Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội: Mầm Xanh

Chương 51



51.

Chỉ mất mười phút phóng xe là tôi đã đến ngay trước cổng công an phường nơi mình ở. Cũng không nghĩ được nhiều hay nhìn ngó xung quanh, cứ thế mà xồng xộc đi vào trong. Lúc bấy giờ, ở phường khá vắng. Và trời thì đang rơi vào giấc xế chiều ảm đạm. Lác đác một vài bóng các chú dân phòng trực trông khá lười biếng. Họ ngáp ngắn ngáp dài bên những chồng giấy hồ sơ lộn xộn. Thậm chí, đến tận khi tôi đã bước hẳn vào bên trong, cũng giống như chẳng có ai nhận thấy sự hiện diện ấy vậy. Thế là, tôi đứng ngơ ngác bẵng một lúc. Quan sát mà bần thần, nhìn cả không gian bốn bức tường màu vàng nhưng trơ trọi.

"Này, cậu kia!"

Cho đến khi, có một tiếng nói bỗng vang lên. Tôi quay đầu theo hướng ấy, vì có vẻ như là gọi mình. Đấy là một chú công an phường, vóc người khá tròn. Chú vừa đi vừa ưỡn ngực về phía trước, miệng thì làu bàu hỏi xem mình đến đây làm gì. Ngay lập tức, tôi liền xưng rõ ràng tên họ:

"Cháu là Phạm Duy Phương." Giọng nói dõng dạc, nhưng toàn thân nổi da gà rùng mình hết cả lên. "Cháu, tới đây để tìm chị cháu. Nguyễn Hải Hà."

Khi gọi tên Hà ra, tôi hơi thót tim một chút. Tuy nhiên, cho đến cuối cùng thì cũng cảm thấy chả có gì phải ngại ngùng cả. Vì tôi biết, cho dù như thế nào đi chăng nữa, chúng tôi vẫn là chị em.

Nghe xong câu đó thì lúc này mặt của chú công an liền biến sắc. Mặc dù tôi không miêu tả chi tiết được, khuôn mặt đó là như thế nào. Nó giống như đang ngây người ra một chút, rồi giật mình tỉnh lại. Sau đó, chú liền kêu tôi cứ ngồi xuống băng ghế dài, và chờ một chút. Tất nhiên, mình cũng chẳng nghĩ gì mà làm theo. Chỉ thấy, chú đi nhanh lại cái bàn làm việc đầy những tập hồ sơ ở trong cùng, rồi lấy điện thoại ra gọi ai đó. Tôi ngồi mà ráng ngước đầu lên nhìn theo từng hành động của chú. Hết nói chuyện điện thoại rồi lại xì xầm to nhỏ gì đó với những đồng chí xung quanh. Và rồi, có một lúc, tôi nhận ra, bọn họ ai nấy thay phiên nhau lần lượt ngoái đầu lại nhìn mình e dè. Nhưng, đều chẳng có một kẻ nào ra nói gì cả.

"Ra mày là thằng nhóc ấy."

Đoạn, tôi nghe thấy ở ngay bên cạnh mình, một người thanh niên đã ngồi sẵn trên ghế, từ ban đầu, cất giọng nói. Lúc này, tôi vẫn chưa kịp nhận ra đó là ai. Chỉ để ý rằng, anh ta có dáng người cao ráo, khuôn mặt góc cạnh. Ngoài ra, đôi mắt pha chút màu xanh da trời vô cùng đặc biệt. Người đó nở một nụ cười méo xệch với tôi. Dáng ngồi cũng không ngay ngắn, mà hơi ngả lưng ra sau. Và cứ, hất cằm lên, nhìn mình như thế.

"Anh là ai?" Tôi mạnh dạn hỏi: "Mình có quen à?"

Anh ta không trả lời ngay mà biểu lộ ra thái độ khá bỡn cợt. Tôi ngó lại từ đầu tới chân người thanh niên ấy thêm một lần nữa. Trên người mặc toàn màu đen. Tay thì đeo đồng hồ bóng loáng. Tới lúc này, tôi lại thăm dò hỏi:

"Anh là bạn của chị hai sao?"

"Tao là Ân."

Thế mà, tôi lại đột nhiên nín thin. Hắn ta đáp câu hỏi đó rất nhanh, với nụ cười kiêu ngạo, cứ hất mặt về phía trước. Nhưng tôi thì thảng thốt tới mức im lặng. Và tôi không nhận ra sự im lặng ấy, cho đến khi nhận ra Ân đang tiếp tục nói:

"Hóa ra, mày là con cún cưng Thư đã kể rằng con Hà vừa dắt về."

"Cái gì?" Tôi hỏi nhưng lẫn được trong đó, là âm thanh khàn đi của giọng nói. Và hai hàm răng nghiến lên nhau.

"Đừng có bực sớm quá." Ân dường như đoán được, mình đang nóng giận. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản hắn, tiếp tục đùa cợt. "Chúng mình đều đến đây gặp chị mày đấy."

Tôi nghe thế liền ngồi thẳng dậy. Bấy giờ, mười đầu ngón tay đã bứt rứt, ngứa ngáy giống như kim chích. Và, tôi trừng mắt nhìn thẳng vào khuôn mặt xấc láo của Ân. Trong khi đó, đầu óc mình, bất giác bồi hồi nhớ về từng chuyện một đã xảy ra với Hà, mà do hắn. Từng chuyện một. Kể cả lời kể của bà Thư. Từng câu chuyện một, và lời kể của bác Phong, rằng, chị tôi đã vì bảo vệ tên này mà hồ đồ nhận tội giết người rồi giả mạo lời khai.

"Anh đúng là Ân." Tôi ráng nở nụ cười. Nhưng mỉa mai vì nó méo xệch. "Anh đến gặp chị tôi để làm gì?"

"Ồ!" Ân giật vai lên, như thể ngạc nhiên vì câu hỏi đó.

Sau đó, hắn ngồi đối diện với tôi, dùng tay chỉ vào phía bên trong phường, "Chị mày gọi tao đến."

"Tại sao chị tôi lại gọi anh đến chứ?" Tôi hỏi mà đột nhiên nếm ra được, vị tanh tưởi trong miệng.

Bấy giờ, trong đầu mình đã nghĩ, chị cần quái gì tên đàn ông này? Tên khốn nạn. Tôi thầm mắng Ân như thế, và cũng khó chịu nổi để không phọt ra khỏi mồm. Đôi bàn tay nắm lại thành nắm đấm, giữ chặt ở trên đùi.

"Tao đâu biết." Ân nhún vai rồi cười khà khà. "Nhưng... À mà tao biết rồi."

Lông mày bên trái tôi liền nhấc lên một cái. Ánh mắt thì vẫn nhất định không thay đổi, cứ chằm chằm nhìn vào tên khốn nạn trước mặt.

"Chị của mày cần tao làm chứng cho nó vô tội." Ân nói huỵch toẹt ra: "Mày biết cái vụ con Thư bị thằng chơi thuốc quá liều tấn công rồi nhở? Người ta nghi ngờ chị mày mới là đứa bị hiếp, bị thằng đó làm nhục cơ thể. Rồi con Thư nhảy vào cứu, xong sau đó thì hai đứa nó giết luôn thằng đấy, và khai láo với công an."

Những lời của Ân liên tục đổ vào tai tôi, không biết bằng đường nào lại luồn xuống họng, làm tôi nghẹn ứ, chả nói được gì. Và hắn cứ thế nhạo báng tất cả mọi người:

"Hoặc... Cứ như ban đầu, con Thư vẫn là đứa bị hại. Nhưng, nó cũng là đứa đã giết thằng ấy. Và rồi nó gọi chị Hà yêu dấu, thông minh của mày đến để chỉ nhau cách thoát tội."

"Thằng khốn!" Tôi bật ra một tiếng chửi rủa bất lực. Theo cơn nóng giận, hai chân tự động bật dậy đứng lên khỏi ghế. "Mày câm mồm!"

Nhưng, sự nóng giận của tôi chẳng hề là một chút gì với hắn. Ngược lại, Ân còn đắc chí. Hắn cười hả hê: " Gì nóng? Tao chỉ nói đùa thôi." Thậm chí, còn dám kéo tôi ngồi xuống, "Mày nóng vội quá, người ta nhìn cả kìa..." Mà bị tôi gạt phăng tay ra. "Chị mày không có chuyện gì đâu."

Tôi liền nhìn hắn dè chừng, "Thật không?"

"Thật." Ân gật gật đầu. "Nó chỉ bị gọi đến để kiểm tra xem cái đêm đó đã ở đâu thôi."

Nghe theo lời Ân, tôi đã tự lúc nào ngồi lại xuống băng ghế. Hôm ấy, chị hai đã ở đâu nhỉ? Tôi nghĩ là chị đã về nhà, lúc mình về nhà. Nhưng, sau khi đón Chi về không bao lâu thì Hà mới bước vào cửa. Vậy là chị chưa về, cho đến lúc ấy sao?

"Thế anh biết chị tôi đã ở đâu sao?" Tôi buột miệng hỏi.

"Tất nhiên!" Ân khẳng định chắc nịch. "Nó gọi cho tao mà."

"Chị ấy gọi cho anh?" Để làm cái gì chứ? Tôi khó hiểu.

Lại một lần nữa, Ân không trả lời ngay. Mà lúc này, có một anh công an bước đến trước mặt cả hai. Sau đó, từ tay anh ta, Ân nhận lại một chiếc điện thoại. Tôi mơ hồ đoán thầm, đó là điện thoại của hắn.

"Tụi anh kiểm tra xong rồi." Tôi nghe anh công an bình thản nói, rồi bỏ đi. Kiểm tra cái gì cơ?

Ân nhận lại chiếc điện thoại ấy liền bấm mật khẩu mở ra, đoạn tay lướt như tìm một cái gì đó. Miệng hắn hỏi, lúc tôi vẫn còn ngồi ngơ mình ra: "Mày biết tụi tao quen nhau mà đúng không?"

Nghe vậy, tôi giật mình, liền quay đầu nhìn Ân.

"Tao với con Hà. Chắc chắn con Thư đã kể, tụi tao bồ bịch với nhau."

Thật, là thật. Tôi nhìn Ân trân trân, tới mức mồ hôi mọi chỗ đều tuôn ra đầm đìa. Kể cả mắt cũng cảm thấy cay xè. Ở trong họng thì nước bọt nuốt vào, liền mặn như đang nếm cả bể muối.

"Tụi tao quen với nhau hồi cấp ba rồi." Ân nhiệt tình kể lại, thậm chí còn lớn giọng thừa nhận.

Vậy là thật. Tất cả những suy luận của tôi tới nay đã đúng! Hắn chính là nguyên nhân Hà bị gán tội giết chết Vân.

"Nhưng, tuần trước, tụi tao vừa chia tay rồi."

Cái gì cơ? Tôi nhướng mày ngạc nhiên. Nhưng rồi nhanh chóng mừng rỡ. Đúng rồi. Phải chia tay! Chia tay là đúng! Phải chia tay từ lâu rồi chứ!

Tới lúc này, Ân vẫn chưa nhìn tôi mà tay còn đang lướt trên màn hình điện thoại. Hắn hoàn toàn tập trung vào đó, mặc dù miệng đang kể: "Tại tao chán." Kể rất rõ ràng, "Chị mày nhàm chán vãi."

"Không mượn mày bình luận." Tôi nuốt cơn giận xuống, thả ra một câu dằn mặt ngắn gọn.

Tuy nhiên, hắn cười khẩy. Thái độ rất coi thường, thờ ơ với lời nói của tôi.

"Hẹn hò với mấy con khác vui biết bao nhiêu. Chúng nó luôn chiều theo những trò tao muốn. Còn chị mày, đã nghiện nhưng lại thích tỏ ra vẻ ngại ngùng..."

Đoạn, đột nhiên ngón tay của Ân dừng lại. Hắn không còn lướt màn hình nữa, mà là bấm đúp vào đấy. Dường như, Ân đã tìm thấy thứ muốn tìm rồi sao? Tôi tức nhưng ngờ nghệch ra nhìn, chờ đợi hắn.

"Chị mày khoái tao lắm." Và giờ thì hắn đá lông mày với mình. "Nên đêm hôm đó đã cầu xin tao quay lại với nó."

"Nói láo." Tôi gạt phăng đi. "Người như chị tôi, không bao giờ thích kiểu người như ông."

"Vậy sao?"

Ân kiêu ngạo cười khúc khích. Và rồi, hắn nhích lại rất gần. Thậm chí, Ân còn choàng tay qua vai tôi, gợi ý định cho mình xem cái thứ trên điện thoại của hắn. Bấy giờ, ở trong màn hình, có vẻ như là một đoạn phim được quay bằng điện thoại. Tôi vẫn chưa thực sự nhìn kỹ ra đó là gì, mà chỉ thấy phía trước mắt hình như là bờ lưng trần của một cô gái. Da trắng, cũng khá gầy, tóc màu đen, lại dài đến vai giống như chị Hà. Nhưng ngoài ra, tôi chỉ nhìn thấy bờ lưng trần, chứ không có mặt mũi, cũng như bất kỳ đặc điểm nào khác. Bờ lưng ấy trống, không có hình xăm, và có vẻ như đang nằm áp xuống giường. Tôi cứ vậy mà bần thần nhìn trong chốc lát, cho đến khi Ân bật đoạn phim đó lên. Làm ơn, xin anh. Đó là tiếng nài nỉ. Giọng của chị tôi, bên trong màn hình, run rẩy và nài nỉ. Van xin ai đó... Cho em đi. Làm ơn đi mà. Van xin kẻ khốn nạn đang cười khằng khặc ấy, đang ghi hình lại chị một việc gì đó. Điều tục tĩu, đồi trụy, mất phẩm giá. Hình ảnh Hà nằm áp mặt xuống giường, phô ra cơ thể trần trụi run rẩy trong đêm. Và rồi, hắn ra lệnh chị phải nói. Nói trong khi khóc vì tủi nhục. ** em đi. Làm ơn. Hắn là chủ nhân của chị. Trong khi chị cất chất giọng tha thiết van nài hắn ta đối xử với mình như món đồ chơi. Cỏ rác. Thú tiêu khiển. Em xin anh. Em thèm lắm... **, ** em mạnh hơn đi đi. Chị tôi cầu xin như một con điếm rẻ tiền. Em là con đĩ của anh. Và rồi, hắn thúc vào bên trong chị, từ đằng sau, những cú thúc mạnh mẽ, dồn dập, khiến chị cất tiếng rên rỉ yếu ớt. Nhưng, chứa đầy nhục dục, và sự thèm khát. Không, dừng lại. Đừng dừng lại. Nữa, nữa đi. Tôi muốn hắn dừng lại, nhưng không, liên tiếp rất nhiều lần... như một cuộc đua đến địa ngục tồi tệ kinh khủng. Tiếng khóc, rên rỉ càng lúc càng lớn hơn. Nghe như gào thét. Chày giã cối, vồn vã, sâu vào bên trong. Phá hủy mọi thứ. Hắn dập hỏng chị tôi, thành từng mảnh một. Từng mỗi mảnh một. Từng giọt nước mắt. Bờ lưng trần run rẩy. Chị khóc lớn hơn. Lớn hơn nữa. Càng lớn hơn nữa. Tới mức chị phải cầu xin. Như hắn nói. Cầu xin rằng hắn muốn chị nhưng hắn không muốn chị... Càng lúc càng lớn hơn!

Phải đến ba bốn tên công an xông vào mới lôi được thằng bé ra khỏi người tôi. Nhưng, tới lúc đó, mình đã ăn lấy hai đấm của nó, ngã lăn quay ra đất và xịt cả máu mũi ra ngoài. Chó má nó! Con Hà dắt về không chỉ là một con chó. Mà là một con chó dại, bốc đồng nhưng trung thành đúng nghĩa. Mặc cho những tên công an lôi mình ra, kéo nó đứng dậy khỏi người tôi, thằng Phương vẫn gào thét. Nó vừa gào lên chửi tôi, mà nước mắt vừa rơi xuống. Hai bầu mắt nó đỏ ngầu. Đôi bàn tay run rẩy lẩy bẩy nhưng nó cố vùng vằng khỏi những tên công an. Nó cay đắng thét:

"Thằng chó đẻ!"

Nước mắt nó cứ trào hết cả ra, như suối, đổ xuống cằm, trong khi tôi lộm cộm bò dậy. Và một khoảnh khắc ngắn ngủi, Phương vùng được ra khỏi những tên công an ấy. Nhưng nó không nhảy chồm đến người tôi, mà dùng chân đá mạnh chiếc điện thoại đã rơi trên sàn ra bên ngoài. Chiếc điện thoại văng ra ngoài sân. Trầy trụa. Những tên công an lôi nó theo ra bên ngoài trấn áp, để giữ hai đứa không ở gần nhau. Đoạn này thì dễ dàng. Miệng Phương thì vẫn gào to chửi tôi và chân của nó dẫm thật mạnh lên chiếc điện thoại, bể nát. Tôi ngó thấy thằng bé đã phá hỏng cái bằng chứng mỏng manh đó mà mỉm cười. Tay chùi máu me be bét trên mặt, vẫn nở nụ cười khẩy. Từ từ ngồi lại trên băng ghế, tôi ngó ra ngoài, nghe và nhìn thẳng nhóc bùng nổ như một quả bom đã bị châm ngòi. Mảnh vỡ của chiếc điện thoại vương vãi dưới chân nó. Tôi càng thích thú cười tươi hơn.

Một đoạn phim chỉ bảy mươi giây. Hà phải cảm ơn tôi. À không, hai đứa tôi... thật hoàn hảo. Từng chi tiết một, từng mỗi nút thắt, được chúng tôi tạo dựng cùng nhau. Không biết bằng cách nào, Hà đã luôn đoán được trước mọi thứ. Còn gì dễ giải thích hơn, vì riêng tư và đơn giản, rằng trong giây phút khốn khó của cuộc đời mình, Hà đã tìm đến thằng bạn trai cũ, kẻ cũng đã đày đọa mình như những đứa mất dạy đêm đó, để van xin một cuộc chim chuột nhanh, mạnh, không ý nghĩa... mà tất nhiên là cuối cùng nó cũng chẳng có cái gan để làm? Còn gì phù hợp hơn, dáng vẻ nạn nhân. Chuẩn bị sẵn ngay từ đầu. Sắp xếp cho cái bệ đỡ chắc chắn, mỗi khớp nối đều trùng với nhau. Liên kết với nhau. Một cái bẫy thật tinh tế. Như là khu đầm lầy lầy lội, trập trùng đan xen giữa muôn vàn các tán lá, bộ rễ với nhau. Khu rừng có rất nhiều cây, Hà đã nói. Những sinh vật nguy hiểm, nép mình trong những bụi rậm.

Cuối cùng, bọn công an còng tay tôi và cả thằng nhóc vào băng ghế, nhưng mỗi đứa mỗi đầu. Những tên thợ săn to nhỏ với nhau đủ điều. Chúng đã tin, chúng đã tin lớp mạng nhện Hà giăng bẫy ra là thật. Tôi nở nụ cười. Kệch cỡm, bỡn cợt. Bọn công an ra lệnh cho cả hai im lặng, không được nói gì với nhau nữa. Tôi nhẹ nhàng, bình thản đáp lời chúng: "Vâng. Cháu chỉ muốn nhanh chóng được phép về thôi." Bọn chúng để tôi ngồi đó, thản nhiên, trái ngược hẳn với thằng nhóc tức tối, nghiến hai hàm răng với nhau, mắt đỏ bừng, ứu lệ. Bấy giờ, tôi nuốt nước bọt xuống cổ họng. Miệng nếm vị máu tanh tưởi, ra đó là vị của sự đắc thắng. Tôi đã thôi cười mà thầm mừng trong bụng và hình dung ra khung cảnh tiếp theo. Rằng Hà sẽ bước ra, tôi ngẩng đầu lên nhìn, ở đằng kia. Nó sẽ bước ra khỏi cánh cửa đó, đớn hèn như một con chim vừa bị vặt trụi lông. Dáng vẻ yếu đuối, gầy guộc, trần truồng giữa chốn đông người.

Nhưng được thả về với rừng rậm. Sống sót, và Tự do.

"Bọn chú đã kiểm tra xong rồi."

Cánh cửa của căn phòng mở ra từ đằng sau lưng, và Thống bước tới chỗ con bé. Bấy giờ, người đàn ông đưa lại cho Hà cái điện thoại của mình. Cùng lúc đó, ông ta nhẹ nhàng vỗ vai nó. Một sự động viên không nói thành lời. Trái lại, Hà hít một hơi thật sâu. Nó cầm lấy chiếc điện thoại, ngay lập tức đút thẳng vào túi áo. Mũi nó vẫn phát ra tiếng sụt sịt, cho tới tận bây giờ. Hà mím môi lại, lúc dùng tay chùi đi giọt nước mắt còn vương ở khóe mi. Trước mặt nó, Thống tựa vào chiếc bàn, ân cần hỏi: "Cháu đã cảm thấy ổn hơn chưa?"

Đáp lại câu hỏi đó, Hà ngậm ngùi gật đầu. Rõ ràng, con bé đang cố gắng lấy lại vẻ mặt thờ ơ thường được trưng ra mỗi ngày, chứ không phải bộ dạng bị tổn thương, yếu ớt này. Hà cứ cố gắng, rồi lại cố gắng. Nó ngẩng mặt lên. Hai mắt long lanh, như có thể khóc bất kỳ lúc nào. Nhưng, tận trong tâm hồn con bé, mọi thứ đã tê liệt. Nó nhìn Thống mà không nói một lời nào. Đối diện lại với đứa trẻ mang đầy những vết sẹo quá khứ ấy, người đàn ông thở dài. Ông ta nắm lấy tay Hà, rất nhẹ nhàng, gần gũi và ấm áp.

"Cháu không còn là đứa trẻ yếu đuối năm xưa nữa." Thống nói những lời dịu dàng. "Bây giờ, cháu đã là người tốt. Là một nghiên cứu sinh tài giỏi, một bác sĩ, có được sự công nhận của mọi người."

Và thật ra, con bé từ từ nhớ lại những chuyện hồi nhỏ rằng ông chính là người... gần giống với hình ảnh người cha nhất trong suốt thuở ấu thời của Hà và Thư. Rằng là, chúng nó đều là những đứa trẻ thiếu thốn tình thương gia đình tới mức cùng cực, bị cha ruột của mình bỏ lại, đơn độc, tới mức phải đi mượn hình ảnh của cha người khác để có thể cảm nhận được chút hơi ấm nhỏ nhoi, giả tạo.

"Nên, những chuyện trong quá khứ, cháu nên rũ bỏ hết đi. Họ không còn có thể làm hại đến cháu nữa." Hà nhìn thẳng vào cặp mắt hiền từ của ông. "Nghĩ thoáng ra. Đừng mang nặng nỗi sợ trong lòng."

Con bé ngoan ngoãn, đáp lại một tiếng dạ vâng. Sau đó, Thống kéo Hà đứng dậy khỏi ghế. Hai người đi thật chậm rãi bên cạnh nhau. Tuy nhiên, trong phút chốc, con bé bỗng nhiên dừng lại. Như con chim sẻ ướt nhẹp và lạnh lẽo giữa trời mưa, Hà thu mình lại. Những ngón tay gầy guộc bám chặt lấy Thống.

"Cháu sợ rằng... mình vĩnh viễn sẽ không làm được." Hà yếu đuối thầm thì.

"Tại sao?"

Lúc này, người đàn ông đã dắt được đứa trẻ ấy đến trước cửa căn phòng. Chỉ còn một chút nữa, nó sẽ được thoát ra khỏi căn phòng chứa đựng toàn những ký ức đớn đau này.

"Vì... có rất nhiều người đã thất bại, kể cả khi dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ."

Thống không đáp lại gì câu nói đó của con bé. Nhưng trong phút chốc ngắn ngủi, ông ta chợt hiểu, cho dù mình có dắt đứa trẻ ấy ra khỏi đây thì nó vẫn mắc kẹt tại đó. Những giọt nước mắt năm ấy Hà đã rơi đủ, để biến cả tâm hồn nó thành một cái hồ nước hình lập phương. Chỉ có thể ngước đầu lên lấy hơi, thoi thóp.

Bọn họ đã ra khỏi phòng thẩm vấn. Hà hít thật sâu trong mỗi bước chân mà con bé đi. Khi cánh cửa ấy vừa mở, con bé liền nhìn thấy thằng Phương đang ngồi trên băng ghế, với hai tay khoanh ra đằng sau lưng. Bất giác, Hà ngạc nhiên. Tại sao thằng nhóc đấy lại ở đây? Và rồi, nó nhìn sang phía cuối băng ghế, là người bạn cũ. Giây phút ấy, Hà nín lặng, trong khi Ân nở một nụ cười quỷ quyệt.

"Chị hai..." Phương cất lên một tiếng gọi thân thương mà cay đắng.

Cùng lúc đó, bỗng nhiên ở trước cổng đồn đỗ lại một chiếc xe hơi màu đen. Tất cả đồng loạt ngoái nhìn ra bên ngoài, và đều nhanh chóng nhận ra đó là một chiếc Land Cruiser limousine bọc giáp, biển xanh. Ngay lập tức, một cậu công an trẻ tuổi nhanh nhẹn chạy đến bên để đón. Khi ấy, cửa xe cũng nhanh chóng được mở ra. Tiến vào, không ai khác, là ông Tấn. Bấy giờ, người đàn ông mặc âu phục đen hiên ngang bước vào đồn công an như thể mình sở hữu cả chỗ này. Nhưng, đúng thế thật. Ông Tấn cứ vậy mà đi thẳng vào bên trong, trước động tác chào ngay ngắn của tất cả những vị công an đang có mặt. Họ đứng nghiêm, tay giơ lên trên trán. Và chỉ khi vị lãnh đạo quét cặp mắt lạnh lùng nhìn qua tất cả ưng ý thì họ mới bỏ xuống. Lúc đó, ông Tấn gật đầu nhẹ một cái. Mọi người đều đồng loạt phục tùng theo ông ta. Có lẽ, đi từ bên ngoài, Tấn đã nhận ra ngay khuôn mặt của mấy đứa trẻ bị còng ngồi trên băng ghế. Tất nhiên, ông ta chẳng bộc lộ ra chút biến sắc nào, mà cứ băng băng bước tới, cho đến khi tới trước mặt tất cả rồi mới trầm giọng, hỏi:

"Đã hỏi xong chưa?"

Thống vốn định cất tiếng: "Dạ,..." Nhưng, Tấn lại chẳng cho ai trả lời:

"Chưa xong cũng thả ra." Vẫn trầm, khàn nhưng đầy uy lực. "Ngay."

Ngay lập tức, những người mặc cảnh phục liền vội vàng chạy đến gỡ khóa còng ra khỏi tay bọn trẻ. Và Hà cũng được đưa trả về với người đàn ông sở hữu mọi thứ. Bấy giờ, Tấn khó chịu liếc nhìn thằng nhóc con, như có điều gì muốn cất tiếng hỏi. Tuy nhiên, ông ta không bắt chuyện mà chỉ lẳng lặng lại bước ra bên ngoài, với tụi nhỏ lững thững đi theo đằng sau. Rõ ràng là ông Tấn không muốn tốn lời nói chuyện với bất kỳ ai ở trong ấy, mà chỉ chăm chăm đạt được mục đích là giải thoát những đứa trẻ ấy ra về. Cả bầu không khí bị bao trùm bởi sự im lặng cực kỳ nặng nề cho đến khi bọn họ đã ra tới cổng bên ngoài. Lúc này, ông Tấn xoay người lại.

Và người đầu tiên được ông ta nhìn tới, chính là Hà, "Lên xe ngồi đấy. Chờ ba."

Tấn hất đầu ra lệnh, đổi ngược lại, Hà im phăng phắc, chỉ biết làm theo. Con bé liền trèo lên xe, ngồi yên vị. Mọi thứ vẫn diễn ra trong im lặng, không có tiếng nói nào khác ngoài giọng ông Tấn và tiếng đóng cửa xe. Mà bấy giờ, kẻ dám bốc đồng lên tiếng, cũng chỉ thằng nhóc con dại dột thôi: "Ơ? Ba định đưa chị ấy..." Tuy nhiên, Tấn đã cắt lời nó chỉ bằng một tiếng suỵt và cặp mắt nhìn trừng trừng. Phương ngậm miệng im lặng.

Nhưng nó khó chịu nhìn ông quay sang hỏi han Ân: "Họ đưa cháu đến đây sao?"

Ân không đợi gì mà trả lời, "Dạ. Tại vì ba cháu tịch thu xe rồi. Cháu được chở tới bằng xe máy."

Ngay lúc đó, không đợi ông Tấn ra lệnh, từ bên trong công an phường đi ra là hai vị công an. Một lần nữa, họ lại cẩn thận cúi chào, và rất cẩn thận, trình bày với ông:

"Dạ thưa, chúng tôi xin mời cậu Ân đi sang bên này sẽ có xe chở cậu về tận nhà ạ."

"Đưa về đi." Ông Tấn hất tay cho phép.

Ngay lập tức, không lằng nhằng, hai người họ liền dẫn Ân tới chiếc xe của công an phường để đưa nó trở về nhà. Cuối cùng, chỉ còn thằng nhóc và người cha đứng sót lại trước cổng.

"Còn con tới đây bằng cái gì? Mà ba đã dặn con ở nhà rồi cơ mà?"

"Ba có dặn." Phương dường như muốn đùa cợt cho bớt căng thẳng. "Nhưng con đâu có dạ đâu."

Có lẽ, ngày thường thì Tấn sẽ không ngại ngần gì mà lớn tiếng dạy dỗ cậu con trai. Nhưng hôm nay, đặc biệt, ông chỉ im lặng khó chịu. Thậm chí, bây giờ, thằng nhóc mới ngồ ngộ nhận ra, ông Tấn đã thay đổi cách xưng hô, không còn mày-tao như lúc ở nhà. Phương đứng ngây người ra, ắt là đang suy nghĩ. Thật lạ...

"Ba đưa chị về nhà ba mẹ." Ông Tấn nói ra ý định của mình với thằng nhóc. "Muốn về thì tự đi xe máy chạy theo."

"Con biết rồi." Thằng nhóc lẹ làng trả lời rồi nhanh chân chạy vào bên trong lấy xe máy.

Sắp xếp xong cả, Tấn hít một hơi rồi được tài xế mở cửa trèo lên xe. Ở bên trong, Hà ngồi ngay ngắn, vẫn im lặng, không nói một lời nào, tận đến cả khi người đàn ông ra hiệu cho phép xe chạy. So sánh với phía trước, khoang phía sau của cabin rất rộng rãi. Tất nhiên,cũng trang bị những tính năng tiện nghi, ví dụ như bàn gấp hay ghế tựa. Đáng chú ý, khoang trước và sau của cabin giờ đây được phân cách bởi một màn hình cỡ lớn. Từ lúc bước lên, Hà nhận ra mình đã được Tấn đưa vào một căn phòng biệt lập hoàn hảo. Bởi lẽ, không lạ gì, tấm phân cách ở trước mặt nó đây, chính là một tấm phân cách cách âm, không một lỗ hỏng.

"Tại sao công an lại gọi mày lên phường?"

Hà không trả lời. Thậm chí, nó còn dám cả gan trưng ra bộ mặt thờ ơ. Mắt hướng ra ngoài cửa sổ, ngắm nhìn khung cảnh đường phố mà chiếc xe đang phóng nhanh qua.

"Mày đã làm gì hay vướng vào rắc rối gì, đúng không?"

Thấy con bé không trả lời, ông Tấn liền đổi cách hỏi. Nhưng tuyệt nhiên, Hà vẫn không hé răng nửa lời. Nó thở hắt một hơi, chán chê nhìn cảnh vùn vụt qua trước mắt. Lúc này, con bé hơi cúi thấp đầu xuống, giữ khuôn mặt đối diện với tấm phân cách. Tuy vậy, những hành động của Hà đều đã cho Tấn hiểu rằng, nó đang giấu giếm, chứ không hoàn toàn muốn im lặng. Như thể rằng, con bé không hề tin tưởng ông ta.

"Được." Tới đây, Tấn gật đầu. Xem ra, ông ta cũng chẳng màng quan tâm. "Nếu mày muốn tự mình giải quyết việc này, thì lần sau đừng có ẩn ý nhờ thằng nhóc gọi cho tao để cứu mình ra."

Tấn đoán rất đúng. Hà hẳn đã suy tính như vậy, nên mới để lại tờ giấy nhắn thằng Phương gọi cho ông ta. Lúc này, con bé nghiêng đầu nhìn lên người đàn ông đang thản nhiên châm một điếu thuốc.

"Tao biết hết những điều mày làm. Kể cả những gì mày suy tính. Nhưng, tao không tin tất cả những thứ đó..." Khói phả phì phò trước mắt cả hai. "Sẽ luôn thành công."

Bị nói kháy, Hà cáu gắt hỏi ngược lại: "Tại sao?"

"Vì mày không thông minh như mày nghĩ." Tấn thẳng thắn nói.

Hà cười khẩy, như là một lời phản bác kiêu căng. Tuy vậy, đối lập lại, thái độ ngạo mạn ấy không làm Tấn nao núng.

"Muốn thử không?" Bấy giờ, người đàn ông nở một nụ cười. Và rồi, ngay lập tức, ngón trỏ của ông ta liền chỉ lên trần nhà, "Thế trên đầu mày là cái gì đấy?"

Cứ thế, Hà nhìn lên theo ngón tay Tấn chỉ, và chỉ thấy cái trần xe màu đen. Nực cười, con bé bực bội nhăn mày, mỉa mai đáp: "Cái trần xe."

"Đúng. Mày đúng là thiên tài rồi đấy." Ông Tấn gật gù ưng ý. "Thế mày hiểu nó nghĩa là gì không?"

Tới lúc này, con bé im bặt. Có nghĩ mãi cũng không ra, Hà bực tức cắn môi. Cái gì sâu xa hơn thế?

"Nghĩa là, cho dù trời có sập xuống..." Ông Tấn dụi tắt điếu thuốc. "Thì cũng có trần xe của ba chống cho mày."

Đứa trẻ câm nín khi nghe người cha nói. Toàn thân nó không hề cử động, chỉ trân mắt nhìn ông ta, như bị một cơn sét đánh xuống tê liệt, mà lại thức tỉnh. Sau một hồi lắng đọng như thế, Hà mạnh dạn hỏi ông: "Là vì mẹ sao?"

"Không. Là vì mày là con của ba."

Trong phút chốc, Hà đã kinh ngạc vì câu trả lời thẳng thắn ấy của ông Tấn. "Mày là con gái của ba. Mày sẽ luôn phải làm những gì ba nói. Và ba, bằng mọi giá, sẽ luôn phải bảo vệ mày." Ông Tấn nuốt xuống một ít nước để trôi vị của thuốc lá. "Tất nhiên là khỏi những kẻ không cùng dòng máu ngoài kia."

Con bé ngồi thẫn ra, hai mắt mở to nhìn cha. Tới đây, ông Tấn lần nữa đặt lại câu hỏi ban đầu, một cách nhẹ nhàng hơn: "Vậy, ba có thể hỏi nguyên do chứ?"

Được. Hà bặm môi, cúi đầu. Và rồi, nó nói. Con bé đã kể hết mọi điều cho cha mình nghe.