Trở Về Năm 1994

Chương 32: Tết



Đến gần mười hai giờ đêm, Kiều Anh đang say giấc đã bị chị cô lay tỉnh. Cô dụi mắt ngồi dậy xuống giường rửa mặt cho tỉnh. Ngoài sân mẹ cô đang cúng giao thừa. Không thấy bố cô ở nhà Kiều Anh quay sang hỏi chị cô: "Bố đi đâu vậy chị?"

Chị cô ngáp một cái mới trả lời cô: "Bố đi ra chùa hái lộc, chút nữa về xông nhà."

Thấy chị cô mệt rã rời cô không hỏi gì thêm. Không khí có vẻ nhạt nhẽo, giờ có một chiếc Tivi xem thì tốt rồi. Tuy hiện giờ Tivi chưa chắc đã có chương trình gì đặc sắc nhưng có chút ít còn hơn không. Khô ngồi một lúc, mẹ cô cúng giao thừa xong vào nhà. Ba mẹ con nhìn nhau chờ khoảnh khắc giao thừa đến.

Đúng mười hai giờ đêm, tiếng pháo nổ đồng loạt vang lên. Tuy không rầm rộ như hiện đại, nhưng cũng làm đêm giao thừa sinh động hẳn lên. Mười lăm phút sau bố cầm một cành lộc trở về. Từ ngoài sân ông đã gào lên: "Chúc mừng năm mới!"

Sau đó là những lời chúc tốt đẹp không cần tiền từ miệng ông tuôn ra. Cả ba mẹ con cô cũng chúc lại bố cô. Chúc nhau xong mẹ cô phát bao lì xì cho chị em cô. Bố cô lúc này cầm cành lộc đặt lên bàn thờ. Nhìn cành lộc Kiều Anh quỷ dị mà nhớ đến một vấn đề, nghe nói những cô hồn dã quỷ trú ngụ ở những tán cây trong chùa. Người dân ra chùa hái lộc, khác nào rước quỷ về nhà. Nghĩ mà thấy sợ. Kiều Anh nhìn cành lộc trên bàn thờ, hi vọng không có con quỷ nào ngự ở trên đó. Tết nhất là thời gian mọi người vui vẻ nhất năm, cô không muốn lấy đề tài này ra làm mọi người mất vui. Nên đành ngậm miệng.

Thanh thiếu niên làng cô đêm giao thừa hay tụ tập cùng nhau đến từng nhà chúc tết. Nhưng chị em cô vẫn là thiếu nhi nên không ở trong danh sách chúc tết của họ. Bố mẹ cô bày hoa quả bánh kẹo ra bàn chờ người đến chúc tết. Chờ đến một giờ không thấy ai đến nhà, cả nhà cô mới tắt điện đi ngủ.

Sáng mồng một tết, bố mẹ cô dậy sớm làm cơm thắp hương. Chỉ có hai chị em cô ngủ đến tự nhiên tỉnh. Đánh răng rửa mặt xong cũng gần chín giờ sáng. Cả nhà cô ăn cơm xong bắt đầu đi chúc tết.

Đi trên đường, cả nhà cô không thiếu gặp những nhóm người đi chúc tết. Đôi bên thấy nhau cười cho nhau chúc tết, xong xuôi ai đi đường lấy. Tuy bố cô là con trưởng trong nhà nhưng bà nội cô lại ở với chú út, nên nhà cô phải vào nhà bà nội chúc tết đầu tiên. Vẫn là những câu chúc quen thuộc, cả nhà cô lại lặp lại chúc bà nội và gia đình chú út.

Bà nội và thím út phát lì xì cho chị em cô. Mẹ cô cầm bao lì xì phát lại cho thằng con chú út. Ngồi trong chốc lát chú hai mang cả gia đình tới, lại một trận khách sáo qua đi, Kiều Anh lại nhiều ra một bao lì xì. Hôm qua cô đã giở ra xem bao lì xì mẹ cô phát bên trong có mười nghìn đồng. Rất là hào phóng, lúc này cô nhìn trộm bao lì xì của bà nội bên trong là một nghìn đồng. Thím út là năm trăm đồng, còn thím hai càng vô ngữ hơn lì xì một trăm đồng. Tuy là tiền mừng tuổi chỉ mang tính tượng trưng nhưng thím hai cô cũng quá keo kiệt đi.

Kiều Anh thật không ưa nổi bà thím này. Cô liếc mắt nhìn bà nội cô một cái, thím hai là bà nội cô đích thân tuyển chọn. Trong biển người mênh mông mà bà nội cô có thể chọn được cực phẩm thế này, đúng là không khâm phục không được.

Thím út bày mâm cơm ra mọi người có lệ ăn vài miếng rồi bắt đầu hành trình đi chúc tết. Suốt từ trưa sang chiều, Kiều Anh thu lì xì đầy tay nhưng mà cũng đi mệt mỏi. Cuối cùng cũng về đến nhà cô, mẹ cô bày cơm canh ra cho mọi người ăn. Bố và các chú cô lúc này mặt mũi đã đỏ bừng, mấy anh em trong nhà hiểu ý không chúc rượu nhau, chỉ ăn mấy đũa rồi giải tán. Nhà cô cũng chuẩn bị xuất phát xuống ngoại để chúc tết.

Thường thì con gái lấy chồng mồng hai tết sẽ về ngoại chúc tết. Nhưng hai cô của Kiều Anh cũng chọn ngày này về ngoại nên ba bà chị dâu đành phải về ngoại từ chiều mồng một. Nghĩ đến còn phải đi bộ thật nhiều nữa, Kiều Anh muốn đào ngũ. Tất nhiên mẹ cô không cho cơ hội này là được.

Kiều Anh sống không còn gì luyến máy móc đi hai tiếng đồng hồ chúc tết. Về đến nhà không hề hình tượng mà nằm đảo ở trên giường không nghĩ nhúc nhích. Tết cũng quá mệt mỏi. Lúc nằm xuống một chồng lì xì rơi ra khỏi túi. Cái này làm cho Kiều Anh mãn huyết sống lại, cô bật dậy móc hết lì xì trong túi ra, bắt đầu đếm tiền. Ngoài tờ một trăm đồng của thím hai ra, thì tiền toàn mệnh giá năm trăm đồng trở lên. Kiểm kê một hồi, hôm nay cô thu được mười sáu nghìn đồng cộng thêm mười nghìn đồng mẹ cô lì xì nữa cô có hai mươi sáu nghìn. Cuối cùng cô cũng có tài sản riêng. Cô nhìn quanh nhà thấy mọi người đều bận rộn không để ý tới cô, cô vội nhét tiền vào gối đầu của mình. Lúc này mới yên tâm đi ngủ.

Ngày mồng hai tết cả nhà cô dắt tay vào nhà bà nội ăn cơm, hôm nay cả nhà hai cô đều về. Vừa vào đến cổng đã nghe tiếng cười nói từ trong nhà tràn ra. Đi vào trong Kiều Anh gặp được phiên bản tuổi trẻ của hai cô và chồng của họ. Cô cả lớn hơn cô út năm tuổi nhưng lấy chồng muộn hơn nên giờ mới sinh được cô con gái hai tuổi. Còn cô út mười bảy tuổi lấy chồng, giờ trên tay bế một thằng nhóc tám tháng tuổi. Lại một hồi khách sáo chúc tết qua đi, sau Kiều Anh lại nhiều hai bao lì xì.

Nhà năm anh em đều tập hợp đầy đủ, mọi người ngồi vào mâm cơm chuyện trò rôm rả. Nhà chồng cô cả có nghề làm các loại từ bánh nếp bán. Kiều Anh hồi nhỏ ăn không ít bánh rán nhà cô. Cô cả làm nghề này cho đến trước khi cô trọng sinh vẫn còn tiếp tục. Các cụ có câu "một nghề sống đống nghề chết" rất đúng cho trường hợp của cô cả. Cho dù sau này bị thằng con trai phá tanh bành, cuộc sống của cô cũng giàu có nhất trong năm anh em.

Còn cô út có thể nói là hồng nhan bạc phận. Nói về sắc đẹp của cô út mẹ cô từng tổng kết một câu: "Thanh niên trong làng một nửa yêu thầm cô, nửa còn lại cùng họ với cô." Là phải biết cô út xinh đẹp cỡ nào rồi. Giờ thành gái một con nhưng ra ngoài đường tỉ lệ ngoái đầu nhìn lại vẫn là một trăm phần trăm. Cô lấy chồng từ rất sớm mới mười bảy tuổi, chồng cô là con trai một trong một gia đình khá giả. Ngoại hình cũng phong độ nhẹ nhàng, nhưng lại là một kẻ rượu chè cờ bạc. Sau này nợ nần chồng chất, phải lên Hà Nội lái xích lô để trả nợ.

Kiều Anh nhìn vợ chồng cô út vẫn đường mật ngọt ngào, không biết chồng cô út đã dính vào cờ bạc chưa. Có cơ hội cô tâm sự với bố cô vậy. Bố cô rất thương cô út, có lẽ bố cô sẽ lưu ý, tránh cho chồng cô út lầm đường lạc lối.

Kiều Anh xuất thần đến khi định thần lại, nghe được chú út nói ra tết muốn theo bố cô lên Hà Nội làm việc. Bố cô không phản đối, ông nhường luôn công việc làm thuê ở quầy cho chú út cô. Như vậy chú út sẽ có thu nhập ổn định hơn. Chú út rối rít cảm ơn. Bữa ăn này diễn ra khá lâu, mãi đến một giờ chiều mới kết thúc. Mọi người giúp thím út dọn dẹp và rửa bát. Lúc sau hai cô lại đi họ hàng chúc tết.

Ba mẹ con cô đã chúc hôm qua nên không đi nữa. Mẹ cô dắt hai chị em cô ra chùa xin thẻ. Chùa làng cô không có trụ trì, công việc quét dọn cúng bái đều là những bà cao tuổi trong làng thay nhau làm. Rút thẻ đầu năm cũng là một phong tục của làng cô. Nên vào trong chùa đã có rất nhiều người đang chờ rút thẻ. Mẹ cô cầm tiền lẻ lần lượt đặt ở các điện thờ, rồi vái ba vái. Đến trước mâm thẻ mẹ cô lại đặt tiền rồi thành tâm thỉnh cầu, nhắm mắt lại rút thẻ. Rút xong thẻ ba mẹ con cô quây lại đọc, không hiểu có thể nhờ người giải giúp. Năm nay mẹ cô rút thẻ rất tốt, mùa màng bội thu, buôn bán thuận lợi. Không biết có thật không nhưng đầu năm mà rút được thẻ như vậy làm con người ta rất là phấn chấn.

Rút xong thẻ ba mẹ con cô ra về.

Về đến nhà, các cô các chú đều tập hợp tại nhà cô ăn uống cho đến tối muộn mới thôi. Tiễn đi mọi người, nhà cô rửa bát dọn dẹp xong đi ngủ.

Mồng ba tết, nhà cô hóa vàng. Kết thúc ba ngày tết.