Trở Về Năm 1994

Chương 11: Ác mộng



Ngày hôm sau vẫn là một ngày trời nắng, Kiều Anh thức dậy đã không thấy bố mẹ cô ở nhà. Biết ông bà đi gặt lúa cho bà nội nên hai chị em tự động nấu mỳ ăn xong rồi đi học. Không khí bận rộn của vụ gặt cũng không ảnh hưởng gì đến việc dạy và học ở trường. Lớp Kiều Anh dân số vẫn đông đủ, ba mươi nhóc con ngồi ngay ngắn nghe giảng bài. Có mấy thành phần cá biệt xoay ngang xoay dọc nói chuyện bị cô giáo gọi lên trả lời, không trả lời được sẽ phạt đứng góc lớp. Học sinh tiểu học ở nông thôn thường được nuôi thả, trèo cây đuổi chó thói quen. Ở trường học phải ngồi nghiêm chỉnh mấy giờ đồng hồ làm sao chịu nổi. Nên lớp Kiều Anh bốn góc lớp chưa từng vắng vẻ quá.

Cô Toán giáo chủ nhiệm lớp Kiều Anh còn khá trẻ tuổi, không biết do không có kinh nghiệm hay bản tính hiền lành. Cô giáo chưa từng dùng hình phạt thể xác để dạy học sinh. Không giống như hai lớp một bên cạnh, toàn là giáo viên kỳ cựu lâu năm trong nghề. Trên tay lúc nào cũng cầm một thanh thước dài, học sinh phạm sai lầm là bắt xòe hai tay ra đánh. Cũng may thời này học sinh tương đối chắc nịch, phụ huynh lại rất tin tưởng thầy cô. Chứ ở hiện đại mà vẫn dùng cách xử phạt này, thì khả năng những giáo viên kia chỉ có thể về hưu sớm mà thôi.

Nhưng phải công nhận cách xử phạt thể xác hữu hiệu hơn phạt đứng xó lớp rất nhiều. Bằng chứng là hai lớp bên cạnh rất nhanh đi vào khuôn khổ, còn lớp cô vẫn đều đều có kẻ tái phạm. Cô Toán cũng không nóng nảy, cô còn có năm năm để uốn nắn các bạn nhỏ này. Kiều Anh đối với cô Toán có ký ức khắc sâu. Ai bảo suốt những năm tháng tiểu học, cô Toán luôn luôn đồng hành với cô. Không những làm năm năm giáo viên chủ nhiệm, mà tất cả những môn học cô đều "cân" tất. Thế mới nói, giáo viên cấp một thời đại này là nhân tài khó ai sánh kịp.

Nhưng dù là kỳ tài cấp bậc nào cũng không thể làm linh hồn ba mươi tuổi Kiều Anh có hứng thú học tập được. Nhiều lúc Kiều Anh cũng muốn giống như nữ chính trong truyện ngôn tình "nhảy lớp" cho rồi. Vấn đề là cô cũng không biết có chính sách này không. Lại không dám hỏi ai. Quan trọng nhất vẫn là cô không muốn gắn mác "thiên tài" làm gì cho mệt. Chương trình tiểu học đơn giản cô có thể nhẹ nhàng qua được. Nhưng đến cấp hai cấp ba thì sao, lúc đấy cô không theo kịp thì mất mặt xấu hổ chỉ có cô với gia đình cô thôi. Vì không làm khó mình, Kiều Anh quyết định vẫn là tuần tự phát triển tương đối tốt.

Một buổi học cứ theo dòng suy nghĩ của Kiều Anh chậm rãi trôi qua. Tiếng chuông tan học vừa vang lên, cả đám nhóc con đã gấp không chờ nổi lao ra khỏi lớp. Kiều Anh cũng bị Thủy kéo đi, cô nàng này đã bị kìm nén từ sáng. Hiện giờ tan học, Thủy như mở ra máy hát nói không ngừng. Kiều Anh chỉ an tĩnh nghe, dù sao Thủy không cho cô cơ hội mở miệng là được.

Chưa đi đến đầu làng, cả đám học sinh đã bị tiếng động cơ xe máy làm giật mình. Vội vàng quay lại xem, thì thấy từ đằng xa lao tới một con xe máy. Trên xe ngồi bốn người, nhìn như là một gia đình. Kiều Anh mờ mịt không rõ những người này là ai, nhưng bên cạnh Thủy lại biết. Chỉ thấy cô nàng này bĩu môi nói: "Lúc nào cũng khoe khoang. Sợ cả làng không biết nhà bọn họ dường như."

Kiều Anh cũng bị gợi lên tính tò mò bèn hỏi: "Họ là ai vậy?"

Lời này vừa ra, Thủy vô cùng kinh ngạc nhìn cô nói: "Cậu quên luôn cả kẻ thù của cậu rồi à?" Giờ đến lượt Kiều Anh kinh ngạc, hồi bé cô thế nhưng có kẻ thù, này sao có thể? Cô không tin nhìn lại cô bạn thân nói: "Tớ sao có thể có kẻ thù được." Cô không đến mức người gặp người thích hoa gặp hoa nở, nhưng cô tự nhận mình tuyệt đối không có kẻ thù.

Thủy lần này chắc như đinh đóng cột nói: "Có mà. Hai người còn suýt đánh nhau nữa cơ."

"Này không thể tính là kẻ thù của nhau được." Kiều Anh vẫn kiên định ý tưởng ban đầu của mình nói: "Toàn là trẻ ranh với nhau, chỉ được coi là cho nhau không vừa mắt mà thôi."

Nghe còn rất có lý, Thủy thế nhưng không có gì để nói.

Chỉ vài câu đối thoại một nhà bốn người đã xuất hiện trước mắt mọi người. Chỉ thấy trước mắt một nam một nữ ngoại hình không phải xuất sắc, nhưng cách ăn mặc và khí chất toát ra từ họ hơn hẳn những người ở nông thôn. Bọn họ đi một chiếc xe Honda Cub80, tuy cũ chút nhưng ở thời này đã là khó được. Ở trung gian lần lượt ngồi một lớn một bé. Bé gái tầm tuổi cô còn bé trai tầm hai ba tuổi. Kiều Anh nhìn lướt qua thấy không có gì ấn tượng, định quay mặt đi thì thấy chiếc váy bé gái kia mặc. Không phải chiếc váy này cỡ nào đẹp, mà là nó cho Kiều Anh thấy một cảm giác quái dị còn ẩn ẩn một nỗi sợ hãi nữa. Kiều Anh đang định nhìn kỹ hơn thì chiếc xe kia đã đi qua bọn họ. Chưa kịp hoàn hồn, bên cạnh Thủy đã đẩy nhẹ vai cô một chút nói: "Cậu làm gì mà nhìn Hoa chằm chằm vậy?"

Hóa ra bé gái kia tên Hoa, nhưng cô cũng chẳng có gì ấn tượng cả. Cũng không phải người quan trọng gì Kiều Anh cũng ném qua sau đầu, quay sang trả lời Thủy: "Tớ nhìn chiếc xe máy nhà bọn họ. Ở làng mình tớ còn chưa thấy nhà nào đi xe máy đâu."

Thủy lập tức như tìm được người tri âm mà kể hết nỗi lòng mình: "Tớ cũng lần đầu thấy xe này đó." Lại có điểm ghen ghét mà nói tiếp: "Cả nhà Hoa hôm qua đi chiếc xe máy này về, rất là oai phong."

Đúng là oai phong thật, cả làng cô giờ phương tiện đi lại chỉ là xe đạp mà thôi.

"Bố mẹ Hoa làm gì vậy?" Kiều Anh hỏi.

Vấn đề này Thủy biết rất rõ. Chỉ mấy phút đã đào hết gốc gác nhà Hoa cho Kiều Anh nghe. Kiều Anh lúc này mới biết làng cô còn có nhân vật như vậy. Bố Hoa là sinh viên đầu tiên trong làng cô. Cầm tấm bằng đại học bố Hoa vào làm quản lý cho công ty dệt may của nhà nước ở trên thành phố. Mẹ Hoa chỉ tốt nghiệp cấp ba, nhưng lại có hộ khẩu thành phố. Cả hai đều làm ở công ty dệt may. Giờ không rõ làm chức vị gì, nhưng nhìn cách ăn mặc và phương tiện đi lại như vậy, khẳng định chức vị không thấp.

Kiều Anh hơi khó hiểu, hai người trình độ văn hóa đều cao mà sao đặt tên con lại dày đặc hương vị quê cha đất tổ thế này. Cô quay sang hỏi Thủy vấn đề này được đến câu trả lời đến Kiều Anh cũng hết chỗ nói rồi.

Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, tuy mẹ Hoa là thành phần trí thức, công việc cũng thể diện. Nhưng mẹ chồng nàng dâu từ trước tới nay luôn là thiên địch của nhau. Bà nội Hoa không thích người con dâu thành phố này. Lúc sinh Hoa ra hộ khẩu của bố Hoa vẫn ở nông thôn, nên giấy khai sinh của Hoa cũng phải làm ở quê. Bố Hoa bận rộn công việc mới nhờ ông bà nội Hoa ở quê làm hộ giấy khai sinh. Tên đều lấy sẵn cả rồi, chỉ việc viết vào giấy khai sinh là xong. Nhưng lại ra đường rẽ, bà nội Hoa trọng nam khinh nữ. Theo bà con gái lấy tên hay làm gì, lại nghĩ tên này là con dâu đặt bà càng không vui. Thế là tên Hoa được ra đời từ đây.

"Quan hệ mẹ chồng nàng dâu căng thẳng thế mà bố mẹ Hoa vẫn về quê vào đúng vụ gặt thế này. Tính ra bố mẹ Hoa còn rất hiếu thuận." Kiều Anh kết luận.

Cô vừa nói xong đã bị Thủy cười nhạo: "Hiếu thuận! Này cậu không biết rồi." Thủy thần thần bí bí mà để sát vào tai Kiều Anh nói nhỏ: "Nghe nói bố mẹ Hoa ăn trộm thật nhiều thật nhiều vải dệt của công ty. Bị bắt tại trận luôn, sau đó bị đuổi việc rồi."

Kiều Anh tròn mắt lên vì ngạc nhiên sau lại hoài nghi về mức xác thực của tin đồn này: "Ai nói cho cậu biết tin này?"

Thủy không hề có cảm giác tội lỗi khi bán đứng mẹ mình. Mẹ Thủy là dân buôn lê bán dưa chuột khét tiếng ở trong làng. Mức độ đáng tin cậy trong lời nói của bà còn cần thời gian kiểm chứng. Kiều Anh không hoàn toàn tin nhưng mà này liên quan gì đến cô đâu. Cô vẫn là suy nghĩ trưa nay ăn gì mới là việc đứng đắn.

Nhưng lảm nhảm Thủy không chịu buông tha cho cô, tiếp tục nói: "Lần này bố mẹ Hoa thất nghiệp, nhà tập thể bị tịch thu rồi, phải về quê ở luôn đấy. Nghe nói Hoa giờ đổi tên thành Thùy Trang, cũng bị chuyển trường về quê luôn rồi. Sang tuần học cùng lớp với chúng ta." Thủy vui sướng khi người gặp họa: "Lúc trước cậy mình là dân thành phố kiêu ngạo, xem giờ cũng cùng chúng ta giống nhau dân quê. Xem có chịu được không."

Thủy một hơi nói xong, Kiều Anh cũng chỉ gật đầu coi như đồng quan điểm với cô bạn. Nếu những lời của Thủy đều là sự thật, thì bạn Hoa này sẽ học cùng bọn cô. Nhưng cô lại không tìm được dấu vết gì của gia đình này trong ký ức của cô cả. Khả năng trí nhớ của cô có vấn đề đi.

Giờ cô không muốn suy nghĩ gì thêm, cô đang đói bụng. Kiều Anh ánh mắt đáng thương nhìn cô bạn thân không tiếng động như muốn nói: "Cầu buông tha!" Thủy đọc hiểu ngôn ngữ ánh mắt của cô, rất hào phóng vẫy tay chào từ biệt.

Kiều Anh về đến nhà đã muộn hơn mọi khi gần nửa tiếng. Chị cô đã về rồi. Hôm nay bố mẹ cô gặt cho bà nội và cũng ăn cơm trong đấy luôn. Nhưng Kiều Anh không muốn đi, vì phải chờ tất cả mọi người xong việc mới được ăn cơm. Lúc đấy sẽ rất muộn. Mà cô đang rất đói. Chị cô cũng không khá hơn là mấy, hai chị em quyết định giải quyết bữa trưa tại nhà. Kiều Anh ra vườn hái chút rau cải, chị cô vào bếp nấu mỳ. Mười phút sau, mỗi chị em ôm một bát mỳ ăn ngon lành. Vừa ăn xong thì mẹ cô về phơi thóc. Thấy hai chị em ăn cơm xong rồi cũng không nói thêm gì. Chỉ dặn dò chị cô trông thóc rồi bà cũng đi vào bà nội ăn cơm.

Ăn uống no đủ, Kiều Anh cũng đi ngủ.

Bố mẹ Kiều Anh đi về nhà cũng hơn mười hai giờ trưa, thấy cô con gái lớn đang cầm cào cào thóc. Ông bà rất vui mừng, vẫy tay gọi Ngọc Anh vào nhà. Trên tay bà cầm hai quả táo đỏ, bà đưa một quả cho Ngọc Anh rồi hỏi: "Anh Anh ngủ rồi à?" Ngọc Anh cũng chưa vội vã ăn táo mà gật đầu trả lời mẹ cô: "Anh Anh ngủ cũng được nửa tiếng rồi mẹ." Hai mẹ con đang ngồi nói chuyện lại nghe tiếng động như có đồ vật gì từ giường ngủ của Kiều Anh phát ra. Mẹ cô vội vàng chạy vào kiểm tra, phát hiện con gái út khác thường. Hai mắt cô nhắm chặt, tay chân vùng vẫy, khuôn mặt tái nhợt không có chút máu nào. Trong miệng thều thào không rõ đang nói gì. Bà kinh hãi vô cùng, đưa tay ôm lấy hai vai Kiều Anh lay nhẹ. Vừa chạm vào bà càng hoảng hơn, quần áo trên người con gái bà ướt đẫm mồ hôi. Bà vừa lay vừa gọi: "Anh Anh mẹ đây! Tỉnh dậy đi con!"

Nhưng bà gọi kiểu gì, Kiều Anh vẫn không tỉnh lại. Lúc này, bố cô và chị cô cũng chạy vào thấy cảnh này cũng sợ hãi cuống cuồng lên. Bố Kiều Anh tiến lên tát nhẹ lên má cô tiếp tục gọi tên cô. Tát đến cái thứ bẩy Kiều Anh mới mở bừng mắt ra. Mẹ cô vui mừng quá đỗi ôm chầm cô vào lòng vuốt ve sau lưng cô an ủi: "Không sao đâu, chỉ là giấc mơ mà thôi. Tỉnh dậy là tốt rồi!"

Bị ôm vào trong lòng mẹ, Kiều Anh nói ra một câu làm cả nhà hãi hùng khiếp vía: "Mẹ ơi, con thấy người chết đuối."