Thôn Tôi Có "Quỷ"

Chương 8: Quá khứ tội lỗi



Tôi để ý thấy ánh mắt của ông ấy khi nói ra câu đó, ánh mắt ấy chứa một sự tiếc thương, nỗi xót xa và tội lỗi.

“Những người có đôi mắt đỏ đều là người của thôn Xích Nhãn.”

“Thôn Xích Nhãn? Thôn... mắt đỏ?” Khánh ngạc nhiên. “Con chưa nghe bao giờ.”

Đúng vậy. Tôi sống ở thôn Lĩnh Tinh, thuộc vùng Sao Vân nhưng tôi chưa bao giờ nghe đến thôn Xích Nhãn. Nhìn gương mặt khó hiểu của bọn tôi, ông Bách cười hiền nói:

“Ừ, người dân thôn Xích Nhãn ai cũng đều có một đôi mắt đỏ.” Ông Bách nhấp một ngụm trà, tiếp tục: “Là do mấy đứa không biết đấy thôi. Nơi này, thôn Lĩnh Tinh của chúng ta khi xưa chính là thôn Xích Nhãn.”

Tôi và Khánh tròn mắt ngạc nhiên. Thôn Lĩnh Tinh khi xưa có tên là Xích Nhãn sao?

Tôi lắp bắp hỏi: “Thế, thế vì sao lại…”

“Mấy đứa chắc đều đã nghe người lớn kể rằng tổ tiên của chúng ta khi xưa bị quân triều đình đuổi đánh đi, họ dắt díu nhau bỏ trốn sau đó chọn ngọn núi đầu tiên mà họ thấy, cũng là nơi này để làm nơi cư trú nhỉ?”

Tôi và Khánh gật đầu xác nhận.

Lúc còn nhỏ, lũ con nít bọn tôi thường hay xúm xít lại mấy bàn nhậu để nghe người lớn kể chuyện lắm. Chuyện họ kể lúc nào cũng hay, rất cuốn hút.

Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện họ kể về thôn Lĩnh Tinh.

Họ kể ngày xưa, tổ tiên của chúng tôi làm gì đó phạm lỗi với đấng bề trên nên bị đuổi đánh đi. Họ kể lúc đó tổ tiên chúng tôi đã phải bỏ mạng rất nhiều. Mọi chuyện mới dừng lại khi mà tổ tiên đến khu rừng đối diện thôn tôi hiện tại.

Họ kể là có một điều rất lạ là toán lính đuổi giết tổ tiên chúng tôi đều bị bỏ mạng trong rừng một cách kì lạ mà không ai rõ. Cứ thế, tổ tiên tôi cứ đi, đi đến khi ra khỏi rừng và bắt gặp ngọn núi này, chọn nó là nơi cư trú cho đến ngày nay.

Cũng giống như câu chuyện về ‘Nó’, mỗi người kể đều một khác nhưng tất cả vẫn có một điểm chung là chọn ngọn núi đầu tiên họ thấy để làm nơi cư trú.

“Đúng, đúng là như vậy.” Ông Bách gật gù. Lại uống thêm một ngụm trà nữa, ông ấy nói tiếp: “Nhưng vốn dĩ đây là nơi cư trú của người dân thôn Xích Nhãn nên khi họ đến thì nơi đây đã có người.”

“Đã có người á?” Tôi vô thức thốt lên.

“Ừ, đã có người.” Ông Bách gật đầu xác nhận. Nhìn lên bầu trời xanh ngắt, ông ấy nói: “Tổ tiên ta không biết phải trái mà lại tìm cách để chiếm ngọn núi này. Người dân thôn Xích Nhãn thời ấy ít, dân số ta lại nhiều nên họ ùa vào rồi gây xung đột với thôn người ta. Cuối cùng người thôn Xích Nhãn bại trận, khi ấy mùi máu tanh lợm giọng, quạ đen bay rợp trời!”

Bọn tôi tái mặt vì kinh hãi, ông Bách thấy vậy thì bật cười tiếp tục: “Họ nhảy múa trong niềm vui sướng chiến thắng mà đâu biết rằng có một đôi vợ chồng đã trốn thoát. Đôi vợ chồng đó đứng từ xa nhìn tổ tiên ta vui vẻ nhảy múa thì vô cùng căm phẫn. Hai người họ đã thề, thề rằng sẽ để rửa hận cho người dân thôn mình nên đã trà trộn vào thôn ta sinh sống và nung nấu ý định trả thù, và bây giờ… có lẽ điều đó đang trở thành sự thật.”

Mấy đứa tôi lặng đi khi câu chuyện thật sự về quá khứ được kể ra. Thật kinh khủng! Nếu như theo lời ông Bách nói thì tổ tiên của chúng tôi quá tàn bạo và máu lạnh.

Tùng lên tiếng phá tan sự im lặng: “Thời gian đã trôi qua lâu như vậy thì làm sao mà ông có kể rõ vậy ạ?”

Ông Bách rót thêm một cốc trà mới, cười nói: “Ta còn biết ngày mà người thôn ta chiếm thôn Xích Nhãn chính là ngày tuyết đầu mùa.”

Tôi nghệch mặt ra khi câu trả lời không có chút gì là liên quan đến câu hỏi của Tùng, lúc định nhắc thì ông Bách bình thản: “Vì ta là hậu duệ của người đứng đầu lãnh đạo trận chiến đó, nói ra có vẻ vô lí nhưng những người được chọn trong gia tộc ta khi lên mười thì trong đầu, trong mỗi giấc mơ đều xuất hiện cảnh tượng kinh hoàng mà tổ tiên ta đã làm...” Ông ấy phóng mắt nhìn ra xa xăm rồi tiếp tục: “Ta đoán... ‘Nó’ cũng như ta, cũng được truyền cho đoạn kí ức kinh khủng khi xưa.”

Hoá ra là vậy. Tôi ngẫm nghĩ một lúc, sau đó lắc đầu nói: “Nhưng trong thôn chúng ta không có ai có đôi mắt đỏ cả?”

“Đó cũng là điều mà ta canh cánh trong lòng bấy lâu nay.” Ông Bách trả lời ngay sau khi tôi nói xong. “Kể từ vụ việc năm năm trước, ta đã luôn để ý từng người một ttrong thôn nhưng chẳng thu được kết quả gì.”

Khi lời ông Bách vừa dứt thì tôi, Khánh, Tùng có liếc mắt nhìn nhau. Tôi gật đầu với hai người họ rồi nghiêm nghị nhìn ông Bách nói: “Con có chuyện này muốn nói với ông, không biết ông có muốn nghe không?”

“Nếu việc đó quan trọng thì cứ việc kể, ta sẽ nghe.” Ông Bách cười hiền.

Tôi hít hơi thật sâu, sau đó tự dưng hắt hơi mấy cái làm mọi người đơ ra, rồi Khánh và Tùng bật cười. Tôi đỏ mặt đánh hai người kia mỗi người một cái, rồi mới nhìn ông Bách. Ông ấy cũng đang cười, và khi này tôi mới cảm nhận được bầu không khí căng thẳng khi nãy đã dần biến mất.

“E hèm!” Tôi hắng giọng, giờ mới bắt đầu kể: “Mấy ngày trước, cái hôm con ngất đi ở nhà của Liên, ông nhớ không?”

Ông Bách nghĩ nghĩ rồi gật đầu. Tôi tiếp tục: “Có lẽ con đã mơ. Con thấy mình nằm trên một bãi cỏ xanh rì, sau đó cháu thấy Liên.” Nói đến Liên thì trong lòng tôi lại dâng lên một nỗi xót xa. “Con bé có hình dáng lúc trước khi chết, con trong mơ không biết nên đề nghị đưa con bé về nhưng nó không chịu rồi nói rằng bản thân mình đã chết. Nói xong Liên thay đổi, hình dáng đáng sợ lúc chết của con bé khiến con đã rất sợ.”

“Con bé khóc, nó nói rằng bản thân rất đau và rồi nó xuất hiện sát mặt con làm con giật mình ngã ngửa ra sau, thế là Liên trèo lên bụng con, ruột... máu của con bé rơi rớt đầy trên bụng, nhơ nhớp và buồn nôn vô cùng.” Tôi run lên khi nhớ về lúc đó, ông Bách đã để lộ ra biểu cảm có phần sợ hãi khi nghe câu chuyện của tôi. “Liên bảo con đừng sợ, rồi nó lại khóc, khóc ra máu, vừa khóc vừa nói rằng 'nó' là người của thôn chúng ta!”

Ông Bách ngạc nhiên, ông hỏi: “Ý con là Liên đã khẳng định điều đó?”

Tôi gật đầu. Định nói điều đang muốn nói thì ông Bách nghiêm mặt. Ông nhìn một lượt bọn tôi, như đoán được việc tôi định nói là gì nên nói: “Ta sẽ không cho mấy đứa đi tìm hiểu đâu nhé.”

Nghe câu nói đó thì tôi chột dạ, sao ông ấy biết tôi định xin như vậy? Nhưng khi tôi định phản bác là mình không có định nói như vậy thì Khánh đã nhanh nhảu: “Đâu có đâu ạ?”

Nói xong Khánh hất mặt nhìn tôi và Tùng rồi nháy mắt ra hiệu. Tôi và Tùng đã đoán ra ý của Khánh nên khẽ gật đầu.

Ông Bách xoa xoa cái đầu muối tiêu của mình rồi thở dài: “Đừng nghĩ ta ngốc, dù sao ta cũng là trưởng thôn.” Ông dừng lại một chút, nhìn vẻ mặt tránh né của bọn thì ông ấy thở hắt ra: “Được rồi! Muốn làm gì thì làm, nhưng phải đảm bảo an toàn và có việc gì cũng phải báo với ta ngay được chứ?”

“Dạ, bọn con biết rồi!” Tôi hào hứng reo lên, sau đó đứng dậy. Nhìn Khánh và Tùng cũng đang đứng lên thì tôi nói: “Vậy bọn con xin phép về nhà nha.”

Ông Bách gật đầu, thế là chúng tôi kéo nhau rời đi. Lúc trước khi ra khỏi cổng, tôi nhìn ông Bách đang lúi húi dọn bộ ấm trà vào nhà thì nói: “Ông ơi, ông nhớ ăn cơm trưa đó nha.”

“Ừ, biết rồi.”

Đi xa khỏi nhà ông Bách, khi đi xuống cầu thang để xuống tầng hai thì Khánh nói: “Câu chuyện đó không biết tin được bao nhiêu phần…”

“Tụi mày nghĩ ai là hậu duệ thôn Xích Nhãn?” Tùng đột nhiên hỏi.

Tôi và Khánh hơi khựng lại, sau đó cực lực suy nghĩ. Ai nhỉ? Là ai được nhỉ? Cuối cùng không nghĩ được là ai nên cả hai đều lắc đầu không biết.

Bọn tôi lại tiếp tục đi, đến khi đã gần về tới nhà đột nhiên Khánh cười mỉa nói: “Có khi nào là ông Bách không nhỉ?”

“Nói xàm gì thế?” Tôi bĩu môi nhìn Khánh.

Khánh cười xong xua xua tay nói: “Đùa thôi.”

Khi này Tùng lên tiếng: “Cho tao xin lỗi, nhưng cô Bích là ai vậy?”

“Cô Bích là giáo viên chủ nhiệm của bọn tao.” Khánh trả lời.

Lúc Khánh trả lời xong thì gương mặt Tùng hiện lên vẻ ngạc nhiên, cậu ta hỏi: “Vậy sao hai người không đến trường?”

Tôi nhìn Tùng, cười mỉm sau đó mở cửa nhà, bước vào trong mới nói: “Là được nghỉ do điều kiện thời tiết.”

Hai người bước vào nhà, lúc mới vô thì Khánh hỏi: “À quên, bụng mày sao rồi?”

Tôi lúc đầu không hiểu ý, sau đó mới chợt nhớ ra về giấc mơ và cả túi chườm mà Khánh đưa cho thì tôi luồn tay vào trong áo, lấy cái túi chườm ra rồi trả lại cho cậu ấy. Lúc Khánh nhận lấy thì tôi nói:

“Tao hết đau rồi.”

Tôi mãi nói chuyện nên không để ý bà và chú Hữu đang ngồi ở bàn nhìn. Tôi đóng cửa lại thì bà nói: “Cái cô kia, sáng giờ đi đâu mà không thấy ở nhà?”

Tôi giật mình, rồi lúng túng nghĩ lí do để bịa tiếp. Tôi không biết phải nói như nào. Vì lấy lí do chạy bộ buổi sáng thì chỉ có thể lừa được ông Bách còn bà thì không. Vì bà là bà của tôi, bà chăm tôi từ lúc tôi mới lọt lòng nên rất hiểu tôi. Đang lo suy nghĩ thì Tùng nói:

“Bà ạ… con muốn đi tham quan nên… nên năn nỉ An đưa con đi thôi ạ…” Tùng nhìn tôi, nói tiếp: “Do con ham chơi nên mới… con xin lỗi ạ.”

Chú Hữu nghi hoặc nhìn chúng tôi rồi nói: “Đi tham quan gì mà từ sáng sớm?”

Tôi tự hỏi sao chú ấy lại hỏi như vậy khi chú ấy là người dắt bọn tôi đi gặp ông Bách? Chú ấy muốn làm khó bọn tôi á? Hay chỉ là muốn trêu thôi?

“Ờ thì con muốn xem nếp sinh hoạt... của người ở đây vào buổi sớm?” Tùng lại bịa.

Chú Hữu cười nhẹ và bà tôi thì thở dài. Xong bà gọi ba đứa chúng tôi lại bàn ngồi ăn cơm trưa. Bà dọn từng đĩa thức ăn được hâm nóng hồi lên cho bọn tôi, tuy nhìn rất ngon mắt nhưng tôi lại không muốn động đũa.

Khánh thấy tôi như vậy thì nói khẽ: “Mau ăn đi.”

“Mấy đứa bây ăn đi, bà đi vào trong nghỉ ngơi.” Bà tôi nói xong thì bỏ đi vào trong.

Khi cánh cửa đóng lại thì tôi cũng bắt đầu gắp một miếng cơm trắng bỏ vào miệng. Tôi định gắp một miếng thịt nhưng khi đôi đũa của tôi vừa đưa đến đĩa thịt thì chú Hữu lên tiếng:

“Cả ba đứa nói thật cho ta xem.”

Tay tôi khựng lại, nhưng nhanh chóng gắp miếng thịt bỏ vào bát. Nhận thấy không có ai định lên tiếng, tôi định trả lời thì chú Hữu nói tiếp:

“Con nên nhớ bố là cảnh sát hình sự, Tùng!”

Cảnh sát hình sự? Cảnh sát hình sự là cái gì? Có phải là giống với các chú bảo vệ trong trường không? Hay là còn ngầu hơn vậy nữa?

Tùng chậc lưỡi một tiếng, xong khó chịu nói: “Bố biết mà còn hỏi làm gì?”

Nghe cái giọng bực bội của Tùng, chú Hữu nhướn mày, tay gõ gõ vào bàn, miệng cười: “Bố muốn biết chuyện trước khi bố tìm thấy mấy đứa.”

Tôi ăn miếng thịt, đang ăn thì Tùng khều khều tôi rồi hỏi: “Tao nói được không?”

“Được…” Tôi trả lời.

Tự dưng mặt Khánh biến sắc, cậu ấy nói: “Nói chuyện đó vào giờ ăn như này?”

Dường như Tùng không quan tâm đến lời Khánh nói mà bắt đầu nói: “Thì… trước đó bọn con… phát, phát hiện một cái xác chết bị quạ rỉa ở bờ suối, con đoán bố cũng thấy rồi mà.”

Tôi và Khánh bỏ bát cơm xuống, tay che miệng nôn khan khi nhớ về hình ảnh tởm lợm đó. Tôi nhìn chú Hữu thì thấy chú bình tĩnh đến lạ, xong trong đáy mắt lại có chút gì đó đăm chiêu.

“Chỉ vậy thôi?”

“Dạ, chỉ vậy thôi.”

“Hừm… là do ‘Nó’ nhỉ.”

Tôi ngạc nhiên khi thấy chú Hữu biết đến ‘Nó’, quên là chú Hữu đã ở đây hơn một tuần. Chú thấy gương mặt ngạc nhiên của tôi thì phì cười: “Chú đã đây hơn một tuần rồi con gái à.”

À tôi nhớ rồi. Tôi gật đầu cười ngại ngùng, chú Hữu tiếp tục: “Và mấy đứa đang cố tìm hiểu về ‘Nó’?”

Lần này cả ba bọn tôi đều thót lên một cái, Tùng lắp bắp: “Làm... làm gì có? Bố nói gì thế?”

Đột nhiên gương mặt chú Hữu trở nên nghiêm nghị vô cùng, chú ấy nhìn một lượt ba bọn tôi rồi nghiêm túc nói: “Làm gì thì làm nhưng an toàn vẫn phải đặt lên trên hết có hiểu không?” Chú ấy ngã người ra sau ghế, nở một nụ cười nói: “Phi vụ này hãy cho ta tham gia được không?”

Ba đứa tôi nghệch mặt ra khi nghe lời đề nghị đó, rồi đột nhiên Tùng nắm tay tôi lay mạnh: “Được đấy An! Cho bố tao tham gia đi, bố rất ít khi đề nghị một cái gì đó, với lại lần này có thêm người lớn không phải yên tâm hơn sao?”

Bị bất ngờ nên tôi cũng chẳng nói được gì, chỉ biết gật đầu và tất nhiên tôi cũng không để ý đến gương mặt ngạc nhiên của chú Hữu.

“Ê bỏ tay ra đi!” Khánh hất tay Tùng ra rồi kéo tay tôi về, cậu ấy nhăn nhó đầy khó chịu.

Có lẽ thấy bản thân khi nãy đã phản ứng hơi quá nên hai má của Tùng bắt đầu ửng đỏ, cậu ta lắp bắp: “Xin... xin lỗi, tao vì-”

“Không sao đâu.”

Tôi cười hì hì đầy vui vẻ, cuối cùng Tùng cũng cảm thấy thoải mái hơn khi ở chung với bọn tôi rồi. Nhìn Tùng với hai cái má đỏ ửng ngại ngùng thì tôi thấy cậu ta thật dễ thương, và có lẽ cậu ta là người ngại thể hiện cảm xúc với người khác.

Khi này tôi nghe giọng chú Hữu cười thích thú lắm, chú nhìn Tùng đang đỏ mặt thì lại phá lên cười. Gương mặt Tùng đã đỏ, nay nghe bố mình cười như vậy thì lại càng đỏ lựng lên như quả cà chua làm tôi và Khánh cũng vô thức mà bật cười.

Căn nhà nhỏ của bọn tôi vang lên tiếng cười đầy ấm áp, một khoảnh khắc đáng để trân trọng.

“Bốn người kia cười nhỏ chút cho tôi ngủ đi!”

“Xin lỗi…”

Nhưng sau đó bọn tôi lại không kiềm được mà cười khúc khích. Bên trong phòng, bà tôi nhìn tấm ảnh của bố mẹ tôi để trên bàn, trên môi cũng là một nụ cười hạnh phúc.

Hết chương 8.