Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội: Mầm Xanh

Chương 41



41.

Nếu đời người giống như pháo hoa, chỉ rực rỡ trong phút chốc, rồi lại quay trở về bóng tối u ám thì ta thà làm những vì tinh tú nhỏ bé trên trời cao. Dù sáng yếu ớt nhưng có thể sáng mãi mãi.

Đó là câu trích đoạn Mi tâm đắc nhất trong cuốn truyện mà cũng là em ấy yêu thích nhất. Và mỗi khi ở bên nhau, tôi càng thấm thía rằng, cuộc đời này chỉ là tạm bợ. Theo đó, cái nổi danh oanh liệt trong phút chốc thật sự rất bạc bẽo. Rằng đời người nếu chỉ mưu cầu những chớp nhoáng trước mắt mà không có những hoài bão xa vời thì chẳng khác nào nước bẩn từ mái nhà đang rơi. Đêm nay, mưa róc rách. Những hạt nước dơ dáy ấy không biết từ đâu đến bất ngờ rơi xuống khắp nơi, khiến mọi thứ ướt đẫm. Mưa lớn đến mức con đường hẻm bên ngoài đã ngập lên tới hơn mắt cá chân. Lúc này mà ra ngoài đường chỉ có bán mạng cho hà bá. Tôi nói đùa với Mi là vậy đó, và như thế, tôi đã giữ được chân em. Bấy giờ, khi đồng hồ điểm chín giờ tối, lúc Thố đã ngủ say, chúng tôi ngồi ngắm mưa bên ngoài hiên cửa. Thật lạ lùng thay vì sự bình an lại lặng lẽ xuất hiện đột ngột, mà trái ngược với bên ngoài, tiếng mưa rào rào vỗ vã. Nó len lỏi vào lồng ngực vốn tôi tưởng rằng đã trống rỗng, nay lại khiến tim đập thình thịch. Và cùng lúc đó, những ngón tay thanh mảnh, nhỏ nhắn và trắng trẻo như búp măng non của Mi cũng luồn qua kẽ hở tay tôi. Em gối đầu lên vai tôi, dùng đôi mắt long lanh nhìn ngắm vô vàn hạt mưa đục ngầu đang vỡ ra trước mắt. Mi thấy gì ở đó? Nỗi buồn hay sự tĩnh lặng yên bình giống như tôi? Vì đêm và cơn mưa đã khiến cả thế gian quay về với sự u ám của bóng tối. Nhờ thế, tôi càng lúc càng thấy nhẹ nhõm. Đôi khi, tôi ước có một ngày nào đó, mặt trời không còn mọc lên nữa. Có lẽ, Mi không nhớ rằng chẳng có ngôi sao nào sáng vĩnh viễn cả. Tất cả chúng đều sẽ chết, một lúc nào đó. Và có thể, thứ ánh sáng mà chúng ta đang nhìn thấy cũng chỉ là dư âm sau sự hủy diệt tận cùng. Kể cả mặt trời cũng không tồn tại vĩnh viễn.

"Em rất thích được ở bên cạnh anh. Bây giờ cũng vậy, sau này cũng vậy. Kể cả cho dù tương lai có xuất hiện những vật đắt tiền nhất, thì cũng không quý giá bằng ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất, đôi bàn tay của chúng ta vẫn luôn nắm lấy nhau."

Sự dịu dàng của Mi làm tôi ước mơ. Vốn là kẻ mơ mộng, tôi làm sao có thể thoát khỏi vẻ mê hoặc về một tương lai đẹp đẽ cùng với người con gái mà mình yêu thương nhất. Rằng, chúng tôi sẽ mãi mãi không bao giờ rời bỏ nhau. Và tôi sẽ được ở bên thiên thần của mình, được yêu thương em một cách trọn vẹn, tới thời khắc vĩnh hằng. Tình cảm của Mi đã khiến tôi lần đầu tiên trở thành kẻ ngây dại nhất trần đời, để rồi chìm đắm trong giấc mộng huyền ảo. Ngỡ như nó không lối thoát, cũng như không thể vẫy vùng. Tôi cũng muốn mình thật sự bị nhấn chìm trong sự vọng ảo dịu dàng đó của nơi em. Nhưng cuộc đời tàn nhẫn. Vậy mà, tôi lại cứ mong nó có chút lòng thương xót cho mình. Để tôi được ở bên em, lâu hơn một chút nữa. Được bao nhiêu hay bấy nhiêu... Tôi hay chiêm bao giữa ban ngày rằng ước vọng của mình sẽ thật sự thành sự thật. Sẽ như thế nào nếu hiện thực sẽ như tôi khát khao? Có lẽ, đó là khi tôi đã đến được nơi có cánh cổng thiên đường đang mở. Và lúc ấy, tất nhiên, Mi ở cạnh bên. Luôn là như vậy, em tồn tại trong tâm trí tôi như luồng ánh sáng dễ chịu nhất. Không lóa mắt hay bỏng cháy, em mở con đường dẫn tôi khỏi bóng đêm đen. Em đưa tôi về nơi chỉ có hai đứa, nơi mà cuối cùng tôi cũng có thể nở nụ cười vì thoải mái, nhẹ nhõm. Nơi tôi không còn thấy lạnh giá hay nóng bức theo mùa. Hay nơi tôi không còn thấy những giọt nước bẩn dột qua mái nhà. Nơi tôi không còn nghe tiếng khóc của Thố, không còn nhìn thấy bộ dạng say xỉn của ba. Nơi bờ vai tôi có thể nằm xuống, không còn cảm thấy nhức mỏi. Nơi mắt tôi có thể nhắm lại, ngủ một giấc thật sâu mà không tỉnh giấc giữa đêm... Chỉ để nhìn thấy những ánh sao yếu ớt trên bầu trời đầy đen tối và tiếng thở đều của Thố ngay dưới nách mình. Sẽ như thế nào nếu một mai điều đó thành sự thật? Từ lâu tôi đã quên mất chính bản thân thật sự trông ra sao. Thật quái đản là vậy, tôi luôn ước ao những điều viển vông nhưng lại không nhớ ước mơ của mình là gì.

Có lẽ. Có lẽ... Có lẽ là tôi ước... Tôi ước... Lồng ngực tôi nôn nao, khó thở... Tôi ước... Tôi cảm nhận được những ngón tay mình đang run lên.

"Anh Phúc!"

Nghe thấy tiếng em gọi tên nhưng không thể nào đáp lại. Cơn đau dữ dội càng khiến tôi không thể kêu lên. Cả cơ thể mình lúc này như có hàng trăm lưỡi dao lạnh buốt cứ từng nhát cắt lên. Hai tay tôi ôm lấy đầu để tự vệ nhưng không thể thoát. Tôi đau đớn. Thật sự vô cùng đau đớn. Thống khổ đang cào nát từ thể xác đến linh hồn tôi. Các nhát dao trước là bổ xuống đầu. Chúng thật hỗn loạn. Có lúc theo tuần tự từng nhát từng nhát khiến cả người tôi đau đớn tới mức gục ngã. Có lúc, chúng cùng một loạt bổ thẳng vào mọi ngóc ngách trên cơ thể. Rồi cũng khi ấy, như trăm ngàn lọn dây thừng siết chặt lấy nội tạng tôi, tới mức xé rách nát hết. Chẳng có thở dốc mà là không thể thở. Tôi thật sự rất tuyệt vọng. Cổ họng bỗng chốc khô khốc, nghẹn ứ rồi thắt lại. Toàn bộ tay chân đều không nhấc nổi mà cứ run rẩy lẩy bẩy. Tôi bóp lấy đầu. Từ sau ót truyền đến cơn đau rát kỳ quặc tới mức tưởng rằng cái chết. Cơn đau đầu đột ngột, dữ dội, như sét đánh. Đến một lúc thì tôi không còn cảm nhận được Mi đang ở bên nữa. Rồi cũng không biết gì, ngoài khổ sở âm ỉ, dai dẳng liên tục dằn vặt lên. Cứ thế, tôi cảm giác rằng bản thân như một quả bom đã bị châm ngòi. Muốn nổ tung. Thật sự muốn nổ tung. Ở đâu cũng muốn nổ tung. Như lửa đốt hết ruột gan và các nhát dao vẫn cắt nát đầu óc tôi. Chúng bén ngót, lạnh tanh. Chúng hủy hoại vào tới tận xương. Và kéo hàng đường dài khắp mọi nơi khiến tôi sởn gai ốc. Tôi tưởng tượng ra bản thân mình như con chuột nhắt kiệt sức nằm dưới mưa tầm tã. Đau tới mức không thể kêu cứu. Không biết liệu nước mắt có trào ra. Tuy nhiên, sự tuyệt vọng từ cơn mưa rơi đã làm mình chết hẳn. Như thế, tôi cảm nhận được nước bẩn chảy đầm đìa xuống người, kể cả vào hốc mắt và khóe miệng. Mi ráng lôi tôi dậy nhưng không ích gì. Em cố kéo tôi khỏi những sợi dây nghiệp chướng nghiệt ngã. Hẳn là em không biết tại sao chúng lại hành hạ tôi như vậy... Rằng đau đớn rồi tuyệt vọng rồi đau khổ. Tôi nghĩ là mình đã gạt tay em đi. Trong cơn khổ sở, tôi đã tự bấu lấy đầu, cào lên lồng ngực... Răng nghiến lấy môi. Tôi phải chịu đựng nó. Đây là một nỗi đau quen thuộc nhưng không bao giờ có thể làm quen. Mỗi lần nó xuất hiện thì ánh sáng hy vọng trong tôi lại vụt tắt. Mắt tôi lu mờ vì quá đau ghê gớm. Từng thớ thịt đều kinh hoàng mỗi khi nỗi thống khổ này ập đến. Nó sẽ chấm dứt chứ? Tôi sụp đổ hoàn toàn trước khi nó dừng lại. Như là một con thú bị tàn sát. Tôi sẽ nhịn được? Có lẽ. Tôi nhớ đến lúc mình cắt những nhát dao lên người lũ súc sinh kia. Trong quá khứ, lưỡi dao lạnh buốt ấy đã phanh thây chúng ra. Và giờ, tôi gào thét như chúng đã từng kêu gào. Tôi đau đớn như chúng đã từng phải khổ sở. Chúng muốn tôi phải khổ sở. Tôi có từng muốn chúng phải khổ sở? Không, tôi không biết. Móng tay tôi cấu lên người mình để đòi ra câu trả lời. Da bắt đầu xuất hiện những vết trầy xước đỏ tấy. Nhưng tất cả không có gì ngoài tiếng la hét của tuyệt vọng tột cùng. Miệng càng lúc càng đắng chát. Vị máu thật đậm. Tôi thở nặng nhọc với cổ họng thắt nghẹn. Tay chân rụng rời. Đau tới mức cơ thể co rút lại. Tôi cứ gập người xuống nền đất ẩm ướt, lạnh buốt. Và chối từ nếu Mi muốn nhấc tôi dậy thêm một lần. Em không thể khi số phận đang đay nghiến kẻ tội đồ của nó. Nỗi đau tàn bạo tột cùng này cho biết rằng điều ước ao khi nãy là mãi mãi không thể thành hiện thực. Thay vào đó, kiếp sống cực nhọc sẽ vĩnh viễn chì chiết tôi tới mức tức tưởi. Nó thành nỗi uất hận dằn vặt, sẽ đến vào lúc không ngờ đến nhất. Để hành hạ tôi, trả giá lại cho cho tội ác đã gây ra. Nó sẽ dày xéo tôi đến cái chết. Không thể chống cự cũng như trốn thoát. Tôi như đã bằng lòng với sự dày vò này, từ lúc mình sinh ra. Như bị té xuống cái hố có lửa cháy bừng bừng cùng với những ngọn giáo đâm tan xương nát thịt, tôi ở sẵn trong bể khổ. Tuyệt vọng. Nhưng càng không thể thốt lên oán than. Tôi trách cứ ai ngoài số kiếp đau đớn của bản thân? Vì nó sẽ lại đến. Nếu như tôi cứ tiếp tục cầm con dao đó lên và cứa cổ những con vật thì nó sẽ lại tra tấn để trả lại mọi khốn cùng. Một ngày mai, nó sẽ lại đến. Tôi sợ hãi vì nó sẽ lặp lại lần nữa. Ở trước mặt Mi, thêm một lần nữa... Không dứt. Xâu xé mãi mãi.

Trong phút chốc, tôi nghe tiếng em nức nở kêu cứu. Đôi mắt long lanh mà mình trân quý vô cùng bây giờ đã ngập trong nước đục ngầu. Tôi hối hận. Tôi đau tới mức tiếc nuối. Tay chân run rẩy, tôi cố gắng bấu víu vì không gì cả. Vì chuyện này sẽ không bao giờ kết thúc, em ơi. Dù ba có chạy đến và nhấc lấy tôi lên bằng hai tay rồi mang vào nhà.

Liệu,... tôi khổ sở thở, và ráng mở mắt... Tôi muốn nhìn thấy em lần cuối cùng, giữa cơn mưa bẩn thỉu, lạnh ngắt.

Liệu tôi có thể. Liệu tôi có thể đầu hàng được không? Liệu tôi có thể... có thể đầu hàng được không?

Nếu tôi đầu hàng, cơn đau sẽ chấm dứt.

Nếu tôi đầu hàng... tôi sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc khi còn ở cuộc đời này.

Nếu tôi đầu hàng... Nếu tôi đầu hàng thì sẽ ra sao?

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ĐỘC LẬP-TỰ DO-HẠNH PHÚC

GIẤY XÁC NHẬN

Hiệu trưởng trường THPT chuyên Khải Định xác nhận:

Em Hồ Huỳnh An, tại thành phố Nguyễn Tất Thành, đang là học sinh lớp 12A1 trường THPT chuyên Khải Định, luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi và chuyên cần. Em luôn có biểu hiện tích cực trong học tập, ngoan ngoãn, hiền, lễ phép, vui vẻ, lạc quan, tràn đầy nhiệt huyết, luôn sôi nổi tham gia các hoạt động của nhà trường và chưa bao giờ biết sử dụng rượu bia hay bất kỳ chất kích thích nào khác.

Ký tên: Giáo viên chủ nhiệm và Hiệu trưởng

Chỉ là một tờ giấy xác nhận thì có nghĩa lý gì?

Hà đã suy nghĩ như thế, ngay cái lúc nhìn thấy người cha gầy gò đáng thương lấy nó ra khỏi tập hồ sơ nhựa một cách cẩn thận. Lúc ấy, tôi thấy đôi mắt con bé híp lại, như là một cái liếc bén hoắc. Và rồi những điều mà Hà nghĩ đã được nói toạc ra khỏi mồm bởi gã luật sư vô lương tâm:

"Rất tiếc rằng tờ giấy xác nhận đó không có giá trị về mặt pháp lý." Ông Chính chậm rãi nói ra sự thật đau đớn. "Khi nói về tố tụng, chúng ta phải dựa trên chứng cứ điều tra cũng như các kết quả xét nghiệm có được từ phía cơ quan chức năng."

Luật pháp cứng ngắc và khô khốc. Đồng thời, cuộc đời cũng như vậy, tàn ác bóp nghẹn khủng khiếp. Bị luật sư bên đối phương phản biện lại, người cha oan ức mà ngậm ngùi. Tôi thấy trong đôi mắt lóng lánh những giọt lệ của ông là sự tiếc nuối. Và rồi, ông cố gắng cất giọng nói yếu ớt để tranh cãi với những kẻ có khuôn mặt lạnh tanh:

"Nhưng dù gì thì chúng tôi đều không tin là con bé đã say xỉn..."

"Tôi có thể hiểu được nỗi khó xử đó. Tuy nhiên, giám định của pháp y đã cho thấy trong cơ thể của nạn nhân Hồ Huỳnh An có nồng độ cồn vượt quá mức độ quy định 0,25 mg. Cụ thể là 0,35 mg. Căn cứ theo đó, giả thuyết nạn nhân sử dụng rượu bia trước khi điều khiển xe máy là hoàn toàn có cơ sở. Cộng thêm việc không đội mũ bảo hiểm trong quá trình tham gia giao thông, cũng là yếu tố giải thích hợp lý."

Trong một căn phòng kín thuộc tòa án nhân dân thành phố, những con người tụ lại, cùng nhau mổ xẻ cái chết của một cô gái. Có lẽ, không ai đau đớn hơn người cha. Ông nào có muốn mang bi kịch của đứa con mình yêu thương ra để thiên hạ dòm ngó, chỉ trích. Nhưng nếu ông không làm... Ông có nên quay đầu lại? Nhưng lỗi cũng thuộc về việc người ta đâm chết con gái mình. Vậy tại sao ông không thể bắt đền tội kẻ độc ác kia chứ? Đau khổ đến cùng cực. Từng lời nói của vị luật sư như đâm dao vào tim người cha. Nó khiến ông nghẹn ngào uất hận. Mà tôi thấy có giọt nước mắt len lén chảy dọc xuống gò má ông. Tuy nhiên, Chính thì lại vờ vịt giả mù, giống như không biết gì hết.

"Nỗi mất mát của gia đình là một bi kịch đau đớn, chúng tôi biết. Nhưng, nếu như gia đình muốn đẩy vụ việc theo hướng tố tụng hình sự thì chắc chắn nạn nhân cũng không thể thoát được những cáo buộc liên can về việc bản thân đã vi phạm luật giao thông thế nào. Chưa nói đến tình huống thực tế vì rất tiếc rằng đoạn đường đó vắng vẻ, càng không có băng ghi hình quay lại. Một khi đã kiện tụng, thì những tiếng xấu này chắc chắn sẽ bị dư luận moi móc, xỉa xói."

Hà nghĩ gì khi nghe ông Chính nói? Khi qua đôi mắt hẹp hòi của nó, người cha kia đã không chịu nổi mà gục đầu xuống với hai bàn tay run lẩy bẩy? Con bé cảm thấy thế nào? Hối hận? Hả hê? Không chút đồng cảm? Liệu nó có tự trách bản thân tại sao lại quá tàn nhẫn? Hay thậm chí còn không biết, mình là kẻ độc ác tới mức nào?

"Gia đình chúng tôi sẵn sàng bồi thường cho sự mất mát của anh. Thậm chí là bao nhiêu cũng không thành vấn đề." Im lặng từ đầu, cuối cùng ông Đăng cũng lên tiếng. Nhưng nói một hơi rồi giọng lại run run. "Chỉ mong anh có thể suy xét lại về vấn đề tố tụng. Bởi lẽ, không ai được lợi trong việc này. Thậm chí còn ảnh hưởng tới cháu bé đã mất."

Những giọt lệ đã làm ướt một phần tờ đơn bãi nại nằm trên bàn. Ở đó, nó vẫn đang chờ được ký. Trên giấy trắng, dòng chữ đen im lặng và lạnh lẽo, dù nhiều thế nào thì cũng là nỗi buồn day dứt. Vốn biết không gì có thể đền lại con gái cho mình, người cha chỉ đành sụt sùi nước mắt tới mức nín chặt môi. Rồi, bỗng nhiên, đôi bàn tay gân guốc của ông quẹt đi hàng lệ cứ tuôn trào dù cố nén lại. Sau đó, người cha nhìn sang tờ giấy kết quả xét nghiệm pháp y mà ông Chính đã lấy ra từ đầu. Hà thấy ông đã nhìn tờ giấy đó mấy lần. Cứ nhìn đi nhìn lại... Như là không chấp nhận nó. Tuy nhiên, mặc cho có nhìn bao nhiêu lần đi nữa, dù là chục hay trăm lần thì kết quả cũng đâu có đổi thay. Đó vẫn là hiện thực phũ phàng tới mức không thể tin nổi. Sự uất ức này biết oán trách tới ai?

"Kết quả pháp y này..." Giờ thì các đầu ngón tay của người cha chạm vào tờ giấy. Từng chút một run lên, như thể vừa nâng niu vừa sợ nó cắt lên da thịt. Ông chậm rãi cầm lấy, rồi hướng đôi mắt ngập trong nước, bần thần nhìn vào kẻ mặc áo blouse trắng. "Là của bệnh viện Đại Học Y Dược sao?"

Ngay lập tức, Hà lắc đầu. Rất tinh tế, tôi phải khen trong sự khinh bỉ là thế. Và khuôn mặt lạnh lùng của con bé vẫn không hề thay đổi, cho tới tận giờ phút này. Nó thản nhiên mắt đối mắt lại với người cha tội nghiệp rồi cất lời:

"Bác nhìn lại đi. Ở đó ghi rất rõ mà. Là của trung tâm Pháp Y thành phố Nguyễn Tất Thành. Không có bệnh viện nào có khả năng xét nghiệm xác nạn nhân ngoài trung tâm pháp y cả nên bác đừng nghĩ sai."

Những lời Hà nói là hoàn toàn sự thật. Nhưng những gì nó làm đều giả dối.

Sau khi lắng nghe thật kỹ lưỡng, người cha gật đầu rồi nâng tờ giấy lên như một mảnh vải quý báu. Bằng cả hai tay, ông giữ nó một cách cẩn trọng, lại ráng nhìn kỹ thêm một lần nữa. Cả con dấu đỏ và tên bác sĩ đều ghi rõ ràng. Từng đường nét in đậm, thật sắc. Nhưng có lẽ, con người chỉ tin những gì họ muốn tin. Và sự thật tàn khốc là điều luôn bị né tránh. Rườm rà, mất thời gian quá. Thế là, ông Chính bèn mở lời:

"Nếu bác vẫn chưa thể tin, gia đình chúng tôi có thể mời đích thân bác sĩ Nguyễn Minh Trọng, giám đốc trung tâm Pháp Y đến để nói chuyện với bác." Người cha liền ngẩng gương mặt khắc khổ lên. "Nhưng, bác hãy suy nghĩ kỹ."

Mở lời hay đe dọa thì không biết, nhưng kể cả súc sinh cũng thấy ánh mắt ông Chính đầy những vòng lốc xoáy dữ tợn. Chúng dồn dập và hỗn loạn. Cứ thế liền dồn con người ta tới mức đường cùng. Từ lâu, người cha đã cố nén nỗi đau thấu tận ruột gan, để gắng đòi lại công lý cho cô con gái. Nhưng, gượng mãi cũng ngã, và cuối cùng ông nhận ra mình hoàn toàn cô độc, trong một căn phòng rèm kéo kín mít, đóng cửa cài then. Chỉ có một bóng áo xanh lá đứng yên như pho tượng và những cặp mắt lạnh giá hơn cả mùa đông. Mỗi ánh nhìn từ đối phương đều mang lại áp lực lên đôi vai gầy gò, ốm yếu. Mà, chúng đều rất khác nhau. Của người đàn ông trung niên, ngồi trên ghế ngay trước mặt thì vô cùng buồn bã. Ai cũng thấy nét ưu sầu ở đó, kể cả là kẻ trách cứ ông ta nhiều nhất. Ngay từ đầu, những ngón tay của Đăng đã không thể nằm yên nổi. Chốc chốc, chúng cứ miết vào nhau hoặc lên ống quần tây. Và rồi, mắt ông Đăng không thể chịu nổi khi phải trực tiếp nhìn vào đối phương. Nhiều lúc, chúng lặng lẽ cụp xuống, như có ai vừa châm vào cơ thể một đầu kim nhọn hoắc. Rồi hai vai ông Đăng run rẩy. Cái nét buồn đó hoàn toàn trái ngược với sự hối thúc, lấn lướt từ ông Chính. Đã đứng sẵn ngay bên cạnh ông chủ lớn, qua thời gian, vị luật sư càng táo bạo, càng ngang ngược hơn. Có lẽ, ông cảm thấy nếu cứ tiếp tục dây dưa thì không ổn, bèn dùng rất nhiều lời nói thuyết phục người cha. Hối hả tới mức, ông Chính đẩy cây bút về phía phần còn lại của chiếc bàn. Rồi, những ngón tay cứng rắn nhịp lên xuống, vô cùng mất kiên nhẫn.

"Con gái tội nghiệp của tôi." Người cha đáng thương bật khóc.

Lúc này, tôi sẽ không kể con Hà thật sự trông như thế nào. Nhưng, các bạn có thể hình dung nó vẫn đang đứng một góc trong phòng. Với đôi tay khoanh trước ngực và khuôn mặt lạnh lùng khó tả. Tất nhiên, hai mắt con bé vẫn eo hẹp. Im lặng, không cất tiếng nói. Nhưng, liệu mọi người có đoán được rằng giọt đang chảy vào trong tâm can con bé là vị gì? Lúc người cha cất lời nói, và nhìn thẳng vào mình?

"Con bé luôn ước mơ trở thành một vị bác sĩ tài giỏi như cháu vậy. Chú biết cháu." Ánh mắt của người cha bỗng chốc sáng lên khi nói về ước mơ của cô con gái. Cũng tựa như cũng là khát vọng của chính ông. "Cháu là Nguyễn Hải Hà. Con gái bác rất ngưỡng mộ cháu. Nó muốn sau khi tốt nghiệp cũng thi vào trường Đại Học Y Dược, rồi cũng trở thành sinh viên danh dự của trường như cháu vậy."

Nói xong những lời khiến cả bản thân rét đậm, người đàn ông nghẹn ngào tự dưng lại mỉm cười rất tươi tắn. Dù vậy, giọt lệ vẫn chảy dọc theo gò má, chạy cả vào khóe miệng đang kéo lên. Và Hà nhìn theo không chớp mắt. Rồi nó thấy bàn tay đang run rẩy cố gắng cầm bút lên. Từ từ chậm rãi, ngòi bút chạm vào khoảng không giấy trắng. Vào khoảnh khắc đó, cả gian phòng như chết lặng. Không một ai cất lời hay âm thanh gì vang lên, nhất là khi người cha chỉ chấm đầu bút rồi dừng lại. Có cảm giác, hình như cả tờ giấy cũng nín thở ngay lúc đó. Liệu nó có tự cảm thấy hổ thẹn vì bản thân mình? Nếu như là tờ giấy, tôi ước gì mình có thể tự xé nát bản thân. Và nếu căn phòng không có cửa kính, tôi sẽ nhào đến và quắp lấy nó bay đi. Nhưng tất cả đều không thể, và Hà đang đứng yên, chỉ giương mắt nhìn. Tâm can nó yên tĩnh tới mức bất động đi kể cả cho đến lúc nét chữ ký xuất hiện trong tích tắc. Khi kết thúc, mọi thứ vẫn bị sự im lặng thắt chặt tới nghẹn ngào.

"Vậy là bác đã đồng ý với thỏa thuận hòa giải của chúng tôi rồi nhé." Ông Chính ráng không tỏ vui vẻ ra mặt tuy nhiên, hành động thì lại nói trái ngược. Ngay lập tức, vị luật sư với tay lấy lại tờ đơn bãi nại. "Như đã nói, một khi bác tự nguyện đồng ý đề nghị miễn trách nhiệm hình sự trong vụ án này, gia đình chúng tôi sẽ chấp nhận mọi yêu cầu đi kèm theo với số tiền bồi thường cũng là do bác hoàn toàn quyết định. Vậy thì... chúng ta bàn tới số tiền bồi thường chứ?"

"Đối với tôi, Huỳnh An là vô giá. Vậy các người nghĩ rằng mạng con gái tôi đáng giá bao nhiêu thì trả bấy nhiêu."

Bất ngờ, lời nói của người cha như tia sét đánh vào thẳng tâm trí của tất cả mọi người. Ái ngại, vị luật sư liền quay sang nhìn ông chủ lớn. Còn Đăng bấy giờ hít lấy một hơi thật sâu. Có người nói mạng người chính là vô giá. Vậy là bao nhiêu tiền ấy nhở?

"Chẳng lẽ bác muốn cả đời này gia đình tôi phải nợ bác?"

Ông Chính dám lên giọng hỏi. Nhưng đổi lại, người đàn ông chỉ lặng thinh, không thèm trả lời. Cho dù đối mặt với cái trừng mắt của gã luật sư, người cha vô cùng gan góc. Ông chỉ nhìn thẳng vào kẻ giống như mình, cũng là một người cha khác.

"Thực ra, vô giá là một điều vô cùng nguy hiểm."

Bấy giờ, Hà đột nhiên lên tiếng. Giọng nói tuy nhẹ nhàng nhưng từng chữ lạnh ngắt, như băng đá đông cứng lại cắt lên da.

"Bởi lẽ, nếu là vô giá thì ta có thể cùng một lúc vừa là thứ quý báu nhất vừa là thứ rẻ rúng nhất. Một khi giá trị không thể xác định thích đáng, thứ đó sẽ được gọi là vô giá. Hay còn dịch nghĩa là vô giá trị. Vậy thì là châu báu hay cỏ rác đều theo cách nhìn nhận của mỗi người."

Mạng người như rơm rác có nghĩa là vậy sao? Thật đáng buồn khi mỗi sinh mạng đều là vô giá, và tưởng chừng như chúng đều quý báu lắm vậy. Hóa ra, nếu nói vô giá thì có nghĩa rằng cuộc sống nhiều lúc cũng có nghĩa là rẻ rúng, tạm bợ. Hoặc, thật lãng phí, uổng công. Rốt cuộc thì, từ vô giá cũng chỉ là một thứ hoa thêu trên vải. Đẹp đẽ vậy mà chỉ để ngắm, để làm màu cho thứ bản chất thật tầm thường. Theo đó, ý nghĩa về mạng sống như mỗi khúc vải, có đủ màu đủ sắc, nhưng đều chỉ có một công dụng là mặc lên người, để che đi phần nhạy cảm. Để không bị người đời trêu ghẹo là lõa lồ. Cũng như từ vô giá mơ hồ, những họa tiết trên vải dù chi tiết, cẩn thận tới mấy cũng chỉ là chỉ vụn. Có màu sắc cách mấy cũng theo mắt kẻ khác mà định ra giá trị của bản thân. Trớ trêu vậy sao? Buồn bã thật, cho một lối suy nghĩ nhẫn tâm.

"Ba tỷ đồng." Ông Đăng cất giọng, ngay tức khắc đặt dấu chấm hết cho tất cả. "Là gấp ba mươi lần so với số tiền nhà nước quy định."

Tới đây thì không ai dám tranh cãi gì nữa.

"Tuy tôi nghĩ rằng, với số tiền này, có thể bù đắp được nỗi vất vả sau này của anh, nhưng nếu tương lai gia đình có gặp khó khăn gì, anh có thể đến tìm tôi. Nhất định, tôi hứa với anh, sẽ dùng hết sức trong khả năng để giúp đỡ."

Có lẽ, những lời nói chân thành của ông Đăng đã làm động tới phần yếu mềm nhất của người cha. Vì thế, ông ấy bật khóc lớn thêm một lần nữa. Đang vội vã lau chùi những giọt nước không thể nhịn lại, người đàn ông ấy cứ run rẩy. Từ phía đối diện, Đăng chồm tới bắt lấy tay của người cha. Khi ấy, đứa trẻ của tôi và vị luật sư chết lặng. Chắc có lẽ, Chính thấy chút xấu hổ, nếu ông ta còn chút nhân tính. Nhưng, Hà thì khác. Nó ngậm ngùi nhiều giọt đắng tới mức miệng như dán một lớp băng keo. Khi hai người cha ôm và vỗ vai nhau, không ai để ý hai mắt đứa trẻ đang nhìn trở lại vào bìa hồ sơ mà vị luật sư cầm trên tay. Bấy giờ, bên trong Hà thấy cồn cào như có ai kéo một cái cày ngang qua ruột gan nó. Vừa đau nhưng vừa không thể biểu hiện gì cả, Hà nín nhịn chẳng nói lên lời. Thật hỗn loạn bởi lẽ chính bản thân con bé cũng cảm nhận rằng việc mình đã làm là chẳng có gì sai trái. Mà, đồng thời nó cũng chả hề hối hận, dù đã nói ra bất kỳ lời nói độc ác nào. Nhưng, giọt đắng chảy vào bên trong mãnh liệt hơn là con bé tưởng. Thứ đó xuyên thẳng qua lớp kiêu ngạo mà chính bản thân nó luôn mang theo. Và rồi, nó khó hiểu nhìn theo Đăng, lúc này đã tiễn người cha ra phía cửa.

"Chú đưa ông anh trở về nhà an toàn nhé." Đăng cẩn thận dặn dò với vị công an.

Sau đó, cánh cửa đóng cũng như từng bước chân lừng thừng dắt người đàn ông giàu có trở lại ghế ngồi. Cứ dõi theo suốt, vị luật sư và đứa trẻ nhìn theo bộ dạng thả lỏng kia. Đăng ngồi vật ra trên ghế, nhẹ nhõm hít một hơi.

"Phu nhân sẽ không hài lòng khi nghe được số tiền bồi thường đâu."

Ông Chính khẽ khàng nhắc nhở. Nhưng, ngay lập tức liền Đăng bị gạt phăng đi. Người đàn ông giàu có lắc đầu nhẹ nhàng, như thể không quan tâm điều đó. Và rồi, Hà chớp mắt khi bị Đăng nhìn chằm chằm vào mình.

"Bác trách cháu?"

Chẳng đợi Đăng lên tiếng, Hà đã cả gan hỏi. Mỗi lúc này, đôi mắt vốn cứ ơ hờ của nó lại đột nhiên mở to ra. Con bé dùng chất giọng cứng rắn:

"Bác trách cháu vì đã nói lời cay độc hay chuyện làm giả kết quả pháp y?"

Ở phía đối diện, Đăng bỗng nhiên lắc đầu, "Bác không trách cháu."

"Đúng. Bác không nên trách cháu. Chính bác cũng không muốn Ân phải ngồi tù thì cháu đã làm mọi thứ để chuyện đó không xảy ra. Bác nên cảm ơn cháu mới đúng."

"Tại sao cháu lại bất chấp làm tất cả mọi thứ vì con trai bác?"

Bị câu hỏi đó vặn vẹo ngược lại, Hà im bặt. Nó không phải chỉ là một câu hỏi bình thường, dĩ nhiên mà như một lưỡi cày bới móc con bé lên. Đúng vậy, theo cùng giọt đắng thẩm thấu khi nãy, nó đào thật sâu. Cắm phập lên ruột gan đứa trẻ, lưỡi cày cố gắng thử một lần xem có thể phá vỡ cả cánh đồng chết vì khô cằn. Đăng cứ ngước mặt lên nhìn Hà, không chớp mắt. Đôi mắt ông xoáy sâu vào, muốn soi mói mọi ngóc ngách bên trong. Nhưng, không có gì lạ thường lộ ra cả. Vì giống như giọt đắng ráng thẩm thấu xuyên qua nhưng rốt cuộc lại không thể. Chỉ chạm được vào phần nền của sự kiêu ngạo, biết bao sự tốt đẹp vậy mà chỉ đánh thức chút tò mò của con bé. Để nó đặt câu hỏi tại sao?

"Bác hỏi cháu câu đó là ý gì?"

"Nếu cháu nghĩ rằng bác tin việc hai đứa quen nhau là thật như vợ mình thì cháu lầm to. Bác biết cháu với Ân không yêu nhau. Cũng như biết nó tại sao lại ra ngoài đường vào đêm khuya như thế. Bác biết mỗi đêm nó ở với ai."

"Vậy tại sao bác còn để chuyện này xảy ra?" Hà cắc cớ hỏi ngược lại. "Nếu bác nghĩ mình hiểu Ân đến mức đó, vậy tại sao chúng ta còn phải ở đây tranh cãi về việc vì sao cháu phải liều lĩnh làm tất cả thế này?"

"Vì bác hiểu Ân tới mức biết rằng một kẻ như nó không xứng đáng với tình yêu của bất kỳ ai." Lời Đăng nói vừa cay nghiệt cũng vừa đầy thấu hiểu. "Kể cả là người như cháu, Hà ạ. Một kẻ dối trá, tàn nhẫn, không có chút lương tâm."

Hà nghẹn ngào không phải vì bị mắng. Lúc này, nó uất hận tới mức nín lặng. Hai môi mím vào nhau, con bé trừng mắt nhìn Đăng vừa nói dứt lời thì khuôn mặt đượm buồn đã cúi xuống. Mỗi lần cảm thấy có lỗi, những ngón tay của ông ta sẽ xoa lại với nhau. Hà tức giận vì nó đã bị nói trúng. Tuy nhiên, sự kiêu ngạo không cho phép con bé thể hiện ra. Như có gì siết lấy những cảm xúc đáng lý ra nên bùng nổ dữ dội, nhờ vậy, Hà đã kìm nén được. Chỉ mình nó thấy có vết bầm lên người, do bấu víu mạnh để đẩy hết mọi thứ lại vào bên trong, rồi nghiền nát, nén chặt tới mức biến thành bụi bẩn. Tất cả diễn ra thật nhanh chóng qua cái chớp mắt tại một tích tắc ngắn ngủi. Và khi, con bé mở mắt ra, nó lại trở nên hững hờ. Giờ thì Hà không cần biết vì sao Đăng lại có thể tử tế đến vậy. Thậm chí, ông cảm thấy có lỗi vì đã bảo vệ vì con trai mình thay cho kẻ khác? Một kẻ không liên quan gì tới ông. Một cái mạng người vô giá.

"Bác sẽ cấm túc nó." Đăng nói câu đó lúc bước chân Hà giẫm đạp mạnh rồi đi thẳng một mạch về phía cửa. "Đến cháu cũng không được phép gặp mặt, trong vòng sáu tháng."

Ai thèm quan tâm chứ? Hà nắm chặt tay khóa cửa. Một chân đã bước ra bên ngoài.

"Tới lúc đó, cháu hãy tự xác định rõ lại chính mình. Liệu tất cả những chuyện này có đáng không?"

Tới đây, Hà làm gì còn đủ quan tâm nữa. Nó đã đi mất. Cho dù, ông ta có nói gì thì con bé cũng đã trở thành kẻ tồi tệ tới mức đáng khinh. Mà, nó bất chấp tất cả mọi thứ. Không nhìn lại những nơi đã đi qua. Bởi lẽ, cuộc đời sống một lần là vô giá. Đánh đổi danh dự hay vị trí vì một tên đàn ông tệ bạc, đáng hay không cũng chẳng còn ai có thể kéo lại những gì đã ruồng bỏ từ thuở mới lọt lòng nữa.

Tôi nghĩ rằng trời sắp tờ mờ sáng, bởi khi lũ quạ kêu oang oác mồm lên thì mây cũng chưng hửng trôi lững lờ. Vào lúc ấy, trước mắt mình mơ hồ những thân xác dường như sắp thối rữa và bọn họ nằm la liệt khắp căn hầm địa ngục. Những lúc thế này, chính bọn lính canh cũng buồn ngủ. Sắp tới giờ đổi ca trực, còn tôi ngoái đầu lại nhìn ở phía trong góc phòng, nhóm ông Hiếu đang gật gà gật gù. Bấy giờ, một mình không biết nên làm gì, tôi bèn đi loanh quanh căn phòng với rất nhiều những suy nghĩ vô nghĩa nhưng chồng chéo lên nhau. Ở đây giống như một cái bãi tha ma lầy lội. Tuy nhiên, người ta vẫn sống với chút hơi thở yếu ớt còn sót lại. Có một số đôi mắt cùng cực đã mở ra. Chúng nhìn lên tôi, từ bên dưới. Đổi lại, tôi cũng liếc xuống, và rồi cảm nhận được đất cát đã vùi lấp đi tia sáng vốn có. Cứ như thế, cả hai phía đối diện nhìn nhau, trong một hồi lâu. Có lẽ, họ thắc mắc tại sao tôi tồn tại ở đây mà an toàn đến vậy? Đoán đại thì chắc tôi cũng là người thân của kẻ cầm đầu những tên ác ôn. Họ biết chắc là thế. Bởi tôi không sao sứt mẻ gì dù cũng chẳng làm việc gì nên hồn ngoài đi loanh quanh qua lại cho đỡ chán. Và cũng chẳng ai bắt ép được tôi. Chẳng ai đánh mắng hay dí cây roi điện vào người tôi. Bấy giờ, tôi cứ nhìn đất bùn đã đóng thành từng mảng trong kẽ móng tay và trên khuôn mặt họ. Dơ bẩn, đánh khinh và cùng cực. Ắt hẳn, tới tận giờ, họ vẫn còn rất đau đớn. Và ở phía trên thì một ngày mới sắp đến. Tôi ngửa đầu lên rồi thấy nắng mai đã nhạt nhòa chiếu xuống cái ô giếng trời. Một ngày mai u ám sắp đến. Sẽ còn khổ đau kéo dài nữa, nếu như họ còn ở đây. Quấn quanh cơ thể mình bằng cái mền dày, tôi đã đi loanh quanh được một vòng. Có một số người đã tỉnh lại. Nhưng, họ vật vờ như xác chết. Từng chút một, cơn sương đêm đã khiến tay chân của tất cả trở nên khô cứng, kiệt quệ. Có một số người gắng gượng đứng dậy. Lại lần nữa, họ nhìn vào tôi với đôi mắt đen láy u tối. Lẽ dĩ nhiên, tôi không sợ. Nhưng, tất cả những ánh mắt kia đang đổ dồn lên mình. Nhất định nó ẩn chứa điều gì đó, nên tôi không khỏi tò mò mà dám nhìn trở ngược lại. Bất giác, hai chân đã dừng lại lúc nào không hay biết. Lúc ấy... hình như bên tai tôi nghe tiếng ai đó cố gắng gọi mình. Tôi theo bản năng quay đầu nhưng tất cả những tên lính canh đều ngáp ngắn ngáp dài. Chúng không nói gì ngoài sự im lặng nhàm chán. Ngược lại, từ bên dưới sàn đất lạnh giá, một thanh niên đang lồm cồm bò dậy. Và người đó, tất nhiên, đang nhìn tôi.

"Trời đã sáng rồi sao?"

Người đó hỏi mà giọng run run vì vết thương trên miệng. Tôi biết cảm giác khó chịu đó, khi răng lẫn môi đều âm ỉ đau đớn. Đó là khi Bảo tát tôi vào cái ngày tồi tệ ấy. Đột dưng, lúc này ký ức trở ngược lại như cơn sóng bất ngờ vỗ vào bờ. Cứ thế, tôi bất giác rùng mình. Càng trở nên xúc động hơn khi nhìn vào đôi môi đang cố gắng mấp máy kia.

"Em ơi..." Có lẽ anh ta gọi tôi. "Trời đã sắp sáng rồi đúng... không?"

Tôi ngửa đầu lên, "Có lẽ." Và cúi xuống trở lại ngay lập tức, "Sắp sáng rồi."

Khi nhìn lại, tôi thấy người thanh niên đó đã ngồi hẳn dậy. Anh ta thu mình lại như một con ốc, nhưng dù có thế nào thì hai mắt cũng không rời khỏi tôi. Tay chân người ấy đầy rẫy những vết thương đau đớn. Chúng đã thật sự cắt vào tận da thịt nên mỗi lần nhúc nhích, cơ thể anh lại nhói lên một cái. Khi đó, khuôn mặt khắc khổ cũng tự động nhăn lại, khóe miệng bộc lộ ra biểu cảm rất đau. Đứng yên tại chỗ mình, nơi ánh sáng chạm đến, tôi nhìn từng chi tiết trên cơ thể gầy gò anh ta. Bộ quần áo rất cũ và sờn rách. Các sợi chỉ đã gần như sắp bung bét hết cả ra. Cứ thế, lớp vải anh đang mặc trên người trông giống đống giẻ rách bị nhàu nát hơn là quần áo. Mà trong lúc này, người thanh niên đó nhìn lại tôi, với chăn ấm đang quấn quanh mình.

"Trời có mây không em?" Bất chợt, người thanh niên tiếp tục hỏi.

Tuy vậy, lần này tôi không trả lời ngay mà liền lập tức vặn vẹo hỏi ngược lại: "Hỏi về trời có hết đau không?"

"Anh... chỉ muốn biết, bầu trời hôm nay trông như thế nào thôi." Người thanh niên đáp lại một cách chậm rãi. "Có mây không, có xanh không?"

"Hỏi chi?" Tôi khó chịu.

"Để lỡ như hôm nay có chết thì anh cũng biết mình đã chết vào lúc trời trông như thế nào."

Lắm chuyện. Chết là hết. Còn biết trời đẹp hay không để làm gì? Tôi đã định trả lời như thế nhưng giây phút nhìn lại vào đôi mắt anh ta, cổ họng tự nhiên cứng đơ. Và, vô thức, cái cổ lại ngẩng lên cao. Mắt tôi dường như nó muốn nhìn bầu trời xem có mây hay xanh biếc không? Trời hôm nay rất đẹp. Tôi đã thấy màu trắng bồng bềnh điểm xuyết trên dải lụa xanh mênh mông. Thế giới ngoài kia đang đón chào một ngày mới tươi đẹp. Nhưng, ngược lại, ở đây, sự u ám vẫn nuốt chửng mọi trái tim.

"Trời hôm nay rất đẹp." Tôi vừa nói vừa chậm rãi cúi đầu xuống. "Mây trắng rất nhiều, trời thì rất xan—"

Nhanh quá! Tôi còn chưa kịp hét! Thì đã bị nam thanh niên kia vồ lấy. Hắn... chết tiệt thật! Tất cả mọi người trong căn hầm đều bị làm cho kinh sợ! Giật bắn mình, chỉ trong phút chốc lơ là, tôi đã bị hắn khống chế! Hắn đã canh tôi từ trước! Và giờ thì, chết tiệt, tôi đã bị ôm gọn trong vòng tay của một kẻ khốn cùng. Thậm chí, có lưỡi dao bén hoắc còn kè kè bên mặt. Tôi không vùng vẫy. Trong những tình huống thế này, Hùng đã dặn tôi phải bất động. Mà những nòng súng trước mắt mình và hắn cũng đang được giơ lên nhưng tất cả chúng cũng đều bất động. Trong cơn bất ngờ, họ không kịp phản ứng, chỉ có thể trơ mắt nhìn tôi đã trở thành con tin của kẻ phản động, đang huơ huơ lưỡi dao để tất cả tránh ra xa.

"Không được lại gần đây! Không được lại gần đây!"

Hắn vừa chém loạn xọa lưỡi dao về phía trước vừa lùi chân lại với đám người cùng khổ phía sau. Nhưng không ai dám làm bất kỳ điều gì cả. Tất cả đều im lặng và bất động. Chỉ mình hắn gào thét, trong sự dày vò giữa đau đớn và hy vọng. Giờ thì cả căn hầm đều đã bị hắn đánh thức. Cả nhóm ông Hiếu cũng tỉnh dậy. Nhưng, chà, tất cả chỉ mở to mắt nhìn tôi đang bị gã thanh niên kinh tởm này giữ chặt. Mà tôi thì vẫn giữ cái mền bông trên người.

"Không được lại gần! Muốn nó sống thì đừng có lại gần!"

Tôi nghe hắn hét to đến khàn cả cổ. Lúc này, đột nhiên có gì ươn ướt rơi xuống đầu. Và tiếng nức nở xuất hiện. Hắn đang khóc sao? Tôi tự hỏi và thấy hai tay hắn run rẩy lên trong một phút giây ngắn ngủi. Bởi lẽ, rất nhanh hắn đã lấy lại sự can đảm của mình. Nó đi cùng với liều lĩnh. Hắn muốn liều cái mạng này, để thoát khỏi nơi đây.

"Mày muốn làm gì?"

Ông Hiếu đã lật đật chạy đến chỗ tôi, từ phần còn lại của căn hầm. Lúc này, tôi ở giữa lũ người mọi rợ và bọn độc ác. Còn hắn ở ranh giới giữa giải thoát và cái chết vĩnh hằng. Vào thời khắc này, có lẽ, tia ánh sáng trong mắt đã rực rỡ trở lại. Nhưng nó cô độc giữa đen tối, vì hắn cứ lùi lại nhưng tất cả mọi người xung quanh đều tránh xa. Không ai dám xông vào chung. Họ cùng nhau đứng trơ mắt nhìn tia sáng yếu ớt ấy le lói, cố gắng cháy một lần cuối cùng.

"Tao đã bảo đừng có tới gần!" Hắn thét lên. Tôi liếc sang bên phải thì thấy Hùng đã xuất hiện. "Nếu mày muốn nó sống thì thả tao ra khỏi đây! Ngay lập tức!". truyện tiên hiệp hay

Tôi nhìn thấy Hùng kinh ngạc nhìn mình. Ngay lúc ấy, tên phản động cũng nhận ra sự xuất hiện của ông, bằng một cách nào đó. Lập tức, hắn liền quay mặt tôi sang để đối diện với Hùng. Cả ba chúng tôi trừng mắt nhìn nhau, và mỗi mình hắn run rẩy. Bấy giờ, hắn cứ liên tục quát tháo không dứt. Mà Hùng thì xen lẫn những tiếng dọa nạt, lại cố trấn an tôi:

"Thư đừng sợ." Ông Hùng nhìn lên tên phản động. Giờ thì lưỡi dao đang kề bên cổ tôi. "Ba Hùng sẽ cứu con ngay... con đừng sợ..."

Tôi rất muốn trả lời ông. Tuy nhiên, tên phản động kia đã thét lên lúc Hùng len lén nhấp lên một bước: "Tới gần tao giết nó!" Và, khi kết thúc câu, hắn lại huơ dao về phía ông.

Ngu vãi ***.

Tôi rất muốn trả lời Hùng là mình không sợ. Nhưng tiếng hét của tên này quá to nên đã không thể nói. Hắn cứ cướp lời tất cả mọi người. Và càng gào to hơn khi bị con dao tôi vốn giấu trong mình đâm sâu vào trong mắt phải. Một nhát dứt khoát, mạnh mẽ. Ngay lập tức, tên phản động quýnh quáng buông tôi ra. Lúc vừa thoát khỏi, tôi liền xoay mình để chộp lấy, rồi rút lưỡi dao kia ra khỏi mắt hắn. Máu bắn thành vòi. Như có cả cơn mưa đỏ lè vừa đổ xuống người tôi. Từ con mắt kia phọt ra mùi tanh tưởi và dơ bẩn. Quá đau đớn, tên phản động loạng choạng ngã lùi về phía sau. Tay cũng buông cả cán dao. Hắn liền ôm bên mắt lại, miệng thét kêu đau mà cũng tức tối chửi thề. Bấy giờ, hai chân tôi đã chùng xuống. Và tôi lại ngay lập tức dùng lưỡi dao đang nắm trong tay trở lại đâm tới về phía trước. Thời khắc này, tất cả mọi người đang nhìn mình. Tôi đã lao về phía trước và nhắm thẳng vào bụng hắn. Tôi đã muốn giết hắn chết đi.

Cùng lúc đó, tiếng súng nổ vang lên. Ngay sau đó, tên phản động bị ăn một viên đạn vào giữa ngực. Hắn ngã rồi chết ngay tức khắc. Ngạc nhiên quay đầu lại, tôi thấy thằng Lộc là người bóp cò. Nó đã bắn ngay trước khi tôi định kết liễu cuộc đời chó chết của hắn. Thằng chó Lộc... Nó nẫng tay trên của tôi!

"Thư!"

Không ai quan tâm đến chuyện đó cả, vì tất cả đã chạy về phía tôi để xem mình có bị làm sao không. Giữa đám đông ấy, Hùng là người nhanh nhất. Ông liền ôm lấy và nhấc bổng mình lên ngay lập tức khi chạm vào tôi. Xung quanh cả hai bấy giờ, những tên lính canh cũng liền nhào vào trấn áp bọn bị tù đày một cách tàn bạo. Tên đã chết thì cứ chết, còn những kẻ sống thì phải bị đánh để răn đe. Trở lại, tôi cứ vậy mà được Hùng bế tròn lên tay. Giờ thì cả đám ông Hiếu cũng đã chạy đến. Tôi thấy trên mặt thằng Việt toát lên vẻ lo lắng rõ rệt. Trời, có gì đâu mà sợ. Tôi phì cười rồi sau đó cũng khanh khách lên vài tiếng rõ to.

Đáp lại, Hùng xuýt xoa: "Con không sợ sao, Thư? Ta vừa nãy đã suýt đứng tim đấy..."

"Con không." Tôi thản nhiên lắc đầu. Tiếng cười của chính mình đã dẫn tôi xa rời với thực tế đầy rẫy những tiếng thét khi bị hành hạ. "Có gì đáng sợ đâu chứ. Dĩ nhiên là con có thể hạ được hắn." Rồi tôi liếc sang Lộc, giọng tức tối nói: "Con còn có thể giết hắn cơ. Nếu như thằng chó này không nẫng tay trên của con."

"Cái con bé này." Hùng mắng yêu rồi nựng má tôi. Cùng lúc ấy, trước mặt mình,... thật bất ngờ. Tôi không nói nổi lên lời. Bởi lẽ, cả hai mắt ông đang ngập trong nước. Hùng đã khóc vì tôi sao? "Ta chịu thua con."

Lớp màn sương tinh khiết ấy khiến răng tôi dính chặt vào nhau. Cứ thế, không sao rời mắt khỏi được. Tôi cứ nhìn ông trừng trừng. Và rồi bất giác, trái tim lại run rẩy. Thật kỳ lạ. Nó run như cầy sấy. Run như muốn biến cả thân xác của tôi vỡ tan ra từng mảnh. Lúc nãy, tôi đâu có thấy sợ hãi? Vậy tại sao bây giờ... Tôi khó khăn hít lấy một hơi.

"Lúc ấy, đại ca chắc sợ lắm." Anh Quyết nói chêm vào. Ai cũng thấy mặt Hùng đã tái mét, mà nước mắt cứ ngập ngừng, đã muốn rơi tới nơi. "Thôi sau này em cứ lên phòng ngủ với đại ca đi. Đừng ở dưới này."

Cùng lúc đó, Việt nhanh nhảu nói to: "Nè! Đây là lần thứ hai em thấy đại ca sợ như vậy á! Ê mà lần trước cũng liên quan tới bà Thư..."

Tức thì, Hùng trừng mắt đe dọa nó. Việt im ngay.

"Cái vụ gì?" Tôi hỏi lại. "Có chuyện gì liên quan tới con nữa cơ? Đã có chuyện gì?" Tôi quay sang Hùng nhưng ông đã ngoảnh mặt đi, dù tay vẫn giữ chặt mình. "Nói cho con biết đi."

Lúc này, Hùng lại đột nhiên thả tôi xuống đất. Nhưng mình cứ nhìn chằm chằm vào ông để chờ nghe một câu trả lời. Nhưng chẳng ai trả lời nữa. Thậm chí, mọi người còn tự động tản ra xa. Tuy vậy, khi hai thằng Việt và Dưỡng lùi lại thì Lộc bỗng chốc tiến lên. Ngay lập tức, ánh mắt của chúng tôi va vào nhau.

"Thư không được biết." Lộc nói. Rồi tôi thấy ông Hùng bước ngang qua mình, đi về phía bọn lính canh đang đàn áp lũ mọi rợ kia. "Chỉ mỗi chuyện này Thư không được biết."

"Có gì thì nói mẹ ra đi." Tôi dằn giọng. Họ đang giấu mình chuyện gì sao?

Kể cả Hiếu. Bởi mình quay sang mà ổng cũng không nói. Lúc này, anh Quyết lại vòng tay ngang vai tôi. Anh cười giả lả, cố lảng đi chuyện khác:

"Thôi, anh đưa em đi ăn sáng nhá. Em thích ăn gì nào?"

Bị giấu giếm tới mức úp úp mở mở, tôi khó chịu không kìm nổi. Có thế nào cũng phải hỏi cho ra lẽ. "Nói mau đi! Chuyện gì? Chuyện gì mà ba Hùng lo lắng cho em?"

Giờ thì, tất cả mọi người lại cùng nhau nhìn về phía Hùng. Ông ta vẫn đứng đằng kia, ở lẫn trong đám lính canh, với những hình xăm trổ bặm trợn và khuôn mặt dữ tợn. Tôi cũng nhìn theo mọi người cùng lúc đó. Và rồi, tự nhiên, những đầu ngón tay mình ý thức được rằng suýt chút nữa ngày hôm nay, chúng đã ra tay giết một mạng người. Lần gần nhất tôi muốn giết ai đó là khi nào? Lần gần nhất cũng trở mình để đâm ngược lại vào kẻ đang tấn công mình. Ký ức dội về, tôi choáng váng như đứng trước giông bão. Đó là khi Bảo ấn tôi xuống giường, với sự tức giận khiến hắn mất cả lý trí đi. Lúc ấy, tôi mới sợ hãi. Tôi đã khóc, kinh hoàng và tuyệt vọng. Cái hôm đó mới là khi tôi thật sự hoảng sợ. Tới mức toàn thân vỡ vụn trong đớn đau. Bây giờ, tôi nhìn Hùng nhưng trước mắt ký ức vừa ùa lại. Tôi nhìn thấy chính bản thân trở ngược về trong phòng vệ sinh nhà con Hà, với thân thể rách nát và mục rỗng. Khi ấy, Hùng đã tìm thấy mình dưới vực sâu. Khi ấy... Tôi bàng hoàng nhìn theo bờ lưng rộng lớn, vạm vỡ của ông. Trên ấy, xăm một hình xăm con hổ hung tợn, thứ mà tất cả mọi người theo chân Hùng, ai cũng đều sở hữu.

"Thôi! Nguyên đám đi ăn sáng đi! Anh bao! Đi đi đi!" Anh Quyết kéo tôi rời khỏi đó cùng mọi người theo chân. Ai cũng muốn mình quên những chuyện vừa xảy ra.

Nhưng, tất nhiên là không thể. Dù chân có bước theo anh Quyết, tôi vẫn ngoái đầu trở lại để nhìn Hùng. Cứ như vậy, khối óc trở nên lờ mờ. Tôi nhớ lại hôm trước Bảo kể rằng hắn bị một bọn trong trường cảnh sát đánh úp, lại còn bẻ răng hắn... trong nhà vệ sinh. Và bấy giờ, tự nhiên trong một khoảnh khắc, ông lại nhìn tôi. Cái liếc đó thật kỳ lạ. Tôi không sao rời mắt được, bởi lẽ nó đã hút hồn mình vào sâu thẳm. Chân cứ bước đi trong vô thức. Thực sự, tôi đang tiến vào bóng đêm đen kịt, không thấy bất kỳ tia sáng nào lóe lên. Nhưng, như mắt mình, chân cũng không sao dừng được. Mắt luôn hướng về phía Hùng, cho đến khi ông không liếc nhìn và cũng như kể cả anh Quyết đã đưa tôi đi quá xa. Dẫu chẳng thấy được nữa nhưng, con hổ vằn hung tợn lại cứ hiện ra. Như thể, tôi lưu luyến nó. Không. Nói đúng hơn là thuộc về nó.

Trước đây, những bước chân cứ bước đi trong vô thức. Tôi còn chẳng biết mình đang đi đâu hay sẽ lạc về phương nào.

Tuy vậy, bây giờ, tôi đột nhiên lại biết. Mà khi tôi biết thì tôi càng không sợ nữa. Tôi đã biết nơi mình thuộc về. Đáng lẽ đã phải nhận ra sớm hơn, lúc cánh cửa ấy mở ra. À, phải sớm hơn tí nữa chứ. Phải là ngay lúc chúng tôi vừa gặp mặt nhau. Chính là thời khắc đó, lần đầu tiên tôi gặp được con hổ vằn hung dữ ấy trong đời. Có lẽ, một vết mực sẽ không là gì cả. Có hay không đều chẳng gì thay đổi. Nhưng, nếu có,... nếu tôi thật sự tiến vào bóng tối, rằng dẫu lần này có đi cũng không cần phải ngoái đầu. Bởi lẽ, người đó sẽ ở sẵn bên cạnh, ở phía sau lưng và ngay trước mặt. Tôi sẽ chẳng cần phải sợ hãi hay hối tiếc một điều gì. Không còn ai có thể làm hại tôi.

Tôi thuộc về con hổ ấy. Là một trong số chúng.