Tiệm Trà Sữa Của Tôi Toàn Là Dân Nằm Vùng Hệ Liệt

Chương 133: Hồi Mười Tám: Hoa nào cho Anh, Lệ nào cho Em? (c)



Những ngày Tết trôi qua nhanh đến ngỡ ngàng. Hương mai là tác nhân khiến ai nấy cứ nghĩ mình hãy còn đương đón Tết Nguyên Đán. Và nét rạo rực của những xác pháo đỏ son vẫn còn lác đác trên mặt lộ, vỉa hè.

Qua Tết, Tào Việt Bân tăng thêm bốn ký rưỡi. Vẻ ngoài của cậu tròn trịa hẳn ra, đến nỗi thân nhân bên Đại Hàn còn phải kinh ngạc khi nhìn vào bức ảnh chụp cậu.

- Nồi kho tàu vẫn còn hả? - Viên Thùy chợt nở nụ cười hiếm hoi với đồng nghiệp và Đinh Mạnh Hùng. Năm nay gia đình nhà anh nấu ít hơn năm ngoái gần nửa nồi vì cha anh bị bệnh mỡ máu, đây vốn là món khoái khẩu của ông nên lần nào đến giờ cơm ông cũng múc cả tô đầy vung, làm chỉ số đường huyết tăng vọt như phóng hỏa tiễn.

- Phải. Món này càng kho lâu càng ngon mà. - Đinh Mạnh Hùng nói như phân trần. Nhưng ánh mắt anh ta lại chẳng thể hiện một nét lúng túng nào.

- Tay Bình có những thói quen trong sinh hoạt nào "đặc biệt" không?

- Tôi hiểu ý của các anh. Nhìn cách sinh hoạt của anh ta thì chẳng có vẻ gì là từng bị bạo hành tâm lý hay sang chấn tinh thần. Anh ta không thích ăn cá, do thuở nhỏ phải ăn cá đông lạnh bị nước ngoài trả về riết nên đâm ra... ớn. Anh ta khá là hảo kem. Chẳng hiểu sao lại ghiền đến vậy. Sắp nhỏ chưa kịp ăn thì anh ta đã xơi hết rồi. Anh ta cũng không đến nỗi làm biếng, siêng là đằng khác, cứ hễ hết việc này là lại kiếm việc khác làm. Rồi bỗng một hôm anh ta bảo đã kiếm được chỗ làm rất tốt, chủ trả lương những đến ba ngàn một tháng. Tuy lấy làm mừng vì anh ta đã kiếm được công việc với mức lương hậu hĩ, nhưng... anh Sơn... ảnh...

- Khúc mắc gì? - Viên Thụy đột nhiên nôn nóng đến lạ.

Thái độ của Đinh Mạnh Hùng vào lúc này không phải là muốn mặc cả với đám người điều tra viên - pháp y, mà là không muốn đổ tội cho huynh trưởng của mình. Hắn mệt mỏi thở dài, rồi mời cả bọn vào phòng khách uống trà. Nhưng không có một ai hưởng ứng.

"Tin!!!"

Trần Bảo Sơn bóp kèn inh ỏi trong khoảng sân rợp bóng bồ đề. Đám trẻ ùa tới vây quanh chiếc xe Toyota Corolla trắng tuyết để đợi người cha trẻ tuổi phát quà. Chỉ đơn giản là túi kẹo, gói quà vặt, mấy bộ đồ chơi ráp hình, những món đồ chơi lạ mắt và vài con thú nhồi bông mềm mại, nhưng đã đem đến niềm vui sướng khôn tả cho đám trẻ.

- Cha về! Cha về!

- Cha! Cha! Bế con.

- Cha bế con trước nè cha!

Trần Bảo Sơn dỗ dành ba đứa trẻ nhỏ nhất một đỗi, rồi mới bước vào trong nhà tiếp chuyện với bọn họ. Chiếc xe của anh ta giao lại cho cậu Trình sử dụng.

- Vâng, tôi đây. - Biết rằng thấy mình họ mới chịu bước vào phòng khách sau hơn nửa tiếng vùng vắng với Mạnh Hùng, Trần Bảo Sơn vẫn không hề tỏ thái độ khó coi. Anh giục người bạn đương theo khóa tu học ở cư xá của mình xuống bếp pha cho mỗi người một ly nước mía lau mã đề thanh ngọt. Và dặn múc sáu chén sương sáo.

- Có thể cho chúng tôi biết thêm tin tức về Bành Dinh không? - Kha Ngạn lạnh giọng ra lệnh.

- Bắt đầu từ đâu? - Trần Bảo Sơn vừa nói, vừa đưa mắt nhìn từng người.

- Công việc ba ngàn đồng. - Viên Thùy nói vắn tắt.

- À...

Sau tiếng "À" đấy, lại là một khoảng trời trầm lặng như trên đỉnh núi tuyết. Bọn họ kiên nhẫn ngồi chờ, khuôn mặt ai nấy đều hết sức căng thẳng và nghiêm nghị.

- Sương sáo, mía lau mã đề có rồi đây!

Nhấp xong một ngụm nước mát dân dã, Trần Bảo Sơn mới thủng thẳng trình bày:

- Tôi thấy tên công ty rặt một tiếng tàu nên không lấy gì làm tin tưởng. Yếu tố thứ Hai khiến tôi ngăn cản Bành Dinh đi phỏng vấn, là vì vết thương nơi bụng của anh ấy hãy còn chưa yên, đi bốc hàng xuyên cửa khẩu suốt mười hai tiếng một ngày rất dễ xảy ra biến chứng. Hôm đó không có cự cãi, bởi anh ấy lặng lẽ khăn gói rời cư xá vào lúc nửa khuya. Tới sáng ra bọn tôi mới biết. Cũng không ai nói điều chi quá khó nghe. Lúc ấy lại tới vụ thu hoạch nhãn nên mọi người phải gác chuyện này sang một bên để kịp giao hàng cho thương lái. Bọn tôi vào kho lấy nông cụ, thì phát hiện bị mất rất nhiều món, nào liềm, nào búa, nào cưa,... Nhưng... chẳng lẽ lại đi trình báo cảnh sát rằng mình bị mất những thứ ấy? . W𝑒b đọc nhanh 𝑡ại { 𝗧𝚁 U𝑀𝗧𝚁UYỆN﹒vn }

- Đáng ra anh nên trình báo ngay từ đầu. - Mạnh Cường bậm môi.

- Và các anh sẽ cười vào mặt bọn tôi. - Đinh Mạnh Hùng nhếch miệng cười mỉa.

- Có thể ở nơi khác thì đúng, nhưng ở sở làm của bọn tôi thì không. - Kha Ngạn hiểu một số nhân viên cảnh sát luôn trả lời hời hợt mỗi lần nhận được tin báo của người dân, dẫn đến rất nhiều sự việc đáng tiếc và đau lòng.

Tào Việt Bân và Viên Thùy im lặng ăn sương sáo. Cổ họng khô rát của họ được những miếng thạch mềm mại và trơn láng xoa dịu. Phải chi con người nào cũng có "bộ mặt khó ưa" như sương sáo, mà trong bụng lại hiền lành, thơm thảo.

- Anh còn giữ danh thiếp hay bất kỳ giấy tờ nào có nhắc tới tên công ty đã tuyển dụng Bành Dinh không?

- Không. - Trần Bảo Sơn không do dự đáp. Điều này đã khiến bọn họ hết sức bất ngờ. Câu nói tiếp theo càng khiến không gian dậy sóng. - Tôi chỉ nhớ người giúp anh ấy ghi danh tên là Trần Trí An, nhân viên của công ty hóa chất có trụ sở ngoài Đại Nội. Sở dĩ tôi nhớ rất kỹ cái tên cái này là vì anh ta trùng họ với tôi, khiến tôi lấy làm ngạc nhiên mà ấn tượng hoài.

"Vù..."

Gió thổi rung những tán cây bồ đề rậm lá. Tiếng chim lợn kêu réo trong thinh không sáng trăng. Mảnh trăng khuyết ngã nghiêng nơi góc trời đen mịt. Mây lãng đãng rảo bước trên vòm trời xuân sắc.

Nhặt một chiếc lá bồ đề xanh rì trên mặt sàn phòng khách, Trần Bảo Sơn chợt kể cho họ một câu chuyện liên quan tới nguồn cội Phật Giáo:

- Cây bồ đề mà Đấng Thế Tôn từng ngồi tọa thiền trong suốt 2500 năm qua đã bị hủy hoại bởi rất nhiều yếu tố: Con người, Thiên nhiên, Chiến tranh và Chính trị. Nhưng sau mỗi một lần bị phá hoại, những mầm xanh lại vươn lên đầy ngạo nghễ. Tới bây giờ nó đã không còn nữa, nhưng hậu duệ của nó vẫn kế thừa chức nhiệm thiêng liêng ấy, là làm "Cái Gốc" cho đức tin về Phật Giáo. Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên và không hiểu tại sao vị trí hiện tại của cái cây hậu duệ và vị trí của cái cây nguyên thủy lại không cách xa nhau là mấy...

- Ý của anh muốn nói, dầu cho bọn ma tăng có phá hủy chánh pháp Phật Giáo tài tình và tinh vi thế nào, nhưng chúng không bao giờ hủy diệt được Phật Giáo. - Mạnh Cường đã thấu hiểu thâm ý của Trần Bảo Sơn.

- Cũng vậy, một con người lấy oán báo ân, không thể ngăn cản chúng tôi tiếp tục giúp đỡ những người cùng khổ và trẻ em cơ nhỡ. Đấng Thế Tôn đã từng cưu mang tôn giả Vô Não được, thì chúng tôi cũng sẽ...

Những giọt nước mắt chầm chậm lăn xuống trên khuôn mặt trái xoan của Trần Bảo Sơn. Anh và các bạn đồng môn đều biết tâm tính Bành Dinh ra sao, nên cố hết sức dùng tình yêu thương và lòng từ bi ra đối đãi. Nhưng hắn vẫn để mặc bản thân sa vào vũng lầy Ma-Ba-Tuần.

oOo

Đứa bé đánh giày đang ngồi ăn bánh mì thịt trên vệ đường. Hết Tết. Đường phố lại trở về với dáng vẻ hối hả mọi hôm. Xe cộ qua lại đông như mắc cửi. Ăn chơi xả láng trong mấy ngày Tết nên giờ đây ít ai gọi nó lại đánh giày. Cảnh ngộ của nó không khác chi thằng nhóc trong bài "Nó" mà nó đã từng nghe qua giọng hát của ông đầu quắn Chế Linh:

"Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ

Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo

Ngày nó sống kiếp lang thang

Ngẩn ngơ như chim xa đàn

Nghĩ mình tủi thân muôn vàn..."

- Đánh giày!

Một người đàng ông trạc tuổi trung niên mặc áo phông trơn màu trắng, quần jeans ghi xám và mang đôi giày thể thao xanh than bước tới gần nó.

Tuy rằng việc gặp gỡ hai vị khách sộp đã khiến nó bớt ác cảm với những người "mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao", nhưng nỗi lo sợ bị chụp thuốc mê bất thình lình rồi bị đem đi tùng xẻo hoặc lạm dụng tình dục đã khiến nó vẫn giữ thái độ cảnh giác trước người khách đẹp mã này.

- Dạ, chú cảm phiền cho con lại gốc cây đằng đẵng ngồi đánh giày nghen? - Nơi đó đối diện chỗ sửa xe của cha con chú Bảy, không khi nào ngớt khách, có nhiều người để ý thì nó dễ bề thoát thân hơn nếu xảy ra sự không lành.

- Được. - Vừa nói, người đàn ông ấy vừa mở bóp kiểm tiền. Thằng vợ nhà biểu gã đem hết giày ra đánh cho sạch nhà. Trước khi mang tới đây, gã chịu khó ngồi rửa sơ lại từng đôi để người nhận đỡ cực.

Người thanh niên bị mù kia nói rất khẽ vào tai gã, "Nó đánh giày khổ lắm rồi. Mày đừng có bắt chẹt nó nghen hôn?" Và người đàn ông mặt mày bặm trợn ấy nạt lại, "Vợ chồng với nhau mà mày suốt ngày mày tao với tao." "Vậy mày mới vừa nói gì?" "... Tao." "Kêu mày tao với mày tao quen miệng rồi. Kêu cái kia... Mắc ói."

Đứa bé chẳng hiểu mô tê chi sất. Nó nhìn cảnh hoạt nháo trước mắt mà liên tưởng tới trò chơi "Lập gia đình" của mấy đứa trẻ sống trong xóm Nhà Máy. Mấy chú này lớn rồi mà vẫn còn ham chơi ghê.

Mấy đôi giày không đến nỗi dơ lắm, nên nó và cả hai ông chú đều không tốn nhiều thì giờ. Có nhiều người đạp phân chó hay giẫm nhầm các thứ phẩn dơ khác kêu nó đánh giày. Lần nào đánh xong, nó cũng phải mua lại đồ nghề khác vì bẩn quá không thể giữ lại dùng tiếp. Mỗi bận như thế, trước khi nhận làm cho họ, nó đều kêu giá cao gấp đôi bình thường, và thường bị nhận lại những tràng mắng té tát vì nghĩ nó "chặt chém" họ. Đến chùa cúng dường thì rất là siêng, nhưng cái chuyện bố thí chút sự tử tế đối với người cùng khổ thì hầu như nó rất hiếm thấy ở họ. Nó không biết việc bắt chẹt và quỵt tiền nó có thể làm họ mau chóng thành ông Bill Gates ở bên Tây không, chứ những hành động của họ trước mắt đã làm ô danh hai chữ "Phật Tử".

- Ê, ngồi xuống đây hả mày?

- Ừ, ngồi đi.

- Quỷ! Đùi của mày mà! Đưa ghế cho tao ngồi coi.

- Êm không?

- Êm cái cù lôi tao nè!

Cô bán bánh mì cười ngất. Rồi tốt bụng dẫn anh trai bị mù lại ghế ngồi.

- Bánh mì của hai cậu xong rồi.

Mùi hương thơm nóng ấy làm cho y biết ổ bánh mì của mình được cô bán hàng âm thầm tặng thêm một cái trứng hột gà ốp-la nóng hôi hổi. Mắt của y chỉ bị mù tạm thời, tương lai sẽ sáng lại như xưa. Nhờ mù mà y mới biết lòng người nào sáng, lòng người nào đục.

- Trong ổ bánh mì của tao có kẹp trứng...

- Ăn không được hả? Để tao ăn... Ui da...

- Ai mượn mày thày lay vậy?

"Ầm!"

Một chiếc xe bán tải mất lái lao thẳng vào gốc cây nơi thằng bé đương ngồi đánh giày. Những tán cây rơi xuống người nó, kịp thời tạo thành vòng chắn cho hai cái bánh xe không càn lên nó.

"Rắc... rắc..."

Cú tông quá mạnh khiến cái cây bị gãy làm đôi. Cả thân hình bé nhỏ ấy đều vùi dưới bóng tối mờ mịt cái bụi. Nó lập tức ngất lịm đi. Người dân trong tiệm sửa xe và đương đứng gần đấy thi nhau cứu nó và ông tài xế lái xe bán tải. Cả gã đàn ông bặm trợn cũng có trong nhóm người đó, nhờ học ngành Y mà anh ta biết cách sơ cứu cho hai người để duy trì mạng sống cho tới lúc xe cứu thương chở đi.

oOo

- "Cực hút"? Nó có nghĩa là gì vậy?

- Khó giải thích lắm.

- "Cực kỳ cuốn hút" phải không? - Jacqueline ngao ngán hỏi.

- Dạ...

- Em có biết là sau sự thất bại của việc thành lập tòa soạn văn nghệ bằng chữ Quốc ngữ, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đã chán chường đến mức suốt ngày chìm đắm trong men rượu và thi ca để quên đi nỗi đau non nước không? Mục đích thành lập toà soạn của cụ là muốn phổ cập chữ Quốc ngữ đến mọi tầng lớp nhân dân, nhằm tránh bị đồng hóa tiếng nói với thực dân Pháp. Nay em lại cắt xén chữ nghĩa mà các bậc tiền nhân đã dày công tôn tạo, thì chẳng khác nào đang thẳng tay tát vào mặt các cụ.

- Nhưng như vậy nó mới thời thượng... Bạn bè em ai cũng dùng vậy hết...

- "Thời thượng"? "Thời thượng" nào bằng bảo tồn tiếng nói và chữ viết dân tộc mình? Sau khi vua quan Hồ Quý Ly thua trận, nước Nam ta phải chịu ách đô hộ của nhà Minh, tức Minh Thành Tổ, suốt một ngàn năm. Chúng đã thiến hoạn và chặt đầu đàn ông, hãm hiếp phụ nữ trong suốt thời kỳ đó, nhằm mục đích đồng hóa dân tộc ta. Chắc em cũng không biết được công trình Tử Cấm Thành là do một người đàn ông tài hoa nước Việt tên Nguyễn An thiết kế đúng không? Vì thấy cụ là một người quá uyên bác, nên chúng đã biến cụ thành hoạn quan để dễ bề sai sử. Bây giờ không một ai nhắc nhớ đến công lao của cụ, mà toàn bộ công lao đều bị một gã hoạn quan nhà Minh cùng làm với cụ thời ấy cướp sạch, và ai cũng tưởng nhớ đến tên đó, cố tình tảng lờ đi tên tuổi của cụ.

Thấy sắc mặt của cô nhân viên trẻ tuổi càng ngày càng tái mét. Jacqueline dịu giọng:

- Thôi chúng ta quay trở lại với công việc đi.

- Dạ...

- Em đã gửi thư điện tử cho tôi chưa?

- Dạ, em mới gửi chiếc mail ấy xong.

- "Chiếc"? Chữ "Chiếc" không nên sử dụng một cách vô tội vạ như vậy chứ! Lần trước tôi cũng nghe hai chữ "chiếc cây" từ miệng của con bé hàng xóm. Tôi rất tò mò rằng em và con bé ấy học từ ai mà gán ghép chữ nghĩa một cách vớ vẩn và kỳ cục đến thế.

Biết được có giảng giải cỡ nào thì cũng sẽ nghe thấy câu biện minh quen thuộc: "Thời xưa khác, Thời nay khác", nên Jacqueline buông xuống một lời khuyên trước khi "trả tự do" cho cô nhân viên trẻ tuổi:

- Tôi nghĩ em nên đọc cuốn "Dưới mái gia đình" của nhà văn Hoài Mỹ để học lại cách chơi chữ chuẩn xác hơn.

Có một đoạn văn hết sức tức cười, kể rằng các con của ông Gióng đòi học nhảy đầm và nghe nhạc thời thượng để bằng bạn bằng bè, nhưng ông ấy lại cho là những thứ mà các con đương đòi hỏi đều đi giật lùi với thời đại, vì hàng ngàn năm trước người ta đã biết tạo ra giai điệu kích động nhạc để múa lửa tế Thần, suy ra con người ngày nay chỉ học lại của tổ tiên mà thôi!

Jacqueline bật bản nhạc "Gia tài của mẹ" do ca sĩ Khánh Ly trình bày lên nghe nhằm khuây khỏa tinh thần. Con người chết vì lý tưởng của họ luôn đáng kính hơn kẻ bợ đỡ bên thắng cuộc. Một cục xương do bên thắng cuộc quăng ra có thể giúp tay bút nô ấy sống trong bả vinh hoa phú quý suốt đời, nhưng cũng vì thế mà kẻ đó đã tự biến mình thành loài đi bằng bốn chân và mất sạch nhân cách. Nếu như lời đồn về tổng thống Hác là đúng, chị cũng sẽ...

"Cạch."

Hác Đăng Khánh đẩy cửa bước vào phòng, trên tay là một khay đồ uống giàu caffeine mua ở căn-tin trong dinh Đại Việt.

- Xin lỗi vì đã không gõ cửa phòng. - Hác Đăng Khánh cười mà mặt mày méo xẹo méo xệch.

Jacqueline cười xòa, rồi kéo ông chú vào phòng làm việc của chị. Căn phòng làm việc rất sang trọng, nhưng không kém phần tinh tế và thi vị.

- Tôi không hiểu tại sao lại phải dùng đến chữ "chiếc". Lấy một ví dụ rất đơn giản, "Kẹo" chẳng hạn. Chúng ta có thể nói: Viên kẹo, Cục kẹo, Cái kẹo, Phong kẹo, Thanh kẹo, Que kẹo, Gói kẹo, Bịch kẹo, Hộp kẹo, Túi kẹo, Bao kẹo,... Mắc gì cứ phải dùng rặt chữ "Chiếc" vậy nhỉ? Tôi thấy đâu có tốn bao nhiêu thời gian để tìm chữ kết hợp đúng đâu?

- Thời xưa người ta còn biết quý những lời góp ý, còn thời nay...

- Tôi không sợ bị "chụp mũ". - Jacqueline vớt lớp kem trứng đánh bông trên bề mặt ly sinh tố trà xanh, rồi đưa lên miệng ăn.

- Tôi với chị cùng có sở thích đọc sách của "Tủ sách Tuổi Hoa" nhỉ? - Hác Đăng Khánh chợt thấy trong phòng có một cái kệ sách nho nhỏ, trưng bày toàn là sách xưa và hiếm. Chú bỗng gợn cơn sóng lòng. Những cuốn sách này đáng bằng tuổi cha mẹ chú; sách thì còn đây, mà xác thân cha mẹ chú đã hóa thành cát bụi.

- Phải. Các cụ ấy rất xứng đáng được gọi là Nhà Văn. Tác phẩm nào cũng hay, cũng đẹp, cũng giàu tính nhân bản. Tiếc rằng, bây giờ giới trẻ thích đọc truyện diễm tình mang nhiều yếu tố sex và trái luân thường đạo lý hơn. Giọng văn của các cụ ấy quá trong trẻo, thanh khiết và bình yên như những giọt sương đọng trên lá non buổi sớm; lớp trẻ hiện giờ làm gì cảm nhận được cái nét đẹp dung dị và đậm chất quê hương ấy...

- Tôi còn nhớ, "Hoa Xanh" viết về đề tài gia đình, bạn bè, thiên nhiên và thế giới động vật, "Hoa Đỏ" viết về đề tài trinh thám và phiêu lưu kỳ bí, và "Hoa Tím" viết về đề tài tuổi học trò và những mối tình ngây ngô của một thuở mới lớn... Sao Jack cười?

- Tôi khó tính quá! Chắc sau này già rồi vô viện dưỡng lão ở, chứ chẳng ai chứa nổi. - Jacqueline cất giọng bông đùa. Mà nhà chị cũng đâu có muốn chứa chấp đứa con gái "lạc dòng", nếu công việc hiện tại của chị chỉ nằm ở mức "bình dân học vụ", ắt hẳn tới Tết Congo họ mới nhận lại chị là con.

- Con ếch chỉ mãi đo diện tích cái giếng và chống trả một cách liều mạng khi ai nói động đến cái giếng của nó. Có nhiều người mỗi khi nghe ai góp ý về nước mình thì lại giở thói đem nước khác ra làm bàn đạp chống chế. Nước họ tệ lậu ở chỗ nào thì mình phải lấy điều đó làm gương để tránh né, chứ có đâu so kè xem ai tệ hơn. Chẳng khác nào cái nhà mình hôi hám, bừa bãi mà không chịu xách thân đi quét dọn, lại ngó sang đống rác nhà hàng xóm rồi vỗ ngực biện minh nhà mình vẫn còn sạch chán; trong khi đó không chịu bỏ thì giờ nhìn lên cây dạ lý hương thơm ngát nhà họ để cải thiện phẩm chất không khí nhà mình. Cái thói tự ái muôn đời khiến ta ngu si và kém hiểu biết, còn "biếu" thêm sự khinh miệt của người khác vì họ đánh giá ta vừa ngu vừa lì, giống như con ngựa chứng hay bò hống vậy, đụng tới nó là nó giãy nãy lên liền.

- Con người thường chỉ thích nghe những lời êm dịu. Tôi mệt nhất là phải nghe những kẻ dốt đặc cán mai "chế biến ngữ vựng", chúng tưởng đâu lời mình nói đặc sắc lắm, ai ngờ nó rỗng tuếch còn hơn cả ruột trái bầu héo. Bây giờ mỗi lần tôi nghe chúng sử dụng mớ chữ "tự chế" ấy đối với những người lên tiếng vì đất nước, vì dân tộc là lại được một phen ôm bụng cười đến lả người. Văn dốt, Võ nát, kiến thức Toán - Lý - Hóa, Lịch Sử và Vạn Vật đều bằng không, ngoài trừ cái miệng chỉ biết phun ra những lời tục tĩu hòng trấn áp tinh thần người đi ngược chiều với chúng, thì hình như trong đầu của chúng chẳng còn cái gì nữa. Chúng không hề biết rằng, khi người ta không tranh luận với chúng nữa, không phải vì người ta sợ, mà là vì người ta coi chúng là đống rác bốc mùi, bởi con người làm sao đứng gần đống rác bốc mùi mãi được, phải bịn mũi mà đi chỗ khác hít thở không khí trong lành chứ.

- Cứ để chúng "tự hào", còn đôi mình chỉ "hãnh diện" thôi, Jack nhỉ?

- Tôi hiểu ý chú. - Jacqueline nói đoạn, nhấp một ngụm sinh tố trà xanh thơm mát.

- Trưa nay Jack ăn gì? - Hác Đăng Khánh hỏi trong khi vẫn không ngừng khuấy cà-phê. Món cà-phê đen đặc chú chỉ uống mỗi dịp cần sự tỉnh táo cao độ, còn ngày thường thì chú thích pha thêm với sữa và các nguyên liệu khác.

- Trong căn-tin có gì thì ăn nấy. Chúng ta đâu thể đặt đồ ăn thoải mái như dân công sở được.

Có một điều rất đáng buồn cười là hương vị ẩm thực ở đấy rất ngon lành và phong phú, nhưng ăn mãi cũng nhàm, cũng chán, nên hai anh em lại thèm tha thiết một bữa cơm đạm bạc quê nghèo, với tộ cá hủn hỉn kho, dĩa rau lang luộc hái từ mảnh vườn con con sau nhà, tô canh mồng tơi thả vài con tôm khô cho ngọt nước hay chỉ là cái rổ đựng đầy khoai luộc nóng rẫy, thơm bùi.

Jacqueline xin phép trở lại làm việc. Vừa là thư ký, vừa là "cố vấn không thường trực" của Hác Đăng Khánh, nên tính mạng của chị như sợi chỉ mành treo trước gió. Thân gái dặm trường, những truân chuyên của một đấng yêng hùng không chịu đầu hàng số phận hay sự phó mặc của định kiến xã hội dường như chưa bao giờ chấm dứt.

Cứ hễ có dịp thuận tiện, Jacqueline lại vào bếp trổ tài nấu nướng. Ban đầu nghe ông chú nói thích ăn canh bún, chị nấu nhầm thành nồi canh bún miền Bắc, tới chừng bưng lên ổng chỉ biết ôm bụng cười sặc sụa. Canh bún miền Bắc, tức là món bún riêu trong miền Nam; bà con xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh nấu canh bún với bún tươi đã trụng sơ, mướp hương hoặc trái bầu (Nhưng trái bầu chiếm được "cảm tình" quý chị em trong đây hơn là mướp hương), thịt nạc dăm, một nắm tôm khô loại ngon, hành lá (Có cũng được, không có cũng chẳng sao), và ít gia vị nêm nếm để nồi canh thêm đậm đà, ngon ngọt. Cách thức nấu hết sức đơn giản, người vụng về cỡ nào cũng có thể dễ dàng "gặt" được con điểm Tám ngay từ lần đứng bếp đầu tiên. Trái ngược hẳn với cách nấu cầu kỳ của món canh bún miền Bắc, ngay cả người đã đứng bếp trên hai mươi năm cũng chưa chắc nấu được một nồi canh bún "ra hồn". Có lẽ đúng như cụ Ức Trai Nguyễn Trãi đã từng nói trong "Bình Ngô Đại Cáo": "... Vốn xưng nền văn hiến đã lâu, Núi sông, bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc - Nam cũng khác."

Nhờ lần tổ trác nhớ đời ấy mà Jacqueline trở nên thận trọng với những món ăn có tên đồng âm, nhưng khác cách chế biến. Như món sắn chẳng hạn, trong Nam "sắn" là "sắn", song ngoài Bắc "sắn" là "củ khoai mì". Và chè trong Nam là món ăn chơi có hương vị hết sức ngọt ngào và thơm mát, còn ngoài Bắc thì nó mang nghĩa nước trà!

Cấp Trên cặp cái tẩu thuốc giữa hai môi. Hôm nay gã không hút xì-gà. Hôm nay không biết ngọn gió độc nào đã làm thay đổi tâm tính của gã, tự dưng khiến Hác Đăng Khánh cảm thấy "long thể một phen bất an".

- Lâu lâu đổi kiểu "làm màu" thôi mà cưng. Có gì đâu mà cảnh giác ghê thế? - Cấp Trên lấy ngón trỏ ấn nhân trung của Hác Đăng Khánh. - Tôi chưa có mướn người đi theo tung hoa, quạt tóc là cưng nên mừng đi.

Hác Đăng Khánh bĩu môi.

- Anh định quên luôn vụ ám sát Richard Trương à? - Cấp Trên thôi đùa. Đôi mắt của gã hướng về đỉnh của khung cửa sổ, nơi ấy được đắp phù điêu thạch cao rất đẹp. Ngoài vườn, đôi chim bồ câu đang rỉa lông cho nhau.

- Tôi vẫn nhớ...

- "... mắt em nhìn về nơi phương xa. Sợ năm tháng duyên kia nhạt nhòa."

- Để tôi nói! - Hác Đăng Khánh trừng mắt nhìn Cấp Trên. Cha nội này sao dạo gần đây khoái nhạc Vàng thế nhỉ? Cứ hễ có dịp là chõ mỏ ra hát.

Sau màn nhại giọng ca sĩ Thế Sơn trong ca khúc "Tôi vẫn nhớ", Cấp Trên gác cái tẩu thuốc trên cái gạt tàn mang theo. Rồi khoan thai ngồi xuống cái ghế bành lót nệm êm ái.

- Nói đi.

- Quên mất rồi.

Cấp Trên bật cười. Tiếng cười sảng khoái ấy khiến chú trộm nghĩ có khi nào về già gã trai này sẽ chết vì đứt hơi không ta?

- Anh có biết Victor Thu không?

- Không. Victor Vũ thì tôi biết.

- Khứa đầu bạc này "đạo diễn" còn xuất sắc hơn cả Victor Vũ. Nhờ đầu cơ chứng khoán mà trở thành triệu phú Hoa Kỳ.

- Vậy thì con đường làm giàu có đôi chút ám muội.

- Sao tổng thống mà nói chuyện nghe ngu thế?

Hác Đăng Khánh lặng thinh. Không phải là vì thẹn, mà là do chú muốn chú tâm để nhớ ra lời định nói ban nãy.

- Tôi cũng đã từng nghĩ đến cái cảnh sau khi mình bị sa cơ thất thế, đám đàn em sẽ phản trắc như thế nào. Một phát súng ân huệ hay những đòn thù trả đũa. Kiểu chết nào sẽ đến với tôi lúc ấy?

- Hóa ra anh cũng biết bi quan...

- "Bi quan"? - Cấp Trên nói mà như ngâm nga. - Nếu không bi quan thì người ta xây lăng mộ làm gì? Chỉ là muốn níu kéo chút quyền lực đã mất sau khi từ giã cõi đời và thị uy với kẻ có ý đồ phản nghịch. Không phải lời nhận xét trên đều đúng trong mọi tình huống... Well, nói chuyện khác đi. Anh sắp có một buổi chất vấn với người dân phải không?

Hác Đăng Khánh khẽ khàng gật đầu. Rồi hướng đôi mắt nâu về phía khung cửa sổ. Ngoài vườn thượng uyển, bầy chim bồ câu đang nhặt từng hạt thóc do người làm vườn ném ra. Bầy bồ câu ấy còn bình yên hơn cả chú nữa.

oOo

Vệ Thu nghe xong nhạc phẩm "Một chút quà cho quê hương" do danh ca Khánh Ly trình bày, rồi bật tiếp nhạc phẩm "Xin anh giữ trọn tình quê" được nghệ sĩ Duy Khánh biểu diễn rất lắng đọng. Mặc kệ khuôn mặt y chang "ba bích" của con trai Út, ông vẫn thản nhiên ngồi vắt tréo chân "listen to music". Thỉnh thoảng lại nhịp giò theo làn giai điệu du dương đầy thân mến.

Để kết thúc tiết mục tra tấn màng nhĩ thằng Út, ông bật bản nhạc "Nhớ quê hương" do ca sĩ Ngọc Lan trình bày lên, rồi cất giọng rên ư ử:

"... Quê Hương ta ơi, Đất Nước muôn đời

Ta yêu dòng sông cuối chân trời..."

Cánh hồng bạc mệnh Ngọc Lan đã từng song ca với rất nhiều nam ca sĩ nổi tiếng, và mang đến cho đời những bản tình ca bất hủ. Còn "Cánh quạ bạc tỷ" nhà này đã từng khiến bao nhiêu khán-thính giả muốn đốt trụi sân khấu lẫn người hát vì giọng ca quá ư là kinh hồn bạt vía.

Vệ Thu hát hoài mỏi miệng, bèn gọi người làm đi pha cho mình một ca nước dừa xiêm uống cho thông giọng. Ông còn dặn chị giúp việc nhớ bỏ thêm trái thốt nốt vào để cho ngon hơn.

- Baba...

- Gì? - Chưa kịp nhai xong miếng thốt nốt dẻo ngọt, thằng con Út đã làm ông nghẹn họng.

- Baba, con thương baba nhất trần đời.

- Ha! Tao biết mà. Mỗi lần mày xin xỏ tao, là mày lại hát bài "Tình cha ấm áp như vầng thái dương..."* Ở đây người ta chỉ hát bài đó trong đám tang thôi thằng bất hiếu. Tính xin xỏ gì đây?

Vệ Thương nhoẻn miệng cười thật tươi với baba, tỏ vẻ "Đúng rồi".

- Xì! Tao đẻ mày ra mà sao tao hổng biết được.

- Baba! Baba hổng phải là monster...

- Ờ, thì má mày đẻ ra mày, không phải tao. Rồi, có chuyện gì nói nhanh đi. Để tao còn nghe nhạc tiếp.

- Baba đổi sang nhạc giựt như con được hôn? Eminem, Beyoncé, Lady Gaga,... chẳng hạn.

- Trời đất quỷ thần thiên địa ơi! Tuổi của tao gần "đứt bóng" rồi mà mày kêu nghe nhạc giựt. Mày muốn hưởng gia tài sớm lắm hả con?

Vừa mới dứt câu, Vệ Thu liền giảng một tràng kinh Koran cho đứa con Út nghe. Đôi khi ông ngừng lại uống một hớp nước cho thanh giọng.

Vệ Thương có cảm tưởng mình là nhân vật chính trong khúc hát "Kinh khổ" do cô ca sĩ Khánh Ly trình bày.

Mãi đến một tiếng đồng hồ sau, Vệ Thu mới tha bổng cho con trai. Ông phất tay như một vị quân vương ngồi ở ngôi cao ra hiệu cho gã tướng quân bại trận cút khỏi tẩm cung của mình.

Vệ Thương bỗng nhớ đến hình ảnh Chuột Tiên do nghệ sĩ Thành Lộc biểu diễn trong vở nhạc kịch thiếu nhi "Cô bé Lọ Lem". Sau khi thoát khỏi cái bẫy chuột, chú Chuột Tiên hát rằng:

"Ta yêu tự do

Ta thích tự do

Tự do muôn năm

Tự do muôn năm..."

Trước khi lên chiếc xe mô-tô phân khối lớn để đi dạo phố, Vệ Thương quay mặt vào phòng khách xá ba cái, rồi phất áo jacket rời đi. Đằng sau lưng cậu, một trái cam từ trong nhà liệng ra vừa tiếp đất một cách êm ái.

Nhiều ý kiến tranh cãi về việc ăn phở đúng cách nghe mà phát mệt. Đối với Vệ Thương, ăn thế nào cũng được, miễn sao hợp khẩu vị và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là đủ, chứ cứ cố bắt chước cho "hợp lễ nghi" của thiên hạ chỉ tổ rước bực vào thân. Nhưng cũng vì cái bản tánh xuề xòa ấy mà cha cậu mới không yên tâm về thằng con Út.

Vốn thích ăn bò viên, nên Vệ Thương bèn ghé quán chuyên bán về món này theo lời chỉ dẫn của chị bếp. Mái tóc hai màu đen - vàng, mà baba thường gọi là mái tóc "Hai mùa mưa nắng" ấy, đã khiến cho chị bếp hơi mất thiện cảm với cậu khi lần đầu tiên tới nhà thử việc. Sau vài ngày giao tiếp, mới hay cậu ta rất thân thiện và dễ thương, không phải là hạng người hách dịch hay hút chích mà chị từng thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

- Em nhỏ. Em thấy ở đây bán loại nào ngon nhất? - Vệ Thương chọn em bé bụ bẫm nhất trong quán để bắt chuyện.

Vệ Khương ngước đôi mắt tròn to lên nhìn anh thanh niên cao nhồng, rồi nhiệt tình giải thích các loại bò viên bày bán ở đây cho anh trai hay.

- Để cảm ơn lòng tốt của Boo mỡ, anh Thương sẽ khao em một bữa. - Vệ Thương thích thú khi thấy bé con có mái tóc giống hệt cha con nhà cậu.

- Không cần đâu. - Cổ Tường Quang đương tính tiền ở quầy, nhìn thấy cảnh ấy liền chạy đến bảo vệ Vệ Khương. Rồi đứng sững người lại. Bởi tên thanh niên này có vẻ ngoài trông giống hệt bức ảnh chụp Vệ Thu mà anh Tư đã từng cho bác xem.

oOo

Tăng Trường Sa đổi nhạc chuông thành bài "Tình yêu Thủy thủ" do ca-nhạc sĩ Jo Marcel trình bày. Gã hẹn người yêu ra quán cà-phê Sóng Nhạc chuyện trò. Vì anh ta đến quá sớm nên tới bên quầy nói chuyện với Đặng Thừa Tân - Chủ quán cà-phê Sóng Nhạc.

Đặng Thừa Tân vừa dòm chừng nhân viên barista tập sự, vừa trầm giọng bộc bạch:

- Ca sĩ Ngọc Lan đã từ chối những lời mời biểu diễn và ghi hình sau khi nhận ra giọng hát của mình không còn hay như năm xưa vì bị cơn bạo bệnh hành hạ, mặc cho những người hâm mộ kêu gọi cô trở lại sân khấu với lời hứa hết sức cảm động rằng, "Không cần nghe Ngọc Lan hát, chỉ cần nhìn thấy Ngọc Lan mạnh khỏe và yêu đời là được rồi." Nhưng vốn là một người nghệ sĩ có lòng tự trọng, nên Ngọc Lan đành gạt lệ nói "Không", vì cô không muốn mọi người phải lắng nghe và nhìn thấy những phần trình diễn "kém cỏi" và "vụng về" của mình. Cô không lợi dụng sự ái mộ của mọi người để kiếm chác cho mình như một số "thợ diễn" và "thợ hát" ngày nay khi không may mắc phải cơn bạo bệnh. Một con người có tư cách tốt đẹp và lòng yêu nghề sâu sắc như vậy thử hỏi ca sĩ trẻ hiện giờ "vớt" được mấy người? Mà nỡ lòng nào lại đem bọn họ ra so sánh với một người nghệ sĩ chân chính như cô?

Tăng Trường Sa chăm chú lắng nghe.

- Ca sĩ Anh Khoa biết rằng giọng hát của mình đã không còn phong độ như ngày xưa nữa, nên mỗi bận được mời tham dự chương trình về âm nhạc, ông đều nói lời cảm ơn khán giả và nói rằng mình đến đây là để hát giao lưu với những người hâm mộ năm cũ, chứ không phải là đi biểu diễn. Tự dưng tôi cảm thấy lòng mình nghèn nghẹn khi thấy ông ấy phát biểu câu đó, một con người yêu nghề ca hát đến nỗi hồi còn thanh xuân bôn ba khắp chốn và phấn đấu đến vắt kiệt hết sức lực, vậy mà giờ đây danh xưng "ca sĩ" lại làm ông ấy hổ thẹn vì thấy bản thân chẳng còn xứng đáng. Trong rất nhiều lần được mời phỏng vấn, ông ấy còn tuyên bố chỉ cần được đứng trên sân khấu hát là đủ, khỏi cần ban tổ chức trả tiền cát-xê luôn. - Vừa dứt câu, Đặng Thừa Tân bật ngay nhạc phẩm "Tìm em ở đâu" do ca sĩ Anh Khoa trình bày. Nghe giọng hát, rồi so sánh với giọng hát bây giờ của bác, mới thấy thời gian phũ phàng và tàn nhẫn làm sao...

- Thời buổi này, nhiều người bẩm sinh không thể hát hay và đặc sắc, nhưng vẫn cố đèo bòng con đường âm nhạc. Hễ đụng tới là người ái mộ họ lại lý sự cùn, "Có làm được như người ta không mà nói" và "Anh/Chị ấy đã cố gắng hết sức rồi". Tôi nghe câu "Cố gắng hết sức" mà lại tưởng rằng họ là bác sĩ đã làm hết trách nhiệm mà vẫn không thể cứu sống bệnh nhân. Chứ ca hát đâu cần phải "Cố gắng hết sức", người nào may mắn có được thanh âm tuyệt vời thì sẽ hát hay thôi, và nếu được cha mẹ định hướng đúng đắn như cô ca sĩ Thanh Lan thì tương lai giọng hát sẽ càng "lung linh", "hút hồn" hơn.

Tăng Trường Sa thưởng thức món cà-phê vợt chính hiệu đô thành với một nỗi buồn vời vợi trong tim. Người yêu của anh ta vẫn chưa tới, để mặc anh trong quán cà-phê hoài cổ và đầy những nét phôi pha. Chiếc máy Akai dệt từng luồng thanh âm vào nền không gian thâm trầm, hương mai điểm xuyết những nốt ngân nhẹ vào tâm tư người nghe. Đồng hồ quả lắc đánh vào bức tường thời gian những tiếng vang trầm buồn.

Bản nhạc "Yêu tinh tình nữ" do ca sĩ Thái Hiền trình bày bất chợt phát lên khiến một số khách trong quán bực mình yêu cầu đổi nhạc gấp. Đây là một nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, độ rùng rợn cũng ngang ngửa ca khúc "Đừng bỏ em một mình" do cụ phổ từ thơ của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, qua hai giọng ca vượt thời gian của Lệ Thu và Thanh Lan càng làm tăng thêm nét liêu trai và ma mị cho nhạc phẩm này. Nội dung nói về một nàng tiên nga giáng trần bị phụ tình hóa thành yêu tinh bám theo người sống để đòi lại mối tình trinh trắng ngày xưa. Lời bài hát, tiết tấu của bản nhạc khiến người nghe cảm thấy như mình bị ném vào một khoảnh rừng già u tịch, với tiếng quạ gọi bầy, tiếng cú kêu đêm và những tiếng động do bầy thú hoang đương đi săn mồi tạo ra. Dẫu có ngồi giữa Chính Ngọ nghe nhạc vẫn có cảm tưởng không rét mà run.

- Xin lỗi... Tôi chưa kịp sang băng. - Đặng Thừa Tân vừa gãi đầu, vừa nhoẻn miệng cười khổ. Rồi tắt máy, đi lựa băng một chập, một lúc lâu sau âm nhạc mới hiện diện lại trong quán cà-phê.

Ca khúc "Ngày xưa Hoàng Thị" do ca sĩ Thanh Lan trình bày nhẹ nâng gót Nguyễn Hoàng Thường Khanh bước vào quán nhỏ. Có người cho rằng nhạc phẩm này chỉ có ca sĩ Thái Thanh mới lột tả được chất thơ và cái hay của nó, nhưng nàng không đồng ý, vì nàng nghĩ âm sắc của mỗi ca sĩ thời trước đều rất độc đáo nên không thể đưa ra một nhận xét quá phiến diện như vậy. Vả chăng, giọng hát của Thái Thanh thiên về kỹ thuật điêu luyện và nội lực thiên bẩm, nên rất kén người nghe vì âm sắc "bén ngọt" như mảnh pha lê, thật buồn khi nàng cũng là một trong số đó; lần nào nghe bà hát nàng cũng bị nhức đầu cả, thật là kỳ lạ!

"Em tan trường về, anh theo Ngọ về

Chân anh nặng nề

Lòng anh nức nở

Mai vào lớp học, anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ..."

oOo

Vệ Minh và An Kỳ cùng nhau làm bánh xếp để chiều mai đem sang nhà bạn làm quà. Cả hai lắng nghe ca khúc "Bài hát Tình Yêu" do đôi song ca Đức Huy - Ngọc Lan trình bày với nụ cười hạnh phúc trên môi.

- Lời Việt của nhạc phẩm "Woman in Love" có hai phiên bản, nhưng rất tiếc, tôi không rõ nhạc sĩ tài hoa nào đã viết. Một phiên bản đính kèm lời bài hát của phiên bản gốc "Woman in Love" do ca sĩ Khánh Hà trình bày, mang tên "Đi tìm Tình Yêu"; còn một phiên bản đính kèm lời bài hát của phiên bản tiếng Pháp "Une femme amourese" do ca sĩ Ngọc Lan trình bày, mang tên "Khi nàng yêu".

- Cưng hát cho chồng nghe một bản đi.

Vệ Minh bèn chọn nhạc phẩm "Đi tìm tình yêu", người viết lời Việt có thể là nhạc sĩ Phạm Duy.

"Kiếp sống có yêu đương trong đời

Lúc có đôi mình

Sống trong những ân tình

Người tình từng hẹn nhau suốt đời

Tình yên vui

Cuộc tình này cuối trong đời..."

An Kỳ hôn nhẹ lên mi mắt người thương. Người thương của anh vẫn khe khẽ hát trong khi nhắm nghiền mắt:

"... Ôm người yêu đắm say

Người yêu đó trong vòng tay

Tháng năm và tháng năm còn đây

Làm sao hỡi ai?"

An Kỳ tì cằm trên bờ vai hao gầy của vợ mình. Đôi mắt cả hai đều đẫm lệ. Những ngón tay của người chồng đan vào những ngón tay của người vợ, hai chiếc nhẫn cưới chạm vào nhau phát ra tiếng kêu thật mảnh và thanh.

Một chiều xuân đẹp đẽ êm đềm trôi qua. Số ngày họ yêu nhau tăng thêm một bậc.

oOo

Đặng Xương Tuyết đôi lúc bị những lời phản hồi lại bình luận của em gái làm cho phân tâm. Có những thứ vốn là dĩ vãng, nhưng vẫn bị nhiều người quởn đãi thích đào xới lại và khiến cho đôi bên sinh sự. Chung quy, con người ngay từ đầu đã có thể ngăn chặn được những cuộc tranh cãi vô bổ, song không, cái tôi của bên nào cũng to cả, nên tự dưng cả hai mất một đống thời gian cho mớ ngôn từ rối bời và sai lệch. Nên anh thường xóa tin phản hồi ngay sau khi vừa gởi đi, bởi anh không muốn tiếp chuyện và bận tâm tới một kẻ "vô duyên đối diện bất tương phùng". Một ngày của anh chỉ có hai mươi bốn tiếng, giấc ngủ chiếm mất bảy tiếng rồi, còn dư mười bảy tiếng kia anh phải phân bố sao cho về già không cảm thấy nuối tiếc vì đã bỏ lỡ không thực hiện kế hoạch ấy khi thân thể hãy còn cường tráng. Hạng người chỉ biết bới móc sai lầm trong quá khứ của người khác để thỏa mãn sự tù túng và ngột ngạt trong đời sống tinh thần nghèo nàn của mình, họ đáng thương hơn là đáng trách, anh luôn tâm niệm thế.

- Bé Đan à... Em có cảm thấy nuối tiếc vì đã bỏ phí thì giờ cho những cái bình luận vô bổ trên Wattpad và Facebook chưa? Để rồi em nhận lại được những gì? Khi em bình luận sai, họ cười vào mặt em. Khi em nói đúng mà không hợp ý họ, họ lại giở giọng châm chọc em. Khi em tỏ lòng xót thương cho đất nước và thế giới, họ rủa xả em là đạo đức giả. Bé Đan à... Nếu em chịu nghe theo lời khuyên của bác sĩ và anh, thì chắc em đã có cuộc sống trọn vẹn hơn trước lúc từ giã cõi đời rồi.

Đặng Xương Tuyết cầm bức di ảnh lên, rồi dùng khăn mềm lau bụi. Anh đã cố gắng dặn lòng, rằng không nên can thiệp vào quá khứ của em gái, nhưng mỗi bận thấy ai mắng nhiếc và xỏ xiên em mình, anh lại không giữ được sự bình tĩnh.

Giai điệu reo vui của liên khúc "Tôi muốn - Yêu người Yêu đời" do đôi nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang - Lê Hựu Hà đồng sáng tác vang lên rộn ràng, người hát là ca sĩ Elvis Phương. Anh vẫn sử dụng điện thoại bàn, mặc cho nhiều vị khách ghé chơi khuyên nên bỏ đi cho bớt tiền.

"... Tôi muốn mọi người biết thương nhau

Không oán ghét không gây hận sầu

Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau

Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu..."

Hôm nay Dương Lãng mặc một bộ trang phục đơn giản, áo sơ-mi cộc tay và quần jeans đen. Cậu chàng xách theo một cái giỏ chuyên dành để đi chợ đựng đầy ắp đồ ăn tươi sống được bọc trong túi nylon sạch sẽ.

- Sao mặt mày bí xị vậy cưng?

- Vài chuyện vớ vẩn trên mạng thôi.

- Tản Đà khi cùng đường phải mở sạp coi bói để kiếm cơm sống qua ngày, nên đã bị Tú Mỡ viết bài thơ châm chọc với những lời lẽ hết sức khinh miệt. - Dương Lãng vừa mần gà, vừa nhoẻn miệng cười với người thương. - Văn sĩ phải ném bản thân vào dông tố, gạn lọc những nỗi trầm luân ở nhân gian, và cố gắng ươm trồng những hạt mầm nhân bản khắp tác phẩm của mình. Sở dĩ những nhà văn lớn thường không tạo tài khoản trên các diễn đàn công cộng là vậy. Họ sẽ bị phân tâm trong lúc viết, và có thể vô tình biến bản thân thành "con buôn chữ" vì chạy theo trào lưu để câu khách - Trong khi bản thân có thể chẳng ủng hộ, hoặc không hiểu rõ về điều ấy.

- Murakami Haruki là một ví dụ điển hình của lối sống xa lánh mạng xã hội.

- Vẫn không nỡ đóng tài khoản mạng xã hội của Phương Đan à? - Nước trong nồi đã kêu lách tách, Dương Lãng cẩn thận thả con gà mái tơ vào nồi nước luộc. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ vì bỏng sẹo.

Đặng Xương Tuyết đang xắt hành, nghe thế buông xuống một tiếng thở dài, rồi lại cắm mặt xắt hành tiếp.

- Kệ bọn nó. Đừng bận tâm tới những lời bình luận hay "bình loạn" của chúng.

- Tôi không hiểu, tại sao đại đa số toàn bỏ thì giờ để tranh cãi với nhau về những vấn đề rất nhỏ nhặt trên mạng. Còn chuyện chính trị, bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo lại câm như hến.

- Có thể "1984" và "Trại súc vật" sẽ cho anh một lời giải đáp xác đáng. - Dương Lãng ngẩng mặt nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường. Bây giờ là ba giờ chiều, ngoài trời lại lác đác mưa. - Khi anh viết văn với tâm tư của Phan Bội Châu hay Tản Đà, anh sẽ mất đi độc giả, nhưng bù lại, anh sẽ vơi đi cảm giác đau đáu mà anh hằng níu giữ trong lòng.

- Nếu ngày xưa Trưng Vương nghĩ rằng chồng chết thì yên phận tái giá chứ hơi đâu để ý đến chuyện quốc gia đại sự, thì chắc lịch sử đã khác rồi.

Câu nói mỉa của người thương vô tình khiến Dương Lãng cảm thấy muộn phiền. Hắn rửa tay với xà phòng thật sạch sẽ, rồi lên nhà trên bật "Trường ca Hòn Vọng Phu" do ca sĩ Thái Thanh trình bày để khỏa lấp không gian u tịch.

Dưới bếp, Đặng Xương Tuyết đương bào bạc hà đặng chút nữa làm ghém. A Lãng nói có mời bạn đến chơi với họ, chỉ chừng nhóm nhỏ năm người, nên không ồn ào lắm.

- Hai con gà đủ không?

- Yên tâm đi anh Tuyết. Mỗi đứa tự giác góp vốn nên không sợ hụt đồ ăn đâu.

- Biết vậy tôi đã xổ ruột từ ngày hôm qua rồi. - Đặng Xương Tuyết bông đùa. "Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm", đại gia đình ông chủ nhà trọ đã đi du hý Thái Lan một chuyến, nên anh lập tức gật đầu cái rụp khi nghe người thương ngỏ ý muốn tổ chức bữa tiệc nho nhỏ ở đây.

"Bing boong... Bing boong... Bing boong..."

- Ồ, tới rồi à?

Sau khi nhòm qua mắt mèo, Dương Lãng nhanh chóng mở cửa đón vợ chồng Kỳ Minh vào nhà chơi. Mỗi người xách một túi thức ăn thơm phức, không rõ là tự nấu hay đặt mua ngoài hàng.

- Tôi còn chưa nấu xong nồi cháo mà hai người đã tới đây rồi. - Dương Lãng ngó thấy hộp bánh xếp, chợt cảm thấy đoi đói. Vệ Minh cất giọng mời hắn và anh "chủ phòng" ăn thử.

- Ngon. Ngon hơn ngoài hàng nhiều. - Đặng Xương Tuyết nhón thêm một cái nữa. Trong khi tay phải đương cầm một cái.

- Bé cưng của tôi nặn bánh đấy. - Vệ Minh bẹo má An Kỳ. Rồi quay sang giục chồng mau cởi giày để không làm dơ nhà Đặng Xương Tuyết.

Đương nhiên Dương Lãng không muốn đính chính rằng thật ra A Kỳ dùng khuôn tạo hình nên bánh mới đẹp đến nhường thế. Còn cậu chủ thì khéo tay và đảm đang "muôn năm" rồi, nhờ thế phần nhân và vỏ bánh mới ăn rất ngon mà không gây ngán ngấy như vậy.

- Tôi thấy...

- An Kỳ là một con cá sấu đang nấp trong đầm lầy dưỡng thương. - Dương Lãng nói rất khẽ vào tai Đặng Xương Tuyết. Hai vợ chồng Kỳ Minh đang cất giày vào trong tủ đựng giày. Hiểu ý người thương, anh không thốt lên lời cảm nghĩ nào nữa.

Trên truyền hình đang trực tiếp diễn biến của phiên tòa xét xử vụ đụng xe nghiêm trọng trên đường Đinh Tiên Hoàng một tuần trước. Cả hai đương sự đều ngồi trên xe lăn, khuôn mặt hốc hác và sụt cân thấy rõ.

Mọi chuyện kể lại thật dài dòng, nhưng với những người dân chứng kiến lúc ấy lại chưa đầy mười phút. Người lái chiếc xe bán tải bị lên cơn đau tim đột ngột vì thức đêm thức hôm lái xe đường dài để có tiền trang trải học phí cho đứa con trai học Y Khoa; ông tính tấp vào lề đường mua bánh mì về làm quà cho vợ con, nhưng không ngờ suýt chút nữa đã giết chết một mạng người.

Xét thấy tình tiết này có thể giúp ông tài xế giảm án, nên luật sự bào chữa tự nguyện nêu lên với tòa án, và mong mỏi tòa có thể rũ lòng xót thương đến hoàn cảnh của ông ấy.

Đứa bé cũng hoàn toàn tán đồng ý kiến với luật sư; nó thấy nhờ lần chết hụt ấy mà cuộc đời nó mới rẽ sang trang khác, rất nhiều người đã liên lạc với nó và giúp đỡ nó ghi danh theo học trường dạy nghề, cũng như lo liệu về chỗ ở. Bây giờ nó lại đẩy người khác vào hoàn cảnh khốn cùng chỉ vì chút chuyện cỏn con ấy, chẳng khác nào phụ lòng tốt của những mạnh thường quân.

Phiên tòa kết thúc với rất nhiều nước mắt chan chứa tình người. Vợ chồng ông tài xế được một công ty nhận vào làm lao công, còn mấy đứa con thì được những tổ chức khác đài thọ học bổng và chỗ làm việc phù hợp với khả năng của họ.

Ông thẩm phán không ngờ rằng phiên tòa lại kết thúc vô cùng êm đẹp và cảm động như vậy. Không một bản án tù, không một hình phạt, không một lời đấu tố kể tội, chỉ là những lời van xin từ cả hai phía rằng đừng có làm khó làm dễ bên còn tại, vì họ khổ lắm rồi.

Những mạnh thường quân ngồi ở phía dưới, lặng lẽ khóc. Rốt cuộc niềm tin và đồng tiền họ trao cho đã đến đúng người.

"Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng

Để làm gì em biết không?

Để gió cuốn đi..."

- Nghe đâu thằng nhỏ xin những mạnh thường quân đưa những người bạn cơ cực của mình về trường dạy nghề. "Giàu không đổi bạn" là nó đấy. - Dương Lãng nhìn thằng bé có đôi mắt rất sáng đương ngồi ăn chung mâm cơm với gia đình ông tài xế mà run giọng nói.

- Tha thứ cho người, cũng chính là tha thứ cho bản thân mình. Nó không theo đạo Phật, nhưng nó đã thực hành đúng như những gì mà Đấng Thế Tôn đã từng dạy. - Đặng Xương Tuyết lắng tai nghe bản nhạc "Để gió cuốn đi" do ca sĩ Khánh Ly trình bày làm điểm nhấn kết thúc chương trình. Có nhiều kẻ cho rằng đây chỉ là một màn kịch vụng về và hết sức giả tạo hòng moi thêm tiền của mạnh thường quân; bởi vì họ có bao giờ sống tốt với người khác đâu, nên họ nghĩ ai cũng tham lam, ích kỷ và lừa lọc như mình. Suy xét xem sự việc ấy là Thật hay Giả, hoàn toàn khác với bới móc và ghen ghét.

Vệ Minh nêm giúp nồi cháo gà. Ở nhà, sắp nhỏ chắc đương ăn súp hoành thánh nấu với nước cốt gà. Boo mỡ tuy háo ăn, nhưng bé con không ưa những món dễ gây rách miệng như hoành thánh, bánh xếp, bánh quẩy,... chiên giòn. Trái ngược lại, hai anh em họ An lại rất khoái ăn mấy món trên, nên cậu dặn ông chú đầu bếp nhớ chừa phần để chiên cho mỗi đứa một dĩa.

- Hình như hôm nay có phiên chất vấn Hác tổng thống? - An Kỳ chợt hỏi.

- Ờ, suýt thì quên béng mất. - Dương Lãng bấm remote chuyển sang đài Quốc gia.

Chương trình đó đã tạm dừng vài phút để phát sóng quảng cáo. Nội dung của những thước phim quảng cáo về nhãn hiệu mỳ ăn liền, nước ngọt và dầu gội đầu dành cho nam, mỗi thước phim kéo dài độ chừng ba phút. Dương Lãng với tay lấy chổi quét nhà trong lúc đợi chương trình quay trở lại.

- Bà nội cha nó! - Dương Lãng bất thần văng tục.

- Gì vậy? - Vệ Minh tò mò quay lưng lại xem truyền hình. Phiên chất vấn tổng thống hiện trở thành "đấu trường không tiếng súng", rất nhiều người dân đã xung phong lên đặt câu hỏi với ông chú, với thái độ của tráng sĩ Kinh Kha một đi không trở lại.

- Hạng người thấy ai thắng cuộc thì mới cúp đuôi chạy theo và sỉ nhục bên thua cuộc để mong kiếm được cục xương từ bên chiến thắng thì không đáng để bận tâm tới đâu. Con chó, con mèo còn đáng quan tâm hơn thứ dòng kền kền rình mò xác thối ấy. - Một người đàn ông mặc bộ suit công sở cất giọng mỉa mai. - Tôi nói thế, ông có giận không, thưa Hác tổng thống?

- Không! Đây là quyền tự do ngôn luận của anh, nên anh muốn bình luận về tôi thế nào cũng được. Miễn rằng đừng tung tin đồn thất thiệt kiểu như uống cái này, ăn cây kia sẽ trị điều trị được dứt điểm bệnh ung thư, vì nó có thể giết chết một mạng người. Một chính quyền suốt ngày chỉ lo lùng bắt những người bất đồng quan điểm là một chính quyền yếu kém và hèn nhát. Hiến pháp đã ghi rất rõ, anh có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm chính trị của mình, thậm chí anh còn có quyền biểu tình và đàn hặc tôi nếu như tôi không làm tốt chức vụ tổng thống.

Hác Đăng Khánh điềm tĩnh tiếp nhận mọi câu hỏi của người dân. Trong suốt phiên chất vấn ấy, khuôn mặt phong sương của ông chú không hề tỏ thái độ nao núng hay tức giận.

oOo

Chú thích:

1/ Một câu trong bài hát "Tình cha" do ca-nhạc sĩ Ngọc Sơn sáng tác.