôn mặt đó, không có khuôn mặt khóc.

Xuân Phong Lâu, không tin nước mắt.

Thành Kim Lăng cũng vậy.

Cho nên ta đã học được.

Càng khổ sở thì càng phải cười xán lạn.

Vì thế, ta thổi khí bên tai thư sinh, nhướn mày, giọng điệu quyến rũ:

“Ơn cứu mạng không gì báo đáp, hay là… Ta lấy thân báo đáp?”

Thư sinh loạng choạng, lỗ tai đỏ lên.

Chàng lắp bắp: “Cô… Cô nương chớ nói đùa, tại hạ đã có hôn thê rồi.”

“Nàng ta có đẹp bằng ta không?”

Thư sinh nghiêm túc nói: “Trong lòng ta, nàng là nữ tử đẹp nhất trên đời.”

Ta bĩu môi.

Ta không tin trên đời này có nữ nhân nào hơn được Tương Tư ta.

05.

Ta ở Xuân Phong Lâu gặp qua vô số nam nhân muộn hình vạn trạng, nhưng chưa từng gặp người nào kỳ lạ như Hạ Tây Châu.

Rõ ràng là một người đọc sách, tinh thông thi hoạ.

Vậy mà chưa bao giờ ngồi ở bàn sách quá lâu.

Giờ Mẹo, luyện chữ nửa canh giờ, đọc sách nửa canh giờ, việc học một ngày kết thúc ở đấy.

Nước hầm đang sôi trên bếp lò lửa nhỏ, chàng bận rộn làm việc, cán vỏ băm nhân.

Ăn vội ăn vàng mấy miếng rồi đẩy chiếc xe nhỏ ra cửa bán hoành thánh.

Hoành thánh canh gà mỏng vỏ dày nhân, quán người khác bán năm văn, chàng chỉ bán ba văn.

Ta cười chàng không biết buôn bán.

Chàng cũng không cãi lại.

Rải một chút hành lá, bưng hoành thánh nóng hầm hầm cho khách quen ở ngõ nhỏ.

Thỉnh thoảng lau tay lên tấm rèm.

Cảm thấy mỹ mãn mà nhìn bọn họ ăn ngấu nghiến.

Sương trắng lượn lờ trên nồi canh, giọng chàng phảng phất.

“Kiếm ăn không dễ dàng, bán đắt quá bọn họ sẽ không nỡ ăn.”

Ta ngẩn người.

Ở Xuân Phong Lâu, những cái ta học đều là làm thế nào để dẫm lên đầu người khác mà leo lên.

Có thể vào Xuân Phong Lâu, đều là người có chút nhan sắc.

Nhưng hoa khôi chỉ có một.

Kỹ nữ thân phận đê hèn, sống chết đều nằm trong tay người khác.

Nếu muốn sống sót, sống có thể diện một chút, thì phải đứng ở chỗ cao.

Tang ma ma khen ta có sự tàn nhẫn dám làm chuyện được ăn cả ngã về không.

Thà rằng ta phụ người trong thiên hạ, chứ không để người trong thiên hạ phụ ta.

Ta cầm chén ngọc, cười lạnh trong lòng.

Trong lâu, cứ cách mấy ngày là lại có vài cô nương được nâng ra ngoài từ cửa sau.

Nếu ta không tranh, không chừng một ngày nào đó, người được nâng ra ngoài sẽ là ta.

Cái thứ như lòng cảm thông từ trước đến nay bị ta xem là gánh nặng.

Nhưng có lẽ cuộc sống ở con hẻm nhỏ Tế Liễu này quá yên bình, không có cảm giác nguy hiểm ăn bữa nay lo bữa mai như ở trong lâu.

Ta nhìn thực khách mặc áo bông cũ kỹ, bưng chén húp ừng ực sạch cả nước lẫn cái.

Sau đó vỗ bụng, cảm thấy mỹ mãn rồi đứng dậy đi làm trong cơn gió lạnh.

Thế mà, ma xui quỷ khiến thế nào lại cảm thấy Hạ Tây Châu nói cũng có lý.

Vì thế ngày hôm sau, ta dậy từ rất sớm, quấn tóc gọn gàng, đi vào phòng bếp trong ánh mắt ngạc nhiên của chàng.

Điều khiến người ta tức giận chính là, giá rẻ như vậy vẫn có người ăn quỵt.

Khi lão Trịnh bán nhang đèn đầu ngõ ngượng ngùng xin khất nợ đến lần thứ ba.

Lông mày ta nhướn lên, ném giẻ lau trong tay xuống định bộc phát.

Hạ Tây Châu đã mặt không đổi sắc giữ chặt ta.

Chàng bưng một chén hoành thánh đầy ụ, còn rắc thêm chút hành lá vào.

Là hành lá do ta thái!

Lúc dọn quán, ta vẫn tức giận ngồi ở sau sạp.

Không muốn nói một câu nào.

Hạ Tây Châu bất đắc dĩ cười cười.

Lấy ra một xiên hồ lô đường từ trên xe đẩy ra cứ như ảo thuật.

Đường phèn bóng loáng, quả màu đỏ tươi.

Ta hừ nhẹ một tiếng.

Đừng có mơ mà dùng ít kẹo rẻ tiền này mua chuộc ta.

Lòng nghĩ như vậy, tay lại thành thật mà giằng lấy.

Căm giận mà cắn một quả.

Mùi vị chua ngọt tràn ra từ đầu lưỡi.

Hạ Tây Châu dọn sạp đâu vào đấy:

“Ngày ta vừa đến hẻm Tế Liễu, chỉ mới sáu bảy tuổi thôi, vì nhớ nhà nên ngày nào cũng ra đầu hẻm gào khóc.”

“Lúc gào khóc dữ dội nhất ngạt cả thở, là Trịnh đại thúc bỏ sạp hàng, bế ta chạy đến y quán, nhặt về một cái mạng.”

“Mấy năm nay buôn bán nhang đèn không được tốt, ông ấy cũng không có cách nào.”

Động tác nhấm nuốt của ta chậm lại.

Chờ đến khi lão Trịnh ngượng ngùng đến ăn thiếu lần thứ tư.

Ta xụ mặt múc cho ông ấy một chén hoành thánh đầy ắp.

Lão Trịnh nuốt nước miếng, mặt đẩy vẻ nịnh nọt:

“Cô gái, có thể rắc thêm ít hành nữa được không?”

Ta trừng mắt liếc ông ấy một cái, thở phì phò rắc thêm một đống hành nữa.

Hạ Tây Châu ho nhẹ một tiếng, nắm chặt tay đặt ở bên miệng.

Khoé mắt đuôi mày đều là ý cười.

06.

Cuộc sống ở con hẻm Tế Liễu bình yên trôi qua.

Ánh nắng lang thang trong con hẻm nhỏ hẹp, thời gian cứ như dòng duối lẳng lặng chảy.

Buổi chiều không bán hoành thánh, Hạ Tây Châu cũng không vào phòng sách.

Không phải cày xới vườn rau, tu sửa rào chắn thì cũng là rải hạt kê cho gà ăn.

Chàng ngồi ở trong sân, cúi đầu cầm dao đẽo khúc gỗ.

Con chó vàng trong sân yên lặng nằm bên chân chàng.

Ta ngồi dưới hành lang phơi nắng.

Trương đại phu ở Hồi Xuân Đường nói ta bị khí hư, như vậy có thể giúp hồi phục vết thương.

Ánh mặt trời mùa đông chiếu lên mặt ta.

Vừa ấm áp vừa xa lạ.

Ta xoè năm ngón tay, làn da quanh năm không thấy ánh nắng trắng như ngọc.

Các cô nương của Xuân Phong Lâu bình thường không bao giờ thấy mặt trời.

Thứ nhất là để dưỡng một làn da trắng như tuyết.

Thứ hai là do đêm tối mới là thời gian hoan lạc.

Ta nhắm mắt lại, lẳng lặng cảm thụ ánh nắng ấm áp đã lâu không thấy.

Bên tai truyền đến âm thanh đẽo gỗ theo quy luật.

Hạ Tây Châu lại đang khắc gỗ.

Tiếng đẽo gọt dừng lại, ta tò mò vươn cổ ra.

Nhìn thấy một con vật trông mặt chẳng biết là loài gì.

Chó không ra chó, heo không ra heo.

Ta ghét bỏ hừ một tiếng.

Nhìn tư thế chăm chú của chàng, còn tưởng là Lỗ Ban sống ấy chứ.

Hạ Tây Châu thổi vụn gỗ còn thừa, nhìn món đồ chẳng ra hình thù gì trong tay, không khỏi bật cười.

Ta giật lấy dao khắc trong tay chàng.

Cầm lấy một miếng gỗ thô bên chân chàng, thuần thục mài gọt.

Người cha không biết cố gắng kia của ta, trước kia ở quê nhà cũng là một thợ mộc có chút danh tiếng.

Ta từ nhỏ đã mưa dầm thấm đất, cũng từng chơi gỗ thử mấy năm.

Nếu không phải ông ta nhiễm thói cờ bạc chết tiệt kia, nhà chúng ta vốn đã có một cuộc sống tốt đẹp.

Nghĩ đến đây, ta chợt mất hứng thú.

Quăng dao khắc trong tay đi, ném con chó gỗ khắc hình A Hoàng vào lòng Hạ Tây Châu đang ngồi ngẩn ra nhìn.

Chàng vừa mừng vừa sợ, liên tục khen:

“Tương Tư cô nương, không thể ngờ rằng cô lại có tay nghề tốt như vậy.”

“A Hoàng, ngươi nhìn này, đây là Tương Tư tỷ tỷ cho ngươi.”

Ta tỏ vẻ ghét bỏ.

Ai là tỷ tỷ của con chó lông vàng đó chứ!

A Hoàng lè lưỡi hồng hộc, dùng cái đuôi xù lông cọ vào chân ta.

Ấm áp dễ chịu.

Ta khẽ hừ một tiếng.

Cũng không dịch chân đi chỗ khác