Trăm Năm Hạnh Phúc, Trọn Đời Bình An

Chương 8



8.

Mấy ngày này ta không cần ở trong cung, cũng không cần phải dậy sớm, cho nên ngày nào cũng ngủ đến trương mắt mới dậy.

Hôm nay, đang lúc say giấc nồng thì Nghi Hoa chạy xồng xộc vào trong phòng ta, kéo ta dậy cho bằng được: “Mau dậy, mau dậy thôi!”

Ta phải kiềm chế lắm mới không ra tay với con bé, chỉ quay người đi chỗ khác, trùm chăn ngủ tiếp.

Nghi Hoa lại giật lấy cái chăn của ta: “Giờ không phải lúc để ngủ đâu!”

Ta khó hiểu: “Sao thế? Trời sập à, hay là đất lở rồi? Muội muốn ta phải học theo Nữ Oa vá trời hay Đại Vũ trị thủy?”

“Hừ…tỷ biết hôm nay là ngày gì không? Là sinh thần của Hoàng tổ mẫu đấy! Một lát nữa mọi người sẽ cùng đến biệt việt ở phía tây kinh thành để tổ chức tiệc sinh thần cho Hoàng tổ mẫu. Vinh Thuần cô cô bảo ta đến gọi tỷ dậy. Ngủ không biết trời đất gì luôn…”

…. Đọc tr𝑢𝘺ện ha𝘺, tr𝑢𝘺 cập nga𝘺 — 𝘛r𝐔𝓂𝘛r 𝑢𝘺ện.vn —

Hoàng tổ mẫu là một người giản dị khiêm nhường, từ trước đến nay, mỗi năm đến sinh thần người đều không muốn tổ chức quá linh đình khoa trương. Hoàng tổ mẫu chỉ muốn được cùng con cháu ăn một bữa cơm ấm cùng. Nhưng người lại rất thích ngắm đèn lồng, nghe kể chuyện cười. Vậy nên sinh thần năm nào trong biệt viện cũng treo đủ các loại đèn lồng đầy màu sắc, con cháu đến thăm cũng đều chuẩn bị trước các câu chuyện cười để kể cho Hoàng tổ mẫu nghe.

Năm nay cũng vậy.

Hoàng tổ mẫu ngồi trên ghế, ánh mắt hiền từ nhìn từng người một đến thỉnh an. Người sờ sờ gương mặt bầu bĩnh của Trường Lạc, trầm ngâm một lúc rồi nói: “Ai gia đúng là già thật rồi.”

Trường Lạc rất ngoan ngoãn hiểu chuyện, vội vàng nắm lấy tay Hoàng tổ mẫu: “Hoàng tổ mẫu không già, Hoàng tổ mẫu thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế.”

Mọi người có mặt ở đó đều bị giọng nói non nớt của Trường Lạc chọc cười, bầu không khí cũng nhờ vậy mà thoải mái hơn nhiều. Hoàng tổ mẫu nghe thấy tiếng cười nói chúc tụng xung quanh thì hơi thất thần, ánh mắt xa xăm, nhỏ giọng lẩm bẩm: “Thiên tuế, thiên thiên tuế…”

Mọi người khó khăn lắm mới có dịp ngồi cùng với nhau, có rất nhiều chuyện để nói, việc chính vẫn là kể chuyện cười cho Hoàng tổ mẫu nghe. Nghi Hoa và Nghi Ninh học hành thì không đâu và đâu nhưng lại rất giỏi trò kể chuyện này, mấy lần khiến cho mọi người cười đến chảy cả nước mắt.

Qua một lúc, Nguyên ma ma bước vào trong phòng, thông báo tiệc rượu đã dọn xong. Hoàng tổ mẫu nghe vậy liền vội nói: “Cứ ngồi nói chuyện mãi, mọi người chắc cũng đói lắm rồi, mau đi dùng bữa thôi.”

Hoàng thượng cũng vội vàng đứng dậy, bước đến đỡ lấy Hoàng tổ mẫu: “Nhi thần đã sai người treo đèn lồng lên rồi. Có mấy cái đèn lồng vẽ cả hình của mẫu hậu nữa, mẫu hậu có muốn đi xem không?”

Hoàng tổ mẫu vỗ vỗ lên tay Hoàng thượng: “Con có lòng rồi. Đèn lồng lúc nào xem cũng được, để cho bọn trẻ ăn cơm trước đi, mọi người đều đói rồi.”

Tất cả mọi người ngồi quây quần bên bàn tiệc, tiếng cười nói rôm rả khiến không khí thêm phần ấm cúng. Hoàng tổ mẫu rất thích những bữa cơm đoàn tụ thế này nên uống khá nhiều rượu, dáng vẻ ngà ngà say. Nguyên ma ma đứng bên cạnh thấy vậy, sợ người uống nhiều quá ảnh hưởng đến sức khỏe nên cười khuyên nhủ: “Nương nương đừng uống nữa, để nô tỳ đưa người về phòng nghỉ ngơi.”

Hoàng thượng cũng phụ họa thêm: “Đúng vậy mẫu hậu, uống nhiều quá không tốt cho sức khỏe.”

Hoàng tổ mẫu gật đầu. Lúc Nguyên ma ma chuẩn bị dìu người đứng dậy thì Hoàng tổ mẫu bỗng dưng níu lấy góc áo của Hoàng thượng, giọng nói ấm ức như một đứa trẻ: “Ta già rồi, đi không nổi nữa rồi. Cũng không biết năm nay hoa ở Giang Nam nở thế nào, cành dương liễu mà người muốn ta cũng không hái được nữa rồi.”

Mọi người nghe xong đều ngẩn người.

Hoàng hậu nương nương đứng bên cạnh vội vàng bước đến đỡ lấy Hoàng tổ mẫu, nhẹ giọng dỗ dành: “Năm nay hoa ở Giang Nam nở rất đẹp, con cũng sai người đi hái cành dương liễu rồi. Mẫu hậu đi ngủ một giấc, ngày mai tỉnh dậy là có thể nhìn thấy rồi.”

Sau khi Hoàng hậu nương nương và Hoàng tổ mẫu rời khỏi, mọi người cũng lần lượt trở về phòng nghỉ ngơi.

Tuy là chỉ là rượu hoa quả nhưng uống nhiều thì cũng hơi say thật. Ta một mình ngồi trên hành lang, định hóng chút gió cho tỉnh rượu.

Bỗng dưng, có một người đi đến từ phía sau.

“Gió đêm trong lành, có đèn có trăng. Khung cảnh nên thơ thế này, Cố khanh có muốn cùng ta thưởng ngoạn?”

Ta ngắm nhìn những chiếc đèn lồng tinh xảo, không quay đầu: “Nghi Thanh công chúa còn chưa về phòng nghỉ ngơi à?”

Nghi Thanh công chúa cũng đi đến ngồi xuống chiếc ghế dài cạnh hành lang: “Không phải ta nói rồi à, ta muốn cùng Cố khanh thưởng ngoạn cảnh đẹp đêm nay. Không biết Cố khanh có nhã hứng hay không?”

Ta không trả lời Nghi Thanh.

“Trước đây tính cách ta trẻ con hiếu động, suốt ngày quấn quýt bên cạnh phụ thân nói muốn học này học kia. Cầm kỳ thi họa, cưỡi ngựa bắn cung, thứ gì cũng muốn học, lại thường cải trang thành nam nhân để ra ngoài du ngoạn khắp nơi. Khoảng thời gian đó, đừng nói là ở kinh thành, đến cả vùng biên quan cũng biết đến “tam công tử” của Cố gia. Khi người ta thường nghe nhắc về một cái tên nào đó, tất sẽ hiếu kỳ muốn biết người đó trông thế nào. Cho nên người ở kinh thành đã lén vẽ lại chân dung của ta đem ra ngoài bán. Những bức chân dung đó càng truyền càng xa, thậm chí truyền đến rất nhiều nơi khác.”

Nghi Thanh công chúa hơi sững người, nụ cười cũng trở nên gượng gạo: “Cố khanh muốn nói gì?”

Ta quay người lại nhìn thẳng vào mắt Nghi Thanh, giọng nghiêm túc: “Nghi Thanh, thực ra ngay từ lần đầu gặp ta muội đã biết ta là ai rồi. Nếu như đã biết, tại sao lại còn giả vờ như không, còn cho người đi dán cáo thị?”

Nghi Thanh thu lại nụ cười trên môi: “Ta không biết.”

Ta lắc đầu, thở dài: “Cũng không quan trọng nữa rồi. Nghi Thanh, muội là công chúa, là lá ngọc cành vàng, thiên tư bất phàm, được phụ mẫu thương yêu. Sau này muội sẽ tìm được một người xứng đáng với bản thân, hà tất cứ phải vì ta mà bị người đời chỉ trỏ.”

Nghi Thanh cười giễu cợt: “Ngay từ ban đầu, người bám lấy tỷ là ta. Thay vì nói rằng sợ ta bị người đời chỉ trỏ, sao tỷ không thẳng rằng muốn vạch rõ giới hạn với ta để tránh bị thiên hạ dị nghị?”

Lúc này, có lẽ dù ta nói gì thì Nghi Thanh cũng không muốn nghe. Cho nên ta chỉ lẳng lặng rời khỏi.

Cho dù Nghi Thanh làm vậy với mục đích gì, thân là công chúa một nước cũng không thể vì vậy mà trở thành trò cười trong mắt thiên hạ. Dù Nghi Thanh có oán hận ta, nghĩ rằng ta chỉ nghĩ cho bản thân mình cũng được. Ta chỉ hy vọng người đời có thể nhớ đến một công chúa tài hoa hơn người chứ không phải những câu chuyện được thêu dệt đủ kiểu kia.

Có lẽ vì mấy ngày nay ngủ hơi nhiều, lại có chút lạ giường, nằm mãi vẫn không ngủ được nên ta khoác tạm cái áo rồi ra ngoài đi dạo.

Biệt viện khắp nơi đều là đèn lồng sáng trưng, tạo cho người ta một cảm giác thật ấm cúng.

Phía xa xa, ta thấy Hoàng tổ mẫu đang khoác áo choàng, đứng trầm ngâm một mình, ngắm nhìn những chiếc đèn lồng tinh xảo.

Ta liền chạy qua đó làm nũng: “Sao Hoàng tổ mẫu không đi ngủ mà nửa đêm lại ra ngoài ngắm đèn lồng thế ạ?”

Hoàng tổ mẫu vươn tay xoa đầu ta, ánh mắt hoài niệm nhìn những chiếc đèn lồng rực rỡ: “Những bức vẽ trên đèn lồng đẹp quá, cậu của con lúc nào cũng chu đáo như vậy.”

Nguyên ma ma đứng ở phía sau cũng lên tiếng: “Đêm đã khuya, để nô tỳ đưa nương nương về phòng ạ.”

“Phải rồi”, ta tựa cằm lên vai Hoàng tổ mẫu: “Đêm nay con muốn ngủ cùng Hoàng tổ mẫu.”

Hoàng tổ mẫu giơ tay búng lên mũi ta một cái: “Con bé này thật là!”



Ta nằm trên giường, vươn tay ôm lấy Hoàng tổ mẫu, người cũng đưa tay vỗ nhẹ lên lưng ta: “Con muốn nghe chuyện gì?”

“Hoàng tổ mẫu kể chuyện về Tiên hoàng đi ạ!”

Hoàng tổ mẫu giả vờ nghiêm khắc nhìn ta: “Chỉ vậy là nhanh. Chẳng lẽ mẫu thân con chưa kể với con à, cho dù chưa kể thì con cũng đọc sách sử rồi chứ.”

“Mẫu thân toàn kể qua loa thôi, còn sách sử thì khô khan lắm. Con muốn nghe những chuyện khác cơ, Hoàng tổ mẫu kể cho con nghe đi.”

Hoàng tổ mẫu không thắng được sự mè nheo của ta, giọng nói ấm áp vang lên dẫn ta về những năm tháng xa xôi trước kia.



Thái tổ Hoàng đế của Thần quốc, tài trí song toàn, một tay bình định tứ hải, thống nhất giang sơn.

Thế nhưng, càng đến các đời sau, Thần quốc cường thịnh năm nào lại càng suy yếu. Trải qua bao nhiêu cuộc bạo loạn phân tranh, cuối cùng vùng đất phía Bắc tách ra thành Bắc Ly ngày nay, hình thành cục diện nam bắc đối lập. Các đời con cháu của Thái tổ hoàng đế tuy nhận thức được nguy cơ nhưng không ai có đủ uy phong thống nhất thiên hạ năm nào của Thái tổ hoàng đế.

Phụ vương của Tiên hoàng là một người tài hoa, chỉ tiếc là tài hoa đó chỉ thể hiện trên thơ từ ca phú. So với việc mặc giáp cưỡi ngựa, ông ấy lại thích việc làm thơ viết văn hơn. Cũng may, tình cảm của ông ấy với Hoàng hậu năm đó vô cùng tốt. Hai người vì để dạy dỗ Tiên hoàng mà cất công mời bằng được vị đế sư đã ẩn cư nhiều năm vào cung. Vị đế sư này có lẽ cũng không muốn chứng kiến cảnh đế vương các đời sau không chuyên tâm với việc nước, khiến vận nước lao đao, cho nên đã dốc lòng dạy dỗ Tiên hoàng. Lâu dần, vị đế sư đó phát hiện, dòng máu đế vương oai hùng ngủ yên bấy lâu nay đang dần thức tỉnh trên người vị thái tử này.

Năm Tiền hoàng sáu tuổi, mẫu hậu của người bị bệnh mà qua đời. Phụ vương của người cũng vì đau buồn mà trải qua một trận ốm nặng. Dưới dự khuyên nhủ của triều thần, ông đã lập đích nữ của Sở tể tướng đứng đầu triều đình lúc đó làm Hoàng hậu. Thế nhưng ông ấy vì quá thương nhớ thê tử của mình, nên hai năm sau đó cũng băng hà. Mà vị Sở hoàng hậu kia, tuy rằng đã hứa trước long sàng của hoàng đế rằng sẽ chăm sóc tốt cho Thái tử, nhưng thực chất trong lòng sớm đã oán hận người phu quân chưa từng dành tình cảm cho mình.

Sau khi Sở Thái hậu buông rèm nhiếp chính, bà ta muốn tìm lại quyền lực để bù đắp cho những năm thiếu thốn tình cảm của mình. Sở thái hậu muốn xưng đế, muốn để Thái tử trở thành con rối trong tay mình. Vậy nên bà ta bắt đầu trọng dụng ngoại thích, khiến họ Sở lộng hành khắp nơi, đồng thời cố gắng trấn áp thế lực của Thái tử bằng mọi cách.

Nhưng triều đình vẫn có những người một lòng trung quân ái quốc, đứng đầu là họ Trần, Cố, Trương, Ân, Liễu, Phùng, cũng chính là phe phái đối lập với Sở Thái hậu, một lòng bảo vệ cho Tiên hoàng. Không phụ kỳ vọng của quần thần, Tiên hoàng cuối cùng trở thành một vị minh quân một lòng vì nước vì dân. Tiên hoàng kế thừa tài trí vô song của Thái tổ hoàng đế, một tay diệt sạch vây cánh của Sở gia, bóp nát giấc mộng đế vương của Sở Thái hậu. Năm mười bảy tuổi, Tiên hoàng lập đích nữ của Trần gia - Trần Vận làm Hoàng hậu, cũng chính là Hoàng tổ mẫu của bây giờ.

Tiên hoàng và Hoàng tổ mẫu vốn là thanh mai trúc mã. Hoàng tổ mẫu nói, đến tận bây giờ người vẫn nhớ rõ khung cảnh năm đó Tiên hoàng cầu hôn người.

Năm đó, Tiên hoàng hoàng dẫn Hoàng tổ mẫu đến lầu gác cao nhất trong cung, một người trước giờ vẫn luôn ổn trọng đĩnh đạc, giờ khắc đó giọng nói lại run run: “A Vận, nàng có bằng lòng trở thành thê tử của ta, trở thành Hoàng hậu của ta không? Quãng đời về sau định sẵn sẽ không dễ dàng, nếu như không muốn, nàng có thể từ chối.”

Hoàng tổ mẫu mặt ửng hồng, giọng nói nhẹ nhàng nhưng kiên định: “Ta bằng lòng.”

Tiên hoàng nghe xong vui đến nỗi ôm Hoàng tổ mẫu lên xoay một vòng, thiếu niên mười bảy tuổi năm đó lần đầu tiên bày ra dáng vẻ trẻ con: “Nàng không được hối hận đâu đấy nhé! Nếu không ta sẽ rất đau lòng.”

Hoàng tổ mẫu tựa đầu lên vai người đàn ông trước mặt, dịu dàng đáp: “Đời này không hối tiếc.”

Tiên hoàng đặt Hoàng tổ mẫu xuống, nắm chặt tay người, nói một cách kiên định: “Đợi ta xử lý xong những chuyện ở đây, ta sẽ đưa nàng về Giang Nam ngắm hoa ngắt liễu.”

Tình cảm phu thê giữa Tiên hoàng và Hoàng tổ mẫu vô cùng ân ái. Tiên hoàng còn chẳng thèm nhìn đến những nữ nhân mà Sở Thái hậu đưa vào hậu cung. Cho dù bận bịu chính sự đến đâu, Tiên hoàng cũng đều dành thời gian đón sinh thần cùng Hoàng tổ mẫu. Mỗi năm sinh thần, Tiên hoàng sẽ lén vẽ lại dáng vẻ của Hoàng tổ mẫu lên những chiếc đèn lồng, sau đó treo khắp Khôn Ninh cung, sau đó ôm lấy Hoàng tổ mẫu trong lòng, kể chuyện cười cho người nghe.

Sở Thái hậu chướng tai gai mắt, luôn tìm mọi cách để hãm hại Tiên hoàng và Hoàng tổ mẫu. Cho nên hai người họ luôn phải trốn tránh những thủ đoạn hiểm độc của bà ta, cuộc sống tuy hạnh phúc nhưng cũng không ít gian khổ.

Sau nhiều lần thất bại, Sở Thái hậu cuối cùng cũng không ngồi yên được nữa, quyết một phen ngọc nát đá tan. Bà ta không màng đến việc Sở gia sẽ phải gánh tội chu di cửu tộc mà hạ độc Tiên hoàng. Nhưng may mà Tiên hoàng phát hiện sớm, lại được thái y tận lực cứu chữa nên toàn bộ số độc đó đã được đẩy ra ngoài. Sở gia lộng hành khắp nơi, nhiễu loạn triều chính bao năm nay, cuối cùng vì tội danh mưu hại thiên tử mà bị chu di cửu tộc.

Tiên hoàng tuy không bị nguy hiểm đến tính mạng nhưng sức khỏe cũng bị ảnh hưởng, thái y nói không thể tiếp tục lao lực được nữa.

Nhưng thân là vua một nước, sao có thể không lao lực được đây?

Tuy rằng Sở gia lụi bại, nhưng vây cánh của chúng vẫn còn đó, triều đình vẫn cần phải thanh tẩy. Thần quốc suy tàn bao năm nay cần phải thay đổi. Thái tử vẫn còn nhỏ, vẫn cần người làm cha như Tiên hoàng trải đường bước đi. Mọi trọng trách lúc bấy giờ đều một vai Tiên hoàng gánh vác.

Mà đúng lúc này, Bắc Ly lại nhân cơ hội tuyên chiến với Thần Quốc.

Thần Quốc ngủ yên bao năm, nhưng dòng máu oai hùng chưa bao giờ biến mất. Công chúa không hòa thân, triều thần không cầu hòa. Giặc đến thì đánh, trên dưới đồng lòng. Đó là những năm tháng vô cùng gian nan.

Tiên hoàng một lòng muốn chấn hưng Thần Quốc, chiêu mộ người tài khắp thiên hạ, không phân già trẻ gái trai, chỉ cần có lòng đều có thể tham gia tòng quân. Quần thần bách tính, trên dưới đều một lòng chiến đấu, sự đồng lòng ấy hóa thành sức mạnh vô song, khiến quân Bắc Ly thua thảm hại trên chiến trường. Hai nước chiến tranh ròng rã suốt ba năm, Bắc Ly tổn hại nghiêm trọng, đành phải rút quân.

Tiên hoàng nhân cơ hội đó tiến hành thanh tẩy triều đình, chấn chỉnh xã tắc, khiến cho Thần Quốc vốn tưởng rằng vận nước đã tàn, nay lại lần nữa phục hưng.

Tiếc là chưa kịp nhìn thấy thời kỳ thịnh thế thì Tiên hoàng đã ngã xuống rồi.

Vị đế vương anh minh sáng suốt ấy cuối cùng vẫn không thoát khỏi luân hồi của số mệnh.

Hoàng tổ mẫu kể rằng, ngày hôm đó, Tiên hoàng vẫn xử lý chính sự như ngày thường, sau khi viết xong di thư, Tiên hoàng gắng gượng đưa Hoàng tổ mẫu đến lầu gác cao nhất hoàng cung năm xưa, nơi mà người từng cầu hôn Hoàng tổ mẫu. Hai người họ ngồi trên lầu gác, ngắm nhìn kinh thành phồn hoa náo nhiệt dưới chân. Tiên hoàng ôm lấy Hoàng tổ mẫu trong lòng, chầm chậm nói:

“A Vận, trước kia ta từng nói sẽ đưa nàng về Giang Nam ngắm hoa, nhưng xem ra, ta phải nuốt lời rồi. Nàng là người thích tự do, vậy mà lại vì ta mà nhốt mình trong cung cấm. Sau khi ta đi, nàng được tự do rồi. Nàng không cần lo cho Vinh Thuần và Vinh Sâm, sẽ có người chăm sóc cho chúng, con đường sau này cứ để chúng tự đi. Còn nàng, hãy thay ta đi ngắm nhìn non nước, đi đến nơi mà nàng muốn đến, nếu như một ngày xuân nào đó đến được Giang Nam, nhớ hái cho ta một cành liễu mang về đây nhé.”

Hoàng tổ mẫu vùi đầu vào lòng Tiên hoàng khóc không thành tiếng. Tiên hoàng dịu dàng lau nước mắt cho người: “A Vận, đừng khóc. Đời này của ta vô cùng may mắn, có cha mẹ yêu thương, có con cái đầy đàn, tráng trí đã thành, lại có người trong lòng ở bên. A Vận, bởi vì có nàng ở bên, ta không cảm thấy cô độc. A Vận, nàng phải sống thật lâu, thiên tuế thiên tuế thiên thiên tuế. Ta sẽ chờ nàng bên cầu Nại Hà, nàng cứ từ từ hẵng đến. Nếu như nàng đến sớm, ta sẽ không đợi nàng nữa đâu…”

Cảm nhận được hơi ấm trên cơ thể người trước mặt đang dần biến mất, Hoàng tổ mẫu ôm chặt lấy Tiên hoàng, trịnh trọng đáp: “Được.”

Những năm sau đó, Hoàng tổ mẫu đi rất nhiều nơi, đến núi Thiên Sơn xem tuyết trắng, đến vùng Tái Bắc ngắm hoàng hôn trên cát vàng, đến Giang Nam thưởng ngoạn trăm hoa. Giang sơn gấm vóc mà Tiên hoàng gây dựng, mỗi một nơi đều in dấu chân của người.

Chỉ là, trong mỗi giấc mộng suốt bao nhiêu năm đó, người vẫn chỉ ngóng chờ một cố nhân.



Hoàng tổ mẫu kể xong, thấy ta trầm mặc không lên tiếng thì dịu dàng hỏi: “Con sao thế?”

“Ừm…không có gì ạ, chỉ là nghe xong chuyện của Hoàng tổ mẫu, con bỗng cảm thấy, thì ra thế gian này có nhiều kiểu tình yêu như vậy.”

Tổ mẫu thấy ta nói vậy thì mỉm cười véo lên mũi ta: “Con bé này, nói chuyện của người khác thì hay lắm.”

Trước khi chìm vào giấc ngủ, ta mơ hồ nghe thấy tiếng tổ mẫu thở dài: “Mà sao đến chuyện của mình thì lại hồ đồ thế? Nếu con cứ mãi không nhớ lại thì thật khiến người khác đau lòng…”

(Còn tiếp)