Tiệm Trà Sữa Của Tôi Toàn Là Dân Nằm Vùng Hệ Liệt

Chương 147: Hồi Hai Mươi Ba: Như nhành mai nở rộ trong tuyết sương (b)



- Tới nước này rồi mà mi còn muốn mần răng nữa...

Hác Đăng Khánh ngồi lặng thinh. Chú vừa nhận được đơn kháng cáo ẩn danh, tử tù được nhắc đến trong đơn nếu còn sống chắc nhỏ hơn chú chừng chín tuổi. Bầu trời sắp chuyển mưa nên mang tông màu xám xịt như nền xi-măng mới trát. Đôi mắt nâu sẫm của chú dường như được phủ thêm một lớp màu tăm tối theo từng dòng suy tư bất tận.

- Ai dủ mi nỏ nghe lời tao?

Hác Đăng Khánh chợt giơ tay xin phát biểu ý kiến:

- Thầy ơi.

- Chi?

- Thầy chửi con bằng tiếng phổ thông được không? Con đang rối trí mà còn phải ngồi "phiên dịch" từng câu, từng chữ...

Lạc Tương Giang ký vào đầu học trò một cái rõ đau. Rồi nuốt giận mà đáp "Ừ".

- Tôi nói cho cậu biết, cậu mần răng thì mần, tôi nỏ có bận tâm tới chuyện ba dẻm nì nữa.

- Dạ, con không hiểu, nhưng con sẽ ráng hiểu...

Lạc Tương Giang đỡ trán nghĩ ngợi một đỗi, rồi quày quả bỏ đi. Đằng sau lưng cụ, Hác Đăng Khánh đang bật liên khúc "Chasing Pavements" và "Make you feel my love" của danh ca Adele lên nghe; mỗi bận thầy chú "ba máu sáu cơn" là lại nói tiếng Huế, và mỗi bận như thế thì thầy nói thầy hiểu, còn trò không hiểu thì thôi.

Bệnh viện mà con bé ấy đang dưỡng bệnh thuộc quân đội, nằm trên một ngọn đồi nhân tạo rợp bóng thông reo, bốn bề hoa nở bát ngát. Mới hai giờ chiều mà không gian đã sẩm tối vì mây mù dày đặc, sợ rằng chiếc xe sẽ bị ướt mưa nên cụ đã gửi nó trong tầng hầm của một thương xá gần đây, rồi thả bộ lên đồi. Cụ vừa đi vừa suy tính nên sắp xếp "bài nói" như thế nào để tránh bứt dây động rừng.

Sau khi làm một số thủ tục và trải qua một cuộc thẩm vấn rườm rà, cụ mới xin được giấy phép vào thăm Anzu. Đây là nơi bảo vệ nhân chứng trá hình dưới dạng nhà thương quân đội, nên an ninh luôn được kiểm soát gắt gao và chặt chẽ. Kể cả tổng thống cũng không được tùy tiện vào thăm bệnh nhân khi chưa xin giấy phép và trải qua vài cuộc thẩm vấn.

Vừa mở cánh cửa phòng, cụ liền nghe thấy bản nhạc "Kim lũ y". Đó một ca khúc được phổ từ một bài thơ cùng tên của nữ sĩ Đỗ Thu Nương đời Đường, bà là một người tài sắc vẹn toàn, nhưng hễ ai yêu bà đều phải chịu cảnh chết thảm, võ quan thì bị xử trảm nguyên nhà, con trai vua Đường thì bị phế truất thành dân thường, còn ông vua Đường thì bị giặc đánh suýt mất nước. Có thuyết cho rằng nhờ ông vua Đường đuổi bà ấy ra khỏi cung mà ngôi vua được giữ vững, bởi số bà ấy sát phu quá nặng nên ở gần người yêu mình đều khiến cho người ấy xảy ra sự bất trắc. Bài thơ mà bà ấy sáng tác có nội dung khuyên vua Đường nên liệu sự cẩn thận, đừng vì tiếc cái lợi nhỏ mà làm hại đến bản thân.

Và giờ Đỗ Thu Nương đệ nhị đang hiện diện trước mặt Lạc Tương Giang, bà ta đang ngồi tựa lưng vào đầu giường, mắt nhắm lại định thần, đôi môi nhạt màu như cánh hoa hồng phai màu dưới nắng thu. Tay phải bà đương giữ hờ một cuộn báo. Cụ dường như trông thấy gương mặt bà thuở còn xuân thì, với nét kiêu sa nơi cánh môi và sự sắc sảo ở cặp mắt đang khép hờ. Thời gian đã lấy đi tất cả kho tàng của một kiếp người, từ nhan sắc, tuổi trẻ, cho tới người thân, tình yêu và ước mơ từng hy vọng chinh phục được.

Có một lẵng hoa hồng và giỏ trái cây để trên bàn nước, mỗi bên cái bàn nước đặt một cái ghế nệm màu kem sữa. Trong phòng có hai khung cửa sổ lớn và cao chạm trần, ngăn cách nhau bằng một mảng tường có bề ngang chừng ba mét, trên mảng tường đó treo một cái đồng hồ hình con mèo biết đảo mắt, bây giờ là bốn giờ chiều. Từ mỗi bên cửa sổ có thể nhìn xuống đồi thông và dòng suối nhân tạo, khung cảnh và mùi không khí ở đây luôn đượm màu u uẩn và hoài niệm. Đối diện cửa ra vào có đặt một chậu cây vát góc xanh tốt, cây ấy là giống cây lưỡi hổ. Dàn đèn Led trên trần không được bật bóng nào, dù rằng trong phòng tối tăm vì trời đang oằn mình chuyển mưa. Trong phòng có sẵn nhà vệ sinh riêng, cụ áp tai vào tường nghe thử thì thấy có tiếng máy giặt đang vận hành, cả tiếng huýt sáo khe khẽ của một người đàn ông, và tiếng nhạc rất hay và du dương - Ca khúc ấy mang tên "Rồi mai tôi đưa em" do Tuấn Ngọc trình bày, một sáng tác của nhạc sĩ Trường Sa. Nhạc sĩ Trường Sa, Ngô Thụy Miên và Văn Cao đều rất yêu mùa Thu, đặc biệt là ông Trường Sa, đa số ca khúc của ông ấy đều nhắc đến mùa Thu.

Cậu mật vụ bước ra từ nhà vệ sinh nhìn Lạc Tương Giang đầy cảnh giác. Tay phải đặt hờ lên khẩu súng điện giắt ở bên hông. Anh ta chưa kịp thốt lên lời nào thì con bé đã hỏi trước:

- Cậu Khánh kêu anh tới phải không?

Lạc Tương Giang thấy ánh nhìn của con bé hơi lờ đờ, chắc là do tác dụng phụ của thuốc điều trị. Cụ chỉnh lại cà-vạt, đoạn hắng giọng và hỏi:

- Chúng ta xưng hô với nhau thế nào đây?

- Gọi tôi là Anzu.

- "Hoa mai"?

- Phải.

Anzu làm động tác mời Lạc Tương Giang ngồi xuống chiếc ghế đơn bọc da màu trắng sữa. Cái ghế đơn đó đặt cạnh tủ đầu giường bên trái. Không biết người nào đã ngồi trước mà sao mặt ghế còn hơi âm ấm. Cậu mật vụ trở vào nhà vệ sinh để bỏ quần áo đã giặt vào máy sấy, hãy còn hơn nửa tiếng thì đồ mới giặt xong, nhưng anh ta vẫn vào đây đứng đợi.

- Có phải gần đây các anh đang điều tra lại một vụ án oan khuất kéo dài hàng chục năm không? Và nguyên đơn đã đệ trình lên tổng thống về vấn đề xin phúc thẩm lại bản án đã tuyên không?

- Cô...

- Tôi mà ngu thì đã không thể gầy dựng nổi cơ đồ từ hai bàn tay trắng đâu. - Bà nhếch miệng cười nhạt, rồi bưng tách trà lên uống. - Bọn chúng muốn lợi dụng chuyện tôi quen với cậu Khánh để gây áp lực lên quyết định của cậu ấy.

- Cô tuổi gì?

- Tôi tuổi Tý.

- Gì Tý?

- Mậu Tý.

- Nó tuổi Nhâm Tý.

- Còn anh tuổi chi?

- Tôi tuổi Tỵ. Tân Tỵ.

Anzu chống cằm nghĩ ngợi. Bà chỉ muốn "quen qua đường" nên không bận tâm đến tuổi tác cậu ấy. Thật không ngờ hai người lại cùng một con giáp.

Chợt Lạc Tương Giang buông xuống một tiếng thở dài nặng như chì:

- Hai con chuột "xà quần" để con rắn già này "lãnh đạn".

Anzu hấp háy mắt như đang trêu chọc ông anh lớn tuổi:

- Bọn tôi đã chấm dứt chuyện "xà quần" với nhau gần ba mươi năm rồi.

- Nó yêu cô nhiều lắm. Thiếu điều muốn lộng kiếng để trên bàn thờ luôn.

- Có thắp nhang không?

- Cô Mai. Cô tính sao?

- Kệ. Để thằng cháu tôi ở tù thêm vài tháng cho nó chừa cái thói thấy sang bắt quàng làm họ. Đã biết thằng cha đứa bạn hút máu dân làm giàu mà vẫn men men tới kết thân thì thứ đó chẳng khác nào phường thái giám nịnh bợ. Chỉ có điều...

- Sao?

- Làm ơn, hãy kiểm tra thật kỹ đồ ăn, thức uống và vật dụng cá nhân trước khi đưa cho nó. Chỉ vậy thôi. Còn muốn nhốt nó bao lâu thì tùy ý.

- Tôi thấy cháu trai của cô rất có hiếu mà, tại sao cô lại...

- Có "Hiếu" mà trong đầu không có chữ "Trí" và chữ "Đức" cũng như không. Thấy không? Bây giờ phải chết thay cho người ta. Ông bà ta có câu: Chọn bạn mà chơi. Nó toàn lựa con ông cháu cha có chức có quyền hòng mong mỏi dựa hơi ra oai, giờ bị chúng quất cho một cú ngã chỏng vó.

Lạc Tương Giang nhìn người đàn bà nhỏ hơn mình vài tuổi một đỗi, chợt liên tưởng đến hình tượng Võ Tắc Thiên, con bé này mà sinh ở thời phong kiến dễ chừng dám giết vua đoạt ngôi.

Dường như hiểu trong đầu ông anh kia đang nghĩ gì, Anzu chợt cười nói:

- Còn anh? Anh có khác gì Phạm Tăng phò Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ đâu.

- Phải, người yêu bé nhỏ của cô hết lần này đến lần khác khiến tôi hộc máu sinh bệnh như Phạm Tăng nè.

Cậu mật vụ bỏ đồ vào trong máy sấy xong, liền trở ra đứng gác nơi góc phòng cạnh chậu cây lưỡi hổ. Nom anh ta cứ như một pho tượng Hy Lạp hoàn mỹ đến từng chi tiết, chắc là không hoàn mỹ đến thế, ắt hẳn do căn phòng thiếu ánh sáng này đã gây cho Lạc Tương Giang cơn ảo giác.

Anzu nhếch miệng cười tinh nghịch. Bà ngắm đôi chim câu đang rù rì với nhau trên bậu cửa sổ một đỗi, rồi mới sai phó cậu mật vụ:

- Cậu có thể mua giùm tôi một ly "Star Drink" ở Starbucks không?

Cậu mật vụ nghiêm mặt gật đầu.

- Nhớ kỹ, năm mươi phần trăm đường, cỡ Venti.

Lạc Tương Giang ngồi nhìn theo bóng lưng của cậu mật vụ cho đến lúc khuất dạng sau cánh cửa phòng bệnh, trong đầu thầm tính xem nên tìm cách nào để bảo vệ cháu trai con bé mà Hác Đăng Khánh không bị phát giác là người đứng ra chỉ đạo.

- Tôi với cậu ấy chẳng khác nào ca khúc "20 - 40" của nhạc sĩ Y Vân. Chỉ có điều vị trí bị đảo ngược thôi. "Năm em bốn mươi, anh mới sinh ra đời. Ngày em bốn mươi, anh mới vừa tròn đôi mươi..."

- Tôi cũng đã từng yêu như si như dại. Rốt cuộc đôi bên chẳng đi tới đâu, ấy thế mà còn phí tổn nước mắt và đau thương khôn nguôi.

- Câu bình phẩm của anh quá trúc trắc, đầy khó hiểu, chứng tỏ anh vẫn còn yêu người đó nên không sao sắp xếp lại từ ngữ được. Nói phứt ra là anh bị nghẹn lời.

- Chúng ta đi thẳng vào vấn đề chính nhé?

- D'accord.

Lạc Tương Giang bàn bạc với Anzu hơn một tiếng, cụ mới an tâm cáo từ. Cái lưng của cụ lại trở chứng nữa rồi.

- Anh Giang! Rà soát lại toàn bộ chuyến bay xuất cảnh, xem coi có gia đình quan chức nào đột ngột đi du lịch trong thời điểm này và mấy tháng tới; cũng như về nước bất thình lình.

- Tôi hiểu, xin cô Mai đừng lo.

Anzu vẫy tay tạm biệt thầy của người tình năm cũ, rồi ngoảnh mặt ngắm nhành hoa phượng vỹ đỏ rực bên ngoài khung cửa sổ. Bản nhạc "Bài không tên cuối cùng" do Anh Khoa trình bày gợi nhắc những năm tháng cuồng hoang trong miên man tình ái; Tuấn Ngọc và Anh Khoa ca bài này đều hay, người thì lãng tử u hoài, người thì buồn thương da diết, mỗi vị ca sĩ tuy mang tới cho thính giả những cung bậc cảm xúc riêng biệt, nhưng tựu trung đều phảng phất nét buồn và sự nuối tiếc bất diệt cố hữu trong dòng nhạc "Tình khúc Vũ Thành An".

Ngồi buồn không có gì làm, bà bèn cài bài hát "20 - 40" do Tú Quyên trình bày làm nhạc chuông; trước đó tình khúc trái ngang này đã được Mai Lệ Huyền biểu diễn rất thành công:

"... Khi em còn trong nôi, anh đã lo việc đời

Ôi hai mươi năm u hoài

Đầu vừa điểm vai, gặp nhau thời duyên may

Ngờ đâu thời duyên đã lỡ rồi

Lỡ tuổi, lỡ thời đôi ta không xứng đôi

Ôi thôi, chờ kiếp sau..."

Nếu như bà trạc tuổi cậu ấy, ắt hẳn trên thế gian này sẽ có thêm một đôi vợ chồng vô cùng hạnh phúc. Ngày này nối liền tháng nọ, tháng nọ chồng chất thành một năm, nhiều năm kết tụ thành một đời người thật viên mãn và bình dị. Và cậu ấy chắc cũng chẳng đi ra tranh cử tổng thống làm chi cho bị thiên hạ phê bình cả ngày lẫn đêm. Nghĩ đến đó, bà bỗng bật khóc nức nở. Tiếng khóc của bà như đã lọt thỏm vào tận sâu cõi hư không...

Lạc Tương Giang ghé quán mệ Bông để tìm lại hương vị Huế xưa. Rất nhiều nhạc sĩ thuộc dòng nhạc Vàng đã sáng tác vô vàn bài ca thương nhớ Huế, như "Huế xưa" của Anh Bằng, "Ai ra xứ Huế" của Duy Khánh, "Thương về xứ Huế" của Minh Kỳ - Hoài Linh, "Tâm tình gửi Huế" của Hoàng Thi Thơ, "Mưa trên phố Huế" của nhóm nhạc Lê Minh Bằng (khi đề tên tác giả, các ông ký tên Minh Kỳ - Tôn Nữ Thụy Khương), "Trở về Huế" của Văn Phụng,...

- Mệ Bông!

- Răng mà cậu lâu ghé rứa?

- Thưa, con bận một số chuyện riêng, nên chừ mới thăm mệ được. Bịnh mệ đỡ chưa?

- Ô, con cũng biết rồi đó. Mệ già rồi, uống thuốc mô cũng nỏ đỡ cả.

Con dâu của mệ chạy lên nhắn mệ xuống nêm lại nồi nước lèo, mệ đành ngưng cuộc nói chuyện với cháu trai ông hội đồng, rồi hấp tấp bước xuống bếp coi sóc.

Lạc Tương Giang ăn xong dĩa bánh ướt chả tôm, bèn tính tiền rồi đi về luôn, chứ không nán lại đợi mệ Bông lên đặng hai người nói chuyện tiếp. Chiếc xe BMW sơn màu bạc mà cụ đương sở hữu là do cụ trích tiền túi ra mua, chứ không phải là thâm lạm ngân khố Quốc gia. Cụ không cho phép cậu học trò mua cho mình thứ gì cả.

Trên đường trở về phủ tổng thống, Lạc Tương Giang trông thấy một vị linh mục mặc áo dòng đứng đợi xe buýt. Cụ bèn bật xi-nhan phải, sau khi quan sát cẩn thận mới dận ga chuyển làn.

"Két."

Cụ cất tiếng hỏi lớn:

- Cha xứ, cậu có cần quá giang không?

- Thưa ông, con là Mục sư, không phải Cha xứ.

Lạc Tương Giang thoáng ngạc nhiên, song không hỏi thăm căn cớ sâu xa. Cụ mời cậu Mục sư có đôi mắt bồ câu thật hiền lên xe, rồi hỏi rằng cậu cần đi đâu.

Manuel Ngô kính cẩn đưa tờ giấy ghi địa chỉ mà mình muốn đến cho cụ già tóc bạc phơ.

- Chùa Khánh Hỷ???

- Dạ. Dạ phải. - Vừa cài dây an toàn, y vừa thấp giọng xác nhận.

Trên đường tới đó, hai cụ cháu trò chuyện hết sức e dè và ngần ngại, do không biết nên nói chủ đề gì. Tự nhiên Manuel Ngô nhớ tới Judas, có lẽ vì nghề nghiệp là luật sư nên anh ấy nói chuyện rất có duyên và truyền cảm, y thích ngồi nghe gã kể về những lần bào chữa cho những người nghèo mắc phải án oan mà tính mạng bị đe dọa, hay những lần đến nhà thương điên thăm bệnh nhân nam vì bị xâm hại tình dục mà trở thành kẻ mất trí.

Lạc Tương Giang thả cậu Mục sư ở gần chỗ nghĩa trang của khu xóm. Cụ ngó theo cậu ấy một đỗi, rồi mới an tâm rời đi. Rất nhiều bạn bè của cụ đã chọn nơi đây làm chốn yên giấc ngàn thu.

Sư trụ trì Thích Quy Tâm đương nhổ cỏ cho những nấm mồ chôn tạm, chợt nghe có tiếng người gọi tên mình thì khoan thai đứng dậy, rồi xoay lưng lại và tiếp đón.

- Ủa?

- Thưa ông, con là Mục sư ở nhà thờ Tin Lành.

- Cậu ghé ngang qua chỗ ngụ cư của tôi có việc chi không? - Sư thầy vừa mỉm cười hỏi, vừa ra hiệu mời Manuel Ngô theo mình. Nơi mà Thích Quy Tâm chọn làm điểm tiếp khách là sân sau của ngôi chùa, bởi ông lo cậu Mục sư này sẽ không cảm thấy thoải mái nếu vào khu vực Chính Điện trò chuyện với mình.

Manuel Ngô nhìn mảnh sân sau trưng bày rất nhiều kiểng vật lạ mắt thì trầm trồ ngợi khen. Y ngước mắt ngắm giàn bầu hồ lô trồng xen với bí đao, rồi ngó qua hàng rào trà xanh um cao ngang ngực mình mà lòng không ngớt sự thích thú. Hình như y đã tìm thấy điểm chung với vị tu sĩ khác tôn giáo này.

- Giống trà tốt quá, ông mua ở đâu vậy? Con cũng có trồng mà chết ráo trọi.

- Thưa cậu, tôi không có trồng, mà chủ trước của khu đất này trồng... Mà này cậu ơi!

- Dạ?

- Chúng ta tạm gác chức sắc trong tôn giáo qua một bên nhé? Tôi thấy xưng hô như vầy dễ nói chuyện hơn...

- Dạ được, thưa ông.

- Cậu muốn uống gì không?

- Thưa, con không khát.

- Nếu cậu cảm thấy khát thì cứ tự nhiên rót trà uống nhé?

- Dạ...

Hai vị tu sĩ ngồi trầm mặc hồi lâu mà vẫn chưa có ai chịu mở lời trước. Người này ngó người kia, người kia đưa mắt ngắm kiểng vật bày trong sân. Mảnh trăng lưỡi liềm đã nhô lên ở một góc trời Đông Nam. Đàn vịt trời đang hối hả bay về tổ ấm. Tiếng chuông chùa ngân vang trong không gian nhạt nắng và thưa người qua lại.

- Thưa cậu, cậu cần tôi giúp chi? Tôi chỉ là một kẻ tu hành lánh đời, nên những chuyện thị phi thế tục hiện thời không được rõ...

- Dạ... Con đến tìm cái tiểu của cha con, ông ấy tên Ngô Kỳ Ân, qua đời khi con chỉ vừa tròn tám tuổi. Ngày bé con ngu dại oán trách cha, nay giờ hiểu ra nỗi khổ của ông ấy thì cha đã không còn sống để con được phụng dưỡng nữa. Giờ chỉ biết xây đắp cho ông ấy một ngôi mộ thật đẹp và trang trọng để phần nào giải tỏa sự hối hận trong tâm hồn con.

- Thưa cậu, mời cậu theo tôi...

Đó là một gian nhà chứa vô số hũ đựng tro cốt của những người thất lạc gia đình hoặc bị thân nhân ruồng bỏ. Những cái tiểu ấy được đặt trên những cái kệ đóng bằng gõ mật, mỗi cái kệ gồm bảy tầng, mỗi tầng có thể để tối đa mười hai cái tiểu và bài vị. Chính giữa gian nhà treo một bức tranh rất lớn, vẽ hình Địa Tạng Vương Bồ Tát, nhìn kỹ mới biết là tranh thêu hai mặt nên dù đứng đằng trước hay đứng đằng sau đều thấy được chân dung Đại Bồ Tát.

- Thưa ông, vị thần đó là ai vậy?

- Thưa cậu, đây là Địa Tạng Vương Bồ Tát, Ngài đã từng phát thệ rằng: "Chừng nào Địa Ngục còn một bóng người, Ta quyết không nhập Niết Bàn." Cho nên, hiện nay Ngài ấy đang ở dưới Địa Ngục để phổ độ chúng sanh lầm lạc.

- Thưa ông, ông có thể giới thiệu đôi nét về Đức Phật không?

- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tên đầy đủ là Tất Đạt Đa Cồ Đàm, Tất Đạt Đa là tên và Cồ Đàm là họ. Một số người hay gọi Đấng Thế Tôn khi Ngài còn tại thế là sa môn Cồ Đàm. Ngài được chỉ định hai con đường: Một là trở thành Đấng Giác Ngộ, và Hai là trở thành Chuyển Luân Vương trị vì ba ngàn thế giới. Cha của Ngài mong muốn con mình trở thành Chuyển Luân Vương nên đã giữ Ngài ấy ở cung điện xa hoa suốt hai mươi mấy năm trời để lời tiên tri không thành sự thật. Song, có thể đó là định mệnh, mà trong bốn lần rời khỏi cung vàng điện ngọc, thái tử Tất Đạt Đa đã chứng kiến bốn cảnh tượng làm rung chuyển tâm can: Cảnh tượng thứ Nhất là một người già yếu, cảnh tượng thứ Hai là một người bệnh tật nằm vất vưởng bên vệ đường, cảnh tượng thứ Ba là một cái xác chết đang trong thời kỳ phân hủy nên ruồi bọ bu bám nhiều kinh khủng, và cảnh tượng thứ Tư là hình ảnh một vị Tỳ-kheo đi khất thực với dáng vẻ hết sức an nhiên, tự tại. Theo một dị bản mà tôi từng đọc, thì tất cả những hình ảnh trên đều do một vị Phạm Thiên biến ra để thức tỉnh Ngài. Kể từ khi trở về hoàng cung, Ngài không còn thiết nghĩ đến những thú vui mà mình từng ham thích, trong tâm trí Ngài giờ đây chỉ nghĩ về... Xin lỗi, chỗ này hơi khó hiểu một chút...

Manuel Ngô ra hiệu mình có thể "kham nổi" triết lý Phật Giáo.

- Thế nào là lẽ Sống? Thế nào là sự Chết? Liệu bằng cách nào có thể giải thoát mình khỏi vòng Luân Hồi - Sinh Tử, và làm cách nào để giúp mọi người đều đạt được như thế? Những câu hỏi xoay quanh trong trí óc Ngài là những vấn đề mà chẳng có ai sinh ra trong thời kỳ đó giải thích được; có rất nhiều giáo phái phát triển trong thời kỳ đó, nhưng đa số đều không mang đến kết quả tốt đẹp cho người tu tập, cho nên sau mấy năm tầm sư học đạo, Ngài đã quyết định tự thân tu tập và đã suýt chết do nhịn đói và sống đời kham khổ theo một giáo phái khổ tu đương thời. Nhờ chén sữa bò cúng dường của hai thiếu nữ, mà Ngài đã khỏe mạnh lại đôi phần. Từ sau hôm ấy, Ngài đã thay đổi đời sống tu hành của mình, bằng cách ban ngày đi khất thực, còn ban đêm thì tĩnh tọa dưới cội cây bồ đề. Trải qua bốn mươi chín ngày, Ngài đã đắc thành chánh quả dưới cội cây bồ đề. Năm ấy Ngài ba mươi lăm tuổi.

- Tại sao ngôi chùa này lại có tên Khánh Hỷ vậy ông?

- Tôn giả Ananda là một người có dung mạo hết sức đẹp đẽ, theo các sách cổ chép lại thì ông ấy có đôi mắt biếc tợ trăng xanh, mặt đẹp như hoa sen, tánh nết hiền hòa và dễ khóc. Theo như những gì mà tôi đã đọc, trong suốt quãng thời gian tu tập của mình, tôn giả là người khóc nhiều nhất trong số tăng đoàn. Còn thêm một điểm thú vị nữa, vì nhan sắc quá diễm lệ, nên Đấng Thế Tôn bắt buộc ông ấy phải mặc đồ kín từ cổ xuống chân, chứ không phải mặc áo kiểu hở một bên vai như các bạn đồng đạo khác. Nhưng vì rất đẹp trai, nên mỗi bận ông ấy đi khất thực, từ nữ tới nam đều mê mẩn vẻ ngoài của ông ấy, dẫn tới đủ thứ chuyện phiền hà và thị phi sai lệch. Nhằm giữ cho ông ấy không bị hãm hại và phá giới, Đấng Thế Tôn bắt buộc ông ấy phải đi khất thực với Ngài hoặc các bạn đồng đạo khác, và khuyên ông ấy phải hạn chế việc đi riêng rẽ một mình.

- Dường như ông rất mến mộ vị... tôn giả này?

- Phải. Đó là lý do tại sao tôi đặt tên ngôi chùa này là Khánh Hỷ.

Hai vị tu sĩ khác tôn giáo và đức tin giữ im lặng trong suốt quá trình tìm kiếm cái tiểu của Ngô Kỳ Ân. Phải mất hơn một tiếng thì Thích Quy Tâm mới tìm thấy nó, nó nằm lẻ loi trên tầng bảy của một cái kệ dựng sát vách phải cuối góc gian phòng.

- Do hài cốt không rõ tính danh quá nhiều, nên tôi phải đóng thêm vài cái kệ đặng phòng hờ. Sở dĩ tầng trên cùng của cái kệ này chỉ có mỗi cái tiểu của cha cậu, là vì những cái tiểu khác đã tìm thấy thân nhân thất lạc. Bây giờ nó đã hoàn toàn trống trơn...

Manuel Ngô rối rít cảm ơn vị tăng sĩ Phật Giáo, rồi hỏi ông chừng nào y có thể đi xét nghiệm ADN để chắc chắn hũ đựng tro cốt này là của cha y, thì ông đáp rằng đi liền cũng được. Y suy đi nghĩ lại một hồi, rồi hẹn gặp ông vào sáng thứ Tư tuần sau, chứ gấp quá y sợ dục tốc bất đạt. Ông nhận lời ngay với một nụ cười tràn đầy từ bi nhà Phật, và y đáp lại bằng một nụ cười giàu lòng bác ái nhà Chúa.

Thích Quy Tâm tiễn chân vị Mục sư Tin Lành tới cuối nghĩa trang, rồi mới quay gót trở về chùa đặng thắp nhang dâng Phật. Ông vừa đi vừa nghe ca khúc "Phật thuyết" của Âm Tần Quái Vật, tay lần chuỗi tràng hạt nâu bóng.

Manuel Ngô đợi cho bóng dáng vị tăng sĩ Phật Giáo khuất dạng sau cây bồ đề đôi, y mới quỳ trên mặt đất và che mặt khóc tức tưởi. Trong đầu y đang phác họa lại hình bóng hai đấng sinh thành đã phó thác cuộc đời y vào ngôi trường dòng cổ kính và khắt khe khôn cùng. Bầu trời kéo mây đen mù mịt, rồi những giọt mưa lạnh buốt thi nhau rơi xuống; từng hạt, từng hạt thấm ướt thân thể y.

"Phật."

Tán dù bung tròn như búp của một bông hoa hàm tiếu thấy ánh mặt trời liền vươn mình hé nở. Sắc đen của cây dù tiệp màu với tấm áo dòng mà Manuel Ngô đương mặc.

Judas quỳ một gối, sau đó rút khăn mùi soa ra lau nước mắt cho Manuel Ngô. Y tựa trán vào vai gã mà khóc nức nở. Tiếng khóc của y hòa lẫn vào màn mưa lâm thâm, lạnh lẽo.

- Ăn chocolate không, Manuel Ngô?

- Anh có đem theo à, Judas?

- Phải.

Judas thò tay vào túi áo vest, lấy ra một thanh chocolate Thụy Sĩ vị mật ong, cam và mận rừng. Anh ta mở các lớp giấy gói, rồi bẻ thanh chocolate làm đôi; một nửa cho mình, một nửa cho vị Mục sư mà gã quý mến.

- Mục sư muốn tôi chở đi đâu?

- Tôi làm gì có nơi nào để đi ngoài nhà thờ?

Judas mỉm miệng cười:

- Còn tôi thì không có nơi nào để quyết định dừng chân mãi mãi...

Bản nhạc "Speak Softly Love" do danh ca Andy Williams vang lên trong không gian ấm cúng của chiếc xe Dodge đen bóng. Hôm nay Judas đổi loại sáp thơm khác, mùi hương dịu ngọt của loài hoa đậu biếc.

- Ba tôi ngày ấy thường hay nghe ca khúc này. Chắc có lẽ nó gợi cho ông ấy nhớ về những kỷ niệm hồi còn chung sống với mẹ tôi. - Vừa lau sơ hai ống quần lem luốc, Manuel Ngô vừa khe khẽ tâm tình. Y đương nhai vài mẩu chocolate mang hương vị rất ngộ, mùi thơm của nó làm y như thấy lại bức tranh đồng quê châu Âu vào mùa gặt.

Judas tu gần nửa chai nước suối để khử vị ngọt của chocolate, rồi chỉnh lại kính chiếu hậu trước khi cài số và dận ga chạy đi:

- Người nào đang tương tư nghe bài này ắt sẽ buồn man mác...

- Anh cũng thuộc dạng "Speak Softly Love".

- Bởi vì Manuel Ngô chưa thấy con người thật và quá khứ tăm tối của tôi...

Vừa dứt tiếng, Judas liền bật ca khúc "Skyfall" do Adele trình diễn. Đó là bản nhạc chuông mà gã đã cài đặt hằng bao năm qua. Cũng là nỗi lòng của gã hằng bao năm qua.

- "Nơi anh đến cũng là nơi em đến. Thứ anh thấy cũng là điều em thấy. Em biết mình sẽ chẳng bao giờ là chính mình nếu thiếu vắng đi sự bảo hộ của anh. Bằng đôi tay bàn tay đong đầy yêu thương của anh, giữ em tránh khỏi sự tổn thương..." Tôi dịch dở lắm đúng không?

Gã trai Nam Mỹ ấy không đáp, chỉ quay qua nhìn gương mặt y một chút, rồi tập trung lái xe tiếp. Trong suốt quá trình ấy, trên môi gã giữ nguyên nụ cười nhếch miệng không rõ tâm tư.

Judas chở Manuel Ngô ghé quán cháo lòng mà mình từng cùng thân chủ họ Đường tới ăn. Quán nhỏ xíu xiu, nằm dưới chân cầu Kinh Dương Vương, chạy ngang không để ý là sẽ chạy trớt qua luôn, do đó Judas mới giữ im lặng từ khi quẹo xe vào con đường này.

Chợt Manuel Ngô bật cười khúc khích, rồi day mặt qua phía tín hữu Jayden mà kể:

- Nhạc sĩ Trúc Giang vì một lần bị lạc đường trên đất Hoa Kỳ mà đã sáng tác ra nhạc phẩm "Quên cả lối về" để kỷ niệm chuyến đi nhớ đời ấy.

Judas vừa nhìn kính chiếu hậu, vừa hỏi:

- Kể rõ hơn được không?

- Trong một chuyến dạo phố, cụ đã bị lạc đường. Dù rằng đi tới đâu cụ cũng cẩn thận ghi chú lại vào tờ giấy, nhưng vì trời đổ mưa bất chợt nên tờ giấy đó bị ướp nhẹp, thành thử ra cụ hết biết đường về. Dầm mưa một hồi cũng khá lâu, cụ gặp được người có quen biết với nhạc sĩ Trúc Hồ nên đã giúp cụ liên lạc với con trai để rước cụ về nhà.

Nói đoạn, Manuel Ngô bật bản nhạc "Quên cả lối về" do ca sĩ Lâm Nhật Tiến trình bày:

- Mạnh Đình ca bài này cũng rất hay. Hai nam ca sĩ đều có giọng hát rất nhẹ nhàng, trong trẻo và trầm ấm; nhưng người nghe không hề bị lầm lẫn người này với người kia.

- Mục sư thích nhạc sĩ nào? Và cảm phục nhạc sĩ nào nhất?

- Tôi? Nhiều lắm, nhưng cảm phục nhất chỉ có mỗi mình ca-nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh.

- Tại sao?

- Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh chuyên sáng tác nhạc theo kiểu một bài nhiều phiên bản, nhưng ông là người một lòng, tận trung với lý tưởng của mình, chứ không vì thời cuộc thịnh suy mà thay đổi lập trường. Anh có thể tìm nghe các ca khúc mà ông ấy sáng tác ở hải ngoại sau năm 75 để biết thêm chi tiết.

- Vậy theo Mục sư, lý tưởng của ông ấy là đúng hay là sai?

- Tôi không luận đến hai chữ "Đúng - Sai", tôi nói về sự can trường của ông ấy, làm trai phải dám bảo vệ lý tưởng và đức tin của mình, hễ thấy không trục lợi được là quay qua đấu tố người chung xuồng với mình thì... Hèn lắm! Chó lắm!

Đó là lần đầu tiên mà Manuel Ngô nói tục trước mặt Judas. Ánh mắt y nom thật khác lạ, giọng nói y trở nên xa xăm vô ngần. Có những mặt tối mà bản thân ta hiếm khi nào bộc lộ ra ngoài, chỉ tới chừng tức nước vỡ bờ mới ló dạng đôi chút.

- Nếu ai đụng đến Thiên Chúa, tôi sẽ trở thành Thánh Tử Đạo ngay lập tức. Tôi thà chết để bảo vệ đức tin của mình, còn hơn là sống mà phải chịu cảnh quy hàng những kẻ báng bổ Thiên Chúa.

- Như Đức Cha Trương Bửu Diệp phải không?

- Phải!

- Và giờ thì tôi đã hiểu, Mục sư thường xuyên mặc chiếc áo dòng là vì muốn mặc giống trang phục của Đức Cha Trương Bửu Diệp.

Manuel Ngô không đáp, y đang lau khô những giọt nước mắt trên gương mặt mình.

Judas vỗ vai vị Mục sư vài cái thật nhẹ, rồi bật bản nhạc Thánh ca "Tình yêu Thiên Chúa" do đôi song ca Elvis Phương - Lệ Hằng, sau đó mời y cùng hòa ca theo mình. Hai người ngồi trong xe ca hát một đỗi, đợi tâm hồn lắng dịu xuống và đôi mắt cạn lệ mới bước xuống xe ăn cháo lòng.

- Tặng.

Người đàn ông khoác áo blouse trắng lạ mặt chợt trao cho Manuel Ngô một gói khăn giấy thơm.

- Cảm... cảm ơn anh. - Manuel Ngô nói bằng giọng mũi. - Chúa ban phúc cho anh.

Lang Quân Tử làm dấu Thánh với vị linh mục không rõ tên tuổi, rồi chắp tay sau lưng mà đi lựa chỗ ngồi ưng ý. Khuôn mặt hay cười đểu của y trông không hợp với tấm áo blouse cho lắm.

Nhóm của Thường Khán Bình hẹn anh ta vào lúc bảy giờ tối. Vẫn còn sớm chán, nên y đi ra mé sông hóng mát; vừa đi vừa khe khẽ hát ca khúc "Hai năm tình lận đận" theo giọng ca của Duy Quang.

- "Đấu tố" và "Tố giác" có giống nhau không Mục sư?

- "Đấu tố" và "Tố giác" hoàn toàn khác nhau: "Đấu tố" có hai nghĩa, Một là anh bịa đặt người ta có tội hoặc bới móc những lỗi lầm vụn vặt từ xửa từ xưa của người đó để khiến người đó bị kết án và xử tội, người bị đấu tố thường bị tịch thu hết gia sản, tù đày hoặc thậm chí là bị giết; còn Hai là do nội bộ đấu đá lẫn nhau, anh muốn triệt hạ người đó để nhảy vào thay thế chức vụ mà người đó đang đảm trách, nên đứng ra vạch mặt họ trước pháp luật. Còn "Tố giác" có nghĩa là anh biết người đó phạm tội nên đứng ra tố giác; chỗ này xin giải thích thêm, anh và người phạm tội không liên can tới nhau, anh vì việc nghĩa mà đứng ra tố giác cái xấu để làm đẹp cho Đất Nước, chứ không phải là do ăn chia không đồng đều rồi nảy sinh uất hận mà phanh phui cho bõ ghét.

Judas gật đầu, ra vẻ đã hiểu. Tội nghiệp cho vị Mục sư mà gã hằng quý mến, cậu ấy sợ gã không hiểu nên cứ phải lặp đi lặp lại hai chữ "đứng ra" hoài.

- Ở đây có bánh quẩy không Judas?

- Có. Cháo lòng thì phải ăn chung với bánh quẩy mới ngon chứ?

Manuel Ngô chúm chím cười.

Cũng may cho hai người, nhóm của Thường Khán Bình ngồi sau gốc cây phượng vỹ nên tạm không thấy mặt bọn họ, nhờ thế mà bữa ăn của đôi bên không bị sự mất vui mà khiến cho vị giác kém ngon miệng.

- Ủa, Mục sư đổi nhạc chuông rồi à? Là bài gì thế?

- "Lời buồn Thánh" của cô ca sĩ Ngọc Lan. - Manuel Ngô lấy tay đỡ má mà cười nói với tín hữu Jayden. - Có nhiều người hát bài này thành công lắm, điển hình như màn song ca của Duy Trác - Sĩ Phú, phần đơn ca của Bạch Yến, Khánh Ly hoặc tứ ca của ban Tứ ca Nhật Trường,...

"Lời buồn Thánh" kể về thời thanh xuân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, xoay quanh những người bạn đồng niên và kỷ niệm gặp gỡ cô gái xinh đẹp tên Ngà. Mỗi buổi chiều, nàng thường đến nhà thờ dự lễ. Trên đường tới đó, nàng phải đi ngang qua một bãi lau rậm rạp, đôi tay ngọc ắp quyển Thánh Kinh trước ngực, dáng hình thánh thiện và rất mực dịu dàng khắc họa trên nền đất đỏ như một bức tranh diễm lệ khiến lòng người phải rung động, theo như sự miêu tả của cụ Nguyễn Văn Ty - Người đã viết tài liệu "Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn" - Thì khuôn mặt của nàng ta phảng phất nhiều nét của Đức Mẹ Maria. Màu trắng của tà áo dài hòa với màu bông lau tạo thành một ấn tượng khó phai trong lòng cụ. Sau cái chết của người bạn Nguyễn Văn Ba, cộng thêm chuyện gặp gỡ mỹ nhân Công Giáo, và tiếng chuông, tiếng kèn đồng nhà thờ hằng ngày vọng vào căn gác mà nhóm bạn của cụ đương cư trú, tất cả đã dệt thành cảm hứng để cụ sáng tác nên khúc ca u uẩn và nhuốm màu hoàng hôn bàng bạc này.

Lê Đức Hoàng thấy họ, song "phớt tỉnh Ăng-lê" đi luôn. Hắn tuy mồm mép tép nhảy thật, nhưng cũng biết giữ ý giữ tứ trong giờ ăn. Song thật đáng tiếc, Tống Ngạn đã phát hiện cái nhún vai bất thường của thằng bạn nên bước tới xem xét.

- Mày gặp Mục sư mà tao tưởng mày gặp Tử Thần, làm gì mà rùng vai rúc cổ dữ vậy con?

- Suỵt... Đừng để thằng Bình hay, mắc công quậy quán của người ta thì uổng công dùi mài kinh sử suốt mười mấy năm lắm.

- Nó quậy cái gì?

- Thì... nó hỏi búa lua xua, lỡ hai đàng giận nhau rồi nảy sinh ra đủ thứ rắc rối...

Tống Ngạn thấy thằng bạn nói cũng có lý, nên hùa theo nó che giấu. Hai người sóng vai nhau đi mua khổ qua, cà, ớt nhồi nhân cho bác sĩ Tử; anh ta không ăn được cháo lòng.

Manuel Ngô thở ra một hơi dài thườn thượt, rồi dùng ống hút khuấy ly nước ngọt, những ngôn từ của y vẫn chưa chịu thoát khỏi sự giam cầm của những nghịch suy nơi trí óc.

- Thứ cho tôi nhiều chuyện, nguyên nhân nào đã dẫn Mục sư tới ngôi chùa Phật Giáo vậy?

- Lên xe rồi tôi hẵng tiết lộ nhé?

- Ừm...

Trong lúc ngồi đợi hai người kia đem món ăn yêu thích về, Lang Quân Tử kể những mẩu truyện vui liên quan đến công việc bác sĩ Nam khoa của mình. Những câu chuyện mặn mòi, nhưng không thô tục và khó nghe, nên không khí nơi bàn ăn hết sức thoải mái và sôi nổi. Nguyễn Chí Công thầm than lát nữa thằng miệng móm kia về ắt nguyên bàn không ai ăn nổi quá.

Còn ở đằng này, Nguyễn Chí Công đang khoe chai dầu gội đầu với thằng bạn thân:

- Mày coi, chai dầu gội đầu tao mới mua ở siêu thị có thơm hông?

- Mày biểu tao coi mà hỏi tao có thơm không thì nghe có trái khoáy hôn con?

- Mày nè. Tao xài hiệu này mày thấy gái có theo hông?

- Chừng nào cái bản mặt của mày nó giống hệt ông người mẫu in trên vỏ chai thì khi đó mới có cơ may nghen con?

- Ủa?

- Rồi bị cái gì mà mắt đảo liên tục như lên đồng vậy?

- Sao tao thấy ông này giông giống luật sư Judas...

- Đưa đây coi.

Quầy hàng của người Tiều và quán cháo cách nhau không xa mấy, cộng thêm chiều cao gần đạt mét chín của Judas, nên Tống Ngạn có thể nhìn thấy khuôn mặt của anh ta một cách "thấp thoáng", vừa đủ để anh so sánh anh ta với hình ảnh nam người mẫu in trên vỏ chai.

- Mày nói đúng đấy. Tao cũng thấy giống hệt hai anh em...

- Tao nói giống hệt hai anh em hồi nào? Mày đơm đặt hả? Ui...

Véo lỗ lai Lê Đức Hoàng xong, Tống Ngạn mới hối nó mau tìm cách giấu chai dầu gội đầu để cho thằng Huế kia khỏi thấy.

- Thấy thì thấy chứ sợ đách gì mà giấu với chả giếm? Người Nam Mỹ, Âu Mỹ, Trung Mỹ mặt mày na ná nhau, nó có thấy thì chỉ càm ràm vài câu rồi thôi...

Lang Quân Tử thấy họ đi lâu quá thì sốt ruột đứng dậy ngó thử. Y trông thấy bọn họ đang cãi nhau chí chóe, hình như nguyên cớ xuất phát từ chai dầu gội đầu ngoại nhập; y biết rõ đó là hàng ngoại nhập vì y đang sử dụng dòng sản phẩm của thương hiệu này.

Nghe Lang Quân Tử thuật lại, Thường Khán Bình liền mở miệng châm chọc:

- Mốt già rồi mỗi thằng sắm cái loa đặng chửi lộn cho rõ tiếng.

- Trang bị thêm máy trợ thính để nghe nó chửi cho rõ nữa. - Nguyễn Chí Công bông đùa theo thằng bạn miền Trung. Hai người nghe xong cười vang.

Ba người trò chuyện dăm câu nữa, hai người kia mới về tới nơi. Hai người đi đã khá lâu mà cháo lòng vẫn chưa được dọn lên, chắc là do nhóm của họ tới sớm hơn giờ mở cửa nửa tiếng nên chủ quán chưa bày biện và nêm nếm xong.

- Chờ cô xíu nghen mấy đứa!

- Dạ được!

- Nay cô ẩu quá... Chưa làm xong gì hết mà đã hấp tấp mở cửa, làm mấy đứa ngồi đợi mòn râu... Cho cô xin lỗi tụi con nha!

- Dạ, hổng có sao đâu cô. Cô cứ làm từ từ cho khỏe trí, tụi con đợi nổi mà.

Cô chủ quán cáo lỗi với họ xong, rồi bước tới cáo lỗi với các thực khách đương ngồi chờ khác. Gặp mặt Judas, cô hơi thẹn thùa vì gã trai Nam Mỹ ấy bảnh bao và lịch lãm quá, trông không khác chi tài tử Hollywood; nghe gã xin bật bản nhạc "Không bao giờ ngăn cách" do Nhật Trường trình bày và một số bài hát khác, cô liền sốt sắng đồng ý.

Đợi cho cô chủ quán rời khỏi, Manuel Ngô mới kể cho Judas hay hoàn cảnh sáng tác nhạc phẩm "Không bao giờ ngăn cách":

- Ca khúc này do ông Trần Thiện Thanh viết tặng cô Minh Hiếu, với hàm ý "Không bao giờ ngăn cách". Ông ấy ví chuyện tình của mình và người thương sẽ muôn đời bất diệt như "Không bao giờ, không bao giờ giữa mùa hè có tuyết rơi". Nhưng tiếc thay, trên đời này cái gì cũng có thể xảy ra, kể cả chuyện tuyết rơi giữa mùa hè. Trong lúc ông ấy đi công tác, trái tim bà ấy đã ngả về phía của một vị tướng lãnh cấp cao trong quân đội thời đó. Sau lần thất tình đó, ông đã sáng tác nên tình khúc "Hoa trinh nữ" để tỏ rõ cơn sầu thương của mình với người yêu cũ. Ông ấy ví người yêu mới của bạn gái cao sang, quyền thế như vua, bà thì như giai nhân, và ông thì chỉ là một thằng lính quèn sống đời phiêu bạt bất định. Bà Minh Hiếu chưa bao giờ hát bài "Hoa trinh nữ".

- Người mà bà Minh Hiếu chọn tên gì?

- Nguyễn Phúc Vĩnh Lộc, dòng dõi thân vương triều Nguyễn. Trong bài "Hoa trinh nữ" có câu hát: "Có ông vua trẻ xuất binh qua rừng dẹp quân xâm lấn. Khi vua kéo quân về tình cờ gặp một giai nhân", có người cho rằng đó là hoàn cảnh gặp gỡ giữa thân vương Nguyễn Phúc và bà Minh Hiếu, có người thì lại bảo đó là phép so sánh nhằm thể hiện sự trách phận mình hẩm hiu của nhạc sĩ, vì ông trong mấy câu tiếp theo ông có nói mình chỉ là người lính xa nhà không có cung vàng điện ngọc nên giai nhân đâu thèm đoái hoài hay chung tình với.

- À...

- Thuở còn yêu đương mặn nồng với cô Minh Hiếu, ông còn sáng tác thêm cho bà một bài tình ca mang tựa đề "Anh về với em".

Ăn cháo xong, Judas chở Manuel Ngô đi vài vòng đổi gió, rồi mới đưa cậu Mục sư về nhà thờ. Đã bảy giờ rưỡi, về nhà cũng không có gì làm nên gã ở lại phụ giúp cậu Mục sư quét tước khuôn viên nhà thờ và tỉa tót cây cảnh.

Khuya hôm đó, Judas chạm mặt Cấp Trên ở con hẻm phía sau khu cư xá mà gã đương sinh sống. Gã thích gọi con người đểu cáng ấy là Quý Ngài Hoàn Hảo, chẳng ai biết trong đầu tên điên đó đang suy tính những gì, và thái độ của gã ta luôn khiến người đối diện buộc phải đề phòng.

- Ăn cháo rồi ăn thứ khác nổi không?

- Không.

- Mấy tiếng rồi mà vẫn chưa tiêu hóa hết sao? Nào, anh bạn, mau theo tôi.

Khẩu súng trên tay Cấp Trên nhắm thẳng cổ họng Judas. Gã bỡn cợt nói:

- Vật mà tôi đang cầm trên tay gọi là "Bửu bối thần kỳ", nó chỉ hướng nào thì người bị nó nhắm trúng phải đi theo hướng đó hoặc đứng im bất động như pho tượng.

Judas mím môi. Gã miễn cưỡng bước lên chiếc xe Limousine đen bóng của Quý Ngài Hoàn Hảo. Bên trong bày sẵn một bàn đầy rượu ngon và món nhắm đặc sắc. Ánh đèn trên trần xe mang gam màu xanh lục mờ ảo.

- Tướng Luận gởi cho tôi ca khúc "Yesterday When I was young" do Andy Williams trình bày. Hình như ông ta muốn nhắc nhở tôi phải biết quý trọng tuổi trẻ của mình.

Judas nhận ly rượu whiskey từ tay Cấp Trên. Gã đưa lên mũi ngửi, rồi dụ dự không muốn uống.

- Anh thấy tướng Luận còn phong độ không?

- Tuy trên mặt đã chằng chịt nếp nhăn, nhưng ông ta hãy còn đẹp trai chán. Thứ gầy dựng nên hình tượng của ông ta là cốt cách hoàng gia muôn thuở. Như anh vậy.

- Ngắt nghỉ câu không đúng chỗ sẽ bị phạt uống rượu đó nghe. - Cấp Trên bốc một nắm chà là, nhưng không bỏ vào miệng, mà lại rải nó xuống dĩa đựng.

Sau câu nói ấy, cả hai lặng thinh như dàn đèn trên trần xe, tỏa sáng trong tâm thức của người ngồi đối diện, và chỉ có thế. Judas thấy chỗ ngồi bên trái của Cấp Trên có đặt một hộp quà thắt nơ sang trọng, do tác động của thứ ánh sáng xanh lục của đèn trần mà gã không rõ màu sắc của cái hộp ấy, tuy vậy gã vẫn đoán mò là màu mỡ gà. Cấp Trên thấy gã nhìn chằm chằm cái hộp ấy, tên điên đó đặt một ngón trỏ lên hai cánh môi, như ngầm báo rằng tốt nhất không nên tò mò, tọc mạch.

Hai người ngồi nhìn nhau được khoảng nửa tiếng, Cấp Trên chợt cất tiếng kêu Judas ra về. Judas hy vọng tên điên này sẽ không thu thập dấu vân tay của gã hay biến gã trở thành nhân chứng ngoại phạm của mình.

Tiễn chân Judas xong, Cấp Trên bảo cận vệ đưa mình tới tư dinh Vệ gia. Trong hơi men nồng ấm, gã chợt nhớ đến một chuyện tình của đôi người dưng cách đây mười năm có lẻ:

Người hiến gan cho Vệ Minh năm ấy là An Kỳ. Rơi từ tầng cao xuống khiến cho lục phủ ngũ tạng của cậu ta bị tổn thương nặng nề, nhất là phần gan và lá phổi. Anh đã xin Vệ Úy để mình ghép gan cho người yêu, đổi lại, sau khi em ấy bình phục, hai người sẽ cắt đứt liên lạc.

Sau khi tỉnh dậy, Vệ Minh đã khóa chặt tâm hồn mình. Trong suốt quãng thời gian nằm viện, cậu nghe đi nghe lại bản nhạc "You needed me" do Anne Murray cất giọng hàng giờ liền mà không biết chán.

Có lẽ cậu ta đã rơi vào trạng thái "gây mê" chứ không phải bất tỉnh hoàn toàn, nên vẫn nhận thức được mọi diễn biến xung quanh mình...

- Venn!

Vệ Thanh đang đứng tựa lưng vào lan can nơi ban công của lầu một nghe điện thoại, nghe "tiếng gọi nơi hoang dã" thân thương ấy thì giật bắn mình. Không biết ai đã báo tin cho tên điên đó biết hắn đã trở về nhà.

- Cưng xem, tôi với cưng nào có khác Romeo và Juliet. Juliet của lòng ta ơi, cưng mau mở cửa cho ta vào đi. Bằng không thì... - Cấp Trên lấy một vật gì đó từ trong túi áo vest ra.

- Thì sao? Thôi, thôi, thôi, đừng có cầm micro đứng hát nữa... Mệt quá, vào nhà đi.

Cấp Trên nháy mắt, rồi le lưỡi trêu chọc người đàn ông Á Đông nhỏ hơn mình gần tám tuổi.

Hai gã bảo an mở cổng rào, rồi làm động tác mời Cấp Trên đi theo bọn họ. Mấy tay đàn em của gã trai tóc bạch kim cất tiếng trêu đùa hai người vài câu để làm vui lòng gã, bởi gã rất thích pha trò và nghe những lời bỡn cợt.

Vệ Thanh vẫn chưa xuống phòng khách, Cấp Trên bèn ngồi xuống ghế sô-pha nghỉ chân trong lúc chờ đợi. Tiếng đế giày nện xuống những bậc cầu thang xoắn ốc vọng vào tai gã càng lúc càng rõ. Gã nhấp một ngụm Hennessy VS Cognac, rồi tiếp tục dõi mắt nhìn chiếc cầu thang ấy.

- Đi ăn bò bảy món với tôi không?

Vệ Thanh liếc đồng hồ treo tường, đoạn nhấm nhẳng nói:

- Ăn giờ này cho hư bao tử à? Đi ăn hải sản đi.

- Hình như ăn mấy thứ đó vào giờ này rất dễ súc ruột.

- Không muốn đi chứ gì? Rồi, về đi. Tôi lên phòng ngủ đây.

- Đi chứ!

Cấp Trên hối thúc bé cưng mau lên phòng thay đồ mới, rồi nhanh nhẹn trở ra ngoài xe ngồi đợi. Gã không hề hay biết rằng, đằng sau lưng gã, người mà gã tưởng rằng không bao giờ ưa mình đang nhoẻn miệng cười thật tươi.

Khuya ấy có hai người đàn ông mặc áo vest khác màu tóc sóng vai nhau mà đi trên những vỉa hè vắng bóng người. Đôi lúc họ ngừng lại ngắm nghía cái chi đó, đoạn bước tiếp. Cứ thế cho tới khi gối mỏi chân chùn, hai kẻ gàn dở và cô độc ấy mới chịu ghé vào một quán nhậu ăn hải sản, uống bia hơi và nói chuyện phiếm giải khuây. Những năm tháng tuổi trẻ lại vơi thêm một con số...

oOo

Sớm thứ Ba, trong lúc Đặng Xương Tuyết đang đứng xem hái nhãn, điện thoại anh chợt đổ chuông. Số máy gọi tới lạ hoắc lạ huơ, nhưng bỗng dưng linh tính thúc giục anh hãy bắt máy.

- Tôi, Tuyết đây.

- Tôi, thầy Việt đây.

- Việt? Anh đang ở đâu?

- Anh rủ pháp y Cảnh ra quán cà-phê mà hôm Chủ Nhật hai người đã ghé được không?

Trần Cảnh Chiêu nghe Đặng Xương Tuyết báo tung tích của Phan Hoài Việt thì liền vội vàng xin về sớm, rồi hớt hải phóng xe về nhà.

Mới chạy gần tới nhà mà Trần Cảnh Chiêu đã thấy Đặng Xương Tuyết ngồi trên thành cầu đợi mình. Nhác thấy anh, chàng ký giả ấy liền vùng đứng dậy và hỏi:

- Cái quán cà-phê hôm bữa anh dẫn tôi đi tên gì nhớ không?

- Quán quen.

- Okay. - Đặng Xương Tuyết đội nón bảo hiểm, rồi ngồi lên xe của viên pháp y xứ miệt vườn.

Phan Hoài Việt gầy rộc người. Trên khuôn mặt thư sinh đã điểm thêm một lớp phong sương của đời trai phiêu bạt và một số vết sẹo nho nhỏ. Anh ta quải trên vai một cái ba-lô nặng trĩu màu đen, tay trái xách một kiện hành lý trông cũng nặng không kém cái ba-lô là bao.

- Lâu quá mới gặp, anh Tuyết... Còn đây chắc là... pháp y Cảnh?

- Nó đó anh. - Trần Cảnh Chiêu cười rộ lên, làm đôi mắt cong lại như hai mảnh trăng non.

Bản nhạc "Sóng chiều" do Anh Khoa trình bày vang lên giữa không gian quạnh vắng của quán cà-phê ế khách. Ông chủ quán nằm trên võng ngả lưng trong lúc đợi khách, dáng điệu hết sức nhàn tản và thong dong. Thấy khách bước vào, ông liền bật ngồi dậy; vừa xỏ dép vào chân vừa niềm nở tiếp đón:

- Mấy cậu dùng chi?

- Dạ, cho tụi cháu ba trái dừa xiêm.

Ông chủ quán tính tiền cho khách xong, liền ngoái đầu vào trong nhà mà kêu thằng con ra chặt dừa. Chừng năm phút sau, một cậu trai mặc quần đùi lính, áo thun nhà binh xách con dao mác từ trong nhà đi ra.

- Con ơi là con... Ba biểu con chặt dừa, chớ hổng phải chặt đầu. Con mang gương mặt đao phủ làm chi vậy hả?

Cậu lính biển gãi đầu cười trừ. Rồi nhanh nhẹn chặt dừa cho khách. Động tác của anh ta rất lanh lẹ và thuần thục, xem anh ta chặt dừa mà cứ như coi biểu diễn võ nghệ.

- Nó từ Hoàng Sa về. - Ông chủ quán tươi cười khoe thằng con với bọn họ. - Thứ Năm này đi rồi.

Bộ ba thay phiên nhau bắt tay với chàng lính biển, hỏi thăm anh ta đôi câu, rồi mới trở về bàn đã chọn mà ngồi bàn luận.

Đặng Xương Tuyết nói trước:

- Ai nói tuyến đường sắt Đà Lạt - Sài Gòn chỉ toàn phục vụ cho quan thầy Pháp là thứ đồ dốt lịch sử, ít đọc sách. Chỉ cần anh bỏ thời giờ ra đọc sách của cụ Hồ Biểu Chánh thôi, hay đọc sách của nhà văn Ly Châu, Đinh Tiến Luyện đi, anh sẽ biết được công dụng của tuyến đường sắt và hành khách đi chuyến tàu này là ai.

Phan Hoài Việt tiếp lời:

- Thật tiếc số kẻ thiếu hiểu biết về vấn đề này lên tới hàng vạn, và vẫn còn sẽ gia tăng trong tương lai nếu như Lịch Sử tiếp tục không được viết và biên soạn dựa trên hai yếu tố Khách quan và Trung thực. Nếu như anh thêm một chi tiết hay sự kiện nào đó vào trong Lịch Sử vì lý do cá nhân hay lợi ích bè phái, thì đừng bao giờ gọi nó là Chính Sử, mà nên gọi nó là Dã Sử, bởi Dã Sử chấp nhận chi tiết hư cấu và quan điểm phiến diện cá nhân, nhưng còn Chính Sử thì không.

Đặng Xương Tuyết bỗng đưa một trang báo cho hai người kia xem, rồi mới trình bày quan điểm của mình:

- Anh bảo vệ người mà anh yêu mến bằng những ngôn từ thô tục, dơ bẩn, thì chỉ tổ khiến cho kẻ không ưa cảm thấy người đó càng trở nên đáng ghét thêm thôi. Anh nói người đó sống nhân nghĩa đạo đức, mà hễ tranh biện về đời tư của người đó thì anh lại cấm những người tham gia bàn luận không được nói xấu, chỉ được nói tốt; nếu ai buông lời bình phẩm không hợp lỗ tai anh, anh liền lôi từ đường người ta ra mà chửi bới thậm tệ. Vậy theo anh, anh là hạng người gì?

Phan Hoài Việt tì cằm trên lòng bàn tay phải mà nghe người viết lách mình hằng hâm mộ nói, còn Trần Cảnh Chiêu chăm chú đọc nội dung in trên trang báo.

- Nếu anh viện lý do rằng người buông lời bình phẩm ấy không xứng đáng được anh tôn trọng thì anh lại mắc thêm sai lầm. Trước hết, mọi người đều có quyền bình đẳng, quyền được tự do trong ngôn luận và tư tưởng, thương hay ghét ai đó là quyền tự do của họ, anh không có cái quyền ép buộc người khác phải thích người mà anh yêu mến, cũng như tung hê hay tán tụng theo anh. Về vấn đề giao tiếp giữa hai bên, nếu người buông lời bình phẩm không sử dụng những ngôn từ xấu xí công kích anh hay người thân của anh, thì anh càng không thể viện lý do trên để làm cái cớ chống chế hành động văng tục đầy vô học của mình.

Trần Cảnh Chiêu xen vào:

- Luận điểm của anh bây giờ có mâu thuẫn với luận điểm mà anh đã nói với tôi dịp trước không?

Đặng Xương Tuyết mỉm miệng cười, rồi cất giọng giải thích:

- Như tôi đã nói rồi đấy, đa số những kẻ tranh biện với tôi hiện nay không lớn hơn tôi là bao, có kẻ chỉ đáng tuổi đứa em quá cố của tôi, nhưng lại chọn cách xưng hô "Tao - Mày" với tôi, cá biệt có đứa còn đòi làm bố tôi nữa. Tôi mà thấy những cách xưng hô như vậy, tôi sẽ lập tức rút khỏi cuộc tranh biện, bởi họ đã công kích cá nhân của tôi và không tôn trọng tôi ngay từ đầu, thì mắc giống gì tôi phải bỏ thời giờ ra ngồi biện luận với những kẻ vô học đó chứ? Thời gian của tôi là vàng, là bạc, nên tôi không thể lãng phí nó cho những đống phẩn dơ hình người đó đâu.

- Tôi hiểu ý của anh, nếu họ nói chuyện với anh đàng hoàng và lịch sự thì anh sẽ tôn trọng họ, còn ngược lại thì không. Anh Chiêu bắt bẻ điểm này là không đúng, bởi vì anh Tuyết trình bày về một tình huống khác, anh lại đòi giải thích ở một ngữ cảnh khác.

Trần Cảnh Chiêu và Đặng Xương Tuyết lắng tai nghe phần trình bày của Phan Hoài Việt:

- Tình huống mà anh Tuyết đề cập là những kẻ tôn sùng một vị chính khách quá đáng, hễ ai nói ra cái khuyết điểm của người đó thì liền nhảy cẫng lên chụp mũ bậy bạ và chửi thề, mạt sát. Khi có người khuyên lơn đừng nên ăn nói tục tĩu thì ra sức chống chế rằng người nói lên điều ấy không xứng đáng được mình tôn trọng; nếu người phát biểu câu ấy không hề đả kích đến anh ta hay thân nhân của anh ta, cũng như chưa có lời nào vô văn hóa với vị chính khách đó, thì hành động văng tục của anh ta chỉ tổ tự biến bản thân thành một kẻ ăn ngang nói ngược, cuồng si mù quáng và thiếu lễ nghĩa. Còn ngữ cảnh mà anh Chiêu đề cập là những kẻ sử dụng ngôn từ thiếu mực thước và ngang ngạnh, chưa gì mà chúng đã chụp mũ, thóa mạ và vu khống bất cứ ai trái quan điểm, lập trường và tư tưởng với mình bằng những lời lẽ hết sức dơ bẩn và phiến diện, thì anh Tuyết có quyền miễn tiếp đón chúng, cũng như không tôn trọng chúng, bởi lẽ ngay từ khi bắt đầu chúng đã không tôn trọng và cư xử đúng lễ nghĩa với anh ấy thì hà cớ gì ảnh phải nhọc công tôn trọng và gắng sức giải thích cho chúng hiểu.

Trần Cảnh Chiêu nhếch miệng cười:

- Tôi chưa tâm phục khẩu phục...

- Cái câu "không xứng đáng được tôn trọng" có thể áp dụng trong hai hoàn cảnh: Một là Hoàn cảnh Riêng và Hai là Hoàn cảnh Chung. Hoàn cảnh Riêng tức là sao? Tức là như vầy: Đối phương không tôn trọng mình trước, bằng các hành vi như ăn nói vô văn hóa, chụp mũ bậy bạ, vu khống và mạt sát thậm tệ, vân vân. Hoàn cảnh Chung tức là sao? Tức là như vầy: Đó là các thành phần phạm vào tội như phản quốc, phản thầy hại bạn, bất hiếu với đấng sinh thành và tổ tiên, bất nghĩa với bạn bè đồng liêu và bội ước bội tình, vân vân. Ở tình huống của anh Tuyết lập ra, người thốt lên câu này đã vi phạm vào phép tắc ứng xử văn minh, nên anh ta không thể sử dụng câu này. Còn ở ngữ cảnh của anh Chiêu, anh Tuyết không làm gì sai trái cả nên có thể sử dụng câu này để đối phó với bọn vi phạm phép tắc ứng xử văn minh với mình.

Trần Cảnh Chiêu nghe dứt tiếng, liền vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt:

- Chúa ơi, hai nhà hùng biện đại tài đang ngồi ngay trước mặt con. Hai người mà làm luật sư chắc bọn tôi mệt dữ đa.

Hai người kia nghe vậy chỉ biết lắc đầu cười trừ. Dòng nước dừa thanh mát cũng chẳng thể xoa dịu cơn khát của họ, nên mỗi người kêu thêm một ly nước mía hạnh cỡ lớn nhiều đá.

Đặng Xương Tuyết ngồi đợi nước mía mà lòng nhớ tới những dòng bình luận tục tĩu khi tranh biện không lại người ta của đám người ấy, ruột gan bỗng dưng quặn thắt. Không biết kẻ nào đã khiến cho một số người trẻ tuổi nghĩ rằng văng tục mới thể hiện cá tính, nói năng chụp mũ mới là thông tuệ, và hăm báo cảnh sát mới chính danh yêu Nước. Nhắc tới nhóm chữ "Hăm báo cảnh sát/chính quyền" lại càng nực cười, kẻ thốt lên câu đó đâu có khác đứa trẻ đánh không lại đứa bạn cùng lớp rồi chỉ biết đứng mếu máo khóc và hăm, "Tao về tao méc má tao nè."

- Còn thêm một hạng người nữa, chỉ giỏi rống mỏ chửi những người liều sống liều chết vượt biển tị nạn, chứ còn đám súc sanh quan chức tham nhũng lấy tiền của dân để đi định cư nước ngoài và ăn chơi phè phỡn thì không dám hé răng chê trách. Cái thứ đó vĩnh viễn không nhận được một gram tôn trọng từ tôi. Anh biết đó là tội gì không anh Việt?

- Tội đó thuộc Hoàn cảnh Chung, có tên là "thượng đội hạ đạp", đám này không khác chi bọn nịnh thần thời phong kiến, suốt ngày cun cút bảo vệ chế độ cầm quyền và tìm cách triệt hạ những ai bất đồng chính kiến với chính quyền vì sợ sẽ mất đi chỗ tác oai tác quái và kiếm ăn của mình.

Trần Cảnh Chiêu nhún vai, rồi nhếch miệng cười bảo:

- Có nhiều kẻ không chịu hiểu câu "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách", nên hễ ai bàn luận Chính trị là lại chụp mũ người ta rảnh hơi hay "phản động". Chừng nào bọn chúng chịu hiểu ra, thì chừng đó cái đầu mới thôi u mê và bớt chụp mũ người có chính kiến và dám nghĩ khác. Hai anh chắc cũng biết đến hai chữ "Khai phóng" phải không?

- Rất tiếc, nhiều người không muốn "Khai phóng", họ chỉ muốn an phận thủ thường... - Đặng Xương Tuyết cười buồn.

- Rồi chừng nào lửa lan tới nhà thì bù lu bù loa lên và chỉ biết ngồi đó than Trời trách Đất chứ chẳng dám chửi thẳng mặt thằng gây ra cơ sự... - Phan Hoài Việt bồi thêm.

- Anh đã biết tại sao cụ Bùi Giáng điên chưa? - Đặng Xương Tuyết hỏi người giảng viên trạc tuổi mình.

- Tôi không biết.

- Tôi cũng vậy. Điên thật hay điên giả hay điên do thông minh quá hóa khùng hay điên do thất tình phẫn chí thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ. Riêng tôi biết mình điên thật, bởi khi tôi viết ra những dòng chữ này, tôi không có ai đồng hành cùng tôi hết.

Trần Cảnh Chiêu tếu táo nói:

- Có giả thuyết cho rằng năm lên hai tuổi, cụ bị té bể đầu suýt chết nên để lại di chứng sau này. Còn anh?

- Kể từ ngày đời rọi cho tôi ánh dương sáng lóa, răn tôi theo những phép tắc khả kỳ mà bọn hèn luôn cho là đúng, lúc đó tôi đã lùi lại vô vàn bước để không thỏa hiệp với chúng, và tôi đã bị cô lập đến phát điên. Các anh hiểu được bao nhiêu chữ mà tôi đã thốt ra hả anh Chiêu, anh Việt?

Đặng Xương Tuyết ném điếu thuốc hãy còn cháy dở vào thùng rác, rồi đổ nước lên dập tắt nó.

- Cho nên, cùng chung chí hướng thì đi với tôi. Còn không, xin đừng làm phiền nhau nữa.

Trần Cảnh Chiêu và Phan Hoài Việt níu lấy tay của Đặng Xương Tuyết. Chàng pháp y nói trước:

- Bất quá thì chết thôi. Miễn sống không hổ thẹn với hồn thiêng sông núi nước Nam là được rồi.

- Phải a. Tụi mình sẽ cùng nhau kết nghĩa kim bằng.

- Chịu nổi tính tôi thì đi theo tôi. - Đặng Xương Tuyết quàng vai hai người bạn. Kể từ giờ phút này, ba người cùng chung một xuồng, chịu chung một kiếp nạn và nương dựa nhau không câu nệ lễ tiết.

Sau khi rời quán cà-phê, ba người rủ nhau vào quán cơm bình dân ven đường, xem như là bữa cơm kết nghĩa kim bằng.

Bà chủ quán đương xem bộ phim "Huynh đệ song hành", nhạc phim vừa mới trỗi dậy được vài câu; lời Việt của ca khúc này do nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện sáng tác, có tựa đề là "Người cùng cảnh ngộ", Đặng Xương Tuyết đã từng nghe qua giọng hát của ca sĩ Như Quỳnh.

- Nghe nhạc nghen?

Trần Cảnh Chiêu và Phan Hoài Việt gật đầu cái rụp.

"Cuộc đời này thật là rắc rối

Làm sao biết sống cho vừa

Và lòng người còn nhiều ngăn cách

Làm con tim anh e dè..."

Trần Cảnh Chiêu lấy tay trái đỡ má, những ngón tay phải nhịp trên mặt bàn inox xước xác và trơn bóng, hăng hăng mùi nước chấm và đồ ăn, thức uống dây ra lâu ngày tích tụ lại.

Phan Hoài Việt thì xịt nước sát trùng lên mặt bàn, những hạt nước li ti thơm mùi cam ngọt và không hề gắt mũi xíu nào. Anh vừa lau khô mặt bàn, vừa huýt sáo theo điệu nhạc vui tai và thấm đẫm triết lý nhân sinh.

Đợi chừng mười lăm phút, nhân viên bắt đầu dọn bàn ăn cho họ. Một tộ cá thu kho khóm, một dĩa cá bống chiên bột, một dĩa tôm rang và ba tô canh chua chay nấu với bông điên điển.

- Chừng nào anh mới đi dạy lại?

- Khoảng đầu tháng Chín.

- Vậy anh có thể ở chơi thêm hai tháng nữa. Anh ngủ chung giường với anh Tuyết có tiện không?

Phan Hoài Việt vừa bới cơm, vừa gật đầu.

Đặng Xương Tuyết thấy đồ ăn không đủ, bèn đi kêu thêm một dĩa lạp xưởng. Trần Cảnh Chiêu dõi theo bóng lưng anh ta với một nụ cười không rõ ẩn ý; anh thừa biết thầy Việt đang nhăn mặt nhìn mình đầy vẻ không hài lòng.

Phan Hoài Việt chợt nói:

- Đại văn hào Oscar Wilde đã từng nói: Không có một cuốn sách đạo đức hay phi đạo đức, chỉ có một cuốn sách viết tệ hay viết giỏi. Vậy thôi.

Đặng Xương Tuyết thấy chủ đề yêu thích, bèn cất giọng bàn luận:

- Rất nhiều kẻ hễ nghe nhắc đến quá khứ nước mình là vội vã xua tay, lắc đầu bảo hãy để quá khứ qua đi. Keigo Higashino đã từng mượn đoạn kết của "Hoa mộng ảo" để trình bày quan điểm của mình, đại khái như vầy: Có những "di sản" mà chúng ta thừa kế từ ông cha không mấy tốt đẹp; chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể học từ quá khứ để xây dựng tương lai rực rỡ hơn.

- Cũng bởi vì nhắc đến quá khứ nước mình mà "Pinball, 1973" của Haruki Murakami không được cấp phép phát hành ở nước mình. May mắn thay, bộ trưởng Giáo Dục Đới Kiều Nhu đã đồng ý xem xét lại vấn đề này. - Phan Hoài Việt gật gù.

- Rất nhiều nhà văn Nhật đã viết về quả báo và tội ác của những người lính Nhật tham gia hồi chiến tranh thế giới, như "Biên niên ký chim vặn dây cót", "Cuộc săn cừu hoang" của Haruki Murakami, "Khu vườn mùa Hạ" của Kazumi Yumoto,... Gặp mà họ sinh trưởng ở nước mình chắc bị quy chụp là thành phần phản động hay phản quốc rồi.

Trần Cảnh Chiêu bỗng hỏi gã văn sĩ điên:

- Rời khỏi "vùng an toàn", anh có sợ không?

- Không. Nếu muốn nền văn học nước nhà bứt phá, thì anh phải làm gương, chứ đừng chỉ đứng nói suông.

Rời khỏi quán cơm bình dân vào lúc sáu giờ tối, trời hãy còn sáng bửng, mặt trời mãi còn dụ dự chưa chịu tắt nắng nên khung cảnh đắm trong sắc hoàng hôn rất đỗi dịu dàng. Chiếc xe Mazda mà Phan Hoài Việt được tặng cứ thế lướt đi trong biển ánh sáng tuyệt đẹp ấy.

- Tôi cần lật lại vụ hỏa hoạn nhà họ Vệ. - Trần Cảnh Chiêu bật bản nhạc "Tình băng giá" do đôi song ca Nguyễn Hưng - Như Quỳnh lên nghe. Hôm nay là ngày kỷ niệm anh và người yêu chia tay nhau. Nàng không chấp nhận nghề nghiệp của anh, anh không chịu đựng nổi thói đỏng đảnh của nàng, thế là họ thẳng thắn nói lời biệt ly với nhau.

Phan Hoài Việt đánh tay lái sang trái để lách cái ổ gà, con đường đất trơn trượt khiến cho chiếc xe bị loạng choạng. Những cây cầu chật hẹp khiến cho việc lái xe của anh thầy giáo trở nên khó khăn khôn cùng; anh băng qua chừng bảy cây cầu mới tới được nhà của viên pháp y họ Trần. Vì không rành đường nên anh chạy rất chậm hòng tránh bị lọt mương hay lao vào bụi cây mọc dại.

Trong nhà vẳng ra tiếng hát của bác Hùng Cường và cô Quỳnh Giao trong ca khúc "Nắng chiều", nội đương hái trái na và mãng cầu, cái thau nhựa hãy còn rộng hơn phân nửa.

- Nội ơi! Con về rồi!

- Ờ, tao nghe rồi... Í! Ai đây?

Nội thấy nay nhà có thêm khách, liền hối cô Bưởi ra phụ khách khiêng đồ vào nhà. Nhưng anh Hai của Cảnh Chiêu đã cản chị lại, rồi nói chị ngồi đó nghỉ ngơi đi, để anh làm giùm em.

Phan Hoài Việt trao nội một cọc tiền dày cộm, đoạn thưa:

- Thưa nội, con và anh Tuyết đây sẽ làm phiền gia đình nội khoảng ba tháng, nên chút đỉnh tiền này tụi con xin gửi nội để phụ đóng các khoản phí sinh hoạt hằng ngày.

- Nhiêu đây?

- Dạ, mỗi đứa hùn hai ngàn rưỡi.

- Dữ hôn! Cái nhà tao đâu phải khách sạn hay khu nghỉ dưỡng hạng sang đâu mà bây đưa nhiều vậy? Đã thế hai đứa lại còn phải chen chúc trong cái phòng bé như cái lỗ mũi nữa... Nè, cầm lại phân nửa đi, không thôi tao giận là tao hổng cho tụi bây ở lại đây đâu.

- Thưa nội, tiền tụi con đưa nội còn bao gồm cả tiền ăn nữa, nên nhiêu đây hãy còn quá ít. Lương tháng của tụi con không đủ để trả nhiều hơn...

Nội khoát tay:

- Yên tâm, nhà tao ruộng vườn bao la, nên cơm gạo không tốn tiền đâu. Muốn ăn gì thì cứ ra sau vườn mà hái, mà bắt. Tao "thầu" tụi bây ba năm còn nổi, chớ đừng có nói là một quý.

Nội "đâu", "đâu" một hồi mà vẫn không làm lay chuyển ý định của hai người khách phương xa, đành càu nhàu lấy tiền đem cất. Nội tính sẽ nhờ thằng cháu đêm hôm lén nhét vào rương hành lý của họ, hoặc nếu họ phát hiện và cự nự thì số tiền này nội sẽ đem đi tặng cho bệnh nhân khốn khó trong vùng.

Ông Trần trầm tính hơn cậu Ba, thấy nhà có thêm khách thì chỉ nhoẻn miệng cười và gật đầu chào một cái rồi trở ra vườn coi sóc đám thanh long.

Lối khoảng tám giờ hơn, nội biểu cô Bưởi dọn bữa tối cho cháu mình và hai người bạn Nam Kỳ Lục Tỉnh. Vì trong khách phòng có để sẵn bộ ngựa, nên chỉ cần đặt chiếc bàn thấp lên trên mặt ván, phía dưới đ** bàn trải một tấm lót bằng mũ là xong. Ba người sửa soạn bàn ăn xong xuôi, kế đó chị mới bưng lên một mâm đựng ba tô bánh canh bột lọc nấu cá lóc và ba chén nước mắm ớt bằm. Bàn tay chị thoăn thoắt sắp các thứ lên bàn, những ngón tay của chị đã chai sần và thô kệch dù tuổi đời vẫn còn khá trẻ.

- Mọi người đợi tôi xíu nghen.

Cô Bưởi pha cho mỗi người một ly nước thốt nốt mát lạnh, những miếng cơm thốt nốt màu trắng đục nằm chen lẫn với những viên đá vuông trông thật đẹp mắt.

- Rồi, vào đề. - Trần Cảnh Chiêu chắp tay. - Bắt đầu từ nhà họ Vệ. Năm cậu Minh nhảy lầu tự sát.

- Tôi nghe đâu cậu ta bị ép làm nhân chứng trong vụ tố cáo ông Vệ buôn lậu vũ khí. Để tránh cho mục đích của cuộc tự sát bị lộ, ông Vệ đã dựng chuyện cậu Hai biển thủ ngân quỹ tập đoàn rồi đổ oan cho cậu Út, để chứng minh bản thân trong sạch, cậu Út chọn cách tự sát. - Phan Hoài Việt bỗng cung cấp tin tức đắt giá.

Trần Cảnh Chiêu cho một muỗng ớt bột vào trong tô cháo và hỏi:

- Vậy là ông ta hãm hại cả hai đứa con trai của mình sao?

- Không, cậu Út chấp nhận thông đồng với cha mình để đạt được điều kiện đã đề ra với ông ta.

- Điều kiện gì?

- Tôi không biết.

- Điều kiện gì mà tới nỗi dám coi mạng mình như cỏ rác vậy?

- Anh ấy đã nói, "Je ne sais pas" mà. - Đặng Xương Tuyết chen vào để chấm dứt chuỗi câu hỏi thừa thãi ấy. Ngoài trời mưa rơi lâm râm, những hạt mưa nhỏ táp vào những khoảng trống của ô cửa sổ lá sách như muốn tưới ướt ba người.

...

Sáng hôm sau, hai người khách xa nhà ngồi ngoài hàng ba ăn điểm tâm bằng món chuối nếp nướng nội mua. Trần Cảnh Chiêu đã đến nhà xác vào lúc một giờ sáng, để đi làm bù giờ.

Họ vừa dạm bước xuống nhà bếp rửa tay, thì bỗng nghe con Phidel sủa váng lên ở sân trước. Tiếp sau đó là tiếng động cơ của chiếc xe Air Blake xanh dương.

- Ô, hai người dậy rồi à? Đợi tôi tắm rửa, gội đầu rồi ra nói chuyện nghen.

Hai người chưa kịp ừ hử chi sất, viên pháp y đã lao vào buồng ngủ của mình để soạn đồ đi tắm gội. Đặng Xương Tuyết bèn dẫn chiếc xe Air Blake vào nhà xe thay cho anh chàng hấp tấp ấy.

- Xe của cậu dính sình lầy dơ quá. Muốn xịt nước lau hông? Tôi làm giùm cho. - Cậu Ba đang móc mương cách chỗ nhà xe chừng mấy mươi mét bỗng ngẩng lên hỏi Phan Hoài Việt.

- Dạ thôi. Cậu Ba cho con mượn vòi xịt được hôn? Con muốn tự rửa lấy.

- Trời đất quỷ thần ơi, gì mà hổng được hả bây? Cứ xài tự nhiên nghen cậu... À mà khoan, cậu đem xe lại gốc cây nhãn "bự con" nhứt vườn mà rửa nha, để sẵn tay tưới nước cho nó luôn. Độ rày nắng gắt quá chèn, lá nó héo queo hết trơn hà. Má tôi cưng cây nhãn đó như con đẻ, tại nó đã ở với bả và ông già tía tôi cho đến khi ổng bịnh mất... Nó mà chết chắc bả buồn lắm...

- Dạ, con cảm ơn cậu Ba rất nhiều.

Phan Hoài Việt rửa xe được hơn nửa chiếc thì Trần Cảnh Chiêu tắm xong. Anh ta ngồi chồm hổm ăn chuối nếp nướng chấm nước cốt dừa có rắc đậu phộng bùi béo; tay trái "đeo" một túi nylon đựng bịch cà-phê đen đá mua ở căn-tin nhà thương, lâu lâu nâng lên hút một ngụm.

- Có nhiều người thường hay vỗ ngực tự xưng "sĩ phu Bắc Hà", nhưng cách ăn nói và ứng xử chẳng khác nào tự tát vào mặt mình. - Trần Cảnh Chiêu bình phẩm.

- Người xứng đáng được gọi "sĩ phu Bắc Hà" với tôi chỉ có ông Nguyễn Đình Toàn. - Đặng Xương Tuyết hơi nhếch miệng.

- Tại sao?

- Nguyễn Đình Toàn thường xuyên đưa ra ý kiến canh tân nền khoa giáo nước nhà. Đáng buồn thay, mọi ý kiến của ông ấy đều bị bác bỏ và vu cho cái danh "Chống phá chế độ" và "Phản động". Sau bao nhiêu năm trường bị đối xử bạc bẽo và hắt hủi, ông ấy đã rời khỏi Quê Hương, đi sang Hoa Kỳ định cư. Trong những năm tháng tiếp theo ấy, mang theo nỗi đau của kẻ sĩ yêu Nước và Dân tộc bị chà đạp bằng những ngôn từ xuất phát từ vô số cái đầu định kiến cổ hủ và thù hận, ông ấy đã phẫn uất mà sáng tác hàng loạt ca khúc như "Tôi cố bám lấy Đất Nước tôi", "Tôi còn trẻ", "Mai tôi đi",... để tỏ rõ tấm lòng son sắt với nước non và đồng bào. Cuộc đời ông ấy không theo một chế độ nào hết, ông ấy chỉ đi theo tiếng gọi "Khai dân trí" cho Dân Tộc và kiến tạo nét đẹp trong thơ văn nước nhà.

- Tôi có đọc thơ của ông ấy. - Trần Cảnh Chiêu đã từng nghe qua giọng nói trầm ấm của người thi sĩ tài danh qua một số bản nhạc Vàng.

- Suốt ngày cứ ra rả quên đi quá khứ, xóa bỏ thù hằn mà nội dung biên soạn trong sách Quốc Văn toàn hận thù chém giết thì coi sao được? Tôi thấy đáng lý nên đem tác phẩm của Bùi Giáng, Du Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Đình Toàn, Hồ Biểu Chánh,... vào chương trình giảng dạy mới đúng; cần khai phóng có khai phóng, cần nhân bản có nhân bản, cần dân tộc có dân tộc, thậm chí có cả tính triết lý đặc sắc và "thoát tục" nữa. - Sau câu nói ấy, Phan Hoài Việt ngừng rửa xe, rồi mở cốp lấy giẻ lau ra lau chiếc xe.

Đặng Xương Tuyết ngỏ lời giúp cậu Ba móc mương bồi đất. Cậu Ba từ chối ngay tắp lự, rồi biểu anh lại đằng võng mà nằm nghỉ đi. Song anh không chịu, cậu Ba đành nhờ anh đi nhặt trứng gà, trứng vịt và trứng cút nằm rải rác trong khu vườn rộng lớn. Anh chưa kịp cắp rổ đi lượm thì đã bị Trần Cảnh Chiêu "hú" vô nhà, anh ta nói tay anh đang bị bong gân thì đừng nên cử động nó liên tục. Rồi rốt cuộc, anh phải lên võng mà nằm nghỉ. Ông cậu và cháu trai mới yên lòng mà không kêu réo nữa.

Phan Hoài Việt vừa lau xe, vừa mường tượng tới giọng nói của người đàn ông mặc áo gilê đen và quần tây cùng màu. Anh ta dặn anh nhớ cẩn thận với kẻ mang biệt hiệu Thanh Tùng; nghe đâu hắn ta vừa tráo trở, vừa lật lộng, lại có thói a dua theo kẻ đang thắng thế để cậy oai, người như vậy trước hay sau, sớm hay muộn cũng sẽ bán đứng gia đình lẫn bạn bè để đạt được mục đích của mình. Anh ta còn nói thêm, tay này đã từng đấu tố không biết bao nhiêu thành viên của băng đảng nhằm tạo dựng lòng tin với ông chủ. Hắn ta còn có biệt tài "đá giò lái", tức là hễ thấy tranh luận sắp thua thì liền "vọt" sang chủ đề khác hòng đả kích người đương phản biện với mình, và mặc dầu trò tiểu xảo này luôn giúp hắn ta thắng cuộc, nhưng đồng thời nó đã khiến hắn bị một số anh em coi rẻ và khinh bỉ, số còn lại sống nhờ miệng lưỡi của hắn thì ngậm tăm thỏa hiệp. Sau một hồi ngẫm nghĩ, anh quyết định kể lại cho hai người bạn hay.

- Thanh Tùng? - Trần Cảnh Chiêu ngạc nhiên hỏi thầy Việt.

- Phải.

- Bên phía tướng Vân đang giữ một người tên Thanh Nguyệt. Vậy ra những tướng lãnh cấp cao trong tổ chức đều có chữ đầu là "Thanh"...

Đặng Xương Tuyết không bình phẩm chi cả. Anh ta đưa mắt ngắm những bông hoa nắng điểm trên vòm lá nhãn dày, nụ cười trên môi gã văn sĩ điên thanh thản khôn cùng.

- Anh Tuyết.

- Ơi?

- Anh nghĩ sao? - Trần Cảnh Chiêu nheo mắt hỏi dò.

- Tôi không nghĩ chi hết...

- Ồ, thì ra anh đang tập làm văn.

- Phải. Nơi đây thật yên bình và mộc mạc, rất dễ gây trong tôi hứng khởi sáng tác thơ văn.

Trần Cảnh Chiêu đột nhiên đề nghị tới nhà cậu Út họ Vệ, cậu ta có một căn biệt thự nằm gần đường ra bãi biển Gành Hào. Nếu như cậu ta không cho họ vô, thì sẵn dịp ra bãi biển chơi và thăm làng muối vậy. Chỉ tiếc cổ tay của Đặng Xương Tuyết hãy còn bong gân, nên không thể rủ chơi đánh bóng chuyền được.

Trên đường tới đó, Phan Hoài Việt tắp vào cây xăng đổ thêm xăng cho máy xe chạy êm và tránh bị "giảm tuổi thọ". Đặng Xương Tuyết xin phép anh quản lý cho mình chụp vài pose ảnh về anh và cây xăng đặng làm tài liệu viết phóng sự đăng báo, anh ta vui vẻ chấp thuận ngay lập tức. Còn Trần Cảnh Chiêu thì đi kiếm đám huynh đệ của Tô Khất Nhi để tìm thêm tin tức; mỗi người trả lời câu hỏi của anh đều được cho tiền.

Đặng Xương Tuyết bước tới nhấn chuông. Không đầy mười phút, cậu Út nhà họ Vệ ra mở cửa. Cậu ta trông tròn trịa hơn lúc trước rất nhiều.

- Ủa, anh Tuyết?

- Bọn tôi có thể hỏi cậu vài câu được không?

Vệ Minh hơi nhếch miệng cười:

- Được thôi. Mời vào.

Phòng khách nằm dưới khoảng thông tầng nên gió và nắng từ trên trần thi nhau ùa xuống gian phòng. Chính giữa gian phòng đặt một bộ ghế sô-pha quây thành hình chữ U đủ chỗ cho người hai người ngồi.

- Các anh dự tiệc với vợ chồng tôi nhé?

Trần Cảnh Chiêu mới há miệng, chưa kịp phát âm được chữ gì, thì Vệ Minh đã chen vào bồi thêm:

- Biết đâu "rượu vào lời ra", các anh sẽ lấy được tin tức muốn biết thì sao?

Một đòn tâm lý giáng thẳng vào sự nghi ngờ của Trần Cảnh Chiêu, anh ta lắc đầu tỏ ý chịu thua, rồi góp lời khuyên hai người bạn hãy ở lại ăn tiệc với mình và vợ chồng cậu Út. Không muốn cho bạn phiền lòng, nên hai người đành gật gù nghe theo.

Vệ Minh nhờ người giúp việc sửa soạn bàn ăn, rồi gọi điện đặt thêm đồ ăn ở nhà hàng. Cậu nói chuyện trong điện thoại mất gần nửa giờ đồng hồ, do đặt nhiều món quá nên người ghi đơn phải dò hỏi kỹ càng, cũng như xem xét thái độ người đặt hàng là thật lòng hay chỉ muốn gây rối.

- Pháp y, giảng viên và ký giả? - Vệ Minh trỏ tay vào từng người. Ba người lần lượt cất tiếng xác nhận nghề nghiệp của mình.

An Kỳ đứng trên tầng một ngó xuống phòng khách. Anh đương tập tạ thì nghe thấy tiếng người nói lao xao nên ngừng tập và bước ra đây quan sát, đặng kịp hỗ trợ cho vợ yêu.

- Cưng đó à? Mau đi tắm rồi xuống đây nhập tiệc với mọi người cho vui.

- Tuân lệnh!

Trần Cảnh Chiêu hình như đã phát hiện được điều gì lý thú lắm, nên cứ cười tủm tỉm hoài.

- Chồng tôi.

- Khụ... - Phan Hoài Việt bị sặc nước trà nên ho sặc sụa. Nhìn anh ta không khác chi ngài Phan Thanh Giản lúc uống thuốc độc tuẫn tiết.

- Không sao chứ thầy Việt? - Vệ Minh ân cần hỏi thăm.

- Ờ... khụ... khỏe... khụ...

Vệ Minh thấy Phan Hoài Việt đã bớt ho, cậu mới mời cả ba ra ngoài hiên nhập tiệc. Ở đấy đã bày sẵn một bàn tiệc trang trọng, bàn ăn thuộc kiểu bàn tròn kính xoay, chính giữa bàn đặt một chậu hoa vải rất đẹp và sặc sỡ, còn trên bàn kính thì để đầy các món ăn khai vị, và bên dưới mặt bàn gỗ có phủ tấm khăn trải bàn thì sắp sẵn chén, đũa, muỗng, nĩa và khăn lau cho năm người.

Cậu phụ bếp thấy cậu Út và các vị khách quý đã ổn định chỗ ngồi, bèn bưng khay đồ uống lên. Phan Hoài Việt bị "bệnh nghề nghiệp" nên thấy mặt cậu ta liền hỏi đang học ở đâu và theo khoa nào. Thấy ông thầy nổi tiếng khó tính và lắm lời nhất trường mình, cậu ta hơi "khớp", song cũng ráng gượng làm vui mà trả lời các câu hỏi của ổng.

- Các món khai vị thì tôi để đầu bếp trong nhà chế biến, còn món chính và món tráng miệng thì tôi đặt ngoài nhà hàng cho nhanh... Ai muốn ăn trước thì cứ tự nhiên gắp nhé?

Trần Cảnh Chiêu lấy cớ đợi chồng của Vệ Minh xuống ăn chung cho vui, rồi đi thẳng vào vấn đề luôn:

- Tôi có một chuyện cần kíp rất mong cậu giải đáp...

- Chi?

- Tại sao hồi đó cậu lại nhảy lầu tự tử?

Vệ Minh hơi nguýt môi, như thể đang tự giễu chính mình. Rồi nhìn thẳng vào mắt vị pháp y xứ "Công tử Bạc Liêu" mà nói:

- Buồn chuyện gia đình.

- Tôi nghe nói cậu tốt nghiệp Cấp Ba theo kiểu thi nhảy lớp... . Chu𝗒ê𝘯 𝐭𝘳a𝘯g đọc 𝐭𝘳u𝗒ệ𝘯 [ TRU 𝑴TRU𝘠ỆN.ⅴ𝘯 ]

- Phải. Sau đó tôi ghi danh vào một trường Cao đẳng cộng đồng rồi chuyển tiếp lên Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn để học về khoa Tâm lý học.

- Cậu tốt nghiệp Đại học chưa?

- Rồi. Hồi năm ngoái. Tôi học Đại học theo dạng "online", nhưng xin thi cử và làm bài kiểm tra tại trường để chứng minh tính trung thực về học lực của bản thân.

- Cậu không tham gia quân dịch?

- Phải. Sức khỏe của tôi không cho phép.

- Cậu có sử dụng đến bằng cấp của mình không?

- Không. - Cậu cúi đầu nghĩ ngợi đôi ba giây, rồi ngẩng mặt lên bồi thêm. - Rất đáng tiếc là không.

Trần Cảnh Chiêu thấp giọng cảm ơn. Cậu trai "con nhà giàu" ấy bỗng gắp cho anh một nhúm gỏi rong nho, rồi giục hai người bạn của anh hãy cùng mình và anh thưởng thức các món khai vị. Anh hiểu cậu ta muốn ngầm bảo anh ngậm miệng lại.

An Kỳ cất giọng chào hai người khách lạ, rồi quay sang bắt tay với Đặng Xương Tuyết. Anh chàng ký giả không tỏ thái độ vồn vã hay vô cùng mừng rỡ, anh ta chào anh bằng cái gật đầu thật nhẹ và nở nụ cười mỉm chi đầy thân tình.

- Tôi là An Kỳ. Chồng của Minh.

- Rất hân hạnh được làm quen với anh. - Trần Cảnh Chiêu và Phan Hoài Việt đồng thanh nói.

- Sao đồ ăn trên bàn còn y nguyên vậy? Không hợp khẩu vị của các anh à?

- Họ nói muốn chờ cưng xuống ăn chung cho vui.

- À... - An Kỳ chống cằm nhìn vợ yêu, anh hiểu vợ mình đang nói móc bộ ba kia.