Trở Về Năm 1994

Chương 9: Hoài niệm



Tuy chú cô lười biếng nhưng vẫn là hàng thật giá thật người trưởng thành. So với sức lao động trẻ em như chị cô tốt hơn rất nhiều. Năng suất làm việc mắt thường có thể thấy được tăng lên. Đối với kết quả này, Kiều Anh rất vừa lòng, bố mẹ cô cũng rất vừa lòng.

Mắt thấy nắng càng nóng rát, Kiều Anh vội lấy nước ra cho mọi người giải khát. Sau đó mới phát hiện cô có tiềm chất não cá vàng, cô thế nhưng quên không mang dao để cắt chanh. Cũng may xuất thân nông dân như gia đình cô không chú ý nhiều như vậy. Một chiếc Liềm đã giải quyết được vấn đề này.

Mười lăm phút sau, Kiều Anh nhìn trống không siêu nước. Nhiệm vụ của cô đã hoàn thành, cô nên thu dọn đồ vật về nhà. Mẹ cô thấy lúa đã cắt gần hết, những việc tiếp theo phải yêu cầu người trưởng thành tới làm. Nên bảo chị cô về nhà nấu cơm. Chị cô ngoan ngoãn lên bờ, cùng Kiều Anh về nhà.

Kiều Anh nhìn bên cạnh đi đường chậm hơn thường ngày chị cô hỏi: "Chị có mệt không?"

Chị cô cúi người mấy tiếng đồng hồ, giờ đứng thẳng người cảm thấy lưng đau nhức vô cùng. Cũng không có gì phải giấu giếm cả chị cô trả lời: "Cũng không phải quá mệt. Chị thấy đau lưng, tay bị lá lúa cọ vào bị xước nhẹ."

Kiều Anh nhìn hai tay chị cô thấy có những vệt đỏ cũng không nghiêm trọng. Định khuyên chị cô làm vài ngày là quen. Nhưng lại nhớ chị em cô chỉ được nghỉ hôm nay vì là chủ nhật. Đợi đến chủ nhật tuần sau chắc nhà cô cũng gặt xong rồi. Cô cũng không ở vấn đề này rối rắm nhiều. Rốt cuộc con nhà nông da dày thịt béo, mấy vết xước nhỏ nhằm nhò gì đâu.

Về đến nhà, hai chị em phân công nhau làm việc. Đương nhiên nhà bếp vẫn là "cấm địa" với Kiều Anh, cô được giao cho việc hái rau khá nhẹ nhàng. Rau vườn nhà cô sau thời gian hơn một tuần nghỉ ngơi, giờ nó đã mọc lại vô cùng tươi tốt. Chị cô mới học được vài món đơn giản nên hôm nay nhà cô sẽ ăn món rau muống luộc với cà pháo muối. Món chính là thịt lợn sáng sớm mẹ cô đi chợ mua. Còn làm gì với món chính chắc phải chờ mẹ cô về xử lý.

Kiều Anh ôm rổ rau muống vào sân giếng, thấy chị cô đang vo gạo. Cô đang múc nước vào chậu thì chị cô ngẩng đầu lên hỏi cô: "Em nói, có phải nấu cơm cho chú út không nhỉ?" Vấn đề này làm chị cô suy nghĩ hồi lâu.

"Chị cứ nấu thêm cơm đi. Chờ chút nữa hỏi lại chú ấy xem." Theo Kiều Anh thấy đây không phải vấn đề. Nếu chú cô không ăn cơm thì gà nhà cô lại có cơm thừa để ăn, không lãng phí tẹo nào. "Mà sao nhà cô ngoài gà vịt ra chẳng có con vật nuôi nào khác vậy nhỉ?" Kiều Anh chợt nghĩ tới điều này. Cô nhớ hồi bé nhà cô có nuôi chó mèo đủ cả mà. Chẳng lẽ là cô nhớ nhầm. Cô quay sang hỏi chị cô: "Nhà mình không nuôi chó mèo gì hả chị?"

Chị cô bị tốc đồ chuyển đề tài của cô làm cho sửng sốt, chậm một nhịp mới trả lời cô: "Mẹ đang chờ chó nhà chú Nam. Chó nhà chú ấy mới đẻ được hai mươi ngày. Muốn nuôi phải chờ chó con biết ăn mới bắt được."

Kiều Anh hơi thất vọng. Chó cô không thích lắm, cô chỉ thích mèo thôi.

Kiếp trước cô độc thân từ trong bụng mẹ, bạn bè khuyên cô nên mua một em mèo về làm bạn. Nói thật, mèo ta quê cô có rất nhiều, màu nào cũng có. Nhưng nhìn bọn chúng cô không có xúc động muốn nuôi nên bỏ qua. Cho đến khi bạn cô cho xem ảnh mấy em mèo Tây trên mạng. Sau đó cô đã bị trúng tiếng sét ái tình với em mèo Anh lông ngắn màu vàng. Lúc đấy còn nghèo hèn như cô thế mà dám tơ tưởng nuôi một em mèo Tây, giờ nghĩ lại cũng thấy mình khả năng bị say. Giá mua em ấy đã làm cô đau ví một thời gian. May mắn em mèo này ngoan ngoãn không kén ăn. Lúc đầu mẹ cô còn mắng cô phá của, sau khi nuôi em ấy một thời gian địa vị trong gia đình của cô tụt dốc. Em mèo này thành con ruột của mẹ cô. Mà cách thể hiện tình cảm của mẹ cô thì ngàn năm như một "vỗ béo". Từ một em mèo thon thả nhẹ nhàng qua bàn tay của mẹ cô trở thành một con mèo mập mạp như heo. Không biết giờ nó thế nào rồi! Đã giảm được cân thịt nào chưa không biết?

Kiều Anh thở dài, thu hồi lại suy nghĩ, tập trung tinh thần vớt rau để vào rổ cho ráo nước. Xong việc, cô cầm chổi ra sân quét dọn sạch sẽ. Sân này chút nữa bố mẹ cô dùng để tuốt hạt và phơi thóc.

Chị cô vừa nấu cơm xong, thì bố mẹ cô cũng chở chuyến xe bò lúa đầu tiên trở về. Ba người vội vàng dỡ lúa xuống sân. Sau đó bố mẹ cô vào nhà bê chiếc máy tuốt lúa ra. Máy tuốt lúa kiểu cũ ngày xưa rất thô sơ phải dậm bằng chân. Mẹ cô ở lại, còn bố cô và chú cô lại tiếp tục đi chở lúa. Mẹ cô vào xem xét cơm nước chị cô nấu ra sao. Mẹ cô nói: "Hôm nay chú các con ở nhà mình ăn cơm. Ngọc Anh cho thịt vào luộc. Anh Anh ra ngoài vườn cắt ít hành lá mang vào để mẹ tráng trứng."

Kiều Anh ra vườn cắt mấy cọng hành, thấy có chút rau thơm cô cũng hái một ít. Đi đến gần bờ ao Kiều Anh lại hái thêm quả chanh về vắt nước rau muống. Cảm thấy đầy đủ, cô đi ra sân giếng rửa sạch rồi đưa cho mẹ cô. Chưa kịp rút tay về, mẹ cô đã đưa cho cô một nắm đen thui không biết thứ gì nói: "Ăn đi!"

Kiều Anh choáng váng cầm nắm tro đen không biết làm sao. Lúc này cô cũng thấy chị cô cầm một nắm tương tự cho vào miệng ăn. Nhìn kỹ mới nhận ra thứ đen thui này là con muồng muỗm nướng. Kiều Anh cầm một con lên xoa lớp tro đen bên ngoài ra, thấy màu nâu nhạt thịt muồng muỗm hiện ra. Cô thử đưa lên miệng cắn một miếng, vào miệng giòn béo còn khá tốt ăn. Thứ này hồi bé cứ vào vụ gặt bố mẹ cô bắt được mang về nướng cho chị em cô ăn chơi. Kiều Anh mất vài phút giải quyết xong nắm muồng muỗm kia. Ăn xong thấy tay đen xì, cô nghĩ mặt cô cũng chẳng khá hơn là bao, nên quyết định đi rửa mặt và tay. Sau khi rửa xong đi ra sân giếng thấy chị cô mặt mày nhem nhuốc cũng hướng phía này đi tới. Kiều Anh ôm bụng cười đi vào nhà. "Hình tượng nữ thần của chị cô giờ đã một đi không trở lại!"

Tráng xong trứng mẹ cô cũng không nhàn rỗi, bà ra ngoài bắt đầu tuốt hạt thóc. Máy tuốt hạt vang lên tiếng kẽo kẹt, nghe mà làm người ê răng. Mẹ cô đứng thẳng một chân đạp máy, hai tay giữ bó lúa đặt lên trục quay. Từng hạt thóc bắn ra từ trục quay rơi xuống sân. Bó lúa hết hạt mẹ cô ném lại phía sau, tay kia lại lấy một bó lúa mới tiếp tục tuốt hạt. Chỉ một lát trước máy tuốt lúa đã có một đống nhỏ thóc, mẹ cô dừng lại một chút lấy chiếc cào ra cào thóc ra hai bên. Rồi lại tiếp tục tuốt hạt. Quá trình lặp đi lặp lại như vậy cho đến khi bố cô và chú cô trở về.

Vẫn còn một chuyến xe nữa mới chở hết lúa về nhà. Nhưng giờ đã trưa rồi, bố mẹ cô bảo chú cô nghỉ ngơi ăn cơm, chiều làm tiếp. Trong lúc này Kiều Anh như con ong cần mẫn hết mang khăn lại bưng nước cho mọi người. Chờ mọi người đều chân tay mặt mũi sạch sẽ mới ngồi xuống ăn cơm.

Đều là thức ăn hàng ngày, nhưng làm việc nặng cả buổi sáng, ba người lớn vẫn ăn nhiều hơn thường ngày một bát cơm. Ăn xong, Kiều Anh và chị cô tranh đi rửa bát. Mẹ cô cũng không nói gì, giờ bà đang rất mệt chỉ muốn nghỉ ngơi. Bố cô và chú cô đã nằm lên chiếu dưới nền nhà ngủ rồi.

Nghỉ ngơi tầm một giờ, bố mẹ cô đã tỉnh dậy. Chú cô vẫn còn gáy ngủ bố mẹ cô cũng không gọi. Hai người ra ngoài tuốt hết số lúa còn lại trên sân. Làm xong này đó, bố cô mới vào gọi chú cô dậy, hai anh em đi ra chở nốt đám lúa ngoài đồng về. Mẹ cô ở lại thu thập chiến trường. Giờ này hai chị em Kiều Anh cũng tỉnh ngủ ra giúp đỡ làm việc. Mẹ cô ở giữa sân loay hoay với đống thóc. Hai chị em cô thì kéo những bó rơm ra ngoài đường để phơi. Bó rơm giờ đã không còn hạt thóc nên không nặng, một lần Kiều Anh có thể kéo hai bó. Lúc đầu còn có sức, hai chị em còn cười đùa, càng về sau càng đuối. Làm tầm hơn nửa giờ, Kiều Anh vẫy tay gọi chị cô vào giàn thiên lý ngồi nghỉ trong chốc lát. Thật quá mệt mỏi!

Ở hiện đại chỉ cần mang bao chờ lấy thóc từ máy gặt là được. Còn rơm rạ nằm rải rác trên ruộng, đợi nắng lên chúng nó khô, một mồi lửa là giải quyết hết.

Cô hoài niệm cuộc sống ở hiện đại quá!